Tạp chí Sông Hương - Số DB (tháng 10)
Xã hội kỹ thuật số
14:12 | 10/11/2010
TRẦN THIỆN ĐẠOSáu mươi năm trước, từ cảng Nhà rồng/ Sài gòn phải lênh đênh ngót một tháng trời trên tàu thủy - thời ấy máy bay chỉ dành cho quan chức và từng lớp đặc thù mà thôi - phải vượt trùng dương hằng bao hải lí mới cặp tới bến Marseille đặt chân lên đất Pháp.
Xã hội kỹ thuật số
Dịch giả Trần Thiện Đạo
Ngày nay vào đầu thế kỉ XXI này, chẳng du khách nào còn luyến tiếc phương tiện di chuyển dài nhằng bằng đường thủy như nói trên nữa, mà toàn băng ngàn theo đường hàng không, tiện lợi và mau lẹ hơn nhiều. Từ phi trường Tân Sơn Nhất hay Nội Bài chỉ cần qua đêm cao trên tầng mây mười ba mười bốn tiếng đồng hồ là đã đáp xuống sân bay Roissy - Charles de Gaulle/ Paris. Chỉ trong thời gian chưa đầy tuổi thọ trung bình mà hành trình từ Việt Nam sang Pháp được rút gọn trên dưới một trăm lần. Thấy mà ghê!

Kĩ thuật số


Nhìn từ góc độ xã hội và tri thức, quả là chóng mặt thật. Bạn cứ nghĩ mà coi, mọi sự đều quay cuồng như trong một cơn lốc cuốn hút mọi thứ. Nền công nghiệp chưa dàn trải hết chu trình thì đà nhảy vọt ngay liền lên hàng kĩ nghệ,rồi bội kĩ nghệ, hậu kĩ nghệ; thời kì hiện đại chưa hoàn tất nhiệm kì thì tức khắc trở thành hậu hiện đại – bọn thường dân chúng ta làm sao mà lãnh hội hết cho nổi, đành rơi tuột đằng sau. Đọc mấy chữ in xiên vừa nêu trên đây nghe nó thời thượng thế nào. Có chút gì a dua trong cách gọi của các lí thuyết gia chăng : họ đã chẳng liên tục bỏ công dựng lên biết bao biên khảo dầy cộm giải trình ý niệm hiện đại và hậu hiện đại đó sao ? Gạt qua khía cạnh đua đòi làm dáng ấy, phải nhận rằng, trên thực tế, tiến trình kĩ thuật trong thời gian cuối thế kỉ trước đầu thế kỉ này quả có một hàm số vận hành chưa từng thấy bao giờ. Thể như nó mặc nhiên tận dụng phương trình
E = MC² của Albert Einstein vậy, tăng tốc vùn vụt mọi thứ (1).

Chẳng phải tìm kiếm đâu xa để minh xác sự thể ấy, bạn cứ đảo mắt vòng quanh là đã nhận thấy ngay liền. Ngón tay của bạn chỉ cần lướt qua trên giàn phím là đã có thể, tự mình haycó ai hướng dẫn, vận dụng loại máy tân kì do nền (hậu?) kĩ nghệ và (hậu?) hiện đại rất ư tinh xảo tạo nên. Nào là máy tính laptop, nào là máy đọc dvd, nào là máy nghe nhạc mp3, nào là máy xem video, nào là máy viễn liên điện thoại, nào là máy chớp bóng chụp hình… ôi thôi đủ thứ khác nữa, loại máy một mình qui tụ biết bao chức năng có khi cần thiết có khi dư thừa, những BlackBerry, Smartphone, iPod, iPhone... Các thành tựu kĩ thuật số vừa kể nghiễm nhiên sản sanh một thế giới dị biệt liên miên nhốn nháo, lúc nào cũng rộn rã âm thanh và hình ảnh, chẳng bao giờ ngừng nghỉ, chẳng bao giờ im ắng. Ít ai tránh khỏi bầu khí hiếu động và âm ỉ này. 

Nền văn hóa chung của nhơn loại ngày nay, bởi vậy, không ngớt bị âm thanh và thịnh nộ (2) khua động và huy động. Khiến cho con người khôn thôi đắm mình trong trạng thái khẩn cấp, hấp tấp, hối hả, không chỉ trong tác phong mà cả trong tâm trí - chưa xem hết hoạt cảnh diễn tấu trên màn ảnh mà tay đà bấm nút đổi đi đổi lại chương trình. Vật gì mà cứ đứng im vô sự, bất động, cố định thảy đều bị coi là lố bịch, kệch cỡm, lỗi thời. Xã hội ngày nay đã tự mình tách rời mảnh đất trầm mặc ngàn xưa hằng chiêm ngưỡng tĩnh vật; nó ngây ngất tận hưởng thế lực mới vừa nắm bắt trong tay, đạp đổ bất luận thể chất ù lì nào cản trở bước đi của mình. Đùa cợt mà nói, ngay cả ngành bất động sản cũng không được yên vị. Ngành này mấy năm qua đã chẳng liên tiếp lên cơn sốt ở Việt Nam đó sao ? Còn ở Hoa kì, nó chẳng đang lũng đoạn, qua hàng loạt subprimes, nợ cho vay mua nhà bừa bãi, cả nền kinh tế hoàn cầu đó sao?

Hậu quả


Tất cả sự việc như đà nằm trọn trong một trận cuồng phong cao độ chưa từng thấy. Ai ngừng dao động ắt bị quay tít, rơi rớt, đè bẹp, nghiền nát, văng ra. Tình trạng này đương nhiên xáo trộn lề thói tư duy và lập luận cố hữu của bàn dân thiên hạ, đảo ngược mọi thể thức đặt định lâu đời. Vì sao vậy?

Vì rằngthời trước, dụng cụ máy móc, từ cuốc thuổng, cối xay cho tới xe pháo, máy bay… chỉ có mỗi một chức năng là tăng cường thể lực con người - mà già trẻ đều có thể sử dụng tùy ở khả năng riêng biệt của mình. Nhưng giờ đây, bằng tin học và kĩ thuật số, các dụng cụ máy móc mới bỗng chốc trở nên tinh vi với một tốc độ phi phàm, exponentielle để nói theo tiếng Pháp, và hơn thế nữa, đồng thời nó còn tăng cường trí năng con người một cách vô cùng hữu hiệu, ngoài sức tưởng tượng. Khiến cho bọn thường dân chúng ta hết phương thích ứng kịp thời. Ngoại trừ giới trẻ. Bởi chỉ có lớp sanh sau đẻ muộn là được bú mớm trong môi trường đương đại, bản năng và trí óc được nền kĩ thuật số hun đúc ngay từ lúc chào đời. 

Hệ quả trực tiếp của sự thể này là kẻ đà cao tuổi, không được hấp thụ công thức tân kì đó, bỗng thấy mình bị bỏ rơi - mải (với dấu hỏi) gặp khó khăn, bất cập trong việc tiếp thu và sử dụng các phương tiện tin học và kĩ thuật số đang chiếm cứ hết mọi lãnh vực, chi phối hết mọi sinh hoạt thường nhựt trong xã hội. Ngơ ngác trước các biểu tượng thay thế những lời chỉ dẫn dễ hiểu trên ống điện thoại, trên điều khiển vô tuyến, trên máy chụp ảnh, trên bàn vi tính và trên biết bao vật dụng cần thiết hằng ngày, ngỡ ngàng trước những dấu hiệu mà họ không nắm được ý nghĩa, họ chẳng còn biết đâu mà lần mà lựa sao cho đúng cách. Chẳng may lại lọ mọ đụng phải khung phím không thích hợp thì, hỡi ơi, có mà kêu trời cũng không làm sao phục hồi ngay liền được nguyên trạng. Vừa bực vừa thẹn. 

Rồi khi, giận mình bất lực, gắng sức theo đòi, thì họ lại phải nhờ cậy loại tiếp vận kĩ thuật mà các nhà xã hội học Pháp chỉ định qua thuật ngữ bổn địa là “relais de connaissance technique’’. Nói cách khác, là nhờ cậy con cháu của mình. Vô hình trung đảo ngược dòng chảy cố hữu trong nền giáo huấn cổ truyền: người lớn nay phải dựa vào lớp trẻ để học đòi, để hòa nhập xã hội. Con cháu hướng dẫn, cha mẹ vô lớp làm học trò. Tréo cẳng ngỗng thay! Nhưng làm sao khác được, bởi giới trẻ ngày nay bẩm sanh với kĩ thuật số, nguyên táclà natif numérique, chữ của các nhà xã hội học nói trên trong loạt sách khảo sát vũ trụ tin học ngày nay.

Đáng vui hay đáng buồn đây ? (3)

(SĐB 10-2010)


------------------------------------------------------------
(1) Xem Lầm lỗi (Hợp lưu, số 97, tháng 11&12 năm 2007).
(2) The Sound and the Fury, chữ của kịch tác gia Hồng mao William Shakespeare (1564-1616) trong vở Macbeth (Macbeth – 1605), nhà văn Hoa kì William Faulkner (1897-1962) lấy lại làm nhan đề cho cuốn tiểu thuyết của mình xuất bản năm 1929.
(3) Xem thêm: Thời đại a-còng (Hợp lưu, số 95, tháng 6&7 năm 2007).

       





Các bài mới
Ngón trăng (12/11/2010)
Các bài đã đăng
Bằng chứng (01/11/2010)