Tạp chí Sông Hương - Số 260 (tháng 10)
Hồng Nhu - nhà văn đầm phá
10:15 | 01/11/2010
MAI VĂN HOANTôi cố hình dung những tháng ngày nhà văn Hồng Nhu trăn trở, băn khoăn lựa chọn việc trở về quê hay ở lại thành phố Vinh - nơi anh từng gắn bó đã hơn hai mươi năm với bao kỷ niệm vui buồn.
Hồng Nhu - nhà văn đầm phá
Nhà văn Hồng Nhu
Đó là thời điểm 1987, lúc ấy nhà văn đã 55 tuổi và tóc đã bạc trắng vì bao đêm thao thức. Tuổi 55 là cái tuổi “biết mệnh trời” rồi. Với nhiều người, đến tuổi đó mọi sự gần như đã được an bài, rất ngại xáo trộn, biến động - đặc biệt là những người đã có gia đình và công việc ổn định như anh. Dứt áo ra đi đâu phải là chuyện dễ dàng. Nhưng rồi tình cảm đối với quê hương cứ thôi thúc anh. Và cuối cùng anh đã quyết tâm trở về dù đã lường hết mọi khó khăn đang chờ phía trước. Nếu không có cái quyết định táo bạo đó, anh vẫn là nhà văn của những thiên truyện ngắn: Thuyền đi trong trong mưa ngâu, Gió thổi chéo mặt hồ... từng được nhiều người mến mộ nhưng có lẽ sẽ không có một nhà văn đầm phá như bây giờ.

Đọc những truyện ngắn: Vịt trời lông tía bay về, Lễ hội ăn mày, Cổ tích làng, Giếng loạn... tôi cứ tưởng Hồng Nhu là con một gia đình làm nghề sông nước ở đầm phá Tam Giang. Bởi phải sinh ra và lớn lên ở đầm phá, phải sống với nghề chài lưới mới có thể am hiểu một cách tường tận, cụ thể, sâu sắc cuộc sống, thiên nhiên, con người đầm phá như vậy. Nhưng hóa ra không phải. Quê anh ở làng Mỹ Lợi xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc. Nhà anh ở cách phá Tam Giang chừng vài cây số. Bố anh nguyên là một thầy khóa. Thuở nhỏ anh thường nghe ông cụ kể nhiều chuyện nhưng anh thích nhất là chuyện về đời sống tâm linh của bà con đầm phá. Những câu chuyện đó cùng với ký ức tuổi thơ bỗng nhiên thức dậy trong anh. Và bằng trí tưởng tượng phong phú của một nhà văn có nghề, anh đã tái hiện lại phần nào đời sống tâm linh ở vùng đầm phá với bao nhiêu câu chuyện huyền bí, bao nhiêu tập tục lạ lùng.

Lễ hội ăn mày là lễ hội mà thời ấu thơ anh từng chứng kiến. Lễ được tổ chức ở chợ Cồn, vào giờ Thìn, ngày mồng hai tết. Mâm cỗ được bà con bưng ra từ sáng sớm. Những người ăn mày trong vùng tụ tập đông đủ, ngồi vào mâm cỗ “họ ăn một cách đàng hoàng, đĩnh đạc như ăn cỗ ở nhà mình”. Đây là một lễ hội đầy tính nhân văn. Tiếc là bây giờ đã không còn nữa. Lễ nhập vạn đò thì diễn ra “đơn sơ mà tráng lệ” giữa vời phá mênh mông. Trong chậu nước đặt đầu mũi thuyền có một con tôm hoặc con cá ngạnh (cá tượng trưng cho bản mệnh của người con trai, tôm tượng trưng cho bản mệnh của người con gái nhập vạn). Người nhập vạn được ném xuống đầm, tiếng càng to càng gọn thì “Thần Phá vui lòng”. Tiếng rơi nhỏ lại bị xòe ra là “Thần Phá không ưng”, phải làm lại vào một dịp khác. Lễ hợp cẩn cũng là một nghi lễ hết sức đặc biệt trong đời sống tâm linh của bà con vùng đầm phá. Nghi lễ được tái hiện qua ngòi bút của nhà văn Hồng Nhu vừa hoang dã vừa trang nghiêm. Chủ lễ là bố chú rể. Ông thắp hai cây hương to và một nắm hương nhỏ (tượng trưng cho hai vợ chồng và đàn con) cắm vào bát nhang đặt đầu mũi thuyền. Thắp hương khấn vái xong, ông dõng dạc hô: Xuống đầm! Đôi trai gái mỗi người ngậm một con cá, trút bỏ quần áo, cầm tay nhau nhảy xuống nước. Giao phối xong, hai người há miệng thả cá dâng Thần Đầm. Có lẽ trên thế gian này không có nơi nào tổ chức lễ hợp cẩn lạ lùng như vậy. Còn lễ hạ thủy thì diễn ra ngày tối trăng. Đêm đầu tiên của mùa trăng sau lễ hạ thủy là tục ngủ trăng mui (cả gia đình leo lên mui ngủ dưới trăng). Nhà văn tìm hiểu đến từng chi tiết nhỏ nhất mà ngay cả những người chuyên nghiên cứu phong tục, tập quán cư dân đầm phá cũng ít ai để ý. Chẳng hạn như chi tiết: khi nằm trên mui trong đêm ngủ trăng thì “không được nằm ngang, phải nằm dọc”, hay chi tiết: trong lễ cúng Thần Đầm dịp rằm tháng giêng, hành lễ xong chủ thuyền phải nhảy xuống đáy đầm “lạy Hà Bá hai lạy như người ở trên cạn vẫn lạy”... Nhà văn Hồng Nhu còn cho biết: Dân đầm phá thời trước không phải đi hỏi vợ mà là đi “cướp vợ”. Họ lân la nơi chợ búa, gặp cô nào thất cơ lỡ vận thì lập mẹo bắt. Khi bắt, họ nhét củ khoai hoặc cục cơm vào mồm cô gái chứ tuyệt đối không nhét giẻ, sợ Hà Bá trừng phạt. Bà Mận vợ ông Vui trong truyện Vịt trời lông tía bay về và nhân vật Đào trong truyện Lễ hội ăn mày đều bị những người đàn ông đầm phá cướp về làm vợ như thế. Nếu không cướp thì có cô gái trên cạn nào dám tình nguyện lấy những người nghèo khổ lại sống bấp bênh trên sông nước bao la, tít mù như họ? Thời đó, không cứ gì đàn ông mà cả đàn bà con gái đầm phá cũng ở trần để khỏi vướng víu. Nhờ thế mà nhà văn có thể miêu tả một cách tự nhiên vẻ đẹp hoang dã của bà Mận lúc còn trẻ với “đôi vú bánh dày bà mụ nặn tròn vo, lúc nào cũng căng nhưng nhức màu mận chín... Hai cái núm vú hồng hồng cứ chóc lên như thách thức cả trời đất, sông đầm”. Tả như thế thì có thua kém gì những cây bút “hiện đại”, lại không hề sa vào tự nhiên chủ nghĩa.

Hồng Nhu đan cài đời sống tâm linh và đời sống thường nhật, đan cài quá khứ và hiện tại. Tất cả cùng đồng hiện trong những trang viết của anh. Nhân vật trong các truyện ngắn Hồng Nhu đều là những con người bình thường, không có những nét tính cách gì đặc biệt. Anh khéo léo dẫn dắt họ vào những tình huống gay cấn để làm nổi bật bản lĩnh hoặc những giằng xé nội tâm của họ. Trong truyện ngắn Vịt trời lông tía bay về là tình huống anh con trai của ông Vui phải giả vờ nghe lời bố nhưng tìm đủ cách lên đường nhập ngũ. Ông Vui chỉ vì thương con mà “bày điều trái đạo“ (bắt con trốn nghĩa vụ quân sự) còn Mừng - con trai ông, “không muốn phiền lòng cha mà phải thề bồi” nhưng cương quyết không nghe lời cha. Mừng đã làm theo ý mình, mặc dù biết làm như thế là mang tội “bất hiếu” với cha. Đó là bản lĩnh của thế hệ trẻ vùng đầm phá ngày nay. Nhân vật Lệ trong truyện ngắn Giếng loạn cũng tương tự như vậy. Bố mẹ Lệ đã nhận lời gả cô cho con trai ông Tú. Nhưng cô đã bỏ trốn để đi theo tiếng gọi của trái tim. Mặc dù Lệ cũng biết làm như vậy là trái với đạo làm con theo quan niệm thời phong kiến “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Mấy năm sau cô mới trở về thăm lại bố mẹ cùng với Giành - chàng trai vẫn thường hái cau cho nhà Lệ. Từ những con người dám sống và hành động theo ý mình như vậy, nhà văn rút ra “quy luật muôn đời”: “Những điều tốt đẹp, trọn vẹn không phải từ trên trời rơi xuống mà con người phải tự tìm lấy, tự giành lấy”. Đây cũng là điều mà nhà văn đúc rút được từ chính bản thân mình, cuộc đời mình.

Nhân vật Đào trong truyên ngắn Lễ hội ăn mày bị giằng xé giữa tình cảm quê hương và tình cảm gia đình. Xa quê bao nhiêu năm, chị đau đáu nhớ quê. Chị quyết tâm trở về quê hương bằng mọi giá. Chị đã dìu đứa con chín tháng tuổi bơi đến sáu bảy cây số, từ giữa phá vào bờ. Chị muốn gặp lại cha mẹ, xóm giềng của chị. Nhưng đúng thời điểm chuẩn bị lên đường ra Bắc thì chị nhìn thấy trong lễ hội ăn mày “có một người đàn ông dắt một đứa trẻ đi vào chợ Cồn”. Giây phút ấy, chị có cảm giác như hàng nghìn mũi kim đâm vào tim chị. Đào đau đớn quằn quại. Tác giả chia sẻ nỗi dằn vặt lương tâm với chị: “Đã mười năm nay chị chèo chống trên mặt đầm, lớn lên cùng sóng nước, thở nhịp thở của thủy triều lên xuống, con tôm con cá đã là bạn bầu của chị, trời nước bao la đã là tầm nhìn của chị, màu nước sắc mây đã là dung nhan của chị, sao chị lại dễ dàng đánh mất?”. Tôi nghĩ, nếu không đồng cảm với nhân vật Đào, nhà văn khó lòng diễn tả được sự giằng xé nội tâm xúc động đến như thế. Đây là một trong những đoạn văn trữ tình đậm đặc chất thơ. Chính vì sự dằn vặt đó mà Đào quyết định quay về với chồng con, với đầm phá. Chị chờ đón “tiếng chèo chém nước nhịp đôi” quen thuộc của chồng... Đào bị người đàn ông đầm phá cướp về làm vợ. Ấy thế mà khi có điều kiện trốn thoát chị lại không nỡ dứt áo ra đi. Tình yêu chồng con, tình yêu đầm phá đã ngăn cản bước chân của chị. Điều đó đã góp phần làm cho Lễ hội ăn mày chứa đựng ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc. Nhà văn đã “phổ vào câu chuyện những triết lí về cuộc sống con người”.

Ở những truyện ngắn Vịt trời lông tía bay về, Lễ hội ăn mày... Hồng Nhu có cách diễn đạt rất phù hợp với con người thiên nhiên vùng đầm phá. Biện pháp nghệ thuật mà anh sử dụng nhiều nhất là biện pháp so sánh. Đó là lối nói mà cư dân ở những vùng đầm phá hay dùng. Phải rất am tường “thủy thổ vùng sông nước”, nhà văn mới có thể ví von: “Bầy con ăn xong, chúng sà tới rần rật như một đàn le le, lặng lẽ ngồi bu quanh mẹ”; “người Vui ướt lướt thướt như bó rong mới cào dưới đầm lên”; “ông Vui đứng đầu mũi, bóng dựng như cái cột buồm, mắt ông tinh như mắt rắn nước”... Những hình ảnh đưa ra so sánh đều là những hình ảnh quen thuộc của vùng đầm phá. Nói như Nam Cao, Hồng Nhu đã khơi “cái nguồn chưa ai khơi”. Và đưa đến cho người đọc những khám phá mới lạ từ trước đến nay chưa ai đề cập đến. Lễ hợp cẩn, lễ hội ăn mày, lễ nhập vạn chài, lễ dâng Thần Đầm... quả là những cảnh tượng tôi chưa từng thấy. Cái cách mà bố Lệ cho cuống rau của mấy chị em Lệ vào một chiếc niêu đất nung nhỏ có nắp đậy rồi đem chôn bên Giếng Loạn, tôi cũng mới nghe lần đầu. Hồng Nhu rất giỏi khai thác những chi tiết gây sự chú ý, kích thích trí tò mò của người đọc. Chẳng hạn như cái giếng của nhà Lệ vì sao có tên là Giếng Loạn? Những câu chuyện, sự việc, hiện tượng... chung quanh Giếng Loạn cứ hư hư thực thực hết sức bí hiểm. Ví như hiện tượng nước trong giếng dù nắng hay mưa cũng không hề thêm hoặc bớt một giọt nào. Đôi cá thia nhỏ bằng ngón tay út thả trong giếng đã bao nhiêu năm vẫn không lớn thêm. Đó là chỗ linh thiêng đàn bà con gái không được bén mảng đến. Cái việc chôn cuống rau của mấy chị em Lệ ở bên Giếng Loạn càng làm tăng thêm vẻ bí hiểm. Rồi chuyện chị em Lệ có lần đến chơi bời, vầy đất, vầy cát ở đó dẫn đến việc Lệ bỏ nhà ra đi càng làm cho người đọc hồi hộp theo dõi. Có thật là Giếng Loạn thiêng đến thế không? Câu chuyện kết thúc hết sức bất ngờ: Lệ trở về với niềm hạnh phúc gia đình tự mình lựa chọn. Lúc đó mọi người mới vỡ lẽ Giếng Loạn tức là giếng yên như tục ông bà ngày xưa đặt tên gọi thường ngày cho con cái thật xấu để mong con cái gặp điều tốt đẹp. Hồng Nhu viết truyện như làm thơ. Cái tứ giếng loạn được anh dẫn dắt vô cùng khéo léo. Nội dung không có gì mới nhưng anh triển khai câu chuyện hết sức tài tình. Phải có tay nghề cao và vốn sống thật phong phú mới viết được những thiên truyện ngắn đặc sắc như Vịt trời lông tía bay về, Lễ hội ăn mày, Cổ tích làng, Giếng Loạn...

Anh Nguyễn Khắc Phê trong bài viết Hồng Nhu tuổi hồi xuân, in trên báo Văn nghệ có tổng kết: ở Hội Nhà văn Huế, Hồng Nhu là người cao tuổi nhất, sáng tác truyện ngắn và làm thơ đều tay nhất, nhận nhiều cú đúp giải thưởng nhất (hai lần giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, hai lần giải thưởng tạp chí Văn nghệ Quân đội, ba lần giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô)... Tôi xin bổ sung thêm: Hồng Nhu còn là nhà văn viết về đời sống tâm linh của những người dân ở vùng đầm phá ấn tượng nhất hiện nay.

M.V.H
(260/10-10)






Các bài mới
Xuân nữ (16/11/2010)
Các bài đã đăng
Làng ươm trái (21/10/2010)