Tạp chí Sông Hương - Số DB (tháng 10)
TIẾN TỚI ĐẠI HỘI HỘI LH VHNT THỪA THIÊN HUẾ LẦN THỨ XI (NHIỆM KỲ 2010 - 2015)
13:58 | 12/10/2010
GHI TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI…Năm 2010 này cũng chính là năm mà Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đánh dấu chặng đường 60 năm hình thành và phát triển. Đây cũng là năm Hội sẽ tiến hành tổ chức Đại hội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2010-2015. Trước thềm sự kiện đầy ý nghĩa đó, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với 2 người từng là Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh.
TIẾN TỚI ĐẠI HỘI HỘI LH VHNT THỪA THIÊN HUẾ LẦN THỨ XI (NHIỆM KỲ 2010 - 2015)
Ảnh mang tính minh họa

* Thưa họa sỹ Đặng Mậu Tựu, cách đây vừa tròn đúng 60 năm, chi hội Văn nghệ Thừa Thiên (tiền thân của Hội Liên hiệp VHNT Thừa Thiên Huế hôm nay) đã ra đời tại một vùng quê ven biển Phú Lộc, ông có thể cho biết rõ hơn?

Họa sỹ Đặng Mậu Tựu

Họa sỹ Đặng Mậu Tựu: Chúng tôi rất xúc động khi được trở lại vùng đất ven biển, ven phá ấy. Nơi đây, ở nhà thờ họ Lê của làng Mỹ Lợi (nay là xã Vinh Mỹ), Chi hội Văn nghệ Thừa Thiên đã ra đời. Không còn ai nhớ chính xác ngày đã diễn ra cuộc họp thành lập hết sức trọng đại ấy, nhưng qua một số tài liệu lịch sử có một điều chắc chắn là cuộc họp đầu tiên ấy diễn ra vào tháng 10/1950. Và Trại sáng tác Về nguồn chính là điều mà chúng tôi thực hiện ngay sau chuyến về thăm đó. Sau 10 đi ngày thực tế sáng tác, đã có 8 ca khúc trữ tình và hơn 30 bài thơ, tuỳ bút, bút ký, ghi chép… của 16 tác giả là các nhà thơ và nhạc sĩ ra đời. Đó là tất cả những tấm lòng tri ân của các nhạc sĩ, các nhà thơ hướng về cội nguồn, về nơi mảnh đất đầy nhung nhớ ấy. Sắp đến chúng tôi cũng đã có dự định xin UBND xã sở tại cấp cho một miếng đất nhỏ để có thể đặt một tấm bia ghi nhớ…

-Thưa hoạ sỹ Đặng Mậu Tựu, vậy còn điều mà anh tâm đắc nhất trong nhiệm kỳ vừa qua trên cương vị chủ tịch Hội là gì?   

Họa sỹ Đặng Mậu Tựu: Tuy tôi làm chủ tịch chưa dủ là một nhiệm kỳ 5 năm nhưng trên cương vị lãnh đạo Hội và trước đó có một thời gian dài theo sát các hoạt động của Hội, điều tôi thấy tâm đắc chính là các hoạt động của Hội đều nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các Ban Chấp hành các hội chuyên ngành đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, năng lực và tính chủ động, nội bộ hết sức đoàn kết từ trong Ban Chấp hành Hội Liên hiệp cho đến các hội chuyên ngành. Việc kết nối, quan hệ với các cấp các ngành tạo ra sự đồng thuận để xã hội hoá và phát huy hiệu quả cao các hoạt động văn học nghệ thuật, thể hiện qua các trại sáng tác, các hoạt động công bố tác phẩm... được tổ chức thường xuyên…Công tác hỗ trợ tác giả công bố tác phẩm với kinh phí từ Quỹ hỗ trợ sáng tạo Văn học Nghệ thuật Việt Nam cũng đã nhận được sự đánh giá cao.

- Theo dự kiến, cuối tháng 10 này Hội sẽ tiến hành tổ chức đại hội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2010-2015. Đến nay công tác tổ chức đại hội đã tiến hành đến đâu và xin ông cho biết một vài đánh giá?

Họa sỹ Đặng Mậu Tựu: Về cơ bản hiện nay chúng tôi đã tổ chức xong đại hội các hội chuyên ngành và đang tiến hành hoàn tất các bước thủ tục cần thiết. Các đại hội chuyên ngành đã đánh giá đúng thực chất các hoạt động của các hội. Đa số các Hội đã bầu theo tinh thần trẻ hóa Ban Chấp hành là một tín hiệu đáng mừng, bởi vì từ đó hy vọng các Hội sẽ hoạt động năng động hơn và chúng ta sẽ có bước đào tạo, chuẩn bị cho đội ngũ kế cận sau này.

- Xin ông cho biết thêm một vài suy nghĩ trước thềm đại hội?

Họa sỹ Đặng Mậu Tựu: Điều mà chúng tôi mong mỏi nhất trước thềm đại hội là sẽ có được một Ban Chấp hành mới toàn tâm toàn ý, phấn đấu hết mình cho sự phát triển của Hội, phát huy cao độ những phẩm chất và năng lực của mình, đoàn kết nhất trí để thực hiện tốt các mực tiêu, các chương trình trọng điểm mà Đại hội đề ra. Một điều quan trọng nữa là làm thế nào tạo không khí tốt nhất cho anh chị em văn nghệ sĩ sáng tác, từ đó thúc đẩy văn học nghệ thuật trên vùng đất Cố đô nâng lên một tầm cao mới…

Nhà thơ Võ Quê- Ảnh: LHX

* Chúng tôi gặp nhà thơ Võ Quê, người đã có rất nhiều năm sống trong môi trường Hội LH V
HNT và từng là Chủ tịch Hội LH VHNT Thừa Thiên Huế. Hỏi anh về điều tâm đắc nhất trong những tháng năm qua, anh cho biết:

Tôi yêu cuộc sống này bởi cuộc sống có nhiều điều thiện lành, tốt đẹp để mình cống hiến hết công sức, hết lòng. Những năm tháng gắn bó với mái nhà 26 Lê Lợi Huế (từ đầu năm 1976 đến ngày hưu trí 1.4. 2008) tôi luôn tâm đắc một điều: Đó là được sống, được làm việc, được học hỏi từ hội viên, từ văn nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ của quê hương mình, của nhiều vùng miền trong, ngoài nước. Chính nhờ môi trường này mà tôi đã có được một ý niệm: “Cuộc sống và tác phẩm văn học là một. Nhà văn sống đẹp, sống tốt với đời, với người để mỗi trang văn, mỗi tứ thơ luôn lấp lánh hạnh phúc, ngợi ca sự hướng thiện.” Và bên cạnh việc tự thân sáng tác, cho dù tôi cũng đã có cố gắng để lo tròn trách nhiệm của một công bộc trước hội viên trong quá trình làm việc tại hội, nhưng tôi biết chắc chắn rằng tôi vẫn chưa đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng của hội viên trong nhiều lĩnh vực. Tôi mong họ đã hiểu và cảm thông!

PV (Thực hiện)











Các bài mới
Ngón trăng (12/11/2010)
Các bài đã đăng