Tạp chí Sông Hương - Số 9 (T.10-1984)
Ngôi nhà ấy
14:28 | 14/12/2010
NGUYỄN MINH VŨKhông biết từ lúc nào, cứ đi ngang qua ngôi nhà ấy, giọng Liên lại lảnh lót vang lên. Cũng không biết tiếng “bố” xa lạ ấy trở nên quen thuộc với Liên từ khi nào. Bác có nhiều con trai - Liên không ngượng, các anh ấy đều ở xa.
Ngôi nhà ấy
Đàn trâu bên khóm tre - sơn dầu của Phan Xuân Sanh
Nhìn bác, người ta ngạc nhiên; ông già ngoài sáu mươi mà tóc vẫn đen. Sẽ ngạc nhiên hơn khi biết đó là ông cách mạng, bao nhiêu năm vào tù ra tội.

Những người như Liên thoạt đầu ghét ông; cũng không phải ghét mình ông. Tất cả những người ở “ngoài kia” vào, Liên gọi chung là “bộ đội” với giọng mỉa mai và có phần xem thường nữa. Họ vào làm đảo lộn cuộc sống “thần tiên”, làm tan vỡ những ước mơ không cơ sở của Liên cũng như bao nhiêu người khác. Họ muốn gần, muốn hiểu, Liên muốn xa lánh, muốn ác cảm. Họ sống giản dị, chân thật. Liên thích đem cái chân thật đó kể cho bạn bè nghe như những câu chuyện tiếu lâm.

Ngôi nhà ấy có mảnh vườn nhỏ, có rất nhiều cây ăn trái: nào chanh, bưởi, ổi, mãng cầu… Mấy đứa em Liên hay khoe “ông bộ đội cho đấy”. Nhiều lúc Liên đã cấm không cho chúng lấy, nhưng làm sao cấm trẻ con không được thương người đã yêu nó. Liên thầm nghĩ: ông muốn lấy lòng những người xung quanh người ta dám “mua danh ba vạn” cơ mà. Theo Liên việc gì phải thế: họ là người chiến thắng, họ có quyền.

Khi ngọn đèn đường sáng lên, người ta chào hỏi nhau, sau một ngày tất bật ngôi nhà ấy cũng ấm cúng hẳn lên, rộn tiếng nói cười. Những âm thanh vô tình buộc Liên phải suy nghĩ ước ao. Suốt ngày lăn lộn với cuộc sống, cha mẹ Liên đâu còn thì giờ để ngó ngàng đến con cái, công việc trong nhà đều phó thác cho Liên không đi đại học. Cô từ bỏ ước mơ của mình với ý nghĩ giản đơn: cho dù cha mình chỉ là nạn nhân, nhưng mang một vết nhơ trong lý lịch thì cơ quan nào sẽ nhận cô chứ đừng nói đến trường đại học. Với lại học cao làm gì? Mình học ngang đó cũng đủ để làm người. Hơn nữa, mấy người cách mạng vào, hình như họ cũng chẳng có bằng cấp gì, vậy mà cũng ông nọ, bà kia, cũng nhà cao cửa rộng. Ngay như bác Tám ngày trước đạp xích lô bây giờ cũng là phó chủ tịch phường hay chị gái giúp việc nhà Liên cũng là cán bộ phụ nữ khu phố… Liên mỉm cười chua xót, cô chỉ tự an ủi mình “như vậy là thực tế”. Càng nghĩ, Liên càng thương mình, oán đời. Những lúc như vậy, Liên nhìn qua ngôi nhà ấy với một cảm giác khó chịu pha lẫn hằn học.

***

Bao năm trôi qua, cô biết bao sự việc người ta đẩy vào dĩ vãng, người ta lãng quên… cho đến một hôm, vết thương cũ của ba Liên tái phát, không cách nào khác phải đưa qua bệnh viện. Nhưng qua viện để chữa bệnh hay mang thêm bệnh? Mẹ khóc, các em khóc, Liên ngồi nhìn ba quằn quại trên giường, mắt ráo hoảnh, trong Liên cứ vang lên câu hỏi tại sao? Vì ai? Nghe lời khuyên của hàng xóm, mẹ Liên như người sắp chết nước vớ được cọc, vội vàng qua nhờ bác hàng xóm dù sao tiếng nói của bác cũng bằng vạn tiếng nói của mẹ con Liên.

… Tiếng xe hon đa lao vút đi, xé rách màn đêm, Liên choàng tỉnh, đưa mắt nhìn xung quanh. Mọi người đã ra về gần hết, mấy đứa em Liên lại tiếp tục những giấc mơ dang dở của chúng. Liên ngỡ ngàng trước những gì vừa xảy ra. Bác đưa ba Liên đi bệnh viện thật ư? Không lẽ họ lại cứu kẻ thù, kẻ đã gây ra những đau thương mất mát cho bản thân, cho gia đình bạn bè bác? Có ai biết được những viên đạn của ba Liên ngày trước đã làm đổ máu bao người, nhưng người ta cũng dám bỏ phí một giấc ngủ để lấy tiếng lắm chứ. Liên cứ sống trong tình trạng nghi hoặc cho đến ngày ba cô ra viện.

Theo phong tục ở đây, có chuyện buồn người ta cúng cầu an, có tin vui người ta cúng để tạ ơn. Ba ra viện hôm trước, hôm sau mẹ chuẩn bị một lễ cúng thật to: trước, tạ ơn thần thánh sau cám ơn bác hàng xóm và những người xung quanh.

Đến tối, bác qua chia vui với gia đình Liên. Ba mẹ Liên và bác ngồi nói chuyện rất lâu. Ngồi trong phòng Liên nghe nhắc đến tên mình nhiều lần. Liên lặng im, cô vẫn tránh mặt, cho dù đó là ân nhân của gia đình mình. Liên quí việc nghĩa bác vừa làm, nhưng gần gũi, tin yêu một người cách mạng như bác thì chưa thể…

Một hôm Liên đánh liều qua nhà bác để thỏa mãn tính tò mò. Họ sống ra sao?

Bác ngồi đọc sách bên cửa sổ thoang thoảng mùi thơm của các loài phong lan, chú mèo mướp lim dim bên cạnh. Từ bác toát lên vẻ trong sáng bình dị. Liên thầm nghĩ “sao mình cứ ác cảm”.

Bàn thờ Phật khá lớn, choán gần hết gian giữa, còn lớn hơn cả bàn thờ nhà Liên. Cô buột miệng:

- Ủa, bác cũng tin?

Bác nhìn Liên bao dung:

- Cháu nghĩ gì về người cách mạng.

Và bác nói cho Liên hiểu: ngôi nhà của ông mệ để lại, bác không muốn vội xáo trộn.

Bác hỏi Liên về gia đình, về học hành, về quan điểm của cô trước cuộc sống. Không thể nói dối trước một người như bác. Liên đã trút bỏ tất cả những hoài nghi, những mặc cảm chất chứa trong lòng về người cách mạng. Bác nhìn Liên, cái nhìn của người cha. Liên đọc được trong cái nhìn ấy - bác đang lặng đi vì sự mất mát lòng tin giữa bác và những người xung quanh.

Suốt buổi chiều, Liên cứ nghĩ về bác, về ngôi nhà ấy, về những người cách mạng. Họ cũng sống và sinh hoạt như bao gia đình khác. Liên nhớ tới câu nói của đứa em gần út “còn cực hơn nhà mình nữa”.

Một tối, Liên tới thăm bác. Dạo này lúc rảnh Liên lại thích qua ngôi nhà ấy, chưa kịp mở cổng, Liên nghe giọng nũng nịu của cô gái từ trong vọng ra.

- Chỉ cần một tiếng nói của ba thôi con sẽ được ở lại. Hay ba không thương con nữa.

Vẫn giọng hiền hiền, Liên nghe bác nói:

- Có cha mẹ nào không thương con, không muốn con cái bên mình khi tuổi già sức yếu. Một tiếng nói của ba, con sẽ ở lại thành phố, chăm sóc khi ba ốm đau. Nhưng con nghĩ xem, ba có sống mãi để lúc nào cũng đem tiếng nói của mình nâng đỡ đời con đâu. Con phải tự tạo cho bản thân một chỗ đứng bằng trí tuệ và nghị lực của mình, con sẽ làm được gì khi con đứng trong chân không?

Thuyết phục không được, cô gái đổi qua giọng giận dỗi:

- Ba làm thế để chứng minh ba là người cộng sản ư? Bao nhiêu năm, ba được cái gì nào? Vẫn đôi dép lốp, bộ quần áo công nhân bạc phếch và cái xe đạp cọc cạch. Trong khi những người khác…

Không khí như đọng lại, Liên nép sát vào cổng để nghe giọng bác thủ thỉ:

- Con người, ai không mơ ước cái đẹp. Nhưng ba muốn cái đẹp không chỉ cho riêng mình mà cho xã hội. Con xem cuộc sống của những người xung quanh ra sao? Con nói đến cái được, cái mất sao con không nghĩ đến sự thanh thản trong lòng người. Ba tin rằng những con người muốn nhắc tới, họ luôn luôn tự lừa dối bản thân, để rồi lo âu về sự dối trá của mình.

….

- Con có nhớ bác hồi chiều không?

- Hay là con vào nhờ bác ấy, chỗ ba với bác thế nào cũng được.

- Ba không ngờ con có những suy nghĩ lạ lùng. Tại sao son cứ thích nhờ vả, thích ỉ lại. Ba lấy làm xấu hổ về những suy nghĩ của con.

- Thưa, nhưng mà…

- Con chưa làm được gì, trong khi với cuộc sống con “nhưng mà” quá nhiều. Cái xấu ít, nhưng nó hay nổi váng, dễ thấy. Những con mắt nông cạn họ chỉ thấy cái váng bẩn đó mà thôi. Ba lo cho con.



Cơn dông đã đến gần, tiếng sấm ùng oàng. Thoảng vài giọt mưa. Liên vẫn đứng yên. Cô muốn được nghe hết cuộc đối thoại ấy. Bác nói với con gái của bác, cô kỹ sư vừa ra trường cũng là nói với Liên, với tất cả những thanh niên đang ở lứa tuổi vào đời.

Mưa mỗi lúc một nặng hạt. Những tia chớp đang xé rách màn đêm. Những tia chớp nhỏ thôi nhưng đã làm sáng cả khoảng trời.

N.M.V.
(CLB Văn học Thanh niên Huế)
(9/10-84)





Các bài mới
Nhịp hai (12/01/2011)
Tuyết tan (04/01/2011)
Các bài đã đăng