Cây di sản được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) xác định là cây gỗ hoặc cây thân gỗ, có một trong những giá trị đặc biệt về thẩm mỹ, cảnh quan, môi trường, văn hoá, lịch sử, khoa học… Theo đó, nếu là cây tự nhiên phải có tuổi thọ 200 năm trở lên; cao trên 40m, chu vi trên 6m đối với cây gỗ đơn thân; cao trên 25m, chu vi trên 15m đối với các cây đa, cây si; có hình dáng đặc sắc; đặc biệt ưu tiên các loài đặc hữu, quý hiếm, có giá trị văn hoá, lịch sử. Nếu là cây trồng phải trên 100 năm tuổi; cao trên 30m, chu vi trên 3,5m đối với cây gỗ đơn thân; cao trên 20m, chu vi trên 10m, đối với cây đa, si; đặc biệt ưu tiên các loài có giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử (chu vi cây đơn thân đo cách mặt đất 1,3m, chu vi cây có bạnh vè đo trên bạnh vè 20cm, chu vi các loài đa, si đo cả chu vi các rễ phụ). Các loại cây khác không đạt các tiêu chí kể trên nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học, hoặc lịch sử, hoặc văn hoá, mỹ quan. Các loại cây cảnh độc đáo cũng được vinh danh cây di sản. Trong dịp đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, ngày 5-10-2010, lần đầu tiên VACNE tổ chức lễ công nhận Cây di sản Việt Nam cho 9 cây muỗm 700 tuổi ở Đền Voi Phục. Cây di sản đầu tiên ở Huế được vinh danh là cây thị ở trước sân nhà thờ phái Thân Văn làng Dương Xuân Hạ, phường Thủy Xuân - là cây cổ thụ thứ 10 ở Việt Nam được VACNE gắn bia cây di sản. Cây thị này có xuất xứ từ làng Nguyệt Biều, phường Thủy Biều, TP Huế. Ngài Thân Văn Thẩm (1671-1758), Thủy Tổ phái Thân Văn làng Dương Xuân Hạ đem về trồng vào năm 1698 để làm mốc địa giới cho hậu duệ; đồng thời đánh dấu mốc thời gian phái họ Thân của ngài định cư và phát triển từ đây.
Cổ thụ là tài sản quý hiếm, không chỉ làm đẹp cảnh quan thiên nhiên, môi trường mà còn là nét đẹp văn hóa. Nhiều cây cổ thụ gắn liền với những sự kiện lịch sử đã diễn ra trên một vùng đất, một dòng họ, một gia đình như là một chứng nhân. Theo gia phả phái Thân Văn Dương Xuân Hạ, ngài Thân Văn Thẩm đã trồng cây thị này vào năm 27 tuổi, khi còn làm giáo học tại Nguyệt Biều. Cho đến nay cây thị đã trường tồn 312 năm. Cây thị cao 25m; thân cây tại tọa độ cao cách mặt đất 1,3m có chu vi 4,2m, đường kính 1,4m; chu vi bạnh vè hơn 10m. Hiện tại cây vẫn phát triển xanh tốt, tháng 5 ra hoa, mùa hè ra trái toả hương thơm. Lõi của cây thị có một phần nhỏ bị thối rỗng do bị một mảnh bom găm vào hồi Tết Mậu Thân - 1968 làm chồi chính của cây bị hư hại. Sau 30 năm cây dần dần phục hồi, các cành lá xum xuê xanh tốt như ngày nay. Cây thị gắn liền với sự phát triển của dòng họ Thân Văn ở địa phương cho nên được các thế hệ con cháu bảo quản, giữ gìn, tôn vinh. Một bia ký đã được dựng ở gốc cây vào ngày 16/02 Kỷ Sửu (ngày 12-3-2009), nhằm ngày tảo mộ hằng năm của phái Thân Văn. Ngày 5-11-2010, VACNE đã tổ chức lễ vinh danh và gắn bia Cây di sản cho cây thị này. Bia làm bằng đá kim sa đen, khắc chữ chìm in nhũ vàng.
Ở Việt Nam cây thị làm đẹp cho hình ảnh đất nước. Cây thị từ ngày xửa ngày xưa đã đi vào cổ tích và bất hủ với truyện Tấm Cám. Cây thị gắn bó với cuộc sống người dân và văn hoá làng ngay từ thuở khai thiên lập địa bởi tính năng, công dụng đặc biệt của nó. Quả thị vừa là giống quả ngọt lành, hương thơm; vừa là vị thuốc dân gian bổ ích. Gỗ thị thuộc loại quý hiếm, được người xưa dùng làm khuôn để khắc in kinh sách, thơ phú. Tôn vinh một cây thị cổ thụ không chỉ có ý nghĩa giáo dục cộng đồng ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, thân thiện với thiên nhiên, mà còn bao hàm nhiều giá trị văn hoá và tâm linh. Cây thị có ý nghĩa đặc biệt đối với lịch sử, văn hoá Huế. Là thủ phủ xứ Đàng Trong rồi là kinh đô của hai triều đại nên cây thị được trồng khá nhiều ở trong vườn nhà, trong vườn chùa, sân đình ở Huế. Bên cạnh miếu thờ thần ở làng cổ Phước Tích, huyện Phong Điền, cũng có cây thị hơn 300 năm tuổi. Ở chùa Tây Thiên và ở nhà thờ họ Thân làng Cư Chánh, TP Huế, có cây thị khoảng 100 năm tuổi. Dưới bóng cây thị râm mát bao giờ cũng ẩn chứa những câu chuyện huyền bí và lấp lánh ánh nhân văn. Cây thị góp phần tạo nên một kho tàng mộc bản, lưu giữ một di sản ký ức tinh thần của đất nước Việt Nam và của cả thế giới. VĂN BIA CÂY THỊ Ở TỪ ĐƯỜNG HỌ THÂN, PHÁI THÂN VĂN DƯƠNG XUÂN HẠ
Đầu mùa xuân năm Ất Hợi (1695) niên hiệu Chính Hoà thứ 16, đời vua Lê Hy Tông, Ngài Thủy Tổ phái họ Thân Dương Xuân Hạ, húy là Văn Thẩm (1671-1758) nguyên làm Giáo học tại Nguyệt Biều, tổng Cư Chánh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngài từ thôn băng đồi vượt suối, sưu tầm địa cuộc, tìm nơi lập cư lâu bền cho con cháu. Và Ngài đã chọn được vùng triền bán sơn địa Dương Xuân Hạ có phong thủy hữu tình làm nơi trú xứ. Ngài trở lại Nguyệt Biều tìm bằng được giống cây Thị quý đem về trồng ngay giữa vườn để làm mốc, đồng thời đánh dấu dòng tộc họ Thân của ngài định cư và phát triển từ đây. Quả thật đất lành đã không phụ lòng người, cây Thị hợp phong thủy đã nhanh chóng đâm chồi trổ nhánh, nảy lộc sum xuê tươi tốt, đơm hoa kết trái, thơm lành. Thị là loài cây được quý chuộng, thường có thân cao bóng cả, thế cành rộng uy nghi tứ phía, trái chín vàng mộng toả hương ngọt ngào và dịu dàng quyến rũ, khiến nhiều người yêu thích, nâng niu chiêm ngắm. Đây lại là loài cây biểu trưng cho lớp người có tinh thần sáng đạo, đức thanh cao, là thông điệp truyền thừa cho các tầng lớp hậu duệ noi gương tiên tổ: Hãy luôn giữ gìn mình ăn ở sao cho hiền hoà tốt đẹp được nhiều người quý mến như cây Thị xưa nay, xứng đáng là con cháu dòng dõi họ Thân danh giá lưu truyền. Đó là chủ ý sâu xa của Ngài Thuỷ tổ. Cây Thị quý hiếm này trải dài hơn 3 thế kỷ “thăng trầm dâu biển”. Song song với sự phát triển của cây Thị, con cháu của Ngài cũng đã cùng nhau đoàn kết xây dựng dòng họ ngày càng vững mạnh, tự mình vươn lên dựng xây cơ nghiệp đến nay đã 11 đời. Ngôi từ đường họ Thân phái Dương Xuân cũng đã được xây dựng bên cạnh bóng râm của cây đại cổ thụ này từ nhiều đời trước để phụng thờ tiên tổ. Cây Thị trên 300 tuổi nay vẫn còn phát triển sum xuê toả bóng mát ân đức sâu dày của Ngài Thủy tổ, con cháu đời đời nguyện noi gương tiên tổ. T.T (263/01-11) |