Tạp chí Sông Hương - Số 7 (T.6-1984)
Nhà văn Bửu Đình qua ngòi bút của một nhà văn Pháp
14:41 | 28/10/2010
LND: Bửu Đình là một nhà văn có tinh thần yêu nước được các tầng lớp thanh niên thời kỳ trước ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam yêu mến. Vừa rồi, nhân đọc cuốn “Những bí mật trên Côn Đảo” của nhà văn Demario Giang Colotdo viết từ những năm 1935-1936 (xuất bản tại Paris năm 1956) - một cuốn sách ca ngợi khí tiết của những người tù cộng sản trên Côn Đảo, thấy có một chương (1) viết về Bửu Đình, tôi xin dịch để giới thiệu với bạn đọc Sông Hương. Đây là tư liệu đầu tiên giới thiệu Bửu Đình, rất mong bạn đọc và gia đình của nhà văn Bửu Đình cung cấp thêm tư liệu để chúng tôi có thể giới thiệu một cách đầy đủ về nhà văn của núi Ngự sông Hương này.
Nhà văn Bửu Đình qua ngòi bút của một nhà văn Pháp
Nhà văn Bửu Đình - Ảnh: Internet
Tôi nghĩ rằng những người cùng thời đại với vua mặt trời hẳn đã thầm thì về danh hiệu “Người mặt nạ sắt” - như người ta bảo - anh em sinh đôi với vua Lu-i 14, thì cũng giống như ở Việt Nam, người ta vẫn còn đồn đại về cái tên Bửu Đình.

Bửu Đình, người chắt trai của hoàng tử Tĩnh Gia, con trai thứ 41 của vua Minh Mạng.

Bửu Đình là người chú họ của hoàng đế Bảo Đại, bị đày ra Côn Đảo vì những hoạt động chống chế độ quân chủ và có lẽ đã bỏ mình ngoài biển cả với một chiếc bè trong một cuộc vượt ngục bí mật.

Tâm hồn người dân Huế là một khu vườn bí ẩn và huyền nhiệm. Nhưng với thời gian, với sự quan sát một cách có hiểu biết thì một người Pháp vẫn có thể thâm nhập vào đó được. Với một sự kinh ngạc, người ấy nhận thấy rằng có nhiều vị anh hùng của quần chúng đã chiếm giữ một chỗ quan trọng trong khu vườn đó.

Bửu Đình đã trở thành một trong những nhân vật anh hùng nhân dân như thế. Ông đã được tất cả những người Việt Nam biết đến từ người dân bần cùng còng lưng trên những thửa ruộng lầy lội đến những trí thức với cặp kính có gọng đồi mồi.

Vua Minh Mạng trị vì từ năm 1820 đến năm 1840 - ông vua ngược đãi người công giáo nặng nề nhất. Ông có đến 150 người con vừa trai vừa gái. Với lòng kiêu hãnh, trước khi qua đời ông đã quyết định phân biệt dòng dõi quí tộc đông đảo của ông với nhân dân trăm họ trong những thế kỷ sau ông. Thực hiện quyết định này ông đã ban tước cho 20 thế hệ kế nghiệp ông. Mỗi thế hệ có một cái tước đặt ngay trước tên mình. Tước đó có nghĩa là một đức hạnh hiếm có, một phẩm cách sáng ngời thể hiện dòng dõi của các hoàng thân. Nhà vua thiết lập những từ hay ho, một phụ ngữ nên thơ, quý phái. Toàn bộ 20 hình dung từ khắc lên những tờ giấy vàng có chạm rồng. Đó là bài thơ đế hệ của triều đình Huế: một bài thơ tứ tuyệt mà câu mở đầu là:

Miên, Hường, Ưng, Bửu, Vĩnh.

Như vậy, mỗi người trong gia đình Hoàng phái Việt Nam được khoác một tấm nhãn hiệu lố lăng. Nhãn hiệu dành cho thế hệ thứ tư là “Bửu”, nghĩa là hiếm, quý. Và tất nhiên cậu bé Đình mang dòng máu quí tộc nầy được gọi là Bửu Đình.

Thân phụ người anh hùng của chúng ta là một công chức của Nam Triều ở các tỉnh phía Nam. Bửu Đình đã rời xứ Huế từ thuở bé cho nên ông không hiểu biết mấy về Kinh thành, nơi có hơn hai ngàn người sống trong sự bưng bít, giữa những khu vườn rực rỡ và dưới những vòm xây tối tăm như những lăng mộ với bộ mặt sơn son thếp vàng chói lọi. Ông không mặc áo vàng - cái màu sắc tuyệt đối dành riêng cho hoàng tộc. Và ông cũng không được nô đùa sau những hàng cột chùa - nơi các bà phụ nữ với áo quần sặc sỡ thường đến quì lạy khấn vái.

Thời thơ ấu, ông học tiểu học ở Phan Thiết, ông là cậu học sinh chăm chỉ nhưng cũng hay cáu kỉnh. Năm lên mười ông học thêm chữ Nho, đó là một kiến thức bắt buộc đối với những ông quan tương lai.

Năm 14 tuổi ông hoàng nhỏ trở lại Huế và được nhận vào học trường Quốc Học. Ở trường ông là một học sinh trầm mặc, hay lẩn tránh các trò vui nhộn trong giờ chơi. Một trong những cậu bé hay suy tư như thế này hẳn đã làm cho người châu Âu hết sức ngạc nhiên, bởi lẽ người Âu đã quen nhìn bọn học sinh Tây phương tinh nghịch.

Ở trường, năng khiếu riêng của ông bắt đầu chớm nở: nghề làm báo - cái nghề đã đưa ông vào chỗ chết. Ông tập hợp năm ba người cùng lớp và thành lập một tờ tuần báo. Bài vở viết xong cứ vào ngày thứ năm thì gửi đến cho ông.

Năm 1919 đã xảy ra một biến cố bất ngờ, thân phụ ông đã bị ngược đãi ở triều đình phải xin về hưu trí. Cuộc sống trở nên bức bách trong một gia đình có bốn người con còn trong tuổi ăn học. Bởi thế, Bửu Đình đã phải gián đoạn việc học để xin đi làm. Ông sống ẩn dật một thời gian ở nhà người anh họ làm trưởng ga Bang-hoi. Tại đấy, trong sự yên tĩnh tuyệt vời của vịnh Cam Ranh, ông lập một ngôi trường sơ học để dạy cho khoảng 40 học sinh cả nam lẫn nữ. Học sinh hai tay vòng trước ngực lắng nghe ông dạy một cách thành kính. Vì ở Việt Nam, lòng tôn kính của học trò đối với thầy giáo rất lớn lao. Như thế ông đã có thể giúp đỡ cho gia đình: đó là nguyện vọng sâu xa của tất cả những thanh niên có đầu óc ở Việt Nam. Hơn thế nữa, ông đã dành dụm được một số tiền để có thể đi Sài Gòn dự một cuộc thi vào làm thư ký cho ngành Bưu Điện. Ông đã trúng tuyển và được trở về Huế thực tập bên cạnh cha mẹ già.

Thế rồi thời gian tập sự cũng hoàn thành chóng vánh. Người thanh niên trí thức hăng hái này đã sớm tiếp thu được những qui trình về bưu điện và đã trở thành một điệp báo viên xuất sắc của chính quyền. Như vậy, bây giờ, ông đã ở giữa trung tâm Sài Gòn. Nhưng một lần nữa nghề làm báo lại kích thích ông và nó đã đưa ông đến tình trạng phải làm việc gấp đôi lên. Đầu tiên ông cộng tác với tờ Công luận báo với bút hiệu Hà Trì. Sau đó, chính ông đã đứng ra tự lập một tờ báo khác lấy tên là Nam Kỳ Kinh tế báo.

Ban ngày ông tích cực hoàn thành công việc của một nhân viên Bưu điện. Đêm đến, trong căn phòng viết nghèo nàn, dưới ngọn đèn leo lét ông đã viết những bài báo vô tận. Chỉ một mình ông đã viết nguyên một tờ báo: viết từ bài xã thuyết cho đến mục phê bình.

Mặc cho mọi sự nhọc nhằn, số lượng in của tờ báo nầy cứ tăng lên vùn vụt và chính quyền bắt đầu thấy lo lắng. Bởi lẽ Hà Trì còn liên kết với các đảng phái đối lập và trực tiếp tham gia vào các hoạt động chống nền quân chủ.

Ông nhiếc mắng thậm tệ những viên chức ăn hối lộ của triều đình Huế - mà phần lớn là bà con thân thuộc của ông. Theo ông thì giới quan lại chỉ là những “thằng hề” và ông cũng phủ nhận luôn cả tính chất thiêng liêng của nhà vua: đúng là ông đã mắc vào tội khi quân. Bởi vì ở Việt Nam, dưới mắt của người dân, vua là linh thế, là bậc trung gian nối liền giữa Trời và nhân gian.

Qua các bài báo, Bửu Đình đã dám có những lời lẽ bất kính đối với đấng tối thượng tuổi trẻ - người cháu họ Bảo Đại của ông đang học hành ở Pa-ri. Ông gọi Bảo Đại là “thằng vua” hoặc là “vật vua chúa” (créature royale) để đối lại cái danh hiệu “thiên tử”.

Triều đình Huế tin tưởng là sẽ thắng được cái tính nết bất trị nầy bằng sự đãi ngộ đầy vinh quang cho ông: (vật trám miệng chắc chắn nhất). Một ngày nọ, giám đốc Bưu điện mời người điện báo bất trị này đến để trao cho ông một cái “Lục chỉ” mang chữ ký của vua Khải Định đề ngày 16-6-1925. Lục chỉ quyết định phong phẩm hàm quan lại cho ông. Bửu Đình cầm lấy mảnh giấy viết bằng chữ Nho, có đóng con dấu bằng mực xạ và có vẽ rồng trang trí lăn quăn. Ông xem qua và trả lại ngay với những dòng ghi chú ngạo mạn:

“Tôi có thể tìm được một góc rừng đẹp đẽ nào đó để nương thân, được như vậy là tôi bằng lòng lắm rồi. Tôi không muốn có những quan hệ với triều đình Huế, cũng như không muốn nhận những tước hiệu vinh dự hoặc chức quan quyền nào của triều đình. Tôi đã quá mãn nguyện về dòng họ của mình rồi. Và vì không làm được gì tốt, nên tôi đã không đòi hỏi gì hơn là được như thế thôi. Không cần chức tước và cũng chẳng cần đất đai”.

Mặt khác, như tôi đã tra cứu ở Sài Gòn, thì hồ sơ hành chánh về người thanh niên phản kháng này toàn là những đơn trương khiếu tố và những bài đả kích kịch liệt, ông ta ca thán về hoàn cảnh của ông. Theo ông người ta đã không tôn trọng dòng dõi và đức độ của ông. Những bài ấy được diễn đạt bằng một lối văn cầu kỳ đầy rẫy những đoạn viết bằng tiếng Pháp và ngay cả tiếng La-tinh, thật là một điều quá đặc biệt ở cái xứ Viễn Đông này.


Vì quá bực mình, ông Malpuech, giám đốc Bưu điện ở Nam kỳ đã diễn tả sự tức tối của ông qua mấy lời chú thích ghi ở bên lề rằng: “Ngạo mạn, cáu kỉnh, nhân viên nầy đã gieo rắc một ảnh hưởng vô đạo đức trong các đồng nghiệp của y. Đây là một cuộc âm mưu muốn tranh giành ngôi báu. Bửu Đình xem người đang cai trị như một kẻ tiếm quyền. Tốt hơn là nên gọi y về Trung kỳ và đặt y dưới sự giám sát của pháp luật triều đình Huế.

Có một độ nhà văn châm biếm bộc trực này có vẻ ngoan ngoãn. Ông nhận được một cái lệnh của cha mẹ già từ Huế gửi vào buộc ông phải cưới cô Nguyễn Thị Hiếu con gái một vị Hương cả ở Gò Công. Là một người hiếu thảo, biết tôn trọng mệnh lệnh của đấng sinh thành cho nên ông đã chấp nhận không một lời trái ý mẹ cha. Tuy vậy, vị quan già cũng đã khéo chọn được người vừa ý. Người đàn bà xinh đẹp có khuôn mặt màu hổ phách (ambré) dịu hiền và đôi mắt mơ màng đã mang lại cho chồng một niềm an ủi và xoa dịu đi bớt phần nào sự day dứt trong tâm trí Bửu Đình. Trong thời gian đó Bửu Đình sống một cuộc đời ẩn dật, không tham gia vào các cuộc đấu tranh chính trị, ông chỉ còn một sự vui thú là viết tiểu thuyết.

Nhưng than ôi, sự bình an ấy không kéo dài được lâu. Ngày 1-1-1926 đã nổ ra một cuộc đình công từng phần của nhân viên Bưu điện Sài Gòn. Bửu Đình - Tổng thư ký của Hội Liên hiệp tương trợ viên chức Việt Nam đã đứng ra cầm đầu phong trào. Để khỏi bị rắc rối, sở Bưu điện đã thuyên chuyển ông đến bưu điện Tục chàm - một nơi khí hậu rất độc. Ở đó ông nhuốm bệnh và phải trở về điều trị ở bệnh viện Chợ Lớn suốt hai tháng. Lúc ra viện, người ta lại muốn đưa ông đến một nơi còn độc địa hơn thế nữa. Vì thế ông đã không đi và xin thôi việc.

Từ đó ông được “tự do”. Ông có thể dành hoàn toàn thời gian cho nghề báo, cho cuộc đấu tranh chống lại triều đại đang trị vì và chính quyền thực dân Pháp.

Có hai tờ báo đã tiếp nhận ngay sự cộng tác của Hà Trì. Đó là tờ L’Essor Indochinois và tờ Tân thế kỷ. Ngay từ bài báo đầu tiên ông đã có những lời đả kích chính quyền làm cho người đọc Nam kỳ hết sức xúc động. Rồi những biến cố dồn dập đến. Bửu Đình phải gia tăng các cuộc tấn công. Giờ đây một mình cây bút không đủ. Ông đã nhảy vào hàng loạt các cuộc diễn thuyết tuyên truyền ở Nam kỳ và cả ở Trung kỳ.

Số lượng in của Tờ Tân Thế kỷ gia tăng nhiều đến nỗi Thượng thư bộ Lại ở Huế đã ra sắc chỉ nghiêm cấm việc phát hành tờ báo trên toàn cõi lãnh thổ bảo hộ.

Thế là tên “ma đầu” Bửu Trác - người anh em họ với Bửu Đình, đã bám lấy nhà báo trẻ tuổi nầy. Bửu Trác nguyên là tên cận vệ cũ của vua Khải Định, một kẻ có mưu đồ tranh giành ngôi báu ở Huế; Bửu Trác muốn hất ông vua trẻ Bảo Đại còn đang du học tại Pa-ri. Nham hiểm, xảo quyệt Trác đã biết lôi kéo sự hăng say của người bà con trẻ Bửu Đình về phía mình. Chính Trác đã “đạo diễn” cho những bài báo độc địa và chuẩn bị cho những cuộc diễn thuyết xúi dục nổi loạn ở Kim Long, ở Huế, ở Quảng Trị. Qua các cuộc diễn thuyết quan lại bị lăng nhục và các dự án của Pháp đã bị phê phán một cách dữ dội.

Vào ngày Tết (20-2-1927) Bửu Đình cùng với thanh niên học sinh Huế - những người rất dễ bị kích động, hay công kích như sinh viên của khu La-tin, đến chúc tết cụ Phan Bội Châu - một nhà cách mạng lão thành vừa được toàn quyền Va-ren ân xá.

Trong khu vườn quang đãng được bao bọc bởi những hàng rào tre. Bửu Đình đã đọc một bài diễn văn sôi nổi bên cạnh một vị lãnh tụ khắc khổ với đôi tay đã bắt đầu run rẩy. Sự hứng khởi đã đẩy ông đến chỗ lăng mạ luôn cả vị hoàng đế trẻ tuổi của nước Việt Nam.

Quả là quá đáng. Giới quan lại phải ra tay hành động. Vào tối ngày 23-2, nhà diễn thuyết nhận được một cái thiệp mời đến phủ Tôn Nhơn. Nhân vật cao nhất ở Phủ là chú ruột của Bửu Đình. Dù đến trễ ông vẫn bước vào phủ không một chút e dè. Đến nơi ông được thông báo là ông đã bị cầm tù. Nhưng không ngờ học sinh Huế đã được báo động trước, họ tuyên bố bãi khóa và ngày mai họ đã kéo đến biểu tình trước phủ Tôn Nhơn. Cảnh sát bất lực không dẹp được. Lúc ấy người ta đã phải tuyên bố sẽ trả tự do cho Bửu Đình 24 giờ sau đó và họ còn đẩy cả Bửu Đình ra đứng trước bao lơn cổ võ đám đông.

Đó chỉ là một thủ đoạn xoa dịu tinh thần của thanh niên. Cửa nhà tù vẫn đóng chặt trước cuộc nổi dậy. Và đến tối, ông bị dắt tới hội đồng hoàng tộc. Bửu Đình bị kết án vì tội khi quân và mạ lỵ quan Thượng thơ bộ Lại. Quan các hạ Nguyễn Tri phạt ông 500 đồng và dọa sẽ đăng những bài báo tố cáo ông ngay trên tờ Tân Thế kỷ. Bửu Đình đã bị chú ông kết án 9 năm tù khổ sai và bị phát lưu vào ngục thất Lao Bảo. Án được phán quyết của Hội đồng cơ mật vào ngày 15-4-1927. Ngoài ra, theo lời phán quyết ông bị gạch tên khỏi sổ bộ hoàng tộc, và buộc phải đổi tên thành Tạ Đình: họ của thân mẫu ông. Đó là một điều sĩ nhục lớn nhất ngang hàng với tội tử hình ngày xưa trong luật Gia Long.

Tại Lao Bảo, chế độ lao tù quá khắc nghiệt. Tù nhân này đã tuyệt thực và điều đó đã kích động tinh thần của học sinh Huế. Bửu Đình tỏ ra quá “bất trị” đến nỗi người ta phải chuyển ông ra Côn Đảo.

Cơ quan quản lý Côn Đảo của Pháp hình như đã dành cho Bửu Đình một sự ưu đãi tối thiểu trên hòn đảo lưu đày nầy. Trên đảo ông lại tiếp tục cộng tác với các báo chí ở Nam kỳ. Ông chuyển được những bài báo của ông về đất liền bằng cách nào thì chẳng ai biết được! Mặc cho sự giám sát rất nghiêm ngặt của Pháp cái bút danh Hà Trì vẫn tiếp tục trưng trên mặt báo Phụ nữ tân văn. Ông cũng gởi xuất bản tập tiểu thuyết Mảnh Trăng Thu, và tập thơ Giọt Lệ Tri âm. Những vần thơ đẹp đẽ, đôi chỗ hơi não nề đã thấm vào lòng người đọc, và chính tôi cũng hết sức xúc động:

Ôi mẹ, ôi cha ơi!
Con vô cùng đau khổ
Trái tim con rỉ máu
Với trăm ngàn vết thương
Nó bùng cháy, nó dày xéo
Cõi lòng đau khổ của con
Từ ngục tù xa xôi
Con cầu mong cha mẹ
Hãy rộng lòng khoan dung


Tất cả những người ở Côn Đảo, tù chính trị cũng như tù thường phạm họ đều khâm phục ông hoàng lưu đày này. Những người giúp việc không lương đã cung cấp cho ông mọi thứ, họ chọn dành cho ông những món ăn ngon nhất. Khi chiều xuống trên bờ biển, ông mơ màng dạo chơi. Người ta tin ông được che chở bởi một cái đỉnh lọng vô hình.

Tuy được kính trọng như thế nhưng Bửu Đình chỉ nghĩ đến tự do, ông luôn canh chừng ở vịnh Hòn Tre lớn để rồi ngày 15-11-1930 ông thấy năm người tù chống đến một chiếc bè và họ mời ông đi theo họ. Ông đã ra đi. Nhưng không may một cơn bão lớn đã nổ ra ngoài khơi. Ông và những người vượt ngục bị giạt vào một nơi ở gần Xanh-ga-po và đến ngày 30-12-1930 ông đã bị giao trả lại cho Côn Đảo! Vào một ngày tháng 10 năm sau (1931) ông lại vượt ngục một lần nữa cùng với hai người tù khác cũng ngay trên vịnh Hòn Tre lớn. Tôi không thể thu thập được một tài liệu nào về cảnh ngộ của cuộc vượt thoát này. Nó vẫn còn là một điều bí ẩn. Chỉ biết rằng trước khi bước chân xuống bè, Bửu Đình đã để lại ở cái chòi của ông một bài thơ châm biếm 43 câu gửi cho ông giám đốc nhà lao:

Mấy lời nhắn nhủ chú Bu-vê (Bouvier)
Dô ở đây thì thẳng một bề
Chim đã sổ lồng mong thẳng cánh
Trời cao, biển rộng nước non quê


Vài tháng sau cuộc đào thoát này thì có một bức điện gửi đến Côn Đảo. Nhân chuyến trở về Đông Dương, vua Bảo Đại đã tuyên bố ân xá cho người chú họ của ông. Nhưng sự khoan hồng này không bao giờ được thông báo lại cho Bửu Đình nữa, bởi vì người ta đã không còn tìm thấy một dấu hiệu sống sót nào của ông cả.

Có tin đồn là ông đã đến Xiêm và được nhận vào tu trong một ngôi chùa nào đó. Nhưng với thời gian thì niềm hy vọng đó cũng tiêu tan. Ông hoàng phản kháng này đã thật sự mất tích ngoài biển trong một trận cuồng phong.

Điều đó được em của ông là Bửu Kỉnh, làm thư ký cho một đồn điền ở vùng đất đỏ xác nhận. Và cũng được bà vợ và cô con gái của ông sống ẩn dật ở Gò Công lập lại với tôi trong tiếng nấc nghẹn ngào đau đớn.

Và đó cũng là điều được xác nhận qua việc điều tra riêng tại Băng-cốc và Yunnanfou nơi tôi gắng công tìm lại dấu vết của cậu bé kinh khủng thuộc hoàng tộc Việt Nam này.

10-1983
TÂM HẰNG dịch
(7/6-84)




Các bài mới
(19/11/2010)
Dã Tràng (05/11/2010)
Các bài đã đăng