Ngày trước, cũng lâu rồi, đang tuổi thiếu niên, ham rong chơi, có lần nó lên tới mặt đường, ngỡ ngàng nhìn Viện Pasteur mới xây cất xong. Cái lâu đài đứng một mình trong nắng như dát vàng đó làm chú ta mê mẩn. Con người tài giỏi thật! Những cái ta xây cất bao năm nay có thấm tháp vào đâu. Kìa có một ông nhỏ đang tần ngần đứng bên kia đường. Ta phải đến gần, tận nơi, xem Con Người là cái gì mà nó tài giỏi thế? Dã Tràng tiến gần đến con Người, cách chừng năm bước chân. Nguy khốn rồi! Mặc dầu Dã Tràng tháo chạy với một tốc độ kinh hồn, cậu bé, đâu phải mình cậu ta, còn một cô bé nữa cũng lao theo… băng qua đường, xuống tới sát biển và tóm gọn được chú mình. - A, nó giống con cua! - Cho em đi, em buộc chỉ chơi… - Không được, để nướng ăn hay hơn. Thịt nó thơm lắm, không kém gì cua bể đâu! - Đừng, để nó sống xe cát cho mình xem không vui hơn à? Cậu bé giật lấy Dã Tràng, nhổ thử một cái càng, cái bự nhất. Trời đất! Mất cánh tay này rồi, mình còn đào bới xe cát làm sao được nữa? Dã Tràng co quắp chân tay lại. Cậu bé tháo gỡ từng cặp một và đâm cáu. Cậu định nhổ tuốt luột cả cho gọn. Vừa lúc đó, bác sĩ Yersin (1) từ sau bồn hoa cúc trước Viện Pasteur bước lại gần. Ông già có ý muốn phân xử và xin được xem cái của lạ. - Ồ, anh bạn Dã Tràng - bác sĩ nói giọng trầm trầm - ngọn gió nào đưa mình tới đây? Các con, sao lại nỡ lòng giết hại một sinh vật, một kỳ công của Tạo Hóa? Đưa nó cho ông, ông xin; các con có thèm kẹo không? Ta thoát chết rồi! Dã Tràng tin tưởng nhìn vào mắt ông già. Đôi mắt không lớn nhưng có độ nhìn xa của những vì sao từ một đám tinh vân. Đôi mắt đau buồn nửa châm biếm nửa xót thương. - Sao con lại nghĩ tới chuyện ăn thịt nó được nhỉ? - Yersin nói bằng một thứ tiếng Việt lơ lớ nhưng rất sõi - có phải thịt con gì cũng ăn được cả đâu! Cô bé ngây thơ nói: - Thôi tha cho nó, thả nó về với biển, nó sẽ sống thêm mấy chục tuổi nữa, có phải không ông? - Ừ, Dã Tràng sống lâu lắm, chừng nào chưa có ai giết nó. Dã Tràng sẽ phù hộ, ban cho con sống thêm một đời nữa. Con muốn không? - Một đời lâu không hở ông? Đến lượt thằng bé hỏi. Nãy giờ nó vẫn cúi đầu nghĩ ngợi gì không biết làm Dã Tràng đâm lo. - Một đời, nếu là của con người dài chừng năm mươi năm. Như vậy con sẽ được sống hai lần một đời người. Thử tính xem bao nhiêu năm nào? Cô bé liến láu: - Vậy là những một trăm năm cơ à? Thích quá! Thằng bé lại hỏi: - Thế… thế ông sống được bao năm rồi? - Tám mươi. - Cũng chưa lâu… - Vậy hả? Sao ông thấy nó dài kinh khủng! Đột nhiên thằng bé hỏi: - Đã có bao giờ ông giết một con vật nào chưa? Yersin cau mày nhìn nó hồi lâu. Ông nói lắp: - Chưa… chưa bao giờ. - Sao người trong xóm Cồn họ bảo ông giết nhiều chuột lắm? - À… chuột và bọ chó. Chúng cũng là những sinh vật nhưng là những sinh vật có hại. Ông chỉ giết những sinh vật nào gây ra cái chết cho con người. Thực ra ông cũng không chủ tâm giết những con chuột; ông chỉ tìm giết vi trùng dịch hạch thôi… khốn nỗi, chúng lại chứa chấp những thứ đó! - Còn những con người giết những con người thì sao? Ông có giết chúng không? Yersin ngớ người ra. Ông thấy như có một Descartes đang đứng trước mặt mình. Quả thật ta không lầm, ông nghĩ bụng, Việt Nam là một giống người thông minh gan góc. Ta đã nhận ra điều này ngay khi mới đặt chân tới đây. Lần gặp toàn quyền Robin năm trước, ta chẳng đã nói với hắn rằng: Các ông chẳng ôm nổi Đông Dương trong vòng mười năm nữa đâu! Chính trị là việc của các ông, tuy nhiên tôi phải nói, các ông không phải là bạn, các ông là kẻ thù của họ! Các ông thực tàn bạo! Đông Dương đang cấp cứu! Họ sẽ tự cứu mình! Thấy thằng bé cứ đăm đăm nhìn mình, ông xoa đầu nó. Nó đâu đã chịu buông tha mình! Tinh quái thật. - Người giết người ư? Chuyện đó còn tùy… do luật pháp của con người có cho phép hay không? Không ai được quyền giết người! Tốt hơn cả là chặn đứng những bàn tay đang định giết người lại. Con người là một sinh vật cao cả thiêng liêng. Hãy nghiêng mình trước Con Người (nhưng phải là con người thực là người ấy). Xin nhớ lời ông nói, đừng nhớ sai nghe: Nếu có người nào hỏi con, Yersin là ai, thì trả lời họ - Yersin là một con người chưa bao giờ và không bao giờ giết một con người! Đấy! Ông giơ hai bàn tay: bàn tay xương xẩu, thô ráp, có những vết xước bỏng do hóa chất gây ra. Dã Tràng nép mình trong lòng tay đó, ép sát, cặp mắt nghiêng ngửa dò xét. Cô bé khúc khích cười. Cậu bé vẫn đứng yên nhìn ông sững sờ. Yersin xoa đầu chúng lần nữa rồi đi thẳng xuống biển. Những con sóng quen thuộc đã trườn lên, bò tới, quấn lấy chân ông. Bác sĩ ngồi xuống trên cát, áp Dã Tràng vào má, vào chòm râu gai góc lởm chởm rồi nói với nó những lời có cánh sau đây: - Dã Tràng ơi, người bạn lớn của ta! Ta đã cứu mình thoát chết, nhưng mình đừng ngây thơ tin là sẽ không gặp tai họa nữa. Có lần, trong một đêm hè, qua ống kính thiên văn, ta đã phát hiện được mấy vì sao trò chuyện bằng mấy ngôn ngữ gần giống nhau - ngôn ngữ Tình Thương. Quay nhìn về trái đất, ta đau đớn bắt gặp chính đồng bào của ta đang gây ra tiếng nói hận thù ở đây. Suốt đêm ấy, ta không ngủ được. Vậy là Pasteur thầy học kính yêu của ta, mấy người bạn ta nữa - Roux, Kalmès, Guérin - dù đã cố công, vẫn chưa đủ sức cứu vãn con người! Vẫn còn một thứ dịch hạch nữa hoành hành bao đời nay - Dịch hạch Chiến Tranh. Ta đành khoanh tay ngoài vòng bất lực? Ta không muốn dính dấp vào chính trị! Nhà ở ta là Trái Đất, phòng thí nghiệm ta là Vũ Trụ. Ta chỉ là một hạt cát biết suy nghĩ, vậy thôi! Nhưng rồi bao đêm ta vẫn không ngủ được. Trận dịch hạch mới đang tới gần, nước Pháp của ta đâu? Sao Người già nua và khiếp nhược đến thế? Ta buồn quá. Còn Đông Dương nữa, cũng đang chìm trong biển máu! Còn mình Dã Tràng ơi, mình đã gặp ta ở đâu rồi có biết không? Năm ấy ta giã từ Hồng Kông ra đi lòng buồn rười rượi. Lúc đầu, ta có ý định ở lại xứ sở ta đã tìm ra trùng dịch hạch. Ta thương những con người đau khổ cần cù có một không hai đó. Nhưng rồi lòng ta không yên: sống ở đất Tàu tối tăm và mệt người! Chỉ có dân Anh là chịu nổi, họ lạnh lùng và hám lợi. Ta là người Pháp, ta yêu Tự do. Khi ta đặt chân lên bờ biển Nha Trang, ở chỗ kia kìa, người đầu tiên ta gặp là mình. Mình giơ cao vòng tay chào đón ta. Bờ biển nước Pháp, hình như không có sinh vật kỳ lạ này? Nhìn mình nhào nặn những công trình dở dang bị sóng biển cướp đi ta thật lấy làm lạ. Các bạn đứng quanh ta cũng cười. Ta hỏi một người dân chài, người này cắt nghĩa cho ta hay việc làm không công vô nghĩa của mình. Ta đứng lặng hồi lâu suy nghĩ. Dạo ấy, ta đã trầm tư nhiều về Cái Chết, về kiếp phù sinh này. Người đời vẫn coi thường những cái nhỏ bé - đó chính là cội nguồn của bao nhiêu hiểm họa. Cái Nhỏ Bé thường khi lại là mặt trước của cái Hệ Trọng. Không, họ lầm. Họ không hiểu mình. Mình là sinh vật can đảm nhất trên thế gian này. Bao thất bại đâu có làm mình bỏ cuộc? Vinh quang của mình là ở cuộc chiến đấu không ngang sức. Ai sẽ là người được chứng kiến cái Hồi Kết của cuộc vật lộn giữa mình với biển cả? Chỉ có Vĩnh Cửu! Các nhà khoa học thường khi đều có những thân phận tương tự? Ta quyết định ở lại đây. Ta yêu đất nước trong lành này. Nha Trang, ai đã đến đây, người đó sẽ được sống thêm mười tuổi. Ta yêu người Việt Nam như yêu người Pháp, hay còn hơn nữa (liệu có ai trách cứ ta không?). Trái tim ta đầy ắp tình thương yêu ấy đến nỗi không còn chỗ để hình bóng một người đàn bà nào có thể len vào. Cũng không ai dám đem quyền lực và tiền bạc ra để cướp đoạt nó! Vĩnh biệt nhé. Dã Tràng ơi, người bạn lớn của ta! Trả mình về với tự do. Hãy tiếp tục chiến đấu! Ngày này với mình là khởi đầu, với ta lại là kết thúc. Ta biết ta sắp chết. Ta linh cảm thấy điều này trong những ngày gần đây… Yersin đặt nhẹ Dã Tràng xuống cát. Dã Tràng chưa kịp giơ tay chào ân nhân, nhà bác học đã quay gót. Biển ném vội theo một con sóng ầm ào muốn kêu lên, muốn phủ nhận điều xui xẻo trong câu nói vừa rồi của ông. … Mùa đông những năm bốn mươi như kéo dài sang tới tháng 3 năm sau. Ở Đông Dương không ai buồn nghĩ tới chuyện đón xuân. Có hai tên hiến binh Nhật bất thần ập vào phòng bác sĩ Yersin. Người Pháp chạy đi đâu cả rồi? Dân xóm Cồn đói khát lênh đênh, moi tìm kiếm ăn trên biến động. Tên lính Nhật định giết chết bác sĩ bằng một mũi lê. Tên sĩ quan ngăn lại. Y lục soát mọi thứ trong nhà, dùng những lời lẽ độc địa nhất mà người Nhật có thể thu góp được sau bao năm Duy Tân để diễu cợt người Pháp. Bác sĩ thoát chết nhưng ông cũng không muốn sống nữa. Yersin lên cơn đau. Một người dân xóm Cồn mang tới một thanh kỳ nam có tới nghìn năm tuổi. Bác sĩ lắc đầu, từ chối, cảm ơn. Mười ngày sau ông chết. Dã Tràng nghe những người dân đánh cá trên các ghe thuyền loan tin bác sĩ đã mất. Nó muốn tới viếng ông, nhưng người ta đã đưa ông lên Suối Dầu, đặt ông nằm trên một ngọn đồi, đầu quay về phía biển.
*** 40 năm sau. Một người đàn ông, một người đàn bà cùng dạo biển Nha Trang. Người đàn ông là đại tá. Người đàn bà là nhà văn. Người đàn bà hỏi người đàn ông: - Anh nghĩ gì về Nha Trang sau 25 năm xa cách? Người đàn ông trả lời sau một lúc suy nghĩ: - Anh đã đi qua 16 nước. Không có nơi nào đẹp như Nha Trang mình. Đẹp không phải chỉ vì Nha Trang là quê hương mà vì Nha Trang là Nha Trang; Nha Trang đẹp thật, không gì so sánh được… Người đàn bà tán thưởng: - Anh nói đúng. Em cũng đã từng nghỉ dưỡng ở Xôsi, Vácna… Hai mươi năm sống ở Hà Nội, Nha Trang vẫn nằm trong giấc mộng. Đôi khi em cứ nghĩ, có lúc nào vật đổi sao dời. Hòn Tre kia tự nhiên biến đi đâu, bãi biển này quẹo vào chỗ khác, không còn cái đường cong của liềm trăng nữa thì Nha Trang không còn là Nha Trang… Trở lại Nha Trang lần này, những hình bóng cũ, anh nhớ nhất là ai? - Câu phỏng vấn này hơi khó đây… Cách mạng Tháng Tám, chống Pháp rồi chống Mỹ, bây giờ lại chống Tàu… biết bao đồng chí đã hy sinh. A, phải rồi, có một người, một người, một người không thể quên được, người công dân kỳ lạ của Nha Trang, ông Yersin. Người đàn bà reo lên như trẻ thơ: - Đúng! Yersin! - Ta lại thăm nhà ở của Yersin đi! - Ừ phải đấy, em sẽ chụp ít tấm hình làm kỷ niệm. - Nó đâu rồi nhỉ? Cái lầu ông Tư ấy? Dã Tràng nghe rõ hết. Nó hồi hộp đi lần theo bờ cát. Họ dừng lại hỏi một ông già đang câu cá. Ông già dơ tay chỉ một ngôi nhà nghỉ mát ba tầng mới xây, đủ sức chứa cả trăm con người ở. Họ quay lui, đi sát ngang qua trước mặt Dã Tràng. - Nhà của Yersin không còn nữa - người đàn bà nói đoạn ngoái đầu nhìn viện Pasteur, rồi đưa mắt dõi trông về phía biển xanh. - Anh à, tự nhiên em nẩy ra một ý định… - Ý định gì? - Em sẽ viết một cuốn truyện về cuộc đời của bác sĩ Yersin, một ân nhân của nhân loại, một người của chúng ta. Viết cho trẻ con đọc. Người đàn ông cười: - Hay đấy! Nhưng dè chừng nghe, không khéo lại công… dã tràng! Dã Tràng hơi choáng, nhưng nó trấn tĩnh ngay. - Em sẽ giành ít ra là một nửa đời mình còn lại để viết. - Viết về những người hiền triết khó lắm! - Không sao! Em sẽ cố gắng. Viết về một nhà khoa học như Yersin, em cũng phải kiên nhẫn trong công việc thầm lặng như một nhà khoa học. Nếu không thành sẽ có người khác viết tiếp. Đời là vậy thôi. Dã Tràng mừng thầm. Nó đang chờ đợi và sẵn lòng làm tiếp công việc đó. Nha Trang 1983 C.L.Q (7/6-84) ---------------- (1)- Yersin (1863-1943): Nhà vi trùng học, bác sĩ y khoa người Pháp. Ông đã có công phát hiện ra vi trùng bệnh dịch hạch ở Hồng Kông năm 1894. |