Tạp chí Sông Hương - Số 12 (T.4-1985)
Giấc ngủ bình yên
15:37 | 21/02/2011
LÊ CÔNG DOANHCái hành lang rộng và dài hun hút khe khẽ vang nhịp chân đều đặn của cô gái. Chung quanh thì yên lặng. Đã qua nửa giờ mà cánh cửa có ô kính lờ mờ ánh điện vẫn chưa mở ra.
Giấc ngủ bình yên
Dưới giàn hoa giấy - sơn dầu Đinh Cường
Ngọc nóng ruột quá. Mẹ cô đang nằm trong ấy. Thỉnh thoảng Ngọc cố nhón chân để nhìn qua ô kính nhưng cô chẳng thấy được gì ngoài một màu sáng trắng.

Ngọc sửa lại chiếc áo. Mãi đến bây giờ cô mới thấy lạnh. Chiếc áo cô mặc phong phanh quá. Thoáng một cơn gió đi qua làm lay động bóng cây đen ngòm ở ngoài hành lang. Ngọc rùng mình. Phút chốc cô tưởng tượng đến những hình thù quái gở của bóng đêm, những câu chuyện ma quỷ mà cô đã từng nghe kể. Cô đã lỡ dại dột nghe những câu chuyện ấy nên bây giờ người cô nổi gai khắp mình. Trống ngực Ngọc đấm thình thịch. Không biết cô đang lo cho mẹ hay đang nghĩ đến cái bóng cây lay động ngoài kia…

Ngọc ngồi xuống trên chiếc ghế băng dài. Hai tay cô bắt chéo trước ngực kéo chiếc áo bó sát vào thân mà vẫn thấy run cầm cập. Cô bậm môi, giọt nước long lanh đang chạy vòng quanh mắt như sắp chực trào ra thành tiếng khóc tức tối. Chưa bao giờ Ngọc thấy giận bố như lúc này. Nửa giờ trước chính cô đã ký vào giấy cam đoan để người ta đưa mẹ cô lên bàn mổ. Không ngờ, có lúc Ngọc phải quyết định một việc quan trọng như thế. Cũng may người ta đã thông cảm để cho Ngọc làm giấy cam đoan. Cô phải nói dối là bố công tác xa, gia đình, bà con thì không còn ai. Còn bây giờ… Liệu mẹ cô có qua được không? Bao nhiêu ý nghĩ đen tối kéo đến mà cô thì chỉ có một mình, Ngọc chăm chắm nhìn vào cánh cửa. Cái gì sẽ đến với cô khi cánh cửa ấy mở ra. Cô thầm cầu nguyện một điều gì đó không rõ nhưng thiêng liêng, nó tựa như niềm tin của đứa bé trong chuyện cổ tích mong được bà tiên ban cho phép lạ… Ngọc chợt nghĩ đến cái điều bất hạnh nhất: nếu mẹ cô sẽ ra đi mãi mãi, sẽ không bao giờ còn nhìn thấy cô nữa. Nước mắt Ngọc đã chảy xuống má. Thoáng qua trong trí tưởng của Ngọc hình ảnh của một người đàn bà xa lạ.

Cuối cùng cánh cửa cũng đã mở. Cô thầm gọi: “Mẹ ơi!” Loáng thoáng trước mắt Ngọc những bóng áo trắng lạnh toát. Ngọc bước tới, ngỡ như không đứng vững trên đôi chân của mình. Tấm drap phủ kín thân hình người mẹ chỉ chừa lại khuôn mặt nhợt nhạt. Đôi mắt mẹ cô khép kín tựa như những khi bà ngủ mệt. Ngọc cúi sát mặt mẹ lắng nghe hơi thở yếu ớt. Một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai Ngọc.

- Không sao đâu em ạ! Mẹ sẽ tỉnh lại ngay thôi. Em nhớ lời tôi là đừng khóc nhé. Em hiểu chứ!

Ngọc khẽ gật đầu rồi lau vội nước mắt. Cô lặng lẽ đi theo mấy chị hộ lý đưa mẹ cô về phòng hồi sức.

Giây phút căng thẳng nhất vừa đi qua. Mẹ Ngọc vẫn chưa mở mắt nhưng cô đã bớt lo lắng. Cô chăm chú theo dõi nhịp thở của mẹ và nghĩ đến bố mình. Nói dại… Nếu như vừa rồi… Mẹ sẽ không kịp nói điều gì với bố. Mà liệu mẹ có tha thứ cho bố không? Bao giờ cũng vậy, Ngọc không thể tự mình phán xét được. Lòng yêu thương và kính trọng của cô vốn công bằng. Nhưng lúc này có thể cô đã dành hết cho người mẹ. Chưa bao giờ cô nghĩ đến những điều không may. Nhưng rồi cái gì đến đã đến. Sau một trận cãi vã kịch liệt nhất, bố cô đã đi suốt một tuần và không hay rằng đêm nay một cơn bệnh quái ác đã kéo tới hành hạ vợ mình. Ngọc bàng hoàng, tưởng chừng tai họa đang rút xuống ngôi nhà yên ổn của cô…

… Cô gái ngồi nhặt những mảnh bát chén vỡ qua hai hàng nước mắt. Lần đầu tiên trong đời cô nghĩ đến sự đổ vỡ của hạnh phúc. Giá như là con trai cô đã đẩy cửa bước ra khỏi nhà để khỏi chứng kiến cảnh tượng đau lòng này. Mẹ cô vừa khóc vừa kể lể. Bố cô, sau khi xô đổ cả mâm cơm đã bước tới lục tung tủ sách, quăng bừa bãi những trang bản thảo xuống sàn nhà. Đứa em trai của cô ngơ ngác nhìn mọi người, bưng bát cơm dở mếu, dở khóc. Giá như cô là con trai, cô sẽ đi ngay, con trai vẫn thường làm thế. Nhưng cô là con gái, cô biết làm gì được. Cô bất lực. Bố mẹ đã không bình tĩnh được rồi. Cô im lặng nuốt nước mắt và đành ngồi nghe bố mẹ cãi nhau.

- Nó là một con đàn bà không đứng đắn. Tôi nhắc lại cho ông rõ. Ông bênh nó thì theo nó đi…

Ông Phận gay gắt cũng không kém vợ:

- Bà đừng có hồ đồ. Người ta không phải là thứ bán tôm bán cá. Người ta không như…

Ông Phận biết mình lỡ lời nhưng không kịp nữa. Bà Phận chụp ngay câu nói ấy. Cái đầu óc giàu tưởng tượng của bà bắt bà hiểu câu ấy theo ý mình. Bà nghĩ đến cái cửa hàng thực phẩm mà hàng ngày bà vẫn đứng bán.

- À, thế tôi là thứ bán tôm bán cá chứ gì. Thế nên tôi mới không xứng với một văn sĩ đang nổi tiếng như ông. Con người ta có học thức, người ta biết bàn luận văn chương. Tôi dốt nát, tôi quê mùa nên chồng con khinh…

Cô gái không hiểu vì sao có lúc bố mẹ lại phải nói với nhau thậm tệ đến thế. Cô muốn nói một câu gì đó nhưng cổ họng cứ nghèn nghẹn. Mẹ cô cứ tiếp tục lôi những chuyện từ xa xưa ra mà kể tội, cơ chừng như điều ấy sẽ làm cho gia đình yên ấm trở lại.

Ông Phận bắt đầu dịu giọng:

- Tôi không có ý nói thế, bà đừng có đặt điều. Đúng, tôi có quen cô ta. Điều đó có gì là lạ. Cô ta cũng như bao nhiêu độc giả khác, thích cuốn sách của tôi. Còn lời ong tiếng ve, bà lạ gì ở cái thành phố bé bằng nắm tay này.

- Vì bằng cái nắm tay nên người ta mới biết, chứ không thì đã êm xuôi trót lọt cả rồi. Bây giờ thì ông nổi tiếng lắm. Nhưng ông quên rằng cái xấu vẫn dễ làm người ta trở nên nổi tiếng không thua gì cái tốt, cái đẹp…

Cô gái chú ý đến điều mẹ vừa nói. Có lẽ mẹ đã nói đúng. Bố mình đang nổi tiếng thật. Người ta đang nói nhiều về nhà văn Đỗ Phận. Nhưng có điều không phải nói về tác phẩm mà ông vừa xuất bản. Độc giả đã thôi xôn xao bàn tán về cuốn truyện ấy. Bây giờ người ta nhìn cuốn sách để nói về chuyện khác, hấp dẫn hơn. Trước đây ít ai biết về tiểu sử của ông Phận nhưng bây giờ chuyện đời tư của ông thì quá nhiều người biết. Và tất nhiên những người xấu bụng, không ưa ông Phận, có dịp mà thêu dệt. Đã nhiều lần Ngọc trông thấy người ta chỉ mình rồi nói với nhau: “con ông Phận đấy!”, “lớn thế kia à!... Có phải cái ông nhà văn…” Ngọc bịt tai, nuốt tủi nhục mà chạy nhanh về nhà.

Ngọc đánh bạo kể với bố mẹ điều ấy, hy vọng bố sẽ thức tỉnh mà nghĩ lại. Nhưng ông Phận cảm thấy oan cho mình quá. Quan hệ như vậy là xấu à? Đã nhiều lần ông Phận thành thật kể với vợ con về người đàn bà ấy. Đó là một người đàn bà đáng thương. Một con người có cảnh ngộ rất giống với nhân vật chính trong tác phẩm của ông. Người ta mến mộ ông, tìm đến gặp ông. Thường tình thế thôi. Một lần gặp. Rồi hai lần gặp… Nhưng cơ hồ họ cần gặp nhau nhiều hơn. Điều đó cũng rất dễ hiểu. Ông Phận nghĩ vậy. Bởi vì chuyện văn chương khi đã được cuộc đời chứng thực thì còn gì thú vị bằng. Ông Phận tìm cách biện hộ cho những lần gặp gỡ. Ông đã sống với nhân vật của mình như thế nào thì cũng phải đối xử với người đàn bà như thế ấy. Đó là cái lý của ông. Còn người đàn bà? Cho dù bà đã linh cảm thấy một cái gì không ổn, nhưng biết làm sao được. Bà là một người góa bụa. Còn ai hiểu mình hơn con người đã vô tình viết về cuộc đời mình và bây giờ đang đi vào trái tim mình.

Suy cho cùng, mỗi người có một lý lẽ riêng. Ông Phận thấy mình oan quá phải nói cho mọi người hiểu. Mình là nhà văn mình có quyền sống chứ. Sống để mà viết, phải có con người như thế mới cho ông những trang sách, những câu chuyện cho tất cả cuộc đời.

- Tôi nói với bà lần cuối. Bà đừng có làm ầm lên nữa. Chuyện bé người ta xé ra to. Tôi nói bao nhiêu lần rồi, bà không nghe thì mặc. Tôi là nhà văn, tôi có quyền…

- Tôi không nghe - Bà Phận rít lên - Ông làm gì nào? Ông có quyền à! Nhưng ông không có quyền làm khổ vợ con, ông không có quyền phá vỡ cuộc sống gia đình này. Còn tôi, tôi cũng có quyền của tôi. Tôi bảo vệ hạnh phúc của tôi. Ông rõ chưa? Tôi không nghe cái lý lẽ của ông, ông làm gì nào?

- Làm gì à! Được rồi, tôi sẽ đi khỏi cái nhà này. Tôi đi ngay bây giờ.

Ông Phận hùng hổ không kém vợ. Và ông đi thật. Ông với tay lấy cái áo choàng vội vào người và xô cửa bước ra. Ông còn kịp nghe tiếng vợ ông đuổi theo: “Được ông cứ đi. Đi đi!”

Chị em Ngọc hốt hoảng. Ngọc lao theo bố: “Bố ơi! Bố đừng đi… Mẹ ơi!”… Ngọc choàng tỉnh, vừa lúc cô trông thấy bố đứng cạnh giường.

- Con mơ thấy gì mà la ghê quá. Con khóc đấy phải không? Ông Phận vừa lau nước mắt cho con vừa hỏi.

Ngọc nhìn bố giây lâu. Cô chợt hiểu. Cô hỏi lại bố:

- Mẹ chưa tỉnh hả bố? Con ngủ có lâu không?

- Bố đến thì con ngủ đã say lắm rồi. Con ngồi tựa đầu vào tường kia kìa. Con gái bố xấu quá. Ngồi trông mẹ mà lại ngủ quên mất. Bố đặt con lên giường đấy. Mẹ mới tỉnh dậy có một lát thôi, vừa chợp mắt lại.

Ngọc lại nhìn bố rồi khe khẽ hỏi:

- Mẹ … mẹ không giận bố đấy chứ?

- Không! Mẹ tha thứ cho bố rồi. Con ngủ tiếp đi. Trời chưa sáng đâu, khi nào mẹ tỉnh dậy thì bố gọi.

Cô gái ngoan ngoãn nằm xuống. Cô không buồn ngủ nữa nhưng cố nhắm mắt cho bố vui. Tội nghiệp bố. Trồng gầy quá. Chắc đã nhiều đêm không ngủ nên mắt bố hốc hác thế kia.

Ông Phận ngồi trầm ngâm lắng nghe hơi thở đều đặn của hai mẹ con. Thỉnh thoảng cô gái lại nấc lên một tiếng. Nó lại mơ chuyện gì rồi… Hay nó còn giận mình. Nếu điều đó xảy ra, suốt đời ông mang tội với vợ với con. Sẽ không ai tha thứ cho ông cả. Bất giác ông muốn cắt nghĩa sự hạnh phúc. Có gì khác nhau giữa giấc ngủ của hai mẹ con và người đàn bà kia? Cuối cùng ông đã trở về…

Phía ga, một hồi còi dài rúc lên. Ông Phận nhìn đồng hồ. Vậy là hết. Đoàn tàu sẽ đưa người đàn bà ấy về Bắc. Ông Phận đứng dậy. Nếu bây giờ ông được đến sân ga để từ biệt. Ông quay về phía hai mẹ con rồi lặng lẽ lắc đầu. Ông phải canh chừng giấc ngủ ấy. Ông đốt một điếu thuốc rồi từ từ ngồi xuống. Có lẽ người đàn bà ấy sẽ hiểu mình. Ông thầm mong như thế.

Huế, tháng 10-1984
L.C.D
(12/4-85)





Các bài mới
Trang thơ Nam Tư (21/03/2011)
Chùm thơ Võ Quê (18/03/2011)