Tạp chí Sông Hương - Số 269 (tháng 7)
Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, Azit Nêxin, đối sánh với truyện cười dân gian Việt
09:28 | 16/08/2011
TRIỀU NGUYÊN 1. Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan được một số nhà nghiên cứu xếp vào loại truyện ngắn hài hay truyện ngắn trào phúng.
Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, Azit Nêxin, đối sánh với truyện cười dân gian Việt
Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Nguyễn Công Hoan viết về cách dựng truyện của mình: “Viết truyện không khác gì đánh cá bằng lờ ở chỗ nước chảy. Người đánh cá cắm đăng, chăng lưới, rồi gõ lạch cạch. Tất cả những việc ấy đều quy vào một mục đích là lừa cá, cho nó chui tọt qua cái hom. Thế thì trong việc viết tiểu thuyết, cách cắm đăng chăng lưới là cách trình bày chi tiết, tiếng gõ là câu văn để dẫn tư tưởng của độc giả. Tất cả những cái ấy có mục đích là hướng độc giả vào một ý mà tác giả định nói. Ý ấy là chủ đề câu chuyện, bao giờ tôi cũng gửi vào câu kết. Câu kết truyện của tôi là cái lờ. Nó thường làm cho độc giả đột ngột, cũng như đến chỗ hẹp, nước chảy mạnh, thì cá bất thình lình bị đẩy tuột vào hom”(1).

Không kể đến việc là cây bút nổi tiếng thế giới, Azit Nêxin là nhà văn hài có tác phẩm được dịch sang tiếng Việt nhiều nhất từ sau 1975(2). Do ảnh hưởng quan trọng đến người đọc nước ta như vậy và do sau truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, văn đàn nước ta gần như vắng bóng loại truyện hài, nên việc xuất hiện của truyện Azit Nêxin có thể coi như một sự bù đắp. Đó là lí do của việc chọn truyện ngắn của tác giả này để cùng xem xét ở đây.

Việc nghiên cứu về truyện ngắn của hai cây bút hài này đã được nhiều người quan tâm (thí dụ, với riêng Nguyễn Công Hoan: Lê Thị Đức Hạnh, Tìm hiểu truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, Nxb Khoa học xã hội, 1979; Trần Đình Sử, Nguyễn Thanh Tú, Thi pháp truyện ngắn trào phúng Nguyễn Công Hoan, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2001;...). Ở đây, để góp phần tìm hiểu về văn học dân gian, chúng tôi chỉ làm phần việc so sánh tiếng cười từ truyện ngắn của hai nhà văn vừa nêu với truyện cười dân gian Việt.

2.

Thử tóm lược, nêu đoạn kết truyện, và tìm hiểu lối kết cấu(3) ở một số truyện của Nguyễn Công Hoan.

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Nhà văn Nguyễn Công Hoan - Ảnh: internet

+ Truyện “Mất cái ví” (viết năm 1933), kể việc ông Tham mất cái ví đựng bốn mươi đồng bạc. Ông làm dữ quá khiến bọn thằng xe, thằng bếp, con vú sợ xanh mắt, chúng thề thốt, đỗ lỗi cho nhau, tất cả rối tung lên. Ông Tham tra khảo từng kẻ ăn người ở trong nhà, và nói gần nói xa, nói cạnh nói khóe đến ông cậu ruột của ông ta ở quê ra Hà Nội thăm vợ chồng ông. Ông cụ tức giận tự tuột áo khám mình, mắng mỏ thằng cháu đểu cáng, rồi cắp ô đi thẳng.

Đoạn kết truyện:

“Một lát, bà Tham ra dáng ân hận, gắt với chồng:

- Chỉ tại cậu lơ đễnh, đánh mất ví tiền, nên mới sinh ra lắm cái rắc rối.

Ông Tham ung dung tủm tỉm đáp:

- Thì đã làm sao?

- Thế sao cậu lại ngờ cho ông làm vậy?

- Tôi vờ thế chứ ví đây này, có mất đếch đâu!

Vừa nói, ông móc trong túi quần, quẳng cái ví đánh bẹt xuống mặt phản. Bà Tham trố mắt nhìn chồng:

- Rõ khéo nhỉ, thế có phải là ông giận không?

- Mợ không hiểu. Tôi chỉ cốt làm thế để bận sau ông đừng ra chơi nữa. Tốn kém lắm!...”.

Kết cấu: Nhân vật chính dựng lên một sự cố giả nhằm gây hại đến người thân của mình, nhưng bên ngoài vẫn tỏ ra quý trọng, thương yêu người ấy để đánh lừa mọi người. Người thân nọ bị loại trừ theo đúng dự định, và nhân vật chính cũng tự phơi bày bộ mặt trơ tráo, bất nghĩa của y.   

+ Truyện “Tôi cũng không hiểu tại làm sao
(I)” (viết năm 1937), kể công việc bàn giấy của mấy ông tham, ông phán ở một công sở, trong đó có Sinh và Nghĩa, một đôi bạn thân. Bấy giờ sếp đến muộn, mọi người thư giãn, Nghĩa sai loong toong đi mua bánh tây về ăn. Anh ta vừa thong thả nhai, vừa vờ cầm bút như đang bận việc, thì sếp đột ngột xuất hiện, mặt hầm hầm, hỏi “Ông đang ăn gì?”. Nghĩa chối không ăn gì. Sếp bảo anh ta há mồm ra xem. Nghĩa đã há mồm để sếp nhìn miếng bánh còn chưa nuốt kịp, và bị ông ta khinh bỉ.

Đoạn kết truyện:

“Khi ra cổng, đến ngoài phố, Sinh thở dài, trách:

- Gớm, ban nãy anh quá lắm. Anh đã ăn thì anh chối làm gì? Nó giết được anh hay sao!

Nghĩa cười không đáp. Sinh tiếp:

- Rồi đến khi nó bắt anh há mồm, sao anh không nhận là có ăn, lại cứ há ra? Tôi thấy ê chệ quá! Nào cái mồm há ra có đẹp đẽ gì, nhất là trong đó lại có miếng bánh tây to, nhoét những nước dãi. Tôi trông thương tâm quá!

Nghĩa thở dài. Sinh nhăn nhó:

- Thì giá anh không há đã làm sao? Mà tôi không hiểu anh nghĩ thế nào anh lại há mồm ra cho nó xem thế?

Nghĩa cảm động, long lanh nhìn bạn như chợt hiểu cái phút đê tiện. Rồi hai dòng nước mắt chảy ra, anh run run, đáp:

- Ừ nhỉ, thật tôi cũng không hiểu tại làm sao tôi lại há ra như thế!”.      

Kết cấu: Nhân vật bị đặt trong một tình huống căng thẳng: bị kẻ trên bắt nạt. Anh/chị ta đã ứng xử theo lối chịu luồn cúi, nhịn nhục để vượt qua, và thừa nhận sự hèn kém, đê tiện của mình.

+ Truyện “Thịt người chết” (viết năm 1938), kể việc anh Xích do quá chén mà bị chết đuối vào đêm thứ bảy. Cha mẹ, bà con, xóm giềng khóc lóc, thương tiếc, nhưng không vớt xác lên chôn được mà phải chờ quan huyện tư pháp đến khám nghiệm tử thi. Ngày chủ nhật quan không làm việc, cái xác bắt đầu trương lên, làm mồi cho cá, quạ, ruồi nhặng,... Chín giờ ngày thứ hai quan mới đến. Để vòi tiền cha mẹ Xích, quan bảo đây là vụ án bức tử, phải bẩm tỉnh xin đốc tờ về mổ xác mới ra lẽ. Đau xót trước cảnh con chết đang nằm thối rữa dưới nước, cha Xích đành chấp nhận tạ ơn quan bảy mươi đồng, để được vớt lên chôn.

Đoạn kết truyện:

“Và một giờ sau, lũ ruồi, lũ nhặng, lũ cá, lũ quạ, tiếc ngẩn ngơ. Chúng có biết đâu rằng quan huyện tư pháp đã tranh mất món mồi ngon của chúng”.

Kết cấu: Từ một vụ chết đuối bình thường, quan tư pháp huyện biến thành vụ giết người, bảo sẽ báo lên tỉnh để đốc tờ về mổ banh xác nhằm tìm thủ phạm (một thủ đoạn đòi tiền). Không đành lòng để xác con nằm dưới nước lâu ngày và phải chịu mổ xẻ, người bố phải chấp nhận bỏ tiền ra hối lộ quan, để được đem chôn.

* Nhận xét, đối sánh với truyện cười dân gian Việt:

Có thể thấy rằng các kết cấu vừa nêu không gây cười. Đoạn kết truyện đầu tạo nên một sự bất ngờ; đoạn kết truyện thứ hai nhấn mạnh chi tiết chính theo cách lặp lại để bàn sâu về nó; đoạn kết truyện cuối là lối vật hóa quan huyện tư pháp, kẻ ăn thịt người chết đuối, như lũ cá, lũ quạ, lũ ruồi nhặng. Các đoạn kết này đều nhằm mục đích thể hiện chủ đề của truyện (đúng như tác giả tự nhận xét). Chúng tạo ấn tượng mạnh trong lòng người đọc, nhưng không gây cười.

Tiếng cười từ truyện ngắn Nguyễn Công Hoan không xuất phát từ kết cấu. Tiếng cười thường nảy sinh từ các chi tiết, tình tiết đơn lẻ hoặc sự kết hợp giữa chúng. Chẳng hạn, lời nói trước khi giận dữ bỏ đi của người cậu ông tham (trong “Mất cái ví”): “Thôi tôi xin quan ông quan bà đừng nói khéo. Đồ đểu! Tao thề rằng từ nay tao không họ hàng gì với vợ chồng nhà mày nữa!” (đổi lối xưng gọi ở ngôi thứ nhất, từ “tôi” sang “tao”, ở ngôi thứ hai, từ “quan ông quan bà” sang “vợ chồng nhà mày”; đổi cách đánh giá đối tượng, từ “nói khéo” sang “đểu” – những sự thay đổi lớn này được thực hiện trong một lời nói ngắn, tạo nên sự bất ngờ thú vị, và có khả năng gây cười). Hoặc lời của người kể chuyện (trong “Thịt người chết”): “Vì mới chết lần này là lần đầu, nên anh Xích chưa có lịch duyệt về khoản ấy. Thực vậy, nếu chết ở tỉnh, thì ai láu nên chọn vào đêm thứ sáu. Như thế, vợ con có vừa vặn thì giờ để cáo phó lên báo. Và đến chủ nhật cất đám, có đủ các cụ, các quan, các ông, các bà, thân bằng cố hữu đi đưa đông. Ở nhà quê, nếu chết vì tai nạn, người khôn ngoan bao giờ cũng tránh ngày chủ nhật hoặc ngày lẻ, thì sự khám xét, tống táng mới mong chóng được. Nhưng khốn nỗi, xưa nay, không ai chết đến lần thứ hai để được bài học kinh nghiệm về cách chết. Vì vậy, vẫn có nhiều người chết một cách ngờ nghệch. Nhất là anh Xích, một anh dân quê vô học, nên càng ngu dại nữa. Anh đã vô lí mà chết đuối vào đêm thứ bảy vừa rồi” (lối lập luận gây cười).

So sánh chúng với các truyện cười người Việt sau (hai mẩu đầu thuộc truyện cười dân gian truyền thống [4], hai mẩu sau thuộc truyện cười dân gian hiện đại [3](3)):

(1) KHUYẾN GIÁO

Một người chỉ đi khuyến giáo giả, nói những là tô tượng, đúc chuông, làm cầu, làm quán, nhưng kì thật được đồng nào lẻm vào mồm hết.

Lúc chết xuống âm ti, Diêm Vương giận lắm, bắt đem đày vào ngục tối. Anh ta vừa bước vào cửa ngục, đã bảo những người bị giam rằng:

- Các bác ở đây, tối thế này mà cũng chịu được à? Để tôi đi khuyến giáo, mỗi bác cúng cho ít nhiều, tôi sẽ thuê người mở một cái cửa sổ thật to thông lên trời, cho nó sáng ra chứ! [4, 135]

(2) MAY KHÔNG ĐI GIÀY

Có ông tính hà tiện, một hôm đi chân không ra chợ; giữa đường vấp phải hòn đá, ngón chân chảy máu ròng ròng. Thế mà ông ta không phàn nàn gì, lại còn nói:

- May cho mình thật!

Có người qua đường lấy làm lạ, hỏi:

- Ông vấp toạc chân, máu chảy ra như thế, mà còn bảo may là thế nào?

- Anh không rõ. May là vì tôi không đi giày! Chớ mà đi giày thì rách mất mũi giày rồi còn gì! [4, 79]

(3) THÓI QUEN NGHỀ NGHIỆP

Một chị đi tiếp thị quảng cáo bán trứng gà và trứng vịt. Người mua hỏi chị:

- Tại sao cũng là trứng, trứng gà nhỏ lại đắt hơn trứng vịt to?

Chị tiếp thị hàng trả lời:

- Con vịt đẻ xong thì im lặng đi kiếm mồi, còn con gà đẻ xong nhảy ra khỏi ổ là cục ta cục tác ầm cả lên, làm cho ai ai cũng biết. Gà mất công quảng cáo, tuyên truyền như vậy, nên giá thành mới đội lên cao. [3, 193]

(4) THA

Cô gái hỏi bạn:

- Cậu đã cho con bồ của chồng cậu một trận chưa?

- Dự định vậy, nhưng lúc gặp mặt nó tớ lại tha.

Cô gái lại hỏi:

- Chà, cậu nhân đạo quá nhỉ! Chắc giáp mặt lại thương hại nó chứ gì?

Cô bạn trả lời:

- Không phải thế! Lúc gặp hóa ra nó là vợ của bồ mình. Nó cũng đã tha cho mình một lần. [3, 67]

Có thể thấy những khác biệt khá rõ:

a) Dung lượng lời của truyện cười ngắn hơn truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan khoảng chục lần.

b) Kết cấu của truyện cười là kết cấu gây cười, kết cấu của truyện ngắn Nguyễn Công Hoan không gây cười. Chẳng hạn, với truyện cười, mỗi kết cấu là một tiếng cười. Truyện (1): Kẻ khuyến giáo giả bị đày vào ngục tối. Y vẫn giở trò khuyến giáo giả đối với các phạm nhân (đúng bản chất của mình), bằng một lời nói gây cười. Sở dĩ gây cười, vì đây là lời nói phù hợp với tính cách dối trá của nhân vật; đồng thời, do quen lừa dối, nhân vật quên mất điều mà ai cũng biết, là y không thể thực hiện một cái cửa như thế ở địa ngục. Truyện (2): Kẻ hà tiện không đi giày để bị vấp toạc chân. Y thốt lên lời than đúng với bản chất của mình, theo lối gây cười. Sở dĩ gây cười, vì lời nói phù hợp với tính cách quý của hơn thân của nhân vật; ngoài ra, lời nói ấy trái với lẽ thường: với người bình thường (không hà tiện) thì của để bảo vệ thân thể (“Có rế thì đỡ nóng tay; Có dép có giày thì đỡ đau chân” - tục ngữ), còn với kẻ hà tiện thì ngược lại. Truyện (4): Một ả đi đánh ghen, nhưng khi gặp tình địch thì lại tha. Sở dĩ ả tha vì kẻ tình địch kia chính là vợ người bồ của ả, và cô ta cũng từng tha cho ả một lần. Sở dĩ gây cười, vì sự bất ngờ oái oăm, và lối ngoại tình tréo hèo,...

c) Lời cuối của truyện cười có tác dụng tạo nên tiếng cười, lời (hay đoạn) kết của truyện ngắn Nguyễn Công Hoan nhằm thể hiện (theo lối nhấn mạnh) chủ đề, trên đại thể, không có tác dụng ấy. Như lời gây cười ở cuối truyện (3): “Con vịt đẻ xong thì im lặng đi kiếm mồi, còn con gà đẻ xong nhảy ra khỏi ổ là cục ta cục tác ầm cả lên, làm cho ai ai cũng biết. Gà mất công quảng cáo, tuyên truyền như vậy, nên giá thành mới đội lên cao”.  

3.

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Nhà văn Azit Nêxin - Ảnh: internet
Thử tóm lược, nêu đoạn kết truyện, và tìm hiểu lối kết cấu ở một số truyện của Azit Nêxin (qua ba truyện đầu trong Những người thích đùa [1]).

+ Truyện “Cái kính” kể về nhân vật “tôi” mong được đeo kính cho ra dáng trí thức, bỗng cảm thấy mắt hóa mờ, vậy là tìm đến các bác sĩ để khám. Một loạt những giáo sư, bác sĩ được đào tạo trong nước, ngoài nước khám mắt cho “tôi” và kê đơn cắt những cái kính khác nhau: cái cận thị, cái viễn thị, cái vừa cận vừa viễn, cái loạn thị,... Bởi đeo cái kính nào vào mắt cũng chập chờn hay tối mịt. Hôm nọ, đang mang cái kính mờ mờ ảo ảo (của vị danh y cuối cùng mà “tôi” đến nhờ chạy chữa), thì bước hụt một cái, ngã nhào xuống đất, cái kính văng xa. Khi được người ta đỡ dậy và nhặt kính đưa cho, “tôi” mang vào, thì ôi thôi, mọi cái đều trông rõ mồn một, sảng khoái vô cùng! Có ngờ đâu hai mắt của cái kính đã vỡ vụn, không còn dính vào gọng nữa.

Đoạn kết truyện:

“Tôi về nhà, lòng vô cùng sung sướng.

- Kính của anh sao thế kia? - Vợ tôi hỏi.

- Làm sao?

Tôi bỏ kính ra xem. Ngón tay thò qua được cả lỗ gọng! Té ra mắt kính đã bị vỡ rơi mất rồi mà tôi không biết”.

Kết cấu: Một hiện tượng tâm lí sai lệch (hay điều ngộ nhận) biến thành một trạng thái bệnh lí, khiến ngành y tế phải vào cuộc, và họ đã làm cho sự việc tồi tệ thêm. Bỗng một sự cố bất ngờ khiến trạng thái bệnh lí không còn, hiện tượng tâm lí sai lệch cũng theo đó mà biến mất.

+ Truyện “Quê ta vạn tuế!” kể việc ông Êmin lúc mười hai tuổi được bố đưa đến phòng hộ tịch làm giấy khai sinh để đi học thì bị từ chối, bởi sổ bộ ghi ông ta đã chết. Dù theo sổ này thì hết sức vô lí là ông ta sinh trước bố mình một năm, nhưng những người làm việc ở phòng hộ tịch vẫn tin vào quyển sổ, mà không tin vào bố con ông. Lúc ông lớn lên, người ta bắt ông vào quân dịch. Hết hạn trở về thì bố mất, đáng lẽ được hưởng gia tài của bố thì bị cho là đã chết. Ông nợ nần ngập cổ, nói lảm nhảm gì đó thì bị bỏ tù. Ra tù, muốn cưới vợ lại bị bảo đã chết, không lập giá thú được đành phải sống ngoại hôn. Để mở cơ sở làm ăn phải nhờ người khác đứng tên và bị người này cuỗm tiền chuồn mất. Túng quẫn đi ăn cắp, lại phải vào tù...

Đoạn kết truyện (là lời của một nhân vật):

“Cậu ạ - anh ta nói - trước pháp luật chúng ta không sống, nhưng dẫu chúng ta có sống phỏng đã ích gì? Cái chính là làm sao đất nước hùng cường phải không? Quê ta vạn tuế! Còn chúng ta, chúng ta không sống chăng, cũng được!”.

Kết cấu: Cơ quan công quyền máy móc, nghiệt ngã. Một công dân chịu tai họa bởi sự máy móc, nghiệt ngã ấy: quyền lợi thì không được hưởng mà nghĩa vụ thì bị buộc phải thi hành. Hệ quả là biến người công dân này thành đối tượng của nhà tù, người còn sống mà như đã chết, không có quyền làm người.

+ Truyện “Có nên làm bác sĩ không, con?”, kể việc sát hạch các bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp ở Đức, Mĩ về nước (đất nước đang rất cần bác sĩ). Viên bác sĩ già làm giám khảo, qua cuộc sát hạch, đã bộc bạch những mánh khóe xoáy túi bệnh nhân, những thủ đoạn để thăng tiến xã hội của nghề thầy thuốc. Đó là những điều mà các bác sĩ trẻ này chưa được trang bị, nên ông khuyên hãy trở lại nơi đã học. 

Đoạn kết truyện:

“- ... Tốt nhất là anh nên quay lại chỗ anh mới học bên Đức, bên Mĩ gì đó!

 - Cháu xin cám ơn, chúc bác khỏe!

- Anh cũng khỏe nhé, đừng có ốm đấy!”.

Kết cấu: Những người trẻ tuổi tu học ở các nước tiên tiến tốt nghiệp trở về, muốn đem tài năng mình có được ra thi thố ở quê hương. Họ gặp sự ngáng trở bởi những tập quán nghề nghiệp thiếu lành mạnh, bởi cái cơ chế tạo sự thành đạt không xuất phát từ tay nghề (đặc điểm của sự lạc hậu). Đó là những điều khó thể chấp nhận, nên để lập nghiệp, họ đành phải trở lại nơi đã đào tạo mình.

* Nhận xét, đối sánh với truyện cười dân gian Việt:

So sánh với truyện cười dân gian Việt, có những tương đồng và khác biệt đáng chú ý:

a) Dung lượng lời của truyện cười bé hơn truyện ngắn Azit Nêxin khoảng tám lần.

b) Kết cấu truyện ngắn Azit Nêxin là dạng phức thể của kết cấu truyện cười (loại truyện cười hiện đại) - nói cách khác, truyện ngắn Azit Nêxin có số lượng tình tiết nhiều hơn.

c) Lời (hay đoạn) kết ở truyện Azit Nêxin không nhằm nhấn mạnh chủ đề (như truyện ngắn Nguyễn Công Hoan) mà nhằm để gây cười (như truyện cười).                                  

4. Những trình bày trên cho phép rút ra nhận xét chung, là tiếng cười từ truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan và của Azit Nêxin khác với truyện cười, bởi sự chênh lệch rất lớn về dung lượng lời và về kết cấu. Trên đại thể, tiếng cười từ truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan nảy sinh bởi các chi tiết, tình tiết chứ không phải từ kết cấu. Tiếng cười từ truyện ngắn của Azit Nêxin tuy có gắn với kết cấu, nhưng đó là một kết cấu phức hợp của loại truyện cười hiện đại; trong lúc với truyện cười dân gian Việt, cả truyền thống và hiện đại, chỉ có kết cấu đơn giản.

Việc đối sánh tiếng cười từ truyện ngắn có gây cười của các nhà văn quen biết với truyện cười dân gian, qua trình bày trên, dù chỉ ở mức khái lược, cũng đã cho thấy đặc điểm để phân định mỗi bên. Kết quả ấy cho thấy sự đắc dụng của phương pháp so sánh trong nghiên cứu. 

T.N
(269/07-11)



-------------
(1) Nguyễn Công Hoan, Đời viết văn của tôi, Nxb Văn học, Hà Nội, 1971; tr 294.
(2) Con số chưa đầy đủ mà chúng tôi biết được về truyện của Azit Nêxin được dịch sang tiếng Việt, thì Thái Hà đã dịch và công bố sáu tập: Những người thích đùa; Tình yêu cuồng nhiệt; Chuyện đời trong quán rượu; Những người thích khóc; Chuyện tình đẫm lệ; Chát xinh! Chát chát buồn; Nguyễn Quốc Tâm đã dịch và công bố một tập: Vua bóng đá; Nguyễn Văn Trọng đã dịch và công bố một tập: Chuyện nọ xọ chuyện kia. 
(3) Kết cấu là cách tổ chức văn bản nghệ thuật theo một mối quan hệ thống nhất và hợp lẽ, nhằm phần nào cho thấy ý nghĩa của văn bản ấy. Với loại văn bản tự sự ngắn, kết cấu gần gũi với cốt truyện. 
(4) Tuy tên ở bìa của sách này là Truyện cười Việt Nam, nhưng trong “Cùng bạn đọc” giới thiệu tập sách, tác giả đã xác định đây là truyện cười dân gian Việt Nam hiện đại. Đọc kĩ thì thấy truyện cười truyền thống tương tự với [4] chỉ 16  truyện (3,4%).






Các bài mới
Các bài đã đăng
Gloomy sunday... (12/08/2011)