Tạp chí Sông Hương - Số 10 (T.12-1984)
Một số mô-típ trong truyện cổ Kơ-tu
14:29 | 14/01/2011
L.T.S: Dân tộc Kơ-tu là một trong bốn dân tộc sống ở tỉnh Bình Trị Thiên, tập trung ở vùng Nam Đông, huyện Phú Lộc. Trước đây dân tộc Kơ-tu đã sát cánh cùng các lực lượng giải phóng tiến hành cuộc đấu tranh anh dũng chống lại bè lũ Mỹ ngụy. Ngày nay, dân tộc Kơ-tu đang vững bước đi lên trong công cuộc lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Cũng như các dân tộc khác, người Kơ-tu không chỉ anh dũng trong chiến đấu, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất mà còn có một nền văn nghệ dân gian rất phong phú và độc đáo. Bài viết sau đây là một nét phác họa trong chương trình giới thiệu nền văn học dân gian các dân tộc ít người ở tỉnh Bình Trị Thiên của chúng tôi.
Một số mô-típ trong truyện cổ Kơ-tu
Dân tộc Kơ-tu - Ảnh: langbian.net

Nét độc đáo của truyện cổ Kơ-tu không chỉ ở nội dung rộng lớn, bao quát cả một giai đoạn lịch sử dài; cũng không chỉ đã phản ánh được những mặt tiêu biểu của cuộc sống con người: mà cơ bản hơn là ngay trong quá trình hình thành một hệ thống truyện hoàn chỉnh, nó đã xuất hiện một số mô-típ mới lạ, phân biệt với truyện cổ các dân tộc khác.

Trong 4 mô-típ chủ yếu mà chúng tôi trình bày dưới đây; có thể một vài mô-típ đã thấy rải rác ở truyện cổ các dân tộc khác và một vài mô-típ khác chưa được nêu lên, nhưng trong truyện cổ Kơ-tu, các mô-típ này đều có một cơ sở thực tế. Chúng như những đường dây dẫn dắt người đọc đi hết chuyện này qua chuyện khác và làm cho những câu chuyện đó trở thành từng chương mục của cuốn truyện cổ dân tộc Kơ-tu.

1) Mô-típ: con số 10

Khi khảo sát chuyện cổ dân tộc Kơ-tu, chúng tôi thấy tần số con số 10 xuất hiện nhiều một cách đáng ngờ. Ví dụ:

… Ngày xửa ngày xưa ở một gia đình nọ có 10 anh em.

… 10 nàng tiên da trắng như trứng gà bóc, mắt xanh như da trời, đang tắm…

… Đến ngày thứ mười chàng gặp một lão già râu tóc bạc phơ…

… Chàng đi đã mười cánh rừng mà vẫn không gặp một ai.

… Chàng đến làng thứ 10 thì gặp ngay con A Trê hung ác.

… Bắn đến phát thứ 10 sông rộng giờ đã cạn khô.

Cũng cần phải nói ngay rằng: bên cạnh con số 10, truyện cổ Kơ-tu còn có những con số khác: 1, 2, 3, 4… 11, 20, 30… Đối với những con số dưới mười và gần 10 là 11 thì còn dễ hiểu. Đối với những con số 20, 30, 40… thì cũng chẳng lấy gì làm khó bởi vì đấy là những con số 10 gấp lên 2, 3, 4 lần. Vấn đề là ở chỗ vì sao trong truyện cổ Kơ-tu con số 10 lại xuất hiện nhiều đến như thế?

Giả thiết thứ nhất cho rằng con số 10 là giới hạn của tư duy người Kơ-tu không phải không có cơ sở nhưng rõ ràng chưa đủ sức thuyết phục

Còn giả thiết nào nữa hay không và kết luận nó như thế nào chúng tôi xin nhường cho những nhà nghiên cứu chuyên sâu.

2) Mô-típ: Chàng mồ côi

Trong số 300 truyện cổ mà chúng tôi sưu tầm được thì quá nửa đã xuất hiện hình ảnh chàng mồ côi. Đây là một hiện tượng làm chúng tôi phải suy nghĩ và đặt ra nhiều giả thiết. Chàng mồ côi là hình ảnh trung tâm của các câu chuyện; là nhân vật mang nhiều phẩm chất cao đẹp của người dân lao động. Bao giờ chàng cũng là người giỏi giang. Bước đường đời của chàng thường gặp rất nhiều hoạn nạn, hoạn nạn nhưng đồng thời là thử thách đối với ý chí vươn lên. Cuối cùng, chàng là người tìm được hạnh phúc. Chàng lấy được vợ hiền, có những đứa con xinh đẹp. Chàng giàu có: lắm trâu, nhiều chiêng ché, sống trong nhà vàng, nhà bạc. Và rồi chàng dùng số của cải, sức lực tài trí để sống một cuộc đời lương thiện.

Chàng mồ côi trở thành một hình tượng văn học đặc sắc trong truyện cổ Kơ-tu. Cuộc đời của chàng tiêu biểu cho cuộc đời những người nghèo khổ nhất của dân tộc Kơ-tu. Cuộc đấu tranh của chàng với lão nhà giàu và với các thế lực thiên nhiên khác cũng chính là cuộc đấu tranh của dân tộc Kơ-tu trong thời kỳ lịch sử xa xưa. Đoạn đời hạnh phúc ấm no của chàng là ước mơ và nguyện vọng cháy bỏng của người dân Kơ-tu không chỉ những ngày đã qua mà cả từng giây phút của những ngày hôm nay.

Chuyện rằng: ngày xửa ngày xưa không biết tự thuở nào ở một bản nọ có một chàng Kơ-tu mồ côi cả bố lẫn mẹ. Ngày nào chàng cũng cùng con chó vào rừng săn bắn. Đêm đêm chàng lại gọi con chó đến nằm bên. Quanh vùng có nhiều cô gái đẹp nhưng chẳng ai để ý đến chàng. Chàng nghèo đói và khổ cực tưởng như trên đời chẳng còn ai khổ cực và nghèo đói bằng chàng…

Trước cách mạng tháng Tám, dân tộc Kơ-tu sống ra sao; chính quyền thực dân phong kiến chẳng thèm biết tới. Số phận những con người Kơ-tu cũng vất vưởng, bơ vơ như chàng mồ côi nọ mà thôi. Trong khi kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện đó, nước mắt người già Kơ-tu rơm rớm trên bờ mi. Chúng tôi hiểu giọt nước mắt đó đâu chỉ là giọt nước mắt cảm thương cho số kiếp một người mồ côi trong chuyện, mà có lẽ nó còn nhắc nhở đến cuộc đời người đang ngồi kể cho chúng tôi nghe đây.

Câu hỏi vì sao trong truyện cổ Kơ-tu, nhân vật chàng mồ côi lại chiếm một tỉ lệ đáng kể như thế được thực tế giải đáp một cách khá rõ ràng.

3) Mô-típ: Những kết thúc bi đát

Chúng ta đều biết: truyện cổ dân tộc nào cũng đều có một kiểu kết thúc mà từ trước tới nay các nhà nghiên cứu đều gọi là kết thúc có hậu. Tấm trải qua nhiều bước thăng trầm, chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần nhưng cuối cùng gặp được hạnh phúc. Mụ dì ghẻ độc ác ranh ma cuối cùng bị trời bắt tội. Câu chuyện làm cho người đọc hả lòng hả dạ. Nó thỏa mãn một ước muốn, một khát vọng chân chính và nhân đạo của người dân lao động. Dẫu cái ước mơ đó có nặng màu sắc phong kiến đến đâu chăng nữa, người đọc vẫn lĩnh hội được ở đó niềm hy vọng để lớn lên cùng thử thách.

Trong truyện cổ Kơ-tu có một hiện tượng ngược lại.

Bên cạnh phần lớn truyện Kơ-tu kết thúc có hậu như chuyện của các dân tộc khác thì khoảng hơn 1/3 số chuyện có kết thúc bi đát. Đó là chuyện chàng thứ 10, chàng mồ côi và cô sâu măng, chàng A Dật và nàng Rêdên, Suối tóc tiên, Ritin và Rivít, Đavít và Giara…

Chàng thứ 10 tài giỏi, khỏe mạnh. Chàng đã chiến thắng con A Trê độc ác, chiến thắng nhà giàu tham lam và lấy được con của hắn làm vợ. Đặc biệt chàng có tài đánh đồng lá rất hay. Xa mười con suối, cách mười con núi người ta cũng đến nghe chàng. Tiếng đồng lá của chàng ngân nga như tiếng hát, réo rắt như tiếng chim. Bản trên làng dưới đều khâm phục tài ba của chàng. Ấy thế mà chàng không có con và đau xót hơn, một hôm đang đánh đồng lá đến đoạn hay nhất thì đồng lá đứt dây, rơi xuống chân. Chàng thứ 10 chết. Mọi người vô cùng thương tiếc chàng và không bao giờ quên được tiếng đồng lá tuyệt vời của chàng.

Một con người tài giỏi đã chết. Tiếng đồng lá tuyệt hay đã im lặng. Chàng không có con. Và có lẽ người ta muốn nói rằng: chẳng còn ai nối dõi, không con người tài giỏi, không bao giờ có một tiếng đồng lá như thế nữa chăng.

Nói cách nào thì đây cũng là một kết thúc bi đát. Nó gieo vào lòng người niềm xót xa tiếc nuối không bao giờ nguôi bởi vì không gì bù đắp lại được.

Cái chết không chỉ đến với một đôi người mà có lúc nó đến với cả bản làng như câu chuyện A Âng và A Uông.

Chúng tôi cho rằng: mô-típ những kết thúc bi đát trong truyện cổ Kơ-tu có thể có một cơ sở hiện thực xa xôi nào đó. Và người Kơ-tu đã sử dụng một bút pháp chân thực, không lý tưởng hóa. Những nhà dân tộc học sẽ tìm thấy qua truyền thuyết ấy ít nhiều chứng cớ về sự đổi thay ghê gớm trong lịch sử của dân tộc Kơ-tu. Những nhà nghiên cứu văn học dân gian có thêm một bằng chứng để bổ sung vào quan niệm truyền thống: đã là truyện cổ thì không kết thúc nào là không có hậu, không có kết nào là không vui vẻ…

4) Mô-típ: “Gót chân Asin” - Nơi hiểm yếu của vị anh hùng.

Trường ca Iliát và Ôdyxê trong văn học phương Tây là một tác phẩm tuyệt vời của nhân loại. Trong bản anh hùng ca thứ nhất, bản anh hùng ca chiến trận, có hai dũng tướng lý tưởng là Hécto và Asin.

Asin xuất trận và dành không biết bao vinh quang chói lọi cho thành bang. Chàng là niềm kiêu hãnh tự hào cho quân đội và là nỗi khiếp sợ cho kẻ thù. Chàng là người mình đồng da sắt, được nữ thần biển Thêtít nhúng vào nước suối thiêng và nung vào lửa để trở thành bất tử. Nhưng cuối cùng chàng phải gục ngã vì kẻ thù đã biết được chỗ hiểm yếu của chàng: nơi gót chân nhỏ bé - chính là nơi nữ thần Thêtít cầm chàng để cho vào nước ngày nào.

Trong truyện cổ Kơ-tu cũng có một hiện tượng tương tự.

Những chàng trai tài giỏi muôn người không địch nổi lại chết oan uổng chỉ vì một nơi hiểm yếu chẳng đáng là bao: nơi ngón chân út cuối cùng.

Tribưsư là một chàng trai cực kỳ khỏe mạnh. Chàng đã đánh nhau với hầu hết những con vật hung ác như hổ, voi và đã dành được chiến thắng. Lần đánh nhau với con khổng lồ A Trê chàng bị nó nuốt vào bụng nhưng chàng vẫn sống. Trở về với người vợ đẹp ngoan, cuộc sống của chàng vô cùng hạnh phúc. Nhưng chàng lại bị một lũ người ghen ghét tìm cách ám hại. Một hôm chàng nói với vợ: “Không gì giết được anh đâu trừ tên thuốc độc bắn vào ngón chân của anh thôi”. Chẳng may, con rết dưới giường nghe được. Nó đi mách lẻo với lũ người ác và kết quả là Tribưsư đã chết.

Trong bất cứ câu chuyện nào kể về những chàng trai tài giỏi bị chết cũng có cùng một mô-típ là con rết mách với lũ người ác tìm ngón chân của chàng trai tài giỏi để bắn tên thuốc độc vào.

Chúng tôi nghĩ: khó có thể chấp nhận được giả thiết cho rằng: Người Kơ-tu đã đọc và học trong trường ca Iliát và Ôdyxê hoặc trong một câu chuyện cổ nào đó về mô-típ trên. Vậy là còn giả thiết thứ hai sự gặp gỡ của tư duy nhân loại và chúng tôi nghiêng về giả thiết này.

Chúng tôi tin chắc rằng: những nhà nghiên cứu về tư duy loài người sẽ rất thú vị khi bắt gặp hiện tượng: một dân tộc ở châu Á, vào thế kỷ 20, kể lại những câu chuyện cổ mà lại có mô-típ gần gũi thân quen với bản anh hùng ca của một dân tộc ở phương Tây xa xôi cách đây hàng chục thế kỷ.

Khi con người chưa bắc được những cái cầu đắp được những con đường để đến với nhau thì tư duy họ đã gặp nhau rồi. Phải chăng là như vậy?

Truyện cổ Kơ-tu nằm trong kho tàng quý giá của truyện cổ Việt Nam. Như một người anh em đi lâu ngày mới gặp lại; nét mới lạ - nếu được phép nói như thế, sự phong phú và quý giá của vốn tài nguyên này đáng được chúng ta bảo vệ, gìn giữ và phát huy hơn nữa.

Huế 3-1983
ĐẬU TUẤN NGỌC
(10/12-84)







Các bài mới
Biển tuổi thơ (11/02/2011)
Các bài đã đăng