Tạp chí Sông Hương - Số 10 (T.12-1984)
Từ địa phương miền Trung trong thơ Tố Hữu
14:27 | 11/01/2011
XUÂN NGUYÊNHơn ở đâu hết, thơ mang rất rõ dấu ấn của người làm ra nó. Dấu ấn đó có thể là do kinh nghiệm sống, do lối suy nghĩ… đưa lại. Đứng về mặt nghệ thuật mà nói, dấu ấn trong thơ có thể được tạo nên bởi lối diễn đạt, bởi mức độ vận dụng các truyền thống nghệ thuật của thơ ca.
Từ địa phương miền Trung trong thơ Tố Hữu
Ảnh: anninhthudo.vn
Thơ Tố Hữu biểu hiện rất rõ con người của nhà thơ. Cái đó do nhiều nhân tố tổng hợp lại. Ở đây, tôi chỉ đi vào một khía cạnh nhỏ, thử tìm hiểu: Tố Hữu đã vận dụng các từ địa phương miền Trung vào thơ như thế nào. Từ địa phương, như chúng ta đều biết, là những từ không nằm trong vốn từ vựng của dân tộc. Những từ này chỉ lưu hành trong một phạm vi hạn chế, tác dụng thông báo (đứng về mặt từ vựng học mà xét) cũng không lớn lắm. Nó thường được vận dụng trong ngôn ngữ văn học để tăng thêm tính cụ thể cho nhân vật, sắc thái biểu đạt của tình cảm. Và cũng chỉ trong ngữ cảnh ấy, từ địa phương mới có thể hiểu được đối với mọi người.

Tố Hữu ngay từ đầu đã rất có ý thức trong việc vận dụng từ địa phương vào trong thơ của mình. Có phải vì anh là người con của dải đất miền Trung còn lưu giữ nhiều vốn từ địa phương đậm nét quê hương hay là do một hướng suy nghĩ, muốn thơ gần hơn với mọi người? Chắc là cả hai. Điều đáng chú ý là trong bốn tập thơ của Tố Hữu, số lượng bài có sử dụng từ địa phương thay đổi rất khác nhau. Ở tập thơ đầu tay “Từ ấy” con số đó là mười bốn. Đến “Việt Bắc” hầu như không có; “Gió lộng” chỉ có một. Ở “Ra trận”: ba bài. Còn trong “Máu và hoa” là hai. Chủ yếu đó là những bài viết về miền quê của tác giả hoặc nói về những tình cảm của con người quê hương, nên những từ địa phương trong đó thêm sức biểu hiện cho thơ. Một điều đáng chú ý nữa là: từ địa phương thường được Tố Hữu sử dụng trong các bài thơ nói lên những cảnh ngộ, những tâm trạng cụ thể có ý nghĩa điển hình. Như vậy chúng ta thấy trong thơ Tố Hữu, từ địa phương không phải là một thứ đồ trang sức để làm ra vẻ khác lạ, khó hiểu mà là để phục vụ cho một ý đồ nghệ thuật. Chung quy lại, cũng là để phục vụ cho chủ đề tư tưởng của bài thơ.

Vậy thì, từ địa phương trong thơ Tố Hữu đã có tác dụng gì?

Thường trong một bài thơ, Tố Hữu sử dụng vài ba từ địa phương để vừa tạo nhạc điệu cho câu thơ, vừa tăng thêm sắc thái tình cảm. Hai mặt này ta bắt gặp rất rõ trong cặp từ “mô-vô”. Đây là cặp từ mang tính chất địa phương được Tố Hữu sử dụng nhiều nhất, cũng là cặp từ có giá trị dễ thừa nhận nhất. Tôi xin dẫn một số thí dụ. Trong bài “Tiếng hát sông Hương” Tố Hữu làm lời cô gái than khóc:

Em đi với chiếc thuyền không
Khi
mô vô bến rời dòng dâm ô
Trời ôi em biết khi mô
Thân em hết nhục dày vò năm canh.


Với sự bắt vần của (mô-vô-ô), câu thơ diễn tả được nỗi lòng u buồn của cô gái muốn làm lại cuộc đời. Còn gì là tình cảm, là thơ nữa nếu bằng phép liên tưởng trong ngôn ngữ học, ta thấy cặp “mô-vô” bằng cặp “nào-vào”.

Khi nào vào bến rời dòng dâm ô.

Không những nhạc điệu câu thơ bị phá vỡ (sự liên tục của hai nguyên âm o, ô trong các từ mô - vô - ô, mô-vô bị cắt xẻ) mà ý nghĩa cũng bị đổi khác.

Ở một bài khác - “Hoa tím”, Tố Hữu lại viết:

Bữa mời bạn chơi Huế

Thay đổi cặp từ “mô-vô” bằng bất cứ một cặp từ nào khác cũng sẽ làm giảm giá trị của bài thơ rất đậm đà tình nghĩa này. Cả bài thơ bốn câu: vừa cô đọng nỗi nhớ thương quê hương da diết, vừa mặn nồng lời mời bạn vào quê chơi, tình cảm thật sâu nặng. Cũng như vậy, trong “Nước non ngàn dặm” khi nói về tình cảm hai miền mong chờ ngày thống nhất, nhà thơ lại dùng đến cặp từ này:

Cách ngăn mười tám năm trường
Khi mô mới được nối đường vô ra?


Giá trị của từ địa phương ở đây nghiêng về phía biểu đạt sắc thái tình cảm.

Có khi, từ địa phương lại được dùng để nhấn mạnh, để diễn đạt đúng điều mà nhà thơ muốn nói. Tựa hồ như trong những trường hợp ấy, từ địa phương chiếm ưu thế tuyệt đối so với từ phổ thông toàn dân tộc. Nếu máy móc, đơn thuần thay thế từ địa phương ấy bằng một từ nào khác đó, thì vô tình đã làm thay đổi ý nghĩa của cả câu thơ. Ví như những câu này:

Tôi chất cả vào rương còn lưng lẻo
                                    (Hy vọng)

Không thể nữa lơi chèo hay quay lái
                        (Giờ quyết định)

Choa đói choa rét, bay thù gì choa
                       
(Tiếng hát trên đê)

Vẫn dựa trên phép liên tưởng của ngôn ngữ học ta thử đưa từ “lỏng” hoặc “vơi” vào vị trí của từ “lưng”. “Lưng” đây nếu là trong “lưng vốn” thì nó hoàn toàn có thể bị thay thế bởi từ “vơi” - cùng là chỉ một cái gì lúc đầu đầy đủ, về sau bị bớt đi. Nghĩa của “lưng” ở đây lại khác. “Lỏng” không thể thay được cho “lưng” vì “lỏng” vốn chỉ một cái gì không chặt, không ổn định, xộc xệch, nghĩa ấy từ “lưng” không có. Vậy nên nếu thay thế ta sẽ có:

“Tôi chất cả vào rương còn vơi lẻo”
“Tôi chất cả vào rương còn lỏng lẻo”
- mà nghĩa không còn như câu thơ đầu. “Tôi chất cả vào rương còn lưng lẻo” - ý muốn nói nhiệt tình của người thanh niên buổi đầu đến với cách mạng rất háo hức, hăng say, nhận bao nhiêu cũng chưa đủ, vẫn còn muốn nhận nữa những gì mà cách mạng đưa đến.

Cũng như vậy, ta sẽ không giữ được nguyên vẹn giá trị, ý nghĩa của câu thơ “Không thể nữa lơi chèo hay quay lái” nếu như thay “lơi” bằng “lỏng” hoặc bằng “buông”. Chỉ có thể giữ nguyên từ “lơi” mà thôi.

Đến như câu thứ ba “choa” là một đại từ chỉ ngôi thứ nhất, số nhiều, kiểu như “chúng tôi, bọn tao…”. Về mặt chức năng ngữ pháp thì giữa các từ nầy có sự giống nhau, tương đồng. Nhưng ở đây không thể thay thế “choa” bằng “chúng tôi, chúng tao…” được. Như thế nó sẽ dẫn đến tình trạng: Câu thơ bị mở rộng, phá vỡ nhịp 2/2/4 rất dồn dập, làm giảm bớt tính chất quyết liệt, mạnh mẽ mà câu thơ diễn đạt. Có thể nói, những từ địa phương này đã được sử dụng một cách đắc địa, góp phần nâng hẳn nội dung câu thơ chứ không phải là làm cho câu thơ rậm rạp và rối rắm.

Lại có lúc, từ địa phương được Tố Hữu sử dụng hình như thừa, không cần thiết. Đó là trường hợp, trong cùng một câu thơ, anh vừa dùng một từ địa phương lại vừa dùng một từ phổ thông đồng nghĩa gần như tuyệt đối với từ địa phương ấy.

Đi mô cho ngái cho xa
            (Chuyện em)

“Ngái” cũng có nghĩa là “xa”. Vậy trong trường hợp này, từ địa phương được dùng có giá trị gì? Không thể nói là nhà thơ do bị ràng buộc về luật bằng trắc nên mới làm ra như thế. Theo tôi vì đây là lời một bà mẹ nói với con nên Tố Hữu muốn giữ cho tính địa phương đậm hơn, vừa cũng là để nhấn mạnh cái ý muốn nói:

Đi mô cho ngái cho xa
Ở nhà với mẹ đặng mà nuôi quân.


Tô đậm tính địa phương khi nói tới những cảnh ngộ, những tâm trạng cụ thể trong hoàn cảnh cụ thể của địa phương là một dụng ý nghệ thuật của Tố Hữu. Và nhà thơ đã thành công trong việc này. Không ai quên được dáng hình, công việc và lời kể chuyện của mẹ Suốt qua cái tài và cái tình của nhà thơ:

- Tàu bay hắn bắn sớm trưa
Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò
Ghé tai mẹ, hỏi tò mò:
- Cớ răng ông cũng ưng cho mẹ chèo?


Người ta đã nói tới thành công nghệ thuật của Tố Hữu trong bài thơ “Mẹ Suốt”: rất dân tộc mà không vè khi sử dụng thể thơ lục bát. Tôi có thể nói thêm: nhà thơ cũng đã thành công trong việc sử dụng từ địa phương để khắc họa hình tượng, để bộc lộ cảm xúc. Cứ thử cất đi những từ như rứa, tui, cớ răng… mà xem, bài thơ đã mất hay nhiều rồi.

 Tố Hữu còn mạnh dạn trong việc dùng một số từ địa phương hầu như vô nghĩa, hoặc là những từ có sắc thái tu từ khác biệt với từ chung toàn dân tộc. Những từ đó vẫn hiểu được, vẫn có giá trị thẩm mỹ trong mối liên hệ hữu cơ với toàn bộ câu thơ. Điểm đáng nói là Tố Hữu đã vận dụng chúng rất đúng lúc, đúng chỗ; ở vào các trạng thái tình cảm khác nhau mà lại rất tự nhiên, thoải mái. Ta hãy xem từ “nờ” trong hai câu thơ sau:

Gan chi gan rứa mẹ nờ?
                        (Mẹ Suốt)

Chuyện em rứa đó, anh nờ?
                       
(Chuyện em)

Từ “nờ” ở đây biểu thị tình cảm giữa hai người khác nhau về độ tuổi. Nhưng khi nhà thơ là đứa con trò chuyện với mẹ thì từ “nờ” ấy giúp cho câu thơ bộc lộ một sự cảm phục pha lẫn sự ngạc nhiên. Còn từ “nờ” trong câu thơ thứ hai lại giúp cho nhà thơ hiểu rõ hơn về tầm vóc lớn lao của đứa em - khi nhà thơ là người anh.

Trong ngôn ngữ chung toàn dân, từ “mụ” vốn từ lâu mang một sắc thái tình cảm xem thường, coi khinh. Đứng về mặt nghĩa chứa đựng trong từ mà nói, “mụ” chỉ có nghĩa là đàn bà. Nhưng về phương diện là một từ địa phương miền trung, từ “mụ” lại được dùng để chỉ người vợ với tấm lòng yêu thương, chăm sóc của người chồng. Phạm vi nghĩa của từ “mụ” địa phương chung với toàn dân tộc như đã nói trên, đã thu hẹp lắm rồi. Tố Hữu ý thức rất rõ về điều đó, đã không ngần ngại khi viết:

Coi chừng sóng lớn gió to
Màn xanh đây mụ đắp cho kín mình
                       
(Mẹ Suốt)

Có thể nói dùng từ “mụ” ở đây là một sáng tạo của Tố Hữu. Câu thơ đắm thêm vì tình cảm của đôi vợ chồng già, lại ngời lên bởi tâm hồn tinh tế, giàu yêu thương của nhà thơ. Vô tình, khi đọc câu thơ, người đọc đã quên đi cái nghĩa chung (toàn dân) để chỉ còn giữ lại nghĩa riêng (địa phương) của từ “mụ” này.

Trên đây tôi đã thử phân tích, tìm hiểu những từ địa phương miền trung trong thơ Tố Hữu trên hai mặt: cách nhà thơ sử dụng chúng và giá trị của chúng trong câu thơ, bài thơ, có thể còn có những khía cạnh trong vấn đề này tôi chưa đề cập đến hoặc chưa đi sâu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể đồng ý với nhau rằng: Tố Hữu đã sử dụng và sử dụng thành công từ địa phương trong các bài thơ của mình. Nhà thơ đã biết khai thác, tận dụng và tạo thêm khả năng (về mặt từ vựng và tu từ) cho từ địa phương để làm phong phú thêm nội dung cũng như sự biểu hiện trong thơ. Và phải chăng thơ Tố Hữu đã phổ cập sâu rộng trong quần chúng, một phần, cũng là do nhà thơ đã biết sử dụng từ địa phương một cách có mức độ?

1976-1984
X.N.
(10/12-84)





Các bài mới
Biển tuổi thơ (11/02/2011)
Các bài đã đăng