Tạp chí Sông Hương - Số 262 (tháng 12)
Những kẻ xa lạ kỳ lạ
14:36 | 07/01/2011
Linda Lê, nhà văn nữ, mẹ Pháp cha Việt, sinh năm 1963 tại Đà Lạt, hiện đang sống tại Paris, viết văn, viết báo bằng tiếng Pháp. Một số tác phẩm của nhà văn đã được dịch sang tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam như là: Vu khống (Calomnies), Lại chơi với lửa (Autres jeux avec le feu). Chị đã có buổi nói chuyện tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Huế vào ngày 15.10.2010 vừa rồi. Sau khi trao đổi về bản dịch, chị đã đồng ý cho phép đăng nguyên văn bài nói chuyện này ở Tạp chí Sông Hương theo như gợi ý của dịch giả Lê Đức Quang.
Những kẻ xa lạ kỳ lạ
Nhà văn Linda Lê
Những kẻ xa lạ kỳ lạ


LINDA LÊ


Trong buổi trò chuyện hôm nay, tôi sẽ không mạo muội nhân danh những con người đã khơi nguồn những giao lưu giữa phương Đông và phương Tây, hay thay mặt cho những ai tâm thức mong muốn là sứ giả cho những giao thoa giữa các nền văn hóa. Những con người như vậy chẳng mấy cần đến tôi để tham gia lên án sự hẹp hòi về tư duy hay phê phán chống lại thái độ bài xích con người chốn xa kia sinh thành, một thái độ gieo rắc sự mù quáng cũng như sự cuồng tín.

Chúng ta chỉ khắc phục được tính nhỏ nhen tầm thường của chúng ta khi tự trang bị những huấn dụ nhân ái, khi có thể thoát ra khỏi cái vỏ ốc vị kỷ, để tự thân mở ra với cái vô hạn của tha nhân, kẻ khác ta, theo như cách nói của Maurice Blanchot. Vai trò của nhà văn chính là đánh thức ở mỗi con người cái lạc thú thoát ra khỏi cái vỏ ốc bản thân, tiếp cận thế giới đa thù đa dạng, mày mò tìm đường đến với đồng loại: không còn là kẻ lạ mặt mà là người nắm giữ một bí mật cần làm hiển lộ; không còn là trở lực trên đường đi mà là trở thành người nắm giữ những khả thi tiềm năng.

Văn học chỉ xứng đáng khi văn học dấn mình tiếp cận những ý tưởng tròn trịa có sẵn, khi khuất phục được sự thiếu cảm thông ăn sâu trong tâm thức, khi tạo được đà lực cho phép con người vượt khỏi những giới hạn của thân phận. Những viễn ảnh văn học mang lại cũng hàm chứa hứa hẹn sự siêu việt: ý thức về cái thân phận hữu hạn, con người chúng ta nỗ lực vươn lên bằng cách đón nhận kẻ khác mình, chúng ta mong mỏi có được sự giao hòa giữa nhân sinh quan bản thân với những lựa chọn của kẻ đối diện. Chúng ta biết rõ sự phong phú sung mãn của chúng ta có được là từ khả năng tự phóng xuất hướng về Kẻ Kia, kẻ khác ta, biết chấp nhận cái xa lạ trong chính tự bản thân. Những giao thoa tuần tự qua lại này, không những không làm rúng động nền móng phản vệ của bản thân mà còn giúp chúng ta có được miễn dịch chống lại những bản năng không tốt, củng cố cho sự chặt chẽ tự thân. Con người chúng ta chỉ có thể là tất cả khi đón nhận những ảnh hưởng đa nguồn, khi dung hòa được những mâu thuẫn nghịch lý vốn chất chứa nhiều hứa hẹn, khi tâm thức chúng ta luôn vang vọng những lời nói ý tưởng muôn hình muôn vẻ.

Những biên giới giữa người với người đôi khi rõ là khó vượt qua, do vậy điều cốt tử là phải thử đánh đổ chúng bằng cách nỗ lực đi thẳng vào những mâu thuẫn dị biệt, nhằm biến mối xung đột gây hằn thù thành một cơ may chống lại khuynh hướng bè phái. Những học thuyết quan niệm của chúng ta nếu có được những nền móng là do nỗ lực tổng hợp những đề xuất trái ngược nhau, do vậy đã đến lúc phải xem xét tỉ mỉ tận cùng sâu thẳm tâm thức con người chúng ta, nơi cùng tồn tại hai con người: một con người bảo thủ thiển cận chống lại bất cứ điều gì đe dọa đến cái bản thân nhất thống và một con người tiên phong nôn nóng mở rộng nhãn quan, nỗ lực tự khơi nguồn từ biển đời hằng hà dị biệt. Mức độ tự hoàn thiện của chúng ta phụ thuộc vào sự tự kiềm chế nỗi ám ảnh những kẻ thù từ bên ngoài, do vậy điều thiết yếu là phải tính đến kẻ thù bên trong con người chúng ta: đó là sự thu mình co cụm vào ốc vỏ tự thân. Những định kiến là dai dẳng, do vậy cần thiết phải vượt qua những nghi ngại bằng nỗ lực gia tăng lòng tin cậy: kẻ đối thoại với chúng ta, đến từ đâu đi nữa, cũng sẽ mang đến cho chúng ta nguồn cảm hứng, sẽ không để cho chúng ta bị xơ hóa trong thứ chủ nghĩa dân tộc sô-vanh, sẽ không để cho chúng ta có thái độ quy chụp một người xa lạ chỉ vì sắc diện màu da của hắn ta, chỉ vì hắn khác ta. Cũng sẽ không để cho chúng ta có thái độ xua đuổi bất kỳ kẻ tứ phương nào như thể đó là hiểm họa xâm lấn. Cũng sẽ không để cho chúng ta rơi vào những hoang tưởng thù hằn kẻ lạ, rơi vào hoảng sợ thâm căn trước hiểm họa bị tràn ngập bởi lũ man di mọi rợ. Một khuôn mặt người khép kín có thể là một cuốn sách cần được giải mã, do vậy điều quan trọng là tự thân không được né tránh cái khó nắm bắt, cái bất ngờ hay cái bất thường. Đồng loại, có màu da gì đi nữa, là đồng loại của chúng ta nếu chúng ta không có thái độ kỳ thị, do vậy chúng ta không để sa vào thái độ vị chủng, không có thái độ áp đặt xem chuẩn mực bản thân là duy nhất đúng, không nghi ngại khi tiếp nhận những ý tưởng sáng tạo hay trước sự thông thoáng luân lưu của những tiềm năng chuyển hóa.

Những nền văn minh rồi cũng có lúc diệt vong, do đó chúng ta có trách nhiệm phải suy ngẫm về đóng góp của những nhà văn ly hương ở miền đất họ ngụ cư. Chính họ đã dỡ bỏ những rào cản, xê dịch cái ranh giới những đặc tính của một cộng đồng người, với những đặc trưng bộ phận của một tập hợp. Họ vươn đến những giá trị phổ biến trong nỗ lực tự thanh tẩy những định kiến, trong đấu tranh chống lại những thành kiến về mỗi một đất nước, về nào là da trắng, da màu, da vàng, nào là người nhập cư được đồng hóa hay cô lập hóa. Những nhà văn ly hương cất lời tán dương điều mà nhà văn Robert Antelme gọi là “cuộc phiêu lưu thần kỳ mong được thành kẻ khác”. Để đến tận cùng sâu thẳm uẩn khúc của lòng người, những nhà văn tự biến mình thành nhà thám tử không biên giới, với một trường điều tra khai thác không giới hạn. Họ không đưa ra những phán xét sơ sài, những kết luận vội vàng cũng không. Những nhận xét đánh giá của họ cân đối chừng mực. Và họ thành công trong việc thể hiện tinh tế chân dung không mấy đơn giản của những thân phận người phải chui rúc, phải kinh qua cái bể khổ trần gian mà không gì khác hơn là ngay chính cái đời sống xã hội cộng đồng. Hành trang lên đường của nhà văn nào có gì khác ngoài lòng khát khao hiểu biết, ý chí phá bỏ xiềng xích, nghĩa là vượt thoát ra khỏi sự ăn sâu bén rễ bền chặt ở quê hương sinh thành, có thể có hại cho sự thăng hoa hay cản trở sự lớn mạnh về tư duy. Sự kết đoàn liên minh những con người đào thoát - là nhà văn ly hương, sẽ có khẩu hiệu là lời tuyên xưng sang sảng của nhà văn Rumani gốc Do Thái, Benjamin Fondane, người đã chọn viết văn bằng tiếng Pháp: “Nhà văn chúng tôi chẳng thuộc về nơi nào cả/ Đất nước chúng tôi là con thuyền nhấp nhô đong đưa/ Bến bờ chúng tôi là liên hồi những đợt sóng”. Tác phẩm “Bài ca kẻ ly hương” của nhà văn là một dạng chỉ dẫn về thân phận tách rễ bứng gốc: thời điểm mà, mặc cho những ràng buộc nòi giống tổ tông, chúng ta vẫn cứ nhổ neo ra khơi, chúng ta dù phải đơn độc trong đêm trường tự thân, chúng ta vẫn mong gieo cấy để gặt hái được thân phận người, chúng ta vẫn “cất lời ước mong có bánh trái, có tàn phá/ có trìu mến, có mật ngọt, có ước mơ, có quyền năng”, lúc mà chúng ta mời gọi giông tố và lời than chúng ta vang xa khỏi con đường sử mệnh.

Bản thân tôi với những gắn bó nhợt nhạt với đất nước Việt Nam, tôi không hề có tham vọng lên tiếng nhân danh những con người ly hương dằn vặt giữa một bên là nỗi nhớ quê hương và một bên là ước ao khám phá những chân trời mới, giữa nhu cầu tự bảo vệ bản sắc không tham gia vào bất cứ cộng đồng nào và, cùng lúc, ước vọng sống hòa mình hội nhập vào tộc người quanh mình. Tôi cũng không mạo muội làm người đưa tin nhắn lời cho những con người ly hương, vì bản thân tôi đã bội phản đánh mất đi tiếng nói nơi sinh thành, để rồi sử dụng ngôn ngữ Pháp khi thuật lại kiếp đọa đày của những nhân vật đa diện, hai mặt, luôn vật vờ chao đảo giữa làn nước, cứ mãi nhìn ngược dòng đời nhưng lại âu lo tránh né những hệ lụy khôn lường của nỗi hoài cảm.

Mỗi tác phẩm văn học, theo tôi, phải là một sự cầu đảo: vừa như là sự trừ tà mong xua đi những ma hờn quỷ ám trong tâm thức có thể che mờ đi lý trí, vừa như là sự hiệp sức chống lại những thế lực u minh muốn trói mình lại trong ẩn nhẫn. Mỗi tác phẩm văn học phải là một cuộc phiêu lãng ở những miền đất chưa từng khai phá, vượt qua những làn ranh giữa mộng và thực, giữa cái lý tưởng và cái dung tục, giữa cái tôi và tha nhân. Mỗi tác phẩm phải là chính trị, theo nghĩa văn học tự chất vấn về vị trí của mỗi cá nhân giữa đồng loại, về sự đóng góp của cá nhân vào việc gìn giữ một số giá trị tinh thần như tình huynh đệ, lòng nhân đạo, về việc dễ - khó thích nghi hoàn cảnh của cá nhân theo sự xoay vần của con tạo, luôn có ít người được mà lắm kẻ mất. Âm thầm hình thành, mỗi tác phẩm văn học lại mang tính quật khởi: tác phẩm sẽ không để cho độc giả ngơi nghỉ bình thản, buộc độc giả tự cật vấn những nguyên tắc của bản thân, phải tự hỏi là con người xã hội phải chăng đã được đánh đổi bằng bản sắc riêng tư, hay là đã buộc khép mình vào quy ước xã hội để tìm lối thoát trong cảnh túng cùng nguồn lực. Và nhiều câu hỏi khác đại loại. Thái độ phải đạo là một lực liên kết mà dù muốn hay không hắn vẫn phải khuất phục? Hắn chỉ là con rối của một màn diễn được một ngài đạo diễn toàn quyền dàn dựng? Lo toan cho cái vị trí bản thân ở một cõi nào đó phải chăng đã lấn át hành trình dài lâu mở hướng tâm linh? Hắn có đeo đuổi những ảo ảnh về giàu sang vật chất, về danh giá vinh quang? Hắn có đánh đổi cái tự thân không khoan nhượng để nhận lấy một cảm giác liên đới liên kết thoáng qua? Hay đã phải khép mình vào những nghi thức ước lệ đến mức tê liệt, nhũn mình, chỉ biết dạ dạ vâng vâng? Đã phải rời bỏ cái vô xứ, cái ẩn địa một thời không người quen hay quê hương mà trông ngóng, để nhận lấy cái ao vũng nào đó mãi mãi là quá cảnh dừng chân? Nỗi đau của hắn có phải là do mất phương hướng, cái thoát ly văn hóa có kéo theo sự khép mình vô điều kiện vào những lề luật của tộc nhóm nơi hắn cố dung thân? Hắn có còn một đà lực nào không khi tự thân đã quá chán chường, co cụm, rã rời, không sao hồi ráp cái tôi đã vỡ vụn nghìn mảnh?

Sự cứu rỗi nằm trong cái ước mơ Viễn xứ, theo như cách định nghĩa của Victor Segalen. Ước mơ Viễn xứ không đồng nghĩa với hấp lực cõi bồng lai nhiệt đới, mà là cái hoan lạc của cái Đa thù đa hình, khi xuất hiện “phản ứng tươi nguyên lạ lẫm trong cái choáng váng của một nhân cách mạnh mẽ lúc đối mặt thưởng ngoạn khoảng cách trước một khách thể”. Những dị âm trở thành hòa âm của cái Đa thù. Cảm giác Viễn xứ, ý niệm cái khác biệt, tương ứng với hiểu biết về cái bên ngoài ta, không sao nắm trọn trong ta. Nhờ vào nhận thức sự Kia Khác, con người chúng ta sẽ bớt chật hẹp đi, dồi dào phong phú hơn. Sức mạnh Viễn xứ là một nguồn năng lượng sống động: đem lại cho những nhân cách mạnh cái quyền năng nhận thức khác đi. Nhà văn Victor Segalen nói rõ thêm: “Chính qua cái cái Kia Khác, trong cái Đa thù mà sinh tồn hưng phấn”

Vẻ đẹp của cái Đa thù là hòn đá tảng cho một nền văn học liên văn hóa, nơi giao hòa qua lại những kiểu thức tư duy, nơi đan xen những viện dẫn về di sản đây đó khắp bốn phương, nơi nhắc nhở tưởng nhớ những tác giả ở mọi chân trời góc bể. Nhưng không cho cảm giác như đa tạp, ngược lại đó là một tổng thể cố kết, gồm những thành phần chừng như dị biệt, thế nhưng hình thành nên một kết cấu phối hợp sung mãn những mặt đối lập. Sự giao lưu hòa nhập của một nền nghệ thuật chịu ảnh hưởng giao thoa văn hóa không phải là một điều bất đắc dĩ xuất hiện theo với toàn cầu hóa, với điều kiện những ai ủng hộ mở cửa đón nhận không phải là những kẻ hoạt đầu con buôn trưng ra món hàng viễn xứ, thích lòe loẹt, trộn lẫn thành mớ bòng bong những vay mượn đây đó, pha tạp đủ vị, thu nhặt một cách ngẫu hứng, và miễn sao họ biểu lộ được ước vọng đến với cái mới mẻ mới lạ.

Khó khăn khi phải sống ở đôi bờ văn hóa là chẳng phải thiên nga cũng chẳng phải ngỗng, sống trong một thứ tù mù bất định để không phải bị nêu danh đặt tên. Kẻ chuyển địa, bền bỉ tương tự một dạng thực vật, tồn sinh ở miền đất lạ, nỗ lực thoát khỏi mọi định danh xếp mục. Nhất là khi thế giới của hắn là lưỡng cực, khi linh hồn của hắn phiêu bồng bất định giữa những vùng đất đã định đạng, giữa Đông và Tây. Dù không phủ nhận cội nguồn, hắn đã phân thân làm hai, đi vào một hoàn cảnh không dễ nắm bắt, nhất là khi hắn đã dứt bỏ tiếng nói nơi chào đời để nắm vững hơn ngôn ngữ vùng đất ngụ cư.

Bản thân tôi là một trường hợp như vậy. Thời thơ ấu ở Việt Nam, tôi tiếp xúc rất sớm với ngôn ngữ Pháp. Tôi đọc chăm chú những tác phẩm cổ điển của nước Pháp, say mê tác phẩm những nhà Bách Khoa thế kỷ Khai Sáng. Tư duy tôi thấm đẫm những tác phẩm của V. Hugo, Verlaine, Rimbaud, thân quen với những vở của Racine. Tôi đắm mình trong những trang văn dòng thơ dạng Confessions của Rousseau, dạng đường xuống địa ngục của Nerval, lối cổ xúy cách mạng văn học của nhóm siêu thực hay các vị giáo chủ khuynh hướng Tân Tiểu thuyết. Mở lòng ra với tất cả mọi nguồn cảm hứng, tôi đã tích cóp những khám phá, mở rộng tư duy, tất cả là từ tiếp cận những kinh nghiệm táo bạo của những bậc siêu phàm dưới bầu trời châu Âu. Lề lối tư duy của tôi ánh lên cái tôi luyện lưỡng cực, cấu thành cái tâm thức sâu thẳm. Tôi đã bị giằng xé giữa cái thủy chung với phương Đông, mà cha tôi là hình ảnh, với cái cám dỗ của phương Tây, mà mẹ tôi là hiện thân, là người bạn của đất Pháp. Tôi đã say mê những tác phẩm của đất trời Paris. Tôi tự hào nắm được rốt ráo chủ đề của những văn hào nổi tiếng nhất, đọc không sót dòng nào những áng văn của những văn nhân không biên giới, mời gọi độc giả du hành đến những miền đối cực. Tôi đã nỗ lực sử dụng tiếng Pháp giỏi hơn cả người bản địa, với cái giá là từ bỏ sử dụng tiếng Việt. Tôi đã như “qua cầu rút ván”, không còn có thể quay về, với cảm giác ngất ngây của một kẻ biến hình, thay vai đổi dạng qua nhiều lớp lang: là công dân tương lai của hành tinh, là người đưa đò trẻ tuổi mong tạo khối gắn kết, là người nghệ nhân khả dĩ lôi cuốn các dân tộc gần lại nhau. Đồng thời lại có thể là kẻ gây rối khi đề cập những chủ điểm nhạy cảm nhất. Chẳng hạn như khi nhắc lại luận điểm của André Gide theo đó những nghệ sĩ tầm cỡ là kết tinh của những lần lai tạo, là kết quả của những lần chuyển cư bứng cây nhổ gốc. Là những kẻ xa lạ với chính mình, đôi khi xa lạ giữa ngay chính đồng bào của mình, họ đã biến cái bất an thành thế mạnh để nhào nặn nên cái tinh tế ngôn từ. Không hề có ý lạm bàn so sánh, tôi chỉ muốn nói bản thân tôi cũng là một sự lai tạo, vừa là kẻ ly hương được nhào nặn trong một nền giáo dục ưu tiên rất nhiều cho những sáng tác của phương xa, vừa là kẻ tỵ nạn từ chối giam mình trong sự kỳ thị hay cái phương Đông lạc hướng, vừa khát khao tự cởi bỏ những trở lực, lại vừa ước ao duy trì những mối dây thân thương với nơi sinh thành. Tôi đã chỉ tìm được con người chính tôi khi viết văn, khi lục lọi trong ký ức để hồi phục những thời khắc đau đớn hay thăng hoa, khi di trú từ miền tâm tưởng này sang miền tâm tưởng khác, khi tìm cách khai phá hơn nữa những phương thức biểu đạt hết mực riêng tư.

Tôi đã ước ao viết nên những câu chuyện trong đó nêu bật sự cùng quẫn của những con người hay âu lo khôn nguôi, không có lấy một định hướng, không có khả năng thăng tiến, vụng về che giấu sự thiếu thốn, nhưng theo cách của mỗi nhân vật, đó lại là những con người muốn quật khởi. Là người điên, kẻ hoài nghi, buồn chán, tang thương, hai mặt, thậm chí là đa diện, như ma ám, có thể sáng suốt đến bất lực, chẳng mấy thuận lý với chính mình, lệch pha với thời đại, thế nhưng nhân vật lại rất giỏi tránh né, lẩn tránh, đánh lạc hướng, kết nối ngoạn mục thực tại với cái thần kỳ. Có khuynh hướng quay về nội tâm, có thể song hành với từ tâm, thiên về phân tích mổ xẻ, đặt lại vấn đề, nhân vật như thế sẽ rất dễ phản kháng, làm chao đảo niềm tin hay cái tiện nghi tư duy quen thuộc của độc giả. Nhân vật nếu có tự khám xét bản thân mình thì cũng là để mổ xẻ soi rọi những thỏa hiệp của chính chúng ta. Nếu nhân vật có ngoái nhìn về cái đã qua, chính là nhắm để trở nên tốt hơn, dù vẫn mãi mãn kiếp là kẻ xa lạ. Nếu hắn bắt rễ vào nơi nào đó thì cũng chỉ gắn bó duy nhất vì chính sự tự do của hắn. Nếu là để minh chứng cho một ý tưởng, thì chỉ có thể là một sự xa lạ triệt để: điều mà nhà thơ Baudelaire gọi là chất gia vị tối cần thiết cho mọi cái đẹp.

Không đúng nơi đúng lúc, không được lòng, không phải đạo, những con người như vậy lại gợi ra những vấn đề không mong chờ như là: sự sống còn tàn dư của những thân phận lưu đày, việc nói không với thứ đạo đức xơ cứng, sự đối lập với áp đặt chuyên chế của cái bình thường, sự vượt qua những cấm kỵ xã hội, việc ly khai tách mình khỏi một thế giới khuôn thước, đối kháng với áp bức dưới mọi hình thức. Họ phải sống một kiếp triền miên lưu đày, ngay cả khi chẳng hề rời xa quê hương. Họ chỉ có thể nương náu ở ngay chính thân phận vô định và không khuất phục của mình. Cảnh báo của Armand Robin có thể giúp họ phòng tránh mọi lôi kéo hàng ngũ bầy đoàn: “Muôn đời tôi sẽ vẫn là kẻ xa lạ kỳ lạ/ Tôi như dành trọn đời để khử lấy đời mình”.

Song song với công việc sáng tác, tôi có một số bài viết để tán dương những tác giả đã là những con người tiên phong mở đường hay nổi dậy, là những kẻ ly hương tự tâm thức. Bản thân tôi tiếp tục đeo đuổi những câu hỏi mà các tác giả đã nêu ra về sự tồn vong của những quan niệm của chúng ta khi mà chúng ta vẫn cứ cố bám vào thứ chủ nghĩa ái quốc sô-vanh. Về tính xác thực của những phân tích khi mà chúng ta vẫn tiếp tục kích động những tranh chấp bè nhóm. Về nền tảng của những định đề chúng ta đưa ra khi mà chúng ta vẫn cứ xem địa ngục là do nơi những kẻ khác. Về sự co rút hiểu biết của chúng ta khi mà chúng ta tự giới hạn tầm nhìn với lối tiếp cận hạn chế ở cái thân quen. Về sự trống rỗng của những nguyên tắc xác tín của chúng ta khi trong cuộc sống chúng ta vẫn có thái độ thiên vị: em ruột thì trọng hơn em họ, em họ thì trọng hơn láng giềng, láng giềng thì trọng hơn kẻ lạ.

Trong khi đó, hấp lực của cái lạ lẫm xa lạ lại chính là một trong những đòi hỏi bức bách của con đường sáng tạo. Phải dấn mình lạc bước vào một thứ mê cung của những đắn đo và kinh hãi xuất hiện theo với sự đối mặt giữa cái tôi và cái Kia Khác bí hiểm cần làm sáng tỏ, miễn sao là phải sẵn sàng tự trút bỏ cái áo giáp phòng vệ của bản thân. Phải biết tự quên mình đi để có thể cho ra đời những con người đơn độc vị tha, những kẻ khập khiễng trên con đường tình ái, những con người neo đơn ước tìm kẻ cùng cảnh ngộ, những kẻ bất hạnh không lời an ủi nào xoa dịu, những sinh linh tự thân phân hóa, những kẻ bị xua đi khỏi chốn thiên đàng, những quái thú của lòng ích kỷ không sao mở tấm lòng với đồng loại, những phượng hoàng hồi sinh từ tro lửa, những con người độc đáo không thể nắm hiểu được, những kẻ hành hương là loài di trú.

Cần thiết phải xa lạ với tự thân để đạt đến một loại văn học không bị dẫn dắt sai bảo. Vì không chỉ đơn thuần nhắm đến dạng giải trí tầm phào, tác phẩm văn học thực thụ phải thúc đẩy chúng ta lần dò đến những tầng sâu của con người chúng ta, không nhằm thỏa mãn cái tôi vị kỷ, mà là để làm sáng tỏ những ghê tởm vô lý cản trở chúng ta bộc bạch. Thoát ra khỏi những định kiến về kẻ kia hoàn toàn khác với chúng ta, chúng ta đồng thời cũng thoát ra khỏi chính con người chúng ta, chúng ta sẽ lên đường thoát khỏi những lối biện luận đơn giản, những khái quát sơ sài. Chúng ta hướng đến tha nhân: tha nhân không là một thể trừu tượng phiền toái, giao điểm của những thù oán, báng bổ, mà trở nên một chất xúc tác cho một viễn ảnh con người đầy thần khí, cho sự vinh danh tất cả những gì thuộc về nhân sinh, không phân biệt quốc tịch, tôn giáo hay đẳng cấp. Như thế có là ảo tưởng không? Có là tư duy mông lung vô căn cứ? Tôi trót tin rằng tương lai của nhân loại có nền móng là những quan niệm nhân văn, chủng loài không thể xem là trên đà tuyệt chủng, mặc dù phải chứng kiến sự trỗi dậy của những luận thuyết độc hại về sự bất bình đẳng chủng tộc. Di sản của những nhà tư tưởng khuynh hướng nhân văn dành cho chúng ta chính là thái độ không đề kháng lại những gì chúng ta chưa nắm hiểu, và rằng chúng ta thăng tiến cùng lúc với nỗ lực triệt tiêu những định kiến có sẵn. Thuật luyện kim thần kỳ của chúng ta chính là làm thế nào không phủ nhận tha nhân - kẻ khác ta, không tạo ra một mối tương quan kiểu thống trị - bị trị, kiểu dân tộc thượng đẳng - dân tộc sơ khai, cho rằng các dân tộc sơ khai có may mắn được khai hóa cho thêm phần văn minh.

Sáng tạo đòi hỏi trau dồi cái ý thức xa lạ tuyệt đối, cái nội tâm man dại. Ý thức và nội tâm như thế sẽ tạo điều kiện cho sự giải độc đối với cái hữu lý lừa mỵ, sự vượt thắng của cái mặc khải, sự lên ngôi của ma thuật, sự bộc lộ của những hiện tượng huyền bí, sự nảy lộ của cái kỳ quặc, sự xuất hiện của những quỹ đạo lệch hướng, sự tận dụng thế không kiểm soát của các giác quan, sự bộc bạch của hoảng loạn, sự liên đới của những thái cực, cõi mộng mơ và lý trí lạnh lùng, sự khai thác khả năng vượt giới hạn, lan man vô định, tiếp cận những miền ngoại cảm, quê hương của đồng cốt, sự bộc lộ của khả năng ma lực, đào sâu xu hướng hoạt náo, năng khiếu diễn dịch cái thực tế kia khác, kích thích một nguyên lý sống động khác cho cơ thể văn học bất động khi cơ thể này chỉ duy nhất hấp thu những chân lý dạng an toàn trấn an.

Họ là kẻ lưu đầy không khoan nhượng với những đầu óc bảo thủ, kẻ xa lạ ở ngay chính quê hương mình, đã quen tính thoát ly sự bảo bọc, là kẻ độc lập không cúi mình trước bất cứ ngọn cờ nào, là ngoại lệ cận cái bất thường, là kẻ đạp đổ những học thuyết đang ngự trị, loại trừ tính thiếu khoan dung đang lây lan, là đối thủ của những đầu óc hóa thạch muốn khép kín biên cương mỗi nước, là kẻ mở đường say mê hướng đến những tác phẩm dậy men nổi dậy, là kẻ yêu mến những tìm tòi thực nghiệm ở phương trời xa lạ, là kẻ khoáng đạt phê phán ầm ĩ những hội đoàn khép cửa với những phát kiến phát minh, là con người quốc tế nuôi tham vọng tổng hòa nhiều khuynh hướng, dung hòa nhiều nền văn hóa. Họ chính là những nhà văn ở tiền tiêu của tính hiện đại, họ có thể nói theo cách của Armand Robin: “Tôi muốn nắm hiểu trái tim con người qua nhiều ngôn ngữ, nào Nga, nào Trung, nào Ả-rập/ Và cuộc hành trình từ nơi bạn đến nơi tôi/ Tôi mong có bao ngôn ngữ, bao hiểu biết dẫn đường”.

Làm người ly khai, lội ngược dòng, nhưng hiếu khách với những ai khác mình, những nhà văn là đại biểu cho một nghệ thuật sẽ là nơi đồng cảm giao hòa giữa người với người, theo như cách nói của Victor Hugo. Chúng ta cần họ để cho những ý tưởng của chúng ta không mốc meo đi vì sự thù hằn đối với những dân cư đến từ miền xa. Họ giúp những giao lưu trao đổi, sao cho chúng ta không phải sống trong một cõi khép kín, lòng khô cằn đi, nhưng đồng thời cũng không để bị lừa mỵ bởi cái xu hướng bình quân.

Bàn về những con người chuyển cư, tôi xin kết thúc ở đây với trường hợp Marina Tsvetaieva, một nhà thơ Nga có số phận bi đát. Lánh nạn ở Pháp, nhà thơ đã viết cho nhà thơ Đức Rainer Maria Rilke vào ngày 6 tháng 7 năm 1926 như sau: “Văn hào Goethe ở đâu đó có nói là chẳng thể nào viết được gì lớn lao nếu viết bằng tiếng nước ngoài. Nhận xét này theo tôi là không ổn. Viết ra những dòng thơ thì đã là dịch thuật, từ tiếng mẹ đẻ sang một thứ tiếng khác, bất luận bằng tiếng nào đi nữa, Pháp hay Đức. Chẳng có tiếng nào là tiếng mẹ đẻ. Làm thơ là làm trên cơ sở nào đó. Vì thế, tôi không thể hiểu nổi khi người ta nói đến những nhà thơ Nga hay Pháp, v.v. Một nhà thơ có thể viết bằng tiếng Pháp, nhưng đó không thể là một nhà thơ Pháp. Thật lố lăng… Chúng ta trở thành nhà thơ (giả như có khả năng trở thành, tất cả chúng ta không nên vốn sẵn la nhà thơ!) không để là Pháp, là Nga, v.v. mà là để trở thành tất cả. Hay là: là nhà thơ là vì không phải là Pháp. Quốc tịch là dung nạp và thải trừ. Con người Orphée đã làm vụn vỡ ý niệm quốc tịch. Hay là mở rộng nó đến mức mà tất cả (hiện tiền và quá khứ) đều dung nạp vào”.

L.L
(262/12-10)





Các bài mới
Các bài đã đăng