Tạp chí Sông Hương - Số 7 (T.6-1984)
Những nét đơn giản có ích trong kiến trúc lăng Minh Mạng
15:32 | 12/11/2010
MAI KHẮC ỨNGLăng Minh Mạng nằm dưới chân núi Cẩm Kê thuộc thôn La Khê làng An Bằng huyện Hương Trà cũ, nay là thôn Liên Bằng, xã Hương Thọ, thành phố Huế. Địa thế dải đất này rất đẹp. Hiện thời cây cối ở chung quanh đã lùi xa để lại những khoảng trống nối dài trên các triền đồi thoai thoải, khu lăng trở nên lẻ loi hơn.
Những nét đơn giản có ích trong kiến trúc lăng Minh Mạng
Một hình ảnh phía trong lăng Minh Mạng - Ảnh: vn.wz.cz
Đứng ở hữu ngạn sông Hương phía dưới chợ Tuần chúng ta trông qua ngả ba Bằng Lãng sẽ thấy khu lăng nằm thanh thản nổi rõ giữa núi đồi, trời mây, sông nước thật ngoạn mục. Sự an bài trước cảnh “sơn hồi thủy tụ” này tạo cho khu lăng rất đổi tự nhiên. Dòng sông Hương trong xanh như một dải lụa làm bức diềm phía trên. Núi Kim Phụng cân phân làm cái gối dệt phía sau. Rừng thông chỗ đậm, chỗ thưa, làm các công trình kiến trúc bên trong thấp thoáng như ẩn mà như hiện dưới các tàn lá xanh tạo nên sự hài hòa, ăn ý giữa con người và thiên nhiên.

Đây là lăng vua Nguyễn thứ hai, sau lăng Gia Long và cũng là lăng hoàn chỉnh mang trọn dấu ấn của chế độ quân chủ tập quyền Việt Nam ở điểm cao của nó.

Cá tính của mỗi ông vua, tâm lý triều đại và bối cảnh xã hội từng thời cùng với một yếu tố nữa không thể không tính đến là trình độ thẩm mỹ và kỹ thuật ở mỗi giai đoạn lịch sử đã tạo nên những phong cách riêng ở từng lăng.

Tôi muốn nói những điều trên trước khi bàn đến lăng Minh Mạng. Bởi vì muốn tự mình gạt ra khỏi mình cái tự ti dân tộc thật buồn cười. Lăng vua Nguyễn ở Huế lại “bắt chước” lăng vua nhà Minh bên Trung Quốc sao. Trong lịch sử loài người việc giao lưu văn hoá giữa các dân tộc láng giềng thường diễn ra như một điều tất yếu. Tuy nhiên về mặt kiến trúc lại không phải giản đơn để phôi pha tính dân tộc cổ truyền của nó. Vả lại ở một đất nước đã có những con người như Nguyễn An biết thiết kế cố cung cho nước Trung Hoa, lẽ nào đất nước đó lại không có người biết sáng tạo ra những tổng thể kiến trúc trên tổ quốc mình. Hơn nữa, khi các vua Nguyễn xây lăng cho mình thì các lăng vua Minh đã trở thành những nấm mồ vô chủ thê lương dưới triều Mãn Thanh. Trong ý thức tư tưởng phong kiến phương Đông ít khi người ta noi theo những gì đã suy vong. Vả lại, cảm tưởng ban đầu khi bước vào các khu lăng vua Nguyễn ở Huế, du khách thường thấy nhẹ nhõm, khoáng đạt. Lăng các vua Minh không tạo được không khí công viên như thế. Điều làm cho một vài người coi lăng vua Nguyễn là bản sao lăng vua Minh có lẽ ở sự thể hiện thế giới quan theo cùng một mạch Nho giáo mà hai nhà nước phong kiến phương Đông này đều coi như một thứ cẩm nang để “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

Viết thử tìm hiểu “Những nét đơn giản có ích trong bố cục kiến trúc lăng Minh Mạng”, chúng tôi muốn có những kết luận khách quan và công bằng hơn.

Minh Mạng lên nối ngôi khi chế độ quân chủ trung ương tập quyền nhà Nguyễn đã được củng cố triệt để. Từ sự điều chỉnh thể chế, kỷ cương trên phạm vi cả nước đến sự bố cục lại vị trí các công trình kiến trúc trong Hoàng thành và quy hoạch khu lăng cho chính mình, Minh Mạng đã bộc lộ đầy đủ cá tính của một ông vua đắc ý.

Thế nhưng, trong một nhà nước phong kiến phương Đông ở thế kỷ XIX, khi mà sản xuất hàng hóa đã manh nha mà vẫn giữ phương thức sản xuất lỗi thời, kìm hãm sức sản xuất mới thì tự nó đã trở thành phản động lực. Sự đòi giải phóng như là một điều tất yếu. Chế độ phong kiến ở Việt Nam lúc này đã bước vào buổi mãn chiều. Các phong trào khởi nghĩa nông dân vì thế không hề giảm xuống mà ngày có xu hướng lan rộng hơn và mạnh hơn.

Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi không có dụng ý phê phán bản chất chế độ phong kiến nhà Nguyễn mà Minh Mạng là người đại diện. Ở đây, khi bàn về bố cục kiến trúc một khu lăng, điều đáng ngợi ca lại thuộc về nghệ nhân và thợ thủ công nửa đầu thế kỷ XIX. Điểm qua vài nét về Minh Mạng và bối cảnh xã hội đương thời cũng không ngoài ý nghĩa làm nền khi bàn đến bố cục kiến trúc khu lăng.

Minh Mạng với ngót hai mươi năm ở địa vị hoàng đế đã đưa triều đại phong kiến nhà Nguyễn đến đỉnh cao của nó. Lăng Minh Mạng được khởi công xây dựng vào thời điểm cuối cùng của đỉnh cao này. Nhìn vào bố cục kiến trúc đăng đối, thâm nghiêm của khu lăng như là sự phản ánh chế độ quân chủ chuyên chế ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX.

Một điều thú vị là trong sự nghiêm khắc đăng đối rất công thức ấy, những nhà kiến trúc và nghệ nhân thuở đó đã tạo nên những nét giản đơn, cái giản đơn buông thả, bất ngờ như vô ý nhưng là cố ý phối hợp với sự cầu kỳ quả thật có ích, tạo cho khu lăng Minh Mạng một cái duyên riêng, càng ngắm càng vui mắt. Trí tuệ và bàn tay của người lao động Việt Nam như vậy đó.

Công việc xây lăng được chính thức bắt đầu từ tháng 4 năm 1840 sau khi Minh Mạng lên xem xét khu đất này lần cuối cùng và đổi tên núi Cẩm Kê thành tên Hiếu Sơn. Vì vậy lăng Minh Mạng có tên là Hiếu Lăng. Ngay lúc đó Trương Đăng Quế, Bùi Công Huyên đem giám thành vệ lên vẽ đồ án thiết kế. Minh Mạng hài lòng phê chuẩn và ban thưởng cho mọi người rồi ra lệnh khởi công. (Thực ra công việc chuẩn bị xây lăng đã được bắt đầu từ trước đó mười bốn năm (1826), khi Lê Văn Đức tìm ra cuộc đất này). Lúc ấy Minh Mạng mới 36 tuổi. Đợt đầu do các ông Đổng lý Lê Đăng Doanh, Nguyễn Trung Mậu, Lý Văn Phức điều khiển các công việc. Bốn tháng sau (8-1840), Minh Mạng lại lên kiểm tra, không vừa ý vì công việc đào hai nửa hồ Trừng Minh thiếu cân đối nên đã giáng chức tất cả các quan trông coi và đình chỉ công việc. Đầu năm 1841, Minh Mạng chết, Nguyễn Phúc Miên Tôn lên nối ngôi đặt niên hiệu là Thiệu Trị (11-2-1841), mười ngày sau ông vua mới này lại cho bắt đầu công việc xây lăng của cha mình đại thể như đồ án cũ. Mọi công việc hoàn tất vào cuối năm 1843. Thiệu Trị có châm chước một phần vì sự không cân bằng hai phần hồ Trừng Minh mà Minh Mạng trước đó rất khó chịu. Điều này một phần do cá tính của Miên Tôn, nhưng một phần do sự bức xúc cần đưa thi hài người quá cố vào lăng không cho phép kéo dài công việc.

Mặt bằng lăng Minh Mạng


Các công trình kiến trúc bên trong được bao bọc bởi một vòng La thành bằng gạch có chu vi 1732m. Chức năng chủ yếu của La thành là bảo vệ lăng. Tuy nhiên nó uốn lượn mềm mại, giản đơn mà không theo một khuôn dạng hình học nào cả nên mặc dù cao đến 3m vẫn không làm chúng ta tức mắt. Vì thế về mặt thẩm mỹ nó chỉ còn là giới hạn qui ước để cho không gian từ xa nhập vào trong tâm lăng không đứt mạch, không gián đoạn. Lăng có khuôn viên riêng vẫn có cảm tưởng như là hoành tráng. Giới hạn mà không giới hạn, chung, rất chung mà lại rất riêng. Ai bảo những điều như thế các nhà kiến trúc Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX không có dụng ý!

Phía trước, vuông góc với đường thần đạo (trục chính xuyên tâm điện thờ và mộ), La thành được tạo nên một đoạn rất thẳng. Chính giữa đoạn thẳng đó là Đại Hồng môn (cửa chính vào lăng) nằm trên điểm đầu của đường thần đạo. Hai đầu đoạn thẳng này là Tả Hồng môn và Hữu Hồng môn. Đoạn thẳng của La thành phối hợp với sân chầu (Bái đình) tạo nên một hình vuông và gây ấn tượng vuông cho cả khu vực điện thờ nằm trên một dải đất cao do đào hồ Trừng Minh đắp lên được đặt tên Phụng thần sơn. Tiếp sau sân chầu là nhà bia (Bi đình) trong đó dựng một tấm bia đá hình chữ nhật (3,10m x 1,60m) cũng được gọi là “Thánh đức thần công” do Thiệu Trị soạn nội dung nói về tiểu sử và công đức của vua cha. Sân Triều lễ có ba cấp tượng trưng cho thiên, địa, nhân (tam tài) nối sân nhà bia với Hiển Đức môn phía trên có vọng lâu và nằm giữa đường Thần Đạo. Điện Sùng Ân nằm ở vị trí trung tâm Phụng thần sơn, kiến trúc theo lối trùng thiềm điệp ốc. Tiền điện bảy gian: chính điện năm gian. Sân trước điện Sùng Ân chung với sân Tả Tùng tự và Hữu Tùng tự. Sân sau chung với tả tùng viện và hữu tùng viện. Cả năm công trình kiến trúc này hợp lại thành hình chữ công (I) được bao bọc chung quanh bởi một khung thành hình vuông bằng gạch thấp và mỏng hơn La thành. Đối xứng với Hiển Đức môn (phía trước), Hoằng Trạch môn (phía sau) cũng nằm trên trục Thần Đạo ở điểm gặp khung thành phía sau điện Sùng Ân.

Điều đáng lưu ý ở đây là tại cụm kiến trúc chính chúng ta đều không tìm thấy dáng dấp Thăng Long. Bờ nóc, bờ quyết không bay vút lên để tan vào không gian như kiến trúc cổ ở miền Bắc nước ta. Mái thẳng ngang, cột nhỏ mảnh mai không vuốt thon. Mái không võng xuống, lại được cắt ra làm hai phần giữa có một dãy cổ diềm chia từng ô trang trí nên trông không mềm mại nhưng lại đỡ nặng nề. Đặc biệt hàng cột hiên nhỏ cắt không gian mặt trước ra từng ô làm cho ngôi nhà tưởng như cao hơn tầm cao thực của nó. Chúng tôi nghĩ rằng đó cũng là những nét giản đơn có ích bổ sung vào vẻ thanh tú của nghệ thuật kiến trúc Huế.

Qua vòm cuốn của Hoằng Trạch môn xuống khỏi tam cấp gồm mười bảy bậc bó bằng đá Thanh thì đến ba cái cầu xây song song nối Phụng Thần sơn với Tam Tài sơn. Cầu chính giữa có tên là Trung đạo kiều. Hai bên trái, phải là Tả Phụ và Hữu Bật. Đây vừa là đoạn nối hai nửa hồ Trừng Minh vừa là chỗ uốn dòng nước chảy từ phía trái khu mộ táng thoát ra cống vòm gần Tả Hồng môn theo thế “tả sa tác án chi huyền thủy” mà chúng ta thường gặp trong các lăng vua ở Huế. Cả ba cầu này đều được hạ độ cao xuống mức thấp nhất để cho Minh Lâu trên đồi Tam Tài càng cao vút hơn. Những vòm cây và trụ biểu trên hai ngọn đồi Bình sơn và Thành sơn điểm xuyết thêm cho vẻ đẹp của nó. Minh Lâu (lầu sáng) hai tầng như một dấu chấm vuông kết thúc khu vực hình vuông bắt đầu từ Đại Hồng môn.

Hai Nghi môn, mỗi cái có bốn cột đồng đúc rồng đoanh dựng ở hai đầu cầu. Thông Minh Chính Trực cầu dài 49m, rộng 4m, hai bên có lan can thưa thoáng vắt qua hồ bán nguyệt (Tân nguyệt trì) nối đồi Tam Tài với Bửu Thành (khu mộ táng). Bửu Thành xây trên một đồi đất cao, có hình tròn chu vi 270m. Đỉnh đồi là tâm của Bửu Thành nằm trên trục thần đạo. Đây là khu vực có nhiều cây cổ thụ phần lớn là thông nên quanh năm phủ đầy bóng mát. Nhìn vào trắc đồ, dọc theo trục thần đạo từ Đại Hồng môn (cửa trước) đến điểm sau Bửu Thành có dáng dấp như một người nằm ngửa mà phía đầu cao hơn phía chân một ít. Đó là thế nằm thanh thản của một con người. Các công trình chủ yếu của lăng sắp xếp tuần tự từ ngoài vào trong theo một đội hình hàng dọc trên trục chính này: Đại Hồng môn, sân chầu (Bái đình), nhà bia (Bi đình), sân triều lễ, Hiển Đức môn, Sùng Ân điện, Hoằng Trạch môn, Trung Đạo Kiều, Minh Lâu, Thông Minh Chính Trực Kiều, Bửu Thành (khu mộ). Các công trình khác nằm rải rác trên các ngọn đồi chung quanh: Tả Tùng phòng trên Tịnh Sơn, Hữu Tùng phòng trên Ý Sơn; Tuần Lộc Hiên trên Đức Hóa Sơn; Linh Phương Các trên Khải Trạch Sơn, Quan Lan Sở trên Đạo Thống Sơn; Truy Tư Trai trên Phúc ấm Sơn; Hư Hoài Tạ trên đảo Trấn Thủy… Tất cả đều được sắp xếp nhặt khoan chung quanh điện Sùng Ân trên Phụng Thần Sơn, ẩn hiện dưới những tán cây xanh đậm vừa có chức năng cụ thể để thờ phụng, để hóng mát, để ở, để nuôi nai… nhưng vừa có chức năng tượng trưng như các hành tinh nhỏ quay quanh hành tinh lớn ấy là khu vực trung tâm trên Phụng Thần Sơn, một biểu tượng của trái đất.

Minh Lâu dựng trên đồi đất được đặt tên là “Tam Tài Sơn”. Sơn Triều lễ làm thành ba cấp cũng mang ý nghĩa tam tài đều là biểu tượng của mối quan hệ trời, đất, người (tam tài). Từ Đại Cung môn đến Minh Lâu các cụm kiến trúc đều có hình vuông trên những ô sân trong những khung thành cũng có hình vuông. Điện Sùng Ân nằm ở ô vuông trung tâm. Trong quy ước xưa, vuông là đất. Trời tròn đất vuông là thế. Đất thì có giới hạn. Vậy thì đất là một hình vuông hữu hạn. Trời bao la không có giới hạn. Do vậy, trời là một hình tròn vô biên. Khi đang sống “đấng thiên tử” ở giữa trái đất. Lúc “băng hà” con trời là về trời tức về cõi vô biên. Chính lúc đó đã “bình thành công đức” (Kinh Dịch). Vì thế hai bên Minh Lâu trước khi bước xuống cầu “Thông Minh Chính Trực” có hai trụ biển được xây cao trên hai ngọn đồi đặt tên là Bình Sơn và Thành Sơn mang dụng ý là đã “bình thành công đức” trước lúc về cõi vô biên. Về âm và dương thì cũng theo mạch hiểu biết đó để xây dựng thành những biểu tượng cụ thể.

Trong bố cục kiến trúc ở đây nếu thể hiện âm dương là mặt trăng và mặt trời đều là hình tròn cả thì về mặt biểu tượng đã khó giải quyết mà về mặt thẩm mỹ cũng thật khó coi. Do vậy, mặt trăng (âm) được biểu hiện bằng hồ bán nguyệt (Tân nguyệt trì) nằm giữa Minh Lâu (vuông) và Bửu Thành (tròn) vừa gây ấn tượng dễ biết đó là trăng thượng tuần vừa làm chức năng chuyển tiếp từ vuông sang tròn không đột ngột. Vả lại, hồ bán nguyệt nằm ngoài như ôm lấy Bửu Thành là thể hiện ý của Lão Tử: “Vạn vật phụ âm nhi bảo dương, sung khí dĩ nhi hòa” (vạn vật khí âm nằm bên ngoài ôm khí dương ở bên trong, hai khí sung mãn thì có hòa khí).

Một điều lý thú và dễ nhận biết nữa là sự bố cục nhân tạo lồng phối vào hình dạng tự nhiên của thiên nhiên gây cho người ta một ấn tượng trừu tượng được cụ thể hóa bằng trực quan. Khu mộ có Bửu Thành hình tròn nằm trong vòng cánh cung của hồ bán nguyệt. Bên ngoài lại có vòng La Thành mềm mại cũng được uốn lượn cùng một chiều. Triền đồi lúp xúp làm một vòng trung gian giữa La thành với rặng núi xanh xa ăn nhập với chân trời đều tạo nên những khoảng không gian hình vành khăn cứ nới rộng dần mà tâm của cả năm vòng tròn đồng tâm này chính là tâm của Bửu Thành. Điểm nằm vĩnh cửu của vị “thiên tử”. Đó là tâm của vũ trụ ở cõi vô biên vậy.

Nhìn toàn bộ bố cục kiến trúc của lăng Minh Mạng do xây dựng trên cơ sở tư tưởng chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo Nho nên mới đầu cảm thấy khó coi bởi công thức theo một khuôn phép đơn điệu của nó. Nhưng do nghệ thuật tạo dáng trong đó có những nét giản đơn có ích của các nhà kiến trúc dân tộc và nghệ nhân ở Huế thế kỷ XIX đã tạo nên phong cách kiến trúc Huế những nét độc đáo riêng. Lăng Minh Mạng thâm nghiêm thăm thẳm mà cao sáng, chặt chẽ mà sinh động hài hòa. Đó là một trong những “kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị”.

M.K.Ư
(7/6-84)





Các bài mới
(19/11/2010)
Các bài đã đăng
Dã Tràng (05/11/2010)