Tạp chí Sông Hương - Số 17 (T.2-1986)
Nữ sinh Đồng Khánh những năm bốn mươi
10:56 | 01/09/2011
NGUYỄN THỊ CẨM THẠNH                                Hồi ký Đoàn nữ sinh trường Đồng Khánh Huế chúng tôi, đồng phục áo dài màu xanh biển, sắp hàng đôi, rời mái trường ngói đỏ, tường hồng, đi dọc theo hè đường, sang trường Việt Anh dự buổi tổng duyệt vở kịch Trưng Trắc Trưng Nhị của nhà thơ Thanh Tịnh.
Nữ sinh Đồng Khánh những năm bốn mươi
Nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh khi còn trẻ - Ảnh: 60s.com.vn
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Chiều xế nắng trên hàng phượng mới đâm bông, bóng đêm nhanh chóng ập xuống. Con sông Hương trăng mờ, dịu dàng chảy qua cầu Tràng Tiền bảy nhịp, ẩn hiện dưới ánh đèn đường. Tôi nắm tay bạn bè đi vào sân trường Việt Anh, ngồi vào hàng ghế trước hiên. Sân khấu dựng ngoài trời. Con voi bành của hai Bà Trưng, màu vàng sáng, đứng đầu sân.

Suốt buổi xem diễn, tôi bồi hồi, xúc động. Chẳng phải vì có diễn viên nữ là bạn cùng trường Đồng Khánh với tôi (người đóng vai Trưng Nhị là chị Tuy, học dưới tôi một lớp, nay là vợ anh Hồng Chương), mà vì qua vở kịch tôi thấm tình cảnh của mình làm người dân nô lệ, mất nước.

Từ năm tôi lên mười, làn sóng của mặt trận bình dân lan đến, tại tỉnh nhỏ quê hương, cha tôi đã đưa về những tờ báo yêu nước (Quốc gia nhật báo) có nêu gương các chí sĩ cách mạng: cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Chu Trinh, cụ Nguyễn Thượng Hiền. Hiểu biết trẻ thơ của tôi như được mở ra một chân trời sáng và lạ.

Vở kịch diễn Trưng Trắc, Trưng Nhị như cơn lốc cuộn, thổi mạnh thêm những tình cảm yêu nước của lớp trẻ chúng tôi. “Việt Nam độc lập! Vạn, vạn tuế!” Tiếng hô của hai Bà Trưng vang dậy khắp sân khấu. Tất cả khán giả chúng tôi đồng thanh hô theo, vô cùng phấn khích.

***

Nhiều đêm thao thức trước cửa sổ tầng lầu nội trú, một số bạn bè chúng tôi trao đổi nỗi lòng khắc khoải: "Biết đến bao giờ nước Việt Nam mình mới được độc lập, tự do?" Chúng tôi tìm đến nhau, kết nghĩa với nhau thành một gia đình nhỏ. Chúng tôi tôn Trần Thị Phát làm "má", vì Phát lớn hơn chúng tôi vài ba tuổi, người đen dòn, chắc nịch, đôn hậu, đảm đang, săn sóc chúng tôi như một bà má thực sự. Còn chúng tôi, tùy theo năm tháng sinh, thu xếp với nhau chị cả, chị hai, chị ba và em út. Lê Thị Kinh, Phương Thảo, tôi và Ngọc hạt mít. (Hiện nay, các bạn này đều đã thành những cán bộ tốt của Đảng: Lê Thị Kinh, tức Phan Thị Minh, cháu ngoại cụ Phan Chu Trinh, chị ruột của Phan Tứ, đã làm đại sứ nước ta tại một số nước châu Âu; Phương Thảo là em gái anh Nguyễn Khắc Viện, hiện là ủy viên Ban thư ký Liên hiệp Phụ nữ Trung ương, Trần Thị Phát nguyên là chánh văn phòng Phụ nữ Giải phóng Liên khu 5 trong chống Mỹ cứu nước).

Quê Phát tận vùng Quế Sơn, Quảng Nam. Lúc đã tin cậy nhau, Phát kín đáo cho tôi biết Phát là em gái anh Trần Viện, chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật đang bị tù đày. Phát còn bí mật nhắc đến tên một số anh hoạt động cách mạng lỗi lạc, đang làm bọn thực dân khiếp sợ như anh Nguyễn Sắt Kim, anh Tố Hữu… Có những bài thơ không có tên tác giả, chúng tôi chuyền nhau chép tay. Đã bao lần, tôi ngâm nga cùng bạn bè những bài thơ giàu cảm xúc và hùng tráng: "Mã Chiếm Sơn", "Xuân bước nhẹ trên cành non lá mới", với lòng ngưỡng mộ không biết tác giả là ai (về sau, lúc cách mạng tháng Tám thành công, tôi mới được biết tác giả là anh Tố Hữu).

Tết năm ấy bước sang năm 1941 Phát về thăm quê, đem theo ra một tập báo chí bí mật. Chúng tôi mừng rỡ đón món quà quí. Chúng tôi hẹn nhau đến một phòng tắm. Ngoài cửa phòng tắm, chúng tôi vắt áo, vắt khăn làm như có người đang tắm. Im lặng và đàng hoàng, chúng tôi lần lượt đọc các báo chí bí mật. Có những danh từ mới lạ, trí óc non trẻ của chúng tôi bấy giờ chưa hiểu hết, nhưng những bồi hồi, xúc cảm động mãi tận chiều sâu đáy lòng chúng tôi không phai.

Lần nào về thăm quê, Phát cũng đem theo ra những phong bánh chà-lam, đặc sản. Phong bánh đặc nhân lạc, dày cứng như đá tảng đến nỗi chúng tôi chuyền tay nhau gậm nhấm mãi vị béo bùi, hằng bao nhiêu đêm không hết.

Lần ấy, tôi vừa gậm bánh, vừa tâm sự với Phát, thiết tha, khẩn khoản:

- Làm thế nào để chúng mình có thể giúp ích được tốt hơn, nhiều hơn nữa, Phát ơi!

***

- Chúng mình may áo dài nâu mặc đi! Vừa rẻ tiền, giản dị, vừa dễ gần gũi người cần lao.

 Phát đề ra, và tất thảy chúng tôi hưởng ứng.

- Chúng mình nên dành dụm tiền quà sáng, góp nhau ủng hộ Quỹ cứu quốc Quế Sơn - Phát bảo - các anh chị đang hoạt động vùng ấy, sống trong điều kiện bí mật, gian khổ lắm.

- Làm thế nào để tiền tiết kiệm của chúng mình đến tận nơi Quỹ cứu quốc được? - tôi hỏi.

- Được, má sẽ có cách.

Phát đáp, giọng vững vàng, chắc chắn. Tôi hoàn toàn tin cậy Phát.

Chủ nhật, chúng tôi kéo nhau ra chợ Đông Ba mua loại vải nâu non, nội hóa, rẻ tiền, may đồng loạt. Giữa đám bạn bè diện sang, nhóm "gia đình má Phát " chúng tôi giản dị bộ áo nâu sồng ngày chủ nhật, nhìn nhau mà thấy duyên dáng đáng yêu.

- Má Phát ơi - tôi bàn - nên vận động rộng thêm chị em trong lớp, tiết kiệm tiền ăn tiêu ủng hộ Quỹ, nhưng với số đông chị em, chúng mình không thể nói ủng hộ Quỹ cứu quốc, mà chỉ nên nói ủng hộ quỹ truyền bá quốc ngữ. Được không, má?

 Thảo, Kinh, tán thưởng. Phát, sau một giây suy nghĩ thận trọng, cũng gật đầu hưởng ứng.

Một đêm sáng trăng suông, trên cửa sổ tầng lầu nội trú, có bóng hàng phượng lay động tán lá dọc dãy tường hồng, "gia đình má Phát " chúng tôi lại quây quần, vừa gậm nhấm bánh chà-lam, vừa chụm đầu rà lại số bạn bè trong lớp, chọn ra những người có thể tin cậy.

Hình ảnh một bạn gái học sau tôi một lớp, da trắng hồng, chít khăn đại tang, giản dị, tươi tắn mà trầm tỉnh, lúc nào cũng xếp hàng đầu, tự tin, tiến vào lớp, làm tôi chú ý. Đó là Vũ Thị Thanh, học sinh giỏi của lớp. Nếu mở rộng hoạt động yêu nước sang các lớp khác, người đầu tiên tôi bắt mối sẽ là cô bạn gái tươi tắn và trầm tỉnh này. Nhưng bạn Trần Thị Phát căn dặn tôi: Vết dầu loang phải từ từ, quy tụ trong hai lớp học A và B của niên học mình đã. (Sau này, chị Vũ Thị Thanh hoạt động Phụ nữ cứu quốc Thanh Hóa, trở thành người bạn đời của anh Tố Hữu và công tác tại Ban Tuyên huấn) nhận trách nhiệm Phó ban Tuyên huấn Trung ương).

***

Thường sau mỗi buổi học, chúng tôi rốn lại, khuấy động phong trào vui nhộn, bàn việc góp tiền tiết kiệm ủng hộ "truyền bá quốc ngữ". Một số bạn hăng hái giúp quỹ "truyền bá quốc ngữ", bạn Phan Bội Hoàn, bạn Nguyệt Tuệ (nay là Nguyệt Tú nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ).

Chúng tôi không ưa một số bà giáo người Pháp. Khi gắt gỏng, họ hay buột ra những câu nói miệt thị. Cô Ru-ra cận thị, trong giờ lên lớp hay lấy mù-xoa lau quanh vành mi. Cô Vi-nô mắt xanh dữ dằn. Bà Xô-nhy béo mập, lúc nào cũng dán mắt vào các nhóm nữ sinh chúng tôi dọc hành lang, như một mụ mật thám muốn đánh hơi.

***

Mưa dầm nặng hạt. Qua cửa sổ lớp, trời đất một màu bàng bạc, lạnh giá. Dòng sông Hương lặng lẽ đục ngầu. Vài con thuyền gõ lanh canh thưa thớt về bến. Câu hò mái đẩy nghe như vẳng từ xa, xa lắm. Trước sân trường, những thân sấu, thân phượng ướt át, vây quanh cây cột cờ gầy. Lá cờ vàng sọc, nhầu nước mưa, gục xuống, ủ rũ như chịu tang. Ngồi trong lớp nhìn ra, tôi buồn rầu tự hỏi: "Cái cột cờ này còn chịu nhục đến bao lâu nữa?".

Trên bục giảng, cô giáo dạy văn Võ Thị Thể ngồi trông nom chúng tôi làm đề luận: "Em hãy tả ngọn kỳ đài trước sân trường". Nỗi lòng của tôi đối với đất nước nhập vào trang giấy. Tôi viết một mạch và nộp luôn cho cô giáo.

Buổi bình văn ấy, tôi được cô Thể cho điểm cao nhất, vượt xa các bạn năm điểm. Cô đem bài văn này ra đọc cho toàn hai lớp A và B. Ánh mắt cô nhìn tôi, chứa chan hiểu biết và thông cảm. Tôi nảy ra ý: chuyển báo chí bí mật cho cô Thể xem, gợi cô tinh thần yêu nước, phản đế, vận động cô góp tiền cùng học sinh ủng hộ Quỹ cứu quốc.

 Phát đồng tình cử tôi và Thảo đem tài liệu đến gặp cô Võ Thị Thể. Chiều chủ nhật tôi và Thảo đến nhà cô thể trong nội thành. Thảo vốn có nhà trong thành, thông thuộc đường sá, lại là người thông minh, mạnh dạn. Hai chúng tôi cùng cô giáo Thể đi dạo trong vườn hoa góc thành nội vắng vẻ. Những bông hoa leo nở vàng dọc lối đi. Cô giáo Thể vừa dạo bước, vừa thong thả xem báo bí mật, như đang xem một tài liệu giảng văn.

Ba hôm sau, hết giờ địa lý, cô rốn lại, trao tận tay tôi và Thảo số tiền ủng hộ Quỹ cứu quốc. Cô âu yếm bảo:

- Lúc nào cần, các em cứ tin cho cô biết. Nhưng phải hết sức cẩn thận đó, nghe!

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Nữ sinh Đồng Khánh Huế áo tím 1930 - Ảnh: skyscrapercity.com

***

Chúng tôi đã dành dụm, gom góp số tiền ủng hộ Quỹ cứu quốc thành một khoản tương đối khá.

- Làm sao chuyển số tiền này đến tận nơi Quỹ cứu quốc? - tôi hỏi.

 Phát thận trọng lắc đầu:

- Cứ cất giữ đấy, bao giờ tiện dịp, má liệu.

Một hôm, tôi đang ngồi tô bản đồ địa lý trong giờ học đêm, Phát đến bên tôi, bảo nhỏ:

- Các anh đã biết hoạt động của các con ở đây. Các anh đã chọn con, cử con đến gặp để nhận thêm nhiệm vụ.

- Bao giờ con được gặp các anh hở má?

Tôi mừng rỡ hỏi.

- Chiều mai, nhân ngày lễ phục sinh má cùng con đến Đà Nẵng gặp một anh. Con sẽ giao cho anh số tiền ủng hộ Quỹ cứu quốc Quế Sơn, anh sẽ giao thêm nhiệm vụ cho con.

Nói sao cho hết niềm hân hoan của tôi lúc bấy giờ! Chuyến tàu lửa tốc hành rời ga Huế buổi chiều hôm ấy đưa Phát và tôi vào Đà Nẵng. Con tàu qua hầm sen, đèo Hải Vân, vịnh Lăng Cô khúc khuỷu cát vàng và sóng nước xanh ngắt. Đất nước đẹp tuyệt vời càng làm cho tôi dạt dào cảm xúc. Tôi đem theo trong túi xách nhỏ tập báo bí mật đã cùng nhau đọc kỹ, để đổi những số báo mới, số tiền ủng hộ Quỹ cứu quốc và một bài thơ yêu nước mười sáu câu của bạn Phương Thảo làm, lấy đề tài: "Lý Thường Kiệt trên dòng sông Như Nguyệt", nhờ đăng trên báo bí mật.

Tàu sắp đến ga, Phát bảo tôi:

- Người gặp chúng mình hôm nay tên là anh Thường. Anh ấy hẹn đón chúng mình ở sân ga.

Ga Đà Nẵng to, dài trước tầm mắt tôi. Tiếng còi tàu vang lên như vẫy, như gọi. Tàu dừng. Niềm vui xen lẫn hồi hộp làm bước chân tôi ríu lại. Tôi đứng bên Phát, giữa sân ga, nhìn quanh. Phát cũng đưa mắt tìm kiếm. Mãi không thấy anh Thường, người Phát đã quen, đã hẹn.

Hành khách xuống tàu đã vãn. Sân ga không còn mấy người.

Tôi bỡ ngỡ theo Phát đi ra phía cửa ga. Có hai thanh niên mặc âu phục trắng đang đợi đón Phát. Tôi mừng rỡ đoán ai là anh Thường trong hai người này. Nhưng không, Phát lắc đầu nói nhỏ:

- Không phải anh Thường. Đây là anh họ của Phát và bạn của anh. Hai người đều làm giáo viên tại trường tư thục Chấn Thanh, Đà Nẵng.

Sau một hồi nghe người anh họ thì thầm, Phát quay sang bảo tôi:

- Giờ, chúng mình về trường Chấn Thanh ở nhờ đêm nay. Hai anh tạm đi nơi khác, nhường gian phòng phía sau trường cho chúng mình.

Đi một quãng, Phát buồn rầu rỉ tai tôi:

- Còn anh Thường, anh không thể đến gặp chúng mình được nữa. Anh bị bắt hôm trước rồi!

***

Gian phòng phía sau trường Chấn Thanh rộng trên mười thước, vừa kê một giường tre rộng, một bàn làm việc, vài chiếc ghế tựa vào một giá sách nhỏ.

Đêm ấy, tôi và Phát trằn trọc mãi không ngủ được. Tôi lo cho anh Thường và quý mến anh, người giao công việc cho tôi mà tôi chưa hề biết mặt. Tôi buồn tiếc cho chuyến đi không đạt tới đích.

- Anh Thường bị bắt rồi, ta càng phải thận trọng. Ta đốt hủy báo chí bí mật đi, không để một vết tích gì khả nghi trong người.

Tôi bàn với Phát. Hai chúng tôi đóng kín cửa, đọc lại những dòng chữ in thạch, nuối tiếc mãi trước khi bật diêm. Biết bao giờ tôi mới được đọc công khai những dòng chữ tâm huyết này! Tôi xốn xang đến trào nước mắt. Tôi đọc bài thơ của Phương Thảo "Lý Thường Kiệt trên dòng sông Như Nguyệt" để ghi nhớ vào lòng rồi cũng thận trọng cho bài thơ chép tay này vào ngọn lửa đỏ.

Như để giảm bớt không khí căng thẳng trong phòng, Phát mách tôi:

- Tại trường Chấn Thanh này, có nhà thơ Chế Lan Viên đang dạy văn.

Không ngờ lời Phát mách lại tăng thêm xúc động trong tôi. Lớp nữ sinh chúng tôi có chép tay những bài thơ của anh Chế Lan Viên. Những câu thơ não nùng dữ dội như than khóc chính bản thân dân tộc mình mất nước vang vọng trong tôi.

***

Sáng hôm sau, tôi rủ Phát đến thăm nhà thờ cụ Phan Chu Trinh. Trí óc non trẻ của tôi biết cụ qua những tờ Quốc gia Nhật báo, hồi còn ở tỉnh nhà với cha tôi. Tôi nghĩ rằng đã đến Đà Nẵng, nhất thiết tôi phải đến viếng nhà thờ cụ Phan Chu Trinh. Nhà thờ nhỏ, lợp ngói cổ, có hai hàng câu đối dọc theo hai cột gỗ trước bệ thờ. Chúng tôi đứng mặc niệm hồi lâu trước bệ, rồi nắm tay nhau ra về.

Đường Đà Nẵng đông nghịt người, xe như thế nào, phố xá Đà Nẵng sầm uất ra sao, tôi không thiết nhìn ngắm. Lòng tôi vẫn còn nặng trĩu nỗi buồn vì cái tin đột ngột của anh Thường. Tôi đến đây để gặp anh, trong một ngày hóa ra ngơ ngác, bơ vơ. Tôi không để ý đến hai tên lạ mặt đang theo sát chúng tôi, phía sau. Phát bảo nhỏ tôi:

- Mật thám theo rõi chúng mình đấy. Bình tĩnh nghe.

Tôi thoáng nhìn ra sau. Đúng có hai tên trẻ tuổi. Một đứa đeo kính râm, một đứa đội mũ cát. Chúng bám sát chúng tôi từ bao giờ? Có lẽ từ sau lúc chúng tôi ở nhà thờ cụ Phan Chu Trinh ra.

- Chúng mình chẳng có gì để chúng nghi cả - Tôi thầm bảo Phát.

Chúng tôi đi vòng quanh mấy dãy phố rồi trở về ngôi trường Chấn Thanh. Trường đang nghỉ lễ Phục Sinh, vắng vẻ. Không thấy bóng bọn chó săn đâu nữa, ngỡ yên. Nào ngờ, chúng tôi vừa bước vào phòng, hai tên lạ mặt ban nãy đã ập vào theo, đòi khám xét.

Tôi vờ ngơ ngác hỏi Phát:

- Sao có chuyện kỳ quá vậy, Phát? Nhân ngày lễ Phục Sinh, rủ nhau đi thăm Ngũ Hành sơn mà cũng khám xét à?

Chúng vặn hỏi. Tôi một mực nói: là bạn bè rủ nhau đi chơi thăm Ngũ Hành sơn, không biết gì.

Chúng nó xem căn cước tôi, khám túi xách tôi. Không có gì.

Chúng nó xem căn cước Phát, khám túi xách Phát. Cũng không có gì.

Tôi lấy dáng bình tĩnh, yên lặng ngồi lật dở mấy trang sách để trên bàn, lắng nghe chúng lục vấn Phát.

- Anh Trần Viện của chị bây giờ ở đâu?

Thì ra chúng nhận ra Phát. Phát đã bị chúng xét hỏi, không phải lần này là lần đầu.

- Anh Trần Viện đang bị giam giữ ở tận đâu, tôi làm sao biết được. Phát đáp.

- Chị có liên lạc gì với anh Trần Viện không?

- Tôi đang đi học, ở miết trong trường nội trú. Tôi không thể nào liên lạc với anh Viện được. Với lại, tôi đã nói là không biết anh tôi ở đâu.

Không có lý do gì để bắt tôi, chúng để tôi lại trong gian phòng nhỏ của trường Chấn Thanh, lôi Phát đi.

***

Suốt từ non trưa đến sẫm chiều, tôi ngồi đợi Phát. Tôi sẽ không đi đâu cả, nếu Phát chưa trở về với tôi.

Tôi mỏi mắt đếm bóng nắng ngả dài trước hiên thềm. Chiều muộn rồi, vẫn chưa thấy Phát đâu.

Anh giáo viên trường Chấn Thanh và người anh họ của Phát thỉnh thoảng lui tới hỏi han, săn sóc tôi. Không, tôi không để ai phải lo lắng, an ủi. Ý nghĩa công việc bí mật cứu nước đã giúp tôi vượt cao hơn tầm tuổi mình. Tôi tự tin vững vàng, không nao núng. Tôi nghĩ đến hoạt động của một số các chị đi trước tôi tại trường nữ học. Những mẫu chuyện truyền miệng trong chúng tôi về tính cách kiên cường của Đào Thị Đính làm tôi thấy quý mến chị. Chúng tôi sẽ tiếp bước các chị, dẫu cho gian khó còn chăng đầy phía trước.

Tôi mừng rỡ vô cùng, khi thấy Phát được trở về, trước sân trường Chấn Thanh sẫm đậm bóng hoàng hôn.

Chúng tôi cùng đi ra ga mua vé tàu lửa. Còn hai ngày nghỉ lễ, Phát rốn về thăm quê. Tôi trở lại trường Đồng Khánh. Giọng trầm tĩnh, ấm áp, Phát thuật lại cảnh bọn chó săn lôi Phát vào phòng thẩm vấn. Chúng để Phát ngồi một mình chờ đợi, giữa một gian phòng treo đầy ảnh phóng to, những cảnh tra tấn người. Và bên kia tường, cảnh tra tấn thực sự diễn ra. Tiếng quát nạt, tiếng đấm đá, tiếng ổ điện quay rè rè. Tiếng người kêu thất thanh.

Bọn chúng cứ hỏi mình: có liên lạc gì với anh Trần Viện không? Mình lại vẫn một câu trả lời: - Chúng đe mình không được bắt chước anh. Một lát, Phát nói thêm, gẫy gọn:

- Chúng muốn uy hiếp tinh thần mình. Chúng lầm. Mình chỉ thấy càng thêm căm thù bọn chúng thôi!

Tôi trìu mến nhìn sang gương mặt Phát lúc đó. Đôi mắt to, nâu thẩm của người bạn gái giỏi toán nhất lớp của tôi rực lên những tia lửa sáng.

Tôi siết chặt tay Phát, vượt lên con tàu đang rúc còi giục giã.

***

Từ quê ra, Phát lại đem ra cho chúng tôi những tảng bánh chà-lam dày đặc nhân lạc. Có những phong bánh thơm nức mùi mít chín đặc sản của vùng quê Quế Sơn. Đêm đêm, gia đình nhỏ chúng tôi lại quây quần bên khung cửa sổ tầng lầu nội trú thì thầm trò chuyện. Thấy bóng cô giám thị khuất về phòng riêng, chúng tôi lại tuồn ra, chụm đầu rỉ rả.

Lần ấy, đợi cho đến khuya, các bạn tản về giường ngủ cả rồi, Phát mới rốn lại cùng tôi bàn riêng một số công việc.

Hôm sau, trời vừa sập tối, tôi dạo bước ra khỏi cổng trường, tà áo dài lụa màu lam biển bay vờn trước gió sông.

Tôi đi dọc theo hàng phượng nở hoa đỏ rực, nhẹ nhàng gõ guốc trên hè đường. Đến trước một gian nhà mái tranh bên cầu Bến Ngự, tôi dừng lại, nhìn quanh. Không có gì khác lạ. Tôi bước vào. Một bác thợ mộc đang ngồi gian ngoài bào súc gỗ. Tôi nói mật khẩu. Một chị đứng tuổi, người cao gầy, từ gian trong bước ra đón tôi. Tôi giao tận tay chị số tiền ủng hộ Quỹ cứu quốc, chị trao cho tôi một tập báo và tài liệu in thạch. Kín đáo lặng lẽ, tôi nhận tập báo và tài liệu giấu vào bụng, vuốt tà áo dài che kín, tôi chào chị, chào bác thợ mộc, ra về. Tiếng guốc lanh canh lại trở về gõ đều trên vỉa hè, dọc hàng phượng hoa đỏ, đan cài bóng tối và ánh sáng đèn đường.

***

Về sau, Phát có cho tôi biết số tiền nữ sinh trường Đồng Khánh Huế ủng hộ Quỹ cứu quốc Quế Sơn - Quảng Nam, có đăng lên báo bí mật của xứ ủy Trung kỳ. Phát không nhớ rõ số báo nào.

***

Chúng tôi lại hẹn nhau có mặt trong phòng tắm trường nội trú, chụm đầu đọc những báo chí, tài liệu in thạch.

Một buổi chiều, bà tổng giám thị người Pháp bà Bớp, đi vào tất cả các lớp, dồn học sinh ra sân cỏ:

- Các em tập múa! Các em sẽ mặc đồng phục, váy xòe, đi đồng diễn tại sân vận động mừng ngày lễ vạn thọ.

Lại thế nữa! Hẵng xem cái trò này dẫn đi đến đâu! Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau.

Người dạy múa là một bà Pháp đứng tuổi, béo tròn. Bà mặc chiếc áo sa-tanh màu nước dưa, váy xòe cao, hai cánh tay để trần. Điệu múa bắt đầu:

- Dì la la … Dì la la!

Mồm nhịp, thân xoay xoay, những thớ thịt trên đôi cánh tay trần rung rung theo điệu múa. Kinh đưa tay che miệng, khẽ kêu lên:

- Ngó chướng cách chi!

 Thảo và tôi nhìn trước, nhìn sau, lãng ra vườn. Một lát, Phát cũng ra, bảo chúng tôi:

- Chúng mình rủ các bạn không đi tập múa để phá lễ vạn thọ. Viện cớ không thể lấn sang giờ học.

Chúng tôi gật đầu. Lần lượt, bạn cùng lớp tản ra. Trong sân, nhịp múa vẫn đều đều:

- Dì la la! Dì la la…

***

Một tuần sau, bà tổng giám thị, đầu tóc vấn trần, bước vào lớp học chúng tôi, dáng buồn bã:

- Tôi muốn hỏi các em - bà giở chiếc kính lão gọng vàng ra cầm tay - cớ chi các em không tập múa?

Bà giằn giọng, cố lấy vẻ quan trọng:

- Tập múa để mừng lễ vạn thọ, các em biết rồi chứ?

Cả lớp chúng tôi ngồi lặng ngắt. Bà xẳng xái:

- Các em hãy trả lời tôi: có đi tập múa không?

Không ai đáp.

Bà trỏ Kinh. Kinh ngồi ngay đầu bàn lại đứng đầu lớp về học tập, có thể thay mặt cho cả lớp. Hẳn bà nghĩ vậy.

- Kinh, em trả lời tôi rõ, em có đi tập múa không?

Đôi mắt vốn sáng đẹp, có hàng mi dài rợp đen của Kinh chớp chớp:

- Một mình em đi múa có ra chi. Điều đó là tùy cả lớp.

Bà giám thị sững đi một giây. Bà trỏ sang Thảo cũng học giỏi nhất nhì trong lớp:

- Còn Phương Thảo?

Giọng Thảo rắn rỏi:

- Chúng em không đi múa. Chúng em muốn có nhiều thì giờ học. Dạo này chúng em học sút đi.

Bà giám thị thở dài, buột ra một câu than vãn bằng tiếng Pháp:

- Lúc nào cũng các cô đệ tam niên!

Thấy khó lay chuyển chúng tôi, bà dịu giọng phân trần:

- Các em hiểu cho. Đây là lệnh trên. Bổn phận nhà trường là phải tuân theo. Các em biết điều một chút, không nên gây khó khăn cho nhà trường.

Bà rút mùi xoa khịt mũi. Bà lau mắt. Bà rớm lệ. Bà muốn cho lớp chúng tôi xiêu lòng vì thương hại bà chăng?

Xế đêm, trên cửa sổ tầng lầu nội trú, chúng tôi lại thầm thì bàn bạc.

Một bạn phân vân:

- Vắng khối đệ tam niên chúng mình, trường vẫn có các lớp khác, làm sao phá cho được trò đồng diễn của trường?

Nhưng một giọng khác kiên quyết hơn:

- Chúng mình không phá được, nhưng làm khó khăn kéo dài việc tập đồng diễn cho lễ vạn thọ vua bù nhìn. Vậy là thắng lợi rồi!

***

Qua kỳ nghỉ hè da diết nhớ bạn, đến ngày thu tựu trường, lá vàng lác đác rụng khắp sân chơi. Những quả phượng dài như lưỡi kiếm thay thế những chùm hoa đỏ. Năm học chúng tôi bắt đầu có những buổi đêm tối mịt mù không ánh sáng. Tiếng còi báo động nổi lên, bao trùm thành phố, rú rít ghê người. Tiết học chúng tôi có thêm môn "phòng thủ thụ động".

Nô-en năm ấy, "gia đình má Phát " chúng tôi tổ chức buổi họp mặt mở rộng. Đó là một tối rê-vây-giông (1) đáng ghi nhớ.

 Phát cho chúng tôi biết đôi nét thời sự mà tôi tin rằng Phát có điều kiện biết rõ hơn chúng tôi.

Kinh, với giọng chậm rãi, chín chắn, gợi ý cho chúng tôi nên điểm lại những việc làm vừa qua, rút kinh nghiệm cho thời gian tới.

Sau phần rút kinh nghiệm riêng, chúng tôi đưa mè xững, bánh chà-lam, thanh trà, quít Hương Cần, dọn ra trên hai chiếc giường ngủ. Chăn màn được cuốn xếp gọn ghẽ. Chúng tôi mời các bạn đã từng tham gia "ủng hộ quỹ truyền bá quốc ngữ" với chúng tôi đến dự vui. Một cô giám thị trẻ, có tiếng khó tính nhất, ló ra nhìn qua đầu chúng tôi. Cô chưa kịp hỏi, chúng tôi đã đỡ lời:

- Cô thông cảm, đêm nay rê-vây-giông, chúng em vui chút cho đỡ nhớ nhà!

- Mấy em chớ làm ồn, ảnh hưởng chung, nghe! - Cô nói rồi lãng đi. Chúng tôi vui lai rai đến tàn canh…

***

Hơn một năm sau.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 lại đưa chúng tôi trở về Huế gặp nhau.

Đó là cuộc Đại hội đại biểu Phụ nữ cứu quốc toàn Trung bộ gồm 16 tỉnh (13 tỉnh đồng bằng và 3 tỉnh cao nguyên). Kinh, Tuệ và tôi, bạn học cùng lớp lại có mặt trong đại hội.

Đoàn đại biểu Quảng Bình chúng tôi vừa vào đến Huế, được gặp anh Nguyễn Chí Thanh và anh Lê Chưởng. Anh Lê Chưởng tươi cười nhìn tôi, hỏi:

- Chị ở Quảng Bình, có biết chị Cẩm Thạnh không?

Tôi rất ngạc nhiên, sao anh Lê Chưởng lại biết tôi? Tôi chưa kịp trả lời, các anh Tỉnh bộ Việt Minh Quảng Bình cùng đi đã giới thiệu tôi:

- Đây là chị Cẩm Thạnh, Bí thư Phụ nữ cứu quốc tỉnh Quảng Bình.

Anh Lê Chưởng vui vẻ nói:

- Hồi các chị học tại trường Đồng Khánh, tôi đã giao công việc cho các chị. Chị Trần Thị Phát, chị Cẩm Thạnh, chị Lê Thị Kinh. Tôi lấy bí danh là Thường.

- Ồ! Anh Thường!

Tôi reo lên, sung sướng, hân hoan, nắm chặt tay anh Lê Chưởng. Anh cho biết lần ấy anh bị bắt, bị đày lên Buôn Mê Thuột.

Tôi nhớ đến ngày cùng Phát vào Đà Nẵng gặp anh Thường mà không thấy anh. Tôi nghĩ đến Huế thân thương, nơi đã mở tầm mắt tôi từ những ngày tuổi nhỏ dưới mái trường nữ học.

Kỳ Đại hội Phụ nữ cứu quốc toàn Trung bộ cuối năm 1945 ấy, tròn mười tám tuổi, tôi được bầu là ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Phụ nữ Cứu quốc Trung bộ.

Tôi mang ơn Huế cách mạng, khúc ruột miền Trung xiết bao gắn bó, với kỷ niệm những ngày sống đẹp của một mảnh đời tôi.

2-9-1985
N.T.C.T.
(17/2-86)


------------
(1) Réveillon: bữa ăn khuya Noel sau lúc đi lễ về.







Các bài mới
Chuyện Lão Khứ (31/10/2011)
Viết về Huế (13/10/2011)
Giáng Kiều (10/10/2011)
Các bài đã đăng
Thia lia Rồng (05/08/2011)