Tạp chí Sông Hương - Số 16 (T.12-1985)
Hôm ấy, trời trở rét
14:30 | 23/06/2011
HUY PHƯƠNG Đã nghe thấy tiếng gió rì rào, như từng đợt sóng nhỏ tràn qua mái nhà. Trời trở rét… Chả trách mà tối hôm qua, cánh cửa kính cứ hết sập lại mở, rập rình mấy lần làm anh mất ngủ.
Hôm ấy, trời trở rét
Ảnh tư liệu
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Nhưng rồi anh cũng chợp mắt được. Trong giấc ngủ lơ mơ về sáng anh có những quãng chiêm bao ngắn ngủi và tuyệt đẹp. Anh thấy anh trong hình dáng một chàng trai vạm vỡ đang đi trong một khu vườn thẳm xanh màu lá cây, cạnh một dòng sông. Rồi anh đi vào một ngôi chùa mái cong cánh phượng, hoa sứ rơi trắng xóa trên một mặt sân lát đá nhẵn lì. Bầu trời tím ngắt, và một mùi hương đâu đó, thoang thoảng. Anh sống trong một tâm trạng thanh thản, nhẹ nhàng như anh đã từng có một thời nào đó, không nhớ nữa. Và thật lạ, anh mê mà vẫn biết mình đang mơ, lòng phấp phỏng chỉ sợ giấc chiêm bao tan biến.

Thế rồi anh chợt tỉnh. Anh sực nghĩ đến những việc vặt vãnh đang làm anh bận tâm mấy hôm nay. Bài nghiên cứu mãi chưa viết xong; cái món tiền điện phải trả gấp mà đi đã mấy lần vẫn chưa nộp được; gương mặt lầm lì, lạnh nhạt của ông thủ trưởng cơ quan… Tại sao gặp mình mà đôi mắt ông ta lại tối sầm như thế nhỉ? Câu nói của mình đầu tuần trước trong cuộc họp Hội đồng khoa học chắc không làm ông vừa lòng. Hay là có tên nào đã ton hót với ông ấy những gì? Lờ mờ trong bóng tranh tối tranh sáng của căn phòng, anh thấy hiện lên hình dáng méo mó của cái chạn bát kê ở chân tường, cái lỗ thủng trên trần với những chiếc nan tre đã ải mục chìa ra như những chiếc răng dài ở mồm một con quái. Anh thấy như vừa hụt chân rơi tuột từ một thế giới nào khác về đây, lòng ngao ngán đến tê tái.

Ăn vội cho xong bát cơm rang, vừa xỏ tay áo anh vừa tất tả chạy xuống cầu thang. Anh mới nhớ ra là phải có mặt ở đám tang một người đồng sự ở cơ quan vào lúc bảy giờ rưỡi. Thời buổi này, chẳng ai muốn dềnh dàng bày vẽ gì trong những chuyện hiếu hỷ như thế. Ông ta chết trưa hôm qua và sáng hôm nay là đi Văn Điển. Cái ông cán bộ nghiên cứu ấy có thể suốt đời chờ đợi một chức Trưởng ban không bao giờ đến, nhưng lại cần khẩn trương dời đến cái nơi ông không hề mong muốn ấy trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Thận trọng lái chiếc xe đạp trên đường phố chật cứng xe cộ vào, buổi sáng chủ nhật, anh lan man nghĩ đến vợ con người đã khuất. Chắc hẳn cái chết của ông bạn đồng sự không phải là điều bất ngờ đối với gia đình. Ông đã ốm lay lắt gần hai năm trời nay. Bệnh huyết áp cao dẫn đến đứt mạch máu não đã buộc ông phải nằm đến sáu tháng ở bệnh viện và sau đó lại thêm một năm nằm bất động ở nhà. Cứ nghĩ đến chuyện vợ con phải phục dịch cho một con người hôn mê, vô tri vô giác trong ngần ấy năm, tháng, thì - dẫu chẳng phải nhẫn tâm - cũng phải nghĩ rằng cái chết của ông ta là một sự giải thoát cho mọi người và cho cả chính ông ta nữa.

Trong ngõ hẹp, những người đến dự lễ tang đã khá đông. Mọi gương mặt đều có vẻ nghiêm trang tư lự. cái không khí ấy chỉ có hơi ngỡ ngàng một chút, khi cậu con rể của người đã khuất từ trong nhà chạy ra, với vòng khăn trắng quấn vội trên đầu, chẳng ăn khớp chút nào với bộ âu phục thẳng nếp anh ta vận trên mình, nét mặt gần như tươi tỉnh, phấn chấn, mời mọi người vào để bắt đầu lễ truy điệu.

Ông thủ trưởng cơ quan cũng vừa đến. Ông ta bước trên chiếc Lađa xuống, bước đi trịnh trọng theo sau hai nhân viên văn phòng mang vòng hoa. Gương mặt ông ta trông vẫn lầm lì, chỉ có đôi mắt là cụp xuống, chẳng nhìn ai, như chìm trong đau khổ.

Anh đứng sau thủ trưởng của anh vài hàng người và anh nghe rất rõ cái giọng đọc điếu văn nằng nặng, khò khè, đôi chỗ hơi nghẹn ngào của ông. Khói hương nghi ngút căn buồng chật làm anh cay xè cả hai mắt, không hề khóc mà nước mắt vẫn ràn ra ở khóe mi. Nhưng anh vẫn nghe rất rõ cái tiểu sử của người quá cố. Năm 1945: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng huyện, năm 1950 ủy viên Ủy ban kháng chiến tỉnh. Người vợ nghe đọc đến những thành tích của chồng chợt nức lên khóc và nhìn vào đôi mắt sững sờ của bà sau tấm khăn xô, anh có cảm tưởng như bà mới nghe biết những chuyện như thế lần đầu… Năm 1953 là ty trưởng Ty Nông nghiệp tỉnh, năm 1956: tỉnh ủy viên phụ trách mậu tài… Đến lượt chính anh, anh cũng ngạc nhiên, giống như đang nghe người ta nói về một người nào khác trong bài điếu văn chứ không phải về con người gầy gò, xanh bủng, giờ này đang nằm trong chiếc áo quan nhòe nhoẹt màu đỏ kia. Trong một thoáng, anh lại thấy con người ấy đi chậm rãi, như một cái bóng trong con đường hành lang sâu thăm thẳm của cái Viện nghiên cứu nổi tiếng của anh, mùa đông, với chiếc áo bông đã sờn ở mép gấu, mùa hè với chiếc áo sơ mi cộc tay kiểu may sẵn đã phai bạc đến mức không còn ai nhận ra trước đây nó là màu gì. Làm cách nào mà một ông Chủ tịch huyện từ năm bốn nhăm, tỉnh ủy viên từ năm năm mươi sáu, trong hơn mười năm vừa qua vẫn ngồi mãi ở cái ghế một cán bộ nghiên cứu bình thường ở Viện?... “Đồng chí đã có những cống hiến to lớn… Riêng ở cơ quan ta, trong nhiều năm qua, đồng chí là một cán bộ gương mẫu, tận tụy, đầy tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ…”, bài diễn văn nói thế. Cái giọng khắc khoải đang đọc diễn văn có vẻ là đang nói những điều chân thành nhất. Và không hiểu sao, khi nhận ra điều ấy, anh thấy có một cái gì nhói buốt trong lòng. Anh ứa nước mắt thật sự, và xung quanh anh giống như trong một dòng cảm thông bí ẩn, anh biết là trong giây khắc ngắn ngủi ấy, mọi người cũng đều đang xúc động như anh. Một người chết đi, vào tuổi ấy, với cái chứng bệnh ấy, trong những ngày thời tiết thay đổi đột ngột thế này, đó chẳng phải là điều khác thường. Nhưng một người sống, con người có quá khứ như vậy mà đã từng tồn tại âm thầm đến thế giữa sự vô tâm của mọi người, đó quả là một điều ghê gớm. Anh khóc thực sự. Anh nghĩ đến cái dáng ngồi yếu đuối của người đồng sự ngã vào lưng chiếc ghế mây cũ kỹ, bao giờ cũng chiếc ghế ấy, trong một góc phòng, ở những buổi họp Ban. Đúng ra thì từ lâu lắm, nhiều người đã quên sự có mặt của ông trong các buổi họp. Chính anh đã nhiều lần bắt tay ông, cười với ông, nói đùa với ông vài câu vô tội vạ những lúc cao hứng. Nhưng không thể nói đó là những kỷ niệm: cho đến phút này, hai người vẫn hoàn toàn xa lạ. Qua quầng ánh sáng chập chờn hắt lên từ những ngọn nến đã sắp lụi bấc, anh thấy đôi mắt của người đã mất nhìn anh một cách thản nhiên và có lúc lại như tủm tỉm cười, thương hại:

- “Này chú em, chú phải thừa nhận là chẳng hiểu quái gì tôi cả. Ờ, tôi thì tôi đã nhiều tuổi rồi. Nhưng ở tuổi chú mà sống vô tâm như thế thì thật là một điều đáng tiếc. Chú đang hăm hở với nhiều ước muốn viễn vông lắm. Cũng chẳng sao, thậm chí đó còn là điều đáng quý nữa. Nhưng đừng bao giờ nên vì thế mà quên người khác. Rồi chú sẽ còn có thì giờ để hiểu ra nhiều điều quan trọng. Cuộc đời chẳng phải là một màn kịch trình diễn trên sân khấu. Mà những gì lớn nhất có khi lại ở đằng sau tấm màn hậu trường kia, anh bạn trẻ ạ”.

Dẫu sao, anh cũng cảm thấy thanh thản khi nhìn thẳng vào đôi mắt ấy, trên tấm ảnh, và như đã sòng phẳng thú nhận với chính mình một điều gì. “Chúng ta tiếc thương anh vô hạn. Trong giờ phút này, chúng ta xin tỏ lòng biết ơn và hứa…” Giọng ông thủ trưởng ngân lên thống thiết, hùng hồn như mọi người vẫn thường nghe trong những buổi họp. Anh hơi hoảng hốt, đưa mắt nhìn xung quanh, không hiểu vì sao cái con người ấy lại có thể nói to đến thế, trong giờ phút này.

***

Buổi chiều, gió tắt hẳn. Nhưng vòm trời vẫn âm u và mưa bụi bắt đầu đổ xuống như một lớp sương mỏng trên thành phố. Đắn đo mãi nhưng khi nghe tiếng chuông đồng hồ Bưu điện ngân nga đổ hồi, anh biết là anh không thể ngồi yên ở nhà được. Cầm gói quà mừng trên tay anh lúng túng không biết nên ghi lời đề tặng như thế nào, vì một lẽ là anh chịu chết không cách nào nhớ ra tên chú rể là gì. Chỉ có mỗi một điều chắc chắn: đó là con trai một chị bạn thân của vợ anh. Và vợ anh đã căn dặn anh rất kỹ trước hôm đi công tác: “Nó là bạn thân nhất của em hồi ở Hà Bắc. Cái lần thằng Cường nhà mình đi học xa, nó mua quà đến tận nhà, tiễn cháu. Bây giờ con trai nó lấy vợ mà mình không đến thì không ra gì đâu”. Anh đâu có phải là người thiếu chu đáo, vợ anh thừa biết như thế. Nhưng với anh, mùa đông có nhiều cái phiền, mà phiền nhất là phải lo toan bao nhiêu chuyện hiếu và hỷ. Đó là mùa đem đến nỗi lo cho những người già và niềm vui cho lớp trẻ. Chỉ nguyên một tháng chạp năm ngoái, vợ chồng anh đã phải đi dự đến mười hai cái đám cưới của con bạn, thậm chí cả cháu bạn và cháu của đồng nghiệp hai bên cơ quan, tính phác tiền mừng hoặc mua quà tặng phải đến năm sáu trăm. Chẳng phải là chuyện tiền nong. Nhưng đối với anh, đôi khi việc đó giống như một thứ duyên nợ không đâu. Đi phúng viếng, ít nhất người ta cũng thực sự chia buồn với một người nào đó. Còn đi đám cưới, quả thật là người ta đôi khi phải miễn cưỡng mà chia vui với một đôi trai gái thậm chí chúng nó chẳng biết mình là ai. Không đến thì người ta trách, nhưng có đến, trong cái đám đông ồn ào ai cũng làm ra vẻ hân hoan, phấn khởi như thế thì còn có ai để ý đến mình. Một đám tang rồi đến một đám cưới. Thật là quá quẩn. Và anh thở dài nghĩ đến một ngày chủ nhật coi như là đi đứt…

Nhưng anh vẫn phải đi. Và anh vẫn đến. Vì vợ anh muốn thế. Bà chủ nhà, bạn vợ anh, ra tận cửa đón anh một cách niềm nở hơn là anh dự đoán. Bây giờ thì anh đã nhớ ra, rất rõ. Năm xưa, hồi còn sơ tán ở Hà Bắc, nhà chị ấy ở trong cùng một xóm với vợ anh, và có một lần chính chị đã mời anh đến nói chuyện một buổi với lớp học của chị về các giống cây nhiệt đới. Hôm ấy, luôn trong mấy tiếng đồng hồ, anh đã nói rất say sưa về cây chè, cây dứa - hình như thế - trước ngót một trăm học sinh của nhà trường, không phải vì tin vào cái kế hoạch trồng cây của họ mà trước hết có lẽ là vì đôi mắt màu nâu của cô giáo có đôi má lúm đồng tiền ấy. Ngày ấy, thế mà đã ngót hai mươi năm rồi: anh đang là một cán bộ trẻ và đa cảm, cái tính đa cảm mà vợ anh vừa ghét lại vừa thương. Bây giờ, từ phía bên kia chiếc bàn dài bề bộn giấy kẹo, vỏ hạt dưa cũng đôi mắt nâu ấy đang nhìn anh nhưng đã nhòa đi như sau một lần kính mờ và thay vào chỗ cái lúm bên mép là một nếp nhăn, như một vết sẹo nhỏ, không thể che dấu dưới lớp phấn mỏng.

- Đã lâu lắm không gặp anh - người đàn bà nói với một giọng ngọt ngào.

Chỉ thỉnh thoảng được đọc những công trình của anh trên tờ Tập san khoa học. Tôi vẫn còn nhớ câu nói của anh hồi ấy: thế giới thực vật là một thế giới có linh hồn. Cái ý ấy cứ làm tôi suy nghĩ mãi. Đọc anh, tôi thấy anh vẫn còn sôi nổi như xưa…

Anh hơi chột dạ. Ôi, làm sao còn nhớ được hồi ấy anh đã nói những điều ngớ ngẩn đến như thế nào. Nhưng có thật là chị ta vẫn nhớ mãi một câu nói của mình và đã đọc gần hết những bài viết của mình trên báo?

- Chị nói thế thôi, chứ còn sôi nổi như xưa thế nào được hở chị - anh đáp, hơi bối rối - còn những bài báo của tôi, đã đáng gì mà gọi là công trình đâu, chị. Chị tính…

- Không không, sao anh lại khiêm tốn quá thế - Người đàn bà nói tiếp và với nụ cười trên môi, anh lại thấy cái lúm đồng tiền trở lại trên má chị - Tôi không phải là nhà nghiên cứu, nhưng về mặt lý luận, ít ra thì các công trình của anh đã giúp những người dạy học như tôi hiểu thêm rất nhiều điều mới mẻ. Tôi đâu có được như anh chị. Có hoàn cảnh để theo đuổi những công việc mà mình yêu thích, đó là một hạnh phúc…

Hạnh phúc! Anh nghĩ đến gương mặt tròn trĩnh, hồng hào, đầy tự mãn của ông thủ trưởng Viện, nghĩ đến cái lỗ thủng hun hút gió trong căn buồng hẹp thiếu ánh sáng của anh. Dẫu vậy so với chị giáo viên đây, có thể anh vẫn là người may mắn hơn nhiều. Không nghi ngờ gì nữa: nếu như con trai của chị ta là cái thằng bé gầy nhẵng, có cái vết chàm ở dưới cằm, ngày đó cùng học một lớp 7A với thằng Cường nhà anh thì đích thực là cái cung chồng con của chị chẳng lấy gì làm tốt đẹp. Nó đã nhiều phen chửi mẹ, đánh cả mẹ mỗi lần vòi tiền để chuồn về Hà Nội đi chơi mà mẹ nó không cho. Nó đánh lộn với trẻ con cả xóm đến mức chưa hết năm học mẹ nó đã phải xin chuyển nó về Hà Đông ở với cậu. Chính anh, có lần đã suýt cho nó mấy cái bớp tai vì cái tội nghịch tinh trát đầy phân trâu vào chiếc xe đạp của anh để ở đầu hồi nhà. “Tai quái như thế thì lớn lên nó sẽ là một thằng côn đồ”. Bực mình, anh đã phải thốt lên với vợ như thế… Thế rồi, bẵng đi mấy năm liền anh không thấy con anh nhắc đến nó nữa. Chỉ biết chắc một điều là vào cái năm con anh đi nước ngoài thì nó trượt kỳ thi vào đại học. Nghe nói mẹ nó khóc ròng luôn một tuần lễ, và chị chưa kịp ráo nước mắt lại nhận được tin chồng hy sinh ở chiến trường miền Nam. Anh không nhớ vào dạo đó anh đang bận những gì. Nhưng nghe chuyện ấy, anh chỉ dửng dưng như nghe nói về một người không quen biết. Biết thế nào được! Vào những năm gay go ấy, những chuyện như vậy có thể xảy ra với bất cứ ai. Hà Nội đang bị ném bom cả ngày lẫn đêm và anh đang phải viết cho kỳ xong bài khảo luận “Rừng nguyên thủy và các giống thực vật hạ đẳng” của anh. Trước lúc một quả bom nó rơi xuống đầu, anh nói với bạn bè như thế. Nửa là đùa mà nửa cũng thực tình.

Thế mà bây giờ cái thằng bé ấy đang cưới vợ. Quả là anh nóng lòng muốn trông thấy mặt cái chú rể từng có một lai lịch tai quái như thế. Nhưng mẹ nó đang ngồi kia trước mặt anh, trên gương mặt dầu dãi không có gì chứng tỏ là đang ẩn dấu một điều lo ngại. Chẳng những thế, anh còn thấy là bà đang lúc phấn chấn, trong đáy đôi mắt nâu rực lên một thứ ánh sáng tự hào.

- A, cô dâu, chú rể đây rồi.

Có tiếng nhiều người reo lên, giữa những tiếng vỗ tay lác đác, nổi lên ở phía cửa ra vào. Đôi trai gái hiện ra gương mặt hơi khuất đi chốc lát trong vòm cửa tối, nhưng anh liền nhận ra được “chú bé” bởi cái dáng người cao và thanh mảnh của chú, mặc dầu lúc này, trong bộ đồ len màu sẫm cắt rất sát người, đi bên cạnh người con gái đang bước líu ríu, nép vào cái thân hình cao lớn của chồng, gần như không có gì ở người con trai ấy còn có thể gợi nhớ đến thằng bé tinh nghịch năm xưa. Đến sau lưng mẹ, anh ta cúi xuống thì thầm một điều gì đấy, nét mặt vừa trang trọng vừa bẻn lẽn. Tiếp đó, anh thấy cả hai mẹ con nhìn anh và người mẹ tủm tỉm cười.

- Cháu nó nói là trông bác vẫn còn trẻ trung lắm. Anh xem, tôi nói có sai đâu. Nào con dẫn vợ đến chào bác đi…

Anh nhớm đứng dậy bắt tay đôi vợ chồng trẻ.

- Thật là không thể ngờ được. Cháu đã là một người lớn thực sự rồi. Anh nói nhanh, như trút ra một niềm tâm sự, một tay choàng lên vai cậu con trai, vỗ nhè nhẹ:

Và anh nghe tiếng thì thầm, hơi rụt rè của cậu ta:

- Cháu thì cháu vẫn nhớ đến bác luôn đấy ạ. Cháu nhớ là cháu đã có lần làm phiền lòng bác và nghĩ đến việc đó, cháu vẫn còn xấu hổ mãi…

- Ồi, ồi, cháu nhắc lại chuyện đó làm gì! Anh xua tay, cười to, với cảm giác có một cái gì đó ran ran nóng bừng trên gò má mình - Chẳng những cháu đã trở nên một người lớn thực sự mà còn đẹp trai nữa, thật đấy. Chú mừng cho hai cháu, rất mừng. Lúc nào có dịp cháu đến chơi với cô chú nhé!

Anh vui thật lòng khi nhìn vào đôi mắt của người con trai, cũng đôi mắt màu nâu rất sáng, y như mắt mẹ nó: cái màu nâu sáng đã làm anh trở nên hoạt bát trong một buổi nói chuyện gần hai mươi năm về trước.

Đợi cho con trai và vợ nó đã đi nơi khác, chị giáo viên quay về phía anh, giọng trầm xuống vì xúc động:

- Nó là trung úy pháo binh đấy anh ạ. Hiện nay thì cháu đang được đơn vị cho về học bổ túc về khoa máy tính ở đại học Bách khoa. Ngay chính tôi, tôi cũng không ngờ. Cháu ngoan hẳn kể từ sau ngày chúng tôi được tin bố cháu hy sinh. Hoàn cảnh tôi lúc ấy anh biết đấy, thật là lắm nỗi…

Chị không có ý khoe khoang mà chỉ như giải bày một nỗi niềm riêng chỉ có thể chia sẻ với anh trong cái đám người đông đúc này. Ngần ấy năm trời trong cuộc đời của một người đàn bà góa bụa! Vậy mà chị còn có thì giờ để đọc và nhớ từng bài viết của anh về rừng nguyên thủy và rừng nhiệt đới, anh có thể nói gì hơn nữa với người bạn ấy của vợ anh?

Ra về, anh còn gặp lại đôi vợ chồng trẻ một lần nữa, bắt tay họ và nhắc lại lời mời họ đến thăm vợ chồng anh. Ngoài sân, mấy chú bé mặc áo len sặc sỡ đang xúm nhau, mãi mê đốt pháo. Một tốp thanh niên đứng dưới gốc cây bàng đang nói cười ầm ĩ. Qua chỗ họ, anh thoáng nghe câu nói một người nào đó:

- Tớ thì tớ chả tin… Mỗi lần nghe tiếng pháo cưới, tớ lại nói với vợ tớ: Thế là thêm một thằng ngốc, hoặc là một cô nàng ngốc nghếch, bị lừa…

Những tiếng sau cùng bị chìm đi trong tiếng cười râm ran, tiếng pháo. Anh dừng bước quay lại nhìn, nhưng không thể nhận ra người vừa nói đó trong đám đông bạn bè lố nhố của anh ta.

***

Anh đi ngủ đêm ấy, lòng nhẹ nhõm như vừa trút đi được một gánh nặng. Để bù lại gần trọn một ngày mất đi vào chuyện hiếu hỷ, anh đã ngồi vào bàn ngay sau khi ăn cơm xong và viết một mạch cho đến quá nửa đêm, xong đoạn cuối bài thảo luận nó đã đeo đẳng, dày vò tâm trí anh từ mấy tháng nay. Ngày mai anh sẽ đưa nhờ đánh máy, gởi một bản cho Tạp chí Khoa học và một bản cho Viện trưởng. Chẳng biết lần này, cái công trình này của anh có lọt được vào mắt ông hay chỉ là một cái cớ để ông thêm định kiến với cái mà ông gọi là “những luận điểm thiếu cơ sở thực tế” trong tất cả các bài nghiên cứu của anh từ trước đến nay. Nhưng nghĩ đến ông ấy để làm gì? Có trời mà biết được, ngoài những bài diễn văn du dương của ông ấy ra thì ông ấy còn muốn tìm kiếm những gì ở cái Viện nghiên cứu này!

Như thường lệ, anh lật cuốn tiểu thuyết để sẵn ở đầu giường nhưng không hiểu sao, câu chuyện trong cuốn sách không còn lôi cuốn anh nữa. Những ý nghĩ lan man, cứ chợp chờn trong đầu anh. Dẫu sao, anh nghĩ thế, anh đã trải qua một ngày không phải là vô ích. Cái khảo luận của anh chắc chắn sẽ có ích cho những người làm nghề rừng và nông nghiệp. Những giống cây hạ đẳng nhiệt đới chưa được mấy ai chú ý đến, nhưng nếu biết khai thác, biết nhân giống chúng bằng cách cải tạo môi trường trên những vùng đất bạc màu thì đó sẽ là một nguồn của cải vô tận cho đất nước. Và anh sẽ là người đầu tiên dám nêu lên cái ý táo bạo ấy.

Nhưng trong ngày hôm nay, hình như đó không phải là cái điều làm anh thấy nao nức, khó ngủ. Rừng sẽ chỉ là một quần thể vô nghĩa các loài thảo mộc và ngay đến biển cả cũng chỉ là một vũng nước lớn vô vị nếu như ở đó không có những gì liên quan đến con người. “Thế giới thực vật cũng là một thế giới có linh hồn”, chính anh đã từng nói như thế hay đó chỉ là một điều tưởng tượng của chị giáo viên? Hôm nay, anh đã đưa tiễn một con người có quá khứ vẻ vang đến nơi yên nghỉ cuối cùng và chúc mừng một người mẹ dẫn dắt con mình vào ngưỡng cửa của hạnh phúc. Đó đâu phải là những chuyện bình thường không có liên quan gì đến bất cứ một ai. Tội nghiệp cho ông thủ trưởng của anh, con người bao giờ cũng có cái vẻ lầm lì cô độc. Và anh chàng thanh niên đùa tếu kia nữa; anh ta sẽ được gì khi riễu cợt niềm vui của mọi người.

Anh tắt đèn, nhắm mắt lại. Như bước đi thầm kín của mùa đông, tiếng gió mùa đêm nay lại đã nghe rì rào dọc chân tường, phía bên ngoài. Anh cố nhớ lại giấc mơ tối hôm qua nhưng từng mẫu hình ảnh cứ nhòa đi, tan loãng trong bóng tối. Đêm nay, chắc chắn là có một giấc chiêm bao khác sẽ đến với anh. Nhưng anh không muốn nối lại giấc mơ hôm qua nữa. Chẳng bao giờ lại thế. Chẳng ai lại muốn sống hai lần một cuộc đời y nguyên như cũ, dẫu là trong một giấc chiêm bao đẹp đến thế nào chăng nữa.

Tháng 12-83
Tháng 2-84

H.P.
(16/12-85)






Các bài mới
Nguyễn Du, 1813 (18/07/2011)
Các bài đã đăng
Gặp bạn cũ (13/06/2011)
Bàn tay Chúa (06/06/2011)