Tạp chí Sông Hương - Số 10 (T.12-1984)
“Nê ngõa tượng cục” (*) với các công trình kiến trúc ở Huế
10:34 | 10/01/2011
NGUYỄN HỮU THÔNGTìm cách để sử dụng tốt các ngành nghề thủ công cổ truyền là phương hướng đúng đắn để giải quyết không những vấn đề kinh tế của mỗi địa phương mà còn tạo điều kiện để duy trì và phát triển những vốn quý của dân tộc.
“Nê ngõa tượng cục” (*) với các công trình kiến trúc ở Huế
Mái ngói Hoàng lưu ly tuyệt đẹp trong Đại nội Huế - Ảnh: baodatviet.vn
Trong tinh thần ấy, chúng tôi giới thiệu đôi nét về Nê ngõa tượng cục, tổ chức của những người thợ xây, làm gạch ngói ở Huế từ thời phong kiến nhà Nguyễn và tên gọi này ít nhiều vẫn còn tồn tại cho đến bây giờ.

Kinh đô Huế, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của phong kiến Việt Nam vào thế kỷ XIX, đã từng là nơi tụ hội của rất nhiều thợ thủ công lành nghề khắp nước. Trong đó, từ thế kỷ XVI (1558) với mưu đồ cát cứ, xây dựng cơ ngơi riêng cho mình Nguyễn Hoàng trên bước đường vào Nam đã chiêu mộ rất nhiều thành phần phò tá giúp đỡ mình, dĩ nhiên, trong đó có không ít những người thợ thủ công giỏi.

Sau khi thoát khỏi sự kiềm tỏa của nhà Trịnh ở đàng Ngoài, các chúa Nguyễn kế tục đã bắt tay vào việc kiến tạo và xây dựng cơ sở vật chất thiết lập nền móng cho một triều đình riêng. Hàng loạt các biện pháp phát triển nông, công, thương nghiệp được thi hành. Các công tương (dạng công trường thủ công phong kiến) phát triển nhanh chóng, hoạt động trên khá nhiều lĩnh vực (1), trong đó có ngành sản xuất vật liệu xây dựng, cũng như đội ngũ những người thợ xây đã phát triển vững vàng, có qui mô đủ để đáp ứng với yêu cầu cấp bách này (2).

Đến thời các vua Nguyễn, trong điều kiện đất nước thống nhất đã mở mang và kiến tạo nhiều công trình lớn, Bộ công trong lục bộ của chính quyền trung ương đã trực tiếp biên chế, điều hành lực lượng những “người lính xây dựng” qua tổ chức công tương nhà nước mà ngày nay dư vang ấy vẫn còn tồn tại ít nhiều dưới danh nghĩa “Nê ngõa tượng cục”.

Ngói thanh lưu ly màu xanh ngọc bích - Ảnh: baodatviet.vn


XÓM NGÕA TƯỢNG

Nằm giữa 2 làng Địa Linh và La Khê, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 3km về hướng Bắc, xóm Ngõa tượng là một dải đất hẹp với diện tích trên dưới 2 mẫu, nằm tại xứ Cay vông hạ, thuộc phận làng Địa Linh, tổng Phú Xuân huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên cũ và nay thuộc xã Hương Vinh thành phố Huế.

Trong thời nhà Nguyễn, do yêu cầu phát triển của ngành xây dựng, những người thợ nề, thợ làm gạch ngói khắp nơi được trưng tập về kinh đô làm việc. Trong điều kiện từ xa đến phục vụ, đội ngũ những người thợ lành nghề này đã được nhà Nguyễn cắt một dải đất nằm dọc theo con “hói hàng Tổng” (3) để họ cư trú, nằm trong địa phận làng Địa Linh.

Qua các gia phả mà chúng tôi tìm thấy trên xóm Ngõa tượng, họ vốn là dòng dõi của những người thợ nổi tiếng trong ngành nề ở Kim Bồng (Quảng Nam) và Thanh Hoá. Họ đến đây từ những địa phương khác nhau, sau khi công tượng giải tán, phần lớn trong số này đã trở về quê quán, chỉ có một ít gia đình tình nguyện ở lại sống trên xóm Ngõa tượng cho đến bây giờ. Hiện tại xóm Ngõa tượng chỉ còn 24 gia đình đang cư trú, kể cả một số ít hộ mới nhập cư sống bằng những nghề nghiệp khác.

Nê ngõa tượng đường nơi thờ vị tổ sư ngành nề và làm ngói cũng được dân “hàng cục” (4) xây dựng và thờ cúng trong xóm Ngõa tượng (5). Mỗi năm cứ đến ngày 24 tháng 11 (ÂL) các phái (6) thợ nề khắp tỉnh Thừa Thiên cũ lại quy tụ về đây kỵ tổ sư. Trong bài vị thờ tại Nê ngõa tượng đường ông tổ nghề người họ Hoàng (Hoàng Ngọc Quốc Công) và hiện ở đó còn giữ một sắc chỉ vào triều Bảo Đại phong “Dực bảo trung hưng linh phù chi thần” thay cho một sắc chỉ vào triều Tự Đức đã bị tiêu hủy.

CƠ CẤU TỔ CHỨC

Ngành thợ nề thời phong kiến nhà Nguyễn hoạt động trong tượng cục trực thuộc ty tu tạo là một trong 5 ty dưới quyền quản lý của bộ Công. Năm Minh Mạng thứ 13 trong ty chế tạo (tức ty tu tạo) gồm chủ sự 1 người, tư vụ 2 người, Bát cửu phẩm thư lại 2 người và số lính thợ trong ty là 25 người.

Các công trình kiến trúc giao cho ty tu tạo đều do bộ công quản lý và đặt bản thiết kế, coi sóc, giám định cũng như tính toán vật liệu chi dụng theo yêu cầu của công trình.

Nê ngõa tượng cục ngoài chức năng thực hiện những nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của bộ công, còn song song tồn tại một tổ chức có tính chất dân gian được gọi là “Hàng Cục”. Bởi thực chất, trong các tổ chức tượng cục, ngoài số lượng lính thợ không nhiều, trực thuộc biên chế chính thức của nhà nước, đặt trong cơ cấu thường trực của ngạch binh, còn có một số lớn thợ thuyền chỉ thực hiện các công trình mỗi khi có lệnh điều động của ty tu tạo.

Do yêu cầu công tác của nhà nước phong kiến, mức độ trưng thu sử dụng số lượng thợ thuyền không thường xuyên giống nhau. Cho nên, để duy trì sinh kế cho số lớn thợ thuyền ở khắp nơi, ngoài thời gian tập trung toàn bộ cho các công trình trọng điểm, lượng thợ này vẫn tiến hành thực hiện các công trình tư của quan lại hay trong dân gian dưới sự điều động của một tổ chức “hàng cục” mang tính nội bộ, độc lập. Tuy nhiên đứng đầu tổ chức này cũng là những thành viên được nhà nước phong phẩm hàm. Sở dĩ có vấn đề này vì ngoài việc nhà nước muốn kiểm soát được phần nào hoạt động của các phái thợ khắp nơi, họ còn nắm được kế hoạch để điều động được ngay số lượng thợ thuyền cần thiết khi có công trình nhà nước được triển khai.

Trong một văn bản được gọi là “Chúc thư hàng cục” viết vào năm Tự Đức thứ 34, vào thời ấy tổ chức hàng cục đã có 32 phái đặt dưới sự lãnh đạo của ban chấp hành hàng cục gồm 1 cục trưởng 1 kháng thủ, 1 thư ký và 1 kiểm lễ.

Cục trưởng là những “công sư” danh tiếng do hàng cục bầu lên và được triều đình phong phẩm hàm. Ban chấp hành hàng cục lãnh đạo các phái trong lĩnh vực nghề nghiệp và lễ nghi phong tục. Sau này khi tượng cục không còn tồn tại đúng chức năng của nó nữa thì Ban chấp hành hàng cục vẫn tồn tại với tư cách lãnh đạo nghề nghiệp trên danh nghĩa, thực chất chỉ đóng vai trò điều hành trong lĩnh vực nghi lễ và tương tế.

KỸ THUẬT XÂY DỰNG

Trên phương diện chuyên môn, người thợ nề xuất hiện trên các công trình kiến trúc đều đảm đương mọi kỹ thuật từ khi đặt móng cho đến khi công trình hoàn tất dưới sự chỉ đạo của các công sự (đối với các công trình lớn).

Thời phong kiến, các lăng tẩm, đền đài, phủ đệ của quan lại, nhà giàu có, nguyên vật liệu xây dựng thường cầu kỳ và nhiều nơi phải vận chuyển từ xa.

Xây móng và tường ngoài người thợ thường sử dụng các loại gạch chuyên, gạch vồ, có nơi còn xây những loại đá bùng, đá ong, đá chai, đá hoa cương, đá cà lôi (7) tô trát các loại vôi trên vách thường phải tuân thủ những công thức pha chế riêng với những đặc tính khác nhau như: vôi hồ, vôi tro, vôi thau, vôi mật, vôi giấy, vôi bôi…(8).

Quá trình hình thành một công trình kiến trúc lớn hay nhỏ đều trải qua các khâu xây dựng chính như đào móng, xây tường, gầy nóc, lộp ngói. Những cấu kiện của bộ sườn, cửa… đều là những sản phẩm đặt làm ở bộ phận mộc theo yêu cầu của đồ án. Ngói lợp ở mái, trong các công trình xây dựng của triều Nguyễn thường có nhiều loại, cung ứng cho từng bộ phận của mái hoặc tính chất của công trình như: ngói âm, ngói dương, ngói liệt, ngói quế, ngói vỏ mang, ngói câu đầu, đích thủy (mặt quý), (chữ thọ)… (9)

Các kiến trúc cung đình nhà Nguyễn nổi tiếng với kỹ thuật khảm sành sứ (10) với bàn tay khéo léo của các nghệ nhân trong tượng cục, những mảng khảm sành sứ đã làm cho công trình trở nên lộng lẫy uy nghi. Đây còn là đặc trưng nổi bật và đạt đến đỉnh cao trong nghệ thuật kiến trúc đời Nguyễn.

Để có được cơ ngơi còn lại ngày nay, với những công trình xây dựng có giá trị về mặt quy mô cũng như nghệ thuật đội ngũ những người thợ xây đã cống hiến biết bao tài năng thậm chí cả máu và nước mắt của mình.

Trong điều kiện làm việc dưới sự cưỡng bức và bạo lực, lịch sử dân tộc ta đã từng chứng kiến sự nổi dậy của tập thể những người thợ xây mà điển hình là cuộc khởi nghĩa của Đoàn Trưng dưới triều Tự Đức. Một công trình lăng tẩm hình thành trong sự rên xiết của biết bao tầng lớp quần chúng:

Vạn niên là Vạn niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân”


Thế nhưng với lòng yêu nghề, sự đam mê, những tài năng của đất nước đương thời dù không có điều kiện để phát huy tột bực nhưng các công trình để lại tuyệt nhiên không phải chỉ để kể về số lượng, mà đó là sự kết tụ những yếu tố nghệ thuật mang trên mình cốt cách, tinh hoa của dân tộc.

Ra đời từ một công tương của nhà nước phong kiến, nhưng tổ chức Nê ngõa tượng cục vẫn thực hiện song song những yêu cầu của nhân dân. Bên cạnh đội ngũ biên chế vào các cơ ngạch lính thợ của triều đình thì những phái thợ ở khắp nơi trong những lúc không bị trưng tập vẫn hoạt động thường xuyên ngành nghề của mình ở từng địa phương. Họ gắn bó với nhau trong một tổ chức mà ngày càng đi vào quỹ đạo của Phường hội dân gian. Nê ngõa tượng cục hiện tại gồm các thành viên khắp nơi quan hệ với nhau trên lĩnh vực nghề nghiệp chỉ còn thể hiện ở lĩnh vực nghi lễ cúng giỗ tổ sư và tương tế.

Trong chương trình tái thiết các khu di tích lịch sử văn hoá dưới sự bảo trợ của UNESCO hiện nay ở Huế các thành viên trong Nê ngõa tượng cục đã góp phần không nhỏ trong công tác trùng tu bước đầu với trên dưới hai mươi thành viên, trong đó có những bàn tay khéo mà ông cha họ đã từng đóng góp dựng nên những công trình ấy. Qua thời gian và những biến động lịch sử, đôi tay của thế hệ tiếp nối đang phát huy tài năng để hàn gắn những đổ vỡ và đào tạo thế hệ kế nghiệp.

N.H.T.
(10/12-84)




-----------------
(*) Nê ngõa tượng cục: - là một từ Hán có nhiều nghĩa: 1-bùn; 2-vật giã nhỏ, nát ngấu; 3- mềm yếu; 4- bôi, trát. Ở đây dùng để chỉ ngành thợ nề.
Ngõa - có nghĩa là ngói.
Tượng cục - Có thể tạm hiểu đó là một tổ chức gồm đội ngũ những người thợ lành nghề hoạt động trong các công trường thủ công thời phong kiến, chuyên sản xuất sản phẩm hay thực hiện những công trình nào đó thuộc ngành nghề của mình theo yêu cầu của triều đình.

1. Chẳng hạn như : Nội kim cương cục (cục thợ vàng), Ty ngân tượng (ty thợ bạc), Ty chú tượng (ty thợ đồng), Cẩm ty tượng (ty dệt gấm)…
2. Đương thời các công trình kiến trúc đã được Lê Quý Đôn hết lời ca ngợi “Điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ mái lớn nguy nga, đài cao rực rỡ, mà giải võ, tường bao quanh, cửa bốn bề chạm khắc vẽ vời, khép đẹp cùng cực” (Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục - Nxb Khoa học Hà Nội 1964 - tr.114).
3. Tên một mương nước lớn, một công trình thủy lợi của dân tổng Phú Xuân tưới cho cánh đồng lúa của hai làng Địa Linh và La Khê.
4. Tên gọi tập thể những thành viên của Nê ngõa tượng cục.
5. Theo lời kể của các thành viên lão thành xóm Ngõa Tượng thì ông tổ họ Hoàng (Huỳnh) người gốc Thanh Hóa và là ông tổ chung ngành nề của cả nước . Tuổi thanh niên ông đã theo Đinh Tiên Hoàng, trách nhiệm kiến tạo kinh đô Hoa Lư. Tiếp đó ông còn có công giúp nhà Lý xây dựng Thăng Long. Ông còn chỉ đạo xây dựng hàng chục công trình khác còn lại đến ngày nay. Với tiếng tăm ấy bọn phong kiến Trung Quốc buộc triều đình Đại Việt phải đưa ông theo đoàn thợ giỏi triều cống. Cuộc đời của ông ta đã dành hơn 60 năm cho sự nghiệp kiến trúc và buộc phải ra đi khi đang còn xem những công trình đang xây dựng dở dang của mình.
6. Phái là đơn vị nhỏ hơn cục, đó là những tốp thợ của từng địa phương chịu sự lãnh đạo của cục.
7, 8, 9, 10: Chúng tôi sẽ trình bày kỹ vấn đề này trong một dịp khác.




Các bài mới
Biển tuổi thơ (11/02/2011)
Các bài đã đăng