Tạp chí Sông Hương - Số 261 (tháng 11)
Một số “chẩn đoán lâm sàng” cho thơ Việt Nam hiện nay
09:12 | 06/12/2010
NGUYỄN THANH TÂM1. Thơ vốn dĩ là sản phẩm của đời sống tinh thần, là sự biểu hiện một cách tinh tế những diễn biến nội tâm của chủ thể sáng tạo. Ngôn từ vẫn luôn là chất liệu với nội lực biểu hiện vô song của nó. Các nhà thơ dù ở thời đại nào, trong môi trường văn hóa, lãnh thổ nào cũng không thể thoát ra khỏi sự ràng buộc tự nhiên của cái biểu đạt ấy để hướng tới cái được biểu đạt ẩn sâu sau những “lựa chọn” và “kết hợp” có giá trị mĩ học.
Một số “chẩn đoán lâm sàng” cho thơ Việt Nam hiện nay
Ảnh: TL
Thiết nghĩ rằng, trong bối cảnh của thơ ca Việt Nam hiện nay với sự đa dạng trong thể nghiệm, cách tân thể loại, chúng ta cần có cái nhìn chân xác, đúng mực để nhận ra chất “vàng mười” hay chỉ là những lấp lánh giả kim từ những “tác ngôn” nhân danh “phá cách luận”. Bắt nguồn từ quá trình theo dõi, tìm hiểu những vận động của thơ trong những năm vừa qua, bài viết này là suy nghĩ chủ quan của tôi, nhưng thực sự nghiêm túc, xin được nêu ra như một lời phát biểu.

Xin được bắt đầu bằng những hạn chế, những trống rỗng của cộng đồng trong việc sáng tạo, tiếp nhận thơ ca. Thơ trữ tình mang tính chủ quan, điều đó chúng ta không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, cộng đồng lại có ảnh hưởng vô cùng lớn đến sự sinh thành, tồn vong của tác phẩm thơ, làm nên đời sống đúng nghĩa của một sinh thể nghệ thuật. Nếu xem cá nhân là tử số, thì cộng đồng, dân tộc, thời đại là mẫu số của một phân số thơ ca độc lập. Nói cách khác, đấy là sự liên hệ mang tính biện chứng của cái chung và cái riêng, cái phổ biến và cái độc đáo, không lặp lại trong đời sống thơ ca. Và như thế, việc quy đồng của yếu tố mẫu số là sự bổ sung những thiếu khuyết của các cá thể trong hành trình đi tìm tiếng nói chung, đồng cảm trong sáng tạo và tiếp nhận. Bi kịch của sự ngụy biện nảy sinh và đó là căn bệnh đang ẩn nấp trong sinh thể của thơ ca Việt Nam.

2. Cùng với cơ chế mới của xã hội, biên giới của sự tự thể hiện ngày càng được giãn nở, biểu hiện cụ thể của điều đó là những đề tài, vùng thẩm mĩ, thi liệu, cách thức biểu đạt mới mẻ. Đó là tín hiệu tốt, minh chứng cho sự vận động của nền thi ca. Có một nhà thơ đã nói rằng, với thơ hiện nay, đôi khi độc giả chỉ còn lại một người duy nhất, đó là tác giả. Chúng ta từng giật mình vì những tuyên bố “thượng đế đã chết”, rồi “cái chết của tác giả”, giờ đây lại âu lo nghĩ đến “cái chết của người đọc”. Vì sao vậy? Tôi ngờ rằng độc giả duy nhất kia rốt cuộc cũng chẳng hiểu mình đã viết những gì. Vậy thơ sẽ còn lại gì? Sẽ có người cực đoan cho rằng thơ còn lại ở văn bản! Văn bản là cứ liệu duy nhất có uy lực trong đời sống của thơ ca. Cứ cho là như thế, nhưng bản thân văn bản thơ cũng chứa đầy hoài nghi, bất ổn. Trong số rất nhiều những ấn phẩm thơ ca những năm gần đây, có một hiện tượng là các nhà thơ rốt ráo tìm tòi cách tân nhưng nội lực không có. Tâm hồn họ không đủ giàu có, phong phú để chắt lọc thành tinh chất. Chớp bắt được một ý tình nào đấy, trong một le lói sáng của thế nhân, nhưng các nhà “tác ngôn” ấy không đủ sức để sinh hạ một thi phẩm. Ngay lập tức, họ cưỡng ép ý tình (ta có thể gọi là tứ) vào một tổ hợp ngôn từ được “lựa chọn” và “kết hợp” rất khéo léo bằng những vặn vẹo làm mệt lòng người đọc. Cần phải hiểu đúng thao tác “lựa chọn” và “kết hợp” mà R. Jakobson nêu lên. “Lựa chọn” và “kết hợp” rất cần các nguyên tắc mang tính chất kim chỉ nam. Thao tác cần được định hướng. Kim chỉ nam của hai thao tác này trong thơ chính là sự đầy đặn, sự chín của tứ thơ, sự thăng hoa của xúc cảm, sự phát sáng của hình tượng,… Tính chất nhất quán mang ý hướng là một sinh thể nghệ thuật của bài thơ được duy trì bởi “nhiệt hứng” của chủ thể sáng tạo. Trong tính tương đối của lí thuyết, có thể xem đó là sự định chế của tư tưởng nghệ thuật. Tư duy và mĩ cảm là những hướng biểu hiện cụ thể của tư tưởng nghệ thuật. Đó là hai dòng mạch đan quyện vào nhau trong các thao tác tổ chức bài thơ. Thiếu đi điều này, tứ thơ bị chết yểu trong một hình hài quái dị (hiểu theo nghĩa là một sự đội lốt) được tạo nên từ bàn tay của nhà giả kim thuật. Có thể, vừa bắt gặp, ta bị lôi cuốn bởi ánh kim lấp lánh, nhưng cầm lên, cân nhắc ta mới vỡ lẽ và tẽn tò vì sự nông nổi của mình. Trong đời sống thơ ca hiện nay, chúng ta vẫn bắt gặp khá nhiều thứ giả kim ấy. Đến nỗi, hoài nghi là tâm thế chung của phần lớn độc giả khi đứng trước các “tác ngôn” gắn mác hiệu thơ cách tân. Nguyên nhân nào dẫn đến sự ra đời những “tác ngôn” ấy - biểu hiện của một thứ bệnh trong sinh thể thơ ca.

3. Như trên đã nói, nguyên nhân đầu tiên là ở chính người sáng tác. Thiếu nội lực lại coi thường độc giả cộng với ý chí cá nhân độc đoán là nguyên nhân sinh ra những sản phẩm ngôn từ giả hiệu thơ cách tân. Đã có lúc cực đoan, tôi nghĩ nhà thơ không cần phải học quá nhiều. Bởi tôi muốn đề cao cái nguyên sơ của lòng, cái trinh nguyên của xúc cảm, không bị cưỡng bức bởi lý thuyết này, trường phái nọ. Cứ hãy chân thật với lòng mình! Nhưng như thế không có nghĩa là người học nhiều, học cao sẽ không thành thật! Ở đây tôi muốn nhấn mạnh tính khả năng trong cơ chế tha hóa của con người khi sở hữu công cụ là ngôn từ và rất nhiều lý thuyết. Nhà thơ rất cần sự trải nghiệm cuộc sống một cách sâu sắc và tích lũy được nhiều ngôn từ làm chất liệu. Tôi thích cách diễn đạt của Inrasara khi cho rằng để có thể cách tân người viết cần một Bigbang trong tâm thức mới có thể kiến tạo nên những vũ trụ nghệ thuật mới. Thơ là dạng hiện hữu của chất mới trong con người nhà thơ sau một quá trình dồn nén đến cực đỉnh về lượng. Thế giới quan, nhân sinh quan, cái riêng của cá nhân, cái chung của cộng đồng, dân tộc, thời đại được đào luyện trong bản thân con người nhà thơ để làm xuất hiện tác phẩm thơ như một ứng xử nghệ thuật. Sáng tạo là sự chưng cất toàn bộ con người nhà thơ được ngâm ủ bằng chất men của đời, làm nên thơ như là giọt say của cõi người. Và đến đây ta thấy ngay rằng thơ hay vẫn là giá trị muôn thuở. Có thể sẽ có thứ thơ model nhưng để còn mãi với thời gian vẫn là những bài thơ làm say lòng người dù bài thơ xuất hiện ở giai đoạn nào đi chăng nữa. Có nhiều cách thức để làm mới thơ, nhưng quan trọng nhất vẫn là những đổi mới về tư duy và mĩ cảm, cách thức tổ chức tác phẩm, các phương tiện tạo nên hình thức… Sẽ là hoàn bị hơn khi nhà thơ chú ý một cách triệt để đến nội dung của hình thức, hình thức của nội dung trong những cung bậc cao nhất của xúc cảm thẩm mĩ và tư duy thể loại. Để có được một tác phẩm nghệ thuật có giá trị, thiết nghĩ phải có sự hội tụ của các yếu tố: cái tâm, cái tầm, cái tài của người sáng tác gắn với sự hoàn bị về vốn sống, vốn văn hóa và kỹ năng sáng tạo (xin xem thêm: Tác phẩm lớn, tại sao chưa? - Chu Văn Sơn, http://vietvan.vn). Theo dõi sự phát triển của thơ ca Việt Nam những năm gần đây chúng ta thấy hiện lên rất rõ công nghệ chế tác của không ít cây bút. Tôi xin được nói thẳng là mình nhiều lúc chẳng hiểu họ viết cái gì? Điều ấy được an ủi phần nào khi chính những người sáng tác cũng có lúc cho rằng độc giả sẽ không hiểu được điều họ viết ra. Nhưng có một ám ảnh cứ vây bủa tôi, đôi khi nó làm tôi choáng váng, hoang mang về giới hạn thẩm mĩ của thơ ca. Có bài thơ như là tiếng chửi, tục tĩu không chịu được. Có bài thơ ù lì, tăm tối như hũ nút, tịnh không một tín hiệu dẫn đường nào đến ánh sáng nghệ thuật. Nhân danh vô thức, tiềm thức, nhân danh sự tạo nghĩa của ngôn từ trong những ngẫu hợp bất định, những tác giả này cho ra đời những văn bản “vô nghĩa lý”, siêu hình hết mức. Lại có những bài thơ đầy tính hận thù, hậm hực với tư tưởng chính trị, văng đủ thứ trong thơ, lôi tuột mọi thứ ra vỉa hè, xuống lòng đường để tung hô thứ hiện sinh bụi đời, thất học. Thơ không phải là sản phẩm của tháp ngà, được trưng biện trong tủ kính, nó là cuộc sống với đầy đủ tính phong phú, đa dạng muôn mặt và thấm đẫm chất người,… Đấy là cuộc sống ở tư thế của sự vận động phát triển hướng tới Chân - Thiện - Mĩ. Thế rồi, đây đó có người hùa theo và nâng cấp thứ sáng tạo ấy lên thành nghệ thuật với lý thuyết cách tân đi kèm những xác tín mới về giá trị người (xin hãy đọc lại thơ Việt Nam khoảng mười năm lại đây cả trong và ngoài nước, với những tên tuổi đình đám trên rất nhiều diễn đàn người đọc hẳn sẽ đồng tình với tôi ở luận điểm này). Như thế là coi thường độc giả, coi thường thị hiếu thẩm mĩ của người đọc. Thách thức linh thị hay là tung hỏa mù đánh lừa, làm xiếc ngôn từ cũng là coi thường người đọc. Ta hãy nhớ lại những tác phẩm bất hủ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương,... chẳng phải các tác giả ấy đã sống thật sâu sắc với cuộc đời và học tập rất nhiều từ ngôn ngữ đời sống của nhân dân hay sao? Giản dị mà ngân xa, những áng văn thơ ấy đã truyền đời qua rất nhiều năm tháng. Thơ mới 1932 - 1945 với những tên tuổi lừng lẫy làm nên cả “một thời đại trong thi ca” đã khẳng định được giá trị của mình sau nhiều thăng trầm với sự đào thải khắc nghiệt của thời gian. Còn các tác phẩm thơ hiện nay tôi không dám chắc sự tồn tại của nó sau hàng mấy trăm năm nữa. (Dù sao, với sự chân thành của mình, tôi vẫn quả quyết rằng thơ hiện nay có nhiều sự cách tân, và sự thật có nhiều cách tân có giá trị, có không ít bài thơ, tập thơ hay được công chúng đánh giá cao. Bằng niềm say mê thơ ca và sự nghiêm túc khi đánh giá, chúng ta hãy đọc lại một lần nữa, bắt đầu từ Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Hoàng Hưng, Inrasara, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Mai Văn Phấn, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài, Phan Thị Vàng Anh, Lam Hạnh, Ly Hoàng Ly, Công Nam, Phan Bá Thọ, Trần Tiến Dũng, Nhóm Mở Miệng, Nhóm Ngựa Trời, Nhóm Tân hình thức,...).

Thuật ngữ hậu hiện đại không còn xa lạ trong đời sống văn học những năm gần đây. Với đặc trưng là khước từ đại tự sự, hướng tới giải cấu trúc, giải trung tâm, thậm chí là giải thiêng,... lý thuyết này đang tạo ra những vùng thẩm mĩ mới rộng thoáng cho sáng tạo. Tự do được cảm nhận đầy đủ hơn. Mỗi cá nhân là một vũ trụ và tự biểu hiện một cách khác nhau, không câu nệ vào bất cứ hệ thống định chuẩn nào. Điều đó làm nên tính đa dạng trong sáng tạo, cách tân thơ ca. Tuy nhiên, nói đi phải nói lại, trong rất nhiều con đường đã được khai mở, không phải con đường nào cũng dẫn đến chân lý của nghệ thuật. Có rất nhiều hướng đi đã kết thúc mà chẳng dẫn đến đâu, hoặc là lâm vào ngõ cụt hoặc mất phương hướng. Giáo sư Đỗ Huy trong lời giới thiệu cuốn Hình thái học của Nghệ thuật của M.Cagan đã nói rất đúng rằng: “...việc sáng tạo không có căn cứ sẽ có tác động tiêu cực đến sự phát triển các quy luật sinh thành lịch sử của nghệ thuật”*

Dấn thân là thái độ tích cực, là nỗ lực đáng ghi nhận của các tác giả trẻ trong đời sống văn học những năm qua. Sự tận hiến cho nghệ thuật được xem như là đạo đức của nghề nghiệp, một phẩm chất nội tại, cần thiết của nhà thơ. Tuy nhiên, có cảm giác trong rất nhiều tác phẩm thơ, nhất là thơ của các cây bút trẻ, cái khéo, cái tinh vi của việc chế tác nổi bật hơn là những bùng nổ của xúc cảm thẩm mĩ, sự giàu có của vốn sống, vốn văn hóa. Vẫn biết rằng, cái mới, cái lạ là điều cần thiết trong sự cách tân nền thơ ca đã già nua cũ kĩ, khuôn sáo. Mới lạ trong thơ có thể là sản phẩm của cá nhân cực đoan, điều ấy chúng ta không phủ nhận. Nhưng khi bắt đầu đời sống của một khách thể tinh thần đặc thù, những tác phẩm ấy phải phù hợp với thị hiếu công chúng, văn hóa, thời đại. Có hai cách để nổi tiếng đó là xây đền và đốt đền. Và dĩ nhiên, sự đánh giá của dư luận cũng hoàn toàn khác nhau về hai con người này. Trong thơ cũng vậy, sự chân ngụy của các “tác ngôn” cách tân cần được nhìn nhận đánh giá một cách kĩ lưỡng, nghiêm túc và khách quan.

Sáng tạo là quá trình làm ra cái mới, không trùng lặp với những gì đã tồn tại. Chúng ta thừa nhận, sáng tác (nhất là đối với sáng tác thơ) là một hành vi ứng xử nghệ thuật. Viết như là giải thoát, giải tỏa, viết để tự nghiệm, tự đối thoại. Tác phẩm thơ hiện nay có thể được xem là một diễn ngôn mang tính cá nhân toàn triệt, nó không kêu gọi, hô hào, mà lặng lẽ tự thể hiện, lặng lẽ giao thoa những tương đồng về tâm tính, xúc cảm trong hoàn cảnh sống mới. Nhưng một tác phẩm văn học có đời sống riêng của nó, nằm ngoài sự chi phối của tác giả. Vì thế, dù là diễn ngôn mang tính cá nhân cực đoan đến đâu, khi đã mang sinh mệnh của một khách thể tinh thần tác phẩm vẫn phải được thể nghiệm trong dòng chảy khắc nghiệt của thời gian, sự lựa chọn nghiêm khắc của công chúng! Khi ấy, người sáng tác cần có cái nhìn phản tỉnh để nhận ra mình trong đời sống nghệ thuật của cộng đồng, thời đại, của quá khứ và hiện tại và cả những dấu hiệu của tương lai.

4. Nguyên nhân thứ hai bắt nguồn từ người đọc, mà phần lớn tập trung ở những người đọc chuyên nghiệp, có tầm đón nhận rất cao. Sai lầm cơ bản nhất của họ là sự nhân nhượng. Nhân nhượng với chính mình, với những cách tân giả hiệu. Tại sao vậy? Họ sợ! Sợ bị cho rằng thiếu hiểu biết, kiến văn, trường thẩm mĩ và văn hóa hẹp,... Thế là đành phải nương theo lý thuyết để phê bình, nhiều khi xuất hiện kiểu đẽo chân cho vừa giày. Nhưng có một điều cần phải nói rằng, thực tiễn sáng tác làm nên lý thuyết chứ không có sáng tác theo lý thuyết có sẵn nào cả. Quy luật giao lưu văn hóa không phủ nhận những ảnh hưởng của các nền văn hóa, văn học. Tuy vậy, có những tác phẩm văn học được sáng tác theo lý thuyết của nước ngoài mà ta biết rằng thứ lý thuyết ấy đã chết tại nơi nó sinh ra. Vậy mà, ở ta, với những tìm tòi bắt chước nửa vời vẫn còn vênh vang về những cách tân để theo kịp thế giới trong lộ trình toàn cầu hóa! Bản mệnh của văn chương vùng trũng không tránh khỏi cơ chế ấy. Tuy nhiên, cách tân thơ trong danh dự của một người sáng tạo cần rất nhiều yếu tố độc sáng. Cứ chạy theo lý thuyết mà lại không tường tận về nó thì thật tai hại. Mặt khác, tính tương đồng loại hình của văn học cũng là nguyên do tạo nên những kiểu loại thơ đang hiện hành. Đó là tính tất yếu của lịch sử xã hội, tư tưởng thẩm mĩ trong việc chi phối tâm thế sáng tạo của nhà thơ mà chúng ta không thể phủ nhận. Những tương đồng mang tính hằng định làm nảy sinh xúc cảm, tư tưởng thẩm mĩ dẫn tới sự tương đồng trong sáng tác là điều có thể lí giải. Trong bối cảnh của thơ ca hiện nay, sự phong phú, đa dạng của rất nhiều cách thức biểu hiện đã làm dao động cả những người đọc tinh anh nhất là các nhà nghiên cứu, phê bình. Vấn đề đặt ra là: những người làm công tác phê bình cần có “con mắt xanh” để nhận ra “ngọc” ẩn sau lớp đá xù xì, thô tháp. Xung quanh vấn đề này, giới sáng tác có ba yêu cầu như là sự phản hồi đối với giới nghiên cứu phê bình và độc giả nói chung. Đó là: người đọc cũng cần có tâm, có tầm, có tài. Cái tâm, cái tầm, cái tài của người đọc sẽ không phụ lại cái tâm, cái tầm, cái tài của người sáng tác. Tuy vậy, để nhận ngay ra ngọc đá là điều không dễ, nhất là trong cơ chế còn nhiều cả nể như hiện nay. Cả nể sinh ra thói thù tạc rất nguy hiểm trong đời sống văn học.

Đặt ra luận điểm này tôi biết sẽ có nhiều ý kiến cho rằng người đọc chẳng có lỗi gì khi tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật. Mỗi người đọc có tầm đón nhận riêng, họ hồn nhiên nên vô tội trong ý hướng tiếp nhận của mình. Tính trinh nguyên trong tiếp nhận văn chương chính là chỗ ấy. Nhưng sẽ là duy ý chí nếu ta cố vin vào điều đó để biện minh cho sự nhân nhượng của người đọc trước tác phẩm. Bởi lẽ, khi đứng trước những tác phẩm được gọi là thơ cách tân trong tâm thế tiếp nhận của người đọc sẽ xuất hiện mặc cảm - đó là mặc cảm về sự thiển cận của mình. Mặc cảm này có dịp phát triển khi trong tâm lý của người tiếp nhận vẫn còn những lo sợ bị chê, sợ người khác phát hiện ra cái non yếu, lóp lép của mình. Mà không phải là họ kém thật đâu nhé, họ bị đánh lừa bởi những thứ giả kim được chế tác rất tinh xảo. Trong tinh thần của bộ phận độc giả cao cấp này diễn ra sự giằng co giữa những phán quyết đâu là ngọc, đâu là đá. Nhưng, lõi cốt của sự phân vân ấy vẫn là việc không thể định giá được tác phẩm. Sự ra đời ồ ạt của các tác phẩm thơ những năm qua có nguyên nhân từ sự cả nể, từ sự nhân nhượng bất đắc dĩ của những người đọc đứng ở vị trí định hướng thẩm mĩ tiếp nhận. Cùng với đó là hàng loạt các bài giới thiệu không thể giấu được tâm thế tri ân vì được tặng sách, được nhờ vả và thù tạc. Phê bình theo lối ấy cũng vẫn có tác dụng định hướng, nhưng thường là định hướng sai, làm sai lệch trường thẩm mĩ tiếp nhận, thậm chí làm mất phương hướng của độc giả.

Có một vấn đề nữa thiết nghĩ cũng cần phải đề cập đến đó là sự im lặng của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình có tài, có tầm hàng đầu đất nước. Sự im lặng đó tạo nên hai xu hướng vận động đối lập trong tiếp nhận thơ hiện nay. Một mặt sáng tác và phê bình dạng tầm tầm vẫn xuất hiện ồ ạt bởi sự nương tựa lẫn nhau. Hai là sự phân vân giữa các thang bậc giá trị vẫn hiện hữu mà chưa tìm được sự minh giải thỏa đáng. Những cách tân thơ chưa thực sự xứng tầm để lọt vào mắt xanh các “đại gia” hay các nhà nghiên cứu này còn đang mải mê với những vấn đề cao khoát hơn, chính thống hơn? Lẽ nào thơ cách tân vẫn chịu số phận ngoại biên, sự kì thị hay “kính nhi viễn chi” của mĩ học chính thống. Nếu vậy, đến khi nhận ra ngọc đá, kẻ họ Hòa kia đã mất đôi chân còn đâu! **

5. Sự tự do trong sáng tạo là cơ chế mới để một nền văn học phát triển phong phú, đa dạng hơn. Những tín hiệu đáng mừng từ nỗ lực cách tân thơ những năm vừa qua đã minh chứng sự vận động khả quan của nền thơ Việt Nam. Trong lộ trình hướng ra thế giới với khát vọng hòa nhập, chúng ta sẽ yên tâm hơn với những thành quả lao động nghệ thuật nghiêm túc ấy. Tuy nhiên, như một sinh thể sống, muốn khỏe mạnh và đủ sức ganh đua, hội nhập, chúng ta cần mạnh dạn tìm ra những căn bệnh của nền thơ để kịp thời chữa trị. Chung quy lại cho cả tác giả và người đọc đó là cần phải có sự nhìn nhận, đánh giá, lao động nghiêm túc, khách quan, sâu sắc trong hai khâu sáng tác, tiếp nhận. Chân thực trong mọi nỗ lực, đó là tiêu chí hàng đầu, thiết cốt để ta có được những sản phẩm thực sự có giá trị.

Hà Nội, tháng 8 năm 2010
N.T.T
(261/11-10)



---------------
* Hình thái học của nghệ thuật, M. Cagan, Phan Ngọc dịch, Nxb Hội Nhà văn, 2004.
** Điển cố Biện Hòa dâng ngọc



Các bài mới
Các bài đã đăng
Khoảng lặng (26/11/2010)