Tạp chí Sông Hương - Số 7 (T.6-1984)
10:49 | 19/11/2010
LƯU QUANG VŨCả hai vợ chồng anh Tuyến đều rất yêu văn học. Điều đó khiến tôi cảm tình, nể trọng vợ chồng anh. Nhất là trong thời buổi này, tôi thấy quanh tôi chẳng còn được mấy người như vợ chồng anh Tuyến.
Ở khu tập thể của chúng tôi, đàn ông lắm anh có thể bỏ hàng buổi để bình luận say sưa về một kiểu xe máy, rủ nhau đi đến nhà một người ở tận ngoại thành để xem một chiếc Hon-đa thuộc “xê-ri” mới nhất. Lại cũng có những anh quanh năm hễ đi vắng thì thôi, về đến nhà là lúi húi bên chuồng lợn, lấy nước gạo, băm rau, băm đầu cá cho lợn ăn, có anh còn mắc cả màn cho lợn khỏi bị muỗi cắn, ngỡ quý lợn hơn mọi thứ trên đời, lợn lên cân thì sướng thì cười lợn hơi váng mình sốt mẩy là lo mất ăn mất ngủ. Đàn ông còn thế nữa là các bà vợ, những người tất bật với đủ thứ việc chợ búa, cơm nước, không mấy quan hoài đến những thứ có vẻ cao siêu như văn chương, triết lý… Trong bối cảnh ấy, tôi càng quý vợ chồng anh Tuyến. Đồ vật nổi bật nhất trong nhà anh chị không phải là tủ lạnh, ti-vi, không phải máy dệt len hay máy khâu, mà là một giá sách lớn, choán gần kín một bức tường với những dãy sách dài, bìa được bọc cẩn thận bằng họa báo. Anh Tuyến chăm mua sách, giữ sách đã đành - anh là cán bộ phụ trách một cơ quan thư viện khá lớn, chị vợ anh cũng quý sách và yêu văn học không kém gì anh. Mặc dù trên giá sách đã đề rõ dòng chữ nhã nhặn nhưng kiên quyết “xin đừng hỏi mượn”, anh chị Tuyến vẫn coi tôi là một trường hợp ngoại lệ: thấy tôi là người hàng xóm cũng thích văn học mà tính lại cẩn thận, anh chị đã vui lòng cho tôi mượn sách. Tôi thường qua lại nhà họ chơi luôn, được coi gần như người thân trong gia đình…

Phải nói là ít năm gần đây, anh chị Tuyến mới nẩy ra cái tình yêu văn học. Trước kia, anh chị ấy yêu âm nhạc hơn, yêu đến nỗi có hai đứa con, một trai một gái, họ đã đặt tên một đứa là Dương Cầm, một đứa là Vỹ Cầm. Hồi đó anh chị Tuyến dành tiền mua được một chiếc piano mới nguyên, định để sau này cho thằng Dương, cái Vỹ học đàn. Khi thằng Dương lên bảy và cái Vỹ lên bốn, anh Tuyến bỗng từ bỏ ý định ấy. Không hiểu vì anh nhận thấy chúng nó không có khiếu âm nhạc hay chính anh bỗng không thấy thích âm nhạc nữa. Anh chuyển sang chú tâm tới văn học. Rồi anh bắt đầu yêu văn học và muốn hướng cho con cái anh đi vào lĩnh vực đó. Anh nói với tôi: “Chẳng gì bằng văn học, nó là trí tuệ của một nước, một thời. Âm nhạc thì bay bổng, mơ màng, nhưng văn học mới thật sâu sắc, ý vị”.

Trong hai đứa con anh chị Tuyến dồn sự chăm lo cho thằng Dương. Chẳng phải vì nó lớn hơn mà bởi nó là con trai, nó lại tỏ ra thông minh, sáng dạ, hoạt bát hơn cái Vỹ em nó nhiều. Anh chị Tuyến rất tự hào và hy vọng ở nó, có cả một kế hoạch bồi dưỡng xây đắp kiến thức cho nó rất công phu, cụ thể là việc tạo cho thằng bé thói quen đọc sách. Bước đầu, nếu nó chưa thích thì bố mẹ phải ép. Buổi sáng ngủ dậy, sau khi ăn quà sáng, thằng bé phải ngồi vào bàn đọc sách báo hai tiếng, đọc xong mới được đi chơi. Buổi tối trước khi đi ngủ cũng vậy. Anh chị Tuyến chọn lựa các loại sách báo anh chị thấy bổ ích cho việc phát triển kiến thức văn học của thằng Dương, bắt nó đọc. Đọc xong, đích thân anh Tuyến lại hỏi cặn kẽ, “kiểm tra” lại xem đúng thằng bé có đọc cẩn thận không, hay chỉ giả bộ để mắt vào sách, còn tâm trí thì lêu bêu những tận đâu đâu. Nhưng không. Thằng bé đọc rất chăm, rất cẩn thận, đọc đâu nhớ đấy, thuộc vanh vách cả những điều ngỡ tâm trí nó chưa thể lĩnh hội nổi. Phải công nhận Dương là một đứa trẻ thông minh khác thường. Và đúng là nó có khiếu văn học. Năng khiếu ấy sớm nẩy nở và mỗi ngày một lớn lên vùn vụt. Nó có thể đọc thuộc lòng hàng trang văn tả cảnh tả người hoặc những bài thơ dài rất trúc trắc mà bố nó bắt nó thuộc. Có lần nó ví tôi với nhân vật Ma-ni-lốp trong tác phẩm Những linh hồn chết của nhà văn Gô-gôn. Lần khác, khi tôi vừa đi dự đám cưới một người bạn về, nó nhận xét rằng tôi có một bộ mặt “mày râu nhẵn nhụi” một cách khả nghi giống nhân vật Mã Giám Sinh trong Truyện Kiều mà nhà phê bình văn học Trần Thanh Mại đã phân tích. Tôi phải trợn mắt ngạc nhiên vì đó mới chỉ là một thằng bé lên tám, người bé loắt choắt, mặt cũng bé, chỉ có đôi mắt sáng, cái trán dô, rộng và quả quyết, chứng tỏ một đứa trẻ thông minh, đĩnh ngộ…

Tôi còn nhớ rất rõ buổi tối ấy, anh Tuyến nhắn tôi sang chơi. Thoạt bước vào nhà, tôi đã nhận ngay ra một không khí trang trọng khác thường. Thằng Dương đang ngồi ngay ngắn cạnh bàn. Chị Tuyến ngồi cạnh nó, ánh mắt long lanh nỗi hồi hộp phấp phỏng. Con bé Vỹ Cầm len lén ngồi ở góc giường, tay ôm con búp bê vải nhàu nát, không dám ho he lấy một tiếng. Anh Tuyến đứng giữa nhà đón tôi. Anh mời tôi ngồi, pha một ấm trà, húng hắng ho rồi mới ghé sát vào mặt tôi, thì thầm:

- Hôm nay, mời chú sang đây nghe cháu Dương đọc… một số bài thơ cháu vừa sáng tác…

- Thơ? Cháu Dương làm?

- Phải. Cháu bắt đầu làm thơ một tháng nay. Đây là những chùm thơ đầu tay của cháu, chú nghe thử - Rồi anh quay sang thằng Dương - Con cứ đọc, bắt đầu từ bài “Ông trăng” ấy …

Thằng bé liếc nhìn tôi. Tôi gật đầu khuyến khích nó: “Đọc đi cháu!”. Thằng bé liền đứng thẳng người, ưỡn ngực hít một hơi dài như lấy đà, rồi cất giọng dõng dạc:

- Bài thứ nhất: “Bầu trời và ông trăng”

Trời như chiếc lồng xanh
Ông trăng như quả chín
Tỏa mùi hương ngọt lịm
Ngàn sao nhấp nháy cười
Trăng tròn như giếng khơi
Suốt đêm rằm thao thức…


Hình như bài thơ đại loại như vậy, tôi không nhớ hết, chỉ biết ý tứ khá rành rọt, câu chữ có hình ảnh, vần điệu rất đâu ra đấy! Sau bài “Bầu trời và ông trăng” là bài “Quyển lịch”, bài “Tâm tình của giọt mưa”, bài “Lời ca gửi nắng” rồi bài “Hoa phượng bên trời”, phải đến mười mấy bài thơ liền, bài nào nghe cũng được. Tôi không am hiểu gì về thơ, nhưng phải nhận là thằng bé khiến tôi sửng sốt và thán phục thực sự. Dẫu sao đối với một đứa trẻ tám tuổi, nghĩ ra được ngần ấy ý tứ, lời lẽ, đâu phải chuyện dễ! Không, không phải là năng khiếu nữa mà hiển nhiên đã là một tài năng. Tôi còn đang ngỡ ngàng chưa biết phát biểu ra sao thì anh Tuyến - với vẻ nhũn nhặn của một ông bố - đã kể cho tôi một thôi một hồi về xuất xứ những bài thơ đó, thằng bé đã sáng tác một cách nhanh chóng, dễ dàng ra sao, rằng công vun đắp rèn giũa nó của vợ chồng anh đã không uổng phí… chị vợ bổ sung những lời giới thiệu của chồng, vừa nói vừa âu yếm vuốt tóc con. Thằng Dương hình như được động viên bởi những lời kể của bố mẹ với khách, lặng lẽ giở quyển vở ra, cắm cúi viết. Hẳn là nó lại làm thơ tiếp…

Từ hôm đó, tuần nào anh Tuyến cũng gọi tôi sang nghe con anh đọc thơ. Thằng bé viết rất đều, rất khỏe. Có ngày nó “sáng tác” được đến ba, bốn bài. Mỗi tuần nó viết mươi mười lăm bài, chép kín hết quyển vở nọ đến quyển vở kia. Tài thơ của nó phát lộ một cách vô cùng dồi dào. Gì nó cũng đặt thành vần điệu, hình ảnh được. Dần dà không riêng tôi, cả khu tập thể đều đã được nghe thơ của con anh Tuyến! Khách khứa đến nhà anh đều được chứng kiến một tiết mục không thể thiếu là thằng Dương đọc những bài thơ nó vừa sáng tác. Có khi nó ứng khẩu thành thơ ngay tại chỗ, theo những đề tài mà bố mẹ nó hoặc khách khứa yêu cầu. Ai cũng phải trầm trồ khen ngợi. Tài năng văn học của đứa bé tám tuổi được lan truyền rộng rãi. Thằng Dương sớm được nổi tiếng là một “thi sĩ tí hon”, gần như một thần đồng xuất thế. Các cô giáo thầy giáo ở trường tự hào vì nó. Nó thường xuyên lên đọc thơ ở trường, trước mặt các khách tham quan, chép thơ vào sổ của khách với chữ ký và lời đề tặng như một thi sĩ thực thụ. Rồi có vài tờ báo đã đăng thơ của Dương, nó đã được giải thưởng trong một cuộc thi sáng tác của thiếu nhi. Báo đã đăng ảnh Dương đang ngồi bên bàn viết. Có nhà báo đã tìm đến tận khu tập thể xin được phỏng vấn nhà thơ nhỏ tuổi, một mầm non đầy triển vọng của văn học nước nhà. Bao nhiêu vinh quang đã đến với một chú bé lên tám - sang năm nay thì Dương đã lên chín. Danh nó đã nổi như cồn. Anh chị Tuyến không tự hào sao được: cả khu tập thể chúng tôi bốn, năm trăm con người nhưng chưa có được lấy một người nổi tiếng. Người ta lao động cả đời, nhọc nhằn vất vả, từng trải đủ thứ, nhưng tên tuổi nào đã được ai biết đến. Ví như tôi: lận đận ngược xuôi, cặm cụi học hành phấn đấu, rốt cuộc bốn mươi tuổi rồi vẫn chỉ là một kẻ xoàng xĩnh mờ nhạt giữa triệu người vô danh. Đằng này thằng Dương mới tám chín tuổi đầu đã vẻ vang sáng láng, đem lại vinh dự cho cha mẹ và những người thân. Hiển nhiên tôi cũng được cái vinh dự là người hàng xóm của Dương, được tận mắt chứng kiến những bước đi đầu tiên của một danh nhân văn học. Trong mọi câu chuyện với bạn bè, tôi thường hay khoe: “Ở gần nhà tôi có một chú bé…”

Công việc sáng tác vất vả, hoặc cũng có thể là sự thành công đã làm cho Dương biến đổi nhiều. Thoạt nhìn đã nhận thấy chú không giống những đứa trẻ khác. Chú đi đứng chậm rãi, vẻ mặt luôn trầm lặng, căng thẳng, đôi mắt đăm chiêu đến mức như đờ đẫn, có lúc trông dại hẳn đi. Dương không chơi với lũ trẻ cùng tuổi trong khu tập thể. Không bao giờ thấy chú chạy nhảy la hét, chơi các trò chơi “trẻ con” như “ú tim”, “bắn pàng” hoặc đá bóng, đánh khăng… Dương thường xuyên ở trong nhà. Đi qua chỉ thấy chú ngồi bên bàn, chính bố mẹ Dương bắt chú phải cấm cung như vậy. Anh chị Tuyến ra lệnh cho cái Vỹ tuyệt đối không được làm ồn, không được cười to nói to khi anh nó ngồi viết. Rất chăm bẵm, cưng chiều thằng con tài năng, anh chị Tuyến cũng áp dụng một kỷ luật học tập và làm việc rất gắt gao với Dương, nhằm gìn giữ và phát triển năng lực văn học quý báu của nó. Tôi cũng ít khi dám tự tiện sang nhà họ như trước, sợ mình quấy rầy sự tĩnh lặng cần thiết cho việc suy ngẫm sáng tác của Dương.

Minh họa: Phạm Đại


Bẵng đi một thời gian, một hôm, tôi gặp anh Tuyến ở sân khu tập thể. Anh gọi tôi lại, níu lấy tôi, tỏ ý có chuyện muốn nói. Đắn đo hồi lâu, anh mới thổ lộ, giọng rất lo lắng:

- Cậu ạ, thằng Dương nhà mình độ này làm sao ấy. Nó “sáng tác” ít hẳn đi. Lâu lắm không làm được bài thơ nào…

- Hay nó ốm? - tôi hỏi.

- Không, nó vẫn khỏe như thường, ăn đều, ngủ đều, thậm chí lại còn hay ngủ gật… Đáng lo nhất là nó không mải mê làm thơ như trước, nhắc đến việc làm thơ, đọc thơ, là nó rất ngại, tìm cách lảng… Không hiểu vì sao?

Tôi an ủi anh:

- Anh đừng nên lo lắng, có lẽ cũng là sự bình thường thôi. Tôi nghe người ta nói: nhà thơ nào sau một thời kỳ sáng tác sung sức cũng tới một lúc “chững” lại, người ta gọi là thời kỳ “khủng hoảng”. Biết đâu thằng Dương nhà anh chẳng đang thai nghén cho những sáng tác mới?...

- Không - Anh Tuyến ngắt lời tôi - Rõ ra là nó lười. Tôi đã lơi lỏng, thiếu nghiêm khắc với nó…

Và từ hôm ấy anh Tuyến tỏ ra nghiêm khắc với Dương hơn. Nó ngại làm thơ thì anh bắt nó làm. Anh ra đề tài, ra hạn thời gian cho nó, ngồi cạnh đợi nó làm kỳ xong mới thôi. Phương pháp của anh rất cứng rắn, quyết liệt. Anh sử dụng cả roi vọt. Có lần đi ngang qua cửa nhà anh, tôi thấy anh cầm cặp dắt xe đạp ra sân, khóa chặt cửa rồi còn quay lại quát:

- Ngồi đấy! Cấm không được đi đâu! Tao nói cho mày biết: ngày hôm nay mà mày không làm xong hai bài thơ về mùa xuân, một bài về “em yêu trường em” thì mày chết với tao!

Anh Tuyến đi rồi, tò mò, tôi lén đến gần cửa nhìn vào, thấy thằng Dương đang ngồi bên bàn, mặt rầu rĩ, miệng mếu máo, hai tay ôm đầu. Trong cái vóc người bé nhỏ của nó cúi xuống trang vở như một kẻ chịu tội, tôi không khỏi thầm thương hại… Ngoài sân, cái Vỹ Cầm đang tung tăng chơi rải gianh với lũ trẻ, toét miệng cười khoe với tôi:

- Anh cháu bị nhốt trong nhà, làm thơ…

Nhưng đúng là nguồn thơ của Dương đã vơi cạn. Những biện pháp nghiêm khắc đến nghiệt ngã của anh Tuyến không mấy kết quả hoặc nói đúng hơn, lại là một kết quả rất khó hiểu, bất ngờ.

Đó là một buổi tối thứ bẩy. Như thường lệ trước kia, đây là buổi anh Tuyến giới thiệu những sáng tác mới trong tuần của con mình. Tuy không được mời, nhưng nôn nóng quan tâm tới tình hình phát triển tài năng của Dương, nên tôi cũng sang. Tôi bước vào đúng lúc trong nhà vừa xảy ra một sự gì rất trầm trọng. Chị Tuyến nét mặt như hoảng hốt. Anh Tuyến hầm hầm đứng giữa nhà hai tay chống nạnh giận dữ quát:

- Có đúng thế không? Có đúng thế không?

- Dương đứng trước mặt bố, mặt tỉnh bơ, không trả lời. Anh Tuyến lại quay sang con bé Vỹ Cầm:

- Có đúng thế không, Vỹ? Có đúng anh Dương dạy mày những câu như thế không?

Cái Vỹ liếc nhìn anh, lí nhí:

- Đúng ạ. Anh ấy bảo đó là bài thơ tao mới làm…

- Đọc lại tao nghe lần nữa! - Anh Tuyến ra lệnh. Cái Vỹ thỏ thẻ đọc:

- “Ông Thà”: (ông Thà là tên ông hàng xóm của tôi và vợ chồng anh Tuyến - một ông giáo về hưu nay là tổ trưởng dân phố, tính nết rất đạo mạo, trang nghiêm).

Cái Vỹ đọc tiếp:

Ông Thà ông thiếc
Ăn cua ăn diếc
Vợ mắng vợ nhiếc
Vợ đá vào đít
Ông bắn ra xa
Ông giống con gà
Vừa gáy vừa chạy…


- Thôi! Anh Tuyến quát, mặt anh tái xanh vì tức - Dương, có phải mày đã nghĩ ra những câu đó?

Dương điềm nhiên gật đầu, mặt vẫn tỉnh bơ.

- Nhưng mà tại sao… tại sao mày lại… - giọng anh Tuyến lắp bắp - … mày… những lời lăng nhăng… mất dạy!

Thấy anh quá xúc động, tôi tiến đến định đỡ anh, nhưng anh gạt phắt tôi ra, tiếp tục sấn đến trước thằng bé:

- Tao bảo mày ở nhà… suy nghĩ… viết tử tế, rồi chép ra vở, sao mày lại…

- Thì con có chép đấy ạ… ở trong này này…

Thằng Dương trỏ quyển vở trên bàn, anh Tuyến cầm lên đọc. Càng đọc, mắt anh càng trợn ngược, mặt anh sắt lại. Tôi cũng ghé vào đọc: bằng một thứ chữ nguệch ngoạc nghều ngoào trên các trang vở, thằng Dương viết một loạt bài kiểu như bài… “Ông Thà ông thiếc” rặt những câu lăng nhăng xí xố, bạ đâu nói đấy, chỉ cốt cho có vần, vừa vô nghĩa lý vừa ngỗ ngược, không khác gì những bài trẻ hát nhăng ngoài đường: “Ông già Khốt-ta-bít. Mua báo không biết xem. Mua kem không biết mút”. Sau cùng, ở trang cuối vở, là bài “Chú Lưu” tức là tôi. Anh Tuyến quát:

- Nó viết gì về chú Lưu? Chú đọc đi!

Như cái máy tuân lệnh anh, tôi đọc to.

Chú Lưu mắt lươn
Mồm như cái túi
Lưng thì lom khom
Gặp ai cũng nhòm
Phen này chết đói
Vợ trói vào cây
Ỉa rây ra quần..


Đến đây thì giọng tôi ấp úng: tôi nhận thấy cái Vỹ, thằng Dương đang cố nén để khỏi phá lên cười. Anh Tuyến đập tay xuống bàn đánh rầm một cái điên cuồng xông tới, vung tay định tát thằng Dương. Tôi níu tay anh lại, anh vẫn chồm lên, tôi phải ấn anh ngồi phịch xuống ghế tựa. Chị Tuyến nước mắt lưng tròng. Thừa lúc ấy, thằng Dương cái Vỹ lẩn luôn ra sân. Anh Tuyến rên rỉ:

- Thế đấy thằng mất dạy! Bây giờ nó đổ đốn như thế đấy! Tôi đã tốn bao công phu vì nó…

Anh nức nở. Nỗi đau khổ của người bố thật đáng ái ngại. Để cho anh dịu lại, tôi rủ anh ra quán ngồi uống nước, lựa lời khuyên giải mong anh khuây khỏa phần nào. Anh vẫn nghẹn ngào dấm dứt.

- Trước kia, nó thông minh, giỏi giang là thế… Ai cũng khen… Nó giàu cảm xúc, suy nghĩ, vậy mà bây giờ… Tại sao? Tôi không thể hiểu nổi?

Đúng là không thể hiểu nổi! Những vần thơ êm ái, sáng sủa của thằng Dương trước kia, so với những lời lăng nhăng nhảm nhí vừa rồi thật là một trời một vực. Nhưng tại sao một tài năng đầy triển vọng lại sa sút bất ngờ đến như thế? Tại sao? Tôi cố an ủi anh Tuyến, nói với anh rằng có thể sự “đổ đốn” của thằng Dương chỉ là nhất thời, rồi sẽ qua đi, con anh sẽ lại tiếp tục tiến bước trên con đường văn học xán lạn. Những lời an ủi của tôi rốt cuộc chỉ là những lời an ủi, từ sau buổi tối đáng buồn đó, bất chấp những hăm dọa, đánh mắng, dụ dỗ, van vỉ của vợ chồng anh Tuyến, thằng Dương vẫn khư khư chứng nào tật nấy, nó vẫn không làm tiếp một bài thơ nào nữa. Có những lúc bị ép buộc ghê gớm, nó ngồi vào bàn, giở giấy cầm bút, thần mặt ra, nhưng rồi lại vẫn đứng dậy với tờ giấy trắng… Ra nó hỏng thật rồi! Tài năng của Dương đã chết yểu, đôi cánh thi ca của nó đã sớm cụt lủn. Nó đã tịt hẳn! Bài thơ nó viết về tôi - Bài “ỉa rây ra quần” đã là tiếng hát cuối cùng của con chim thiên nga…

Nhà anh chị Tuyến những ngày tiếp đó như nhà có tang, tôi cũng ái ngại không dám sang chơi. Cho đến một ngày, khoảng một tháng sau, thình lình, anh Tuyến sang nhà tôi. Vẫn giọng thầm thì, anh nói với tôi một câu thật bất ngờ:

- Trưa nay, cậu sang mình… nghe mấy bài thơ cháu nó vừa làm…

- Thơ? Thằng Dương đã lại làm thơ?

- Không - Anh Tuyến lắc đầu - thằng ấy hỏng rồi, vứt đi rồi, tôi đã hoàn toàn không còn hy vọng gì về nó. Hôm nay mời cậu sang là… nghe thơ của cái Vỹ… cháu nó mới làm… rất khá!

Tất nhiên là tôi không thể thoái thác lời mời của anh, dù trong bụng rất ngỡ ngàng. Mọi việc diễn ra tương tự như lần trước, cái lần đầu tôi được nghe thơ của thằng Dương. Vẫn nét mặt hồi hộp của chị vợ. Vẫn vẻ trang trọng đầy kiêu hãnh của ông bố! Con bé Vỹ Cầm đứng ngay ngắn giữa nhà, bẽn lẽn, thỏ thẻ. Không phải bài “Ông trăng” như của thằng Dương, mà là bài “Giấc mơ của bé”, cũng tươi mát và ngộ nghĩnh không kém…

Từ nhà anh chị Tuyến bước ra, khi anh Tuyến đang nghiêm nghị dặn dò cái Vỹ và chị Tuyến đang âu yếm vuốt tóc nó tôi không khỏi ngậm ngùi nhớ đến nhà thơ đi trước: anh của Vỹ Cầm - nhà thơ Dương Cầm bây giờ đang ở đâu, sống ra sao? Tài năng ngắn ngủi “huy hoàng rồi chợt tắt” ấy vẫn làm tôi rất băn khoăn… Những tiếng hò reo ầm ĩ bỗng rộ lên cạnh tôi. Một đám trẻ đang say sưa quần nhau trong một trận bóng dữ dội. Tôi nhận ra thằng Dương. Nó mặc quần soóc, áo may-ô trắng, mặt cháu nhễ nhại mồ hôi, tranh cướp bóng với một thằng bé béo tròn béo trục. Lạ quá tôi trông Dương hồng hào khỏe khoắn, linh lợi khác hẳn trước kia. Nó cười ngặt nghẽo, nhảy cẫng lên vì vừa sút thắng được một bàn. Tôi gọi và vẫy nó. Nhận ra tôi, nó chạy lại. Hai con mắt sáng lay láy trên khuôn mặt vui vẻ đỏ bừng. Tôi chăm chú quan sát Dương. Nó hỏi tôi:

- Chú vừa ở nhà cháu ra phải không? Chú vừa nghe cái Vỹ em cháu đọc thơ?

Tôi gật đầu. Nó toét miệng cười, rồi cũng gật gù:

- Thế là từ nay cái Vỹ khổ rồi.

- Mặt nó ánh lên vẻ tinh quái. Tôi vội túm lấy tay nó:

- Dương, thế còn cháu, cháu đã… chú hỏi thật: chú vẫn không hiểu tại sao bỗng dưng cháu lại… Cháu đặt những câu nhăng nhít ấy để làm gì?

Nó ngần ngừ, rồi nói:

- Về những câu hỗn với chú, cháu xin lỗi chú. Cháu làm vậy là để … bố cháu đừng bắt cháu làm thơ nữa. Cháu chán lắm rồi! Cháu không thích làm thơ, bố cháu cứ bắt… cháu không được đi chơi. Không chịu được nữa, cháu phải liều…

Tôi ngẩn người. Tôi hiểu ra rồi. A! Thằng láu cá! Nó cần sống như một đứa trẻ khác, bố nó muốn như cái cây bị uốn bẻ trái với tự nhiên, nó sẽ tìm cách vùng ra, nó là đứa trẻ khôn ngoan.

Nhìn theo thằng Dương hớn hở chạy nhảy giữa đám trẻ, bất giác tôi hình dung ra cảnh tượng trong nhà anh Tuyến lúc này ; cái Vỹ đang cắn bút ngồi trước bàn, chị Tuyến chăm chăm nhìn con, cạnh đó, anh Tuyến đi đi lại lại, nét mặt đầy nghiêm nghị, quyết tâm canh giữ và vun đắp kỳ được tài năng cho văn học nước nhà.

10-1983
L.Q.V.
(7/6-84)





Các bài mới
Các bài đã đăng
Dã Tràng (05/11/2010)