Tạp chí Sông Hương - Số 260 (tháng 10)
Những gì còn nhớ
10:18 | 22/10/2010
LÊ TRỌNG SÂM(Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Liên Hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế)Dưới sự chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên và có sự giúp đỡ nhiều mặt của Chi hội Văn nghệ Liên khu 4, cuộc gặp mặt lớn của giới văn nghệ sĩ trong tỉnh tại thôn 2 làng Mỹ Lợi trong vùng căn cứ khu 3 huyện Phú Lộc vào tháng 10 năm 1950 phải được tôn vinh như là Đại hội đầu tiên, Đại hội lần thứ nhất của anh chị em văn nghệ tỉnh nhà. Nó là một cái mốc quan trọng mở ra một thời kỳ mới.
Những gì còn nhớ
Dịch giả Lê Trọng Sâm - Ảnh: tuoitre.vn
Là một thành viên được triệu tập đi dự, tôi nhớ lại nhiều sự việc đã xảy ra quanh cuộc Đại hội ấy, mặc dù bụi mờ thời gian của hơn nửa thế kỷ qua đã ngăn cản tôi rất nhiều.

Đại hội họp tại một nhà thờ họ của làng Mỹ Lợi. Tất nhiên, có nhiều khi có máy bay Pháp liệng tới, có súng ca-nông của chúng gậm gừ từ xa, tất cả phải chạy tản ra trảng cát, ra các khu vườn nhưng phần lớn thời gian là họp tập trung trong ngôi nhà thờ họ ấy, cách chợ Mỹ Lợi không bao xa. Còn nhớ lại là trước đó mấy tháng, tôi học lớp cán bộ huyện ủy viên do tỉnh mở cũng như cuộc họp tổng kết của ngành văn hoá thông tin toàn tỉnh, tất cả đều diễn ra cùng nơi ấy. Tất nhiên bàn ghế, chỗ ngồi thì lộn xộn, phần lớn là lấy các tấm phản gỗ kê ra làm băng dài, có thêm một vài chiếc bàn ọp ẹp của đồng bào cho mượn. Các đại biểu lớn tuổi ngồi hàng đầu, anh chị em trẻ ngồi đàng sau. Chẳng có chủ tịch đoàn và thư ký đoàn như sau này, thường thì có nhà văn Bùi Hiển, cán bộ của Sở Thông tin tuyên truyền Liên khu 4, được ủy nhiệm của Chi hội Văn nghệ khu và anh Trịnh Xuân An, phó ban tuyên cổ (tuyên truyền cổ động) của Tỉnh ủy đứng lên điều khiển.

Có chừng năm sáu mươi anh chị em về họp. Có thể tạm gọi là có 3 thành phần chính: anh em văn nghệ Liên khu 4 vào công tác ở Thừa Thiên, đứng đầu là anh Bùi Hiển, còn có các nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý, biên đạo múa Minh Hiến sau này là giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.

Về phía địa phương thì có anh Trịnh Xuân An; anh Hoàng Liên, nhà văn có viết truyện ngắn, vào Đảng trước 1945, cũng là một cán bộ trụ cột, tiếc là anh bị đau phổi nặng, năm sau thì mất. Có anh Phan Nhân, trưởng Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh quê ở Phú Lộc, sau này tập kết ra miền Bắc làm chuyên viên nghiên cứu của Viện Văn học. Một số trưởng phòng của Ty Thông tin nhưng bắt đầu sáng tác và máu mê văn nghệ: Nguyễn Văn Dụ, Trần Nguyên Mỗ, Nguyễn Trường Ẩn.

Một số đáng kể là nhiều anh chị em của Đội Tuyên truyền lưu động xem như là Đoàn văn công chủ lực của Ty Thông tin, phụ trách lúc đó là ca sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Hồng; anh Hoàng Tuấn Nhã, Việt kiều từ Pháp về hay vẽ tranh cổ động. Còn có anh Thái Quang Ngoạn hay làm những tiểu phẩm sân khấu, anh Phan Công Nhơn người Thuận An chuyên nói về kháng chiến, anh Ngọc Chung người Hà Nội, anh Nguyễn Trung Săn người Phong Điền chuyên đánh đàn banjo, chị Nguyễn Thị Lan, đội viên, ca sĩ và là người yêu, người vợ chưa cưới của anh Nguyễn Hồng. Tôi thấy không có Thanh Hải vì lúc này, anh đang học trường Trung học Lê Khiết ở Quảng Ngãi. Cũng còn có đến mười anh em trẻ rất ham thích và các cây chủ lực của các phòng Thông tin huyện: tôi - Lê Trọng Sâm làm thơ và hay ngâm thơ trước đám đông - anh Trần Xuân Dục cùng tuổi hay đánh đàn hoặc thổi harmônica, người cao và hơi điệu nghệ.

Cũng tạm gọi đó là lực lượng chủ lực và bắt đầu đông đảo của văn nghệ tỉnh nhà. Đa số chưa có nhiều tài năng nhưng lòng nhiệt huyết, ham thích văn nghệ sáng tạo thì nhiều, xem ra đều là học sinh các trường Quốc Học, Thuận Hóa, Đồng Khánh, Hồ Đắc Hàm ở Huế lên đường kháng chiến mới vài ba năm nay.

Những nội dung gì của cuộc gặp mặt? Ngày đầu, anh Trịnh Xuân An lên báo cáo tình hình hoạt động và lực lượng văn nghệ sĩ của tỉnh nhà. Tôi nhớ anh người cao, đặc biệt là giọng khàn khàn, nghe như từ cuống cổ. Theo anh, đó là một lực lượng tốt và có triển vọng, bước đầu kế thừa được những người đi trước đã lâu năm tham gia và chỉ đạo công tác văn nghệ: Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hải Triều, Thanh Tịnh, Vĩnh Mai. Và một số đông đảo hiện là nòng cốt và nhiều anh em trẻ đang phát triển như đã kể trên. Anh không quên nhắc những bút ký, ghi chép, truyện ngắn của Phan Nhân, Hoàng Liên, Hoàng Thượng Khanh, các bản nhạc bắt đầu nổi tiếng của Nguyễn Hồng: Rào làng chiến đấu, Đồi 18 quân về, và một số bài vè, câu ca, câu hò của nhiều anh em khác và của các địa phương. Với anh em trẻ mới sáng tác khi được nhắc tên, thấy còn ngượng ngùng e thẹn.

Anh Trịnh Xuân An cũng kêu gọi sự chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, sự giúp đỡ của Ủy ban Kháng chiến tỉnh, của Ty Thông tin. Và nhiều nhất hướng về anh Bùi Hiển và các anh ở khu 4, anh đề nghị Chi hội ngoài đó gia tăng sự giúp đỡ về quan điểm và cách thức sáng tác.

Anh Bùi Hiển chiếm được rất nhiều cảm tình của cuộc gặp mặt. Một số người đã đọc tiểu thuyết Nằm vạ của anh in trước cách mạng. Bộ áo quần nâu Nghệ Tĩnh, xắc cốt luôn bên vai, thái độ nghiêm chỉnh và trìu mến, anh nêu lên những thành tựu chung của giới Văn nghệ Liên khu. Nhưng có lẽ hấp dẫn nhất là anh kể lại những cuộc xuống đồng bằng đi đủ 6 huyện, ăn ở trong dân, ghi chép tỉ mỉ bà con nông dân đã kháng chiến như thế nào, kẻ địch đã tàn ác và co cụm như thế nào. Đây cũng là những bài học đầu tiên, những kinh nghiệm của nhiều anh chị em mới vào nghề đang ngồi dưới.

Trong các báo cáo của anh Trịnh Xuân An, Bùi Hiển, lâu lâu có nhấn mạnh nỗ lực của anh này, tác phẩm tốt của anh chị kia, chứ không có khen thưởng gì nhiều giữa các cuộc nói chuyện, có sự động viên, một số anh chị em có lên ca hát, đọc những bài thơ mới sáng tác mà nổi lên là các anh Nguyễn Hồng, Thái Quang Ngoạn, Nguyễn Sĩ Lành.

Trong hồi ký, anh Bùi Hiển có nói họp đến 5 ngày. Theo tôi, không đến nỗi lâu như vậy. Nội dung chỉ có bấy nhiêu, các vấn đề đã nêu rõ, không bàn thảo dài dòng. Lại thêm thời gian trở về làm việc đang gấp rút, máy bay giặc đang quần, các cuộc càn quét thả bom có thể xảy ra, số Việt gian chỉ điểm ẩn nấp đó đây, đến ngày thứ ba thì kết thúc.

Sáng ngày thứ ba ấy, sau khi nhắc lại những vấn đề lớn của đất nước, của trong tỉnh, các anh đã nêu thêm, nhấn mạnh về quan điểm, lập trường và động viên sáng tác.

Một nhiệm vụ cần thiết trước khi giải tán, bế mạc là phong trào đang lên cần có một ban chấp hành. Chắc là đã có sự chuẩn bị của các anh. Và lúc này chỉ là một sự giới thiệu, không có ứng cử, đề cử, bầu bán gì. Tôi cũng không nhớ rõ là có bao nhiêu người được giới thiệu và trúng cử, nhưng thấy có các anh Trịnh Xuân An, Phan Nhân, Nguyễn Hồng đứng lên, đi lại gần nhau và anh Trịnh Xuân An được nhận nhiệm vụ Phân hội trưởng. Nhẹ nhàng thế thôi.

Thế là tổ chức chính thức của anh em văn nghệ tỉnh Thừa Thiên đã được thành lập, Ban phụ trách đã có. Trước mặt là bao công việc nặng nề. Niềm vui và niềm tin là tất cả. Ăn cơm chiều bế mạc cũng bình thường như mọi lần, may ra có thêm được tí tôm mực từ bờ biển Nghi Giang gần đó chuyển về. Các anh ở phía Nam và chiến khu vội vàng gấp rút qua bến đò Diên Trường, điểm cuối của huyện Phú Vang, gần các ruộng mía Hà Trung Hà Trữ xã Phú Phong, có thể còn phải đi xa hơn nữa gần phía Truồi, Cầu Hai mới có đường tìm lên chiến khu Dương Hòa. Một đêm có trăng và tiếng chó sủa.

L.T.S
(260/10-10)





Các bài mới
Xuân nữ (16/11/2010)
Các bài đã đăng
Làng ươm trái (21/10/2010)