Tạp chí Sông Hương - Số 263 (tháng 1)
Chiếc áo len nhiều màu
10:05 | 26/01/2011
LTS: Ông Đặng Văn Đông - một cao niên gần 90 tuổi ở Huế, là người gửi nhiều bài dịch cho Sông Hương song chưa hợp với tiêu chí “nhìn ra văn học thế giới đương đại”. Vừa qua chúng tôi nhận được thư của ông cùng bài viết về một kỷ niệm đầy nhân ái trong gia đình.Sông Hương xin đăng, và kính chúc ông năm mới dồi dào sức khỏe!
Chiếc áo len nhiều màu
Ảnh: Internet

ĐẶNG VĂN ĐÔNG



Chiếc áo len nhiều màu



Mùa đông năm ấy, trời rét đậm. Bầu trời đầy nặng những áng mây chì. Mưa tuy nhẹ hạt, nhưng gió thì thào xào xạc lay động những bụi tre già trong vườn. Về đêm, tiếng ễnh ương, côn trùng rề rà vọng đến từ ao hồ lối xóm. Đường vắng. Tiếng chó sủa vu vơ... Trong gia đình tôi, đêm đông, ba - mợ tôi đi ngủ sớm. Tôi và chị tôi đều thức.

Dưới ánh sáng vàng cây đèn tọa, tôi say mê đọc sách thiếu nhi “Hoa Hồng”. Truyện mà tôi mê nhất thời thơ ấu là “Ông Đồ Bể” của nhà văn Khái Hưng. Trong khi tôi đọc sách thì chị tôi thường đan len. Đêm ấy, chị tôi vào phòng riêng, khi đi ra có mang theo một cái giỏ mây mà bên trong nhiều cuộn len màu, có cuộn to bằng trái cam lớn, có cuộn nhỏ bằng trái ổi, trái chanh. Mớ cuộn len to nhỏ, xinh xinh có nhiều màu: vàng, tím nhạt, đỏ, hồng, xanh da trời... Đây là số len còn lại khi chị tôi đan xong áo ấm cho khách hàng. Chị để dành, khi thì đan chiếc quai nón, khi thì đan khăn quàng cổ để tặng bè bạn hay người thân trong xóm nhỏ Đức Môn (xóm Cửa).

Chị đến cạnh tôi, nhìn xem tôi đang đọc sách gì?

Tôi cười khoe với chị:

- Em đang đọc “sách Hồng”, chuyện hay lắm chị ơi! Đọc xong em sẽ kể lại cho chị nghe.

Chị vui vẻ đồng tình:

- Em cứ đọc đi. Còn đêm nay chị sẽ đan cho xong chiếc áo len nhiều màu của em. Em đọc sách nhớ đừng thức khuya lắm.

Tôi thực sự ngạc nhiên về việc đan áo len này, rụt rè hỏi:

- Em thấy chị đang bận đan áo len cho khách hàng, tại sao đêm nay chị lại có thì giờ đan áo cho em?

Chị tôi bỗng đôi mắt như mờ lệ. Chị ngập ngừng một lúc, rồi nhỏ nhẹ:

- Nói với em nhưng em chớ buồn. Hôm qua ba đã la chị, có lẽ ba giận chị lắm. Ba nói chị không quan tâm gì đến em, để em mùa đông lạnh lẽo mà không có lấy một manh áo ấm. Ba còn nhắc nhở chị: “Mẹ mất sớm, chị phải thay mẹ chăm sóc em chu đáo, vậy mới phải đạo là con gái lớn đảm đang việc nhà”.

Tôi chợt hiểu, tự nhiên cảm thấy mình cô đơn, côi cút, mủi lòng. Tôi chăm chú nhìn vẻ mặt rất buồn của chị, nét mặt có chút gì như lòng ân hận. Trong tâm hồn bé thơ của tôi dấy lên một niềm thương cảm vô hạn đối với chị...

Tôi ngủ thiếp đi lúc nào chẳng rõ. Còn chị vẫn lặng lẽ với que đan bằng tre, mũi lên mũi xuống, cần mẫn thức trắng đêm.

Sáng hôm sau, khi tôi đang rửa mặt và đánh răng ở bể nước sau nhà, chị đến bên, cười âu yếm khoe:

- Chị đan xong áo len cho em rồi. Chút nữa em mặc thử, xem có vừa và đẹp không?

Đấy là chiếc áo len đầu tiên trong đời tôi. Cổ trái tim, hở nách và không có “bo”, màu tím nhạt. Chị rất hài lòng với sản phẩm khiêm tốn của mình, vuốt tóc tôi, vui vẻ:

- Khi nào kiếm thêm đủ len thừa chị sẽ nối tay áo cho em, chắp thêm cổ, vậy là em sẽ có một chiếc “săng-đay” thật ấm và đẹp.

Sở dĩ chị tôi đan nhanh và đẹp vì thời ấy chị tôi là một nữ sinh giỏi của trường Nữ Công Học Hội do nữ sĩ Đạm Phương làm hiệu trưởng. Trường dạy cho các nữ sinh miền Trung về nữ công gia chánh như thêu, đan, làm bánh ướt, kết hoa giấy và có cả việc kéo sợi bông đi dệt vải...

Thời gian trôi đi. Thời thơ ấu qua đi. Và oái ăm thay...

Vào năm 47, giặc Pháp đổ bộ lên Đồng Hới, sau mặt trận lan ra đến huyện Bố Trạch. Chị tôi tham gia kháng chiến ở Huyện hội Phụ nữ Bố Trạch. Chính vào giai đoạn này, chị tôi mang thai cháu đầu lòng. Khi sinh nở, bị sốt cao. Đang thời buổi chiến tranh, thiếu thuốc men và phương tiện y tế khoa sản. Cả hai mẹ con chị đều qua đời!

Lời hứa thân thương đối với đứa em trai nhỏ dại, chị tôi đã vĩnh viễn không bao giờ thực hiện được nữa.

Đ.V.Đ
(263/01-11)






Các bài mới
Tình gửi cho ai (25/02/2011)
Các bài đã đăng
Xuân không mùa (25/01/2011)
Cội nguồn (24/01/2011)