Tạp chí Sông Hương - Số 261 (tháng 11)
Khoảng lặng
10:34 | 26/11/2010
DƯƠNG THÀNH VŨTiếng súng đã ngưng bặt từ lúc trời sẫm tối. Bị kẹt lại ở khu vực giáp ranh ngoại ô thành phố, người lính ẩn mình vào hàng rào dâm bụt, ở góc vườn sau một ngôi nhà tường xây mái ngói theo kiến trúc cổ truyền.
Khoảng lặng
Nhà văn Dương Thành Vũ - Ảnh: TL
Ở đây bóng đêm khá dày, nhưng người lính hiểu mọi ngõ ngách thoát thân đều đã bị đối phương khóa chặt. Liệu có phép lạ nào xảy ra? Đồng đội đã rút lui an toàn, bởi chẳng nghe cuộc chạm súng nào cả. Cũng may là đêm không trăng, khu vực này lại chưa có đèn đường chiếu sáng. Nhưng liệu bóng đêm che chở cho người lính được bao lâu? Bao lâu nữa thì bình minh ngày mới lột trần anh ra trước mũi súng đối phương?

Có ngôi sao băng xẹt ngang qua bầu trời, rơi rụng tan biến đâu đó giữa thinh không. Khát vọng tâm thức văn hóa từ ngàn xưa đã tin, rằng nếu kịp ước điều gì đó khi ánh sao trời băng qua thế gian chưa kịp tắt, điều ước sẽ trở thành sự thật. Nếu kịp, lúc này anh ước ao điều gì nhỉ? Người lính nhớ hôm lên đường anh không thể tìm được cơ hội nào để hôn người yêu. Hạnh phúc nho nhỏ của những đôi tình nhân bị nhấn chìm trong cờ đèn kèn trống, tiếng loa phóng thanh, sự ồn ào như muốn lấp đầy những khoảng trống lòng người. Bây giờ người lính chẳng còn gì ngoài mấy quả lựu, hai băng tiểu liên, súng AK47 gắn lưỡi lê nhọn hoắt. Là chiến binh, anh chọn cái chết, nếu không được vinh quang thì cũng phải ở tư thế đàng hoàng khi ngã xuống. Tất cả sẽ chấm dứt. Tín điều và tình yêu. Ước mơ và nghiệp dĩ. Và có lẽ, cả hận thù mông muội nữa. Ước gì được hôn người yêu trước lúc từ giã cõi đời.

Bất chợt đèn điện căn bếp của ngôi nhà trước mặt người lính bật sáng. Thử vận may xem sao? Biết đâu lại gõ đúng một cơ sở hoạt động nội thành hay một gia đình có cảm tình với cách mạng? Cứ thử liều một phen!

Súng cầm tay sẵn sàng nhả đạn, người lính băng tới cánh cửa. Và như trong câu chuyện “Ngàn lẻ một đêm” anh nhặt được trong ba lô của người lính Cộng Hòa tử trận, cánh cửa mở ra đón người lính rồi nhẹ nhàng khép lại. Mà không! Đây không phải là câu chuyện thần thoại; đó là câu chuyện ngụ ngôn về sức mạnh của một dân tộc thường xuyên đối mặt với những kẻ thù hung hiểm nhất, là đạo lý vượt lên trên tín ngưỡng lẫn ý thức hệ. Sức mạnh ấy làm lành vết thương sau những cuộc chiến, cứu vớt dân tộc ra khỏi bờ vực hoang tưởng. Cũng lạ, người chịu thiệt thòi nhất trong chiến tranh lại là người dễ dàng tha thứ cho nhau nhất. Điều này, mãi sau này người lính mới thấu hiểu. Và bị ám ảnh mãi bởi khuôn mặt người chiến sĩ gục ngã với cuốn truyện thần thoại đẹp nhất mà con người có thể sáng tạo ra.

Đối diện người lính là một phụ nữ luống tuổi dáng dấp “tư sản” (Trong thâm tâm, người lính muốn được lọt vào gia đình thuộc giới lao động nghèo. Tầng lớp mà anh tin tưởng luôn luôn đứng về phía những người kháng chiến).

Nhìn từ bên ngoài, ngôi nhà không có vẻ gì giàu có so với những biệt thự nhà lầu trong thành phố (tất nhiên cả xã quê anh chẳng có ai có được cái nhà như thế này, lại có cả cái ăng ten trên nóc nhà y như là doanh trại quân đội, mà sau mấy ngày chiếm đóng trong thành phố, người lính mới biết đó là ăng-ten dùng cho máy thu hình trong gia đình) nhưng chỉ trong căn bếp thôi, người lính đã nhìn thấy những đồ đạc lạ mắt, kiểu dáng rất đẹp và hẳn là khá đắt tiền. Điều này khác hẳn những gì người lính có thể hình dung ra trước khi tiến vào thành phố.

Gia chủ, có lẽ thế, dáng người quí phái, khá đẹp, từ bà ta tỏa ra mùi thơm dịu dàng. Cạm bẫy nào cũng được che dấu bên trong dáng vẻ sang trọng thơm tho này? (mùi thơm ấy, mãi sau này người lính mới biết đó là mùi nước hoa). Dù gì thì cũng đừng quên bài học cảnh giác, phải thường xuyên cảnh giác!

- Cậu cất súng đi. Ở đây chẳng ai hại cậu đâu! - Tiếng người phụ nữ cất lên nhỏ nhẹ - Cơ duyên đưa đẩy cậu vào đây thì cứ tạm nghỉ ngơi qua đêm cho lại sức, sáng mai hết giới nghiêm, tôi sẽ chở cậu ra khỏi thành phố, ở ngoài đó có nhiều vùng “xôi đậu”, chắc cậu sẽ thoát thân được. Cứ yên tâm, có gì tôi sẽ chỉ chỗ cho cậu trốn.

Người lính hơi bối rối nhưng mũi súng cũng tự nhiên chúc xuống. Linh cảm mách bảo, rằng anh sẽ được an toàn, chí ít cũng trong đêm nay:

- Con cảm ơn tinh thần yêu nước của mẹ.

Người phụ nữ bật cười nhẹ. Nụ cười hiền hậu đầy thiện ý, bất giác người lính cũng mỉm cười theo; nhưng mắt vẫn đảo nhìn quanh, lượng định con đường thoát thân nếu có bất trắc. Chủ nhà có vẻ không quan tâm tới sự đề cao cảnh giác của người lính. Bà mở tủ lấy ra bộ đồ pi-ra-ma, bảo:

- Cậu vào phòng tắm, tắm rửa rồi thay bộ đồ xi-vin, à đồ dân sự này vào không lỡ có ai tới bất tử thì phiền. Và cậu cũng nên cất súng đi chứ, chả lẽ cậu cầm nó suốt đêm chĩa vào tôi.

- Cho tôi hỏi, mẹ làm công việc gì? Có cộng tác với địch không?

- Tôi làm nghề dạy học và chẳng hề nghĩ rằng đi dạy học là có cộng tác với địch hay không. Nói cậu không tin chứ ở trong này, không chỉ có dân thường, mà ngay cả quân nhân lẫn công chức chính phủ cũng chỉ có một ít quan tâm tới chính trị thôi.

- Đó là chính sách ru ngủ nhân dân ta của bọn tay sai bán nước. Chúng muốn…

- Thôi, cậu nên tạm quên thế sự trong những lúc hiếm hoi như thế này. Con đường vẫn còn dài và khốc liệt lắm. Bây giờ cậu đi tắm cho nhẹ người - gia chủ mở cửa phòng tắm, chỉ xà phòng khăn tắm và hướng dẫn cách mở vòi sen cho người lính rồi nói tiếp - Cậu cứ tự nhiên như ở nhà. Tôi đi làm cơm cho cậu ăn. Đánh nhau cả ngày chắc cũng đói lắm rồi!

Người lính mang cả ba lô con cóc lẫn súng đạn vào buồng tắm, cầm theo bộ đồ bà chủ nhà vừa trao. Khi bước ra với bộ đồ dùng để mặc trong nhà, người lính trông tươi tỉnh, khuôn mặt sáng hẳn lên.

Nói là “làm cơm”, nhưng chủ nhà khui thịt hộp nấu mì ăn liền cho người lính ăn. Thoáng gặp ánh mắt người lính tò mò nhìn chai rượu vang Pháp chính hiệu đặt trong tủ chén, người phụ nữ nói:

- Rượu vang Pháp đó. Tôi lấy ra cho cậu uống nhé.

Người lính lắc đầu một cách vô thức, nói “Cảm ơn mẹ, con không được uống rượu khi đang làm nhiệm vụ” rồi cúi xuống tô mì, tiếp tục ăn. Người phụ nữ dịu dàng nói:

- Chai rượu này là con trai tôi mua dành cho một dịp vui của nó. Nhưng rồi… nó không bao giờ trở về nữa. Bây giờ tôi mời cậu uống thay nó. Cậu cứ yên tâm, có giường chiếu ở kia, có say thì ngủ. Tôi không hại cậu đâu. Sáng mai tôi sẽ đánh thức và đưa cậu lên đường. Chắc không gặp trở ngại gì đâu.        

Người lính vẫn cương quyết lắc đầu:

- Con nói rồi, chúng con không được phép uống rượu khi vào thành phố. - Chợt nhớ tới quân trang quân dụng, anh định hỏi mẹ xử lý cách nào để mang theo nếu được mẹ đưa ra “vùng xôi đậu” nhưng rồi anh nghĩ, sáng mai hẵng hay, người lính chỉ tò mò hỏi - À, mà con trai mẹ công tác gì? Vì sao anh ấy không về nữa?

Nó cũng như cậu: bị ném vào cuộc chiến tranh này. Đừng... tôi biết cậu định nói gì. Cậu có con đường của cậu, có lý tưởng của cậu; và, thú thật, tôi không quan tâm đến điều ấy. Tôi chỉ nghĩ: chiến tranh là một kiếp nạn của đất nước. Gặp cậu, tôi cứ nghĩ rằng được gặp lại con trai mình; dẫu rằng tôi chẳng thể giữ được cậu, cũng như tôi đã chẳng giữ được con trai tôi. Đang chiến tranh mà! Tôi đi ngủ đây, có sẵn thức ăn nguội trong tủ đựng thức ăn, muốn ăn thêm gì cậu cứ tự nhiên lấy mà ăn.

Bà lấy chai rượu cùng chiếc ly chân cao đặt lên bàn ăn, sau đó lên nhà trên và khép cửa ăn thông với nhà bếp lại; lát sau, người lính ngửi thấy mùi nhang đốt.

Người lính nhìn chai rượu sang trọng mà trong đời mình chưa từng biết đến và một cuộc đấu tranh tư tưởng diễn ra trong đầu. Cuối cùng, người lính cầm chai rượu, bóc lớp vỏ nắp chai làm bằng nhựa dẻo màu đỏ tươi, loay hoay với cái nút bấc một hồi rồi ấn nó lọt vào chai, rót rượu vào cái ly chân cao. Màu rượu lóng lánh như màu hoàng hôn trong buổi chiều tà nào đó xao xuyến nụ hôn đầu. Màu rượu như màu mắt em đằm thắm và đắm say. Màu rượu như màu giấc mơ thời hoa niên. Rượu ngon tuyệt.

Từng ly. Từng ly một, người lính nâng cao cốc mời những đồng đội chết trẻ ở chiến tranh; anh cũng mời chàng trai con của chủ nhà về uống với mình, mời người lính chết trẻ với cuốn thần thoại của xứ sở Ba Tư, của cõi con người về chạm cốc (Trời ơi, nếu người lính ấy chết bởi mũi súng của anh thì đau xót quá. Người mẹ này nói: chiến tranh mà!) Mùi nhang trầm thơm ngào ngạt trong khuya vắng lặng thanh bình. Chắc người Mẹ đang cầu nguyện cho hòa bình sớm trở về trên quê hương tan nát. Từng ly. Từng ly một.

Men rượu lan tỏa - lâng lâng - ngây ngất: cơn say đến thật huy hoàng! Tủ đựng chén nhẹ nhàng quay ngược bốn chân lên trời; tiếp đó là các thứ khác bay lơ lửng trong không gian hay chúc ngược xuống đất. Thật kỳ diệu: chẳng có gì rơi đổ cả. Chẳng có cuộc chiến tranh nào hết... Người lính say thật rồi. Vâng chỉ có cơn say đến thật huy hoàng. Khốn kiếp! Chẳng có góc vắng nào để hôn người yêu. Chẳng có con đường nào để quay về với người yêu.

Không gian tĩnh lặng như nỗi buồn vô cớ. Men say ngất ngây như nụ hôn đầu đời, run rẩy ngọt lịm như trái cấm trần gian. Chẳng có cuộc chiến tranh nào cả. Chẳng có tín điều lộng lẫy nào cả.

Đỉnh điểm cơn say dìu người lính chìm sâu vào giấc ngủ tuổi thơ. Anh gục xuống bàn cứ thế mà ngủ với cõi chiêm bao lạ lùng như ảo ảnh. Hình như có bàn tay của mẹ dìu anh vào giường ngủ, buông mùng cho anh. Những ngày tháng tuổi thơ mẹ vẫn thường bế anh vào giường mỗi lần anh ngủ quên trên bàn học.

Cõi chiêm bao lộng lẫy bày biện ra giấc mơ thầm kín vời xa, đưa người lính trở về hoàng hôn sóng sánh màu rượu vang Pháp, cơn say bối rối mắt nhìn, đắm đuối bờ môi. Nhưng rồi tất cả vụt tan biến trong sự ồn ã buổi tiễn đưa. Chẳng có góc kín riêng tư nào cả. Chỉ có nụ cười của nàng. Nụ cười đau nhói.

Cõi chiêm bao bày biện ra nỗi buồn. Nỗi buồn thường bị lên án. Người lính mơ hồ nhận ra niềm hạnh phúc trong nỗi buồn kia.

Và rồi cơn say lặng lẽ rút lui. Men rượu chếnh choáng dịu êm tan biến dần. Bình minh một ngày mới tràn vào nhà. Người lính tỉnh giấc. Bản lĩnh người chiến binh cùng lúc với
bản năng sinh tồn trỗi dậy. Ý thức chiến đấu của người chiến sĩ giành lại thế chủ động; chúng túm cổ giấc chiêm bao lộng lẫy lôi tuột ra khỏi cõi mơ riêng tây của người lính. Ý thức người chiến sĩ cách mạng miệt thị tình cảm ủy mị giấc mơ yếu mềm của anh, miệt thị cơn say lẫn màu hoàng hôn óng ả của rượu vang Pháp. Ý thức chiến đấu trương phình ra lấp đầy những khoảng lặng trong anh… Nhưng dù sao cũng không thể xua đi cái cảm giác bồn chồn xao xuyến: anh sắp phải rời nơi chốn yên bình này. Trong tâm thức người lính không có ý niệm đào ngũ. Những chiến binh miền Bắc đều ý thức được rằng, đào ngũ không chỉ trở thành kẻ phản bội nhục nhã không có gì có thể biện minh được, mà gia đình của họ ở ngoài Bắc cũng rơi vào cảnh khốn cùng ê chề nhục nhã, bị làng xóm họ hàng lánh xa vì sợ liên lụy.

Trước mắt anh, như người phụ nữ có con trai chết trẻ nói: con đường còn dài và khốc liệt! Anh là một người lính, cho dù không có những chính sách cột chặt lòng trung thành của người lính vào cuộc chiến anh cũng phải chiến đấu cho Tổ Quốc. Nhưng người lính tử trận trong ba lô có cuốn truyện thần thoại “Ngàn Lẻ Một Đêm” chiến đấu cho cái gì nhỉ? Và người con trai của Mẹ, “bị ném vào cuộc chiến tranh này” chiến đấu cho ai? “Bọn tay sai bán nước!” Nhưng họ, những người lính “bị đưa đi làm bia đỡ đạn thì làm tay sai cho ai? Có khả năng bán nước chăng? Những người như anh lớn lên ở ngoài kia, mấy ai dám chống lệnh gọi đi nghĩa vụ quân sự? Chắc những người ở trong này cũng thế. Còn với mẹ có con trai chết trận, mẹ đã không oán thù anh, người lính bên kia chiến tuyến, phía đã sát hại con trai của mẹ, lại còn che chở cho anh. Mẹ đã nói gì khi từ trên nhà trở xuống sau khi thắp nhang cầu nguyện xong nhỉ: “các con không phải là kẻ thù của nhau. Các con là nạn nhân của chiến cuộc”. Anh đã phản ứng trước điều mẹ nói, nhưng mẹ lại mỉm cười độ lượng: “Cậu hãy cứ ăn cho no vào để có sức mà chiến đấu, tôi nói để mà nói, cậu đừng để ý làm gì. Cố tận dụng giây phút nghỉ ngơi này. Tôi hứa với cậu sáng mai tôi sẽ đưa cậu ra khỏi ngoại ô thành phố để tìm về đơn vị, nếu cậu không có ý định hồi chánh...

Trời ạ, nếu như lúc này người ta tuyên bố cuộc chiến tranh đã kết thúc thì điều gì sẽ đến với anh nhỉ?

- Cậu dậy rửa mặt đánh răng, ăn sáng. Khoảng một tiếng đồng hồ nữa tôi sẽ chở cậu đi. Coi như hai cô cháu ta về quê ăn giỗ.

Tiếng người mẹ như ngọn roi quất vào tim người lính.

D.T.V
(261/11-10)





Các bài mới
Các bài đã đăng