Tạp chí Sông Hương - Số 262 (tháng 12)
Hành trình xoá bỏ ẩn dụ như một lối tìm đến ngôn ngữ thi ca mở
14:24 | 31/12/2010
KHÁNH PHƯƠNG (Tiếp theo số 261 tháng 11-2010)
Hành trình xoá bỏ ẩn dụ như một lối tìm đến ngôn ngữ thi ca mở
Nhà thơ Hoàng Cầm - Ảnh: xaluan.com
TỪ HIỆN TƯỢNG HOÀNG CẦM

Hoàng Cầm là giọng thơ độc đáo vào bậc nhất của thi đàn Việt Nam từ những năm 1950 - 1960 cho đến hết thời kỳ Đổi mới*. Tiếp nối tinh thần cách tân sáng tạo và những tìm tòi văn chương theo khuynh hướng hướng nội siêu hình khởi đầu của thơ ca Tiền chiến, thế hệ “ngược dòng” Hoàng Cầm, Trần Dần, Quang Dũng, Hữu Loan, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Văn Cao… đã làm nên mùa rạng rỡ cho thi ca miền Bắc mà âm vang của nó còn kéo dài cho tới tận những năm hậu - Đổi mới, bất kể những oan khốc, đối nghịch, dập vùi.

Không hề chối bỏ dòng chảy bi thương, ai vãn của ca dao, Quan họ, chiếng chèo đồng quê Bắc bộ mà hồn hậu đứng trong nó như một thứ gia phả tinh thần, Hoàng Cầm đồng thời đã khơi trong thơ một mạch hùng tráng, cao cả, của nỗi khát khao trời rộng bể khơi mà cho đến hết thời kỳ Tiền chiến, thơ Việt chưa bao giờ có được sự biểu đạt trọn vẹn. Cái tráng tâm, cao cả trong thơ Hoàng Cầm không giống như “mối sầu vũ trụ” bàng bạc mà người ta dễ dàng gán cho một số nhà Thơ Mới**. Ông dám đem lòng mình trang trải nợ vô biên, đem cái nghịch biến trớ trêu của vũ trụ cao xanh hoá giải những đau thương, uất khí của sinh linh hữu hạn. Không hùng tráng, uy nghi, cao cả, không khát khao vô tận, thì cũng đâu còn là phút thăng hoa của một giống nòi nhỏ bé phải chịu cảnh giam cầm.

*

Về Kinh Bắc (1959 - 1960) là tập thơ quan trọng, bộc lộ toàn bộ cấu trúc nghệ thuật cũng như những nền tảng tư tưởng của thơ Hoàng Cầm***. Tuy nhiên, nếu xem xét hầu hết những tập thơ và kịch thơ mà ông trực tiếp khai triển, bố cục nội dung, hình thức, như Lá Diêu bông, kịch thơ Kiều Loan, Trương Chi, truyện thơ Men Đá vàng, sẽ thấy sự tương đồng, lặp lại của nhóm hình tượng thơ cũng như phương thức hình dung, suy tưởng và triết lý về thế giới, cùng những thể thức đặc thù tương ứng của nó.    

Thụ cảm và suy niệm về con người, về thế giới, Hoàng Cầm đã xuất phát từ nỗi đau thương và đổ vỡ chung của một vận mệnh lớn lao. Của một lý tưởng, một cái Đẹp đã bị tước đoạt, nhưng hình dung về nó, vị trí đáng lẽ phải có của nó, thì vẫn còn tồn tại mãi.

Ông vẽ nên một thế giới vỡ nát, bị va đập đến dị hình, nhưng là để khắc mãi vào tâm trí cái hình ảnh vốn đẹp tươi, diễm lệ, và giờ càng đẹp đẽ, xa vời đến nỗi trong thực tại không bao giờ còn có thể có được. Hoàng Cầm đã buộc mỗi người muốn vào chơi cuộc thơ ông phải sống dậy năng lực tưởng tượng và hình dung những điều cao xa hơn thực tại, thậm chí là những điều mà chỉ có tâm tưởng con người mới chạm tới, những hoa trái chỉ hái bằng trí tưởng mà thôi.

Với Bên kia sông Đuống, bài thơ dài có nguồn mạch của một trường ca, từ góc độ cá nhân, Hoàng Cầm khóc thương, khẩn nguyện cho số phận của dân tộc trước bờ diệt vong giặc ngoại xâm, cũng là sống lại giấc chiêm bao cái Đẹp, dù bị hủy hoại nhưng vẹn nguyên trong tâm tưởng: Bao giờ về bên kia sông Đuống/ Anh lại tìm em/ Em vận yếm thắm em thắt lụa hồng/ Em đi trảy hội non sông…

Vận mệnh dân tộc, chỉ đến thơ Hoàng Cầm, mới đồng nhất với cốt lõi sâu xa là giá trị văn hóa cũng như cái Đẹp từ nhiều đời cho tới thực tại; và đóng vai trò ý nghĩa lý tưởng, trở thành đối tượng chiêm bái, cầu nguyện, tôn xưng. Trước ông, chưa có nhà thơ nào tự nguyện đưa tình yêu nước, sự vẹn toàn bờ cõi cũng như giá trị của quê hương, dân tộc lên thành ý nghĩa tuyệt đối, sánh ngang với cái - không - suy - suyển của tâm thức, cũng là không - hạn - định của thiên nhiên bất tuyệt, như Hoàng Cầm:

Ai về bên kia sông Đuống/ Có nhớ từng khuôn mặt búp sen/ Những cô hàng xén răng đen/ Cười như mùa thu toả nắng/ Chợ Hồ chợ Sủi người đua chen/ bãi Trầm chỉ người giăng tơ nghẽn lối/ Những nàng dệt sợi/ đi bán lụa màu/ Những người thợ nhuộm/ Đồng Tỉnh Huê Cầu/ Bây giờ đi đâu về đâu?… Lửa đèn leo lét soi tình mẹ/ Gương mặt bừng lên như dựng trăng/ Ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể/ Những chuyện muôn đời không nói năng…

Sau này, Về Kinh Bắc, tự tình cá nhân của Hoàng Cầm cũng không phải xót thương, u uất cho oan khốc hay bất hạnh nào cụ thể, mà khóc cho đất trời, sông núi, cho mất mát lớn lao của thân phận con người, như một Định mệnh chung, một ý tưởng nhân sinh. Không phải nỗi đau chật hẹp, mà là biểu hiện khác của hùng tâm tráng chí. Chỉ những tâm sự, hoài bão cao rộng mới là nơi có thể dung chứa đổ vỡ sâu thẳm tâm can. Hoài bão nào, đổ vỡ nấy. Đau thương là mặt bên kia của cao cả, hùng tráng, và với Hoàng Cầm, đau thương càng tô đậm thêm ý nghĩa của mộng tưởng phi thường.

Ông chiêm bái nghĩa cả vì nước quên thân, khí phách oai hùng bằng hình tượng quá cỡ, phi thực:

…Cắn nhọn móng tay/ Thơ cùm lim khắc máu/… Chợt nghe tin giặc dữ/ lấp sông san núi ùa sang/ Vùng chặt xích bẻ gông/ phá cửa/ cướp ngựa hình tham tri/ phóng lên ải Bắc/ Dù nghẹn ngào thuốc độc tam ban/ đã ngấm tuỷ xương từ chén rượu đêm qua
                                                            (Đèn nhang I)

 Chiêm ngưỡng tài năng bằng cảm hứng hùng tráng đi liền với nỗi ngậm ngùi, chua xót, và cả bi phẫn:

…Đô Nhất là ai/ quê vùng đâu đó/ Vươn tay chạm giời/ Tóc hất sao Mai/ quỳ xuống/ vọng về cửa khuyết/ lạy hai lạy/ Lưng vàng rạp cỏ…/ …Thân mười thước đổ ngang rụng ngửa/ phơi mồi quạ xúm đen ngòm/ Bắp thịt đường gân ngày thí võ hôm xưa/ thoắt đã bầy nhầy phân ngựa…
                                                            (Hội vật)

Chấp nhận những nghịch lý tuyệt vọng của sự hy sinh, hay nỗi cay đắng nghẹn thở của thân phận, không chỉ là biểu hiện của cảm thức cao cả mà còn bộc lộ một nhãn quan phi lý**** về đời sống.

Hoàng Cầm chấp nhận cái thực tại song tồn cả mê lẫn tỉnh, sáng láng và đen tối, cao vời và nghẽn bức, ảo và thực, vô biên với vô thường, phù sinh.

Cái huyền ảo, phi thực trong thơ Hoàng Cầm thoạt tiên có thể giống lối nói thậm xưng, hay huyền thoại lãng mạn của ca dao, tích cổ, nhưng ẩn náu trong nó là cơ cấu và vận động của sự phi lý.

Đối với nhà thơ, những giá trị có thực của con người: anh hùng, tài năng, phẩm giá, khát vọng, được nâng lên ngang tầm cái Đẹp và cái cao cả. Trong tương quan với cái chật hẹp, trở lực và sự huỷ hoại, những giá trị ấy làm hiển thị sự phi lý tới hai lần. Tồn tại bằng kích cỡ quá tầm khuôn khổ, (chứ không phải như những biểu tượng huyền thoại giàu tính lãng mạn, tượng trưng) đã là một điều phi lý. Và nghịch lý kế tiếp là sự đổ vỡ của những giá trị sánh ngang cái Đẹp, cái cao cả, nhưng trong vòng hệ lụy của cái tầm thường, của trở lực hẹp hòi. (Càng khác xa những hình tượng huyền thoại - giữ không suy suyển tính chất thiêng liêng và “quyền năng” siêu phàm của mình).

Với những bi thảm của tầm vóc quá cỡ, vượt tầm, chỉ có một cách hóa giải bằng sự nguôi dịu của tâm trí, bằng cõi “nửa tỉnh mê”:

…Đêm xuống/ làm lầu hoang/ Trò chuyện gì ai đâu/ Mồ tháng Giêng mưa sũng/ Đằm ca sáo diều chiều lịm tím lưng trâu…
                                                            (Đêm Thổ)

…Hình nhân má điệp tóc mực tàu/ Mắt nghiêng dựa liếp/ Mai nhảy vào đám lửa giỗ đầu/ Gấm Song Cầu khoác lại áo ngày xưa…
                                                            (Đêm Kim)

Ông trả lại những case vượt quá lẽ hạn hẹp, nghiệt ngã, thậm chí hôn ám của nhân gian cho cái mênh mông, vô định của vũ trụ.

Không gian thơ Hoàng Cầm bao trùm bởi cảm thức về cái biến động, vô thường, sức ép, sự uy hiếp - những nguy cơ dẫn tới đổ vỡ và phi lý:

…Ông phó may già mười đêm chẳng ngủ/ Rũ xô gai biển động tìm kim/… Kèn Già lam ai tập thổi/ Gió mất chồi xuân đay nghiến luỹ tre dầy/ Năm ba gã trai tập bài Lưu thuỷ/ Một trẻ sơ sinh đuổi giọng mèo hoang qua miếu mưa phùn/… Giặc bên sông đã cắm cờ hạ trại/ Mẹ đón con rung gậy mía Đường Trèo
                                                            (Đêm Kim)

…Bè lông ngỗng ngược sông Hồng mùa lũ/ Cổ Loa cú rúc chòi canh/ Giếng ngọc ễnh ương quát đêm tiền sử…
                                                            (Gió lông ngỗng)

…Đá nghển trông con/ gục đầu sườn núi Dạm/ Lụa vàng xé lộc rắc tro tiền/ Đè ngang khói bếp/ bặt mùi khoai nướng/ Đầu rau nằm sấp toạc môi…
                                                            (Sương cầu Lim)

Nhưng ngay trong những miêu tả, hồi tưởng nằm lại phía bên này nguy cơ huỷ hoại, hướng tới cái hiền hoà, tươi đẹp, cũng bao hàm cả biến động, phôi pha và ẩn giấu một nhãn quan phi lý sắc ngọt, bí ẩn:

…Chùa Phật tích ruỗi trong màn lụa bạch/ Tượng Quan âm má ửng bồ quân/… Chuông chiều cởi yếm/ Chuông sớm đội khăn…/ …Gió vào trăm cửa/ Gió ra hồng da trinh nữ/ Gió vào xanh quan lục/ Gió ra vàng thớ mít/ Ong bay vai áo tiểu thon mình/… Thập điện Diêm vương mở hội/ Trong mắt trẻ lên năm/… Trưa hè gãy rắc cành hoa đại/ Mái hậu cung bồ các tha rơm/ Liếu điếu vỗ hoa xoan lả tả/ Lụa sồng nén nghẹn búp thanh xuân…
                                                            (Đêm Thủy)

Không phải truyền thống “huê tình” Kinh Bắc đã nhuốm màu sắc dục tới cả chốn thiền môn*****, mà trong triết lý nhân sinh của Hoàng Cầm, sự sống và con người ở bất cứ nơi đâu cũng toả ánh sáng, hương thơm, sự quyến rũ và đẹp đẽ, bất kể những tàn lụi, huỷ diệt hay những giới - định, dù trong sáng minh triết chăng nữa. Nói cách khác, với nhà thơ, khổ hạnh và ham sống, giới định tôn giáo và bản thể tự nhiên, nhiều lúc có thể cùng khoác chung một tấm áo thuần khiết của cái Đẹp.

Đó là sự thừa nhận lẫn nhau không phải không có chút hiềm khích, nhưng từ cái nhìn phóng khoáng với sự vật, con người, giáo lý, và hư cấu nghệ thuật, Hoàng Cầm đã đưa những tinh tuý của đời sống văn hoá tín ngưỡng vào cùng một lãnh địa mênh mông kỳ thú với cái bản thể khả tín, khởi thuỷ và vô chung của Tự nhiên.

Như thế, nhà thơ đã nhìn nhận cái phi lý như một đặc tính sâu xa của thế giới bình thường và một đặc điểm tự nhiên.

Viết thơ tình, quan niệm về tình yêu, Hoàng Cầm cũng chọn cho mình con đường “vô phương cứu chữa”. Nhịp năm trong Về Kinh Bắc (Còn Em), với những Quả vườn ổi, Cỏ Bồng thi, Lá Diêu bông, Cây Tam cúc… đều đắm đuối những mối tình tuyệt vọng, chẳng những không mong gì được đáp lại mà còn phải dốc lòng đền nợ những tươi tắn, hào hoa, lao tâm tận lực của tuổi thơ trẻ.

Có thể Hoàng Cầm đã mượn những mối tình vô vọng để gửi gắm quan niệm về tính chất phi lý của ngay cả tình yêu. Với tình cảm nguyên sơ, ham muốn lứa đôi thuần khiết (như của đứa bé chín tuổi trong Lá diêu bông, muốn được “gọi là chồng”), hay bị mê hoặc tự nhiên bởi nữ tính kỳ diệu như thiếu niên mười hai tuổi, Quả vườn ổi, “Dải yếm lòng trai mải phất cờ”, nhân vật thơ của Hoàng Cầm đến với tương tư, luyến ái. Điều này vừa đẹp đẽ, dịu dàng, an ủi, lại vừa bao hàm cả ngang trái, bất thường, “tội lỗi”, nếu chiểu theo lệ thường. Tình yêu, với Hoàng Cầm cũng là mở ra những chân trời lạ, tìm nơi dung chứa cái chưa bao giờ được thừa nhận, lạc loài, bị ghẻ lạnh thậm chí bị ngăn cấm, giải cứu cho cái dị biệt, độc đáo của tâm hồn. Tình yêu, như một cố gắng mãnh liệt đưa cái lạ thường, riêng lẻ trở thành có chỗ đứng trong một thế giới rộng lớn hơn cái thông thường.

Cũng chính những mối tình được biết trước đã bị chặn mất chiều “đáp lại” cho thấy ý nghĩa cao cả khác của tình yêu: nó là một hoài vọng không thể hạn định, không có giá tương xứng, là sự vẫy gọi con người đến với cái không tận. Không phải hành động phụng sự vô điều kiện của kẻ bị lệ thuộc, nhân vật thơ của Hoàng Cầm hiểu rõ điều mình đang theo đuổi, là được hiến dâng, được trở nên đẹp đẽ, hân hoan, trở thành lớn lao, không còn trói buộc. Cho dù phải “Lẽo đẽo em đi vườn Mai sau/ Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng” hay “Quan đốc đồng áo đen nẹp đỏ/ Thả tịnh vàng đón chị võng mây trôi/ Em đứng nhìn theo em gọi đôi”, dù “Chị ba con em tìm thấy lá/ Xòe tay phủ mặt chị không nhìn”, thì đó cũng là tâm thế vị tha kiêu hãnh, không hề bi lụy.

Nhà thơ đã nhìn thấy tình yêu hỉ xả, vượt lên cái phi lý của sự kiện bên ngoài hay trở lực trần thế, đưa con người trở về với bản lai diện mục cao rộng, hiểu được lẽ tạo hóa và muôn loài. Con người trong thơ Hoàng Cầm là bậc giác ngộ trong hình bóng màu vẻ của kẻ luỵ trần.

Hoàng Cầm chủ yếu viết về cái đau thương, trắc trở, nhưng lại thuyết phục và cuốn hút người đọc nhờ cái Đẹp phi thường, rạng rỡ và cao cả.

*

Cảm thức về cái biến động, chịu sức ép, sự phi lý đã làm nảy sinh một thế giới hình ảnh mang tính hỗn loạn, thúc đẩy khả năng thực hiện ngôn ngữ một cách bất thường trong thơ Hoàng Cầm. Nhà thơ vẫn mượn hình thức ẩn dụ như một cách thức quan trọng để bộc lộ nội tâm, tự tình riêng tư.

Quan niệm thơ ca Trung - cận đại coi con người với thế giới chung quanh là tách biệt, riêng rẽ, cách bức, cần phải có sự khai mở, dựa trên phóng chiếu tương đồng. Tương đồng của cảm xúc, tâm lý với hình ảnh thiên nhiên, vũ trụ, tương đồng giữa cá nhân và thế giới loài người còn lại, để từ đó đi đến sự “đọc thấy” nhau, đồng thuận, chan hoà. Ẩn dụ và nhiều biến điệu khác của nó: phúng dụ, so sánh, nhân hoá… trở thành nguyên lý cơ bản của nghệ thuật ngôn từ, nhìn thế giới như một ẩn dụ lớn. Văn học và tồn tại là hình chiếu lẫn nhau. Sáng tạo ẩn dụ là làm cách nào kiếm tìm được những “hình chiếu” tinh tế, lạ lẫm, bất ngờ, có sức nâng sự vật cũng như cảm xúc và suy tưởng của con người lên những tầm vóc mới******.

Ẩn dụ của Hoàng Cầm phá vỡ mối tương quan phóng chiếu tương đồng:

Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc/ Chiều xưa dẻ quạt voi lồng/ Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc/ Chuồn chuồn khiêng nắng qua sông…/ …Đê mười tám khúc Văn Giang/ Chuông Bách môn đổ xô gò má/ Mây thành thổi lửa/ Nẻo Đông Triều khép mở gió kỳ lân…
                                                           
(Đêm Thổ)

…Ngất núi ô kìa anh vỗ (vũ) nhịp/ Bay cờ triệu yếm ríu ran ca
                                                            (Hội yếm bay)

Không còn sự phóng chiếu về mặt mô tả giữa các hình ảnh, những liên tưởng đã chệch xa khỏi mô thức tương đồng giữa cái được miêu tả và cái dùng để miêu tả: Thân cau cụt - vẫy đuôi mèo, Chuông Bách môn - đổ xô gò má, Nẻo Đông Triều - khép mở gió…

Có thể xem đây gần gũi với nguyên lý tương hợp của trường thơ Tượng trưng Pháp, dùng sự tương hợp về mặt hiệu quả cảm giác, cảm xúc giữa các sự vật: âm thanh, sắc màu, không gian… để tạo nên dịch chuyển, áp đặt cho khách thể những vấn đề thuộc về nội tâm, và quan trọng hơn, dời chuyển lẫn nhau giữa các “vùng biểu hiện” cảm thức của thế giới khách thể. Nhưng Hoàng Cầm không phải người học trò tài giỏi của trường thơ Tượng trưng. Xuất phát từ đổ vỡ có thực của nội tâm, nhà thơ tượng hình một thế giới mà tất cả cảm xúc, hình dung quen thuộc đã mất đi chỗ đứng vốn có của nó, đứt quãng, tứ tán, bị đẩy xa đến cõi hoang mang, huyền hoặc, tỉnh mê.

Những hình ảnh dùng để biểu thị thực tại và tâm trạng hầu hết là hình ảnh phi thực, phi lý… Trăng lên chém đầu ngọn gió/ Cành si bưng chậu máu chát chao… Cái phi lý giải phóng thế giới khỏi sáo mòn, khỏi cân bằng yên ả, khuấy động chiêm bao lo âu, kiếm tìm điều không biết.

Phá vỡ quy luật sẵn có của ẩn dụ là dùng cái cụ thể, sống động để giúp người đọc nắm bắt cái trừu tượng, mênh mông, và ngược lại, nâng cái cụ thể, đơn lẻ tới tầm mức của cái trừu tượng, mênh mông tương thích và dễ cảm thấu, Hoàng Cầm ngắt quãng, đan xen cái trừu tượng với vật thể, vật thể với trừu tượng, tạo ra một dòng chảy hỗn loạn, bất đồng. Hỗn loạn tạo ra tương quan mới về mất- còn, hay- dở, quen- lạ… mỗi sự vật trạng thái đồng thời có thể mang cặp ý nghĩa đối kháng:

Về Kinh Bắc phải đâu con hé miệng/ Khế chua vôi bột lòng tay/… Tràng pháo dòng thân cau mới bói/ Tênh tênh chở đá Ba Vì/ Tiếc gì nhau nữa/ Lứa ong bầu châm lửa gót chân…
                                                            (Đêm Mộc)

…Dòng dây vục mãi đêm hồ tinh/ Ấp vú mình trần con dế trũi
                                                            (Tắm đêm)

…Thế giới không còn sự hài hoà, liên kết liền mạch, tôn xứng lẫn nhau, có lớp lang trình tự, mà trở nên bất trắc, không quy luật.

Có khi Hoàng Cầm chỉ dùng toàn sự vật cụ thể để khắc hoạ cái khủng khiếp trừu tượng: …Tranh tố nữ long hồ gián nhấm/ Mất chân đi má đội tổ tò vò

Hình ảnh vật thể bị huỷ hoại một cách cơ giới được áp đặt chuyển nghĩa thành bất trắc của thân phận con người, không thông qua mối liên tưởng nào được hiển lộ.

…Đã đi rồi/ … Những cuộc dọn nhà/ tuần du trang sử rách

Sự vật tả thực trùng khớp với vấn đề “hồi tưởng” trừu tượng.

Có khi, nhà thơ dùng cảm giác vật thể cắt giữa không gian trừu tượng của cảm xúc, suy tưởng, nhấn mạnh cái dị thường, không theo trình tự:

…Đứng bên này sông sao nhớ tiếc/ Sao xót xa như rụng bàn tay…

…Ta con bê vàng lạc dáng chiều xanh/ đi mãi tìm sim chẳng chín…

Nếu đúng theo cú pháp thuận của hình ảnh và suy tưởng, câu thơ phải là, “Ta con bê vàng dáng lạc chiều xanh/ Đi tìm mãi sim chẳng chín”.

Sự trùng lặp đồng âm khác nghĩa tạo ra những hình ảnh song song của nghĩa cụ thể và trừu tượng:

…Chó ngộ hàng đàn/ lưỡi dài lê sắc máu

…Mẹ con đàn lợn âm dương/ chia lìa đôi ngả
                                                (Bên kia sông Đuống)

…Lửa đâu sém cánh tay bột nặn/ Cháy phù sa ngọt lịm Yên Viên
                                                (Thi ăn mía thổi cơm)

...Bưởi Nga My sao mẹ bắt đèo bòng
                                                (Đêm Thổ)

…Em đi đêm Tướng điều Sĩ đỏ/ Đổi xe hồng đưa Chị đến quê Em
                                                (Cây tam cúc)

Không hẳn là dụng ý của tác giả, mà trò chơi vô thức đã tạo ra hai lớp nghĩa của cùng một ngôn từ.

Xoá nhoà ranh giới, trình tự giữa vật thể và trừu tượng, Hoàng Cầm đã tạo ra men say cũng như triết lý mới cho thơ. Chối từ ảo tưởng về một thế giới bền vững siêu hình, ảo tưởng về nhận thức luỹ tiến một chiều, làm ứ đầy hương sắc cảm giác trần thế vào lãnh địa tinh thần thuần tuý sắc không.

*

Hoàng Cầm chỉ viết thơ để bộc lộ những thiên biến trong đời sống tinh thần của mình trước xung chấn của một thế giới đang vận động đến lụi tàn, tan vỡ tất yếu. Chính ông cũng không ngờ, những ngắt quãng đáng kinh ngạc của mình với tâm thức truyền thống sẵn có là hiện tượng báo trước những rung chuyển đến tận gốc rễ của quan niệm thi ca và đời sống sau này.

Khởi đi từ khát vọng được lớn lao, chứng nghiệm đủ những chênh vênh phi lý của cuộc tồn tại, trở về bằng nhận chân bản nguyên, Hoàng Cầm đã xong cuộc tuần du Định mệnh của con người giữa thế giới biến thiên đầy trở lực. Dường như sứ mạng thi ca của nhà thơ là thức nhận về những phi lý, đón nhận nó vào dáng vẻ đa hướng lạ lùng của cuộc đời, để tôn xưng cái Đẹp không dễ dàng kiếm tìm, bắt gặp: Đẹp của sự vượt khỏi tầm vóc thông thường, của cái nghịch biến, trái chiều.

K.P
(262/12-10)




---------------
* Sự phân kỳ ở đây có tính chất tương đối, vì không căn cứ vào niên đại lịch sử làm niên đại tương ứng cho văn học. 1950 - 1960 là giai đoạn sáng tác tập trung, sung sức nhất của Hoàng Cầm, làm nên phong cách tác giả, và so sánh ở đây là so sánh sự nổi bật của phong cách cá nhân so với các cá nhân khác, xuất hiện trong giai đoạn từ 1950 cho đến cuối những năm 1960, ở miền Bắc. Cũng vì điều kiện văn học sử chưa có những tổng kết xác đáng, đầy đủ, công khai về giai đoạn này, nên sự đánh giá về đóng góp nghề nghiệp của các nhà thơ, nhà văn còn gặp nhiều khó khăn.

** Là những người “mở đường khai phá lại” cảm hứng thiên nhiên vũ trụ, một số nhà Thơ Mới dừng ở cảm nhận mối tương quan giữa con người nhỏ bé với vũ trụ bao la, hoặc mượn hình ảnh trời cao biển rộng làm ngụ ý cho tâm thức bơ vơ vô định. Nó khác xa với cảm hứng hùng ca. Ví dụ:

…Người ở bên trời ta ở đây/ Chờ mong phương nọ ngóng phương này/ Tương tư đôi chốn tình ngàn dặm/ Vạn lý sầu lên núi tiếp mây…
                                                                (Vạn lý tình - Huy Cận)

Hay:

…Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu/ Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều/ Nắng xuống trời lên sâu chót vót/ Sông dài trời rộng bến cô liêu
               
                                (Tràng giang - Huy Cận)

Mây chắp lụa dài vây núi biếc/ Sương xây mồ bạc dấu trăng vàng/ Thuyền ai giỡn nước sông Ngân ấy/ Mà để sao sa xuống cõi trần/ Phải hay chăng đêm qua khi thuyền mộng/ Của Nàng Trăng vào đến bến mây xa/ Một cô hồn về đây theo gió lộng/ Trên mộ tàn tìm lại dấu ngày qua
               
                                (Điêu tàn - Chế Lan Viên)

Nhầm lẫn rất phổ biến của một số người viết văn học sử Việt Nam là đồng nhất cảm hứng hùng ca, cao cả với tinh thần cộng đồng và chủ đề tập thể (!) trong sáng tạo, đem đối lập nó với cảm hứng riêng tư hay cái nhìn thân phận. Thực chất, vấn đề thân phận hay con người cá nhân, thuần tuý, hoàn toàn có thể bao hàm cả cái hùng tráng, cao cả, bao hàm cả những ý niệm về cộng đồng. Nhầm lẫn kế tiếp còn nghiêm trọng hơn, là coi văn học như phái sinh của lịch sử, nhìn nhận những giá trị thuần tuý con người hay thuần tuý văn chương như là sự “thu hẹp” của cảm hứng lịch sử.

*** Về Kinh Bắc gồm 8 nhịp (Khấn nguyện- Kiếp trước- Rũ bụi gia phả- Rồi cùng đi tất cả- Còn Em- Điểm trang- Rồi lại đi- Về với ta), Xong cuộc tuần du và phần vỹ thanh. Tám nhịp tượng trưng cho tám nguồn mạch cảm hứng quan trọng về mặt nội dung, quan niệm hiện thực. Cấu trúc nghệ thuật ở đây được hiểu là quá trình và phương thức tổ chức sáng tạo thể hiện qua tác phẩm, để đạt tới phong cách đặc thù, sự đóng góp về ngôn ngữ, thi pháp của tác giả. Một tác phẩm viết hoàn toàn bản năng, của người có năng lực bẩm sinh, không theo dụng ý sắp xếp nào, cũng vẫn tuân theo quá trình và phương thức biểu đạt “tự phát” của tâm lý sáng tạo.

**** Tinh thần phi lý của Tây phương chỉ xuất hiện khi mối quan hệ dựa trên những quan niệm duy lý của con người về thế giới bị lung lay, mối tương quan được xem là chắc chắn của con người với cơ cấu xã hội và cơ cấu tinh thần của xã hội ấy bị đe doạ. “Phi lý” có nghĩa là những lý giải bằng lý tính quy luật của thiên nhiên và con người không còn được xem là đúng đắn, các giá trị, quy ước thông dụng của xã hội và con người bị tước đoạt mất ý nghĩa vốn có của nó, con người rơi vào hỗn mang, trở lại động vật tính, đồ vật tính…

***** Nghệ thuật Phật giáo Việt Nam kế thừa quan niệm tạo hình của nghệ thuật Champa thế kỷ VII đến thế kỷ XII, hoàn nguyên và khuếch trương mẫu tính, nhưng lại dung nạp cả khuynh hướng sắc dục, gợi tình của nghệ thuật dân gian đình làng cổ xưa. Tượng Phật chùa Dâu, chùa Bút Tháp, Bắc Ninh thể hiện rõ khuynh hướng này. (Xem Mỹ thuật của người Việt - Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, NXB Mỹ thuật, 1989, Bút tháp, nghệ thuật Phật giáo - Phan Cẩm Thượng, NXB Mỹ thuật, 1996, Chùa Dâu và Nghệ thuật Tứ pháp - Phan Cẩm Thượng, NXB Mỹ thuật, 2004).

 Truyền thống “huê tình” Kinh Bắc là có thực, có ảnh hưởng đến tâm trí nhà thơ, tuy nhiên nó không án ngự nhãn quan nghệ thuật của ông.

****** Ví dụ:

Ẩn dụ ít bất ngờ, ít sức nâng cao, lan toả:

… Lòng anh là một cơn mưa lũ/ Đã gặp lòng em chiếc lá khoai/ Mưa biếc tha hồ rơi giọt ngọc/ Lá xanh không ướt đến da ngoài…
                                                                                (Xuân Diệu)

Ẩn dụ ở mức độ tinh vi, sâu xa hơn:

…Buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường/ Tôi xin một chỗ quỳ thầm kín/ Cho đứa nhỏ linh hồn/ Sợ chó dữ/ Con chó đói không màu…
                                                                (Thanh Tâm Tuyền)


Các bài mới
Các bài đã đăng