Tuổi nhỏ ở làng Thượng Luật, tôi đã tập viết báo, làm thơ. Năm 1965, nghe chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam, nghe nghệ sĩ Kim Cúc ngâm bài thơ Sao chiến thắng của Chế Lan Viên viết về chiến công của quân dân Quảng Bình bắn máy bay Mỹ, tôi đã xúc động làm bài thơ Nghe sao chiến thắng với đề từ “Kính tặng nhà thơ Chế Lan Viên” hẳn hoi. Làm suốt đêm, xong gấp lại nhét vào mái tranh nhà, rồi ngủ quên. Sáng anh trai tôi là Ngô Tấn Ninh, một ngư dân mọt sách đọc đông tây kim cổ, đi biển về ăn sáng, đi tìm tăm, phát hiện ra bài thơ. Anh đọc rồi bảo:” Chưa phải thơ đâu, nhưng khá đấy”. Đi học Đại học Thương Mại ở Hà Nội bốn năm tôi cũng làm nhiều thơ chép trong một tập vở học trò, nhưng gửi các báo chẳng ai đăng cả. Bốn năm bộ đội chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ tôi làm nhiều thơ nhưng chỉ đăng ở bản tin của Sư đoàn 7, bản tin Trung đoàn 14, đơn vị của tôi, để phục vụ bộ đội chiến đấu. Tôi được đăng bài thơ đầu tiên trên báo Văn nghệ Giải phóng là bài thơ Ở rừng nhớ biển đầu năm 1975.Cuối năm 1976, tôi về Huế, tự dưng làm được rất nhiều thơ. Ở Huế 34 năm, tôi đã xuất bản 13 tập thơ được bạn đọc mến mộ, trong đó có 3 tập thơ được tặng thưởng. 2 lần được giải thưởng của Uỷ ban toàn quốc các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, giải thưởng Bông Sen trắng (Bình Trị Thiên), 4 lần được Giải thưởng Cố Đô. Có thế nói, không về Huế thì tôi không thể thành nhà thơ. Vâng, Huế đã nuôi tôi thành thi sĩ!
Năm 1976, về với Huế, tôi được gặp các nhà thơ, nhà văn mà thời học sinh ở Lệ Thuỷ, tôi đã đọc, đã yêu họ như Thanh Hải, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Xuân Hoàng, Hải Bằng, Võ Quê, rồi nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Hà Khánh Linh, v.v…Tôi thuộc Mặt đường khát vọng của Ngưyễn Khoa Điềm, tôi mê Biển và bờ của Xuân Hoàng. Thuộc Mồ anh hoa nở của Thanh Hải, thuộc Cồn Cỏ của Hải Bằng, tôi đọc Thuý của Hà Khánh Linh… Nên được gặp, được bắt tay, chạm cốc, rồi cười nói với các anh chị tôi xúc động lắm. Những lần gặp gỡ với các anh chị luôn kích thích tôi sáng tác. Thuở nhỏ, tôi quan niệm nhà thơ là những người ma thuật. Chỉ một dúm chữ mà họ làm ra những bài thơ lay động lòng người. Nên hồi học cấp 2 ở làng, tôi đã bỏ học hai ngày để chạy theo xem mặt đoàn nhà thơ Anh Thơ, Xuân Hoàng, Nguyễn Văn Dinh…về thăm Ngư Thuỷ quê tôi đánh Mỹ giỏi. Riêng anh Thanh Hải tôi thuộc rất nhiều bài thơ của anh vì thơ anh được đưa vào sách giáo khoa ở miền Bắc. Anh có bài thơ ít người thuộc, nhưng tôi lại rất thích, vì đó là bài thơ viết tặng Quảng Bình rất ám ảnh:
Quảng Bình ơi chín năm xưa đánh giặc Vui khổ cùng chung mảnh đất miền Trung Xa cách mười năm mười năm thầm nhắc Lòng hẹn lòng qua đôi bến Hiền Lương...
Những câu thơ đó ra đời khi tôi đang còn học cấp 2, đọc được và chép vào sổ tay từ một trang báo hiếm hoi ở làng cát nghèo hẻo lánh quê tôi, do một người từ Đồng Hới mang về. Lớp nhà văn tiếng tăm lẫy lừng này đã châm ngòi nổ thơ trong tôi bùng lên mạnh mẽ hơn khi tôi về sinh hoạt với các anh trong Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế.
Tôi đặc biệt thích thú khi về Huế gặp những người bạn cùng lứa, cùng học trường huyện năm xưa làm thơ như Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Vũ Thuật, Hải Kỳ, Lê Đình Ty, Đỗ Hoàng, Lê Thị Mây, Mai Văn Hoan.v.v.. Mỹ Dạ, Hải Kỳ, Đỗ Hoàng, Lê Đình Ty học cùng tôi một lớp ở Trường Cấp ba Lệ Thuỷ. Các bạn đã có thơ in báo từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Ở chiến trường miền Đông Nam Bộ cuối năm 1973, tôi đã ứa nước mắt khi giữa đêm rừng Tây Ninh, nằm võng nghe Đài tiếng nói Việt Nam ngâm bài thơ Đêm làng đất làng nước của Hải Kỳ. Riêng Mỹ Dạ còn được giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1973, khi tôi chưa có bài thơ nào được đăng báo. Hồi Bình Trị Thiên đó mấy đứa đều ở Huế, ngày nào cũng ríu rít bên nhau, nghèo nhưng lúc nào cũng rượu thơ ngất ngưỡng. Thân xác tôi công tác ở Sở Thương mại mà tâm hồn thì luôn ở 26-Lê Lợi Huế, trụ sở Hội Văn nghệ. Chỗ làm việc của tôi có cửa sổ mở ra đường Lương Thế Vinh, các bạn thơ Hải Kỳ, Hoàng Vũ Thuật, Đỗ Văn Khoái, Nguyễn Quang Lập... đến chỉ cần gõ nhẹ vào cửa kính là tôi vội vàng xếp sổ sách giấy tờ, tìm cách chuồn khỏi cơ quan ngay lập tức. Vì tôi làm việc rất tốt nên cơ quan không tính thời giờ 8 tiếng. Có đêm mùa đông Huế chúng tôi lang thang bên sông Hương cùng các nàng thơ. Ở hiệu ảnh Phú Xuân của Công ty nhiếp ảnh trên đường Trần Hưng Đạo, đêm khuya, nhà thơ- thợ ảnh bậc 7 Lê Đình Ty mở phòng ảnh, chụp hàng trăm bức ảnh, rồi thức tráng phim, in ảnh tới một hai giờ sáng. Có đêm mưa Huế, Mai Văn Hoan dẫn chúng tôi đi xuống tận ngôi nhà có cây vú sữa vườn Thuý trên đường Huỳnh Thúc Kháng nhìn vào ô cửa có mái tóc và ngọn đèn đang thức. Rồi xuống Bao Vinh lơ ngơ bên những ngôi nhà cổ, không biết để làm gì. Chúng mình lơ ngơ như thế suốt mùa đông, bên nhau trong mưa dầm, mang thơ đến những căn phòng bé nhỏ, nơi ánh đèn không đủ sáng để nhận ra nét gầy guộc bạn bè, chỉ những nụ cười thoáng hiện trên môi góp lửa cho thơ nóng bỏng… Đối với tôi, bạn bè là tất cả: ta như sóng ấy dễ tan đi/ bạn là ghềnh đá dấu ta ghi / những gì sâu thẳm ngoài vô tận/ đều có cho ta giữa bạn bè… Ai đó bảo rằng không nghê nga lãng tử, không ngất ngưỡng thì không có thơ hay. Quả thực những năm đó, tôi lúc nào cũng lên cơn “sốt thơ”. Đêm nào tôi cũng thức đến hai ba giờ sáng với trang giấy và những chữ thơ. Ngày cơ quan việc nặng gọi tên/ Về phòng riêng thức cùng thơ canh sáng/ Ôi tình yêu trẻ trung đôi cánh/ Những ngày thương hoá biển giữa hồn ta…
Những năm đầu về với Huế tôi thường lang thang với nhà thơ Đỗ Văn Khoái miệt Nguyệt Biều sương khói. Vợ Khoái lúc đó là công nhân nhà máy xi măng Long Thọ, thường đi làm ca đêm, nên Khoái phải chờ để đón vợ. Có bữa Khoái rủ tôi lên cúng mộ bố của Khoái ở Ngự Bình. Hai anh em bày cỗ, thắp nhang vái lạy, chờ nhang tàn, rồi ngồi ngay bên mộ uống rượu giữa đêm sương với bốn bề mộ chí. Có những đêm đi lang thang chốn âm phủ như thế tôi mới có câu thơ: Huế trăm năm lớp lớp oan hồn/ Chính tôi một oan hồn còn sông…
Huế với tôi là những đêm chơi núi Ngự Bình, những ngày rong ruỗi làng Chuồn, say với cố hoạ sĩ, nhà điêu khắc Đỗ Toàn, một người Huế đa mang, đa cảm. Rồi uống rượu với nhà văn-võ sư Nguyễn Văn Dũng, nghe Bửu Chỉ hát, ăn những món ăn Hà Khánh Linh nấu, đi ăn giỗ vua Duy Tân, đi ăn chay trên chùa nhiều lần với bác sĩ Dương Đình Châu, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân, Phan Thuân An, Bửu Ý…, nghe ca Huế xa-lon mấy lần ở phủ Công chúa Ngọc Sơn (nhà anh Phan Thuận An), đi đò thả thơ, đổ xăm hường trên Sông Hương.v.v.. Chỉ một cái làng Tiên Nộn (Phú Mậu) của bác sĩ Nguyễn Tích Ý thôi đã làm tôi say ngất ngưỡng: ước mãi về ngủ vùi trên cỏ/ thở đất làng Tiện Nộn nồng hăng/ ngắm cải ngắm hoa xuống đò sang phố/ sông ôm làng mà cứ ngỡ mình ôm… 34 năm, từng chút một, Huế đã ngấm vào máu thịt, tâm hồn tôi thành thơ văn lãng đãng.
Nhưng có lẽ sâu đậm nhất trong tôi là những năm tháng “ham chơi” với Hoàng Phủ Ngọc Tường”. Tôi và Nguyễn Trọng Tạo hay gọi vui “Tường là nhà hiền triết cũ còn sót lại”. Anh có kiến thức uyên bác về nhiều lĩnh vực triết học, văn học, văn hoá, lịch sử, địa lý... Đó không phải là kiến thức “tầm chương” mà đã nhập tâm thành máu thịt. Nhờ đó, anh soi sáng dưới nhiều góc độ khác nhau những vấn đề mà mình quan tâm. Từ đó chiết ra được những ý nghĩa mới, giá trị hình tượng mới thấm đẫm tình yêu và trí tuệ, thành thứ văn chương “tri âm tri kỷ” làm nhiều thế hệ độc giả mê say. Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi là cậu học trò nhỏ, là người em, người bạn vong niên trong hơn ba chục năm qua. Gần gụi bên anh, nghe anh nói, nghe anh đọc, tôi ngày càng có thêm nhiều tri thức, kinh nghiệm sáng tác trên con đường văn chương thăm thẳm. Trong cái góc nhỏ của Huế gọi là Bến Ngự, hồi Anh Tường lúc còn chưa bị bạo bệnh, Nguyễn Trọng Tạo chưa ra Hà Nội, ba chúng tôi dường như chiều nào cũng ngồi cùng nhau với nhau nơi quán cóc, nhâm nhi chén rượu, nghe anh Tường nói muôn chuyện buồn vui nhân tình thế thái. Tường nói rất hay. Nếu có máy ghi âm, ghi lại rồi in ra, thì đó là những bài bút ký siêu hạng. Nghe mà say, mà thấm. Với tôi những buổi chiều như thế là những buổi ngoại khoá văn chương thực sự bổ ích.
Tôi đã lớn lên trong văn chương với Huế từng ngày một như thế. Không gian Huế, sông Huế, núi Huế, vườn Huế, sương khói Huế, bạn bè Huế, những lăng tẩm cổ tích Huế... luôn tạo ra “từ trường” để ăng-ten nhà thơ luôn bắt được sóng thơ, tạo ra những bài thơ xúc động. Năm 1976, tôi ra quân, từ Sài Gòn chuyển về Trường Đại học Thương mại, trường giữ tôi lại làm giảng viên, nhưng tôi đã nằng nặc bốn tháng trời để xin cho được về Huế. Nếu ở Trường Đại học, tôi cũng kiếm được cái giáo sư -tiến sĩ hay chức vụ gì đó, có thể sẽ giàu có, lại được ở Hà Nội. Nhưng tôi đã chọn Huế để trở thành nhà thơ. Và dù nghèo, phải viết báo hàng ngày để vợ có thêm tiền đi chợ, nhưng tôi luôn tin lựa chọn đó của mình 34 năm trước là đúng. 33 năm qua là 33 năm tôi tìm tôi tìm Huế:
…tôi tìm tôi lạnh toát đường Phan Bội Châu số nhà ba mốt đỉnh dốc là Sào Nam tôi ở lưng chừng nơi có mệ già ngồi bên đường chìa mê nón xin đời bố thí bốn mùa mệ không đổi dáng ngồi như tượng đài thời gian rách nát mệ cũng là người ngoài cuộc đời tuổi trẻ ồn ào đi qua lướt qua không thèm để ý dân xe cúp xe con rú máy vèo qua xả khói vào mê nón rơi vào mê nón nắng mưa nhiều hơn đồng hào chuông chùa rơi từng giọt lắng trầm “Anh chị cho tui xin một đồng”! tiếng cầu xin bám đuổi hồn tôi ôi, khổ đau cũng mong thêm được vài phút sống!...
Huế, mùa thu 2010 (SĐB 10-2010)
|