Tạp chí Sông Hương - Số 17 (T.2-1986)
Về Giải thưởng Nobel Văn chương 1985
09:06 | 08/09/2011
BỬU Ý Tháng 11-1985, Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định trao giải thưởng Nobel cho Claude Simon, nhà văn Pháp theo trường phái mệnh danh là tiểu thuyết mới quy tụ những tên tuổi khác như A-lanh Ro-bơ Gri-dê (Alain Robbe-Grillet - người chủ xướng và lập thuyết), Na-ta-li Xa-rốt (Nathalie Sarraute), Mi-sen Buy-to (Michel Butor), Ro-ber Panh-Jê (Robert Pinget) v.v…
Về Giải thưởng Nobel Văn chương 1985
Nhà văn Claude Simon - Ảnh: TL
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Claude Simon sinh năm 1913 ở Ma-đa-ga-xca, sống xa rời xã hội, tránh né nhà báo.

Như ta biết, Tiểu Thuyết Mới là trường phái chủ tâm từ chối (không thừa nhận chủ đề của tiểu thuyết, không cần cốt chuyện, không có nhân vật, coi nhẹ văn phong, phế bỏ tình tiết, bất chấp thời gian, không gian vật lý…) và muốn tạo ra một nhãn quan về thế giới có tính chất hiện tượng (nhìn đời ở bề mặt mà thôi), vật thể, trong thế giới đó vật thể sẽ hiện diện khách quan, và khách quan đến độ tạo thành một khối sức mạnh dần dà tách biệt với con người và đồng thời khiến con người phải thừa nhận nó. Nhãn quan này tương ứng với thời kỳ sản xuất tư bản có tổ chức, có kế hoạch trong đó đồ vật, từ chức năng phục vụ đời sống con người, dần trở nên lấn át con người và bắt con người cuối cùng tôn sùng nó. Và cũng trong nhãn quan này, thế giới con người phải chịu phận bị "đồ vật hóa" và bị phế bỏ.

Cũng như trước đây Sartre một mực bênh vực rằng chủ nghĩa hiện sinh là một nền nhân bản mới, thì Tiểu Thuyết Mới cũng tự cho rằng nó cũng xây đắp một nền nhân bản hiện tượng giúp con người thích nghi trở lại vào thế giới, đồng thời nhìn nhận địa vị của con người và đồ vật một cách khác, một cách khách quan hơn. Nhưng cả hai nền nhân bản này - nếu quả đó là nhân bản - hiển nhiên là những nền nhân bản "Tây phương" khô cằn, bế tắc, bi quan, ngược lại với hy vọng và mơ ước của con người.

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Các nhà văn trường phái Tiểu Thuyết Mới: (Từ trái sang) Alain Robbe-Grillet, Claude Simon, Claude Mauriac, Jérôme Lindon, Robert Pinget, Samuel Beckett, Nathalie Sarraute, Claude Ollier - Ảnh:digischool.nl

Bởi vậy, ta không ngạc nhiên khi nghe Claude Simon đã từng tuyên bố không có cái gọi là hiện thực xã hội, cũng không có hiện thực văn học, mà chỉ có cái hiện thực của chữ viết.

Và để trả lời câu hỏi: nhà văn và tác phẩm đóng góp vào chủ nghĩa nhân bản như thế nào, thì ông trả lời: Tiểu thuyết chỉ giúp thế giới cải đổi chừng nào nó đem lại những tìm kiếm mới mẻ mà thôi.

Nhưng ta vẫn ngạc nhiên vì sự chọn lựa của giải thưởng Nobel như giải này đã từng gây những ngạc nhiên khác trong lịch sử chấm giải của nó. Nó đã từng bỏ sót những tài năng như Íp-xen, Xtrinh-ber, Tôn-xtôi, đã từng thiên vị khi nhìn ra đến 13 nhà văn Bắc Âu xứng đáng được giải, đã từng trớ trêu khi tuyển chọn những nhà văn Liên Xô không thích đáng, đã từng đăng quang cho một vài tên tuổi không quen thuộc lắm, và cũng đã từng bị người "được quàng hoa" từ chối…

Vẫn biết Claude Simon, ngay từ năm 1984, đã là ứng cử viên của giải, dư luận vẫn không vì thế mà kém ngạc nhiên. Bởi lẽ: Claude Simon, ngay ở tại nước Pháp, cũng không được nhắc nhở đến nhiều cho bằng những tên tuổi khác trong cùng một trường phái, như: A-lanh Ro-bơ Gri-dê, Na-ta-li Xa-rốt và Mi-sen Buy-to; thứ nữa, là: nếu đề cao Xi-mông bây giờ, tức là đề cao Tiểu Thuyết Mới luôn nữa, thì là một việc làm khá chậm trễ, vì thịnh thời của Tiểu Thuyết Mới là thập niên 50, và những tác phẩm nổi bật hơn cả của Xi-mông đều ra đời vào những năm ấy, như: Gió (1957), Ngọn cỏ (1958) và nhất là Con đường miền Flăng-đrơ (1960, tác phẩm này suýt được giải thưởng văn chương lớn nhất của Pháp là giải Gông-cua năm này).

Tóm lại, giải thưởng Nobel văn chương 1985 vẫn còn chứa nhiều ẩn số, chưa thuyết phục được dư luận một cách khả quan. Hoặc, ta xem đây là một sự đánh giá mới của Tây phương. Hoặc nữa, là một sự cảnh tỉnh cho chính Tây phương đang sống trong thời kỳ suy tôn đồ vật, trong "Kỷ nguyên ngờ vực".

B.Y.
(17/2-86)







Các bài mới
Chuyện Lão Khứ (31/10/2011)
Viết về Huế (13/10/2011)
Giáng Kiều (10/10/2011)
Các bài đã đăng
Thia lia Rồng (05/08/2011)