Tạp chí Sông Hương - Số 259 (tháng 9)
Thăm thẳm ánh chiều
09:40 | 04/10/2010
NGUYỄN NGỌC LỢIVùng quê đó mấy năm nay có nhiều người đổi đời nhờ nghề mua bán đồ đồng nát. Sắt thép nhôm nhựa, mua đi bán lại cũng thành nhà thành xe... Người ta đập nhà cũ xây nhà mới, mua ô tô, lên đời xe máy... làng xóm đêm ngày rộn rịch chuyện làm ăn buôn bán.
Thăm thẳm ánh chiều
Minh họa: Đặng Mậu Tựu
Thiên hạ làm được sao mình lại không. Nghĩ thế nên hai người đàn ông tóc đã muối tiêu, đôi bạn thân gần nhà, lại cùng bộ đội đã từng chiến đấu ở Lào ngày trước bàn nhau sang đó xem sao, biết đâu trời cũng sẽ thương... Nghe chuyện, mấy chị hàng xóm miệng nói mắt lườm. Người ta ăn chán ra rồi, tưởng đâu bở… Mà sang đó… có khi lại tìm được con rơi con vãi... Thanh minh mà làm chi, ai tin. Thôi thì… Ừ, có dại mới không… Hồi trẻ chúng tôi cũng ấy lắm chứ bộ, đi đâu các em theo đấy, tội gì mà không. Hai ông tếu táo đùa lại…

Vùng đó sang Lào không xa lắm, thủ tục giấy tờ không đến nỗi nhiêu khê. Hai ông đó, cứ tạm gọi là ông A và ông B, người năm lăm người năm tư tuổi, cầm giấy thông hành trên tay cũng thấy bồn chồn háo hức... Kỷ niệm xa lắc ùa về giục giã thôi thúc, bao điều mới lạ, bao điều hấp dẫn nơi miền đất ấy đang chờ.

Là lính đặc công chiến đấu vùng Xảm Thông, Long Chẹng, ông A bồi hồi nhớ lại những lần bí mật treo mình trên những vách đá tìm cách đột nhập sào huyệt phỉ Vàng Pao… Ông B trẻ hơn, nhớ về những chuyến xe rong ruổi trên đường bom đạn khiến có người lo thắt ruột thắt gan. Sáng xuất phát, trưa họ đã tới cửa khẩu làm thủ tục, đổi tiền kíp, ăn trưa ở thị trấn giáp đường biên. Cơm nước xong, nghỉ ngơi một chút hỏi tình hình đường sá rồi cả hai thống nhất cứ túc tắc đi bộ, vừa rèn luyện vừa thăm dò. Đường xa vắng vẻ, cảnh sắc gợi nhớ, có bao nhiêu chuyện thời lính đều tuôn ra. Chuyện cũ, đã được nghe bao nhiêu lần rồi mà lúc này vẫn thấy như mới lần đầu. Khung cảnh mới, cảm hứng mới, chuyện sau mấy chục năm được thời gian ấp ủ và chiêm nghiệm của lứa tuổi mãn chiều xế bóng đã trở nên thi vị, lung linh… Ông A kể về những chuyến luồn rừng đột kích sào huyệt địch. Đường đi sên vắt kinh người, phải bám mình trên vách đá chênh vênh hiểm trở. Chuyện về những tên phỉ tóc dài luồn rừng như sóc, ẩn hiện như ma. Để cho câu chuyện thêm mùi mẫn ông A thêm dấm thêm ớt. Con gái thượng Lào hay lắm, da trắng môi hồng, gặp bộ đội Việt cứ lúng la lúng liếng ánh mắt… Nào em Khăm Lả bạo dạn, em Bun May thùy mị đa tình… Cứ vậy, chuyện nối tiếp nhau trên suốt chặng đường, mệt đâu nghỉ đấy, rồi lại đi rồi lại kể. Xong chuyện ông A lại đến chuyện của ông B. Chuyện của ông B cũng không kém… Ông A há hốc nghe... Xe vào kho nhận hàng. Đang mùa chiến dịch, kho giữa rừng nhộn nhịp đông vui. Những cô thủ kho trẻ măng hồn nhiên nghịch ngợm, mau nước mắt và sẵn sàng trao gửi… Các chàng lính xế là nỗi mong chờ, là người mang lại niềm vui, vì vậy mà hầu như anh nào cũng có một khối tình mang theo trên những chuyến xe để mà nhấm nháp… Ông ta có nói quá lên không? Hóa ra mình không được như ông ấy. Có khi có thế thật… Lão ấy đa tình thế kia mà, chẳng trách gì lúc vượt cửa khẩu, khi nhìn con đường mất hút trong những cánh rừng, nhìn những dãy lèn đá thâm u nét mặt lão bỗng nhiên đổi khác.

Cứ thế, họ tiếp tục đi, núi rừng vẫn như bất tận và thưa thớt làng bản. Cảnh cũ đây rồi, người xưa chẳng thấy… Đâu còn những trạm khách đông vui, những binh trạm nhộn nhịp. Cả hai trầm lắng, tâm hồn trào dâng những kỉ niệm bấy lâu cất giữ trong kí ức mịt mù. Ông A càng hiểu thêm những điều ông B kể. Lính lái xe lém lỉnh, bom đạn sống chết biết đâu lường. Các em dân công, thanh niên xung phong và “các thím” mũ mềm tóc tết đuôi sam điệu đà duyên dáng…- Lính xế rơi vào đó sẽ như cá gặp nước, tha hồ vùng vẫy, tha hò lặn ngụp… đúng không? Ông A khích bạn. - Không phải lúc nào cũng thế, không phải với ai cũng thế. Có người gặp rồi lại quên. Còn có người gặp một lần, gặp rất tình cờ mà nhớ mãi. Nét mặt ông B vời vợi như nuối tiếc, bâng khuâng… Hoàn cảnh nhiều khi không cho con người ta thực hiện được ý muốn, thực hiện được dự định… Ông B úp mở, chẳng chuyện gì đi được tới tận cùng... 

Vào sâu hơn làng bản vẫn cứ thưa thớt, lâu lâu mới có vài cụm nhà, chỗ thì bám đường, nơi thì xa xa trong các khóm me lùm táo. Hai người rẽ vào xin nước uống để thăm dò nguồn hàng rồi đi tiếp. Chiều ngày thứ hai họ quyết định dừng lại ở một thị xã trên đường 13.

Thị xã bên sông Mê Công vẫn còn nghèo khó sơ sài. Lác đác mấy căn nhà tầng mới xây trơ trọi trên những khu đất mọc loang cỏ dại. Nhà tôn cũ kỹ chen giữa những khu vườn um tùm cây cối. Dăm ba ngôi chùa với mái vòm cong vút, thấp thoáng bóng áo vàng của sư sãi đi lại dáng điệu trầm mặc. Lúc này mặt trời đã đổ bóng loang đỏ cả một quãng dài mặt sông. Trong ánh hoàng hôn vàng vọt, toàn bộ khung cảnh gợi một điều gì đó rất hoang vắng cô liêu. Hai người đứng ngây ra một lúc, nghe đâu đây như trong thinh không sâu thẳm đang dâng lên một điều gì đó huyền bí lạ lùng. Đất lạ, người lạ, cảnh lạ… Lúng túng cân nhắc một lúc cuối cùng cả hai nhắm một quán cơm nằm tách bạch bên đường, đi tới. Quán cơm ở đây chả khác mấy quán cơm bên nhà. Cũng vài bộ bàn ghế cập kênh, cũng những lọ tương ớt, ống đũa. Vài con gà luộc treo lủng lẳng, khay thức ăn chín nấu sẵn và nồng nàn mùi thức nướng… Bên bếp lò rừng rực lửa và nồng khét mùi dầu rán, một người đàn ông độ bảy mươi có nước da ngăm ngăm khuôn mặt hiền hậu, áo bà ba màu cháo lòng, quấn phạ xà lùng đang đảo đảo một thứ gì đó trong chảo khẽ ngước lên nhếch mép. - Xăm bài đi… Ông A có vẻ tự tin bước đến chắp hai tay chào. Ờ. ờ… anh em ngồi đi. Dạ, bác cho hai suất… Ăn cơm, hai suất… Ông già gật gật…

Ông A ngỡ ngàng chăm chăm nhìn… Cứ nghĩ xem chủ quán sẽ nói gì bằng tiếng Lào thì lại được nghe tiếng Việt. Chủ quán là người Việt?…- Bác cũng nói được tiếng Việt? - Tôi là người Việt mà… Thong thả lau tay vào cái tạp dề nhem nhuốc trước bụng, chủ quán trả lời rồi lẳng lặng mở tủ xách ra thẫu rượu. Còn ông B. Không để ý gì tới trao đổi giữa chủ quán với bạn, ông cứ dán mắt vào vách hông nhà. Trên mảng vách bằng gỗ treo la liệt những thứ giết người. Lựu đạn mỏ vịt Mỹ, đại liên Mỹ, súng phóng lựu, RBD, B 40… Rất nhiều những băng đạn vắt ngang dọc… và… Ông chăm chú nhìn khẩu AK bắt chéo với khẩu AR15 ở chính giữa. Chủ quán thật là chịu khó sưu tầm các loại vũ khí… Toàn những thứ làm nhói lên bao điều đau đớn, buồn bã… Đã lâu lắm rồi ông không nhìn thấy những thứ này. Lòng ông bồn chồn nôn nao một cảm xúc lạ… Rồi ông A cũng quay nhìn, mắt sáng lên nói. Để hỏi xem chủ nhà có bán không. Ông B không nói gì, lòng vẩn vơ.

Chủ quán bê thẫu rượu đặt xuống bàn, mắt nhìn thân thiện ấm áp. Anh em mới sang, có khỏe không… Vậy là giữa chủ và khách đã không còn khoảng cách, không khí thuận hòa. Lạ thế, gặp nhau chỉ cần nhìn nét mặt, chỉ nghe một câu nói... Một lúc thì cơm được dọn, rượu được rót. Cá sông nướng vàng, cà sống chấm một thứ gì đó, cà chua om đậu phụ… Chủ quán: - Mời anh em, tôi không uống được rượu… Vậy là chủ uống nước, khách uống rượu. Lâu rồi mới có một ngày đi bộ, chân tay đã rã rời, rượu vào đến đâu gân cốt giãn đến đó.

- Anh em uống cứ tự nhiên, tôi có chút việc… Chủ quán đứng dậy bước chầm chậm, gồ vai nhòn nhọn nhấp nhô, mặt đượm vẻ trầm tư. Khách được tiếp thêm đĩa đậu phụ kho tương. Các chú cứ ăn nhé, lúc nào xong gọi, tôi vào nhà trong một lát.

Phía sau còn nhà. Cả ông A và ông B lúc này mới để ý. Chẳng trách gì ngoài này sơ sài, chỉ hai gian vách gỗ, bốn bộ bàn ăn. Góc trái phía trước đặt bếp và tủ thức ăn. Gần cửa thông ra sau và áp góc nhà kê một bộ dong gỗ. Nhà trong và gian ngoài cách nhau khoảng sân có mấy khóm chuối và vài cây trứng gà. Lúc này thì chủ quán như biến mất trong nhập nhoạng của mảnh vườn và từ đâu đó vọng ra tiếng tụng kinh gõ mõ. Trong ánh hoàng hôn chợt tắt và ánh đèn vừa chợt sáng, thời khắc giao hòa của ngày và đêm, của âm và dương, tiếng tụng kinh kèm với tiếng cốc cốc điểm nhịp khiến không gian trở nên huyền hoặc đến lạ lùng. Chưa từng được chứng kiến một khung cảnh đầy vẻ liêu trai thoát tục như thế này, cả hai bỗng nhiên dừng đũa thẫn thờ…

- Anh em ăn đi chứ, không quen miệng ư?

Chỉ nghe tiếng mà không thấy người. Chủ quán đứng đâu trong bóng tối nhập nhòa nơi góc nhà, sau vườn cây nói vọng ra. Thị xã đầu hôm, vùng ngoại ô vắng lặng buồn tê tái. Xa xa, có lẽ đó là trung tâm cũng chỉ hừng lên mấy quầng sáng, còn lại tất cả ánh đèn chỉ le lói như những ngôi sao lẻ xa lắc trong màn đêm cuối tháng. Cả hai giục nhau ăn cho xong bữa để tìm chỗ ngủ. Thế rồi bữa cơm cũng ăn xong. Khách vừa dừng đũa thì chủ quán xuất hiện.

- Lại bàn uống nước, mặc tôi.

Chủ quán bưng mâm bát ra sau nhà, một lúc thì tiếng nước chảy, tiếng kì miết và tiếng lách cách của va chạm bát đĩa. Vậy là chỉ mình ông, vừa nấu nướng vừa phục vụ. Ông B đưa mắt nhìn ông A. Người nhà đâu cả? Ai đang tụng kinh gõ mõ trong kia? Hai người thì thào trao đổi bên ấm trà đã được chủ quán pha sẵn.

- Nếu không chê thì anh em cứ nghỉ ở đây. Chủ quán chỉ vào bộ dong gỗ. Cũng đã có anh em bên nhà sang làm ăn ngủ ở đó rồi. Anh em đi đâu thì đi, tối về đây…

Khoảng chín giờ, phố xá vắng tanh. Thi thoảng mới có đôi ba chiếc xe máy vụt qua, ánh đèn quét sáng trước quán một vệt phút chốc mất hút trong màn đêm. Chủ quán dọn dẹp đồ đạc rồi đóng cửa đi ra nhà sau. Buổi đầu như thế là thuận lợi. Có chỗ ăn nghỉ, lại gặp người đồng hương… Kêu mệt đi nằm, ông B vừa đặt lưng đã nghe tiếng ngáy nhè nhẹ. Ông A cũng đi nằm, chỉ một lúc cũng chìm vào giấc ngủ. Sáng hôm sau, khi cả hai thức dậy đã thấy bếp lò đỏ lửa. Chủ quán giục họ rửa ráy để ăn sáng và đi sớm cho được việc. Ăn mỗi người nắm xôi chấm với một thứ chẻo lạ nhưng rất ngon, hai người hẹn chiều tối sẽ quay về rồi ra đi.

Họ thống nhất chọn những khóm nhà rìa thị xã. Vùng này trước đây chiến sự ác liệt lắm. Đúng thế, khi được hỏi người ta bảo hầu như nhà nào ở đây cũng có chút gì đó do chiến tranh để lại. Mảnh bom pháo, vỏ đạn, xác xe cộ... Mấy năm gần đây đã có người thu gom nên bây giờ đã ít đi. Ông A bảo ông B, trâu bạc đi đâu mất mùa đấy, tưởng đâu dễ ăn… Mấy mụ ở nhà độc mồm độc miệng. Dù vậy cũng không đến nỗi trắng tay, đến nửa buổi sáng họ gặp được mấy vỏ bom bi, dăm ống pháo sáng bằng nhôm và khung một chiếc xe Jep cháy. Bữa trưa ăn tạm vắt xôi chủ quán đùm cho mang theo rồi họ đi tiếp. Lác đác họ lại gặp vỏ bom, ống pháo sáng… Mua ở đâu họ gửi tiền đặt cọc ở đó, hẹn ngày tập kết rồi thanh toán luôn. Người Lào chỉ nói một lời, chữ tín với họ là điều bất di bất dịch. Ngôn ngữ bất đồng, mọi giao dịch phần nhiều chỉ dùng bằng tay…

Thấm thoắt họ sang đây đã được ba ngày. Nhẩm số hàng mua được đã kha khá, đủ cho một xe tải nhẹ. Ông A bàn với bạn, ta chỉ cần ở thêm một ngày nữa. Ông B ậm ừ… có lẽ vậy…

Ba ngày đã qua, ngày nào cũng như ngày nào, sáng dậy ăn rồi đi, chiều về chủ quán đã dọn sẵn cơm canh chờ. Chẳng bữa nào giống bữa nào, thực đơn được thay liên tục khiến cả hai rất ngon miệng. Và bữa nào cũng vậy, chủ quán chờ họ ăn xong để dọn rửa rồi đi mới đi nằm. Và đêm nào cũng như đêm nào, thân thể bấy bá, chân cẳng mỏi nhừ, cả hai nằm chờ giấc ngủ trong tiếng tụng kinh và tiếng cốc cốc điểm nhịp tẻ nhạt vọng ra từ sau mảnh vườn um tùm bóng lá đầy huyền bí. Đã mấy ngày rồi mà họ không gặp ai ngoài ông già chủ quán. Mà chủ quán cũng chỉ như chiếc bóng âm thầm. Chỉ có tiếng tụng kinh là hiện hữu, nó luôn được bắt đầu mỗi lúc hoàng hôn nhuốm đỏ trời chiều cho tới tận khuya. Giấc ngủ của hai người như trôi trong miên man những lời kinh kệ nhuốm màu huyền hoặc.

Tối thứ ba, lúc đó có lẽ đã gần nửa đêm, ông B chợt thức bấm vào sườn ông A… Ở nhà trong hình như có tiếng đàn bà. Tiếng nói thì thào loáng thoáng không rõ, lúc tiếng Việt lúc tiếng Lào. Có lẽ vợ chồng chủ quán đang trao đổi gì đó để giúp họ… Nào là chỗ nọ, chỗ kia. Nghĩ thế một lúc rồi cả hai lại chìm vào giấc ngủ. Sáng hôm sau, ông A nói với chủ quán rằng mấy ngày được bác giúp đỡ nhiều. Hôm nay bọn em đi một ngày nữa, tối xin bác cho thanh toán để sáng ngày kia về sớm. Chủ quán ư hử rồi lặng lẽ làm công việc.

Chiều đó, một phần cũng cảm thấy mỏi mệt, một phần hàng tập kết đã được kha khá nên ông A bàn với ông B nên về sớm. Lúc cả hai về đến quán cơm thì mặt trời hẵng còn khá cao. Bên kia sông là đất Thái, vẫn làng mạc ruộng đồng và lác đác đôi cụm nhà tầng cao vượt. Tất cả soi bóng xuống mặt nước được ánh nắng cuối chiều quét lên một màu vàng mật ong khiến cảnh sắc trở nên tráng lệ và u hoài đến thăm thẳm. Một cảnh tượng thật ít gặp… Điều đó khiến ông A chợt cảm thấy nhớ nhà. Còn ông B... Ông A nhìn ông B đứng bần thần, vẻ mặt hoang vắng như hóa đá ngoài cửa quán. Ông A lẩm bẩm, lão sao thế không biết...


Vẫn cũng như mọi hôm, cuối chiều quán vắng tanh, chủ dọn cơm rồi để mặc hai người. Ông già đi ra ngoài và từ nhà trong lại vang lên tiếng tụng kinh gõ mõ như mọi hôm.  

Bữa tối nay cả hai đều ăn uể oải. Chẳng phải thức ăn không ngon, cũng chẳng phải vì mệt. Tầng tầng khói bếp lưu cữu trong góc nhà, sự nhập nhoạng của thời khắc giao hòa sáng tối khiến họ có cảm giác không còn là mình nữa. Thế rồi bữa ăn cũng đã xong. Chủ quán bước vào để dọn rửa, tiếng loảng xoảng của mâm bát làm hai người như sực tỉnh. Lúc đã ngồi vào bàn nước, ông A lại nói lời cảm ơn vì mấy ngày nay được chủ quán coi như người nhà. Ông A đưa ra một nắm tiền. Xin bác cho thanh toán… Ô, thế ra chúng ta không phải người nhà à? Không, em không có ý đó, nhưng… Thôi, thế này... Cũng chẳng đáng mấy. Gặp được bà con bên mình là tôi vui rồi. Chuyện tiền nong tôi lấy chỗ này bù chỗ nọ… Mở hàng ăn tôi không lấy lời lãi làm đầu… Dạ, bọn em có tiền mà... Tôi không bảo anh em không có tiền… Chủ quán rút tờ một trăm nghìn. Được rồi… Sao bác lấy ít vậy, ông A kêu lên, nào tiền nghỉ, tiền ăn… vả lại hôm nào bác cũng cho ăn ngon… Ông A nhẩm tính, như bên nhà, chừng ấy bữa ăn, chưa nói tới việc đi về nghỉ ngơi đàng hoàng, cũng phải tốn bạc triệu, vậy mà… - Các chú ngon miệng là tôi vui. Toàn đồ chay cả, chẳng hết mấy… Tôi lấy vậy thôi. Người mình cả mà…

- Ôi, sao đồ chay mà ngon vậy, bác thật tài chế biến! - Ông A kêu. 

- Tôi mở quán ăn chay đã mấy năm. Đường tu còn dài lắm, công phu tu tập chẳng bao giờ cho đủ…

Vẻ mặt bình thản, dáng điệu từ tốn khoan thai, chủ quán nói mà như đọc kinh Phật. Cả hai người đều hiểu họ đang được hưởng phúc từ ông, người cùng quê hương dòng giống... Chủ quán nói tới hai tiếng “người mình”. Vâng, người mình… đơn giản vậy mà lúc này, giữa mảnh đất xứ người được gọi lên sao mà ấm áp… Cả ông A và ông B ngồi yên lặng. Họ đâu có những năm đằng đẵng của người xa xứ để mà hiểu được tấm lòng đau đáu hướng về cố quốc của người chủ quán. Người xa xứ thì có nhiều nhưng có phải ai cũng có tấm lòng như vậy đâu. Hình như chủ quán đang có niềm trắc ẩn hoặc sám hối điều gì…

Để phá bỏ bầu không khí có phần nặng nề bởi sáng mai họ đã về nước, ông A cố nói giọng vui vẻ:

- Bác vẫn chưa kể chuyện cho bọn em nghe… Bác sang đây từ...?

- Cũng mới thôi. Chiến tranh li loạn…

- Bác cũng là bộ đội??

- Không, tôi là lính Sài Gòn…
Chắc anh em cũng là lính. 

- Dạ, dạ... chúng em cũng có tham gia bộ đội… Ông B lên tiếng. Lính Sài Gòn thì cũng là người mình, hơn nữa bây giờ…

- Cứ để tôi nói. Giờ đây không là chi nữa nhưng hồi trước thì… Chẳng phải là tôi thanh minh đâu, thực lòng chẳng ai muốn… Tôi trốn lính mãi mà không được. Anh em tin không thì tùy… Người ta bảo với tôi rằng là người dân ai cũng phải có nghĩa vụ với nước. Thực lòng lúc đó tôi cũng nghĩ thế, nhưng hóa ra... hóa ra... Năm 71, lúc đó tôi đã ba mốt tuổi. Sau mấy tháng quân trường được điều ra Quảng Trị tham gia Lam Sơn 719. Chắc anh em biết… Kết cục lữ dù 3 tan tác ở đường 9 nam Lào. Lữ trưởng bị bắt, lính số chết số bị bắt, tản mát hết... Tôi may mắn trốn thoát… Ông dừng lại rót trà rồi nâng chén nước lặng lẽ uống…

Cả hai chăm chú nghe như ngừng thở. Câu chuyện đã bắt đầu vào hồi gay cấn… Vứt bỏ quần áo súng đạn, tôi chạy một mạch không còn biết trời đất. Vượt núi luồn rừng, mãi đến lúc màn đêm buông xuống và không còn nghe tiếng súng nữa thì tôi mới dám dừng lại. Lần đầu vào rừng, lại là rừng rậm, đủ thứ sợ… Sợ thú, sợ người… Cuối ngày hôm sau, đói quá tôi phải liều đi tìm cái ăn. Chỉ xuống gần nơi có người thì mới có cái ăn. Tôi chui lủi quanh các rẫy cũ bẻ ngô, moi sắn, vặt trộm đu đủ, chuối xanh… Khi không còn gì thì ăn rễ cây cóc nhái kiến bọ… Một hôm định mò ra đào trộm sắn thì tôi gặp người. Ông nói, nói bằng tiếng Việt… Đừng chạy nữa. Đi với tao. Hóa ra ông ta đã biết tôi trốn ở đó mấy hôm rồi…

- Bác ở với họ bao lâu? Ông A hỏi.

- Ban đầu thì ở chung, sau ra riêng... Họ tốt lắm, cho tôi ăn, cho tôi mặc...

- Sao bác không tìm về? Ông B buột miệng.

- Về ư? Giao tranh đang ác liệt. Đường xa rừng thẳm. Không chết vì cái này cũng chết vì cái kia. Biết đâu lại rơi vào tay… Tôi ăn cơm Lào, mặc áo quần Lào, cũng đi nương, cũng đi săn. Và trở thành người Lào… Mấy năm sau nghe tin bên nhà đã hòa bình tôi mừng lắm. Vậy là hết cảnh bắn giết, sẽ không còn cảnh li tán chết chóc. Tôi lưỡng lự phân vân, họ bảo Việt Nam hòa bình Lào cũng đã hòa bình. Mày muốn về thì về, không muốn về thì ở lại… Lúc đó nhà chẳng còn ai, ba tôi đã mất trước đó mấy năm, má tôi cũng chết do mảnh pháo ngoài ruộng...

Nói đến đây mắt chủ quán ngấn lệ. Cả ông A và ông B ngồi im phăng phắc, nỗi buồn từ chủ quán truyền sang khiến họ tê tái… Tôi có đứa em gái không biết trôi dạt phương nào. Có lẽ ở quê lúc đó tôi đã bị xóa khỏi tâm trí của mọi người. Sáu năm trời rồi còn gì… Bấy giờ chủ quán khóc thật, khóc lặng lẽ, khóc đau đớn. Ông A nhìn ông B, hai người nhìn nhau lặng lẽ. Điều gì khiến họ trở thành chỗ để người đàn ông xa xứ này chia sẻ điều sâu kín?…

- Điều đau nhất của tôi là mất vợ… Lấy bàn tay xương xẩu chùi nước mắt chủ quán nói tiếp. Trước lúc lên trực thăng ở Đông Hà, anh bạn người làng về thăm nhà lên cho tôi hay tin con vợ tôi đã theo một sĩ quan vào sài Gòn… Chồng ra trận, vợ ở nhà theo trai… Nhưng thôi, không nói tới chuyện đó nữa… Trong hai người có ai tham gia trận Lam Sơn không? Ông già đột nhiên đổi hướng câu chuyện

- Không, anh em chúng tôi sau đó vài năm mới vào bộ đội. Em ở Thượng Lào, còn ông này…

- Còn em... Ông A chưa nói chưa xong thì ông B tiếp, em là lính lái xe chạy tuyến phía Tây.

Trời đã tối, và từ nhà trong lại vọng ra tiếng đọc kinh và tiếng mõ cốc cốc… Hai thứ âm thanh hòa quyện như xe vào nhau và kéo dài như không đầu không cuối.

- Xin lỗi bác… Do dự một lúc rồi ông A mạnh dạn hỏi. Thưa bác… Có gì không phải mong bác bỏ quá cho. Phải chăng chỉ mình bác ở đây? - Vâng, chỉ có mình tôi… Sang đây tôi cũng có vợ, nhưng… bà ấy tịch đã ba năm rồi…

- Trời, em xin lỗi…

- Chú có lỗi gì…

- Dạ thưa... Bác đã theo đạo Phật? Ông B thăm dò…

- Mô phật, cuộc đời vô thường, đời người là bể khổ. Chẳng mấy ai thoát khỏi kiếp luân hồi… Bỏ công tu tập may ra kiếp sau bớt được khổ đau… Sau hai lần sinh không được nuôi con vợ chồng tôi quyết định ăn chay niệm Phật trọn kiếp tu hành... Giọng nói chủ quán  nhuốm vẻ bi ai.

- Thế bác có bác gái lúc nào?

- Chuyện dài lắm, anh em đã buồn ngủ chưa?

- Chưa, chưa, bác kể tiếp đi!

- Ở trong nhà người Lào đó được mấy tháng thì xin ra ở riêng. Tôi dựng một gian nhỏ ngoài rìa bản, cũng phát nương tỉa bắp, cũng nuôi con chó con gà… Vậy mà ngày tháng trôi qua lúc nào. Dạo đó hòa bình đã gần một năm và đến mùa mưa. Mùa mưa bên này thì các chú biết rồi. Mưa dầm dề dẳng dai. Mưa ngập sông ngập suối mưa thúi đất thúi đai… Trưa đó, ngồi trong nhà nhìn ra tôi thấy một cái bóng chờn vờn bên kia đồi. Đầu tiên là một chấm nhỏ xuất hiện từ mí rừng rồi cứ xịch dần xịch dần. Hóa ra đó là người, một người có dáng điệu kì quái.

Chừng như đã mỏi, chủ quán ngừng kể, đi lại góc nhà kéo chiếc ghế phô tơi cũ đặt cạnh thành phản rồi ngả lưng. Đã gần chín giờ, nhà trong vẫn tiếng đọc kinh và tiếng cốc cốc vọng ra đều đặn miên man. Giọng chủ quán rủ rỉ, không gian yên ắng, tiếng đọc kinh và tiếng mõ đều đều càng vang lên rành rọt. Bất ngờ, giọng chủ quán cao vút khiến ông B giật mình.

- Tôi như không tin vào mắt mình. Chẳng lẽ là ma?… Nhưng không phải. Không phải ma mà là người. Một người đàn bà, một cô bộ đội Việt… Tôi nhận ra điều đó nhờ vào cái quần quân phục và cái nón vải ướt mèm trật bên vai khi cổ đến gần…

- Sao lại là bộ đội nữ… Ông A không hiểu.

- Đúng là nữ quân nhân, một cô bộ đội… Nhưng cổ bị điên… Cổ bị người ta bỏ quên…

- Bị bỏ quên…

Thật không thể tin được.
Ông A lẩm bẩm trong miệng.

- Thế đấy. Hòa bình đã được hơn một năm… Tỉnh lại cổ kể cho tôi nghe… Cổ là lính coi kho. Kho ở giữa rừng mà suốt ngày nhộn nhịp đông vui. Đi chiến trường hóa ra lại vui. Dạo đó là cuối năm bảy tư, khí thế cách mạng hừng hực… Ban đầu thì thế, không hiểu sao xe vào thưa dần, thưa dần rồi mất hẳn. Ba cô gái giữa rừng sâu không bom đạn, không cả tiếng máy bay. Vài tháng sau hai người kia lần lượt chết, một do sốt rét một bị rắn độc cắn. Vậy là chỉ còn lại một mình cổ. Một mình giữa rừng sâu, đàn ông còn hoảng huống chi là đàn bà con gái… Thân gái côi cút đơn độc hàng năm trời, đêm hôm, mưa gió… Chắc mưa rừng các chú đã biết…

Dạ, dạ… Họ trả lời như như máy và cảm thấy trong đầu bùng bùng, ầm oàng sấm chớp của những trận mưa rừng đã gặp… Ông A rùng mình nhớ lại những trận mưa hãi hùng ở vùng núi cao thượng Lào. Rừng núi bịt bùng. Những tầng mây đen ngập trời sà thấp tận ngọn cây và sấm chớp như muốn đánh vỡ cả núi non. Con người lúc đó có cảm giác như đang nằm dưới đáy đại dương đen ngòm…

- Cổ không đi một mình…, trên tay còn có đứa con… Chẳng biết ai đã để lại cho cổ đứa con…

Cả ông A và ông B lại điếng người. Câu chuyện sao mà kinh khủng, sao mà khó tin. Làm sao có chuyện như vậy được. Biết rằng trong chiến tranh tất cả mọi chuyện đều có thể, nhưng… Số phận con người cùng cực đến thế thì khó mà tưởng tượng nổi.

- Mình cổ để trần, khoác chéo qua người một đoạn dây rừng ngoắc lủng lẳng những vỏ lon, những củ sắn và túm rau rừng… Một tay bế con một tay cổ uốn éo vừa đi vừa múa.

Không khí trong quán như đặc quánh, cả hai nín thở. Câu chuyện càng lúc càng cuốn hút đến rợn người… - Cô ta xuống đến trước cái lều thì tôi đi ra. Tôi định ra bảo cô vô nhà trú mưa. Nhưng thấy tôi, cô giật mình hốt hoảng bế con chạy ngược trở lại vào rừng. Tôi chạy theo gào khản cả cổ mà cổ đâu có dừng… Mưa quất chéo rát và tối tăm mặt mũi. Thoáng chốc cô mất hút trong màn mưa. Lúc đó tôi chưa biết trong cái bọc là đứa con. Tôi cứ cắm môi bước, vừa đi vừa vạch lá tìm. Lúc lâu tôi mới bắt gặp được hai mẹ con. Dưới một gốc cây to cô ta đang cho con bú… Cổ còn trẻ lắm các chú ạ, còn trẻ lắm, có lẽ chưa tới hai mươi... Da xanh tái, tóc tai dính bết trên khuôn mặt xanh xao Tấm lưng trần gồ lên những đốt sống và những dẻ sườn... Chỉ có hai bầu vú… Hai bầu vú của người đàn bà trẻ trong kì nuôi con… nó đầy đặn... Lúc này thì giọng ông to hơn và như muốn đứt hơi... Bầu vú hồng hào... căng mọng… Các chú biết không? Ngước lên nhìn tôi bằng cặp mắt ngây dại, vô hồn rồi cổ lại cúi xuống cho con bú. Một tay cổ đỡ đầu đứa bé, một tay nâng bầu vú có cái núm thâm thâm ấn vào cái miệng bé tin hin… Nhưng... Ông nấc lên. Đứa bé… nó đã chết…

- Trời… Ông A và ông B đồng loạt thốt lên… Cả hai người bủn rủn chân tay.

...Sữa hòa với nước mưa chảy tràn trên khuôn mặt bé tí, đã tím bầm và trương mọng… Thế đó. Đứa bé đã chết… Nó đã chết. Có lẽ đã mấy ngày rồi. Chủ quán nấc lên… Thân thể nó tím ngắt và đã bốc mùi... Lúc đến gần nghe mùi khăn khẳn tôi chưa nhận ra… Cô ấy không biết gì hết, không hề biết. Đứng nhìn những giọt mưa như những mũi tên cắm xuống vỡ tan trên tấm lưng trần, vỡ tan trên khuôn mặt tím đen căng mọng của đứa bé và trên bầu vú no tròn trắng xanh của cổ mà tôi chết lặng...

Lúc này chủ quán cũng đang chết lặng, khuôn mặt tái nhợt và ngồi thở dốc. Trong không gian nhỏ của ngôi nhà chỉ có tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ chạy ở đâu đó vang lên rành rọt và một lúc thì lại có tiếng cốc cốc kèm theo tiếng tụng kinh vọng ra.

Chẳng lẽ những tiếng đó từ nơi khác vọng đến. Chung quanh đây có nhà nào gần đâu. Ông A nhìn sang, ông B vẫn ngồi bất động như đã hóa đá.

- Thế rồi sao nữa bác? Một lát thì ông A đánh bạo hỏi.

- Tỉnh lại tôi rất hoảng. Một lúc nhớ ra tôi chạy về bản gọi thêm người. Nghĩ rằng khó lòng mà dằng được đứa bé ra khỏi mẹ nó, ai ngờ… Tôi vừa đưa tay ra thì cô đã đặt nó vào tay tôi. Vừa chạm tay vào cái bọc thì một mùi hôi khắm không thể tả xộc lên khiến tôi nôn thốc nôn tháo… Nói đến đây ông nhăn mặt và đầy vẻ đau đớn… Lại ắng lặng một hồi lâu… Mấy người Lào dằng lấy cái xác trong tay tôi… Hiểu ra, tôi nắm lấy tay cổ, rồi tôi dìu cổ. Mưa to lắm, đường rừng vừa trơn vừa nhiều gai góc và đá nhọn. Lết đi được một đoạn, khi nhận ra không còn đứa bé trên tay cô lại gào lên rồi cấu xé tôi… Người ta đã chôn đứa bé… Dìu cổ về lều được một lúc thì mấy người đàn ông quay về báo đã chôn nó. Người ta chôn nó trong mưa, không hương không khói... Vậy là cái lều của tôi có thêm người đàn bà. Dân bản bảo nó là người Việt thì nó phải ở với mày. Có cổ trong nhà, tôi bận lắm. Hàng ngày phải canh cổ, đến bữa ăn cũng phải dỗ phải đút, lúc ngủ cũng phải canh. Có lúc cô xé toang áo quần rồi chạy vào rừng tìm con… Rất nhiều lần như thế. Phải tới nửa năm cổ mới hồi phục. Chẳng biết do tôi dỗ dành gợi nhắc hay do các loại lá cây, rễ cỏ dân bản mang cho mà cô khỏi điên.

- Thế rồi cô ta ở với bác chứ?

- Vâng. Có lẽ đó là duyên tiền định. Tôi yêu cổ ngay từ lúc dìu về và nghĩ rằng đây mới là người đàn bà của mình… Tiếp đến là những ngày chỉ có hai người… Tôi đút cho cổ ăn, tắm rửa cho cổ. Chúng tôi thành vợ thành chồng y như trời phật đã định sẵn vậy.

- Chuyện thật là… hiếm gặp, bác nhỉ. Mà sao cô lại…

- Thật tội nghiệp cho cổ… Cái kho... cổ không thể bỏ cái kho… Biết đâu sẽ có xe quay lại nhận hàng… Hơn một năm sống trong chờ mong đến tuyệt vọng… Hòa bình đã từ lâu, người ta kéo nhau về hết mà cổ đâu có biết… vẫn một mình với cái kho. Một mình tự xoay trở tất cả. Đứa bé chưa đầy năm bị ốm, chẳng biết xoay xở ra sao, cổ liều mạng bế con vượt rừng…

Trước mặt họ lúc này là một pho tượng, một pho tượng nhà mồ khô đét gồ ghề những vết rìu đẽo vạc. Chủ quán đã ngừng nói, ông hộc lên đau đớn như một con thú bị thương. Nỗi khổ đau của người đàn bà được ông cứu vớt và lấy làm vợ, dù đã mấy chục năm nay đang trở về hành hạ ông. Ông cứ ngồi thế, nét mặt đông cứng và toàn thân câm lặng. Chủ quán khiến cả hai nín thở và cảm thấy đau nhức vòm ngực. Mặt ông A tái xanh còn ông B run lẩy bẩy và mất hết thần sắc.

Chẳng biết lúc đó là mấy giờ. Xa xa, bên kia sông, phần đất Thái, ánh điện đang hồng rực, đang sáng xanh trên những tòa nhà cao tầng. Mặt trời lặn ở bên đó. Ông B nhớ chiều đầu tiên đến đây, trước khi tắt mặt trời cũng để lại một mặt nước sông Mê Công đỏ ngầu như màu máu... Câu chuyện của chủ quán khiến ông lúc này chỉ biết ngồi im lặng. Hình như không chịu được nữa sự nặng nề, căng thẳng, ông rụt rè.

- Thưa… sau đó thì thế nào ạ?  

- Chúng tôi trở thành vợ chồng và quyết định sẽ không về nước. Một năm sau chúng tôi dời xuống đồng bằng, cốt tránh xa cái nơi ám ảnh đau thương ấy. Thế rồi lại từ ATôPơ lên Thà Khẹt và bây giờ... trụ lại đây… Từng ấy thời gian, hai lần sinh đều chỉ là một bọc thịt… Chủ quán lắc đầu đau đớn. Họ rùng mình ớn lạnh…- Thấm thoắt thế mà đã sắp hết một đời người. Cổ đã chết, tôi cũng chẳng còn sống được bao nhiêu... Phật dạy muốn thoát khỏi luân hồi, người tu tập phải đi trên con đường vô ngã… Tôi biết đường về cõi niết bàn thì mịt mờ thăm thẳm. Một mình tôi vẫn cố giữ, quyết không xa rời năm giới, gắng sống sao để được phúc cho đời sau… Cổ làm gì mà phải chết buồn chết khổ như vậy. Khi sinh ra bọc thịt thứ hai cổ khóc đến mù cả hai mắt… Cổ chết… sau đó mấy tháng… Mười tám tuổi đi bộ đội, chân ướt chân ráo đã vào Trường Sơn coi kho. Còn tôi, tuy cầm súng nhưng đã nổ phát đạn nào đâu… Hay là 0tại kiếp trước… Chẳng biết kiếp trước chúng tôi ăn ở thế nào mà chịu quả báo như vậy. Thôi, khuya rồi đó, các chú đi nghỉ đi, mai còn về…

Chủ quán đứng dậy rồi mất hút vào khoảng tối sau nhà. Ông A và ông B cũng lẳng lặng lên chỗ ngủ. Đã quá nửa đêm, giấc ngủ đến với họ chập chờn chao đảo. Ông A nghe rành rọt tiếng tụng kinh, tiếng gõ mõ, rồi lại thấy như hương khói từ đâu đó ùa đến phủ kín chỗ nằm. Xa xa ánh đèn le lói như ma trơi dọi tới rồi tiếng nói tiếng cười lao xao và có cả tiếng rậm rịch của bước chân. Có lúc ông lại thấy bộ dong dưới lưng rung rinh trôi nổi. Ông bật dậy và giật mình. Chẳng biết bạn ông đã dậy từ bao giờ, một mình trong bóng tối và đang nói chuyện với ai đó…

Tiếng của ông B: Thế con chúng ta đâu…
Sao em không báo cho anh… Ngày đó đang chiến dịch, gấp lắm… Giải phóng Sài Gòn… Về quê em người ta bảo em đã có giấy báo tử… Giọng ráo hoảnh như tiếng nói từ một cõi nào đó âm u vọng về, ông B vẫn độc thoại.

Ông A định lay cho bạn tỉnh lại thì bỗng dưng toàn thân ông B nảy lên bần bật rồi vọt xuống đất lao thẳng ra cửa.

Bóng đêm đã nuốt chửng ông B.

Quay vào nhà, ông A hốt hoảng định gọi chủ quán nhưng sững lại. Trong khuya khoắt thanh vắng, lại tiếng tụng kinh và tiếng mõ cốc cốc lại vang lên rành rọt. Trời ơi, mình biết làm sao đây…

Tháng 4 năm 2010
N.N.L
(259/9-10)





Các bài mới
Các bài đã đăng
Hoa mặt trời (30/09/2010)