Tạp chí Sông Hương - Số 269 (tháng 7)
Ngày cuối cùng của một diễn viên hài
15:19 | 01/08/2011

HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

Mười bốn giờ bốn mươi lăm phút và tôi, một diễn viên hài, đã thật sự toát mồ hôi lạnh. Sự mệt mỏi đến lả người của tôi khiến chiếc gương soi trong tủ đứng phải bỗng dưng chao đảo vì kinh ngạc. Tôi nhìn chiếc đồng hồ vô giác rồi nhìn chiếc gương và bỗng thấy mình đáng buồn cười ghê gớm. Và tôi phá ra cười.

Ngày cuối cùng của một diễn viên hài
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Ảnh: internet
Tôi hiểu là buổi công diễn để thêm một lần đăng quang cho ngôi vị vua hài của tôi sắp đến, khán giả sẽ không khác hơn, là nổ những tràng cười rất đỗi cuồng nộ muôn ngàn năm không thể khác hơn được nữa của họ. Có một cái chong chóng màu xanh xám xoay tít vào ở đâu đó trong tôi. Tôi rời khỏi chiếc giường bằng những bước chân nặng của mái đầu buồn bã. Tôi hiểu là mình đang chợt cô đơn ghê gớm.

Tôi hai mươi sáu tuổi và có nhiều năm làm trò cười trên cõi thế gian này, trong vai một tha nhân lố bịch, một tha nhân khôi hài, một tha nhân đầy những mâu thuẫn với những khoái cảm tội nghiệp. Tất cả cốt chỉ để cho những tràng cười có thể bung ra, có thể quằn quại, có thể nhức nhối, có thể khùng khục hợm đời, ngạo nghễ chua chát và đắng ngắt... Dẫu sao thì người ta cũng đã từng cười trước mặt tôi như để trút khỏi người họ một đống rác chất chứa cả vũ trụ của họ. Ở một sân bãi vùng thôn quê hẻo lánh hiu hắt nào đó - nơi vắng bóng triết thuyết quý tộc siêu ngôn ngữ để thay vào đó là một bề dày ca dao đang bị phân hóa một cách tội nghiệp bởi đám trẻ thích cười - đầy cỏ, đầy muỗi và đầy tiếng ếch nhái..., thường cũng đông nghịt người và đầy tiếng cười khi tôi đến. Ở một rạp hát nóng nảy và những hàng ghế đã rũ ra có thể vì biết cười, có thể người ta ham cười mà quên nó, những đôi chân xàng xê lịch sự và bất lịch sự dẫm lên những niềm khoái cảm hoang tưởng nào đó đã đưa họ đến... cũng không khác hơn, tất cả có thể ngoác quai hàm cổ đại ra mà cười.

Và thường trong cái nheo mắt hay nhăn mặt để cù khán giả, tôi nhìn qua con mắt mở tỉnh rụi, lạnh lùng quan sát, vẫn thấy có những bàn tay đục nước béo cò để quơ lấy những cảm giác nóng hổi, mà chúng bao giờ cũng đủ lý do về triết thuyết một cuộc đời bảo đảm để chúng có thể làm như vậy; cũng có những quai hàm ngoác ra vô lối hơn, đắc thắng một cách hiểm độc hay quặn lòng mà lẽ ra nên thế hoặc không nên thế. Dẫu sao đi nữa và dù sao đi nữa, không biết tự bao giờ tôi đã trở thành Người-điều-khiển-tiếng-cười-của-thế-gian.

Ở một góc ruộng, bờ ao, bụi tre la ngà hay trong quán cà phê đèn mờ hay trên một chiếc xe siêu tốc độ..., người ta đã nói về tôi như vậy, chắc chắn là như vậy. Thật ra thì tôi không danh tánh, không tên tuổi, tôi là một diễn viên hài của đoàn kịch cổ động. Nhưng ơn trên, tôi có khiếu bắt ai cười là người đó phải bò ra dưới chân tôi mà cười. Duy có một điều không ai biết, và cũng chẳng có một tín đồ nào có thể biết về một khiếm khuyết của ông thánh của mình, là tôi chẳng thể cười trước một ai cả, không ai có thể làm cho tôi cười được, và điều tôi chợt nhận ra là cái điều đang vô lý một cách đáng sợ ấy không hiểu nó sẽ đi đến đâu. Và sẽ đi đến đâu nhỉ nếu như bạn không có khả năng làm người khác bật cười, ít ra là một khi người đó đã từng làm cho bạn phải phải bò lê lết ra mà cười? Ồ, tôi chả trách bạn được đâu, bởi như thế bạn chính là bạn. Và tôi chính là tôi, với một nỗi buồn nặng trĩu và không một ai có thể làm trò cho tôi cười được.

Mười giờ năm mươi phút, tôi đã là một thanh niên lịch sự và còn đủ mười phút để phóng xe về gặp người ấy. Hôm qua, một lá thư báo cho tôi biết: “Hãy đến với cô ấy ở Sa-mạc-tiếng-khóc”. Tôi hiểu Sa-mạc-tiếng-khóc nằm ở đâu rồi. Nó nằm ở nơi mà mười năm sau ngày ấy, tôi phải đến.

Chiếc xe của tôi chạy bằng xác ruồi. Những khán giả hâm mộ độc đáo của tôi sau những giờ phút điên cuồng đã tạo nên nó với rất nhiều lý do bảo đảm cho họ phải làm ra nó-để dành cho Người-điều-khiển-tiếng-cười-của-thế-gian, để cho không có thứ vo ve nhớp nhúa nào của lũ bu hại ấy, để cho các nhà văn từng chắc lưỡi: “Giá như thế giới không có ruồi” có thể viết những trang sách mà loài người khi đọc nó phải biết khóc thương đòi chân lý trên trái đất này... Tôi hy vọng sẽ không đến trễ, với một sự thanh sạch mà bất kỳ một cô gái mới lớn nào trên thế gian này, cả những cô gái ở ngoài thế gian, trên những thế gian cao vòi vọi và huyễn hoặc bí ẩn của đĩa bay, cũng phải mong muốn.



Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Nhưng người ấy không phải là một cô gái mới lớn, nàng là một cô gái có hai mươi sáu nụ hoa nở. Ngày ấy, tôi là một thằng con trai mười sáu tuổi nửa người nửa ngợm và đã có thể cù vang tiếng cười trong trẻo của nàng. Tiếng cười mà các loài hoa trên thế gian này, mỗi lần nghe cũng phải mỉm cười theo, nở ra muôn ngàn hương sắc để phụ họa. Ngày ấy, nàng yêu màu hồng của tâm hồn non nớt và trinh trắng như cơ thể trăng rằm mười sáu của nàng, và yêu luôn cả thằng ngợm của tôi nữa. Đến mức mà bây giờ, sau mười năm bồng bột của tuổi trẻ, tôi vẫn tin chắc rằng nàng hãy còn nhớ tôi. Và hẳn trong một giấc mơ đẹp hồng hoang nào đó của tuổi đời nàng, nàng đã mường tượng ra tôi đang dắt dũ tiếng cười từ cõi cô đơn nào đó vẳng lại và đến trên làn môi của nàng.

Tôi dừng xe ở trước ngưỡng cửa của Sa-mạc-tiếng-khóc lúc ấy đang ngập tràn một thứ nắng vàng siêu thoát. Và ngay lập tức, không hiểu vì một lý do nào đó, chiếc xe của tôi bốc khói và tan biến một cách kỳ ảo. Không kịp cho tôi hết bàng hoàng, một con khỉ đi đến chỗ tôi, nó vừa nhún nhảy rất vui vẻ vừa đòi giấy thông hành. Tôi nhăn mặt tỏ ý không thể vô lý đến như vậy vừa đưa lá thư ra. Nhưng thật không ngờ, nó chưa kịp cầm lá thư để xem xét như trách nhiệm nó phải làm thế, thì nó đã ngồi xuống, ôm bụng quằn quại và cười đến chảy nước mắt, nước mắt nhỏ thành dòng. Tôi bỗng hiểu là mình vừa làm một động tác gây cười mà những con vật kia thì chưa đủ trình độ để có thể như người, là cười thôi, chứ đừng khóc. Những giọt nước mắt của con khỉ đọng thành vũng và phút chốc, vũng nước ấy có thể ngăn cách tôi và nó đến mức, khi nó cố gắng gượng đuổi theo tôi thì tôi đã đi quá xa rồi.

Chiếc đồng hồ khẽ nhắc cho tôi là chỉ còn năm phút nữa. Tôi chạy hộc tốc giữa sa mạc có thứ nắng vàng mà chưa bao giờ được biết. Sự mệt mỏi và những cảm xúc vô định tính làm biến dạng khuôn mặt mà các cơ sở trên đó đã từng được chế bản một cách điêu luyện, một cách thực vô tình. Như thể khuôn mặt tôi đã trở thành âm vang siêu phàm của chiếc sáo thần cổ tích. Mặt đất dưới chân tôi bỗng rạn vỡ tiếng cười của nó và nước từ sâu thẳm cũng trào lên mà cười. Chúng cười sùng sục và tỏa một thứ hơi nước có sức nóng dữ dội. Tôi hiểu là tôi đang trở nên quá sức một cách vô tình và đầy vô lý để đi vào một cõi đáng ghê sợ và đầy hài hước bi thảm. Có một cái gì đó thật huyền bí đang chờ đón tôi, như thể tôi đã yêu một cái gì thật mù quáng và phải vượt qua tất cả để xác tính cái tình cảm chỉ có duy nhất một lần chịu đựng để thể hiện.

Có tiếng hú từ trong xa lắc của ốc đảo sa mạc xanh. Nghĩa là tôi đã gần đến được với nàng. Tôi cảm thấy tôi chạy theo một sức hút bồng bềnh nào đó lấp đầy tiếng đồng vọng mà cổ xưa tôi có thể nghe được. Khi đặt chân đến gốc cọ đầu tiên ở bìa rừng, một lũ rắn lục xanh bỗng há hốc mồm nhìn tôi và chúng cười tung tóe nọc. Còn ở trong xa kia, tiếng gào khóc của sinh vật âm vang như một thế giới huyền thoại chưa bao giờ được kể. Tôi không hiểu vì sao trước đó, mình đã không đặt một dấu hỏi tại sao nàng lại sống ở đây, nàng làm gì ở đây vậy?

Một trận mưa nhỏ của cây cọ rung ngân và qua một màn không khí mờ ảo và trong trẻo, tôi nhìn thấy nàng. Nàng đang ngồi với một trăm sợi tơ nhện nối cả khu rừng vào tai và đôi bàn tay đặt lên những cuốn sách đỏ ghi tên các loài sinh vật. Nàng ngồi như một pho tượng với tư thế của người thiền. Tôi sửng sốt nhìn vào tựa đề cuốn sách và hiểu ra nàng đã làm gì trong suốt mười năm qua: Người-nghiên-cứu-tiếng-khóc-của-sinh-vật, để soi rọi dưới học thuyết tiến hóa có phải không? Nàng mặc chiếc áo xanh thay cho chiếc áo hồng của nhiều năm trước. Màu của lạc quan hơn trong ý niệm con người.

Tôi đến gần nàng nhưng một từ trường khiêm nhường nào đó khiến tôi không thể đặt tay lên đôi vai bất động ấy được. Tôi hiểu là phải đánh thức nàng Bạch Tuyết này như hoàng tử ngày xưa trong cổ tích. Tôi quỳ gối khẩn cầu cho mười năm xa nhau có mười lần vấp rễ cây để đem đến sự hồi sinh hiện hữu của nàng, dẫu chỉ trong phút chốc.

Và nàng hồi sinh, nàng quay lại mở mắt nhìn tôi, trong một thế giới biến thiên về cõi nào đó, lập tức tôi trở nên nhỏ dần và mất hút về một cực nào đó trong vũ trụ muôn hình vạn thể. Ngay lập tức, khu rừng im lặng và cũng ngay sau đó, điều kinh hoàng đã xảy ra, hầu như cùng một lúc, tiếng cười của lũ súc vật trỗi dậy. Như một phản xạ vô điều kiện, những dòng chữ chi chít của nàng trong tập bản thảo nghiên cứu tiếng khóc sinh vật bỗng biến mất. Nàng nhặt vội tờ giấy, nhìn những dòng chữ lần lượt biến vào cõi vô vọng rồi nhìn tôi, cái nhìn đủ mọi cảm xúc của ái, ố, hỉ, nộ; của tình yêu vô bờ bến mà mười năm qua để dồn lại trong ánh mắt ấy, trong giây phút ấy, trong hoàn cảnh nghiệt ngã như vậy. Nàng khuỵu xuống một cách rã rời và tuyệt vọng. Không hiểu sao lúc ấy tôi vẫn có thể chờ đợi một đôi chân của Akikô lê thật nhanh đến phía tôi, như bất kỳ một phụ nữ người Nhật nào, những người đã sinh ra những trang võ sĩ đạo, để chứng thực tình yêu, đặt một dấu chấm cho câu cuối của trang tình sử này. Nhưng nàng vẫn bất động. Tôi quỳ xuống bên nàng. Khi nụ hôn vừa chạm đến cõi khẩn cầu, đôi môi chúng tôi chợt bị một tấm kính rất mỏng xé hai chúng tôi ra. Và trong một sát-na vụt cháy, bỗng nhiên lần lượt tất cả những tờ giấy bay xuống, hóa thạch, phủ kín lên nàng và tất cả biến mất, cả ốc đảo, cả khu rừng...

Khi tôi quay trở lại, một gã đười ươi ngặt nghẽo không hiểu có phải để dành cho tôi phút cuối không chợt vồ lấy tôi mà cười. Lẽ ra, nó nên từ bỏ một nhiễm sắc thể để hóa thành người, để có thể được cười theo ý tôi điều khiển. Tôi cố gắng vùng vẫy, nhưng không thể làm bất kỳ một điều gì khác. Và tôi hiểu từ đó, tôi sẽ cười cho đến chết, không một ai có thể biết đến, và không một lời trối trăn nào để lại.

H.Đ.T.N
(269/07-11)






 






 

Các bài mới
Gloomy sunday... (12/08/2011)
Các bài đã đăng
Huyền thoại K4 (26/07/2011)