Tạp chí Sông Hương - Số 14 (T.8-1985)
Thanh Trà
17:16 | 25/04/2011
TRẦN THÙY MAINếu cuộc đời được hình dung như một con đường thỉnh thoảng lại băng qua ngã tư, ngã ba hay rẽ ngoặt thì trong đời tôi có hai khúc quanh lớn nhất.
Thanh Trà
Minh họa: Lê Văn Ba
Khúc quanh thứ nhất là cái chết của cha tôi: Ông mất trong tù năm tôi lên bốn tuổi. Nói cho đúng, cha tôi đã chết ngoài tù; ông bị ngã từ trên xe xuống trong một lần được đưa đi làm tạp dịch ngoài lao Thừa Phủ. Dù sao đi nữa, niềm an ủi của mấy mẹ con tôi lúc nhận xác cha dập nát về chôn là ông đã chọn chết trong một giây phút tự do. Ba năm sau, tôi thi đậu vào đại học. Đến năm thứ hai tổ chức đã móc nối tôi và chỉ ít lâu sau tôi được kết nạp vào đoàn cùng với hai bạn khác trong một hang đá ở bãi biển Túy Vân. Buổi lễ kết nạp ấy được ngụy trang thành một chuyến đi chơi dã ngoại.

Khúc quanh thứ hai là việc gặp gỡ với Trà.

Hôm ấy chúng tôi tổ chức một buổi cứu trợ nạn đói ở ngoại ô thành phố. Vào thời kỳ đó, chính quyền, các đoàn thể tiến bộ và không tiến bộ đều thỉnh thoảng tổ chức những đợt “công tác xã hội” như thế với mục đích khác nhau: chính quyền thì để xoa dịu đám đông, còn chúng tôi để tập hợp quần chúng thanh niên và đôi khi lợi dụng những chuyến đi nó để đưa người ra khỏi thành phố lên vùng Giải phóng. Tôi làm trưởng khối xã hội của ban đại diện sinh viên năm ấy nên phải nói là mỗi chuyến đi đều làm tôi quay tít lên, nháo nhào tất cả sách vở vào một góc.

Buổi sáng hôm ấy, sau khi ổn định và phân công cho anh em đâu vào đấy, tôi đứng nhìn các sinh viên trong đoàn công tác chất các kiện tặng phẩm lên xe. Quên nói là hai ngón tay giữa và tay trỏ của bàn tay bên phải tôi bị thương từ ít lâu nay phải quấn băng và cử động rất hạn chế, nên tôi không thể tham gia việc bốc vác được. Chợt từ trong đám đông, một thiếu nữ mang hai bím tóc bỏ thõng xuống vai nhìn tôi chằm chặp một lát rồi gọi:

- Anh trưởng khối ơi, giúp dùm một tay với!

Tôi đành phải tiến ra và lóng cóng đỡ giúp cô gái cái gói nặng đang cầm. Mặt cô hơi cau cau, mồ hôi đổ lấm tấm trên sống mũi. Bất chợt cô gái nắm lấy bàn tay tôi và bóp thật mạnh vào chỗ đau làm tôi muốn nổ đom đóm mắt. Cái kiện tặng phẩm trên tay rơi bịch xuống sau một tiếng “Á” đau đớn: cô gái tinh nghịch kia đã chạy biến mất tăm. Sau lưng tôi, mấy cô nữ sinh viên phá ra cười…

Trưa hôm ấy, trong buổi sinh hoạt văn nghệ ngoài trời ở địa điểm công tác, tôi lại thấy cô gái hồi sáng xuất hiện giữa vòng tròn người! Cô đang hát bài “Đường về thành nội” của Nguyễn Lạc Lê; giọng hát không hay nhưng dễ gây ấn tượng; thời kỳ đó các giọng hát nữ sinh thường hơi lai lai giọng hát của Khánh Ly hay Lệ Thu; ở cô gái này thì không thế, tiếng hát cô có một âm hưởng riêng, dịu dàng mà sôi nổi. Anh Tiến, một đồng chí trong tổ Đảng bí mật ở trường - đến đứng cạnh tôi và cho tôi biết đấy là Lê Thanh Trà, sinh viên năm thứ hai ban pháp văn. Năm tới, anh em đã thống nhất là tôi sẽ ra ứng cử ban đại diện sinh viên, và trong liên danh của tôi sẽ có cả Trà.

- Anh em đã hỏi ý kiến cô ấy chưa?

- Chưa. Sẽ.

- Sao anh lại chọn Trà nhỉ?

- Xinh, học khá, có uy tín trong quần chúng. Có thể tranh thủ, bồi dưỡng được.

Tôi nhớ đến cái bấm tay hồi sáng và nghĩ thầm, ngao ngán: “Nghịch như quỷ. Con gái, đâu mà táo tợn” Nhưng sau tôi mới hiểu Trà không phải người tinh nghịch ranh mãnh. Hễ gặp tôi đâu là cô bé đỏ lững cả mặt mày, tìm cách rẽ sang lối khác. Thực ra, cô chỉ tò mò: mấy cô nữ sinh viên thấy tôi băng tay từ đầu niên học nên đã bàn tán xì xào; không hiểu từ đâu lan ra cái nguồn tin là tôi đã chặt hai ngón tay để trốn quân địch, cái chỗ băng ấy chỉ quấn quanh, hai thỏi bông ngụy trang mà thôi! Bị bạn bè thách đố Trà đã nhất định tự mình tìm cho ra sự thực… dù phải làm một cử chỉ khá khôi hài.

Tôi hay đến nhà Thanh Trà từ dạo ấy tức là từ khi anh Tiến gợi ý cho tôi nên tiếp xúc với Trà để lôi kéo cô ra ứng cử trong liên danh của tôi, và nếu có thể, đưa cô vào diện cơ sở. Gia đình Trà ở Kim Long, trong một căn nhà khá xinh, trước hiên có giàn hoa tỏi tím, từ đấy đến chỗ tôi trọ, nằm tận Đập Đá, phải đi chừng năm cây số. Không có xe, nên mỗi lần gặp Trà là tôi tha hồ có dịp đếm bước trên đường. Lần đầu tiên thấy tôi xuất hiện, đôi mắt tròn xoe của Trà tròn hơn bao giờ hết. Cô ấy nhìn tôi trân trối rồi cười… một nụ cười hóm hỉnh dễ thương.

Tôi nói việc gặp Trà là một khúc quanh lớn trong đời tôi, vì từ đó tôi bắt đầu làm thơ. Không phải thơ về Trà đâu - khi đó Trà đối với tôi không gì khác hơn là một đối tượng vận động. Sở dĩ tôi làm thơ là vì đoạn đường đến nhà Trà dài quá, tôi chẳng biết làm gì hơn là đem những ý nghĩ thường ấp ủ ra biến thành chương khúc. Khi nghe những bài thơ ấy Trà thường ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo:

- Thơ anh làm em thấy cảm động thế nào ấy … Nhưng có nhiều chỗ em chẳng hiểu gì hơn.

Một lần, đọc đến câu “Đường thơm ngát những bàn chân cách mạng” Trà nhíu mày hỏi rất ngây ngô “Có phải anh nói tới cách mạng một tháng mười một không? Em chẳng thích câu này đâu”.

Dạo ấy Trà đã thôi đi theo các đợt cứu trợ nạn đói. “Đấy chẳng qua là một cái mốt anh ạ, mỗi lần đi về em cứ thấy bất nhân thế nào ấy. Một đoàn thanh niên ăn bận đẹp đẽ, tới phát cho đồng bào đói rách một ít gạo, ít tiền, hát hổng vài bài, cắt tóc bắt chí cho vài em bé, rồi mình ra về, họ lại nghèo, lại thiếu, các em bé lại bẩn thỉu chí rận… Trong khi đó mình đi dạo phố, ăn bánh pa-tê-sô và tự nhủ với lương tâm rằng cứ yên ổn đi, ta đã làm xong bổn phận với anh em đồng loại rồi”. Nghe Trà nói tôi hơi mỉm cười, hỏi lại:

- Bây giờ không đi như thế nữa, thì Trà định làm gì để lương tâm thực sự được yên ổn.

Trà chỉ đỏ mặt lên, lúng túng một lát rồi hơi lườm tôi một cái trách móc. Trong tủ sách của Trà, có cả trong tù của Maxime Gorki lẫn chuyện tình của Erich Sogal, cả truyện ngắn của Vũ Hạnh lẫn tiểu thuyết của Nguyễn Mạnh Côn. Cô đọc sách về Thiền ít lâu rồi lại kêu chán, đọc Krishnamurti, ít lâu lại thất vọng… Ở Trà có cái gì đấy hơi phù phiếm và tội nghiệp, nhưng lại chân thành và đáng quý. Hình như cái căn nhà có giàn hoa tím là một vũ trụ con con yên ả quá ; con chim nhỏ cảm thấy khát bầu trời, nhưng những giới hạn êm đềm của cái thế giới nho nhỏ đó cứ cản tầm mắt không cho chim bay lên, bay xa…

Lẽ ra tôi có thể giúp Trà được… Nhưng tôi đã ngại. Hơn nửa năm qua, tôi vẫn chưa nói với Trà cái điều phải nói, vì không hiểu sao tôi cứ thấy trong mắt cô có cái gì đấy thơ dại thế nào ấy. Hồi ấy trong lớp Trà có Sinh, một anh chàng hip-pi râu tóc bồm xồm, lúc nào cũng khoác một cái áo choàng luộm thuộm đen xỉn như cái áo của một ông trưởng lão Ấn Độ; Sinh cũng thường đến nhà Trà, vì anh chàng đệm đàn giỏi và hay đệm cho Trà hát trong các buổi đi chơi dã ngoại. Trong tình hình luôn luôn phải cảnh giác của những ngày trước giải phóng, tôi và anh em thường đặt câu hỏi: Sinh thực chất “là gì?” Bây giờ nghĩ lại cho công bằng, hắn thực ra chỉ là một chàng cuồng sĩ không tìm ra lối thoát. Nhưng dù sao, chính sự có mặt của Sinh đã làm cơ hội tiến bộ của Trà không tới được với cô.

Tôi không kịp ra ứng cử ban đại diện sinh viên, vì cuối năm ấy chi đoàn của tôi bị lộ và tôi bắt buộc phải “nhảy núi”. Trước khi đi tôi không tới chào từ biệt người bạn gái, cũng không có thời giờ mà nghĩ tới cô. Mãi đến khi đã an toàn ở một vùng rừng núi tận đầu nguồn sông, tôi mới nhớ lại những lần gặp Trà, nhớ lại nụ cười hóm hỉnh và đôi mắt nhìn trân trối của cô khi tôi xuất hiện lần đầu trên ngưỡng cửa, sau khi vượt năm cây số đường bộ. Chẳng biết cô có hiểu lầm về động cơ những chuyến thăm viếng của tôi không? Ừ, mà nếu Trà hiểu lầm thì vị tất đã không có cơ sở, vì trong những tháng ngày trên bưng, trong những phút giây da diết nhớ Huế, chợt một hình ảnh bất ngờ cứ đọng lại trong lòng tôi: hình ảnh chiếc ly thủy tinh trắng muốt, trên vẽ hình một bông hoa cũng trắng mà Trà đặt trước mặt tôi … Khi tôi cầm ly, lên qua màu thủy tinh và màu nước, dường như lần đầu tiên tôi thực sự thấy Trà: một khuôn mặt trong ngần và hơi huyền hoặc. Những chiều đi qua nguồn sông, tôi chợt nghĩ đến thành phố nhỏ ở cuối dòng nước chảy, và tự nhiên thấp thỏm xót xa nghĩ rằng không biết ngày tôi trở lại, người con gái ấy có còn là con chim nhỏ khát khao bầu trời không?

Sau này, Nhơn, em gái tôi kể lại rằng chính từ khi tôi “nhảy núi”. Trà đã suy nghĩ rất nhiều và có lẽ đối với công việc tôi ra đi đã hé mở một hướng mà từ trước tới nay cô chưa từng nghĩ tới. Cô hay đến chơi với Nhơn. Qua Nhơn, cô đọc được một số thơ của tôi đăng trên mấy tờ báo rô-nê-ô lưu hành bí mật ở thành phố. Tôi tin chắc rằng Trà chỉ hiểu hết những điều tôi viết từ khi biết tôi “là gì?”. Hai năm sau, từ trên rừng về, tôi lại đến nhà Trà: cô bạn gái đón tôi bằng nụ cười hóm hỉnh và đôi mắt hơi thoáng hờn dỗi:

- Dễ sợ không, em tưởng Việt công ở đâu trong bưng biền xa tít, ai ngờ ở ngay bên cạnh mà đâu có hay.

Tôi cười… Trà lại mời tôi uống nước trong cái ly pha lê trong vắt ngày nào. Khi tôi hơi băn khoăn về sự tồn tại bền bỉ của vật dụng mỏng manh ấy. Trà bảo:

- Cả bộ ly sáu cái vỡ tan hết rồi anh chỉ còn cái ly này anh đã uống, em giữ làm kỷ niệm đó chứ.

Chẳng biết ai sinh ra cho Trà cái giọng nói ngọt ngào như thế? Nó nhẹ nhàng len vào và đầy ắp trái tim tôi là một cảm giác kỳ diệu mà tôi không bao giờ được biết lần thứ hai nữa…

***

Chúng tôi thành hôn vào cuối mùa thu năm 1975. Lúc ấy tôi hăm bảy tuổi và được cử về trường tiếp tục học. Một năm sau, tôi tốt nghiệp và được giữ lại trường dạy môn ngôn ngữ, đồng thời phụ trách luôn công tác Đoàn. Trà đi dạy ở một trường cấp 3 gần thành phố. Rồi những bài thơ tôi làm trong thời kỳ trước giải phóng được tập hợp lại thành tập và xuất bản… Nhiều niềm vui dồn dập đến với chúng tôi. Lúc ấy cả gia đình Trà đã chuyển đi Sài Gòn, hai vợ chồng tôi ở lại căn nhà có giàn hoa tỏi tím. Tôi bận túi bụi ở trường: một trường học trong bước đầu xây dựng có muôn ngàn công việc phải giải quyết, công việc nhiều, cần phải họp hành nhiều. Cũng may là Trà vui thích với sự bận rộn của tôi: cô ấy giúp tôi quan hệ, liên lạc với cơ quan xuất bản, với nhà in, sửa chữa, chú thích bản thảo và nhận mô rát về chữa rất cẩn thận. Có lần Trà đã mong có một đứa con gái đầu lòng để đặt tên là Sao Khuê - Vì sao của văn chương. Tôi bảo Trà rằng nếu con tôi là Sao Khuê thì đấy phải là sao Khuê Đỏ. Thế là chúng tôi cùng nhất trí đặt tên con là Hồng Khuê. Một hạnh phúc rất gần gũi và chắc chắn sẽ đến: chúng tôi cùng mong đợi nó… mong đợi một vì sao bé nhỏ sẽ đến trong đời, sẽ là hình ảnh thu gọn của vì sao ước vọng luôn luôn soi sáng con đường tôi đi…

Ôi những năm bảy lăm, bảy sáu, những tháng năm hạnh phúc! Căn nhà nhỏ bé, cửa sổ phòng ngủ hướng ra khu vườn xanh ngắt. Những khu vườn ở Kim Long mát rượi với những cây dâu cổ thụ: dưới tán lá xanh, rậm là những trái vàng ửng đỏ chi chít từ gốc đến ngọn, mưa rào đầu hè thấm đẫm lá cành, để lại những giọt nước long lanh làm các chùm quả sáng rực lên kỳ lạ. Những đêm rằm, Trà mở cửa sổ, ánh trăng tràn vào lênh láng đem theo mùi hương thanh trà nồng cay. Buổi sáng, tôi thức giấc khi Trà cọ cọ chiếc mũi nhỏ nhắn vào vai. Khi tôi cựa mình định nhỏm dậy, Trà khẽ “suỵt” và đưa một ngón tay lên môi: ở ngoài kia tiếng chim hót từ những tàn lá cao đưa xuống, trong vắt, vang ngân lạ lùng.

Tính cách của Trà hoàn toàn khác tôi, tôi vẫn không thể không thú vị. Trà ham vui, bồng bột, thích tiếp xúc với mọi người, gặp ai cũng nói chuyện và hỏi thăm đủ thứ. Hình như với đôi mắt tò mò của Trà, cuộc sống này có muôn ngàn ngóc ngách bí ẩn và kỳ lạ mà nếu không vội chiếm lĩnh lấy thì uổng phí biết bao. Nhiều lần ở trường về, đẩy cửa vào nhà tôi nghe thấy Trà cười khúc khích thành tiếng. Tôi ngỡ có ai trong phòng, nhưng không, Trà đang ngồi khâu vá một mình. Khi tôi im lặng đến gần và đặt chiếc cặp xuống ghế, Trà mới giật bắn người lên:

- Chết chưa? Anh về khi nào thế? Em hết cả hồn?

- Em nghĩ gì mà quên cả trời đất vậy?

- À, em đang nhớ đến chuyện hồi sáng nay…

Và Trà kể lại một chuyện vừa gặp trên đường đi, ở trường, hay trong lúc đi chợ… nhiều khi đó chỉ là những câu chuyện rất vớ vẩn, không hiểu sao lại thu hút Trà đến thế. Dường như ký ức Trà là một chiếc máy ghi hết sức nhạy, và trong tâm hồn Trà luôn luôn có một dòng cuộc sống luôn luôn được tái hiện, sinh động và liên tục với đủ màu đủ vẻ, khiến cô luôn tìm thấy thú vị trong những mảnh vụn tầm thường nhất của chuyện đời.

Lúc chúng tôi thành hôn, mẹ và các chị tôi không bằng lòng lắm về cô con dâu. Chỉ có Nhơn là ủng hộ chúng tôi.

Theo mẹ tôi khuôn mặt của Trà không đẹp. Đẹp đây phải hiểu theo nghĩa tướng số. Ở Trà có một cái gì đó tạo cho người ta cái cảm giác “Ở không an ổn, ngồi không vững vàng”. Trán hơi cao, chứng tỏ là người không nhu thuận; cằm thon quá biểu hiện một hậu vận không tốt, và vì môi trên của Trà hơi cong lên như môi trẻ con, nên người ta bảo nhân trung của Trà không đủ dài để được hưởng hạnh phúc bền lâu. Ở quê tôi, những quan niệm về bói toán và tướng số hãy còn chi phối việc chọn vợ chọn chồng ghê lắm. Nhưng mẹ tôi không phải là người khắc nghiệt. Hơn nữa, khi Nhơn láu táu cãi: “Mạ thì tướng mạo phúc hậu như rứa, mà đời mạ cũng cứ long đong” thì mẹ tôi phì cười và bắt đầu thay đổi ý định. Em gái tôi vẫn có tính cứng cỏi và đôi khi hơi “lỗ mãng” như thế, cái tính ấy nhiều khi cũng được việc lắm.

Tập thơ của tôi được in cuối năm 76. Tôi vẫn rất bận, Trà đi nhận sách biếu về. Khi còn đi học, tôi đã biết Trà hát rất khá nhưng đến hôm ấy tôi mới hay là cô ấy còn có giọng ngân rất tốt.

“Em học ngâm thơ từ bao giờ thế?” Tôi hỏi. “Từ khi anh đi. Em đọc thơ anh trên mấy tờ báo của Nhơn, rồi dần dần em đọc hết các bài viết của mấy anh trong phong trào. Mới đó mà đã mấy năm qua rồi anh hí. Hồi đó em có ngờ anh còn trở về mô”. Trà vừa trả lời vừa dựa lưng vào thành giường; ánh trăng từ cửa sổ tràn vào làm tôi choáng ngợp. Làm sao người ta có thể sung sướng đến như thế? Tôi tự hỏi mình và thấy cay hai mắt…

***

Tôi đang kể đến đâu nhỉ? À, phải rồi, sự nuông chiều và tình yêu của Trà như một dòng mật ngọt ngào cứ nhỉ từng giọt từng giọt đầy ắp trái tim tôi, đầy mà không bao giờ tràn, đó quả thật là cái nghệ thuật rất tự nhiên và kỳ diệu của những người vợ. Thực ra, giữa chúng tôi cũng thường có những mâu thuẫn nho nhỏ: Tôi còn nhớ một hôm trước khi đến trường, trong lúc cạo râu tôi thấy trên bàn có một bài cảm nghĩ ngắn của Trà - Cô ấy viết để nạp cho Bích báo của trường. Bài viết nói về hồi ức những tháng năm trước giải phóng. Trong ấy có câu “Mùa xuân Mậu Thân. Chiến tranh thật khốc liệt”. Tự nhiên thấy ngứa mắt, tôi dùng bút gạch ngang hai chữ “chiến tranh” và chữa lại là “Ta đánh địch…” Thế rồi tôi đi làm và sau đó quên bẵng đi, cho đến một tuần sau mới chợt nhớ ra khi Trà phụng phịu bảo tôi:

- Anh làm em bị một vố thật xấu hổ muốn chết luôn.

Sau khi bài viết được chép lên tờ báo, mấy cô giáo viên trong trường gặp Trà đã cười khúc khích: Chà, Trà bữa ni đúng là cách mạng thứ “gộc”, bây hí. Ngạc nhiên, Trà tìm hiểu mãi mới biết lý do, lục bản thảo ra đọc quả nhiên thấy chữ tôi sửa: Thế này thì người ta tha hồ mà cười vào mũi em là cái thứ cách mạng ba mươi…” “Em chẳng nhận thức được gì cả, tôi nói. Xuân Mậu Thân là một cuộc Tổng tấn công, thế mà em phản ánh như thế thì thật chung chung, mơ hồ!”

- Kệ em! Em nghĩ thế nào viết thế ấy. Em nhìn bằng mắt của em từ vị trí của em, đừng bắt em lên gân. Em có làm cách mạng đâu mà dám xưng là “ta”? Em có làm gì đâu…

“Không phải là ta thì dễ thường em là địch chắc?”

Tôi hỏi, giọng cáu kỉnh. “Sao lại không làm gì? Em hát ca, sống tốt, làm những việc tốt… Người ta không thể xây dựng lên cái gì được cả nếu không có quần chúng tốt…” Nghe tôi nói, Trà có vẻ cảm động, ôm lấy một bên vai tôi. Nhưng một lát sau cô ấy lại lắc đầu:

- Năm Mậu Thân, cả nhà em đang còn trốn chui trốn nhủi để tránh đạn… Thế mà gọi là ta đánh địch thì không ổn rồi.

“Thôi, anh thấy chẳng có gì đáng để cãi nhau cả. Anh không muốn trở lại chuyện này nữa”. Tôi nói, giọng cương quyết, tôi biết tính Trà: thần kinh Trà rất nhạy và dễ bị kích động. Chỉ cần ngày mai có một người thân hẹn tới thăm hay một việc quan trọng gì đấy phải làm là đêm nay cô ấy đã không ngủ được rồi. Mỗi lần sắp có một cuộc vui, như một buổi họp mặt lớp cũ, một buổi đi chơi… là Trà xôn xao, thấp thỏm, náo nức chờ đợi, và cuối cùng sau đó bao giờ cũng cảm thấy cuộc vui diễn ra không được như Trà tưởng tượng.

Ở phụ nữ, nhạy cảm là một điều đáng quý, nhưng cái gì thái quá cũng không hay. Thế rồi đến những năm 77, 78… những năm khó khăn, lương thực độn đến tám chục phần trăm mì hạt, sắn… Một hôm ở trường về, Trà bảo tôi:

- Anh có nhớ hai đứa con sinh đôi của bác coi trường em không?

- Nhớ… Một đứa trai, một đứa gái

- Chết rồi!

- Hả? Sao thế?

- Say sắn!

Trà buông thõng, mắt đỏ hoe. Cái tin mới tung ra làm cả căn nhà như chùng xuống. Tối hôm đó chúng tôi định đi xem kịch, nhưng rồi buổi đi xem bị hủy bỏ. Điều làm tôi lo lắng là tình trạng bị kích động cực độ của Trà. Chiều hôm sau, trong khi tìm giấy để nhen lửa, cô ấy đã xé nhầm một cuốn giáo án và lại suýt bị bỏng trong lúc đem thức ăn xuống. Trong buổi cơm tối - Gọi là cơm theo thường lệ chứ thực ra chúng tôi cũng ăn mì hạt xay nấu thành bánh canh - Tôi nhẹ nhàng bảo Trà:

- Em hãy bình tĩnh một chút. Xúc động như thế thì được ích gì? Điều xảy ra tất nhiên là đau đớn thật, nhưng đâu phải là gian khổ đầu tiên…

Thật không ngờ: Trà ngửng lên nhìn tôi với đôi mắt nảy lửa và nói bằng một giọng nhẹ nhàng nhưng rất “xóc óc”:

- Đúng, anh sắp nói như hệt ông hiệu trưởng của em: Đâu phải là khó khăn đầu tiên… chúng tôi cũng đã đói, đã rét, đã sốt, đã chết… Vì các anh đã từng biết cái đói là gì, các anh cảm thấy có quyền bỏ đói mọi người!

Câu nói của Trà xúc phạm tôi sâu sắc hơn là Trà tưởng. Bởi vì mặc dù bề ngoài có vẻ khô khan, tôi cũng có sự bén nhạy và mẫn cán của tôi. “Ô hay! Thế ai gây nên cái chết của mấy đứa bé? Dễ thường là anh chắc?”

- Em không cần biết! Chỉ biết rằng thế nào cũng phải có người chịu trách nhiệm!

- Còn em, em thì đứng trên tất cả để phán xét ưu tiên quá nhỉ. Lẽ nào em không có tí trách nhiệm nào cả sao?

Trà không cãi được, lặng im và có vẻ hơi nguôi nguôi. Nhưng cô vẫn tự ái và có lẽ hơi tủi, vì giọng nói gay gắt của tôi. Cũng may, sau đó chúng tôi được tin là hai em bé không chết; bệnh viện đã cứu được hai em khỏi tình trạng ngộ độc vì cyanur trong sắn.

Quan hệ giữa hai vợ chồng tôi thỉnh thoảng lại căng thẳng như thế cho đến lúc tôi xẵng giọng bảo Trà rằng muốn mọi sự tốt đẹp như ý thì phải làm việc chứ không phải ngồi than mây khóc gió kiểu tiểu tư sản. Khi nghe mấy tiếng “tiểu tư sản” thì Trà như bị chạm nọc, cô ấy cứ im lặng một cách lạnh lùng suốt buổi. Từ đó tôi thoát khỏi cái nạn phải lao vào những cuộc tranh cãi khó chịu và không đâu đến đâu. Bởi vì những loại câu hỏi như thế thì chỉ có hiện thực mới trả lời được, mà hiện thực thì lại không thể đổi thay chớp nhoáng bằng một nhát bủa thần.

Mấy tháng sau đó tôi làm việc tốt hơn. Công việc chuyên môn và công tác thanh niên đều nặng cả, nhất là từ khi thành lập Đoàn trường, tôi lại được cử làm Bí thư Đoàn. Sự yên ổn trong gia đình đối với tôi lúc đó là hết sức cần thiết: cái tình trạng loạn họp trong những năm mới giải phóng đã làm thần kinh tôi căng thẳng khá đủ rồi. Tôi vừa nói đến yên ổn phải không. Không, hoàn toàn không phải như tôi tưởng. Sau này tôi mới rút kinh nghiệm là giữa vợ chồng khi có điều gì không thông cảm thì chẳng thà có tranh cãi, xô xát còn hơn. Chính trong lúc tôi tưởng quan hệ giữa chúng tôi trở lại hòa thuận lại chính là khi bắt đầu xảy ra rắc rối.

Trước đây tôi đã nói đến Sinh, anh chàng hip-pi cùng học một trường với tôi ngày trước. Ngoài tài chơi đàn hắn còn biết sáng tác nhạc. Không biết sự run rủi nào đã khiến hắn về dạy cùng trường với Trà. Bấy giờ hắn đã cạo râu và ăn mặc tươm tất. Trà dần dần hay đi hội họp, lại thích tập hát và luyện giọng như hồi còn đi học. Rồi một dạo người ta xì xào… Tất nhiên tôi không quan tâm đến điều đó cho đến khi gặp chị tôi trong một ngày giỗ: bà chị bảo:

- Nì, nhà cậu không đủ chén hay răng, mà để cho vợ ăn cơm bằng đĩa!

Tôi là dân Thừa Thiên nên rất hiểu cái câu nói đầy ẩn ý đó. Ngày xưa mẹ tôi thường răn các chị không được ăn cơm bằng đĩa, sợ lòng cạn như lòng đĩa, người ta dỗ mất. Tôi không muốn tin vào điều mà chị tôi vừa báo động. Nhưng liệu một niềm tin mù quáng có thay thế được một sự thực không? Tất nhiên tôi có thể hỏi Trà: Trà không phải hạng người thích dấu diếm để bắt người ta nuôi ảo tưởng về mình. Có thể chính cô ấy cũng chờ tôi hỏi… Nhưng tôi không hỏi được, không làm sao mở miệng hỏi được. Những chuyện như thế đâu có dễ mở đầu? Cho đến một hôm tôi nghe kể là trong một buổi “họp mặt lớp cũ” Trà đã hát một bài hát do Sinh sáng tác và khi hát, Trà đã khóc. Tôi biết thừa loại bài hát ấy, đó là một loại “tân ca” kể lể những khó khăn, thiếu thốn hiện tại với một giọng ra vẻ nhân đạo… Cái tin đó thực sự làm tôi lộn tiết lên và tự nghĩ mình không có quyền im lặng nữa.

Chiều hôm ấy trong lúc ăn tối, tôi hỏi giọng khá lạnh lùng:

- Anh đã bao lần khuyên em hãy bình tĩnh. Vậy mà vừa rồi anh nghe nói em đã khóc khi hát một bài ca không lấy gì làm xây dựng cho lắm.

Trà lặng người đi một lúc, người tái như xác chết. Rồi chợt Trà ngửng lên và nói quả quyết:

- Vâng chẳng những khóc, mà còn nhiều chuyện khác quan trọng hơn nữa kia!

Làm sao tôi quên được vẻ mặt của Trà lúc ấy? Vẻ đau khổ, nhục nhã trộn lẫn với tự ái, kiêu hãnh, tất cả những tình cảm trái ngược nhau cùng dằng xé một khuôn mặt, và trong mắt Trà ánh lên một cái nhìn thê thảm, kỳ dị, xa lạ với tôi như chưa hề biết. Tôi cũng không nhớ sau đó mình đã làm gì… Tôi chỉ nhớ mình đã trải qua những giờ phút khủng khiếp nhất mà chỉ một người nào đã lâm vào hoàn cảnh như tôi mới biết mà thôi…

Một tháng trời trôi qua trong sự căng thẳng lặng yên và cay độc. Ở trường, mọi việc vẫn còn ngổn ngang. Một sinh viên viết bậy lên bảng trước giờ vào học, một vụ trộm xảy ra trong cư xá, một vụ rắc rối xảy ra trong giờ lao động. Một sinh viên nữ cuốc trúng bom bi còn sót lại ở nông trường Tân Lâm… Biết bao nhiêu việc phải giải quyết, và còn cuộc đấu tranh gay gắt, đau đớn trong gia đình trong lòng tôi …

Rồi một đêm, trong gian phòng nhỏ đầy ánh trăng. Cũng cái ánh trăng bình yên và thanh tĩnh ngày nào đã làm tôi choáng váng hạnh phúc, bây giờ lại đè nặng trên tôi một cảm giác nặng nề, ngột ngạt làm sao… Nhìn vào tấm gương treo cạnh cửa sổ, tôi ngạc nhiên nhận ra mình, hốc hác, xương xẩu. Tại sao? Tại sao lại có thể kéo dài tình trạng bế tắc này đến thế? Trong khi lẽ ra sức lực và tuổi thanh niên của tôi có thể để cho bao nhiêu việc có ích trên đời? Tôi không thể giam mình trong cái ánh trăng tuyệt vọng này nữa.

Đêm yên lặng đến nỗi tôi có thể nghe rõ hơi thở nhẹ của Trà trong giấc ngủ. Đến bên tủ, tôi nhẹ tay xếp áo quần, đồ dùng riêng vào chiếc va li. Tiếng động khẽ làm Trà tỉnh dậy, khi tôi quay lại, tôi bắt gặp ánh mắt Trà nhìn tôi đăm đăm, bất động.

Tôi ngồi xuống cạnh giường, và đó là lần đầu tiên từ một tháng nay, tôi nắm lấy tay Trà như muốn từ biệt. Trà khẽ siết tay tôi trong khi đầu vẫn để yên trên gối. Phải đấy anh ạ, anh đi đi… Như thế dễ chịu hơn”… Cô ấy thì thầm, rồi chợt rưng rưng:

- Em xin lỗi anh. Người ta bảo em điên… Em cũng không hiểu tại sao mình lại làm thế. Có lẽ em cần một người không coi thường em, thế thôi… Dù sao, thì cũng là sự đã rồi.

Trà nói quá lời tôi đâu có bao giờ coi thường cô ấy. Nhưng nói nữa mà làm gì? Ánh trăng làm khuôn mặt Trà trắng như bạch lạp. Tôi chợt có cảm tưởng người đàn bà ấy được làm ra bằng một thứ chất liệu trong suốt, mỏng manh, dễ vỡ, dễ nhuộm màu và cũng rất mau phai… Tôi buông tay Trà ra, ôn tồn bảo:

- Anh không giận Trà nữa đâu. Chúc em hạnh phúc. Trà trở mình, quay mặt vào vách. Tôi đến gần cửa sổ và hút thuốc đến khi trời sáng.

***

Sau khi tôi rời bỏ căn nhà có giàn hoa tỏi tím cũng được ít lâu, nghe nói Trà cũng dọn đi Sài Gòn. Bẵng đi khá lâu, rồi tôi nghe tin Trà thân với người này, người nọ, người kia. Tôi tự nhủ: đối với mình, con người ấy xem như không còn nữa. Đôi khi, nhớ về ngôi nhà cũ, tôi thầm chua chát so sánh tình yêu của người đàn bà với những bông tỏi tím nở bừng sau cơn mưa, rồi chỉ sau một đêm chợt lụi tàn đột ngột, và thế là hết…

Ba năm qua, chúng tôi vẫn sống cách ly như thế. Tình yêu không còn, những ảo tưởng về nhau đã rơi rụng hết, nhưng cũng không dễ gì quên nhau. Tôi không hiểu sao người ta có thể ly dị một cách dễ dàng được: mặc dù không còn nghĩ đến Trà nữa, mà tôi vẫn muốn lảng tránh không nghĩ tới việc hợp thức hóa tình trạng nghểnh ngảng giữa hai vợ chồng bằng một tờ giấy ly hôn. Nhưng rồi mẹ tôi khóc, và tôi không thể từ chối lời yêu cầu của mẹ muốn thấy tôi thành gia thất tử tế trước khi nhắm mắt. Tôi nhờ người viết hộ tờ đơn ly dị, vì tôi không sao đích thân viết ra nó được. Vừa dịp ấy Trà ra thăm Huế: bạn bè cho tôi biết Trà ra để chuẩn bị bán căn nhà cũ. Hình như cô ấy sắp đi xa, rất xa…

Tôi tới tìm Trà. Bây giờ căn nhà không còn giàn hoa tím nữa. Trà đọc tờ đơn rồi đẩy sang phía tôi:

- Anh ký trước đi.

Tôi bảo tốt hơn là Trà hãy ký trước, và tờ đơn bị đẩy qua đẩy lại như thế… Tôi hiểu rằng Trà chẳng bao giờ có đủ dứt khoát để quyết định một việc gì lớn trong đời. Để làm gì? Rồi sẽ đi tới đâu? Cuối cùng, tôi bặm môi ký vào tờ đơn…

Khi tôi ký rồi tuyên truyền Trà cũng ký… Ít lâu sau, hôn ước bị hủy bỏ. Rồi tôi lập lại gia đình. Tôi đã chọn người bạn đời của mình trong số ba người con gái mà các bà chị môi giới, một người rất phù hợp với quan điểm của gia đình tôi: ở rất an ổn, ngồi rất vững vàng. Tôi chịu ơn vợ tôi về tất cả những gì tôi có: sự ngăn nắp trong đời sống, những lời khuyên khôn ngoan, bữa cơm ngon, và đứa con gái nhỏ đầu lòng… Tôi đặt tên con là Hồng Khuê: giấc mộng văn chương vẫn là ước vọng sâu sắc nhất trong tôi, mặc dù không mấy khi có thời gian mà cầm bút. Tôi vẫn kiêm nhiệm làm bí thư Đoàn trường và lại lãnh luôn một công trình nghiên cứu về ngữ âm Bình Trị Thiên. Người ta bảo tư duy khoa học thường thù nghịch với tư duy nghệ thuật. Điều đó không phải lúc nào cũng đúng nhưng cũng không hẳn là sai hoàn toàn.

Thế rồi tôi được cử đi thi nghiên cứu sinh. Trước khi đi, tôi ghé lại thăm Nhơn, cô em út đã lấy chồng và mới chuyển công tác trở lại thành phố sau một thời kỳ dạy ở cao nguyên.

Làm sao diễn tả được cảm tưởng của tôi khi nhìn vào chiếc tủ nhỏ trong phòng Nhơn? Ở đó, trên tấm khăn phủ móc bằng chỉ xanh, nằm cạnh mấy thứ đồ dùng lặt vặt nho nhỏ của phụ nữ, là một chiếc ly thủy tinh trong vắt, vẽ hình một bó hoa trắng muốt.

Tưởng chừng tôi thấy lại một hình ảnh nhỏ nhắn sau màu pha lê, và bên tai tôi âm vang một tiếng cười… Tôi nhìn chăm chăm cái vật dụng cũ xưa ấy, không nói được mà cũng không hỏi được, tại sao nó lại có mặt ở đây? Hơn mười năm qua những người trong cuộc đã từ tuổi thanh niên măng trẻ đi hết một phần ba cuộc đời… Thế mà cái đồ vật xinh xinh tội nghiệp ấy, sau bao nhiêu lưu lạc, vẫn còn y như trước. Lạnh lùng, nó gợi lại những điều đã quên, muốn quên.

Thấy vẻ mặt của tôi, Nhơn bế con lặng im một lúc rồi bảo:

- Của chị Trà đấy. Trước khi về đây, em có đi tập huấn chính trị ở Sài Gòn. Chị ấy đưa cho em, bảo em trao lại cho anh. Nhưng em không muốn… Em ngại phải nhắc tới!

Tôi không trả lời Nhơn, và không hiểu sao tôi cố nén một tiếng thở dài; sao anh nghe bảo cô ấy đã đi? Dạo nầy cô ấy ra sao? “Em cũng tưởng thế, nhưng tình cờ em gặp chị ngay trong lớp tập huấn. Chị cũng đi một lớp với em. Sau đó em có đến thăm chị… Vẫn ở một mình anh ạ, trông chị vẫn trẻ và vui, nhưng sao thỉnh thoảng hơi ngẩn ngơ thế nào ấy”.

Mấy hôm sau, khi đến chào em và cháu để ra đi, chúng tôi lại nói về chuyện cũ và Nhơn bất chợt lôi trong hộp thư ra một phong bì xanh: nhìn dòng chữ ngoài bì tôi đã biết người gửi là ai: những nét chân của các mẫu tự, và nét hất của các chữ h, m, n cứ uốn tròn lên như lá lan. Con người ấy vẫn giữ nguyên nét chữ từ khi còn đi học…

“Nhơn thương quý vô vàn của chị. Thế là em lại đi. Thế là chị lại mất luôn người cuối cùng có thể gợi nhắc chị nhớ lại trọn vẹn những ngày ở Huế. Chị đã rời bỏ thành phố ấy quá vội vàng phải không em? Ừ, em đã hỏi có phải chị sắp đi xa không. Đã có lần chị nghĩ đến điều đó, chị còn gì đâu để ở lại, chị như một cái cây đã bật gốc khỏi mảnh đất của chính mình. Nhưng rồi chị đã nghĩ lại: dù đi tới góc biển chân trời, chị cũng không thể trốn được dĩ vãng. Đời chị đã có đủ sai lầm, chị không muốn sai lầm lần nữa, nên chị đâm ra thận trọng, một đức tính mà trước kia chị không hề có.

Em biết không, chị cảm thấy mình đã lang thang quá nhiều… Chị đi tìm cái gì đấy chị khao khát, cái gì đấy thật đẹp như chị mơ; Hồi xưa, anh và chị khác nhau ở nhiều điểm. Nhưng chị đã không biết rằng ở cuối con đường tìm kiếm chị chỉ có thể tìm thấy điều chị muốn ở anh, chỉ ở anh mà thôi… Cái đêm trở về lại Huế, nằm trong căn phòng im lặng của ngôi nhà cũ, chị đã bị dày vò bởi bao nhiêu ân hận; có lúc chị muốn quỳ hai chân trên mặt đất để đi đến trước mặt anh và cầu xin tha thứ… nhưng khi anh đến, anh đưa cho chị một tờ giấy và lúc đó chị hiểu là đã muộn… Chị không còn xứng đáng nữa.

Không hiểu sao trong cái giờ phút tuyệt vọng ấy chị lại có thể giữ được bình tĩnh mà không khóc … Hình như điều xảy đến mang một trọng lượng quá tải đối với tâm hồn chị, làm chị mất cả những phản ứng bình thường. Khi anh về rồi, chị tưởng mình như gãy gập đi… Chị gào thét, đập hết, phá hết những gì còn sót lại… Rồi… Thế là vĩnh biệt Huế! Có bao giờ chị lại được đơm cho anh chiếc cúc áo, nấu cho anh một chén cháo lúc ấm đầu, kể với anh một câu chuyện vui ngoài phố nữa không? Không! Không bao giờ nữa! Kỳ lạ quá, làm sao chịu đựng nổi hở em? Thế mà chị đã phải chịu đựng cho đến bây giờ nỗi đắng cay do chính chị gây ra…

Điều an ủi là trước khi đi, chị đã mua được một tập san có in mấy bài thơ cũ của anh…

Đọc đến đó, tôi không thể nào đọc tiếp được nữa…

***

Tôi không đem chiếc ly bé nhỏ ấy về cùng tôi. Có lẽ là do thói quen sợ lộ ra những tình cảm sâu sắc và chấn động trong lòng. Nhơn đã có lần bảo tôi:

- Em thương chị Trà lắm anh à. Nhưng ở địa vị anh thì em cũng làm như anh thôi.

Nhưng anh Tiến, người đồng chí cũ, bây giờ đã công tác ở một tỉnh xa đã viết thư sau khi tôi ly dị và hỏi “không có cách giải quyết nào tốt hơn sao?”.

Những lời bàn ấy, trái ngược nhau, cứ xôn xao đối chọi nhau trong tâm hồn tôi từ năm này sang năm khác… Đã bao nhiêu thay đổi lớn lao xảy đến, và trong cái tốc độ càng lúc càng nhanh của thời đại, có nghĩa lý gì một số phận cá biệt nào đó? Nhưng còn lương tâm của tôi … Sự thực thì tôi không làm gì sai. Nhưng tôi đã không làm đủ. Theo một cách lý giải nào đó thì đúng như mẹ tôi tiên đoán, số phận của Trà đã được in trên khuôn mặt của cô ấy … Nhưng cũng không ổn rồi: lẽ nào tôi, một con người tự nhận là cách mạng lại tin vào cái tướng, lại trút trách nhiệm cho cái tướng hay sao?

Năm tháng đã qua… Bây giờ tôi đã đủ bình tĩnh để thấy đúng như Trà nhận xét, giữa hai chúng tôi có nhiều điểm khác nhau. Lẽ ra những điểm khác ấy không đến nỗi ngăn cản không cho chúng tôi cùng đi một con đường. Lẽ ra tôi đã có thể giúp Trà … Nhưng bây giờ? Có muộn lắm rồi không? Tôi còn có thể làm gì cho Trà nữa?

Vâng, đấy chỉ là câu chuyện đã qua… mà không bao giờ thực sự qua hẳn trong ký ức tôi. Có những lần buổi sớm mai thức giấc, chợt nghe một tiếng chim trong trẻo vang ngân, tự nhiên trong tôi dấy lên một thứ âm vang tê tái… Càng về sau, tôi càng ngấm một điều là không phải dễ gặp trong đời một người thân thuộc và yêu mến tâm hồn mình hơn cả chính mình. Có một người như thế đã đến với tôi, đã đem đến cho tôi hạnh phúc… và cuối cùng chính tôi đã khước từ hạnh phúc.

T.T.M
26-4-1985






Các bài mới
Huế của em (18/05/2011)
Các bài đã đăng