Tạp chí Sông Hương - Số 261 (tháng 11)
Lời thơ hòa bình từ hai phía
09:28 | 17/12/2010
Ngày 11 tháng 10 năm 2010, đoàn Trái tim người lính (Mỹ) do tiến sĩ, bác sĩ tâm lý, nhà văn Edward Tick dẫn đầu đã đến thăm và giao lưu với Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Nội. Đoàn của tổ chức Trái tim người lính có nhiều người là cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam, I-Rắc; các bác sĩ, giáo viên, nhà báo, mục sư và cả học sinh trung học. Buổi gặp gỡ đã diễn ra trong tình cảm ấm áp, thông cảm, chia sẻ quá khứ, vì hiện tại và hướng tới tương lai. Chiến tranh và hòa bình được nhắc đến nhiều hơn cả trong các câu chuyện và thơ của cả bạn và ta. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý là người được dự buổi gặp gỡ giao lưu cảm động này, anh đã có bài viết gửi Sông Hương, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. SH
Lời thơ hòa bình từ hai phía
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý - Ảnh: internet

Lời thơ hòa bình từ hai phía



NGUYỄN HỮU QUÝ

Phùng Ân Khải, cậu bé Việt Nam 11 tuổi có bức tranh màu nước mang tên Vũ khí không còn ác nữa. Bầu trời xanh thắm, những đám mây màu trắng lững thững bay cùng con bướm xinh, cánh diều giấy lim dim, vầng dương tươi hồng như một đóa hoa, chim bồ câu đậu, một cô bé đeo trên nòng pháo đen sì cùng mấy em bé ngồi nằm bên cỗ vũ khí từng giết người này. Từ Bảo tàng chứng tích chiến tranh ở thành phố Hồ Chí Minh, bức tranh đến nước Mỹ, trong một cuộc triển lãm tại Trường Đại học Kent State, bang Ohio nhân kỉ niệm 40 năm ngày 4 sinh viên Mỹ đã bị bắn chết và 13 sinh viên khác bị thương vì phản đối chiến tranh Việt Nam làm xúc động không ít người. Một nhóm học sinh lớp 7, trường Marcia Skidmore, Ohio sau khi xem tranh đã làm bài thơ Tại sao? (Why not?): Tại sao không biến quả ngư lôi thành chú cá heo biết yêu?/ Tại sao không làm mềm hàng rào thép gai để làm que đan áo?/ Em nhìn viên đạn bay xuyên qua không khí, và em nghĩ, sao không là chú chim duyên dáng?... Thay vì chiến tranh, tại sao không phải hòa bình?

Thay vì chiến tranh, tại sao không phải hòa bình?
Câu thơ - Câu hỏi như một phán xét quá khứ, nhắc nhở hiện tại và khát vọng của tương lai. Câu thơ - Câu hỏi dành cho mọi người, từ các vị nguyên thủ quốc gia đến thường dân. Hàn gắn những vết thương dĩ vãng cũng là lối dẫn tới hòa giải, hòa hợp, hòa bình. Thiết tha hơn cả thiết tha. Đòi hỏi hơn cả đòi hỏi. Ước mơ hơn cả ước mơ.

Có một chiều thu giữa lòng Hà Nội. Chúng tôi được trò chuyện đọc thơ với các bạn Mỹ. Buổi giao lưu bắt đầu bằng một đề nghị của tiến sĩ, bác sĩ tâm lý, nhà văn Edward Tick, Giám đốc tổ chức Trái tim người lính đang ở thăm Việt Nam: Ai là cựu chiến binh xin đứng dậy. Hai phần ba người có mặt trong hội trường Hội Nhà văn Việt Nam đứng lên. Phía bạn có các cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam như John W. Fisher là bác sĩ tâm lý - nhà văn, Al Plapp, Joe Caley, Charles Howard Victor, Ronald John Oskar, Ralph Edwin Knerem, Michael Alywyn Phillips, Charles Caffery Forsyth, Thomas Michael Saal và hai cựu binh từng chiến đấu ở I Rắc là Michael Blake, Nathan John Lewis. Phía ta có các nhà văn, nhà thơ đã và đang mặc áo lính như Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Hoa, Đào Thắng, Nguyễn Việt Chiến, Đặng Huy Giang, Trần Quang Quý, Nguyễn Hữu Quý…

Chúng tôi bắt tay, ôm hôn, tặng thơ cho những người lính từng là kẻ thù. Đúng nhẽ thôi, khi Việt Nam muốn khép lại quá khứ hướng tới tương lai làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, thì các nhà văn chúng ta cũng rất muốn cởi bỏ hận thù, giao hòa với muôn phương. Một cái nhìn về chiến tranh và hòa bình được đặt trong tiến trình lịch sử cụ thể, một phía đầy những ăn năn và hy vọng, một bên ăm ắp những độ lượng và cảm thông. Xích lại gần nhau để chia sẻ và yêu thương là ứng xử tốt đẹp của thời hậu chiến.

Không một chút đãi bôi, xã giao Edward Tick bộc bạch: Thưa các bạn, tôi biết tiếng Việt rất ít (cười) bởi đây là thứ tiếng rất khó học. Nhưng trái tim tôi đầy ắp tình thương yêu các bạn. Tôi tin Hà Nội, tôi tin Việt Nam sẽ được sống trong tình thương yêu đầy ắp của loài người. Chúng ta cùng đi với nhau trên một con đường; đó là con đường hòa hợp hòa giải những vết thương chiến tranh. Chúng ta cùng nhau ôn lại những đau đớn trong cuộc chiến đã qua, để chia sẻ trong tình yêu thương và không phải than khóc nữa. Thuốc men và triết lý không đủ điều kiện để điều trị cho trái tim đâu. Tôi học được điều đó trong những chuyến đi về Việt Nam, đất nước tươi đẹp của các bạn. Chính người Việt Nam dạy tôi điều đó. Phải dùng tình thương để hóa giải thù hận. Thương người như thể thương thân, hình như nhân dân các bạn rất thích câu đó. Chúng ta phải lấy thơ ca làm nhịp cầu hòa giải. Thơ ca đi trước mọi phong trào dẫn tới hòa bình.

Tôi vô cùng bất ngờ và xúc động khi đọc bài thơ Bài hát người phụ nữ Việt Nam của Edward Tick. Ông không phải là cựu chiến binh Mỹ nhưng nhà thơ này đã hiểu chiến tranh Việt Nam sâu sắc qua hình ảnh những người phụ nữ anh hùng, nhân hậu của đất nước ta: Tôi sẽ dâng hiến cha tôi, chồng tôi, các con/ Ban phúc cho họ ra đi dù không ngày gặp lại/ Tôi sẽ cầu mong cho các người trở về trong vòng tay của mẹ các người và tha thứ cho các người mặc dù các người lấy đi tất cả của tôi. Ông lý giải chiến thắng của dân tộc ta và sự thất bại của kẻ xâm lược qua người phụ nữ Việt Nam rất khái quát và giản dị: Tôi là bà, mẹ, vợ, con/ Làm cho tôi tức giận, các người không thể đúng/ Làm cho tôi đau đớn, các người không thể công bằng/ Làm tôi chiến đấu các người không thể thắng/ Làm tôi đứng lên các người phải ngã xuống/ Hãy trở lại trong hòa bình và cho tôi xem vết thương/ Tôi sẽ băng bó với tình yêu và gọi các người là anh em. (Nguyễn Phan Quế Mai dịch).

Ông Giám đốc tổ chức Trái tim người lính này đã 10 lần đưa các đoàn nhà văn, nhà thơ, cựu chiến binh đến Việt Nam và có nhiều tác phẩm viết về đất nước chúng ta như Chiến tranh và Tâm hồn (War and the Soul); tập thơ và bút ký Rùa vàng: Những chuyến trở lại Việt Nam (The Golden Tortoise: Journeys in Viet Nam); Núi thiêng: Những cuộc chạm trán với con thú chiến tranh Việt Nam (Sacred Mountain: Encounters of the Viet Nam Beast)... Ông đặc biệt thích thú với truyền thuyết hồ Hoàn Kiếm, một minh chứng tuyệt vời về tình yêu hòa bình của người Việt Nam, ông nói.

Thomas Michael Saal từng là lính thủy đánh bộ Mỹ tại chiến trường Việt Nam, năm 1968 ông bị trúng mìn của ta. Cuộc chiến tranh ở đất nước cách xa Mỹ hàng vạn cây số đường không, đường biển trở thành nỗi ám ảnh ghê gớm của gia đình ông. Thomas Saal tâm sự: Gia đình tôi bị ảnh hưởng sâu sắc chiến tranh Việt Nam. Bố mẹ tôi cấm không được nhắc đến cuộc chiến tranh ấy vì nó quá đau đớn. Các bạn biết không, tôi bị mắc bệnh trầm cảm vì chiến tranh Việt Nam. Tôi là một người căm thù chiến tranh. Ai đó từng nói: nước Mỹ đang bị tổn thương sâu sắc bởi chiến tranh. Tôi đồng ý điều đó. Khi xem bức tranh Nụ cuộc sống của em Võ Thanh Mai 12 tuổi, Thomas Saal đã rơi nước mắt và bài thơ Nhìn tôi ra đời: Nhìn tôi!/ Hãy nhìn tôi đây!/ Nhìn nước mắt này/ Nhìn sự sợ hãi/ Trên gương mặt tôi/ Gây ra bởi cuộc chiến tranh của các người…/ Nhìn tôi!/ Hãy nhìn tôi đây!/ Tù túng trong một chiếc bong bóng hoa/ Bị nhốt bên trong/ Không có chìa khóa/ Không thể thoát ra. Hình ảnh em bé - một nạn nhân chiến tranh - bị nhốt trong chiếc bong bóng hoa thật ám ảnh và chiếc chìa khóa để giải thoát sự tù túng ấy phải chăng là tình yêu thương của con người.

Nhà văn - bác sỹ tâm lý John W.Fisher, cũng là một cựu binh từng đến Việt Nam 6 lần, tác giả của Không được chào đón khi về nhà (Not welcome home) và Những thiên thần ở Việt Nam (Angels in Vietnam) viết về hòa bình: Tình yêu và hòa bình có lẽ là hai khát vọng lớn nhất của nhân loại kể từ thuở bình minh. Nếu coi tình yêu là một tác phẩm của nguồn sức mạnh siêu việt, thì hòa bình phải là trách nhiệm của con người. Chúng ta thừa nhận rằng sức mạnh ấy đã và sẽ luôn đóng góp vai trò của nó trong mục tiêu tốt đẹp này, thì con người, nếu còn tiếp tục tiến hành các cuộc chiến tranh, nghĩa là không đóng góp phần mình vào đó.

Xin nhắc lại, những người từng là kẻ thù của nhau đã ôm choàng lấy nhau, lau nước mắt cho nhau, tặng thơ và tặng hoa cho nhau. Đó chính là tác phẩm đẹp nhất của cuộc sống. Nó sẽ được bay lên bởi đôi cánh hòa bình trắng muốt. Trong lòng nó, vâng, trong lòng nó rộn ràng ngọn lửa yêu thương đầy ắp vị tha như lời Phật dạy: Hận thù diệt hận thù/ Đời này không thể có/ Từ bi diệt hận thù/ Là định luật thiên thu. Hận thù sẽ tiêu diệt những nụ sống, cũng như chiến tranh là con đường tự sát của nhân loại, chỉ có hòa bình, hòa bình tạm thời và hòa bình vĩnh cửu mới làm cho cuộc sống trường tồn, hành tinh xanh mãi mãi là quà tặng của vũ trụ vô tận vô biên dành cho con người.

Tình yêu hòa bình của những cựu binh Mỹ đã gặp gỡ hòa trộn với tình yêu hòa bình của những cựu binh và quân nhân Việt Nam. Sự hòa trộn rất con người ấy không thuộc về những công ty xuyên quốc gia, những dự án kinh tế mang tầm vóc toàn cầu, càng rất xa với vũ khí hạt nhân mà nó ở trong những con người bé nhỏ, nhạy cảm: những nhà thơ. Hòa bình ngân rung trong những cung bậc hiếm hoi cất lên dưới tầm bom đạn năm nào trong thơ Hữu Thỉnh: Em hát về rừng em hát về cây/ Em hát về người đang nghe em hát/ Anh bỗng quên vừa qua cơn sốt/ Rừng bỗng quên vừa trận bom đau. Con người biết nhớ nhưng cũng phải biết quên. Quên đi nỗi đau, nỗi mất mát của mình, quên đi hận thù từng được khắc ghi muôn đời muôn kiếp không tan để hướng tới cái đẹp hơn của cuộc sống. Con người cần sự tha thứ, tha thứ để sống an hòa cùng nhau mà sự biểu hiện đôi khi thật bình dị như nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã viết tặng một nhà thơ Mỹ: Những tâm tình bao năm chiến tranh/ Như hòa lẫn trong cốc bia sủi bọt.../ Thành phố Boston tôi và anh/ Và mặt trời rót tràn men ánh sáng. Trong Cẩm thạch và cỏ xanh, Nguyễn Việt Chiến run rẩy một khúc nguyện cầu bình yên cho con người: Hỡi những ai đã yên nằm dưới cỏ/ Cỏ bốn mùa xanh một khúc ru/ Hỡi những ai chưa phải nằm dưới đó/ Đừng làm đau một ngọn cỏ bao giờ. Đi qua chiến tranh tàn khốc những người lính rất dễ bị cỗi cằn, úa héo, kể cả tình yêu từng tốt tươi trong họ. Nhưng không, với Trần Quang Quý thì quà tặng của người lính trận vẫn là tiếng hát của yêu thương: Anh đây/ Em đừng lạ và em đừng nhìn vậy/ Nếu vết thương anh có thể trên mình/ Anh nguyên vẹn bằng trái tim không đổi khác/ Em lại đến thế là anh lại hát/ Một nồng nàn vồng ngực tặng em đây. Và, nhà thơ trẻ Nguyễn Phan Quế Mai khi đứng trước bức tường chiến tranh Việt Nam ở Washington đã bốc cháy: 58.267 cái tên đã nã súng vào tôi/ Mũi giày họ còn loang vết máu/ Tôi muốn chôn họ thêm lần nữa/ Chất độc da cam rực lên màu lửa/ Nguyễn Thị Kim Phúc bốc cháy băng qua những hàng tên và nhòa lệ: Từng cái tên khảm vào da thịt tôi thành từng khuôn mặt 58.267 người đã chết/ Đỏ quạch Washinton chiều nay/ Hoàng hôn hay nước mắt?

Khi được giới thiệu phát biểu tôi nói: năm 1964, lúc tôi 8 tuổi, máy bay Mỹ ném quả bom đầu tiên xuống làng tôi. Năm 1968, khi tôi 12 tuổi, mẹ tôi bị chết vì bom bi Mỹ. Tôi từng nghĩ: tôi sẽ mang mối thù này hết cuộc đời mình, sống để dạ chết mang theo như người Việt Nam nói. Nhưng các bạn biết đấy, đến hôm nay, đến bây giờ nỗi đau mất mẹ trong tôi dẫu vẫn còn nhưng sự hận thù đã vơi cạn và hầu như không còn nữa. Tôi bắt tay, tôi ôm hôn các bạn như những người thân. Bởi vì, tôi nghĩ hận thù không làm cho con người lớn lên được. Chỉ có hòa giải hòa hợp cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Yêu hòa bình, đó là cái chung của chúng ta. Rồi tôi rưng rưng đọc Bông huệ trắng bài thơ được tặng thưởng thơ hay nhất Văn nghệ quân đội năm 1995 nay đã được Nguyễn Phan Quế Mai và tiến sĩ nhà thơ Edward Tick dịch qua tiếng Anh. Tôi chuyển đến các bạn Mỹ giấc mơ của những người mẹ Việt Nam sau chiến tranh: Những người lính trở về têm cho mẹ miếng trầu cay/ giấc mơ mẹ đỏ tươi từng giọt máu/ những người lính trở về xòe tay trên bếp khói/ giấc mơ mẹ mình đơm óng ả hạt mùa chiêm/ những người lính trở về đánh rạ dọn rơm/ giấc mơ mẹ bay la dòng sữa trắng/ những người lính trở về cười ngượng nghịu/ giấc mơ người bật dậy tiếng oa…oa. Nhiều đôi mắt của các bạn Mỹ ngân ngấn nước. Có bạn nói: tôi sẽ mang câu chuyện của Quý về nước Mỹ. Một kỷ niệm buồn về chiến tranh, cái chết của mẹ tôi, chỉ ngần ấy thôi.

Quên quá khứ là có tội với người đã khuất, nhưng quan trọng và cần thiết hơn vẫn là hiện tại và tương lai. Chính vì thế, không gì đúng hơn, đẹp hơn, thiết thực hơn như nhà thơ trẻ người Mỹ J.FossenBell đã viết: Ngay cả bây giờ chiến tranh cũng chưa chấm dứt ở nơi nào đó,/ và cứ thế chúng ta phải tự nuôi sống mình bằng hòa bình tạm thời,/ và cứ thế và cứ thế chúng ta đi bỏ lại sau lưng quá khứ...

Vâng, bỏ lại quá khứ đau buồn tang tóc sau lưng để cùng tiến về phía trước: Tương lai!

Đồng Xa 15.10.2010
N.H.Q
(261/11-10)





Các bài mới
Các bài đã đăng