Tạp chí Sông Hương - Số 261 (tháng 11)
Phủ Phước Yên và danh tướng Nguyễn Hữu Dật
09:43 | 17/12/2010
NGÔ THIÊN THUPhước Yên một thời là thủ phủ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, con thứ sáu của Nguyễn Hoàng. Sau khi lên ngôi chúa ông cải tổ lại mọi công việc và được dân gọi là chúa Sãi. Sau khi Nguyễn Hoàng mất vào năm 1613, theo lời di huấn, ông ra sức củng cố sức mạnh cho mình bằng cách hoàn thiện bộ máy hành chính và quân sự... Năm 1626 ông dời phủ từ Dinh Cát vào đất Phước Yên để lập phủ mới. Mục đích chính cho việc chuyển phủ vào đây là để chuẩn bị thực lực chống quân Trịnh lâu dài.
Phủ Phước Yên và danh tướng Nguyễn Hữu Dật
Miếu thờ danh tướng Nguyễn Hữu Dật
Vào thời chúa cai quản phủ Phước Yên có rất nhiều người tài giúp sức như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tấn... Đặc biệt Nguyễn Hữu Dật có công rất lớn trong công cuộc cải tổ bộ máy quân sự, chỉ huy tài giỏi một đội quân tinh nhuệ qua mấy đời chúa Nguyễn. Trong cuộc đời binh nghiệp, ông đã giúp chúa Nguyễn đánh tan mọi cuộc nam tiến của chúa Trịnh.

Theo phả hệ họ Nguyễn, ông là cháu 18 đời của Định Quốc công Nguyễn Bặc thời nhà Đinh và cháu 8 đời của công thần Nguyễn Trãi nhà Hậu Lê. Cũng theo phả hệ họ Nguyễn thì chi của Nguyễn Hữu Dật và chi chúa Nguyễn đều là con cháu Nguyễn Trãi và chi của ông là chi trên của chi chúa Nguyễn. Nguyễn Hữu Dật sinh tại Thăng Long. Bố ông là Nguyễn Triều Văn vào Thuận Hoá theo chúa Nguyễn Hoàng từ năm 1609 và chính thức định cư tại huyện Phong Lộc (Quảng Bình).

Nguyễn Hữu Dật lúc nhỏ đã tỏ ra khí chất anh tài, văn võ song toàn, thi đỗ khóa thi Hoa Văn do chúa Nguyễn Phúc Nguyên tổ chức tại Phước Yên và được bổ vào chức Tham cơ vụ.

Năm 1627, chúa Trịnh Tráng mang quân nam tiến lần thứ nhất. Nguyễn Hữu Dật được làm chức Giám chiến, cùng tướng Phúc Vệ mang quân ra đóng ở nam sông Gianh. Khi hai bên đang giằng co, ông dùng mưu sai người phao tin phía bắc Trịnh Gia, Trịnh Nhạc sắp dấy loạn. Trịnh Tráng nghi ngờ trong họ sinh biến nên hạ lệnh rút quân.


Tương truyền mỗi lần được chúa Nguyễn ban thưởng, ông thường chia cho cấp dưới, nhất là những người nghèo khó, hoặc xét theo hoàn cảnh mà ban thưởng. Bởi vậy ông rất được lòng tướng sĩ và nhân dân. Không những thế, đối với tù binh, ông cũng đối xử rất nhân hậu.

Năm 1631, Nguyễn Hữu Dật theo Đào Duy Từ đắp chiến lũy Nhật Lệ (lũy Thày) quan trọng dài 18 km bắt đầu từ “núi Đâu Mâu qua cửa biển Nhật Lệ, rồi men theo sông Lệ Kỳ và sông Nhật Lệ tiến lên phía đông bắc đến làng Đông Hải” (dẫn theo Đào Duy Anh). Đây là một chiến lũy quan trọng giúp quân Nguyễn, vốn có lực lượng mỏng hơn, cầm cự được với quân Trịnh trong các cuộc giao tranh. Năm 1635 Đào Duy Từ mất (tài liệu của Đào Duy Anh ghi năm mất là 1635), Nguyễn Hữu Dật tiếp tục nâng cấp các chiến lũy đã có, đồng thời xây dựng lũy Động Cát để củng cố thêm tuyến phòng thủ lâu dài.

Một trong những trận đánh nổi tiếng nhất của Nguyễn Hữu Dật là vào năm 1648, cả cha con ông cùng ra quân. Nguyễn Triều Văn lĩnh quân thủy, Hữu Dật lĩnh quân bộ, đánh thắng quân Trịnh một trận lớn. Ông được chúa Nguyễn thăng chức cai cơ, làm Ký lục dinh Bố Chính (dẫn theo Wikipedia).

Năm 1655 quân Nguyễn lại đại thắng quân Trịnh do tướng Trịnh Đào chỉ huy. Trong trận này chính tay Nguyễn Hữu Dật đã bắn bị thương Trịnh Đào tại đèo Ngang (dẫn theo Đại Nam thực lục).

Trong những năm ở Phước Yên ông được dân chúng địa phương kính trọng. Chính vì vậy sau khi ông mất dân làng lập miếu thờ, gọi là miếu Chiêu Vũ hầu.

Miếu nằm giữa cánh đồng làng Phước Yên, trước mặt là dòng sông Bồ thơ mộng. Miếu được trùng tu vào thời Minh Mạng.. Đợt trùng tu sau cùng là vào năm 2000.

Dòng chữ Hán: Trung Thiên Chính Khí trên miếu thờ


Phía trên cao mặt tiền chính diện của miếu có hàng chữ Hán: Trung Thiên Chính Khí (chính khí cao ngất trời).

 Hai bên có hàng câu đối:

Ngân hoán sơn hà triều hữu phước

Trần thanh ma giới dã vô yên

(Phước chứa trong triều sông núi định

Khói tan ngoài nội cỏ gai quang)

Phía trong miếu chính điện có đề hai chữ Hán lớn miêu tả khí phách thiên bẩm của Nguyễn Hữu Dật: Hạo nhiên (khí chất cuồn cuộn mạnh mẽ tự nhiên).

Hai bên có hai vế đối ghi công trạng lẫy lừng của ông:

Ngự hà lưu vĩ tích  

Thiên phủ tráng linh thanh

(Sông ở kinh thành lưu danh công trạng lừng lẫy

Phủ tận trên trời vang dậy tăm tiếng uy linh).

Tại làng Phước Yên hằng năm vào ngày 17 và 18 tháng hai âm lịch, dân giáp Trung do ông giáp trưởng đứng đầu lo việc cúng tế ngài Chiêu Vũ hầu (Làng Phước Yên phân chia địa giới thành bốn giáp là giáp Trung, giáp Đông, giáp Tây và giáp Nam. Mỗi giáp được phân công việc thờ cúng riêng). Giáp trưởng giáp Trung hiện nay là ông Nguyễn Đình Yến (chức danh giáp trưởng được dân bầu trọn ba năm một lần). Ông Yến cho biết còn có một miếu thờ Chiêu Vũ Hầu khác ở Kim Long, Huế.

Có nhiều truyền thuyết từ dân làng Phước Yên liên quan về Nguyễn Hữu Dật, trong đó có nói về cái chết của ông. Trong một trận đánh lớn ở trận tuyến sông Bồ ông tử thương và được một con voi chở về phủ. Sau đó con voi nhịn đói chết theo chủ được dân địa phương chôn cất. Ở Phước Yên hiện có di tích gọi là Ụ Voi được cho là nơi chôn chất con voi, còn mộ của ông Nguyễn Hữu Dật thì được chôn ngay dưới miếu thờ ông.

Tuy nhiên, theo sử liệu trong thời kỳ Nguyễn Hữu Dật còn sống thì không có trận chiến nào xảy ra ở sông Bồ. Các trận đánh hầu hết đều xảy ra ở mặt trận sông Gianh, sông Nhật Lệ hoặc tại các vùng đất thuộc Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An...

Ông mất năm 1681 tại đạo Lưu Đồn (Quảng Bình), thọ 78 tuổi và được chôn cất tại núi An Mã thuộc huyện Lệ Thủy ngày nay. Chúa Nguyễn thương tiếc truy tặng ông là Chiêu quận công, thụy là Cần Tiết. Nhân dân quanh vùng cảm đức độ của ông gọi ông là Phật Bồ Tát, lập đền thờ ở Xóm Bến, Vạn Xuân gọi là đền Tĩnh Quốc công. Ông được nhà Nguyễn thờ tại Hữu vu thuộc Thái miếu và được truy tặng Khai quốc công thần Đặc tiến Tráng vũ tướng quân, Thái phó, thụy Nghị vũ, phong là Tĩnh quốc công Nguyễn quý công tôn thần.

Nguyễn Hữu Dật cùng với Nguyễn Hữu Tấn là hai vị tướng được ứng vào bài thơ:

“Tiên kết nhân tâm thuận
Hậu thi đức hóa chiêu
Chi diệp kham tồi lạc
Căn bàn dã nan diêu”

(Trước hết lòng người thuận
Sau thi đức hóa hay
Cành lá tuy rơi rụng
Cội gốc thật khó lay)

Một bản dịch khác:

(Trước kết lòng người Thuận
Sau ban đức hóa Chiêu
Cành lá dù rơi rụng
Gốc rễ khó mà xiêu)


Trong đó chữ THUẬN và chữ CHIÊU là ứng vào Thuận Nghĩa Hầu Nguyễn Hữu Tấn và Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật là hai vị trong các danh tướng trụ cột của chúa Nguyễn.

N.T.T

(261/11-10)




Các bài mới
Các bài đã đăng