Tạp chí Sông Hương - Số 7 (T.6-1984)
Vài nét về truyền thống sân khấu ở Huế
08:35 | 02/11/2010
NGUYỄN HUY HỒNGI- Thanh Bình Từ Đường và Lễ Tế Tổ ngành sân khấu Huế
Vài nét về truyền thống sân khấu ở Huế
Mặt trước của Thanh Bình Từ Đường - Ảnh: Internet
Nghệ thuật sân khấu Việt Nam là một sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật truyền thống lâu đời, thống nhất, đa dạng và phong phú với nhiều loại hình hoàn thiện như Tuồng, Chèo, Cải Lương, Rối… và một số loại hình mới phát triển như Ca kịch Huế, ca kịch Bài chòi, kịch nói… Dù ở loại hình nào, trình độ nào, địa phương nào, ngành sân khấu đều thờ chung những ông Tổ.

Ở Huế các Tổ đều được thờ tập trung trong Từ Đường Thanh Bình. Từ Đường tuy gắn bó nguồn gốc với triều đình nhà Nguyễn (1802-1945), nhưng không có gì xa lạ với tục lệ chung “Tôn sư, trọng đạo” của toàn ngành.

Trên đất nước ta hiện nay, sự tồn tại nguyên vẹn một nhà thờ Tổ ngành sân khấu bề thế, khang trang như Từ Đường Thanh Bình ở Huế là một điều đặc biệt quí giá vì hầu hết nhà thờ Tổ các nơi khác đã bị phá phách hoặc hủy hoại trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vừa qua.

Từ Đường Huế ở phường Phú Mỹ (ngày nay là phường Phú Hiệp), xây cất hoàn chỉnh năm Minh Mệnh thứ 5 (tháng 4/1825) và được tu sửa lại năm 1958.

Ngoài bài vị các thần thánh chung (1) ở đây đặc biệt thờ nhiều tượng hai ông Làng. Có thuyết cho hai ông Làng thờ đây là Đào Duy Từ và Càn Cung Hầu. Về Đào Duy Từ, ai cũng biết ông vốn là con nhà hát xướng ở Thanh Hóa, vì bất mãn với chế độ thi cử của họ Trịnh ở Đàng ngoài bỏ vào Đàng trong theo chúa Nguyễn (2). Còn Càn Cung Hầu là một kép hát Trung Hoa được Minh Mệnh trọng dụng (3). Nhưng cũng có ý kiến cho đây là hai ông Hoàng “trẻ con” mê hát bội lén đi xem không may bị chết vì tai nạn (4).

Tượng thờ ở Từ Đường Thanh Bình không tạo bằng gỗ thị như các nơi khác, lại bằng gỗ dâu, nhưng hèm kiêng kị vẫn có chung là quả thị. Hiện nay ở Huế còn khoảng trên ba chục pho tượng Ông Làng thờ trong Từ Đường, rạp Đồng Xuân Lâu (quen gọi rạp bà Tuần) ở Phước Thọ am,… và một số nhà nghệ nhân như cụ Giám Cơ… Các tượng đều nhỏ cỡ 0m20 - 0m25, chân tay có khớp, đầu chít khăn đỏ hay vàng, quần trắng, áo dài lụa, nhiễu trơn hoặc hoa đủ mầu, cổ đeo bài vàng, khánh vàng, kim tiền vua ban có khắc chữ “Anh Linh”, “Huyền Diệu”, “Thái Bình”, “Linh Hiển”. Các nghệ nhân cho biết số tượng này do các phường, các gánh hát trong vùng tạc cung tiến. Những phường gánh mới dựng thường đến rước về thờ và khi tan lại rước trả. Nhiều tượng được để trong các khám sơn thếp, khảm khắc công phu, trang trọng. Tại Từ Đường, hàng năm trang phục Ông Làng được thay đổi hai lần.

Từ Đường trồng ra sông Hương, gồm ba gian hai chái, hiên rộng, mái ngói, tường xây, sân trước có tường thấp bao quanh. Ngoài sân hiện còn hai tấm bia: 1- Bia đá xanh dựng năm Minh Mệnh thứ 5 (1825), nội dung nói về hoạt động nghệ thuật. 2- Bia đúc bằng xi măng dựng năm tu sửa (1958). Trong Từ Đường có nhiều câu đối gỗ Sơn khảm treo trên các cột. Trên cửa giữa ngoài hiên còn bức hoành làm từ thời Tự Đức.

Hàng năm, Từ Đường tổ chức Tế tổ hai lần ngoài việc thường xuyên hương khói và cúng tuần vào mồng 1 và 15 hàng tháng.

Tế Xuân vào giữa tháng ba (âm lịch) và Tế Thu vào rằm tháng 7. Tế thu là chính. Khoảng 3 năm có một lần Tế Thu lớn. Vào dịp này các phường, gánh hát bội quanh vùng đều được mời về dự. Đại lễ này diễn ra ở ngoài sân Từ Đường, gồm ba phần:

1. Tế, chủ yếu để dâng lễ vật cúng Tổ, cũng giống như Tế thần ở các nơi Đình miếu, chỉ thay văn học bằng lá sớ cầu cúng chư vị.

2. Hát Thất Kích, phần chủ yếu của cuộc lễ, kéo dài khoảng 3 giờ tiếp sau phần Tế. Đây là nghi thức tín ngưỡng riêng của ngành sân khấu Huế. Văn bản hát Thất kích gọi là Thư Cách bản bằng chữ nôm pha chữ Hán, ghi thành sách lưu giữ tại Từ Đường, truyền rằng có từ thời Đào Duy Từ (1572-1634), gồm 393 câu văn vần, do một nhà cái và 8 nhà con hát trước bàn thờ, có kèn, trống, đàn, sáo… đệm theo. Thơ kích có thể chia tạm ra bảy đoạn sau:

a. Từ câu 1 đến câu 35, nội dung: Mừng đất nước vua chúa.

- trình bày nguyên do cuộc lễ.

- thỉnh chưa vị về dự lễ.

b. 20 câu tiếp: chúc tụng các chư vị.

c. 30 câu tiếp: Trình bày quá trình hình thành vũ trụ, con người, cuộc sống và sự ra đời của Hát Bội. Dâng Hương.

d. 89 câu: Trình diễn nghệ thuật thờ Tổ - Không (giáo) Đất, Không Trống, Không Pháo.

e. 51 câu: - Mời mọi người tham dự đưa Linh về.

- Kể gương hiếu thảo của 6 người con hiếu trong sách Nhị thập tứ hiếu của Lý Văn Phức. Nói tầm quan trọng của chữ “hiếu”.

f. 37 câu: Bày tỏ lòng hiếu kính với Tổ.

g. 21 câu sau cùng: Tiễn đưa chư Linh về thượng giới.

Hát Thất Kích là một diễn xướng nghi lễ đề cao chữ hiếu một cách “mù quáng” phục vụ cho yêu cầu chấn chỉnh nhân luân, phong hóa, nhằm củng cố các giềng mối đạo đức Khổng, Nho, làm cơ sở cho trật tự quân chủ phong kiến đang xuống dốc của nhà Nguyễn.

Nhưng trong Thơ Kích ngoài đoạn ngắn (36 câu) kể chuyện hiếu thảo nêu trên, ta còn thấy ít nhiều tư liệu về nghệ thuật học, xã hội học, dân tộc học, văn học, sử học… vùng Huế một thời.

3. Chèo lễ đại đàn.

Múa hát Chèo lễ đại đàn tiếp sau Hát Thất Kích là điệu múa hát phát triển từ “Chèo đưa linh” trong đám ma, một nghi thức tín ngưỡng xưa phổ biến nhiều nơi trong cả nước, nhất là ở miền Trung. Ở đây nhiều động tác múa bơi chèo đẹp mắt kết hợp với nhiều âm thanh nghề nghiệp được chọn lọc, cách điệu hóa đã cùng lời hò, tiếng hát dần dà, làm cho tiết mục mang nhiều đặc tính tiêu biểu địa phương, gần gũi với nhân dân quanh vùng. Ta gặp ở đây điệu Lý tình tang, Hò dô, Hò dậy, Hò khoan, Hò đưa linh… tiếng gõ đuôi cá vào lưới, tiếng reo cười sảng khoái của ngư dân ven biển bên cạnh những đội hình, bộ điệu, đạo cụ hóa trang, phục trang… vui mắt, rộn ràng, lành mạnh. Cách múa khỏe khoắn, dứt khoát… mang đậm đà chất võ thuật dân tộc truyền thống.

Với ông lão chài đứng lái, những nhà con cầm chèo, tướng Tuồng đứng mũi, múa Chèo lễ đại đàn vừa như cuộc đời, vừa như không phải cuộc đời, hư hư thực thực…

Đại lễ kết thúc với lời xướng lời xô nhịp nhàng mạnh mẽ cùng tay chèo gấp gáp kéo “cả hội” vào cao trào và cùng ùa chạy theo ra ngã ba đường xứ vứt bỏ các hòm đồ nghề hát múa một cách tượng trưng (5).


II. Những hoạt động sân khấu quanh Từ Đường Thanh Bình.

Gắn với Thanh Bình Từ Đường là Thanh Bình Thự, cơ quan quản lý việc ca múa - nhạc cung đình nhà Nguyễn. Ở nước ta, tổ chức này đã có từ lâu đời. Thời Lý - Trần, triều đình đã lập ra Thượng Lâm Tử Đệ làm nơi tập hợp nghệ nhân. Thời Lê, tuy những người hát xướng bị chế độ khinh miệt, bạc đãi, nhà nước vẫn phải lập sở Bách Hí cùng các đội Đồng Văn, Nhã Nhạc vẫn có thuế dung, thuế điệu đánh vào giáo phường và cửa đình. Đầu thế kỷ XVII, ở xứ đàng trong chúa Nguyễn Phúc Chu (1613-1635) theo lời Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ cho lập Hòa Thanh Thự với Ban vũ nhạc để múa hát vào những ngày khánh lễ. Ban này gồm ba đội, 120 lính, thuộc quyền viện Phó quản điều khiển. Mỗi đội có một xuất đội. Vũ sinh tuyển cả con trai và con gái. Đội nhất và đội ba trông coi về nhạc, đội nhì trông coi về hát và múa. Thời Gia Long chỉ lập hai đội Tiểu Nam và Tiểu Hầu với 184 lính dưới quyền trông coi của 2 Chánh ca trưởng và 6 Phó ca trưởng. Triều Minh Mệnh lập Việt Tường Đội 121 người với một Phó quản, 3 Chánh, Phó đội, 6 Quyền xuất đội và một ban nữ nhạc 50 người, dưới quyền 2 Nữ quan. Các đội này nằm trong Thanh Bình Thự đứng đầu là Thự trưởng, chuyên tấu nhạc Ngũ Hường khi tế và múa hát khi yến tiệc. Trong đội Việt Tường có ban Hát bội trình diễn các tích hát cổ như Vương Mẫu hiến đào. Tam Anh chiến Lã Bố, Giang Tả cầu hôn, Triệt giang phò A Đẩu, Tam cầm tam phóng Cao Quân Bảo, Tiết Đinh Sơn nhất bộ nhất bái…

Thành Thái lên ngôi (1889) đổi đội Việt Tường thành đội Võ Can gồm 120 người và lấy thêm lớp Đồng ấu 20 em cho học nghề.

Năm 1917, Khải Định lại chuyển đội Võ Can thành Thân Binh Vệ vừa làm lính bảo vệ vừa múa hát và lấy thêm một lớp Đồng ấu 20 em nữa.

Càng về sau sinh hoạt của lính “văn công” càng khó khăn; họ chỉ tập trung khi cần, còn ăn ở tại gia đình, nên thường đi hát thuê thêm kiếm sống.

Trụ sở của Thự Thanh Bình ngay trước Từ Đường Thanh Bình, gồm có nơi làm việc, nhà tập, nơi ăn ở của lớp Đồng ấu. Thời gian đầu, công việc của Thự Thanh Bình chỉ chuyên đáp ứng nhu cầu lễ nghi, giải trí và tiêu khiển cho triều đình cùng hoàng tộc như nhận thức của Minh Mệnh:

“Âm nhạc tịnh trần hòa kỳ tâm nhi dưỡng kỳ chí
Nghiêm suy tề hiến thủ kỳ thị nhi giới kỳ phi”.

Nghĩa là: âm nhạc bầy ra hòa được lòng và dưỡng được chí - Tất cả bầy biện, ta hãy tiếp những lẽ phải, điều hay trong đó và nhìn những cái sai lầm trong đó để răn mình (6).

Tới triều Tự Đức, bên cạnh nó, lại có Phòng Hiệu thư tập hợp nhiều nhân tài sân khấu chuyên làm việc sáng tác và chỉnh biên. Nổi bật ở đây là Đào Tấn (7). Chính cũng từ đây đã ra đời những vở tuồng kinh (kinh bản) bắt cả nước phải diễn theo và nộp tất cả các “bản đang lưu hành ở phường ở gánh (phường bản) về kinh”. Cách làm này đã đẩy nghệ thuật tuồng hoàn thiện lên một bước. Về lời, văn chương Hán học chiếm vai trò chủ đạo trong sáng tác kịch bản. Về truyện kịch thì tập trung đề cao tư tưởng “trung quân mù quáng”. Còn về nghệ thuật biểu diễn, các hình thức được hoàn chỉnh và đã đưa vào hệ thống nề nếp.

Nhưng vì đi ngược lại với truyền thống yêu nước (chống ngoại xâm của nhân dân, dòng Tuồng chính thống này đã làm nẩy nở ngoài cung đình dòng tuồng sĩ phu và dòng tuồng đồ dân gian.

Phải nhận rằng sự đấu tranh giữa ba dòng tuồng này bộc lộ khá rõ bằng tác phẩm. Nhân vật Tuồng đồ là những Thị Hến, Trùm Sò, Thầy Nghêu, Giáp Kén, Xã Nhông, Thầy Đề, Mụ Huyện…. Với đủ thứ thói hư tật xấu của xã hội này. Nó vạch trần cái thối nát của xã hội phong kiến suy tàn. Còn Tuồng sĩ phu tuy vẫn mang ý thức hệ phong kiến nhưng lúc này truyện phò vua khử ngụy, không đề cao ý thức sự quan, tư tưởng huyết thống. Loại tuồng này đã thoát được đạo lý “ngu trung”, đã đề cập đến những mối quan hệ xã hội bình thường giữa anh em, vợ chồng bè bạn và đã đề cao đức tín nghĩa, ân tình (như Kim Thạch kỳ duyên, Phong Ba đình, Ngũ hổ bình Tây, Triệu Khánh Sanh, Hộ Sanh Đàn, Trương Cổ Thành…)

Kinh đô Thăng Long qua nhiều lần bị tàn phá, không còn để lại cho chúng ta một chứng tích sân khấu cung đình nào. Chỉ ở Huế ta còn thấy được một Duyệt Thị Đường, một Khiêm Minh Đường và hệ thống các công trình lớn nhỏ chuyên dùng cho hoạt động nghệ thuật sân khấu và ca-múa-nhạc cung đình.

Và cũng ở Huế việc đào tạo diễn viên văn công chính thống nhà nước qua hai lớp Đồng ấu còn lưu giữ cho ta một số nghệ nhân tốt nghiệp đã cao tuổi làm vốn truyền nghề. Những giáo trình này hiện thu thập được không nhiều nhưng là vốn cơ bản cho việc dạy Tuồng. Có thể nói, do điều kiện triều đình bắt các trấn thành đưa về diễn ngự những gì hay của trấn của thành trong các dịp khánh lễ nên tinh hoa, tinh túy nghệ thuật một thời đã tập trung được ở đây và với trình độ, tài năng, học thức cao của những người tòng sự nên Phòng Hiệu thư đã đúc kết được và thực nghiệp qua hoạt động của Thanh Bình Thự. Phần khác các nghệ nhân có tài được tập trung về đây hành nghề cũng học tập lẫn nhau và khi trở về địa phương hẳn cũng truyền bá những gì học được (8). Qua số bài Múa Bông thu thập được ta thấy cùng với các động tác: dựng bàn tay, vuốt râu, cầu quay, guộn tay, lệch chân, chỉ tay, chém, rót rượu, đề kích, đâm, nhảy bộ, khai, giàng, ký, đối trụ, xoay người… có lời hát sóng đôi khi tập (9).

Ở Huế có môn Ca Huế độc đáo, cơ sở tạo thành loại hình sân khấu ca kịch Huế hiện nay, vốn là lối đàn hát tiêu sầu khiển muộn trong nhà các bậc quyền quí. Nghệ nhân đàn hát là người các đội ca múa cung đình được vời đi hát lẻ ngoài phận sự để kiếm thêm. Lối hát này không giống hát Ả Đào về qui mô cấu trúc bài bản và diễn tấu, không có trống chầu, phách tre, đàn đáy. Ca nhạc Huế mang phong cách ngân nga thù tạc tri âm, tri kỷ, bài bản đều ở mức hoàn chỉnh nhất định cả lời lẫn nhạc, giàu chất trữ tình nhưng cách diễn tấu hoàn toàn nằm trong tài nghệ người đàn, người hát nên linh hoạt, sinh động ngay ở từng bài bản. Khả năng chuyển biến tùy hứng này là điều kiện thuận lợi cho việc sân khấu hóa bằng ngữ âm ngữ điệu lời ca giọng hát.

Tổ chức Múa Hát - Sân khấu cung đình này chỉ còn đội Ba Vũ, với các điệu múa Phượng, múa Lân, múa Đàn, múa Bông, múa Nữ tướng xuất quân…

Thành phố Huế vốn là đất của cung điện, đền, đài, chùa, miếu… nên ngoài cung đình, dân thôn quanh vùng có nhiều diễn xướng tín ngưỡng, phong tục, sinh hoạt. Gần sân khấu có lên đồng của Đạo Tiên Thánh giáo mà đền gốc là Điện Hòn Chén, Múa chèo lễ đại đàn ở Từ Đường Thanh Bình, múa Hát Chèo đưa linh, Trò diễn ở Phò Trạch…

Sinh hoạt dân ca Huế khá phong phú: Hò mái nhì, hò mái đẩy, hò đâm vôi, hò bài thai, hò đưa linh… Nhưng đáng lưu ý về tính sân khấu có Hò giã gạo. Có thể coi đây là loại sân khấu “diễn lời” được nhân dân ưa thích. Cùng với Hò phải kể Lý, những điệu dân ca quen thuộc mà sân khấu ca kịch Huế đang thừa hưởng bên cạnh Vè.

Mật độ sân khấu tính theo diện tích cũng như dân số, không đâu dày hơn Huế. Hàng chục rạp Tuồng trong Đội Nội, trong dinh phủ các ông hoàng, bà chúa, các quan lại, ngoài phường phố xưa kia hầu như đã “bình thường hóa, thường xuyên hóa” sinh hoạt Tuồng. Điều này cũng không lạ ở kinh đô của một triều đình “bù nhìn” lúc suy tàn.

Vì thế ta cũng không nên nghi ngờ tài năng sáng tạo ra loại Tuồng Đồ (hay tuồng hài) và ca kịch Huế lại ở vùng đất không rộng và người không đông này khi có sự phân hóa giai cấp xã hội.

Truyền thống sân khấu Huế là một hiện thực độc đáo đáng lưu ý trong lịch sử sân khấu dân tộc cần được quan tâm nghiên cứu gấp.

12-1983
N.H.H.
(7/6-84)



---------------------------
1. Như: Thái thượng lão quân, Cửu thiên huyền nữ, Quán thánh đế quân, Tề thiên đại thánh, Chư tiên liệt vị, Chư ngọc tiên bà, Thập nhị nương nương, Thánh nương vương mẫu, Lục đinh, Lục giáp, Lão long đại thần, Thiên tiên, Địa tiên, Đông trù tư mệnh, Cao các đại vương, Thổ địa chính thần.
2. Đào Duy Từ con ông Đào Tá Hán quán làng Hoa Trai huyện Nga Sơn, thi hương đậu A nguyên năm 21 tuổi khoa Quý Tỵ (1539)
3. Nghệ nhân Huế quen gọi là ông hát Khách, cho là ông truyền dạy các điệu hát khách hay điệu Bắc - hiện còn mả chôn ở núi Ngự.
4. Theo: Đoàn Nồng - “Sự tích và nghệ thuật hát bội” và Huỳnh Khắc Dụng - “Hát bội - Théâtre traditionnel du Vietnam”, Kim lai ấn quán Sài Gòn 1970, trang 267-269.
5. Theo quan niệm xưa nghệ nhân tuồng hát đã có nhiều điều bất kính với trời, Phật, thần, thánh nên nay phải chuộc tội vứt bỏ đồ nghề không làm nữa. Nhưng chỉ làm tượng trưng: đồ chèo lễ khiêng vứt ra ngã ba đường - ban tổ chức thuê người trực sẵn nhặt về, rồi chuộc lại.
6. Hoàng Châu Ký - “Nghệ thuật tuồng thế kỷ XIX” - Nghiên cứu nghệ thuật số 1 - 1973.
7. Như Nguyễn Văn Diêu, Nguyễn Gia Ngoại, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiêm, Phan Xuân Thân, Nguyễn Hiển Dĩnh…
8. Như Đội Tảo, Chánh Phẩm (Nghĩa Bình), Chánh Tùng (Nghệ Tĩnh), Sáu Lai, Ngô Thị Liễu (Quảng Nam)…
9. Quỳnh Hoa - “Múa Bông” Nghiên cứu Nghệ thuật số 6 năm 1975.





Các bài mới
(19/11/2010)
Dã Tràng (05/11/2010)
Các bài đã đăng