Buổi chiều, trời nổi cơn giông. Bầu trời tối sầm, những tia chớp vạch bóng đen nhoáng lên màn nước dày đặc, nhóng nhánh. Cây cối xạc xào reo, người người vui mừng hỉ hả. Trận mưa kéo dài đến hết nửa đêm, cũng là lúc thầy Khâu xong tuần lễ. Thầy đứng dậy cáo từ. Ông trưởng họ sá dài lễ phép: - Bạch thầy. Đêm đã khuya lại cách trở đò giang, xin thầy ở lại, mai chúng con sẽ rước thầy về sớm. - Mô phật! Trăng còn sáng. Vả lại hôm nay ngày Phật đản, các sư đều xuống làng, chỉ còn thủ hộ, sợ xảy ra chuyện chẳng lành. - Thầy đã quyết, chúng con không dám giữ. Từ đây về Giàng phải qua mấy vạt rừng già rất nhiều hổ báo, xin thầy hãy giữ gìn. Rằm này chúng con sẽ lên chùa để tạ ơn thầy đã vất vả gọi mưa. Nếu không có trận mưa chiều nay chắc lúa, dâu sẽ chết khô, trâu, bò, lợn, gà, cả con người cũng không sống nổi vì nắng nóng. - Mô phật. Đó là Đức Phật tổ nhìn thấu nỗi khổ chúng sinh mà ra tay cứu vớt, chứ bần tăng đâu có tài cán gì. Thầy đưa tay lên ngực, cúi chào mọi người rồi đưa cây Tầm-xích về phía trước thoăn thoắt đi lại bờ sông. Trận mưa lau sạch bầu trời, đẩy những vì sao lên cao, thoảng trong không gian mùi thơm tinh khiết. Trăng thượng tuần đang xế về tây, trải lớp tơ vàng lung linh lên mặt lá. Dòng sông lấp lánh dát những vảy vàng. Đêm nay, dòng sông sao thơ mộng dịu dàng là vậy? Chả bù cho ngày ấy. Thầy Khâu nhớ về buổi chiều cách đây đã bốn năm. Chiều ấy cũng có trận mưa rào sầm sập, nước thượng nguồn ào ạt tràn về, sông Dâu nở ra đẩy đôi bờ mênh mông tít tắp. Mặt nước đục ngầu, lềnh bềnh những thân củi mục, xác cặp nai vàng quẩn quanh lặn ngụp nhấp nhô. Đám mây đen trút nốt những giọt nước cuối cùng. Phía tây mặt trời đỏ rực hớn hở tung những chùm nắng chói chang xua tan những đám mây lảng bảng, trả lại cho bầu trời vầng xanh vời vợi. Ngọn gió đông nam mát rượi sau trận mưa rào làm thầy quên hết nỗi nhọc mệt sau một ngày hành lễ. Đạp nhẹ lên ngọn cỏ non xanh, thầy thận trọng tránh xa đàn kiến đang hối hả vác khuân, giục nhau leo lên gốc đa già mốc mác. Trong cơn gió thoảng thầy nghe có tiếng thầm thì. Lắng tai nghe, thầy nhận ra tiếng hát. Tiếng hát êm dịu của một cô gái chắc là còn trẻ lắm. Tiếng hát như làm vợi đi nỗi cô đơn, vợi đi nỗi lo toan trên con đường hành đạo. Thầy khoan thai sải những bước dài. Tiếng hát như tiến lại gần. Đã có thể nghe rõ lời ca: “ Em là con gái vùng Dâu Cỏ non em cắt dưới bầu trời xanh Quê em nước ngọt đất lành Thương nhau chung gốc, chung cành, chung cây. Thầy bỗng thấy bâng khuâng. Từ khi rời Tây vực thầy đã bôn ba qua đất Mã-lai, Cao-miên; đã lênh đênh trên mấy chục hòn đảo xứ Chà-và; tới những rừng rậm phía nam đầy nắng gió, chưa bao giờ, chưa ở đâu gợi cho thầy nhớ tới quê hương xứ sở da diết như mảnh đất này, như buổi chiều hôm ấy. Thầy nhớ dòng sông Hằng, chiều chiều những con thuyền độc mộc lao vun vút về phía đồng bằng, âm âm lời ca gập ghềnh, đập vào vách đá dãy Hy-mã-lạp-sơn hùng vĩ. Nhớ mẹ già. Nhớ cô hàng xóm đôi mắt dài như lá dương liễu gập đôi. Nhớ tất cả những gì mà tuổi thơ thầy đã qua, đã yêu, đã ghét. Chiều hè rười rượi mát mà lòng dạ thầy bứt rứt bồn chồn. Thầy chợt nghĩ đến một ngày trở lại. “Xênh xang cắt gánh cỏ đầy Trả công cha mẹ, chờ ngày xuất gia Cửa thiền mong được là nhà Nâu sồng mong được mặn mà tri ân…” Tiếng hát mang nỗi buồn man mác. Chắc người con gái đang có chuyện ưu phiền, muốn nương thân nơi cửa Phật. Nếu thành tâm kẻ này sẽ là một đệ tử trung thành, sẽ cứu giúp được nhiều chúng sinh qua vòng dâu bể. Bỗng tiếng hát im bặt. Từng đợt sóng ào lên, ứ lại. Thầy thoáng thấy dải tóc phất phơ đen nhánh. Mô Phật! Lại có người bị nước cuốn trôi. Sông rộng mà nước to, sóng lớn quá. Nhưng Phật tổ dạy “Cứu nhất nhân đắc kỳ vạn phúc. Ta không thể sợ thiệt mạng mà để mất một sinh linh. Thầy quăng cây Tầm-xích, lột bỏ áo trùng, lao xuống dòng nước đang sôi ùng ục. Phải nhanh hơn ngọn sóng, nhanh hơn những cái miệng thuồng luồng, những hàm răng cá sấu. Thầy hít một hơi thật sâu, dùng phép “khắc thủy” lao theo dòng nước. Đôi mắt nâu ánh lên sục sạo. Từ xa, thầy nhìn thấy mớ tóc dài quấn lấy thân hình nhỏ nhắn của một cô gái. Thầy lao tới, kẹp chặt cô trong vòng tay rắn chắc, lách qua thân cây đồ sộ đang vun vút lao xuôi. Vất vả lắm thầy mới đưa được cô gái lên bờ. Mặt cô nhợt nhạt, mũi không còn phập phồng, bụng căng đầy nước. Thầy quay nhìn bốn phía. Chỉ có rừng đại ngàn. Bên kia dãy núi ngoằn ngoèo vài ba ngọn khói tan biến trong ánh chiều tà. Tiếng con “bắt cô trói cột” nghe vừa ai oán, vừa khắc khoải, tuyệt vọng. Thầy Khâu đặt bàn tay lên ngực cô. Không còn sức đẩy, sự sống đang khước từ cô gái. Thầy vội đứng lên xách ngược đôi chân trắng nhợt, quăng cả thân hình mềm oặt của cô ra sau, chạy dọc bờ sông. Chiếc váy thâm bị gió thổi tung lên rồi trùng xuống phủ kín cả mặt cô, để lại phần trên ánh lên trong hoàng hôn tím sậm. Ự! Một dòng nước đỏ ựa ra. Có cái gì đó đụng đậy. Thầy dừng lại quay cô gái về phía trước. Mô Phật! Thầy vội nhắm mắt lại. Bàn tay quen cầm chuông mõ lần sờ kéo mảnh váy thâm che kín thân thể cho cô… Cô ấy là A-man... Thầy Khâu cười thành tiếng.Tiếng cười đập vào vách núi, ngàn cây ào ạt cười theo. Thầy rùng mình, cảm thấy hoang mang, lạ lẫm. Vung cây Tầm-xích, thầy đi như bay về phía chùa Giàng. Tới cổng, thầy định lên tiếng gọi, nhưng ngọn gió vô tình đã đẩy cánh cổng kêu cót két. Ồ, A-man lại quên đóng cổng. Nhưng thầy không bực. Thầy ngước nhìn ánh trăng hắt đầu đao tòa Tam-bảo in lên cây thị già vệt tối chập chờn. Giờ đây A-man chắc vẫn chong đèn thức chờ thầy. Đó là thói quen, là sự tận tâm vừa bản tính vừa ghi tạc nghĩa ơn. Thầy rất phiền lòng, nhưng không cách nào thuyết phục. A-man như tiên đồng lãnh trách nhiệm trước đấng tối cao xuống hạ giới chăm sóc cho thầy, giúp thầy mau đắc đạo. Chùa Giàng vì thế mà luôn rực sáng, là chỗ dựa tin cậy cho mọi kiếp người. Thầy nao nao bước qua khoảng sân lát viên gạch bát sậm màu. Mùi dạ lan hương sực nức không át nổi mùi thơm dìu dịu của những cánh mộc li ti, của đoá ngọc lan trinh bạch. Gần tới tiền đường, mùi trầm toả ra ngào ngạt. Chắc A-man lại mới thay một tuần nhang. Thong thả, nhấc cao chân, thầy bước vào trong điện. Thầy bỗng giật mình, rụt chân trở lại. Dưới bậu cửa, một cô gái sóng xoài nằm ngủ. Gió nồm nam vén chiếc váy thâm lên ngang đầu gối để lộ bắp chân trắng muốt, săn chắc, thon thả. Thầy cúi xuống. Ồ A-man. Nàng thở đều đều, khuôn mặt tròn trịa quay ra chờ đợi. Trăng gió cợt đùa sổ tung tấm khăn nâu, phết lên đôi môi lớp son đọng sương đêm nhóng nhánh. Mô Phật! Thầy bấm chặt lấy chuỗi tràng hạt, miệng lầm rầm đọc kinh sám hối. Hình ảnh của bốn năm về trước như lũ quỷ sa tăng cứ hiện ra nhảy nhót. Ngày ấy thầy Khâu không thể ngờ A-man lại chính là cô bé ra đời trong ngôi nhà chênh vênh bên bờ con vực nước trong xanh không bao giờ vơi cạn. Chuyện về cha mẹ nàng cũng thật lạ kỳ. Tu Định là chàng trai sinh ra trên lưng chừng đỉnh núi, Nghe tin Sỹ Nhiếp mở trường quốc học dạy chữ thánh hiền bèn xuống núi lặn lội tìm về. Gần tới Luy Lâu bị con sông Dâu chắn lối, chàng lần mò vào xóm Mèn tìm nơi ngủ trọ. Đêm đã khuya, mấy chục căn nhà đều đã tắt đèn, gọi cổng không ai dám mở cửa, sợ bọn thảo khấu, bọn lính Hán mò mẫm ăn đêm. Tu Định buồn bã, đi lang thang ra phía bìa rừng. Có ánh đèn le lói. Chàng đi tới. Qua hàng rào gỗ chàng thấy một cô gái rất đẹp ngồi tư lự trước hai pho tượng. Một thoáng chần chừ, chàng quyết định gọi cửa. Nàng là Ưu Di, cha mẹ chẳng ốm đau tự khắc qua đời. Nàng đau khổ lên rừng chọn cây vàng tâm trăm tuổi tạc hình cha mẹ, đêm ngày hương khói phụng thờ. Sau đêm ấy chàng và nàng nên vợ nên chồng. Họ sống với nhau ấm êm hạnh phúc. Nhưng đã mười năm. Nàng Ưu Di mười lần sung sướng vì sắp được làm mẹ, nhưng cả mười lần cái thai chỉ ba tháng lại phá ra ngoài. Khi thầy Khâu qua đây thấy đằng trước vượng khí ngất trời mà đằng sau lại ngùn ngụt bốc lên những luồng tử khí. Thầy kinh ngạc tới gần, thấy cặp vợ chồng đẹp như Kim Đồng - Ngọc Nữ, huyệt ấn đường, nhân trung rộng mở, phúc lộc dồi dào. Thầy vòng ra phía sau nhà. Đôi mắt nâu của thầy nhìn xoáy xuống cái vực nước xanh ngăn ngắt, nhìn rõ những con ba ba vàng rộm to như vành nón quai thao, những chú cá óng ánh vẩy vàng vây đỏ lượn lờ, hàng đàn tôm hùm tung tăng chạy nhảy. Nhưng sâu dưới đáy là những bóng thuồng luồng, ám khí. Thầy thọc cây Tầm-xích xuống nước, miệng đọc thần chú tức thì mặt nước sôi lên ùng ục. Những con thuồng luồng quằn quại, những miệng hang toang hoác sập đổ. Nước chuyển màu trong vắt. Xong xuôi thầy vào nhà yểm chín đạo bùa, chúc gia chủ bình yên đời đời hưởng lộc. Một năm sau ông bà Tu Định bế bé gái mũm mĩm, có cặp mắt lung linh đến tạ ơn. Thầy cũng không thể ngờ 12 năm sau cô gái được thầy cứu khỏi dòng lũ sông Dâu lại là cô bé ấy. 12 tuổi, A-man phổng phao như cô gái 18, lời ăn tiếng nói ý tứ ngọt ngào như người đã trưởng thành. Ông bà Tu Định cho đó là duyên phận nên nhất quyết cho A-man theo hầu thầy. Không thể chối từ, thầy đã đưa A-man về chùa Giàng lo việc đèn dầu, dọn dẹp, cơm chay như một người thủ hộ. Người thủ hộ ấy càng lớn càng đẹp, càng ngoan ngoãn thật thà, thuộc làu kinh sử. Nàng đã có cái tâm nhà Phật từ thuở lọt lòng, có chí gửi thân cửa Thiền trong từng câu hát. Nhưng giờ đây A-man vẫn chắn ngang lối ra vào đang say giấc ngủ. Thầy lấy cây Tầm-xích gõ vào cánh cửa mà Nàng vẫn ngủ ngon. Thầy nhìn lại phía sau khe khẽ thì thào: A-man. A-man. Dậy đi A-man! Nàng vẫn lặng yên. Tuy bối rối nhưng thầy không trách. Suốt ngày quét dọn cả chục gian chùa, lau chùi cả trăm tượng phật, rồi cơm nước, giặt giũ, đọc kinh… A-man không lúc nào rảnh tay, ngả lưng là ngủ say như chết. Chắc nàng đợi thầy quá lâu, mệt quá mà ngủ quên. Thôi hãy để nàng ngủ thêm chút nữa. Thầy lùi ra mái hiên, đứng ngắm vầng trăng thượng tuần treo trên đỉnh rặng núi phía tây, bất giác thầy quay lại. Bóng thầy đổ xập trùm kín A-man. Mồ hôi nàng toát ra, những thớ thịt rung lên oằn oại. Cảm giác thần tiên chạy khắp cơ thể. Nàng rên lên một tiếng rồi lặng lẽ trở mình. Phút giây ấy qua đi, nàng bừng tỉnh chạy về buồng riêng khép cánh cửa hồi hộp nhìn qua hàng song gỗ. Ánh trăng cười cợt khuất phía Tây thiên. Lúc ấy thầy Khâu cũng thấy mình bỗng nhiên rạo rực, tim đập liên hồi. Cảm giác tội lỗi lan truyền, toàn thân bủn rủn. May nhờ chuỗi tràng hạt và cây Tầm-xích giúp thầy tĩnh tâm, thấy rõ sự giao hoà giữa thiên nhiên và con người. Thầy cảm thấy mình quá nhỏ bé, thấy mình biến thành những hạt bụi nhỏ bay lơ lửng trong luồng sáng toả ra từ những cánh sen, nơi Phật tổ đang thư thái tọa thiền. Từ ngày A-man bỏ đi, thầy Khâu không mấy khi rời chùa. Sáng sáng thầy vẫn dậy sớm im lặng luyện công nhưng vẫn nghe rõ đôi chim chào mào trò chuyện, tiếng con nai nháo nhác gọi bầy và sau chùa cô con gái bà Lành nhen lửa nấu cơm. Tâm thầy không còn tĩnh lặng, thầy nhớ thương và lo cho số phận của nàng. Nàng không dám về nhà cha mẹ. Bụng mang dạ chửa nàng có thể đi đâu giữa những cánh rừng đầy dã thú, những sông ngòi nhung nhúc cá sấu thuồng luồng? Chẳng may nàng có mệnh hệ gì thầy sẽ ân hận suốt đời, sẽ không yên phận theo hầu Phật tổ. Đôi khi thầy tự hỏi: Liệu ta có phạm vào giới luật? Nhưng thầy vội xua đi. Thương người, cứu giúp chúng sinh là bổn phận, là đạo lý nhà Phật, sao bảo ta có lỗi? Giữa ta với nàng sáng trong như vầng nhật nguyệt sao ta lại phải ân hận nghĩ suy? Nếu ta có lỗi đó là không giữ được nàng, không tìm được nàng, không nói cho nàng và ông bà Tu Định hiểu rằng nàng mang thai là do âm dương tác hợp. Trời đất giao hoà là điềm lành thế gian có thêm đấng từ bi, có thêm Đức Phật sẻ chia cho nỗi đau nhân thế. Nhưng miệng đời còn sắc hơn dao, ba tấc lưỡi kẻ xấu còn nhọn hơn thương giáo. Nỗi oan của nàng của ta có trời đất, có Phật tổ thấu tỏ. Thế gian này làm sao hiểu nổi những lẽ tự nhiên, những điều tất yếu. Liệu chúng sinh có vì ta mà giảm bớt lòng tin, có vì ta mà coi khinh Phật pháp, vì ta mà sao nhãng kệ kinh? Đó là điều lòng ta vẫn thường băn khoăn dằn vặt. Buổi sáng ấy thầy Khâu vẫn tọa thuyền, vẫn nghe tỏ những âm thanh tứ phía. Có tiếng kẹt cửa. Chắc cơn gió nồm Nam lại đưa những đám mây trút xuống những trận mưa. Thầy Khâu đoán không lầm. Trong tiếng gió gào thầy nghe thấy tiếng trẻ sơ sinh. Thầy mở choàng đôi mắt. Trước mắt thầy là đám mây ngũ sắc bao quanh vòng tròn lấp lánh như dải cầu vồng. Giữa vòng tròn là một bé gái sơ sinh nhỏ xíu quấn khắp người những sợi sáng lung linh. Bé gái có nước da nâu sậm, tóc quăn tít, đôi mắt đen dài sáng rực và đôi môi chúm chím như một đoá hồng. Thầy Khâu đưa tay bế đứa bé ra khỏi vầng mây. Vầng mây và vòng tròn tan thành nước chảy ngược về phía thượng nguồn. Thầy ôm bé vào lòng. Bé lim dim đôi mắt nở nụ cười và lớn nhanh như thổi. Thầy Khâu ngồi bên suy nghĩ. Tình thì ngay mà lý thì gian. Bản thân thầy đâu sợ gì điều tiếng. Thầy chỉ lo cho bản tự, cho chư tăng, đệ tử. Trời sắp sáng rồi. Việc trước mắt là hãy đưa đứa bé khỏi chùa, càng xa càng tốt. Thầy đứng dậy khoác thêm chiếc áo cà sa, cầm cây Tầm-xích bước ra ngoài trời. Trời vẫn tối đen, mưa vẫn xối xả ngả nghiêng cây cối. Lạ thay, thầy đi tới đâu ở đó bỗng khô ráo, những hạt mưa rẽ ra tạo một con đường. Cứ thế, thầy đi ngược sông Dâu, lẫn vào cánh rừng dầy chít những cây Dung thụ. Thầy cứ cắm cúi bước, mưa cứ lịch lãm dẫn đường, lòng thầy ngổn ngang rối tựa tơ vò. Cây Tầm-xích bỗng rung lên khi chạm vào một cây Dung thụ. Cây Dung thụ to lớn sum suê chắn ngang lối, bên trái là vực sâu, bên phải là vách đá. Thầy Khâu buồn bực, giơ cây Tầm-xích trỏ vào Dung thụ hỏi lớn “Mộc tinh. Sao dám cản lối ta?” Tức thì Dung thụ tách ra. Thầy vô cùng ngạc nhiên: Chiếc nôi bảy sắc có những đệm mây trắng bồng bềnh đang đung đưa chờ đón. Thầy vội quỳ xuống thành tâm cầu nguyện, rồi đưa đứa bé vào giữa chiếc nôi hướng mặt về phía làng Men. Cây Dung Thụ từ từ khép lại. Thầy ngồi xuống đọc hết 9 quyển kinh, rồi trở về chùa. Đó là buổi sáng ngày mùng 8 tháng 4 năm Đinh Dậu, năm thứ 30 Sĩ Nhiếp sang Giao Châu làm thái thú… * Đầu năm 1954 trong trận tổng càn vào bảy xã vùng Luy Lâu, một quả đạn 105 li bắn từ căn cứ Cẩm Giàng của quân đội Pháp đã phá tung một góc tam bảo Chùa Giàng, khoan một lỗ tròn hình phễu. Viên quan ba có bốn đời cai trị xứ Đông Dương và ba năm chạy Nhật lẩn quất khắp vùng Vân Nam Trung Quốc, phát hiện tấm bia đá vỡ đôi trên có khắc những chữ vuông gần giống chứ Hán bây giờ. Viên quan ba rút chiếc khăn tay trắng tinh lau đi lớp đất vàng nhạt, reo lên “tuyệt vời!” Bọn lính ngơ ngác không hiểu tấm bia kia ghi những gì mà sếp của chúng tỏ ra vui mừng làm vậy. Nhưng lúc ấy không chỉ có viên quan ba lõm bõm đọc được những chữ trên tấm bia vỡ, mà còn một người nữa. Đó là ông Trương Đình Hoành, tiểu đội trưởng trinh sát thuộc tiểu đoàn Thiên Đức (Bắc Ninh). Ông là con trưởng cụ đồ Tung nổi tiếng hay chữ vùng Phủ Thuận. Từ sau pho bụt ốc ông nhìn rõ chữ “Tuế thứ Canh Tý niên, sỹ vương tiên tam thập tam, phụng khắc”. Đêm đó tiểu đoàn Thiên Đức, có bí thư huyện ủy Thuận Thành tham gia chỉ huy, tập kích tiêu diệt cả đại đội Âu- Phi, thu nhiều chiến lợi phẩm trong đó có hai mảnh tấm bia quý giá. Tôi may mắn có dịp hầu chuyện người tiểu đội trưởng trinh sát năm xưa nay đã ngoại bát tuần, nhờ cụ góp ý vào câu chuyện tôi vừa kể. Cụ vuốt chòm râu óng ánh như những sợi cước, thong thả: “Hay, hay lắm! Chỉ có đoạn Khâu-đà-la đưa đứa bé đến rừng Dung thụ là không đúng. Lúc đó trời đã tạnh nhưng tối đen như mực. Có ngôi sao như chiếc đèn lồng sáng rực bay phía trước dẫn đường như kiểu Khương-Linh-Tá trong tích tuồng Sơn-hậu. Đoạn bà Man nương kéo cây Dung thụ lên cửa chùa Bình hay và ý nghĩa lắm sao anh lại bỏ qua? Khi Sỹ vương tiên làm lễ nhập thần Tứ pháp và Đức Thạch Quang thì ở Làng Mèn A-man cũng đột ngột qua đời. Thầy Khâu-đà-la ngồi trước Phật đường khẽ rùng mình rồi tịch. Đêm ấy mười hai làng Vùng Dâu đèn đuốc sáng trưng, trên trời lấp lánh hai ngôi sao thật đẹp. Người ta bảo hai ngôi sao ấy vào ngày Phật đản vẫn sà xuống sát nóc chùa Dâu. Tôi thì chưa thấy, nhưng lúc nào anh thử để ý xem sao!” H.G (263/01-11) |