Tạp chí Sông Hương - Số 16 (T.12-1985)
Bàn tay Chúa
09:41 | 06/06/2011
L.T.S: Miguel Rojas Mix, sinh năm 1934 tại thủ đô Chi-lê. Giám đốc viện Nghệ thuật châu Mỹ La tinh thủ đô San Chiago. Bỏ Chi lê sang Pháp dạy học ở Đại học Paris VIII. Viết tiểu luận, truyện ngắn, sách thiếu nhi. “Bàn tay Chúa” là truyện ngắn ác liệt tố giác chính quyền Pi-nô-chê khát máu tại Chi-lê chỉ có thể gây ra khổ đau, chết chóc, ly hương và quật khởi cho nhân dân xứ này. Truyện mang ý hướng ngụ ngôn, gợi ý, gợi hình, vừa có nét thần kỳ mà vẫn không xa hiện thực.
Bàn tay Chúa
Miguel Rojas Mix - Ảnh: miguelrojasmix.com
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

“Lạy Chúa toàn năng! Chúa là người minh triết vô biên đã giúp chúng con tuốt gươm cho Tổ quốc thân yêu tìm lại được tự do. Trước mặt đồng bào, con cầu xin Chúa điều mà con đã bao phen khẩn nguyện Chúa trong đêm vắng trước ngày 11 tháng 9; nay xin Chúa rủ lòng giúp sức cho dân tộc này tìm ra sinh mệnh sáng sủa nhất của nó trong đức tin”.
Tướng Pi-nô-chê
(Diễn văn đọc trong lễ kỷ niệm lần thứ nhất cuộc đảo chính ngày 11 tháng 9 năm 1974)



MIGUEL ROJAS MIX


Bàn tay Chúa


Hôm ấy tôi bắt gặp lão đang bày trò với bàn tay Chúa. Tuân theo một lối nghi lễ cử hành mỗi buổi ngủ trưa, lão rút bàn tay trong hộp ra, đặt lên bàn, tắt đèn để cho vùng tam giác sáng viền quanh đấy nổi bật lên, mân mê mẫu bàn tay, nhấc nó lên và đứng lặng ngắm nghía hồi lâu giống như các bà mẹ trong loại tranh hiện thực đôn hậu ngắm nhìn con cái. Kế đó lão vỗ nhẹ vào đầu ngón tay, vào phía trần nhà, và bàn tay cất mình lên, lên, lừng lững một hồi (nó đã thường lên cao vì chỉ có nó là lên tới trên trời được), rồi chầm chậm hạ mình xuống trên mặt bàn gỗ đào. Nơi đây, lão cầm lấy bàn tay, chăm chú khảo sát nó một hồi, vuốt lưng bàn tay và, sau một hồi im lặng, lần lượt thoăn thoắt ra lệnh cho bàn tay thi hành đủ thứ trò lão nghĩ ra: bắt nó tỉa râu cho lão, gãi tai, đút ngón tay nó vào mũi lão… Nhưng cái lão khoái hơn cả và bắt nó làm liên hồi là đi lấy mấy hạt dẻ lùi trong lửa đang cháy trong lò sưởi ở cuối cái bàn làm việc to tướng.

Bàn tay Chúa thi hành bao nhiêu điều một cách nhẫn nhịn và tự tin, nhưng lâu lâu nó làm hỏng, chẳng hạn như dí bẹp một con ruồi thì chịu. Thế là, để phạt nó, lão bắt nó vào góc tường hí hoáy, và bàn tay chìa ra một ngón sáng viết ngoằn ngoèo bằng nét chữ ba-bi-lon, tùy theo lỗi nặng nhẹ, hai chục, năm chục hay một trăm lần câu nhận tội mình.

Không nên nghĩ rằng bàn tay Chúa có mang một dấu tích riêng biệt nào. Tôi thì đinh ninh rằng bàn tay có màu thiên thanh, còn móng tay thì màu mây hồng, nhưng không phải. Nó giống đúc bàn tay kẻ sử dụng nó. Lúc nào lão bày trò ra với nó, thì nó y hệt như hai bàn tay lão: cũng lông lởm chởm trên mặt lưng, cũng ngón tay ngắn ngủn dày dặn, cũng móng tròn… Và sau này, đến lượt đệ nhất phu nhân sử dụng bàn tay, thì tôi lại nom thấy bàn tay có ngón mảnh mai, lòng tay phớt hồng và móng tay dài bôi đỏ.

Bày trò một lát xong, lão phát hiện ra tôi. Lão hấp háy mắt mấy lượt, bối rối vì bị bắt gặp với món đồ chơi quái dị như thế, hoặc có thể là khó chịu vì tôi chứng kiến lão liên hệ với bàn tay Chúa, lão hấp tấp đút bàn tay vào lại trong hộp giấy dày. “Chú thấy cái gì trong này chưa?” lão vừa chỉ tay vào hộp vừa xẵng giọng hỏi tôi. “Thưa đại tướng, có thấy ạ”, tôi ngập ngừng đáp, lo sợ sự thập thò của mình gây lụy cho mình.

Lão nhìn tôi qua khóe mắt, quay người lại nửa vời và, sau một hồi lâu im tiếng, ý chừng nghĩ rằng có thể tin tưởng tôi được… cuối cùng lão giao cái hộp phát quang cho tôi (tôi phải bọc chiếc hộp vào một lớp giấy vải màu đen để cho ánh sáng khỏi lọt ra khe) rồi hạ lệnh cho tôi đưa chiếc hộp đến bà vợ lão đang cần đến nó cho bài diễn văn bà sẽ đọc chiều nay tại quãng trường Võ Binh. Trước khi ra đi, lão dặn dò thêm là phải coi ngó nó cực kỳ chu đáo, vì đây là một di vật vô giá, ích dụng lớn cho chính thể và lại càng có ích hơn nữa - lời của lão nếu như cái tốp giám mục kia, cái bọn không cha không mẹ ấy! không thường xuyên ngoan cố cãi lời lão, nhưng dù có như vậy, di vật vẫn rất có ích. “Di vật lịch sử đấy”, lão nói lại. Rồi nói tiếp là thừa kế nó từ mấy người Tây Ban Nha đầu tiên đến Châu Mỹ- bàn tay Chúa nhuốm nặng cái tính Tây Ban Nha. Để dẫn chứng, lão moi óc đọc thuộc lòng lời lẽ một người chép sử thế kỷ 16 có viết về vụ tàn sát ở So-luy-la như sau: “Người Tây Ban Nha được bàn tay Chúa dẫn đường và không nghĩ rằng họ phạm trọng tội - vì ý Chúa là đất đai kia phải được chinh phục, cứu độ và tước lấy từ quyền năng của ma quỷ”.

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Minh họa: Bửu Chỉ

Trước khi bắt đầu bài diễn văn, và một khi hàng tướng tá, huy chương băng dải đầy mình, sắp lớp sau lưng như một hàng cột, Đệ Nhất Phu Nhân mở dây hộp và lấy bàn tay Chúa đưa lên cho mọi người thấy. Công chúng há mồm và chói mắt theo cái ánh sáng tỏa ra từ bàn tay, ngoại trừ một đoàn đàn bà điên chiều nào cũng quanh quẩn bên quảng trường, như thể một ai đó có quyền phép trao trả cho mấy bà những thân nhân mất tích. Người mất tích tái hiện hoặc không tái hiện, nhưng còn trao trả thì chẳng ai trao trả được. Ngoài ra, chính quyền đã lên tiếng rằng, nếu sau một tháng mà họ không xuất hiện, thì có thể chính thức công bố là mất tích và như thế là mấy bà khỏi cần tiếp tục quẩn quanh quảng trường, vì kẻ nào đã chính thức mất tích mà hiện ra lại thì đó là điều trái phép. Nhưng mấy mụ điên không cảm thấy hài lòng… Người ta cũng không thể phủ nhận rằng chính quyền đã làm đủ mọi cách trong vòng luật pháp để giải quyết vấn đề…

Sự có mặt của mấy bà điên khiến cho Đệ Nhất Phu Nhân phập phồng cao độ - bà vốn nhạy cảm, - bởi lẽ bà sợ một sự cố nào làm cho bà vấp váp trong bài diễn văn đã được tập dượt ráo riết mấy ngày nay trước gương soi, nhấn từng câu, ngắm từng động tác, và như thế thì sẽ u ám cho cái ngày sinh nhật thứ ba kỳ diệu này để kỷ niệm cuộc đảo chính đưa chính quyền mới lên thay thế. Nói vậy chứ bàn tay Chúa trấn an bà và tiếp đó, sau khi đã đưa bàn tay Chúa ra cho bốn phương tám hướng đều thấy xong xuôi, bà khai từ:

“Thưa các đại biểu lực lượng vũ trang, quý ông quý bà cùng toàn dân yêu quý. Hôm nay là ba năm kể từ ngày bàn tay Chúa hiện ra với chúng ta để cứu vớt chúng ta”, đó là lời tuyên bố mở đầu. Và chiếc bàn tay bây giờ có vẻ như sung sức và sáng ánh hơn thêm, nó nằm yên phía đằng sau gáy Đệ Nhất Phu Nhân, giúp cho bà có cái vẻ một hình tượng thời cổ đại. Đắc ý với lời phi lộ, bà sửa soạn tiếp lời thì bỗng, giữa đám đông nổi lên giọng ê a đục khàn của một bà điên rõ tiếng mồn một giữa khi diễn giả im tiếng: “Trả con cho tôi”.

Đệ Nhất Phu Nhân luống cuống thấy rõ. Làm sao nói tiếp nếu bị ngắt ngang đúng vào lúc mình định bụng trích dẫn một đoạn của Boóc-giơ mà gã cận vệ phụ trách văn hoá của đức ông chồng khuyến dụ bà chen vào giữa chừng. “Các … bạn thân … mến”, bà ấp úng lấy lại can đảm và nhìn qua nhìn lại kéo dài thì giờ, hy vọng lực lượng đặc biệt cứu gỡ cho mình và tống con mẹ điên này đi bằng công lực. Nhưng, ngay trước lúc lực lượng đặc biệt xuất hiện, một giọng khác lại vang lên từ phía đằng kia quảng trường: “Trả chồng tôi cho tôi”, “Thả con tôi ra”, “Trả em tôi cho tôi”.

Đến đây thì bàn tay Chúa hành sự và, sau khi rời gáy Đệ Nhất Phu Nhân, bắt đầu nhúc nhích các ngón tay phía trên cao khán đài, tiến xuống đám đông, đồng thời lớn dần ra, trương phồng thêm, đành đứng lại, biến đổi màu sắc. Những hòn đạn kim khí hiện ra trên lòng bàn tay, và các ngón cứng lại, long lanh màu nâu thẫm. Trên các đốt ngón tay mọc lên những chiếc đinh tán dài mấy phân, các móng đỏ biến thành họng đại bác, chân móng thành ống nhắm và các khớp thành lỗ châu mai bịt sắt, từ đây ngoi lên những chiếc đầu nón sắt chĩa vào đám đông khắp các hướng. Năm khẩu đại bác bắt đầu khạc đạn, và từng tản người nguyên khối gục ngã vô danh giữa quảng trường. Và trong khi nỗi kinh hoàng xâm chiếm những kẻ toan bài tháo chạy, thì riêng những người đàn bà điên có vẻ thản nhiên trước cuộc tàn sát và vẫn đứng trơ trơ tại chỗ, lớn tiếng gào lên nhất loạt: “Trả chồng con cho chúng tao”, “Buông tha con gái chúng tao ra”, “Để cho chúng tao có cháu”. Nhưng, cuối cùng, đám đàn bà này ngã theo xuống bởi vì bàn tay Chúa, giống hệt thời chinh phạt So-luy-la, đã muốn tận tụy phục dịch Chúa thì không để cho kẻ nào sống sót.

Và đến khi trên quảng trường không còn một mống nào đứng thẳng người thì các họng đại bác trở lại làm móng tay, các ngón mềm mại trở lại, các khớp và da nhũn mềm trở thành lòng bàn tay và bàn tay trăn qua trở lại mặt lưng mặt lòng, như thể có con mắt Chúa nhìn vào; lập tức nó kỳ cọ vào đất và vào một tượng đài dựng lên tưởng niệm một kỵ sĩ lẫy lừng để chùi máu dính vào nó, rồi trở lại nạm ánh vàng cắt thành hình tam giác và đậu xuống bàn tay run rẩy lật bật của Đệ Nhất Phu Nhân.

Hôm sau, tất cả báo chí trong nước đăng tải trên trang nhất hàng chữ sau đây:

Tại quảng trường Võ Binh mưu sát Đệ Nhất Phu Nhân, một lần nữa bàn tay Chúa giáng xuống giữa chúng ta để cứu giúp chúng ta”.

BỬU Ý dịch
(16/12-85)







Các bài mới
Nguyễn Du, 1813 (18/07/2011)