Tạp chí Sông Hương - Số 8 (T.8-1984)
Thử nghĩ về chất văn xuôi
08:47 | 24/12/2010
LẠI NGUYÊN ÂN(Trích đăng một phần tiểu luận)
Thử nghĩ về chất văn xuôi
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân - Ảnh: internet
…Ngôn ngữ có vai trò rất quan trọng đối với chất lượng nghệ thuật của văn xuôi. Rất nhiều vấn đề về nghệ thuật văn xuôi (ví dụ vấn đề chọn các ngôi đứng ra kể chuyện, dẫn chuyện, vấn đề thời gian và không gian nghệ thuật của tác phẩm v.v…) thoạt nhìn tưởng như xa lạ, thật ra lại gắn bó rất mật thiết với phương diện ngôn ngữ của tác phẩm văn xuôi. Tuy nhiên chất văn xuôi, chất lượng nghệ thuật của mỗi tác phẩm văn xuôi vẫn không phải chỉ nằm bó tròn ở phương diện ngôn ngữ. Sáng tác văn học được gọi là sáng tác lời hoặc sáng tác ngôn từ chẳng qua là căn cứ vào cái chất liệu, cái vật liệu hiển nhiên dễ thấy nhất mà nó sử dụng. Thật ra, nếu nhìn kỹ, văn học nói chung, đặc biệt là sáng tác tự sự - một chuỗi ngôn từ liên tục gồm từ một vài đến hàng ngàn trang giấy - sẽ không có ý nghĩa gì cả nếu không có một chỗ dựa khách quan nằm trong các năng lực của bộ óc con người - ấy là trí nhớ. Cái chuỗi ngôn từ mà bằng vào đó nhà sáng tác ghi lại những sự mô tả các hành vi, xử sự, nói năng, quan hệ của những con người có nguyên mẫu thật hoặc hư cấu nào đó - chỉ có thể trở nên một chỉnh thể nhất định (mà ta gọi là tác phẩm) khi ở người đọc có năng lực ghi nhớ lần lượt từng cái một, từng mảng một, và do liên tưởng mà có thể liên kết chúng lại, hiểu ra toàn bộ câu chuyện, đoán ra các ý nghĩa chứa đựng trong đó, cái ý nghĩa mà nhà sáng tác có lẽ đã ngụ vào. Khả năng ghi nhớ, ký ức và liên tưởng của con người, do vậy ở đây cũng là một cơ sở chất liệu của nghệ thuật ngôn từ. Văn học, như vậy, còn là nghệ thuật của ngữ nghĩa, của ý, của ký ức, liên tưởng là nghệ thuật của tư tưởng nói chung. Đồng thời, do chỗ là nơi bộc lộ các tình cảm và là sự thỏa mãn các tình cảm của con người, gần như mọi nghệ thuật nói chung, văn học không bao giờ lại không là nghệ thuật của tình cảm. Tư tưởng và tình cảm, sự nhận thức và sự xúc cảm của con người không đứng yên, bất biến, chúng cũng vận động, trở nên phong phú và phức tạp thêm lên cùng với sự phát triển của đời sống nhân loại. Trong sự phát triển ấy chắc chắn sẽ diễn ra sự phân lập, phân hóa các sắc thái và cung bậc từ một hoặc một số cung bậc và sắc thái thuần nhất ban đầu. Trữ tình, sự cảm nhận thi vị, chẳng hạn, có thể là một trong số các cung bậc đã phát triển rộ nhất ở những thời kỳ mà ta đã biết, nhưng chắc chắn đó không phải là cái cung bậc, cái điệu tâm hồn duy nhất ở con người. Xét về mặt này, sự phát triển của văn xuôi nghệ thuật cũng là dấu hiệu về sự phát triển của một loại cảm giác khác của con người trước cuộc sống xã hội ngày một đổi khác, ứng với ý niệm của con người về cuộc sống ấy, ứng với ý thức của con người về mình, về chính ngay sự nhận thức và cảm xúc của mình. Giác quan văn xuôi đang rất phát triển ở con người hiện đại có lẽ là điều đã khiến nhiều nhà thơ lớn đi đến chỗ tạo nên một sự đảo lộn khá mạnh trong thơ thế kỷ chúng ta. Mai-a-kốp-xki, Brếch, Hích-met, v.v… đã đưa rất mạnh chất văn xuôi vào cách xúc cảm và vào hình thức ngôn từ của thơ (1). Ở nước ta, một điều khá lý thú, nhưng còn chưa được nghiên cứu kỹ là ngay từ những năm 40, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đưa rất nhiều chất văn xuôi vào thơ Nhật ký trong tù (2). Giống như chất trữ tình trước kia, hiện giờ chất văn xuôi đã không chỉ là riêng của văn xuôi nghệ thuật.

Trên kia đã nêu nhận xét rằng văn xuôi thiên về khai thác khả năng miêu tả (tạo hình) của ngôn từ; xu hướng của nó là ghi nhận cái thế giới ngoài nó, ưu thế của nó nghiêng về nhận thức hơn là cảm xúc. Mỗi từ trong một ngôn ngữ bao giờ cũng là khái quát và bao quát một loại sự vật và hiện tượng cùng loại. Mỗi loại là một sự trừu tượng. Nhưng vào tác phẩm văn xuôi, nhất là văn xuôi kể chuyện, mỗi từ sẽ khắc phục tính chất khái quát và trừu tượng ấy để vẽ ra những sự vật và hiện tượng thật cụ thể, thật cá thể, cho người đọc cảm giác như nom thấy, sờ thấy chúng và không lẫn với vô số những cái khác, cùng loại. Đây là chỗ bắt đầu của khả năng nhận thức vốn có ở văn xuôi.

Nhận thức của văn học, cũng như nhận thức của nghệ thuật nói chung, là thứ nhận thức đi liền với cảm xúc, hòa quyện với cảm xúc. Nói riêng sự nhận thức thôi thì nó đã có nhiều phương diện, nhiều tầng bậc, nhiều cấp độ, mức độ. Hòa quyện với cảm xúc, nó lại càng có thêm nhiều cung bậc nhiều sắc thái. Điều này đúng với thơ, và cũng đúng với văn xuôi, ở trên đã có chỗ nhấn mạnh kinh nghiệm và truyền thống “văn xuôi phong tục”, coi đó như một thành tựu quan trọng trong việc xây dựng nền văn xuôi nghệ thuật tiếng Việt. Tuy nhiên có văn xuôi phong tục - sinh hoạt, có văn xuôi xã hội - lịch sử, có văn xuôi tâm lý, có văn xuôi triết lý v.v… Ở một bình diện khác, có văn xuôi trữ tình, thi vị, lãng mạn (gần với nghệ thuật biểu cảm nói chung) bên cạnh văn xuôi tả thực đến khắc nghiệt, tàn nhẫn; có văn xuôi duy lý chọn cho mình những đường nét thanh thoát, sáng rõ, bên cạnh đó lại có văn xuôi huyền ảo, tìm lại cho mình những mảng mơ hồ, mờ tối của huyền thoại và truyền thuyết như đã từng có trong tư duy nhân loại từ cổ xưa. Mỗi loại trong số này thể hiện những hướng, những vùng nhận thức và cảm xúc khác nhau, đáp ứng những nhu cầu hiểu biết và những cung độ cảm xúc khác nhau của con người.

Đối với văn xuôi hướng về miêu tả sinh hoạt phong tục của đời sống con người chẳng hạn, đến một độ phát triển nhất định thì yêu cầu tạo nên tính sinh động, vẻ đầy đặn cụ thể của các bức tranh đời sống - đó vẫn chưa phải một yêu cầu thật khó đối với các cây bút có nghề; thêm nữa, đạt được yêu cầu đó vẫn chưa phải là đã đảm bảo cho tác phẩm có được một tính tư tưởng cao. Ngược lại một sự sáng tác chỉ chăm chú vào việc vẽ thật sắc nét những chi tiết sinh hoạt, phong tục, nói năng… đến nỗi quên đi các phương tiện khác thì có khi lại làm cho tác phẩm bị thấp về tư tưởng. Ở đây, yêu cầu cao hơn nữa là phải từ “miêu tả phong tục” vươn đến “miêu tả tồn tại”, khám phá ra những mặt bản chất sâu xa của tồn tại xã hội, tồn tại con người, chỉ ra “trạng thái thế sự” (3). Miêu tả sinh hoạt, như thế, sẽ trở thành phân tích xã hội, phân tích con người. Đọc nhiều tác phẩm văn xuôi ở nước ta gần đây, nếu ta có thể thú vị với cái nhìn văn xuôi trong nét bút vẽ sinh hoạt của người đương thời thì sau đó, ta lại dễ thất vọng, tiếc rẻ cho các tác giả đã không đưa cái nhìn ấy đến cùng, ngược lại, đã mau chóng thu xếp ổn thỏa mọi sự, như để an ủi người đọc bằng những ảo tưởng dễ dãi, những ảo tưởng thuần túy văn chương. Thế nhưng, nếu độc giả (cũng như khán giả, thính giả) khi gấp lại trang sách cuối (cũng như rời khỏi rạp hát rạp chiếu phim hay tắt máy thu hình, thu thanh) mà chỉ cảm thấy yên tâm vì mọi gay cấn, xung đột, vấn đề trong câu chuyện họ vừa chứng kiến đã hoàn toàn ổn thỏa, xong xuôi, không còn gì đáng bận tâm, thì vai trò của văn học (cũng như của sân khấu điện ảnh…) vẫn chưa đi xa gì hơn một sự giải khuây. Cách tốt hơn vẫn là dùng tác phẩm làm nơi nghiên cứu, tìm hiểu con người và xã hội đương thời, cùng độc giả nhận thức sâu hơn về những vấn đề của nó, cả những bệnh tật và bóng tối, cả những chồi non và ánh sáng ở đó. Tất nhiên hướng văn xuôi nghiên cứu đời sống này có thể đã có lúc bị “đọc” một cách thiên kiến, bị xem như thứ văn xuôi hoài nghi, không gây nên tinh thần lạc quan, v.v… Song, vấn đề không phải ở chỗ hầu như bao giờ cũng có một số “gu” chỉ kham được thứ văn xuôi tô hồng dễ dãi. Vấn đề là cần nhận ra tác dụng nhận thức khách quan của thứ văn xuôi nghiên cứu đời sống này, vai trò “nhập cuộc” đắc lực của nó vào chính các tiến trình xã hội: những người đang làm việc, đang đụng đầu với hàng đống khó khăn ở một lĩnh vực sẽ cần đến sự chia sẻ suy nghĩ và tâm trạng ở văn xuôi đó chứ không phải ở văn xuôi tô hồng và “lạc quan” giả tạo. Thêm nữa, về nghệ thuật, phải thấy là chính thứ văn xuôi phanh phui, phân tích góc cạnh, thứ văn xuôi thích giữ giọng “tưng tửng”, giọng “đùa dai”, kể cả “đùa tếu” lẫn “đùa ác”. Giọng khô đanh có khi như cay nghiệt (chứ không cất lên trang trọng hoặc nồng lên thống thiết) - đấy lại là thứ văn xuôi có vai trò đột phá, làm giàu các gam màu thẩm mỹ, mở thêm đất cho những “gu” thẩm mỹ mới, có lẽ là còn thưa thớt trong một nền văn nghệ mà truyền thống thơ vốn mạnh mẽ và lâu đời hơn so với truyền thống văn xuôi.

Thứ văn xuôi miêu tả sinh hoạt, miêu tả những bức tranh đời sống theo cách hình dung thông thường - cải cách mà một số nhà nghiên cứu gọi là phương thức “miêu tả đời sống trong những hình thức vốn có của nó”, cũng có thể rẽ theo hướng thiên về kể và tả những dáng nét và diễn biến bên ngoài, như là đặt “điểm nhìn tự sự” từ phía ngoài để soi rõ các con người và sự việc, nhưng nó cũng có thể rẽ theo hướng thiên về các chuyển động bên trong thế giới tinh thần, tâm lý con người và ở đây ta sẽ gặp thứ “văn xuôi tâm lý”. Tất nhiên ở mỗi tác phẩm tự sự, nhà văn ít khi bó tay mình để chỉ dùng một trong hai cách đó, hoặc chỉ cái này hoặc chỉ cái kia: anh ta bao giờ cũng thấy mình có rộng đất hơn so với nhà trữ tình và nhà viết kịch. Nhưng trong thực tế sáng tác, ta vẫn có thể phân lập ra được những tác phẩm hoặc tác giả nghiêng hẳn về tâm lý, phân tích hoặc biểu hiện những trạng thái tâm lý và tư tưởng bên trong con người.

Rất có thể là văn xuôi tâm lý đã phát triển do sự “gợi ý” do những tiền đề của văn học trữ tình, nhưng từ thơ trữ tình đến văn xuôi tâm lý là cả một khoảng cách không ngắn.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng “văn xuôi tâm lý” là một trong những thành phần có một vai trò hết sức quan trọng góp vào sự hình thành thể loại tiểu thuyết. Chỗ mạnh của văn xuôi tâm lý chính là ở chỗ nó khai thác, thăm dò vào cái chiều sâu không cùng của thế giới bên trong con người. Sức hấp dẫn của nó cũng là ở đó. Những tác phẩm ưu tú của văn xuôi này bao giờ cũng là sự phát hiện tinh tế một “hằng số tâm lý”, một “hằng số nhân bản”, bộc lộ ra trong những điều kiện xã hội - lịch sử nhất định. Với những tác phẩm như vậy, ta lại càng có thêm cơ sở để gọi văn học là nhân học - môn khoa học khám phá cái thế giới bên trong đa dạng và phức tạp của con người.

Ở văn học ta, văn xuôi Nam Cao, văn xuôi Nguyễn Khải nổi bật ở phương diện phân tích tâm lý. Ở đây ta được chứng kiến, thậm chí được nhập vào những dòng tâm tư sống, đang vận động, nó cựa quậy, tiến đến một quyết đoán này, lùi sang một nghi hoặc kia, nó vừa muốn độc thoại, lại vừa muốn đối thoại, vừa phê phán lại vừa tự phê phán. Phân tích tâm lý ở đây có khi đồng thời là miêu tả tư tưởng. Trong một số sáng tác gần đây, chẳng hạn Sống với thời gian hai chiều, Mùa xuân tiếng chim của Vũ Tú Nam, Trái cam trong lòng tay của Nguyễn Kiên, Bức tranh của Nguyễn Minh Châu v.v… ta lại thấy lối biểu hiện tâm lý. Đây là những lời tâm sự trầm xuống về những trải nghiệm của gần nửa cuộc đời đã qua, không phải với giọng phơi phới tự bằng lòng, tự thỏa mãn trước những thành đạt hay công tích, mà là giọng từng trải, có khi băn khoăn, dù chỉ để nhận ra cái giá trị đích thực của một đời người, hoặc cũng có khi như hối tiếc, thậm chí tự phán xét, tự buộc tội vì những nhận thức và xử sự hoặc vô tình hoặc cố ý do những định kiến và tín điều trước đây mà đến nay mới thấy là lầm lẫn, thậm chí tội lỗi. Giọng điệu ở gam trầm, tâm thế hồi cố, thích ngoái lại quá khứ ở văn xuôi này không phải là giọng bi quan chán nản, cũng không phải rốt cuộc nó chỉ thu lại trong ý nghĩa cá nhân nhỏ hẹp. Ngược lại, nó chẳng những có thể gây được tác động đào luyện nhân cách đến mỗi con người mà còn giúp ta nhận thức chiều sâu những quá trình tâm lý - tư tưởng của con người thì ta hoàn toàn có thể “đọc” được lịch sử xã hội những thời kỳ nhất định ở chính ngay “lịch sử” những tâm hồn. Ý nghĩa nhận thức của văn xuôi tâm lý - đào sâu vào các quá trình tâm lý tư tưởng - không hề thua kém gì so với văn xuôi sử thi trình ra cả một bức tranh lịch sử rộng lớn.

Thật ra, không có những ranh giới thật ngặt nghèo giữa văn xuôi miêu tả sinh hoạt đương thời và văn xuôi lịch sử kể về những sự việc đã là quá khứ so với thời điểm viết về nó. Một tác phẩm viết về xã hội đương thời, đối với những thế hệ độc giả về sau, sẽ có thể được coi là tác phẩm lịch sử. Tuy nhiên, với một số căn cứ tương đối ước lệ nào đó, ta vẫn có thể nói đến văn xuôi lịch sử - truyện, tiểu thuyết hoặc hồi ký. Đặc biệt, tiểu thuyết lịch sử đã trở thành một mảng sáng tác lớn trong văn học nhiều nước ngay từ thế kỷ trước. Đã có những quan niệm sáng tác khác nhau, về mảng văn xuôi này và kèm theo đó là những hướng xử lý khác nhau đối với việc dựng lại những sự kiện nổi tiếng của lịch sử trong tác phẩm. Những sự kiện lớn của quá khứ, liên quan trực tiếp đến vận mệnh lịch sử các triều đại, các dân tộc, các chế độ v.v… được ghi lại ít nhiều trong các sách vở chính thống xưa kia hoặc được truyền tụng trong trí nhớ dân gian qua các thế hệ - sẽ phải được tái hiện lại một cách “chính xác”, lấy sự “trung thực” đó làm mục đích của sáng tác, hay sẽ có thể được tùy ý chế biến, hư cấu theo ý đồ nghệ thuật của tác giả trong từng tác phẩm cụ thể? Con người quan tâm đến quá khứ là để thấu hiểu nó, giải thích nó, theo cách thức, khả năng và xu hướng của thời mình. Về mặt này quá khứ sẽ luôn luôn được làm mới lại, giải thích mới lại trong ý thức các thế hệ về sau. Ứng với điều đó, mỗi tác phẩm văn xuôi lịch sử chỉ có sức nặng khi nó là một sự giải thích có chủ kiến cao, đồng thời có những bằng cứ chắc chắn được soi rọi theo lối mới mẻ. Và có lẽ vẻ đẹp của văn xuôi lịch sử cũng là ở chỗ đó, mặc dầu sức hấp dẫn của nó còn ở nhiều điểm khác: diện mạo sinh hoạt một thời đã qua, chiều sâu bên trong của những nhân vật lịch sử mà ta mới chỉ biết đến qua một số hoạt động và tính cách được truyền tụng v.v…

Văn học viết về hai cuộc chiến tranh lâu dài vừa qua của dân tộc ta, nhất là đang được viết hoặc vừa ra mắt gần đây, về nhiều mặt, thuộc loại văn xuôi lịch sử, bên cạnh những thiên truyện lịch sử viết về các giai đoạn xa xưa hơn nữa trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Với chúng ta, sự cắt nghĩa, lý giải những cuộc chiến tranh đó cũng có thể và cần phải đa dạng. Có cách mô tả, trình bày mà “điểm nhìn tự sự” được đặt từ các bàn tham mưu, các sở chỉ huy. Có cách mô tả và trình bày đặt “điểm nhìn tự sự” từ các chiến hào, từ những trải nghiệm và chứng kiến của những người lính từng lăn lộn trong cuộc bằng cả số phận và tính mạng mình, đồng đội gần gũi với mình. Thêm nữa, càng lùi xa các sự kiện chiến sự đã qua thì những trang viết chỉ tự hạn chế nhiệm vụ nghệ thuật ở việc mô tả một số trận đánh hoặc chiến dịch nhỏ, ở việc đơn thuần tố cáo tội ác của địch, dù vẫn có ý nghĩa nhất định, giống như những trang phóng sự chiến đấu đương thời - nhưng những trang viết như vậy ngoài giá trị tư liệu cụ thể (nếu được làm một cách chính xác sẽ có cơ mất dần sức khái quát và nhận thức sâu sắc). Điều sẽ càng trở nên quan trọng là sự nhận thức, sự khái quát - theo chiều thật rộng hoặc thật sâu - về những sự kiện ấy, về những “dây nối” các sự kiện ấy với hiện tại, về những mặt khác nhau của cuộc chiến tranh đã qua, về tác động nhiều mặt của đời sống chiến tranh một thời đã qua đến đời sống hiện đại, những kết quả và cả những hậu quả mà chúng gây ra trong đời sống, tâm tư và số phận mỗi con người. Có thể dựng những sáng tác tư liệu làm sáng tỏ các sự kiện và quá trình những cuộc chiến tranh ấy trên những quy mô lớn - quy mô toàn quốc hoặc quy mô quốc tế với sự hiện diện trong tác phẩm hàng loạt những nhân vật lịch sử chủ chốt. Cũng có thể tạo dựng - với ít nhiều hư cấu - cả một liên hoàn có cốt truyện tương đối ly kỳ, phiêu lưu, chinh phục óc tò mò và phần nào thỏa mãn sự “giải trí” của độc giả, nhưng kết quả là khiến cho các thế hệ sau vẫn giữ được trong trí nhớ về những kỳ tích đã qua của các thế hệ cha anh. Và chính những xử lý nghệ thuật đa dạng ấy cũng không tách rời cái trục chính: sự nhận thức. Văn xuôi lịch sử cũng là sự nhận thức, sự lý giải lịch sử.

1983-1984
L.N.A.
(8/8-84)



----------
1. Xin xem thêm: Mười nhà thơ thế kỷ 20, Nguyễn Quân và Vương Trí Nhàn biên soạn. Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1983.
2. Về điểm này, chúng tôi lưu ý các ý kiến được nêu trong các bài viết của Nguyễn Quân (đăng tạp chí Văn nghệ Quân đội số 2-1984) và của Trần Đình Sử (đọc trong Hội nghị khoa học 40 năm ra đời tập Nhật ký trong tù do Viện Văn học tổ chức tháng 12-1983).
3. “Trạng thái thế sự” (cũng có người dịch là “trạng thái nhân thế”) là thuật ngữ của Hê-ghen. Theo ông, một nghệ thuật đạt tới chỗ chỉ ra được “trạng thái thế sự” thì tức là đã đạt tới “trạng thái sử thi”. Do vậy, có thể đạt tới tính sử thi dù chỉ miêu tả sinh hoạt thông thường, không nhất thiết bao giờ cũng phải trực diện miêu tả các sự kiện lịch sử lớn, các nhân vật lịch sử tiêu biểu.



Các bài mới
Cổ tích (27/12/2010)
Các bài đã đăng
Suối cá hồi (23/11/2010)