Cái làng trên đầm phá Tam Giang lạ lùng nhất hồi đó tôi đến, có lẽ là làng Kênh Tắc ở xã Vinh Thái, Phú Vang, làng nằm giữa bốn bề sông nước, chỉ có một dòng họ Đỗ. Cái vùng núi xa nhất tôi đến, là đi với cố nhà thơ Thái Ngọc San, lên tận đầu nguồn sông Hương, có tên bản A Rí, xã Hương Nguyên, A Lưới cũ. Mùa hạ đang vào sâu rồi nở ra trong những tia sáng của những hoa phong lan trên núi, xanh và tím. Tôi và anh San ùa xuống tắm trong làn nước trong vắt của khe suối nhỏ. Tôi nói với người anh cái cảm giác hạnh phúc được lên đến đầu nguồn con sông huyền thoại, trong một mùa hè cùng với một người đã đi qua bao mùa hè đỏ lửa đấu tranh đô thị Huế. Chuyện lan man làng xã đến khuya, chợt anh San hỏi, Thanh Ngọc đi hết Khu Ba Phú Lộc chưa. Tôi thưa thật là chưa, anh nói rằng nên tìm cách đi cho hết, nhớ chú ý tìm đến làng Mỹ Lợi. Giọng Mỹ Lợi, tôi reo lên. Tôi nhớ trong một bức ảnh sinh viên Huế xuống đường chống Mỹ, có hai thanh niên cao ráo cầm biểu ngữ đi đầu, là anh Trần Hoài và Tiến sỹ văn chương Bửu Nam. Anh Trần Hoài nói giọng Mỹ Lợi đặc trưng. Giọng làng quê Mỹ Lợi hô khẩu hiệu chống Mỹ đàn áp dân lành vang lên giữa đường phố Huế, âu cũng là chuyện lạ, nhưng không hiếm ở một đất nước mà lịch sử đã từng viết bằng máu của nhiều thế hệ. Sau này tôi gặp nhà văn Hồng Nhu, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, người viết “Lễ hội ăn mày” nổi tiếng kể lại cuộc sống của những làng chài ven phá Tam Giang. Với giọng Mỹ Lợi, nhà văn chia sẻ với tôi nhiều điều, chuyện đời, chuyện văn chương, những vui buồn tuế toái... khiến tôi cảm kích vô cùng. Thế rồi tôi lại gặp giọng Mỹ Lợi ở vùng núi Nam Đông trước khi tự mình tìm về xứ ấy. Hồi đó Nam Đông bắt đầu nổi tiếng có những vườn cây trái trù phú, té ra công lao hàng đầu thuộc về người dân Mỹ Lợi đi kinh tế mới lên đây lập vườn. Kinh nghiệm truyền đời của làng quê Mỹ Lợi đúc xanh vườn trên cát trắng, giờ con cháu đêm ngày cần cù trên đất mới, đã cho hoa thơm trái ngọt. Một đêm trong ngôi nhà của chị Ái ở xã Hương Hữu, tôi ăn ngon lành bát canh chua cá nục nấu khế “theo kiểu Mỹ Lợi”. Cá và ruốc từ Mỹ Lợi gửi lên, khế và rau hành hái từ vườn Nam Đông trước nhà, thơm lừng mùi biển và mùi núi rừng hòa quyện. Ngon đành hanh nỗi nhớ đến mấy chục năm là tận bây giờ chị Ái ơi. Đêm đó tôi hỏi bí quyết chi mà chị Ái nấu canh ngon dễ sợ rứa? Chị cười, nói giọng Mỹ Lợi khẽ khàng, thì nấu như người ta rứa thôi. Chao ôi là cái giọng pha Quảng nói tiếng Huế không lẫn đi mô được. Giọng Mỹ Lợi thật sự chảy sâu vào trong ký ức tôi từ đó, chảy thành những tia nước trữ tình ấm áp, bình dị mà thân thương, chân tình lắng vào tâm khảm. Cư dân Mỹ Lợi có gốc gác vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, theo dòng Nam tiến gần năm trăm năm trước của dân tộc Việt, về tới Mỹ Lợi, Vinh Mỹ, Phú Lộc lập nên một vùng quê đặc trưng của Thừa Thiên Huế. Cái đặc trưng rõ nhất, đó là giọng nói. Chất giọng Mỹ Lợi, như “thủ khoa truyện ngắn năm 2000” Trần Hạ Tháp nhận định, “được tổ tiên người Huế ấn định theo một sắc thái riêng, gọi là giọng Huế Nam”. “Địa bàn phía Nam Thừa Thiên Huế rất gần Quảng Nam Đà Nẵng. Vùng biển có núi quây quanh ăn sâu vào đất liền như một trong những địa hình độc đáo, hiếm có chỗ thứ hai tương tự. Tất cả những tham số ấy cho ta giải thích vì sao, cũng là vùng phụ cận biển Thừa Thiên Huế như nhau... Thế nhưng chất giọng có khi vẫn khác xa đến thế...” ***
Tôi về Mỹ Lợi lần đầu tiên cùng anh bạn gặp dịp Tết, phải nói là chuyến đi vô tiền khoáng hậu. Dọc Tỉnh lộ Mười vài chục cây số làng nối làng, những hàng dương nối những hàng dương im vắng, ồn ào sơ lơ, đùng một cái âm vang rộn rã bỗng như mọc ngay trong tai, và trước mắt phơi bày một thế giới sống động bán mua hiền hòa chứ không gay gắt cái mùi thương trường là chiến trường mà mấy cô cậu chủ mới lên thời nay hay ra mặt. Cả một vùng chợ quê đông vui rộn ràng giọng Mỹ Lợi tươi lành như lá cây xanh và mặn mòi như vị muối biển xao động ngoài kia, ngay gần đó. Đập ngay vào mắt là cơ man hoa trái chen chúc các gánh hàng hai bên đường, toàn các đặc sản miệt vườn: cam hồng nhiễu đỏ hồng, ổi xà lị vàng ươm, mãng cầu, xoài, đu đủ... mỗi thứ một màu. Màu hoa trái dậy lên khung cảnh trù phú của vùng đất, mùi trái cây thơm phức đến nở cả làn da chưa tan sương sớm. Và rau các loại thì cứ như tự chảy từ trong các ngõ xóm làng ra chợ như suối xanh. Mệ Hảo chùi nước trầu dính nơi mép môi hồng đỏ, rót cho chén nước chè uống vào say dủng dẳng dùng dằng tắp lự, ôn chuyện ngày xưa: Xưa xửa lâu lắm rồi làng tui họp chợ sau cồn cát tê tề. Ở chỗ nớ có cái đồn lính Tây Sơn trú đóng. Lễ tết dân làng đem hàng hóa, thức ăn, thức uống bán cho những người lính áo vải cờ đào. Sau dần thành chợ, chợ Tết thì đông đúc hơn vì lính đồn trú nhận tiền lương ra vui chơi Tết. Rồi sau đó đồn trú không còn, chợ chuyển ra bến nước, gặp chỗ giao thông thuận tiện, hàng hóa theo đường thủy bộ từ Huế về, theo dọc đầm Cầu Hai ngược xuôi về, chợ càng đông và trở thành chợ trung tâm của cả vùng Khu Ba Phú Lộc và cả vùng biển Phú Vang nữa. Cái chỗ sau cồn cát trước là chợ tạp hóa, dân làng luyến tiếc cảnh cũ người xưa mở chợ thịt heo với Hội Thi Heo. Heo đi thi là những con heo to hàng tạ, dáng dấp khỏe mạnh, lông láng mượt, được tắm rửa sạch sẽ, chăm sóc còn hơn cả trước ngày đưa con nít đi phố Dinh chơi. Làng có ban giám khảo cực kỳ công tâm chấm thi chọn trao giải cho những con heo to nhất, đẹp dáng nhất. Nhà nào giật giải, khỏi phải nói cái chuyện tự hào ra mặt vì thuộc tốp những người chăn nuôi giỏi nhất vùng. Con gái nhà quê thường lỡ duyên lỡ phận vì nghèo, nhà nào có “cái bằng” chăn heo giỏi, con gái trong nhà không sợ ê sắc ế. Bà cố ngoại của mệ Hảo đang nhai trầu trước cái mặt đo đỏ và tai tái vì say nước chè của tôi đang ngồi đây, xưa cũng nằm trong số đó. Đến quá tuổi cập kê rồi, tưởng không ai ngó lại, may sao ngày giêng xuân đẹp trời nọ nhà giật giải nuôi heo giỏi, tháng hai có đám trai tráng nhà khá giả trong làng đến dạm ngõ, mừng ơi là mừng, ngửa mặt lên tầng không cao vọi rằng trời cho phúc trùng lai chớ có bất trùng lai mô. Bạn tôi cười cười, ngày xưa đến “cái bằng tiến sỹ” nuôi heo cũng danh giá, không có chuyện bán mua, chạy điểm. Mệ Hảo nghe ra không hiểu bạn tôi đang nói kháy chuyện giáo dục thời nay, thiệt thà xí một cái, nói ai thèm mua danh kiểu nớ, mất mặt giữa làng, dù một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp. Người làng còn nhớ hồi nớ đếm được mười một cái chòi làm bằng tranh tre để dành mổ heo bán, đó cũng là nơi cho heo chuẩn bị ra thi. Tại sao mười một chứ không phải mười hai thì không ai biết, nhưng đúng là mười một. Ngó quanh, chợ quê thì sản vật quê. Có lẽ ngay sau hàng núi trái cây, rau quả là cá, cá từ đầm Cầu Hai, từ các vùng ven biển, thôi thì cơ man dìa, hanh, đối, ác mó, mực, tôm rằn, cua, ghẹ... Cá tươi rói còn mắc trên mình mấy cọng rong tươi, vảy xanh ngắt, mắt trong veo, đến con ghẹ cũng còn ngo ngoe mấy cái cọng xanh da trời, đốm vàng tia. Thằng bạn lại chọc nguấy, ở đây có bán ghẹ nguyên con không? Mệ Hảo trợn mắt thiệt thà như đếm, thì ghẹ bán nguyên con chứ ai chẻ đôi chẻ ba mà bán. Tôi hơi hoảng đá chân bạn mấy cái. Nó im, biết không nên đùa. Vùng này xưa nay nổi tiếng văn vật, quyết không cho du nhập mấy thứ nớ vô làng. Rồi thì các đặc sản bánh kẹo Mỹ Lợi: bánh khô, bánh dẻo, bánh khảo, bánh đậu xanh... Mệ Hảo kêu hai cậu ăn bánh thuẫn Mỹ Lợi chưa, bảo chưa thì mệ hỏi ăn không kêu cho. Ngúc đầu một cái là mệ kêu đằng xa, nè con mệ Rởn mô rồi, bán bánh thuẫn cho hai cậu đây nì. Rồi có cô con gái da trắng tóc dài bưng dĩa bánh thuẫn, vừa bưng vừa lấy nón che. Bánh thuẫn vừa hấp chín, thơm nồng nàn như da thịt con gái mới tắm, cắn một cái biết mình đang ngồi ngay giữa đất trời Mỹ Lợi, quả không hổ danh tiếng thơm hữu xạ tự nhiên hương. Bánh thuẫn Mỹ Lợi, nói cho vuông là độc tôn nổi tiếng từ xưa, người người đổ về đặt bánh làm quà, cúng gia tiên... đến nay vẫn còn. Mệ Hảo nói ngày xưa Mỹ Lợi còn nhiều cái vui nữa, ví như đêm đi coi hát ở trường hát Mỹ Lợi, bà con kéo nhau đi đông lắm. (Sau này về đọc thấy trong biên khảo “Những sân khấu một thời ở Huế” của Bác sỹ Lê Văn Lân có đoạn viết về những sân khấu dân giã: “Có một trường hát bằng tre trong phủ An Hưng Vương ở xóm Hột Mát ở đường Hàng Đường, đối diện vời đường Hàng Bè dọc theo bờ sông Đông Ba, gần chùa Diệu Đế và Trại tế bần thời Pháp có tên là Asile de Nuit, gần nhà giáo sư Tôn Thất Đào dạy vẽ ở Quốc Học - Huế... Ở làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc, quê hương của bà Từ Cung, cũng có một trường hát tương tự bằng tre... Cấu trúc giống trường hát của An Hưng Vương, nhưng rộng lớn hơn, trong lòng rạp là chỗ để ghế cho khách hạng cao, còn khán giả bình dân ngồi hai bên trên những bục tre. Tôi tả rõ ràng như trên vì tôi đã tản cư về làng Mỹ Lợi khi chiến tranh Việt - Pháp bùng nổ vào ngày 19.12.1946”). Thống kê của Bác sỹ Lê Văn Lân có thêm một số địa chỉ sân khấu dân giã ngày xưa ở Thừa Thiên Huế như Xuân Kính Đài (rạp của Kinh Thành Phú Xuân), rạp ở Bến đò Cồn (Vỹ Dạ), rồi các nơi đoàn Kim Sanh hay diễn như Dạ Lê, An Cựu, Kim Long, Truồi, Sịa... Những tên địa danh đó không nhiều, chỉ trên đầu ngón tay, thế mà xa tít tận Mỹ Lợi văn hóa sân khấu vẫn tồn tại là minh chứng rằng Mỹ Lợi từ thuở xưa đã là vùng đất văn vật... *** Chuyện văn vật của Mỹ Lợi kể mãi e không hết, đó là chưa kể sau này, Mỹ Lợi trở thành cái nơi diễn ra Hội nghị Họp Bạn thành lập Hội Văn Nghệ Thừa Thiên đầu tiên vào tháng 10 năm 1950, cách đây vừa tròn 60 năm, tiền thân của Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế, Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế hiện nay. Thật cũng khá kỳ công cho việc đi tìm gốc gác cái nôi văn nghệ cách mạng Thừa Thiên. Thông tin về sự kiện tổ chức thành lập Hội Văn nghệ Thừa Thiên mà tôi biết được ban đầu chỉ vỏn vẹn một câu trong hồi ký “Cái thuở ban đầu nhớ lại” của nhà văn Hồng Nhu: “Đại hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế lần thứ 7 (4.1994) khẳng định năm chính thức ra đời của tổ chức văn học nghệ thuật địa phương mình, bấy giờ là cuối năm 1950”. Nay đã 78 tuổi, nhà văn Hồng Nhu đang dành tâm sức cho cuốn tiểu thuyết cuối đời về đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Ông nhớ lại những năm tháng đó: “Cái thuở ban đầu, khi cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đang trong giai đoạn cầm cự; văn nghệ, văn hóa, thông tin tuyên truyền kể cả báo chí nữa, hòa lẫn, gắn bó vào nhau trên một mặt trận. Những vang động gần xa của các thế hệ đi trước như Tố Hữu, Thanh Tịnh, Hải Triều... của các tổ chức như Văn nghệ Khu IV, Văn nghệ Việt Bắc, đã là sức mạnh thúc đẩy và nguồn lực bồi bổ cho văn nghệ “Bình Trị Thiên khói lửa” trong đó có văn nghệ Thừa Thiên non trẻ nhưng đầy quả cảm và hồn hậu như chính tâm hồn con người bản địa...” Nhà văn Hồng Nhu nhớ khoảng cuối năm 1950, Hội nghị Văn nghệ Thừa Thiên được tổ chức ở Mỹ Lợi. Lúc đó ông mười tám tuổi, làm liên lạc viên Ban tham mưu Trung đoàn 95 đóng ở Phong Điền. Ông được cử đi dự Hội nghị thành lập Hội Văn nghệ Thừa Thiên vì các lẽ: lúc đó ông đã bắt đầu viết lách, ông rất thông thạo đường đi lối về trong cả vùng Thừa Thiên, quê ông lại ở Mỹ Lợi nên việc cử ông đi dự hội nghị vừa dẫn đường cho các vị ở Ban Chính trị Trung đoàn, các anh làm văn nghệ tuyên truyền... là hợp lý hết sức. Tiếc thay, ngày mai lên đường dự Hội nghị thì ông được lệnh hỏa tốc phải dẫn gấp hai hàng binh Pháp sau trận đánh Ga Hiền Sỹ lên Dương Hòa để liên lạc Phân khu đưa họ ra Bắc. Thế là đành lỡ hẹn... Không trực tiếp dự nhưng ông vẫn theo dõi diễn trình của Hội nghị này. Một bạn văn đã khuất là Nguyễn Ngọc Liễn, có tham gia Hội nghị cho Hồng Nhu biết hội nghị được tổ chức ở rừng dương ở Kỉnh Nhì (thôn 2), Mỹ Lợi. Lại đọc được hai tài liệu quan trọng khác xác định thời gian và địa điểm của Hội nghị Văn nghệ Thừa Thiên lần thứ nhất. Tài liệu thứ nhất, theo đoạn trích hồi ký của nhà văn Bùi Hiển “Phác thảo 91”, có tiêu đề “Thừa Thiên một thuở” đăng ở Tạp chí Sông Hương số tết Nhâm Thân 1992. Theo đó, giữa năm 1949, nhà văn Bùi Hiển lúc ấy là ủy viên kiểm tra Sở Thông tin Tuyên truyền Liên khu IV, đồng thời là thành viên chủ chốt của Đoàn Văn hóa Kháng chiến Liên khu IV ở vùng tự do Thanh- Nghệ- Tĩnh; nhà văn Hải Triều gợi ý ông theo đoàn đi công tác một chuyến vào vùng tạm chiếm Bình Trị Thiên. Nhà văn Bùi Hiển vào Thừa Thiên và ở lại hơi lâu: “Sở Thông tin Tuyên truyền Liên khu IV cử tôi đi công tác Thừa Thiên sáu tháng, quá thời hạn đã lâu mà tôi vẫn chưa trở ra được. Nguyên do chính là vì Tỉnh ủy muốn lưu tôi lại giúp địa phương xây dựng phong trào văn nghệ. Tôi cùng làm việc với Phan Nhân, Hoàng Tuấn Nhã, Hoàng Liên, Nguyễn Văn Thương, Trịnh Xuân An, các anh chị em văn công Thừa Thiên, các cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 101... Cuối cùng, tổ chức được một cuộc họp văn nghệ toàn tỉnh gồm hơn năm chục người tại huyện Phú Lộc, phía nam. Đáng lý còn có thể đông hơn (dự kiến một trăm rưỡi) nhưng trước đó địch lùng ở Phú Vang nên một số người ở Bắc Thừa Thiên không vào dự được. Ngay hôm khai mạc cũng có tiếng đại bác nổ đùng đùng quanh vùng, chúng tôi phải đề phòng địch càn. Vừa nghe Trịnh Xuân An đọc báo cáo, chúng tôi vừa chú ý theo dõi hướng nổ của đại bác. Nhìn ra ngoài đường thấy một số đồng bào chạy nháo nhác. Sau đó yên ắng trở lại. Chúng tôi họp trong năm ngày, cũng có tranh luận, thảo luận về đủ các môn văn, thơ, nhạc, kịch, có phát giải thưởng, có tổ chức một đêm kịch (diễn cả Nhật Xuất) và sau đó có tổng kết và bầu ban chấp hành Phân hội Văn nghệ Thừa Thiên...” Theo nhà văn Hồng Nhu, bạn văn Nguyễn Ngọc Liễn cho biết, Hội nghị bầu Ban chấp hành khoảng từ chín đến mười một người, do Trịnh Xuân An đứng đầu. Tài liệu thứ hai, cũng liên quan đến tư liệu của nhà văn Bùi Hiển, nhưng người thực hiện cuộc phỏng vấn là nhà văn Đỗ Ngọc Yên, thực hiện tại Hà Nội vào mùa thu năm 2000. Tiêu đề bài phỏng vấn là “Hầu chuyện nhà văn Bùi Hiển”, đăng ở Tạp chí Sông Hương số 141, tháng 11 năm 2000. Cuộc phỏng vấn xác định: Tháng 10.1950 cuộc Họp Bạn anh em văn nghệ toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được tổ chức tại một làng trồng mía và dệt vải ở xã Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc, đánh dấu sự ra mắt của Phân hội Văn nghệ Thừa Thiên - Huế. Những tưởng như vậy là đã xác định được thời gian và địa điểm diễn ra Hội nghị Họp Bạn. Nhưng không, thời gian thì rõ rồi, người đứng đầu là Trịnh Xuân An cũng đúng rồi, nhưng địa điểm lại có chỗ khác nhau. Chỉ một ngày sau khi biết Hội LH VHNT về Mỹ Lợi tìm cái nôi của mình, nhà văn Lê Trọng Sâm xác định là mình có đi Hội nghị đó, và nhớ là cái nơi tổ chức hình như là ở một nhà thờ họ chứ không phải là rừng dương như Nguyễn Ngọc Liễn nói lại. Ông nói hình như ở nhà thờ họ Trần. Quả thật các thông tin khác nhau bởi sự kiện đã trải qua thời gian dài 60 năm với biết bao thăng trầm lịch sử, làm chúng tôi hoang mang, dù rằng Họp Bạn ở đâu đi nữa thì cũng là quê hương Mỹ Lợi. Đang bối rối như thế thì may thay, sáng ngày 12.8.2010, trong buổi khai mạc Trại sáng tác Về Nguồn do Hội LH VHNT tổ chức ở Mỹ Lợi, ông Lê Quý Mỹ, nguyên Phó Ban Tổ chức thời chống Pháp, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy thời chống Mỹ, sau 1975 là Bí thư Phú Lộc, năm nay 84 tuổi, đã nhiệt tình đến dự và cho biết: Hội nghị Họp Bạn được tổ chức tại nhà thờ họ Lê, ngay sau khi Hội nghị cán bộ toàn tỉnh và Lớp chính trị dành cho cán bộ huyện ủy. Sở dĩ như thế vì nhà thờ họ Lê thời đó được xem là Hội trường của Tỉnh ủy, được Tỉnh ủy tin cậy hết sức. Ông còn đưa ra một tài liệu quan trọng khác, đó là những dòng được ghi trong gia phả của họ Lê, xác định các hội nghị Tỉnh ủy quan trọng lúc bấy giờ tổ chức tại đây, trong đó có hội nghị thành lập Phân hội Văn nghệ Thừa Thiên. Vậy là đã rõ. Làng Mỹ Lợi gần đây càng được nhiều người Việt Nam trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn, khi ngày 14.2.2010, làng đã bàn giao cho Tổ quốc một văn bản bằng chữ Hán, chứng minh từ thời Lê, nước ta đã có đội Hoàng Sa chuyên trách quản lý và khai thác sản vật ở quần đảo Hoàng Sa. Dân làng đã giữ văn bản quan trọng ấy ngay tại đình làng suốt hơn hai trăm năm chục năm qua... *** Buổi sáng thức dậy đã nghe tiếng chân trâu thậm thịch ngoài đường. Nhìn qua khe cửa sổ thấy một đoàn xe trâu đang kéo hàng đi dọc đường làng. Lạ quá, không kìm được phải vùng dậy chạy ra coi xe trâu. Những chiếc xe trâu thong thả mở đầu ngày mới ở làng quê yên bình. Có xe chở cát sạn đi xây nhà sớm, có xe chở rong đi từ ngoài bờ đầm vô rú vô vườn bón cho cây, có xe chở rau, chở trái cây từ những ngõ vườn xanh um ra chợ... Xe trâu âu cũng là một đặc sản Mỹ Lợi thời đổi mới. Gần một trăm chiếc xe trâu như thế phục vụ cho gần một ngàn khu vườn cây trái xum xuê của xã Vinh Mỹ. Nhiều nhà nhờ xe trâu nuôi con học đại học. Những con trâu đang mất dần đất sống và nguy cơ tuyệt chủng vì không còn vai trò chi ở các vùng đất khác thì ở đây, nó như một bảo tàng trâu sống dưới hình thức kéo xe. Có một đám cưới mà xe trâu được trang hoàng rất đẹp để đưa dâu đang rộn ràng trên đường làng. Theo dấu xe trâu đưa cô dâu về nhà chồng, chợt à lên một tiếng, Mỹ Lợi đây chính là làng ươm trái. Ươm trái văn vật từ cái giọng đặc trưng và những sản vật Mỹ Lợi, ươm trái chủ quyền đất nước từ việc giữ gìn văn bản chứng minh Hoàng Sa là của Việt Nam, ươm trái cho cái nôi cả một nền văn nghệ cách mạng của xứ Thừa Thiên Huế nổi tiếng là vùng đất văn chương có một không hai, ươm trái cho tương lai con em học hành đỗ đạt từ những chiếc xe trâu nhẫn nại đi ra từ những khu vườn im ắng... Không nhiều lời, Mỹ Lợi trở nên làng ươm trái từ hàng trăm năm trước. Ôi Mỹ Lợi, quả may mắn cho Hội LH VHNT Thừa Thiên Huế khi có cái nôi ở ngay vùng đất đầy ắp văn hóa như vậy. Mỹ Lợi- Huế, tháng 8.2010 H.Đ.T.N (260/10-10) |