Thế mà đã có một thời tôi ngỡ cái làng của mình như một miếng bìa bị rọc bỏ khỏi thân gỗ quý, như bị lãng quên khỏi nhịp tiến văn minh của loài người. Tuổi thơ ấu của tôi lớn dậy trong những lũy tre rậm rịt, bịt bùng, với tiếng ru khàn khàn của bà già hàng xóm giữa những buổi trưa xao xác ngọn gió lào. Chợ kháng chiến họp trong Rú Lịnh, một khoảnh rừng còn lại của thời hoang sơ làm ranh giới cho mấy xã vùng đất đỏ Vĩnh Linh. Có lần giặc Pháp càn về chiếm làng tôi ba ngày, cả làng chạy vào trú giặc trong Rú Lịnh. Vẫn nấu cơm vẫn mắc nôi ru trẻ và họp chợ. Làng đồng bằng mà cuộc sống không khác mấy dân du mục. Từ làng tôi đi ngược lên phố huyện, trước đây cũng là một quãng rừng càn. Một tên thực dân Pháp đã chiếm lấy mở thành sở cao su. Tuy vậy, rừng vẫn còn nhiều, cây cối lúp xúp, đã là nơi trú ngụ của từng đàn lợn rừng, cọp, beo và nhiều hoang thú khác. Dọc con đường lên phố huyện, ngay ở bìa rừng, chẳng hiểu từ đời nào đã dựng nên chiếc am thờ thập thò trong mấy gốc si gốc rễ chằng chịt, ngoằn ngoèo đến quái dị. Đấy là nơi linh thiêng khủng khiếp. Tôi không hề thấy một người dân nào trong làng đến am thờ đó cúng bái lễ lạc, nhưng hầu như đêm nào cũng được nghe một chuyện ma quái rùng rợn ở chốn âm u đó. Tôi lớn lên, không hề nhìn thấy một mái nhà gạch. Cả làng có duy nhất một nhà được gọi là giàu thì mái dỏ đất. Nghĩa là vẫn nhà tranh, rui tre như mọi nhà khác, nhưng phía trên giàn đòn tay được dỏ một lớp đất sét để chống cháy. Cuộc đời tôi có thể kể ra mấy ấn tượng không phai nhạt về việc khám phá ra “văn minh” của loài người. Đấy là lần đầu tiên tôi nhìn thấy chiếc máy hát quay tay do một cán bộ thông tin của tỉnh mang về dịp giảm tô. Tôi không sao đến gần để nhìn cho rõ chiếc máy. Tôi chỉ thấy người điều khiển quay liên tục mấy vòng rồi đặt cái cổ máy cho gục xuống đĩa. Thế là hát. Tôi không thể nào hiểu được vì sao cái cổ bằng sắt đen bóng như một con đỉa biển kia lại có thể bỏ lên bỏ xuống mềm mại như thế! Lần thứ hai, tôi theo bố đi từ nhà khi mặt trời chưa lặn, bới theo gói cơm nhỏ lên phố huyện để “xem” đài. Dọc đường tôi gặp bao nhiêu người khác trong xóm cùng đi. Những đoàn người từ các làng hẻo lánh như làng tôi nườm nượp kéo về. Hồ Xá lúc kháng chiến chống Pháp mới thành công chẳng có được mấy nhà cửa. Người ta gắn chiếc loa phóng thanh hút sâu vào đầu hồi một ngôi nhà tranh. Dân quê chúng tôi ngồi san sát phía dưới sân, trật tự, thành kính lắng nghe tiếng đài. Cho đến bây giờ tôi vẫn cứ bất bình về việc tại sao hồi đó người ta lại không gắn chiếc loa lồi ra phía ngoài. Thành thử sau một đêm nghe đài no nê, ra về cả làng tôi vẫn không ai biết được tiếng hát, tiếng nói kia phát ra từ đâu. Và cái mái nhà tranh trên phố Hồ Xá trở nên bí hiểm linh thiêng chẳng kém gì cái am thờ trong sở cao su người Pháp… Có ai trả lời được mình trưởng thành vào lúc nào không? Tôi cũng không thể nói cái làng tôi bước ra giữa nhịp đời văn minh tự khi nào, những gì nhớ được và kể lại được chỉ là những ấn tượng không thể phai mờ trong ký ức cá nhân tôi mà thôi. Hình như bắt đầu bằng những điệu múa. Chao ôi, những điệu múa sao mà ngây ngô và dễ thương làm vậy! Tất cả xếp thành một vòng tròn, hát đi hát lại một đoạn lời: “Nhờ ơn có Đảng Vung tay phát động Nhà nông chúng ta Cố gắng tăng gia Đêm thời đấu tranh Ngày ra sản xuất…” Cứ thế vừa đi vừa múa. Nói cho đúng không phải múa mà là nhại lại mấy động tác gieo mạ, cấy gặt rồi gánh lúa về. Có thế thôi mà chị hàng xóm cạnh nhà tôi vì không có tốp nào cho đứng chung vào để đi vòng tròn đã khóc ròng rã suốt một đêm. (Bây giờ nhờ trời chị ấy đã thành mẹ của sáu đứa con, có ba là quân nhân cách mạng). Mỗi lần về làng tôi vẫn gặp chị, và không sao quên được cái đêm chị khóc vì không được múa. Cái cô bé thiếu niên ngây ngô ấy và bà mẹ chiến sĩ hôm nay, một dấu gạch nối của thời gian thực kinh hoàng dữ dội. *** Cái dấu gạch nối ấy được chia trọn ra ba phần bằng nhau, y như một sự sắp xếp trọn vẹn của lịch sử. Nhà thơ Sa-đi của Ba Tư có 30 năm để học, 30 năm đi thực tế và còn đúng 30 năm cuối đời để viết dưới vườn hồng. Làng tôi có 10 năm để sống đẹp như tuổi dậy thì con gái, 10 năm vật lộn đến tận cùng sức lực với bão táp chiến tranh và còn lại đến hôm nay chẵn 10 năm để mà ngẫm nghĩ. Làng tôi và tất cả các làng quê hẻo lánh khác của Vĩnh Linh bước vào nhịp điệu cuộc sống mới không phải là những cô gái nhà quê ra tỉnh, mà là những cô Tấm lam lũ, bần hàn bước về chốn hoàng cung lộng lẫy. Mười năm xây dựng hòa bình có là bao so với chuỗi dài năm sáu trăm năm trước đó. Những cô gái nhà quê Vĩnh Linh không phải chỉ biết soi gương chải tóc mà còn dám nói là đủ tư thế cho bao chàng trai Bắc Hà xiêu lòng. Xin đừng cho là quá lời, tôi có thể nói ngay vài dẫn chứng. Đội tuyển bóng chuyền nữ Vĩnh Linh đã làm hoang mang các tuyển thủ mạnh nhất miền Bắc. Đấy là năm 1963. Cũng năm ấy, huy chương vàng bắn súng cũng thuộc về một cô gái Vĩnh Linh sau khi đánh bại tuyển thủ Quảng Ninh ở vòng chung kết, cũng năm ấy, cả hai đội tuyển học sinh giỏi văn và toán của Ty giáo dục Vĩnh Linh đã làm cho học sinh phổ thông toàn miền Bắc ngẩn ngơ kinh ngạc. (Đội toán giải nhất, đội văn giải nhì). Ôi, cái năm 1963 thực kỳ diệu! Năm đó Trần Đức Vận đang tốt nghiệp cấp 1. Tôi đi nhận phần thưởng thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc gặp anh- lúc đó là một cậu bé đen điu thấp lùn- cũng đến nhận giải thưởng cuộc thi học sinh giỏi toán lớp bốn, của khu vực Vĩnh Linh. Và 20 năm sau, tôi đến gõ cửa phòng riêng của vợ chồng anh tại khu tập thể trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Chúng tôi nhận ra nhau mà cũng gần như không nhận ra nhau. Tôi trong bộ quần áo lính của 20 năm quân ngũ; anh, nhà toán học trẻ tuổi nổi tiếng vào cỡ hiếm có của thế giới ngày nay. Rồi, tất cả vóc dáng đẫy đà lực lưỡng ấy, tất cả tâm hồn rào rạt đắm đuối ấy lao ầm vào một cuộc chiến tranh một mất một còn với tên Đế quốc lớn nhất loài người. Làng tôi là một trong những trọng điểm của “pháo đài bay khổng lồ - B52”. Tôi nhớ, những ngày tháng 7 năm 1967. Lúc ấy, tôi đang đóng quân ở một làng cạnh làng tôi, nhìn về xóm nhỏ của mình chỉ thấy ngập trời màu đỏ của lửa than và bụi đất. Đầu tiên là những mái nhà bốc lửa, rồi đến những lũy tre, những tán mít, rặng dầu sở, cuối cùng là cỏ. Cỏ tranh cháy rần rật. Cỏ mật cháy ngậm ngùi. Một thời hồi xuân của làng tôi đã cháy. Những lối mòn nhân hậu, những thói quen cộng đồng, cả những bảo thủ, hủ tục cũng cháy nốt. Những năm đó đố tìm thấy một bình hương, một bàn thờ, bói cũng chẳng ra một lời khấn vái… Chim chóc bay đi, ong vàng ong mật cũng lánh đi; gà rừng vắng dân đã đành, gà nhà cũng thực hiếm hoi mới nhận thấy. Đến lượt người già, phụ nữ, trẻ con cũng đi sơ tán ra phương Bắc. Làng tôi trần sùi đàn ông và đất đỏ. Làng lặn sâu xuống địa đạo. Làng cất tiếng hát giọng trầm, tiếng hát của loại cung bậc thâm trầm nhất trong dàn nhạc cung bậc của gân bắp và sâu thẳm cõi lòng. Cứ thế làng tôi đi qua 10 năm nữa, cộng 10 năm mượt mà trước đó để có chẵn cái tuổi thành niên. Hai mươi năm ngọt bùi nghĩ cũng chẳng ai bằng, đắng cay kể cũng chẳng mấy ai sánh được. Nghĩ cho cùng đời một con người có được một khoảng vài chục năm sống hết mình như vậy thì còn phải nuối tiếc điều chi! Nhưng đây lại không phải chuyện của một đời người. Tuổi của đất của làng dài lắm. Hai mươi năm đâu có bõ bèn. Hôm nay? Ngày mai, mai nữa, làng mình sẽ ra sao? *** Một bạn văn của tôi, thật chân tình, thật tâm đắc đã hỏi tôi: “Tại sao anh lại cứ bám mãi vào cái làng xưa của anh như thế? Có gì chỗ đó mà viết mãi?” Tôi có thể trả lời với bạn thật dài dòng, cũng có thể trả lời rất ngắn gọn. Dài dòng là những truyện trên dưới nghìn trang. Ngắn gọn là: chỗ đó có tôi. Tôi trở về làng trước hết với tư cách của một người đồng thời với cái gạch nối thời gian 20 năm ấy. Có lúc tôi cất vang tiếng gọi giữa làng xưa mà nghe mất hút hồi âm của mình. Cái làng đồi đất đỏ cao nhất huyện Vĩnh Linh ấy đã có nhiều sự đổi dạng. Người ta đổ dồn ra phía thị trấn, đổ tràn ra ở dọc theo trục đường Quốc lộ. Lại nghe đồn rằng chẳng bao lâu nữa, cái vùng đất đỏ ấy sẽ được nhập vào một nông trường lớn để trồng cao su. Người hớn hở nghĩ đến ngày mình được thành công nhân Nhà nước, tự mường tượng ra ngày cao su bạt ngàn phủ kín màu đất đỏ, nhựa trắng loang lổ thân cây. Cả cái bệ làng xưa sẽ ứa dâng tràn trề tiền của! Người lại ngậm ngùi nhớ lũy tre xưa, nhớ cái nhịp điệu kẽo cà, kẽo kẹt mỗi khi nồm lên, nam tới. Một nửa số nhà dời đi, một nửa số nhà vẫn âm thầm nằm lại. Tôi mang trong lòng cả hai nỗi niềm ấy. Làng tôi bỗng nhiên thưa thớt những nếp nhà, nhưng lại bộn bề tính toán trăn trở. Cả người đi, cả người ở, ai cũng ngổn ngang lo liệu cho tương lai. Giọng hát ru bây giờ xem chừng cũng vội vàng tất bật như làm ruộng khoán. Một gốc cây lưu niên cắm xuống vườn không còn vẻ trầm tư đĩnh đạc như thuở nào mà nhấp nhổm phập phồng trong mọi dự án khoanh vùng tương lai. Biết làm sao khác được. Làng sinh ra đã lâu, thậm chí là đã quá lâu, nhưng ngỡ như bây giờ mới thật sự tới tuổi thành niên, sắp chọn ngành chọn nghề, sắp lấy chồng, sắp ăn riêng lập nghiệp. Làng tôi đã khôn ngoan lên. Đứa con khôn lên thường không chịu nằm trong nôi. Tuy vậy, người có nghĩa là người khi đã trưởng thành vẫn cầm chặt tao nôi ru cho con cháu mình được yên lành giấc ngủ. Nghĩ vậy, mà tôi trở về làng. Tôi sẽ ở lại với người ở lại và cùng đi với ai ra đi. Tôi sẽ viết bài báo tuyên truyền hùng hồn cho cái nông trường cao su kia và lại viết đôi dòng lục bát về câu ru khàn khàn của bà già hàng xóm mỗi khi gió lào xao xác. Bởi một lẽ đơn giản là, cái nông trường bạt ngàn kia thì chưa hiện hình mà bà già nhà bên thì đã khuất, mủ cao su còn lâu mới làm bạn với làng còn câu ru hiện thời côi cút. Cũng còn kịp. Trong tôi, trong anh, trong bao nhiêu người nữa vẫn còn nguyên vẹn những mảnh làng. Những mảnh làng cứ vằng vặc sáng trong tâm thức mỗi người trên con đường đi tới một cộng đồng vĩ đại hơn: Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội. Tôi nghĩ thế và tôi tin như thế, anh bạn văn tâm đắc ạ. Vì vậy mà tôi lại trở về làng. Vĩnh Linh, 1-1985 X.Đ (12/4-85) |