Tạp chí Sông Hương - Số 259 (tháng 9)
Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những mối quan hệ và gặp gỡ với Phan Bội Châu
15:47 | 01/09/2010
TRẦN ANH VINH(Kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9)Lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất nhằm giải phóng khỏi ách đô hộ thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam thời kỳ cận - hiện đại, Phan Bội Châu là chiếc cầu nối.
Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những mối quan hệ và gặp gỡ với Phan Bội Châu
Ảnh: Internet
Thế hệ Cần Vương là những người đầu tiên phất lên ngọn cờ cứu nước.

Khi phong trào Cần Vương thất bại, thế hệ Phan Bội Châu tiếp tục giương cao ngọn cờ ấy trong gần 25 năm đầu tiên của thế kỷ XX.

Đến cuối năm 1924, theo đà biến chuyển tất yếu của lịch sử, Phan Bội Châu đã chuyển ngọn cờ cứu nước sang một thế hệ mới: Thế hệ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đã tìm được con đường cứu nước phù hợp - Người đã lãnh đạo toàn dân làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc; đưa ngọn cờ cứu nước từ thế hệ Cần Vương, qua thế hệ Phan Bội Châu… đến thắng lợi hoàn toàn.

Vì vậy, sẽ là chưa đầy đủ nếu tìm hiểu người anh hùng dân tộc vĩ đại, nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh mà không tìm đến những mối quan hệ và gặp gỡ giữa Phan Bội Châu với Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh sau này.

*
Với Nguyễn Ái Quốc, Phan Bội Châu là bậc tiền bối trong sự nghiệp cứu nước. Với Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành, Phan Bội Châu là bậc chú bác. Và Phan Bội Châu không những là bạn bè thân thiết mà còn là người đồng chí gần gũi của Nguyễn Sinh Sắc.

Giai thoại “Nam Đàn tứ hổ” kể về những người xuất chúng thuở bấy giờ, Phan Văn San (tên Phan Bội Châu hồi ấy) gắn liền với Nguyễn Sinh Sắc.

Uyên bác bất như San;
Thông minh bất như Sắc;
Tài hoa bất như Quý;
Cường ký bất như Lương.

Nghĩa là:

Hiểu biết rộng không ai bằng Phan Văn San;
Thông minh không ai bằng Nguyễn Sinh Sắc;
Tài hoa không ai bằng Vương Thúc Quý;
Nhớ lâu không ai bằng Trần Văn Lương.

Một trong những người cuối cùng trong số bạn bè thân cận tiễn Phan Bội Châu và Dương Tử Kính đi tìm đường cứu nước trong đêm Mồng 4 Tết năm Ất Tỵ (7-2-1905) là Nguyễn Sinh Sắc - gắn bó bởi tình bạn, nhất là tình đồng chí, đôi bạn ấy dùng dằng mãi chẳng nỡ rời tay. Nhưng rồi, họ đành phải chấp nhận sự chia ly bên cầu Hữu Biệt:

Độc Lôi sơn hạ,
Hữu Biệt kiều tây
Phong vi vu hề, chấp quân quyết;
Vũ tế tế bề, dữ quân biệt.

Nghĩa là:

Dưới chân núi Độc Lôi,
Mé tây cầu Hữu Biệt.
Gió hiu hiu thổi (chừ) như muốn níu áo anh lại,
Mưa lất phất bay (chừ) như cùng anh chia nỗi sầu biệt ly.

Dịch thơ:

Dưới chân núi Độc Lôi,
Mé tây cầu Hữu Biệt.
Gió hiu hiu chừ, mưa bay lất phất,
Cầm tay áo anh chừ, cùng anh tiễn biệt.
                        (Bản dịch của Bảo tàng Kim Liên)

Theo Bảo tàng Kim Liên, bài thơ trên của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đưa tiễn Phan Bội Châu lúc chia tay. Nhưng theo Hải Như, bài thơ ấy lại của Phan Bội Châu gửi lại cho Nguyễn Sinh Sắc:

Dùng dằng chân núi Độc Lôi,
Tây cầu Hữu Biệt bạn đòi tiễn ta.
Cầm tay chẳng muốn buông ra,
Gió hiu hắt thổi, mưa sa thêm buồn(1)

Nếu căn cứ vào bản gốc bằng chữ Hán, nhất là các cụm từ “chấp quân” (giữ anh), “dữ quân” (cùng anh) thì ý kiến của Bảo tàng Kim Liên xác đáng hơn.

Song, của ai cũng được. Vì đó là tiếng lòng của mọi nỗi lòng; là nỗi buồn chia ly vì nghĩa lớn; là sự gắn bó sắt son giữa Phan Bội Châu và Nguyễn Sinh Sắc.

Sau này đôi bạn, đôi đồng chí ấy tuy xa mặt nhưng chẳng hề xa lòng. Họ vẫn theo dõi bước đường của nhau.

1929, bốn năm sau khi bị đưa về giam lỏng ở Huế, nhận được tin đau buồn cụ Nguyễn Sinh Sắc qua đời ngày 27-11-1929 (27-10 năm Kỷ Tỵ) tại Sa Đéc (Nam Kỳ); từ túp lều tranh Bến Ngự (Huế), Phan Bội Châu có gửi câu đối viếng. Tiếc rằng chúng tôi mới tìm được một vế:

Trùng tuyền hạ, đối án hàn huyên, cầm sắt hữu thanh giai quốc thảo.

Tạm dịch là:

Dưới suối vàng, cùng nhau trò chuyện, tình bạn sắt son đều vì việc nước(2)

Chưa rõ những ý gì có ở vế chưa tìm ra. Riêng vế này đã cho ta thấy một tình bạn thật cảm động và sâu nặng. Tình bạn ấy lại được xây đắp trên cơ sở tình đồng chí và xuất phát từ một tình cảm lớn lao cao đẹp hơn - đó là tình yêu đất nước.

*
Quan hệ gắn bó giữa Phan Bội Châu và Nguyễn Sinh Sắc tất nhiên có ảnh hưởng sâu đậm đến Nguyễn Tất Thành; và sau này dẫn đến quan hệ giữa Phan Bội Châu và Nguyễn Ái Quốc.

Mở đầu cho quan hệ giữa hai nhà yêu nước lớn của dân tộc là sự kiện Phan Bội Châu từ Nhật Bản trở về nước lần thứ nhất, vào khoảng trung tuần tháng 7 năm Ất Tỵ (giữa tháng 8-1905) để bàn định với các đồng chí trong nước đưa Cường Để sang Nhật cùng với một số thanh niên du học.

Cuộc gặp gỡ có tính chất lịch sử này giữa Phan Bội Châu và Nguyễn Tất Thành xảy ra trong một chiếc thuyền nhỏ trên dòng sông Lam (Nghệ An)(3). Hai bác cháu trò chuyện, Phan Bội Châu nói rõ ý định đưa Nguyễn Tất Thành sang Nhật du học để sau này trở về cứu nước. Mặc dầu đã ngầm nuôi chí lớn… và rất kính phục Phan Bội Châu, nhưng Nguyễn Tất Thành không muốn đi. Vì sao vậy?

Chính Trần Dân Tiên đã giải thích rõ điều đó:

“Người thanh niên ấy đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ anh đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Anh đã tham gia công tác bí mật, nhận công việc liên lạc. Anh khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu… nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào…

…Anh thấy rõ và quyết định con đường nên đi. Cụ Phan Bội Châu vào bậc chú bác của anh. Cụ Phan Bội Châu muốn đưa anh và một số thanh niên sang Nhật - Nhưng anh không đi”(4).

Nếu Phan Bội Châu là người chủ động gặp Nguyễn Tất Thành trong cuộc hội kiến lần thứ nhất (1905) thì 19 năm sau trong cuộc hội kiến lần thứ hai (1924), Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc là người chủ động.

Đặt chân đến Quảng Châu (Trung Quốc) sau vụ mưu sát toàn quyền Méc-lanh ở Sa Điện; Nguyễn Ái Quốc tìm gặp các đồng chí của liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Tại căn nhà nhỏ tồi tàn trong một hẻm phố, Nguyễn Ái Quốc đã gặp Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn và Lê Hồng Phong. Cả ba người cùng quê ở Nghệ An với Nguyễn Ái Quốc. Cho Nguyễn Ái Quốc hay rằng trước đây họ là thành viên của Việt Nam Quang phục hội của Phan Bội Châu. Dần dần họ không tán thành đường lối hoạt động mang tính thụ động của cụ Phan. Và cuối cùng Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn… thành lập tổ chức bí mật mang tên Tâm tâm xã chủ trương khủng bố cá nhân. Việc mưu sát Toàn quyền Méc-lanh là một minh chứng.

Trước hết Nguyễn Ái Quốc đã ca ngợi chiến công bất tử của Phạm Hồng Thái: “Sự hy sinh của Phạm Hồng Thái sẽ trở thành cánh én báo hiệu mùa xuân sắp về. Tên tuổi của anh sẽ sống mãi”(5).

Nhưng đồng thời Nguyễn Ái Quốc cũng vạch cho Tâm tâm xã thấy chủ trương khủng bố cá nhân là sai lầm, như việc người anh của Lê-nin tham gia mưu sát Nga hoàng và cũng bị xử tử (6).

Sau khi gặp Tâm tâm xã, Nguyễn Ái Quốc nhận được tin: Tháng 6-1924 do ảnh hưởng của Tôn Trung Sơn, Phan Bội Châu đã cải tổ Việt Nam Quang phục hội thành lập Quốc dân đảng Việt Nam.

Hai sự kiện chính trị trên của những người Việt Nam yêu nước ở Quảng Châu đòi hỏi Nguyễn Ái Quốc chủ động tìm gặp Phan Bội Châu như đã chủ động tìm gặp Tâm tâm xã. Chúng tôi đã tìm được một số tư liệu có thể tin cậy về cuộc gặp gỡ này.

- Đồng chí Nguyễn Ái Quốc viết thư góp ý kiến với cụ Phan Bội Châu về đường lối và phương pháp cách mạng. Cụ tiếp thu những ý kiến đó, nhưng chưa kịp sửa chữa thì đã bị đế quốc Pháp bắt gửi về nước vào năm 1925 (7).

- Rất may là Nguyễn Ái Quốc đã có một số lần gặp được Phan Bội Châu: khi thì ở Quảng Châu, khi thì ở Thượng Hải (Trung Quốc)… mặc dù các cuộc nói chuyện này không thông suốt ngay tức khắc, song dần dần đã đem lại những kết quả mong muốn. Họ đã đi đến quyết định, là mùa hè năm 1925, sẽ tổ chức hội nghị hạt nhân lãnh đạo của đảng. Hội nghị này đã định số phận sau cùng của Quốc dân đảng.

+ “Sau khi in xong chương trình và đảng cương gần 3 tháng, ông Nguyễn Ái Quốc từ Mát-xcơva sang Quảng Châu và ông đã nhiều lần nhắc tôi thay đổi”(8).

+ Cuối năm 1924, khi Phan Bội Châu đang có những nhận thức mới, phù hợp với thời cuộc như vậy thì vừa đúng dịp Nguyễn Ái Quốc từ Nga về. Qua việc trao đổi tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc, cụ Phan đã được góp nhiều ý kiến quan trọng về đường lối cách mạng và cụ đã nghe theo. Từ đó, quan hệ giữa Phan Bội Châu và Nguyễn Ái Quốc thành gắn bó. Cụ Phan có đưa cho Nguyễn Ái Quốc chương trình và đảng cương của Việt Nam quốc dân đảng. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã góp ý là “chưa hoàn thiện” và “đã nhiều lần viết thư bảo phải sửa sang và nhuận sắc lại”(9).

Cụ Phan đã tiếp thu ý kiến bản góp ấy và định sang năm sẽ họp các đồng chí của mình để sửa đổi(10).

+ Theo cụ Nguyễn Thị Sinh (sinh năm 1910), quê ở Nam Đàn - Nghệ An đã từng vào Huế ở với Cụ Phan từ năm 1926 - 1930 kể lại:

“…Một hôm ngồi chơi, cụ Phan có nói đến Nguyễn Ái Quốc và kể lại: Bữa đó ở nhà, vừa gặp một người hoặc là một lão mật thám tuyệt vời, hoặc là một anh cách mạng triệt để. Hai bên cãi nhau một nhã không thống nhất rồi bỏ đi. Lần sau hai bên bàn bạc một ngày mới ngã ngũ một ít. Đó là một anh bàn giỏi, dần dần mình nghe theo. Sau điều tra ra mới biết là Nguyễn Ái Quốc và tiếp đó thư đi từ lại”(11).

+ “Gửi Chủ tịch đảng Quốc tế Cộng sản,

“Tôi đến Quảng Châu vào giữa tháng 12. Tôi đã gặp tại đây vài ba nhà cách mạng quốc gia Việt Nam. Trong số đó có một người đã xa rời xứ sở 20 năm nay. Trong thời gian đó ông ta đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống Pháp… Mục đích duy nhất của ông này là trả thù cho dân tộc đã bị bọn Pháp tàn hại. Trong cuộc thảo luận, tôi đã giải thích cho ông ta hiểu sự cần thiết của tổ chức và sự vô ích của những hoạt động không có cơ sở. Ông ta đã đồng ý. Và đây là những việc mà chúng tôi bắt đầu cùng nhau tiến hành:

a - Tôi đã vạch một kế hoạch tổ chức và xin gửi kèm bản sao theo đây.

b - Sau khi đã tán thành kế hoạch này, ông ta đã đưa cho tôi một bản danh sách của 14 người Việt Nam đã cùng ông ta hoạt động bấy lâu” (12).

Từ những cứ liệu trên, chúng ta có thể rút ra một vài kết luận:

- Nguyễn Ái Quốc và Phan Bội Châu không phải gặp nhau chỉ một lần mà khoảng vài ba lần vào cuối năm 1924.

- Hai bên không phải thống nhất ngay, mà lúc đầu có sự bất đồng về quan điểm, tư tưởng và đường lối cứu nước. Đó là điều tất nhiên.

Dần dần do tài “bàn giỏi” mà Nguyễn Ái Quốc thuyết phục được Phan Bội Châu.

Phan là một con người yêu nước chân chính, luôn luôn lấy sự nghiệp cứu nước, cứu dân làm mục tiêu cao cả của đời mình. Vì vậy khi đã nhận ra lẽ phải, dù là một nhà cách mạng tiền bối, Phan Bội Châu vẫn lắng nghe và tiếp thu ý kiến của một người thuộc hậu thế một cách thành khẩn, xuất phát từ một tấm lòng đầy thiện chí. Và từ đó ông khâm phục và tin tưởng Nguyễn Ái Quốc.

Nguyễn Ái Quốc - lãnh tụ mới của một giai đoạn lịch sử mới; quả là một con người không những giàu lòng yêu nước mà còn là một nhân vật có trí tuệ và tài năng, đã có sức cảm hóa được một nhà nho, một bậc vào hàng cha chú, một nhà yêu nước cách mạng lão thành.

Sự gặp gỡ và đi đến thống nhất của hai lãnh tụ thuộc hai thời đại, hai thế hệ là biểu hiện sự gặp gỡ của chủ nghĩa yêu nước truyền thống, vốn có gốc rễ sâu xa trong lòng dân tộc; là chuyển giao ngọn cờ giải phóng dân tộc từ tay thế hệ Phan Bội Châu sang thế hệ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

*
Những mối quan hệ và gặp gỡ giữa Phan Bội Châu và Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã để lại dấu ấn sâu đậm giữa hai người.

Sau này, từ cương vị là lãnh tụ đến nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc đến Phan Bội Châu và các vị tiền bối khi nói đến truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc.

Nhưng có lẽ sự đánh giá của Người về Phan Bội Châu trọn vẹn hơn cả là ở tác phẩm:

“Những trò lố hay Varenne và Phan Bội Châu” (Turlupinades ou Varenne et Phan Boi Chau) đăng hai kỳ trên báo Le Paria N0 36-37 tháng Chín và Mười năm 1925.

“…Phan Bội Châu, bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng…

Hình tượng Phan Bội Châu thật cao đẹp, là một đấng trượng phu bất khuất”.

T.A.V
(259/09-2010)




-----------
(1) Tuần báo Cứu quốc số 764 ngày 18-5-1973.
(2) Trần Anh Vinh - Chương Thâu: Thơ văn Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế; Nxb Thuận Hóa - năm 1987.
(3) Theo Hoài Thanh: Phan Bội Châu - Nxb Văn hoá Hà Nội 1978. Tr.37.
(4) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch; Nxb Sự thật - Hà Nội - 1980 - Tr.13.
(5), (6) Ép-ghê-nhi Ca-bê-lép: Đồng chí Hồ Chí Minh - Tập I. Nxb Thanh niên - Hà Nội - 1985 - Tr.195.
(7) Viện lịch sử Đảng: Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiểu sử và sự nghiệp - Nxb Sự thật - Hà Nội - 1987 - Tr.63.
(8) Phan Bội Châu: Phan Bội Châu niên biểu - Nxb Nhóm nghiên cứu Sử - Địa - Sài Gòn 1971. Tr.210.
(9) Phan Bội Châu: Phan Bội Châu niên biểu - Phan Trọng Điềm và Tôn Quang Phiệt dịch. Nxb Văn Sử Địa - Hà Nội 1957. Tr.25. Trong bản dịch bỏ sót câu này. Chương Thâu dịch và bổ sung theo nguyên bản.
(10) Chương Thâu: Phan Bội Châu , con người và sự nghiệp cứu nước. Nxb Nghệ Tĩnh 1982. Tr. 142-143.
(11) Tài liệu riêng của ông Trần Anh Vinh ghi được trong lần gặp cụ Nguyễn Thị Sinh vào Huế, tại nhà ông Trần Hoàn tháng 8-1983.
(12) Hồ Chí Minh toàn tập - tập 1. Nxb Sự thật - Hà Nội 1980. Tr.314.



Các bài mới