Tạp chí Sông Hương - Số 260 (tháng 10)
Tôi đã trở thành hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế như thế nào
10:09 | 21/10/2010
NGUYỄN QUANG HÀ(Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Liên Hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế)Chiến dịch Mậu Thân 1968 đang cần quân để đánh vào thành phố, trước tình hình ấy, chúng tôi được huy động vào quân đội, và sau những tháng tập mang vác nặng, tập leo núi, tập bắn, tập tiến nhập, chúng tôi được điều vào Bác Đô (đó là bí danh Thừa Thiên Huế lúc bấy giờ).
Tôi đã trở thành hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế như thế nào
Nhà văn Nguyễn Quang Hà
Tôi là người rất yêu văn học, cho nên rất thích nghe các nhà văn kể chuyện. Tôi nhớ lần ấy nhà văn Nguyễn Đình Thi về nói chuyện ở Hà Bắc, chúng tôi vinh dự được ngồi tiếp xúc với ông. Trong câu chuyện qua lại, tôi có hỏi ông: “Chúng em biết trở thành nhà văn rất khó. Vậy làm thế nào để có được truyện ngắn và tiểu thuyết hở anh?”

Ông Nguyễn Đình Thi đáp: “Điều quan trọng số một là phải có vốn sống. Mình phải sống thật sự, chan hòa với mọi người. Chính cuộc sống dấn thân ấy sẽ gợi ý cho chúng ta những điều muốn viết”.

Vào chiến trường, tham gia chiến dịch Mậu Thân, đồng đội chúng tôi, và sự quả cảm của nhân dân, tôi thấy không thể không viết. Thời gian này ở Thừa Thiên có 2 tờ báo công khai ngoài chiến khu chúng tôi thường được đọc đó là tờ Cờ giải phóng, và tờ Cứu lấy quê hương. Tôi đã viết bài cho Cờ giải phóng. Cờ giải phóng in ngay “Chiến hữu” và sau đó in “Bà mẹ vùng sâu” rồi “Nguyễn Xuân Thưởng bạn tôi”. Được in, mừng lắm. Các chiến hữu trong đơn vị chuyền tay nhau đọc và khen, tôi thấy mình lâng lâng như cất cánh bay.

Sau chiến dịch Mậu Thân, tôi được điều về làm trợ lý quân lực của Thành đội Huế. Về đây thường xuyên tiếp xúc với các đơn vị, các chiến sĩ, biết nhiều chuyện, tôi tiếp tục viết cho Cờ giải phóng. Không chỉ vậy, tôi có làm bài thơ “Chiếc ba lô”, gửi ra Văn nghệ Quân đội, tạp chí in ngay.

Ngày Thành đội đóng ở khu rừng gần khe Xương Voi, gọi là khe Xương Voi, vì ở khe ấy có một con voi chết, khi biết được chỉ còn đống xương, thế là thành tên gọi. Ở đó, ngày vui nhất của tôi là được anh Nguyễn Đắc Xuân tới thăm. Anh Nguyễn Đắc Xuân là phóng viên kiêm biên tập viên của Cờ giải phóngCứu lấy quê hương. Ngoài trời rất rét, hai chúng tôi ngồi trong nhà có bếp lửa. Trò chuyện trong buổi gặp ấy, tôi kể cho anh Xuân nghe về những chiến công của đơn vị tôi và tôi định viết thế nào. Anh Xuân hỏi: “Có thích về làm báo không?”

Tôi đáp: “Chuyện đó với tôi còn xa vời lắm”.

Không ngờ sau đó anh Xuân về bàn với Ban biên tập báo. Cũng là thời điểm tờ báo đang thiếu người vì trong chiến dịch Mậu Thân có mấy phóng viên đã hy sinh, chỗ các anh đang bỏ trống đó. Vì vậy các anh xin tôi về làm báo. Nhận được quyết định tôi vừa mừng, vừa lo, không biết liệu mình có bám trụ được ở báo không, vì mình đã được học làm báo, viết văn bao giờ đâu.

Lúc ấy 2 tờ báo của chiến khu đang đóng ở Chà Tang. Tôi về đó gặp anh Tư Sơn, anh Nguyễn Sự, anh Ngô Kha, anh Nguyễn Đắc Xuân và anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, anh Trần Thân Mỹ. Sau này cũng ở Ban Tuyên huấn, tôi gặp họa sĩ Lê Khánh Thông, phóng viên Doãn Yến, hai nhà nhiếp ảnh Sĩ Thái và Văn Thái. Ít lâu sau nữa Nguyễn Khoa Điềm ở tuyên huấn khu ủy về. Tô Nhuận Vỹ từ ngoài bắc trở lại chiến trường. Đó là những nhà báo, nhà văn ở chiến trường đã rất nổi tiếng. Được gặp họ, tôi mừng, vì gần đèn tất được hưởng ánh sáng từ đèn tỏa ra.

Anh Ngô Kha bảo tôi: “Quân đội thì có kỷ luật của quân đội, còn các nhà báo nhà văn thì nguyên tắc là tôn trọng nhau mà làm việc. Còn khi viết một bài báo thì phải hết lòng”.

Tôi đáp: “Tôi xin hết lòng. Nhưng mới về Tòa soạn, tôi còn lớ ngớ lắm. Anh giúp đỡ tôi với nhé”.

Anh Kha nói: “Cứ yên tâm đi”.

Người giúp đỡ tôi quen dần với nghề làm báo chính là anh Ngô Kha. Tôi nhớ có một bản tin ghi trong máy ghi âm, anh Ngô Kha đưa máy cho tôi và bảo tôi viết lại, chỉ 400 từ thôi. Với ngọn đèn con, tôi ngồi viết bản tin, viết xong được anh Ngô Kha đọc, anh góp ý, vẽ tôi viết lại. Cứ như vậy, đúng một đêm thì mới hoàn thành công việc anh giao, khi anh gật đầu, tôi như mở cờ trong bụng. Từng bước một, cứ thế qua dần. Có vấn đề gì cần cho tờ báo, anh cử tôi đi. Khi địa phương này, khi địa phương kia, tôi chấp hành nghiêm chỉnh.

Khi anh Kha khen: “Làm được phóng viên rồi đấy”.

Lúc ấy tôi mới yên lòng. Và dặn lòng mình phải không ngừng cố gắng hơn nữa. Là phóng viên báo, chúng tôi chia nhau về các địa phương để phản ảnh kịp thời tin tức khu vực đó. Doãn Yến đi Phú Vang. Ngô Kha đi hết Phú Vang về Hương Thủy. Sĩ Thái đi Hương Trà. Tôi và Nguyễn Khoa Điềm được cử đi Phong Điền, Quảng Điền. Đến đâu tôi cũng nhớ lời anh Nguyễn Đình Thi dặn phải sống cho hết lòng để có vốn sống. Càng lao vào làm báo, tôi thấy vốn sống thật quan trọng. Điều gì, chi tiết nào mình đã kinh qua thì khi viết dễ dàng hơn.

Được sống gần các văn nghệ sĩ quả là điều rất quan trọng đối với tôi. Ngoài làm báo, Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Doãn Yến, Nguyễn Khoa Điềm còn làm thơ, viết truyện. Các anh ấy đã có nhiều bài được in ở các báo ngoài miền Bắc, được đọc trong chương trình văn nghệ vào 10 giờ 30 phút của Đài Tiếng nói Việt Nam. Chúng tôi xúm vào đọc của nhau, nghe của nhau. Riêng tôi, thấy mình không thể không viết. Các tác phẩm của các anh kích thích tôi lạ lùng. Thế là tôi cũng tập làm thơ, tập viết văn. Tôi viết xong bài thơ, bài văn nào cũng đưa anh Ngô Kha đọc giúp rồi nhờ Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân góp ý. Được sự giúp đỡ của các anh, tôi tự nâng mình lên từng mi li mét. Tôi liều mạng gửi mấy bài ra Văn nghệ Quân đội báo Văn Nghệ, được đăng. Các anh đến chúc mừng tôi.

Một bước ngoặt đã đến với tôi, nếu tôi nhớ không nhầm, bấy giờ là năm 1970, không khí văn nghệ trên chiến khu đã phát triển mạnh, về phong trào sinh viên từ thành phố Huế đã tưng bừng, nhiều bài thơ, văn từ thành phố gửi lên làm nức lòng anh em chiến khu, các tác giả mà chúng tôi thường được đọc là của nhà thơ Ngô Kha (Ngô Kha trong thành phố), của Thái Ngọc San, Trần Phá Nhạc, Hà Khánh Linh, và nhiều anh chị khác nữa. Chính nhờ thời điểm văn nghệ rực rỡ ấy trên chiến khu, tại Chà Tang đã tổ chức thành lập Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế. Trong đại hội này, tôi được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế.

Đó là một ngày vui nhất của tôi.

Tôi vào hội với tư cách là một người làm thơ. Mãi đến năm 1974, tôi được tham dự Trường Viết văn ở Quảng Bá, Hà Nội. Trong trường, tôi được tiếp xúc với nhà thơ Xuân Diệu. Biết tôi ở chiến trường ra, anh bảo tôi kể chuyện chiến đấu ở Thừa Thiên Huế cho anh nghe. Tôi kể huyên thuyên nhiều chuyện lắm. Anh Xuân Diệu nhận xét: “Vốn sống ấy có thể viết truyện được đấy. Thử viết một truyện ngắn cho anh xem nào”.

Được anh Xuân Diệu khuyến khích, tôi cắm cúi viết cho xong truyện ngắn đầu tiên “Ghi ở 815”, anh khen hay và đưa đến báo Văn Nghệ cho in ngay ở trang 1. Anh bảo tôi viết tiếp. Mấy truyện ngắn tôi đưa anh, tự anh đem đến báo Văn Nghệ cho in. Xong anh bảo tôi: “Văn xuôi của em khá hơn thơ đấy. Theo anh, với vốn sống chiến trường, em có thể viết văn xuôi được”.

Từ đó hầu như tôi bỏ thơ và chuyển sang viết văn xuôi. Một món nợ mà tôi phải trả là đồng đội mình và nhân dân mình, tôi đã viết như một món nợ phải trả.

Nếu không được điều về báo Cờ giải phóng, không có những ngày sống quyết liệt trên đất Thừa Thiên Huế, không được sống với các anh chị văn nghệ sĩ ở Thừa Thiên, chắc tôi khó lòng trở thành một nhà văn như bây giờ. Cho nên tôi hiểu việc tôi được trở thành hội viên Hội Văn nghệ Giải phóng Thừa Thiên Huế là một bước ngoặt rất đáng kể trong quá trình sáng tác của tôi.

N.Q.H
(260/10-10)






Các bài mới
Xuân nữ (16/11/2010)
Các bài đã đăng