Tạp chí Sông Hương - Số 8 (T.8-1984)
Những đối thoại tưởng tượng
14:46 | 30/11/2010
THANH THẢO(Đọc “Bán đảo” của Thái Bá Lợi)
Những đối thoại tưởng tượng
Nhà văn Thái Bá Lợi - Ảnh: tuoitre.vn

V
iết là mở những cuộc đối thoại liên tục, trong tưởng tượng, với các nhân vật, với các quyển sách, với chính mình. Biết cách nói và biết cách nghe: đó là bí quyết của nhà văn. Chơi với Thái Bá Lợi đã lâu, tôi thấy dường như anh nắm được bí quyết ấy. Tôi đến các tác phẩm của anh như một người xem tranh trong phòng tranh có lúc lướt qua một số bức, có lúc dừng rất lâu trước một bức nó thu hút mình. Lúc này, tôi dừng trước “Bán đảo”. Dù không có máy cát-sét phóng viên, tôi cũng tranh thủ phỏng vấn chay anh Lợi mấy câu:

- Tôi không phải là độc giả trung thành với một cách viết một gương mặt nhưng tôi có cảm giác anh đang hiện rõ dần qua “Bán đảo”, hay nói như một nhà thơ bạn chúng ta anh đang “chầm chậm tới mình”?

- Tôi đang tìm một cái gì đó, nhiều khi, cái đó ta tìm được rồi mà ta vẫn chưa biết. Theo tôi nghĩ, trong văn học, cái chưa biết quan trọng hơn cái ta muốn tìm.

- Với anh cái đó là tiết tấu chăng?

- Anh nghĩ như vậy?

- Tôi đoán mò thôi. Nhưng nếu tiết tấu là cái đó, thì anh đã tìm được nó rồi.

- Ước chi thầy Sê-khốp sống lại.

- Để thầy nói cho chúng ta nghe về tiết tấu trong các truyện và kịch của thầy, cái đã tạo nên những tầng không gian riêng, chất ngọt và chất đắng riêng, vẻ mơ hồ của những vực thẳm cùng những cọc tiêu nhỏ bé dựng bên lề vực thẳm ấy.

- Quả thật tiết tấu là cái gì khó hình dung.

- Như vậy, văn xuôi có phải hoàn toàn là lĩnh vực của sự sáng rõ không?

- Có và không.

- Viết văn cũng giống như đang yêu: nhiều khi ta theo đuổi đến hụt hơi cô gái này, nhưng cuối cùng ta lại yêu được … cô gái kia. Mặc dù thế, ta cứ sung sướng và khốn khổ như thường.

- Giống lúc ta sung sướng và khốn khổ chạy đuổi như điên từ trang này sang trang khác, từ quyển này sang quyển khác. Có người chạy “ma-ra-tông” suốt đời như vậy mà vẫn độc thân.

- Tôi hơi tò mò một chút: “Bán đảo” đã là “cô gái kia” của anh chưa?

Tôi không dám nói chắc. Nhưng, đã có một cái gì đó…

- Tôi cũng cảm giác như vậy, chúc anh thành công.

Nếu đoạn phỏng vấn tưởng tượng trên chưa làm anh Lợi hài lòng, như anh chưa hài lòng về những đoạn đối thoại giữa các nhân vật của mình, cũng là điều dễ hiểu. Chúng ta luôn phải dò tìm và luôn phải thử lại nhiều cách.

Tôi chợt nhớ đến “Vầng trăng và ngọn lửa” của Xêdarê Pavixê: phải đi tận cùng đời mình để nói được một tiếng nói giản dị mà sâu thẳm đến như vậy.

Trở lại “Bán đảo”. Một tiếng nói từ bên trong, xuyên suốt tập sách, không ngừng đối thoại với từng nhân vật, với hai hay ba nhân vật một lúc, đối thoại với quá khứ, hiện tại, tương lai, và cuối cùng đối thoại với tác giả cũng là một nhân vật trong truyện. Tôi có thể nói ngay mà không sợ hố rằng tiếng nói ấy chính là tiết tấu của tác phẩm. Nhiều lúc, tiết tấu hiện bằng những khoảng lặng. Mặc cho ai chơi những mánh miếng tân kỳ, mặc những cách tỏ tình táo bạo “hiện đại”, tôi cứ thấm mãi đoạn văn này của anh tả tình yêu, một tình yêu không trọn cứ từng lúc được chiếu dội lên từ ngọn lửa của ký ức:

“Chúng tôi cứ quấn quít bên nhau đứa chùi nồi, đứa nhen lửa. Ngọn lửa cơm tàn rồi lại đỏ, đỏ rồi lại tàn trước mặt chúng tôi. Chúng tôi lặng lẽ ngồi bên nhau cho đến khi vần cơm xuống tro không nói một lời nào” (trang 23)

Đó là rượu thứ thiệt. Nó cô đơn giữa những chai rượu nhãn xanh đỏ lòe loẹt bày trên quầy rượu.

Cùng anh Lợi đi uống cà phê nhiều lần ở cái quán “cà phê giao ban” của Bán đảo, tôi vẫn thích thú đọc đoạn tả về quán ấy trong truyện. Ở đây là đời sống, nó vừa khiến ta đau vừa làm ta buồn cười, nó “hỗn tạp và phong phú” như anh nói. Và nụ cười của tôi chưa tắt khi tôi chợt nhớ đến một vài nhà văn tháp ngà lại cứ hối thúc cho chúng tôi đi thực tế. Đời sống không duy nhất ở một mảng nào, đời sống là tất cả. Và nhà văn phải có nghĩa vụ hiểu biết tất cả giữa cái giới hạn khắc nghiệt của đời mình. Nếu anh Lợi không “đi thực tế” chiến trường với tư cách một người lính, một quân y sĩ (trước khi là một nhà văn) lăn lộn hàng chục năm ở địa bàn miền Trung, thì làm sao có nhân vật Hải trong “Bán đảo”. Mà nếu không có nhân vật Hải, thì làm sao có “Bán đảo”? Và nếu anh Lợi không là một “yếu nhân” như các “yếu nhân” khác của Bán đảo, tham gia hàng ngày vào cuộc sống của mọi người, nếu anh chỉ đến đây như một nhà văn đi “nghỉ hè miễn phí” thì lấy đâu ra anh Ngà, chị Tân để chúng ta đối thoại với. Và còn Trinh, Nguyên, hai cô cậu thuộc “thế hệ thứ tư” này, ngay cha mẹ họ còn khó hiểu họ nữa là chúng ta.

(Viết đến đây, xin lỗi anh Lợi, cho tôi ngừng một phút để đi thực tế: “tôi phải đổ nước dột trong nhà, mấy hôm nay mưa dai dẳng, nhà tôi bị dột theo kiểu tháo khoán và cái bàn viết của tôi có nguy cơ thành một bán đảo).

“- Mỗi người có một con đường. Như đoàn tàu đã trên đường ray rồi thì cứ thế mà chạy cho đến ga cuối cùng, không thể sang đường xe hơi được.

Anh Hải nhìn tôi, có phần hơi ngạc nhiên:

- Tôi không tin như vậy. Nhưng cần phải có thời gian.

Có lẽ khuyết điểm lớn nhất của con người là sự nôn nóng ông ạ. Ông có thuộc diện những người hay sốt ruột không?” (trang 98). Tôi không muốn trả lời vội vàng. Nhưng có lẽ đây là đoạn đối thoại quan trọng nhất của tác phẩm, quan trọng ngay với cuộc đời sáng tạo của nhà văn nữa.

Theo một công thức cũ kỹ của phê bình, lẽ ra tôi phải nói được bảy mươi phần trăm thành công và ba mươi phần trăm thiếu sót của tác phẩm, nhưng tôi đã không làm được điều đó, đơn giản chỉ vì tôi không phải là nhà phê bình chuyên nghiệp. Với anh Lợi, tôi biết, dù có chê anh cũng không giận, dù quá khen anh cũng không mừng. Với tôi, đó là bản lĩnh của người cầm bút.

Viết “Bán đảo” anh Lợi đã bỏ qua cái dày rậm trong các tác phẩm trước của mình, giờ đây anh chú mục vào con người với những số phận riêng mà lại móc chặt nhau, những phía thuận và nghịch của nó, những tìm kiếm khắc khoải của nó để tự tỏa sáng trong cuộc đời chung. Đúng như một nhân vật chính trong truyện đã nói, đất nước chúng ta là đất nước đầy bản lĩnh, dân tộc chúng ta là dân tộc đầy bản lĩnh, có lý nào mỗi người chúng ta lại sống thiếu bản lĩnh, chúng ta đâu phải là những tảng rông tấp vào phiến đá của Hòn Chìm, một cách tình cờ, vô ích? Một lần nữa, câu hỏi này lại xoáy vào lòng những người cầm bút, những nhà văn, những người được gọi một cách trân trọng là người sáng tạo.

Đây là cuộc đối thoại gay cấn nhất, đối thoại giữa nhà văn và các nhân vật của mình.

Qui Nhơn lập đông năm Quý Hợi

T.T
(8/8-84)





Các bài mới
Cổ tích (27/12/2010)
Các bài đã đăng
Suối cá hồi (23/11/2010)