Tạp chí Sông Hương - Số DB (tháng 10)
Một Hội Văn nghệ đầy “sự kiện”
10:10 | 04/11/2010
TÔ NHUẬN VỸSáu mươi năm… Chặng đường đâu có ngắn ngủi chi. Lại ở một vùng đất bỏng rát nhất của lịch sử đất nước. Nên cuộc sống của văn nghệ sĩ ở vùng đất này “không giống ai” thì cũng là điều dễ hiểu. Tôi ghi lại đây những sự kiện để lại ấn tượng mạnh mẽ trong tôi những tháng năm đó.
Một Hội Văn nghệ đầy “sự kiện”
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ thời trẻ
1. Về sáng tác, văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế luôn có những tác giả đứng ở vị trí hàng đầu đối với cả nước trong mỗi giai đoạn.

+ Nguyễn Khắc Thứ, Trịnh Xuân An, Nguyễn Văn Thương… trong kháng chiến chống Pháp.

+ Thanh Hải, ngọn cờ đầu trong thơ ca cách mạng miền Nam, với tập thơ Mồ Anh hoa nở từ những năm đầu sáu mươi thế kỷ trước.

+ Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, trường ca nổi tiếng xuất hiện ĐẦU TIÊN của Văn nghệ Giải phóng (sau Mậu Thân 1968).

+ Văn nghệ sĩ yêu nước với những hoạt động và tác phẩm xuất sắc của đô thị miền Nam tập trung nhiều nhất tại Huế hoặc xuất thân từ Huế: Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Bửu Chỉ, Thái Ngọc San, Trịnh Công Sơn, Võ Quê, Tôn Thất Lập, Lê Gành, Lê Văn Ngăn, Phan Duy Nhân, Tần Hoài Dạ Vũ, Trần Phá Nhạc, Nguyễn Đông Nhật, Trần Hữu Lục, Trần Vàng Sao, Nguyễn Phú Yên…

+ Hoàng Phủ Ngọc Tường cây viết ký xuất sắc nhất của văn học Việt Nam, cho đến nay.

+ Chỉ với MỘT bài thơ, Bài thơ của một người yêu nước mình, đầu những năm 1970, Trần Vàng Sao đã nổi tiếng cả nước.

+ Phải kể là người ĐẦU TIÊN bởi ở tuổi thanh niên và mới cầm bút, Tô Nhuận Vỹ là nhà văn “cả gan nhất” dám viết cả bộ tiểu thuyết 3 tập DÒNG SÔNG PHẲNG LẶNG phản ảnh cuộc chiến đấu hào hùng của quân và dân Thừa Thiên Huế giai đoạn 1967-1973. Bộ tiểu thuyết đã được tái bản 6 lần và dựng thành phim truyền hình nhiều tập.

Tuyên huấn Thừa Thiên Huế tại chiến khu 6/1968. Từ trái qua, hàng trước: Trần Bá Đạt (Chữ), Trần Thân Mỹ, Khánh Thông. Từ trái qua, hàng sau: Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha, Đoàn Dũng.


2. Tạp chí của Hội văn nghệ địa phương ĐẦU TIÊN trong cả nước có trụ sở riêng đàng hoàng, to đẹp là Tạp chí Sông Hương của Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên và sau này là Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế (số 5 Đinh Tiên Hoàng). Tạp chí còn có đại diện tại Hà Nội và văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh và tạp chí Văn Nghệ Việt Nam ĐẦU TIÊN lúc đó có đại diện tại Paris và Tây Âu, có quan hệ thân thiết với Đài Phát thanh Matcơva và kết nghĩa với Tạp chí Nhô man (thuộc Hội Nhà văn nước cộng hòa Biêlôrútxia - Liên Xô).

3. Đoàn nghệ sĩ ca Huế của Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế do nhà thơ Võ Quê dẫn đầu tham gia liên hoan ca nhạc dân gian quốc tế Lowell (1995) là đoàn nghệ sĩ ĐẦU TIÊN của Việt Nam đến biểu diễn tại Hoa kỳ, ngay ở thời gian chưa có quan hệ bình thường giữa hai nước.

4. Hội đã góp phần quan trọng trong việc vận động nhà điêu khắc nổi tiếng Điềm Phùng Thị (Pháp) đem tác phẩm về thành lập Nhà Trưng bày nghệ thuật ĐPT tại Huế (Chủ tịch Hội là đại diện của ĐPT tại Việt Nam) và bà Điềm Phùng Thị là nghệ sĩ nổi tiếng ĐẦU TIÊN ở nước ngoài trở về quê hương sau 1975. Và tiếp sau đó là Lê Bá Đảng…

5. Tủ sách Sông Hương đã xuất bản Bài thơ thôn Vỹ, tuyển thơ tiền chiến ĐẦU TIÊN tính từ sau Cách mạng Tháng 8, tại miền bắc và sau 1975 cho đến lúc đó, 1987. In với số lượng cực lớn (40.000 bản) và đã tiêu thụ hết chỉ trong một thời gian ngắn.

6. Hội Văn nghệ duy nhất trong nước, chỉ trong một thời gian ngắn, đã có hai chủ tịch Hội trở thành Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin (Trần Hoàn) và Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng (Nguyễn Khoa Điềm).

7. Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên và Hội Thừa Thiên Huế là tổ chức văn hóa văn nghệ ĐẦU TIÊN và duy nhất trong cả nước, cho đến nay, liên tục trong 3 (ba) nhiệm kỳ (cho đến 1998), để đề cao vai trò của dân - chủ - trực - tiếp nhiều ưu điểm hơn dân - chủ - đại - diện thiếu thuyết phục, đã tiến hành đại hội toàn thể trực tiếp bầu cử Chủ tịch Hội (trong số BCH vừa trúng cử) và Chủ tịch Hội đề cử các ứng viên để đại hội bầu các phó chủ tịch Hội.

8. Là Hội Văn nghệ địa phương được thành lập ĐẦU TIÊN trong cả nước (1950).

9. Là Hội văn nghệ duy nhất trong các Hội Văn nghệ mạnh trong nước CHƯA BAO GIỜ được tặng thưởng Huân, huy chương nào cho sự đóng góp của mình.

Huế 15/9/2010
T.N.V
(SĐB 10-2010)





Các bài mới
Ngón trăng (12/11/2010)
Các bài đã đăng
Bằng chứng (01/11/2010)