Tạp chí Sông Hương - Số 12 (T.4-1985)
Trang giấy, bóng tối và những bông hoa
15:35 | 22/03/2011
NGUYỄN DUY HIỀNHồi ký
Trang giấy, bóng tối và những bông hoa
Nhà báo Nguyễn Duy Hiền - Ảnh: internet
Châm thêm mực vào trục quay xong, Quê vươn vai, cười mệt mỏi và hỏi tôi:

- Hình như trời sắp sáng rồi phải không?

- Có lẽ thế, phía đài phát thanh đã nghe vọng tiếng rao của mấy em bé bán bánh mì. Năm giờ rồi chứ không ít đâu.

Hai đứa tôi nhìn nhau lặng lẽ rồi tiếp tục làm việc. Những trang báo cuối cùng lại lần lượt theo vòng lăn của chiếc máy tuôn ra. Buổi sớm cuối đông ở Huế lạnh sắt se, không mưa, nhưng cơn gió nhẹ cũng đủ làm mình tê tái. Mấy cây củi bé nhỏ trong lò sưởi không đủ làm ấm căn phòng.

Tôi cầm tập báo vừa đóng vừa dán bìa xong, ngắm nghía và mang đến Quê xem. Tập báo mùa xuân “Đất nước ta” của đoàn công tác xã hội sinh viên học sinh Huế.

- Đẹp đấy. Trắng mắt hai đêm nay cũng chẳng phí công tí nào!

- Chứ sao, còn có bao lăm ngày nữa là tết rồi phải khẩn trương xén và phát hành đi thôi. Tờ “Tiếng gọi Học sinh” nghe nói phân phối đã gần hết.

Bên ngoài trời sáng dần. Anh em ở phòng bên đã lần lượt thức dậy, tiếng cười nói râm ran làm ấm hẳn căn nhà. Mệ Giang gọi Quê và tôi nghỉ tay sang uống trà. Một ngày mới nữa của cuộc đấu tranh lại bắt đầu.

Từ đầu tháng giêng đến nay, sau những ngày yên tĩnh cuối năm 1970, phong trào ở Huế đang đi vào giai đoạn củng cố, bổ sung, xây dựng lực lượng. Các trường trung học, các phân khoa Đại học, đoàn sinh viên Phật tử, Đại học xá Nam Giao… đều chuẩn bị nhân sự bầu lại Ban chấp hành. Mặt khác, với sự hỗ trợ tích cực của Sài Gòn, các tổ chức quần chúng rộng rãi như Mặt trận nhân dân tranh thủ Hòa bình, phong trào phụ nữ đòi quyền sống cũng đang chuẩn bị điều kiện ra mắt công khai ở Huế. Song song với công tác trên, sau những đợt thâm nhập về nông thôn, tận mắt chứng kiến muôn vàn tội ác mà giặc Mỹ đã gây ra cho bà con ta với chương trình bình định cực kỳ dã man của bọn chúng, cuộc sống lầm than tang tóc của đồng bào bị dồn ép trong ấp tập trung, sinh viên học sinh đã mở một chiến dịch rầm rộ tố cáo tội ác giặc dưới các hình thức tuyên truyền bằng báo chí. Hàng loạt tờ báo xuất bản công khai từ mùa hè vẫn được tiếp tục duy trì như “Tiếng gọi Việt Nam”, “Tiếng gọi Học sinh”, “Nối tay”, “Đất nước ta”, “Động mạch”, “Tự quyết”… Nhiều tài liệu tờ rời được phát hành hàng loạt. Những anh em sáng tác văn học tiến bộ trong sinh viên đã tập họp đông đảo trong “Hội sinh viên sáng tác Huế”. Tuy ở những mức độ khác nhau, sáng tác của anh em đều phản ảnh được sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đô thị trong lòng cuộc kháng chiến chống Mỹ của cả dân tộc. Có lẽ chưa bao giờ báo chí tranh đấu ở Huế lại phát triển mạnh như lúc này về cả số lượng lẫn nội dung, hình thành một mặt trận cực kỳ quyết liệt, tiến công trực diện với kẻ thù. Căn nhà nhỏ, xinh với giàn hoa giấy đỏ thắm sắc cờ trên con đường Trương Định nay đã trở thành tòa soạn và cũng là cơ sở phát hành của không biết bao nhiêu tờ báo. Có thể nói nó còn là nhà xuất bản với nhiều ấn phẩm của nhiều tổ chức được quần chúng hết sức yêu mến.

Uống hết ấm trà ngon của mệ, tôi và Quê chưa kịp ngả lưng một lúc cho đỡ cay mắt thì đã nghe tiếng hôn đa xành xạch của anh Kha đến. Anh Kha dạy ở trường Quốc Học, anh là nhà giáo và một nhà thơ đấu tranh có tên tuổi, rất gần gũi, thân thiết với anh em sinh viên học sinh Huế. Chúng tôi hồi ấy cũng đang học ở Quốc Học tuy không học lớp anh dạy nhưng quan hệ khăng khít với anh vừa như là học trò vừa như là anh em. Và chúng tôi bắt đầu làm quen với công việc viết lách, làm báo cũng là khởi đi ấy.

Vừa dựng xe, anh vừa sửa lại chiếc cà vạt hơi sộc xệch, vừa bực dọc nói:

- Quê, Hiền biết không đặc san “kết hợp” đang gặp rắc rối ở trường, bọn chúng xoi bói mấy bài viết của Nguyễn Thạch Lan và Bửu Nam. Mình vừa đấu một trận ra trò với mấy tay trong Hội đồng giáo sư đấy. Hừ, để xem đứa nào phá đám được.

- Vậy mà em chọn bài thơ của Lan, bài “Đứa bé và ổ bánh mì” để in trong tập thơ học sinh rồi đó.

Anh Kha vẫn chưa hết nóng nảy. Anh lấy trong cặp tờ báo Hòa Bình (1) ngày 12-1-1971 và đọc đoạn ghi lại lời tố cáo của một ni cô: “có người mẹ lạnh quá nên chết, trong khi người cha phải đem con còn thoi thóp chôn sống vì không kiếm được gì cho con ăn… có nhiều em nhỏ đã bị chết cứng vì lạnh, một số khác không có thức ăn đã phải gặm cả cây cỏ”. Anh căm phẫn nói tiếp:

- Thế đấy, thằng “Hòa Bình” mà còn la đến như vậy thì đứa bé trong bài thơ của Lan có chi mà chúng phải hăm he. Còn nhẹ nhàng quá đi chứ.

Tôi lấy bật lửa châm giúp cho anh điếu thuốc lá tắt ngấm từ nãy giờ, và nói với anh:

- Thầy quay quắt thì tớ cũng phải cho nó trọ trẹ chút ít. Anh giận làm chi. Nói chi thì nói, anh không thấy chiều mô chiều nấy, trước cổng Tổng hội mình đây, bà con chen nhau để mua cho được một tờ “Tiếng gọi sinh viên” đó hay răng. Ai tới đây mà cấm thử đi. Với lại nữa, bọn em kéo nhau đi kẻ khẩu hiệu, đi dán áp phích giữa ban ngày ban mặt, còn lũ mật vụ thì cứ chờ đến giới nghiêm mới mò mẫm đi xóa, đi gỡ.

***

Tháng 2-1971, sau cuộc hành quân phiêu lưu Lam Sơn 719 thất bại thảm hại và những thắng lợi lớn có ý nghĩa chiến lược của ta ở chiến trường đường Chín Nam Lào. Mỗi ngày có hàng trăm người, khăn tang áo chế bồng bế con đến đấu tranh ở Mang Cá, ở tiểu khu Huế. Phong trào đòi chồng, đòi con em bị đẩy vào chỗ chết ở Lào của gia đình binh lính ngụy diễn ra sôi nổi và quyết liệt. Một không khí buồn nản, lo sợ ngày càng lan rộng khắp thành phố. Phong trào đã gây căng thẳng, rối loạn và lúng túng cho ngụy quyền kéo dài đến cả mấy tháng sau. Sinh viên học sinh Huế mở chiến dịch Đồng Tháp “nói cho đồng bào tôi nghe và nghe đồng bào tôi nói” tố cáo âm mưu của Mỹ ngụy trong chiến dịch Nam Lào. Song song với các phong trào này, phong trào đào rã ngũ, chống bắt lính đã bắt đầu lan rộng. Ngày 28-3, Ban vận động thành lập “phong trào phụ nữ đòi quyền sống” và Mặt trận nhân dân tranh thủ Hòa bình công khai ra mắt nhân dân, và đến tháng 5 các ban chấp hành lâm thời được chính thức thành lập. Trụ sở Tổng hội lại tiếp nhận thêm hai tờ báo mới “Mặt trận Hòa bình” và “Phụ nữ Huế”. Sau một quá trình đấu tranh, vận động lâu dài, gian khổ, Ban chấp hành Tổng hội sinh viên chính thức ra mắt, trực tiếp chỉ đạo phong trào công khai hợp pháp. Tổng hội sinh viên cho xuất bản lại bản tin hàng tuần, ra tập san “Sinh hoạt” - một tạp chí đấu tranh rất được sinh viên học sinh và quần chúng hưởng ứng. Chiếc máy chữ Royal 440 và chiếc máy quay ronéo gestelner phải làm việc gần như suốt ngày đêm. Tuyên ngôn, tuyên cáo truyền đơn khẩu hiệu, nhiều tập san của các đoàn thể quần chúng, các tổ chức biến tướng được tung ra hàng loạt. Khẩu hiệu đấu tranh của sinh viên học sinh nổi lên trong thời gian này là tố cáo chính quyền Thiệu kéo dài chiến tranh, quân sự hóa học đường, Mỹ cút về nước. Địch ra sức đánh phá phong trào, tìm cách khủng bố trắng những người đứng đầu các tổ chức. Tên lãnh sự Mỹ ở Huế và Đà Nẵng trực tiếp gặp gỡ để giở thủ đoạn lừa bịp và hăm dọa những cán bộ chủ chốt. “Chiến dịch vì dân” của ngụy quyền đã bắt bớ, tra tấn hàng ngàn người. Tạp chí “Sinh hoạt” số 1 phát hành tháng 7-71 đã vạch trần âm mưu “kéo dài mở rộng chiến tranh, biến thanh niên thành tên lính đánh thuê cho Mỹ” trong chính sách quân sự hóa học đường. Số cán bộ được phân công chuyên trách biên tập và ấn loát không nhiều, ngoài Quê là người chịu trách nhiệm chính, vừa viết, đặt bài, quay, đánh máy, tổ chức phát hành, có Quốc Ân tham gia ấn loát, một số anh em ở các bộ phận khác, như bọn tôi, tham gia viết, biên tập và ấn loát. Những tháng ngày Huế và cả miền Nam chìm trong cơn lốc “Việt Nam hóa chiến tranh” săn người và vét máu, gươm súng và tù ngục, đói rách và khốn cùng, môi trường sống bị đầu độc đến ung rữa, sinh viên học sinh Huế vừa chiến đấu trực diện chống giặc trên đường phố, vừa phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích của mình trong đấu tranh chống văn hoá nô dịch, sử dụng ngòi bút và trang giấy như một vũ khí sắc bén nhắm thẳng giặc mà đột phá. Đúng như mấy câu thơ của Đồng Tháp mà tôi rất thích:

“Dù ta làm thơ giữa muôn trùng vây bủa
manh giấy, sách đèn, miếng ăn, chốn ở
thì thơ từ bóng tối đã đâm hoa
Hương ngào ngạt
            sắc thắm vườn ta
Thơ, ánh sáng một đời tôi 
            những tia sắc ngọt
Đã cắt sâu từng mảnh 
            bóng đêm…”

Mùa hè này là thời gian mà phong trào đấu tranh ở Huế lên những đỉnh cao mới, biểu tình bãi khóa, đốt xe Mỹ và chư hầu liên tục trên đường phố. Căn nhà số 22 của bọn tôi được xem như một vùng giải phóng giữa thành phố. Báo chí, truyền đơn, tài liệu, được phát hành và phát hành mỗi ngày, mỗi đêm, sôi nổi rộn rã một góc phố.

Một buổi chiều tôi phải về nhà. Vì lâu quá chỉ ăn, ở và làm việc thường xuyên ở Tổng hội. Suốt đêm hôm đó, cứ trăn trở không chợp mắt được, nghe nôn nao khó chịu trong lòng, tôi linh cảm có chuyện gì đấy không yên tâm. Trời mờ sáng tôi đã vội vàng đạp xe đến cái “chiến khu” của mình. Từ cửa ngõ, vệ đường, đến hàng cây, bờ rào và cả mặt sân xao xác giấy vụn, gạch đá ngổn ngang. Đây đó, trên mặt đường nhiều nơi nám đen vết bom xăng. Bước vào phòng gặp Thuyên ngay, mắt trũng sâu vì mất ngủ và mệt mỏi. Anh nhìn tôi và nói đanh giọng:

- Đêm qua mệt quá sức, bọn Liên Thành đánh vào đây dữ dội lắm. Lũ khốn nạn…

- Anh em mình có bị chi không?

- Chúng chẳng làm được trò trống chi. Thằng Liên Thành suýt chút nữa thì bị cháy đen vì mấy trái bom xăng. Đông có “xáp lá cà” với bọn hắn, mệt và ngất một lúc, nhưng không sao. Gay nhất là Quê, máu ra nhiều quá. Hai lá phổi của nó kiệt sức rồi…

Tôi lấp bấp: … ở mô, ở mô rồi.

- Phòng cấp cứu viện bài lao, chị Quế đang theo dõi.

Ôi, mới chiều hôm qua đây, Quê còn ngồi bên bàn máy chữ, vui vẻ đánh nốt mấy trang cuối của tập vè “Thiệu Hương một lũ phường chèo” trong tủ sách đồng bào để phát hành kịp thời chống trò hề độc diễn của Thiệu. Một tay sửa chiếc mũ bê rê bạc màu, một tay lật lật tờ stencil, Quê gọi tôi:

- Hiền nè, xem đoạn này chỉnh chưa.

- Tạm ổn. Viết trên stencil như vậy là nhất rồi. Quay đi thôi.

- Ừ, ráng cho xong mấy tập này. Hiền quay nghe. Mấy bữa ni mình thấy hơi mệt ngực, cứ ho khan tức tức, nghẹn nghẹn sao ấy.

Tôi quay xe, vội vàng đạp lên bệnh viện, nơi chị Quế làm việc. Leo gấp mấy tầng lầu và bước nhanh vào phòng cấp cứu. Nam đang ngồi bên giường, lo lắng căng thẳng, cầm bàn tay phải còn đen dấu mực in của Quê, nhìn tôi buồn bã. Mới có mấy tiếng đồng hồ mà anh sa sút hẳn, xanh ngắt, hốc hác, mê man. Tôi nhẹ nhàng ngồi cạnh Nam. Hai đứa im lặng cho đến khi chị Quế vào.

- Cũng qua nguy hiểm rồi đó, nói anh em cứ yên tâm, để chị lo liệu, Hiền và Nam về đi. Tình thế này phải cẩn thận một chút. Bọn chúng có thể ra tay.

- Có cần chi không hả chị. Máu có cần anh em tiếp không.

- Thôi, cứ vậy đã. Có chi chị sẽ báo sau.

Trên đường về, Nam nói với tôi:

- Ghê quá, đêm qua không có anh. Anh Quê lịm đi như một xác chết.

- Thôi, đừng nói nữa, mình thấy căng thẳng quá. Đang lúc gay cấn này, mất một kiện tướng. Mà anh em ta, bao nhiêu việc.

Và thế là Quê nằm viện từ đấy cho đến ngày bị giặc bắt giữ, đẩy lên chuyến tàu ngày 7-5-72 ra Côn Đảo, cùng một ngàn năm trăm đồng bào đồng chí khác; dưới hầm tàu chật hẹp, tối tăm với những cơn say sóng chết lên chết xuống. Quê nằm đấy, nhưng vừa qua được cái chết, lại hăng say viết bài, làm thơ. Bởi vì với tất cả chúng tôi, cuộc đấu tranh này tự nó đã là một bản trường ca hùng tráng.

Những ngày tháng 8, tháng 9, tháng 10 thành phố sục sôi lửa đấu tranh khắp nơi trên đường phố, ban đêm, ban ngày xe Mỹ, xe Đại Hàn liên tục bốc cháy. Bọn lính Mỹ được lệnh không vào thành phố, không đi lẻ tẻ. Sau một ngày chiến đấu căng thẳng tối ngày 2-10 hàng ngàn tên cảnh sát dã chiến với đạn cay, phi tiễn, súng M.16 bắn xả vào các lực lượng xuống đường, cuộc đàn áp tàn bạo mà báo chí bấy giờ mô tả là “khủng khiếp nhất” “súng nổ rền như hồi Tết Mậu Thân”. Anh em phải phân tán mỗi người một ngã. Buổi chiều, đã nghe tin anh Kha, rồi Kỳ Sơn bị chúng bắt giữ. Tôi ghé phòng bệnh thăm Quê, thông báo tình hình và bàn kế hoạch tung tài liệu, truyền đơn cho các tổ công tác và các toán xung kích xuống đường sáng ngày mai đúng vào giờ chúng tổ chức trò hề bầu cử. Quê cũng lo lắng và có ý giữ tôi đêm ấy ngủ lại bệnh viện. Nhưng gần 8 giờ tối, chị Hải đã đạp xe lên hối hả giục tôi tìm nơi lánh mặt, bọn mật vụ vừa đến nhà lùng sục. Chúng đang ruồng bố khắp thành phố. Cần đến và đưa tôi lên Vạn Phước trên chiếc Suzuki của anh.

- Cứ tạm “tu hành” ít hôm ở đây. Mình sẽ liên lạc hàng ngày.

Một ngày quần nhau với bọn chúng, thấm mệt, tối hôm ấy tôi ngủ say mê mệt, sáng ngày 3-10, bọn tôi kéo nhau ra khu nghĩa địa sau lưng chùa để trao đổi công tác. Cần đã cho một em nữ sinh Đồng Khánh mang máy chữ và một ít stencil lên. Tôi chuẩn bị đánh máy tuyên bố phủ nhận cuộc bầu cử bịp bợm của Thiệu, phản đối việc bắt bớ sinh viên học sinh và tố cáo âm mưu kéo dài chiến tranh của ngụy quyền. Tòa soạn 22 Trương Định tạm thời được chuyển lên khu mộ cổ này. Kể ra cũng thoải mái, nếu không muốn nói là hết sức thú vị. Đang mùa trăng, ban đêm ở đây thật tuyệt, không gian bao la và yên tĩnh, chúng tôi nằm trên mấy bờ lăng mộ bằng xi măng mát lạnh. Cả rừng thông chung quanh cao vút réo rắt trong gió. Xa kia là Trường Sơn nhấp nhô, xanh thẳm, tôi thấy gần gũi quá, thân thiết quá tưởng chừng nơi ấy đã bao lần đi qua.

Nhưng bọn địch không đủ sức kéo dài tình trạng căng thẳng, mấy hôm nay, thành phố yên tĩnh, thỉnh thoảng ở góc đường này, khu phố nọ lại xuất hiện một toán nhỏ, xuống đường đột kích, bọn chúng sợ sự yên tĩnh này. Một tuần lễ sau đó, bọn tôi lần lượt trở về trụ sở. Tổng Hội lại tấp nập người vào ra. Anh chị em từ các trại giam của giặc cũng đã về, gần ba mươi người. Gặp nhau, mừng rỡ và bắt tay ngay vào đợt tiến công mới quyết không cho địch ngồi yên. Hai chiếc máy lại tiếp tục hoạt động, lóc cóc, xành xạch suốt ngày đêm phát ra hàng loạt tài liệu mới đòi “Mỹ cút Ngụy nhào”, ủng hộ bảy điểm của Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình tại hội nghị Paris.

Một số tạp chí mới lại gia nhập vào cái tòa soạn nhỏ bé của chúng tôi. “Mặt trận Văn hoá dân tộc”, “Giữ đất”. Những tờ báo này do anh em trí thức, văn nghệ sĩ tiến bộ ở Huế chủ biên, bài vở tập trung làm rõ nét những nhận thức sâu sắc của quần chúng, sinh viên học sinh và trí thức về âm mưu thâm độc trong chính sách văn hoá nô dịch của đế quốc Mỹ, để từ đó khẳng định một cách triệt để hơn nữa cuộc đấu tranh chống xâm lược của cả dân tộc. Anh Kha, người chủ trương biên tập tờ Mặt trận Văn hoá dân tộc đã nói với Quê và tôi trong phòng bệnh của Quê về tờ báo của anh:

- Văn hoá dân tộc, nhìn dưới khía cạnh cụ thể, đồng hóa với cơm áo độc lập và công bằng xã hội. Văn hoá dân tộc, phải lấy quần chúng làm cơ sở, lấy dân tộc làm cứu cánh, và nhu cầu của đại chúng làm mục tiêu. Đối với cuộc xâm lăng toàn diện của bọn đế quốc Mỹ hiện nay, không thể có vấn đề cải cách sửa đổi, mà chỉ có vấn đề giải phóng, giải phóng có nghĩa là cách mạng. Nội dung này mình đã nêu rõ trong thư ngỏ của Mặt trận.

- Bọn em cũng xác định rõ là phát huy nền văn hoá dân tộc là một mặt trận đấu tranh cứu nước. Dù cho bọn giặc Mỹ và tay sai có mưu toan làm ruỗng nát xứ sở này, sản sinh ra những loài nấm độc vây bủa văn hoá dân tộc, thì những chất kháng độc tố vẫn sẽ tiết ra một cách mãnh liệt, chúng càng công phá bao nhiêu thì anh em ta sẽ lại càng vững bền ý chí bấy nhiêu để bảo vệ sức sống, sức phát triển của dân tộc.

Chúng tôi nhận thức sâu sắc như vậy, nên bên cạnh những cuộc đấu tranh mặt đối mặt trên đường phố hàng loạt tờ báo ra đời, hàng chục buổi hát ca “cho đồng bào tôi nghe”, hàng trăm đợt xuống đường “nói với đồng bào tôi” là biểu hiện cụ thể, sinh động cho một hướng đấu tranh quyết liệt mà khẳng định thế tất thắng.

Tại các trường Đại học, bọn Thiệu đã tập trung nhiều hoạt động thâm độc chia rẽ đội ngũ đấu tranh của sinh viên. Chúng lập ra nhiều tổ chức để lừa bịp, phân hóa anh em sinh viên khi tổ chức “phối hợp sinh hoạt ngoại học trình” do tên Nguyễn Nhuận cầm đầu cũng bày trò hoạt động văn hoá xã hội. Mặt khác, song song với “chương trình con người và môi trường sống”, chúng đã đưa một loại trí thức phản động, mật vụ kiểu Lê Đình Cai.. vào dạy ở Đại học Huế. Vạch trần mọi âm mưu này, chúng tôi đã phát hành tập sinh hoạt số 2 với chủ đề “Thực trạng đại học” để tố cáo những ý đồ chính trị hết sức thâm độc của chúng. Nhiều bài viết tố cáo mạnh mẽ. Dưới bút hiệu Thức Nhân trong một số bài viết tôi đã nêu rõ “chính sách thống trị văn hoá giáo dục” của Mỹ. Quê dưới bút hiệu Hồ Bắc Khê đã lột mặt trái của “chương trình con người và môi trường sống”, Kỳ Sơn đã viết một bức thư ngỏ gửi Nguyễn Văn Hai vạch mặt tên ác ôn này, cha đẻ của cái gọi là phong trào “giáo dục mới” những năm 1960-1962 nay là cha đẻ của “hệ thống niên chế” và nhiều bài viết khác của anh em sinh viên đã khẳng định rằng sinh viên Huế không bao giờ khuất phục trước bất cứ thủ đoạn nào của kẻ thù.

Thời gian này, hoạt động báo chí hết sức phong phú, đa dạng. Nhiều loại báo và nhiều hình thức được sử dụng để đáp ứng yêu cầu của tất cả các đối tượng trong thành phố, tính ra cũng trên mười hai loại báo, tạp chí hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng và hàng chục ấn phẩm tài liệu các loại khác. Điều kiện lúc này có khó khăn hơn. Nhưng anh em hết sức quyết tâm, ngay cả Quê, sau khi phục hồi sức khỏe, mặc dù phải nằm viện, vẫn liên tục cung cấp bài vở, biên tập. Năng suất và chất lượng ngày càng cao.

Tết năm này, chúng tôi quyết định ra đặc san Xuân in typo và phát hành rộng rãi hơn. Bài vở chọn lọc với nhiều thể loại và nội dung đặc sắc. Nhưng việc in gặp trở ngại. Lâu nay, nhà in T.L chỉ nhận in bìa. Huế có nhiều nhà in nhưng bị địch kìm kẹp chặt chẽ, không nơi nào dám nhận in ruột cho chúng tôi, không có cách nào khác phải đưa vào Sài Gòn nhờ giúp đỡ. Tôi và Nhạc được giao trách nhiệm này. Anh Phúc người trực tiếp với sự chỉ đạo của Thành ủy, khi giao cho tôi năm chục ngàn đồng đã dặn dò:

- Em phải thận trọng lắm đấy, và cố gắng hoàn thành công tác này. Nhất là phải khéo léo khi vận chuyển về lại Huế.

Tôi nhận nhiệm vụ đi mà không khỏi e ngại trong lòng. Vào Sài Gòn, sau khi liên hệ với anh em thành đoàn trong ấy, tôi tìm đến nhà in Phương Quỳnh của bác Dương Kỵ. Bác hết sức nhiệt tình, nhưng vì thời gian ấy nhà in bác cũng thường xuyên bị địch theo dõi, vì vậy bác giới thiệu bọn tôi đến một nhà in khác ở đường Phan Thanh Giản, nơi này có một số anh em cơ sở khá tin cậy. Ban đầu khi trao đổi họ đã nhiệt tình nhận lời và hẹn mấy hôm sau đến sửa bản in. Tôi khấp khởi mừng thầm và chuẩn bị cùng Nhạc đến sửa những trang in đầu. Nhưng thật bất ngờ, khi bọn tôi trở lại theo hẹn, anh em cơ sở đã trả bản thảo và nói riêng với tôi:

- Anh cứ im lặng mang bản thảo này về, cũng không cần hủy hợp đồng vì sẽ không lợi, cứ gửi thư báo sau cho chủ nhà in biết cũng được. Con rể bà ta là một tên sĩ quan cấp tá… không tốt.

Quả thật vậy, với những nội dung quá “đỏ” thế này, in ở đâu cũng là chơi với lửa. Những bài viết như của Hoài với bút hiệu Hồng Hà, tổng kết phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh Huế từ 3-70 đến cuối 71, “Ta chống Mỹ” thơ của Nguyễn Xanh Vui (Phá Nhạc) và nhiều bài khác tương tự như vậy rất dễ cho bọn tôi đi Tổng Nha. Thất vọng nhưng tôi cũng tìm gặp bác Kỵ, và sau cùng bác chỉ nhận in giúp tờ bia. Tôi thu xếp để về lại Huế khẩn trương ấn loát kịp trước Tết, mang theo hai gói báo, tài liệu của sinh viên Sài Gòn, một gói báo Đối Diện và một số bản kẻm ảnh đấu tranh ở Huế. Mặc dù rất cẩn thận ngụy trang nhưng trong lòng vẫn rất lo lắng.

Trưa 16-1-72, chiếc máy bay Boeing vừa dừng trên phi đạo Phú Bài nhìn qua cửa sổ tôi đã nhận ra hai chiếc Jeep của mật vụ Huế đỗ sát chân cầu thang máy bay. Rõ ràng là chúng đã chuẩn bị “tiếp đón tôi chu đáo”. Rất bình tĩnh, tôi tính toán nhanh để giải quyết hai việc: báo cho anh em biết tình hình này và tìm cách để bảo vệ mấy thùng tài liệu. Sau khi nhét hai tic kê nhận hàng vào sâu trong lưng quần, tôi chen nhanh trong đám hành khách để được xuống trước, và như vậy sẽ có nhiều người biết tôi bị chúng giữ.

- Xuất trình giấy tờ kiểm tra. Tên mặc thường phục mang kiếng đen to bản hỏi xẳng giọng.

Vừa chìa tấm căn cước, tôi vừa nói:

- Tôi là sinh viên … Hắn cắt ngang:

- Mang hành lý lên xe.

Tất cả sự việc diễn ra không đầy hai phút. Thoáng thấy xôn xao trên cầu thang, tôi nói lớn:

- Nhắn giúp ở Tổng hội sinh viên Hiền bị bắt. Tên mật vụ cau có đẩy mạnh tôi lên xe. “Đi nhanh lên”.

Trên đường về G4 của chúng, tôi nhắm mắt chuẩn bị tư thế sẵn sàng đối phó với chúng chốc nữa đây. Trời sắp sang xuân hơi lành lạnh. Con đường số 1 thân quen dần thu ngắn lại. Bỗng dưng tôi nhớ nôn nao mấy giàn hoa giấy trong căn nhà rất thân thiết ấy. Nhớ Quê với chiếc mũ bê rê bạc thếch và bộ râu xồm xoàm bên chiếc máy chữ, bé Dung, lúc nào cũng tươi cười chạy tung tăng nhí nhảnh, anh Kha nghiêng nghiêng người sửa chiếc cà vạt sang sảng đọc thơ, và nhớ thiết tha Quỳnh Dương, áo dài trắng giản dị, đôi mắt bao giờ cũng mở thật lớn bên tập tài liệu, mở đầu cho chương trình phát thanh buổi chiều với giọng Bắc sắc, hay đang cất tiếng hát trong trẻo “Tổ quốc ơi, ta đã nghe lời sông núi”…

Tôi nhớ và nghĩ về bạn bè, đồng chí thật nhiều, hình như tâm trạng ấy vẫn thường có trong bọn tôi khi gặp nguy nan. Cứ tưởng chừng như mình sắp phải hy sinh, nên phải nhớ lại anh em để không cảm thấy mình lẻ loi - những người đi trước, những người đang kề vai sát cánh, những người đang nằm trong ngục tối của giặc, nhưng lúc nào cũng rất gần, rất thân yêu.

Một anh bạn sinh viên trường Mỹ thuật tôi không quen ngay trưa hôm ấy đã tìm đến Tổng hội báo cho anh em. Minh và Thuyên đã gửi kháng thư lên Tòa Viện trưởng, và trực tiếp gặp tên Lê Văn Thân, tỉnh trưởng ngụy quyền. Năm giờ chiều, sau mấy tiếng đồng hồ khai thác không có kết quả, chúng đã nhận lệnh phải trả tự do cho tôi. Lê Thanh Minh Châu, viện trưởng Đại học Huế thời gian ấy đang ra sức tranh thủ Ban chấp hành Tổng hội sinh viên Huế với hy vọng hão huyền sẽ mua chuộc được họ. Mấy gói báo và tài liệu hai hôm sau tôi đã nhờ một em nữ sinh Đồng Khánh đi nhận thay.

Trở lại với căn nhà luôn luôn sục sôi lửa đấu tranh, với bạn bè đồng đội thân yêu, chúng tôi khẩn trương làm ngay tờ “Sinh viên Huế xuân năm ấy” mùa xuân cuối của phong trào 70, 71, vì mấy tháng sau, địch đã càn quét, khủng bố tàn bạo phong trào, bắt giữ những người đứng đầu các tổ chức công khai một số anh em khác rút vào bí mật. Thế nhưng bọn giặc vẫn lầm lẫn lớn, đội ngũ này không bao giờ hết, không bom đạn nào diệt nổi, không tù ngục nào nhốt trọn, nhốt hết được.

Tiếng ca giữ nước vẫn bay cao giữa trời lộng gió, những bước chân vẫn rầm rập trên trận địa đường phố, những trang báo đấu tranh vẫn từng ngày đến với mọi người, và những trái bom xăng vẫn cháy đỏ giữa thành phố, tất cả đã góp một nốt nhạc trầm hùng trong bản anh hùng ca của đất nước. Bọn chúng không thể nào hiểu nổi, không thể nào thấy được, hoặc có chăng thì cũng đã quá muộn màng…

Tháng 12-1984
N.D.H.
(12/4-85)






Các bài mới
Các bài đã đăng
Trang thơ Nam Tư (21/03/2011)
Chùm thơ Võ Quê (18/03/2011)
Tiếng lục lạc (11/03/2011)