[if gte mso 9]>
Normal
0
false
false
false
MicrosoftInternetExplorer4
Lòng đập rộng chưa đầy thước nổi lên giữa cánh đồng tối mịt. Tiếng ếch nhái từ hai bờ mương cùng ngọn gió rì rào trên đọt lúa, tấu lên khúc nhạc muôn thuở của đồng quê. Dù cắm mắt xuống đường, thỉnh thoảng tôi vẫn bị vấp phải hay trượt chân suýt ngã vì những thớ đất mấp mô, nhẵn thín chân người. Mỗi lần như thế, mấy chiếc sào lại đánh vào nhau lộp cộp, khiến chị Mảnh quay đầu động viên tôi vài tiếng, rồi cái bóng lực lưỡng của chị cùng máng xe dài thượt, tiếp tục thọc sâu vào đêm tối.
Đến nơi, chị đặt một đầu xe vục xuống nước, đầu kia ngước lên bờ mương cạn. Mở sợi thừng ở cánh chóng, chị nhanh nhẹn đóng cọc, găm sào, gài dây để giá xe thật vững và quay thử xích lá xoành xoạch. Vừa làm, chị vừa bảo tôi:
- Đóng chiếc xe cho chắc là học xong được nửa nghề làm ruộng rồi đó Thuyết à. Trước đây, chị cũng trầy trật mãi vì nó.
Không biết nửa còn lại của nghề nông chị Mảnh muốn nói gì, đây không phải lần đầu tiên chị nhắc, chỉ đáng tội là tôi tỏ ra hờ hững với dụng cụ dẫn nước cổ xưa này. Vì ở tuổi mười sáu, vừa học xong năm cuối cấp hai, tôi đã biết nhiều nơi trên trái đất đã sử dụng những cỗ máy liên hiệp làm nhiều khâu trong sản xuất nghề nông. Nhưng thôi, hãy bỏ qua chuyện đó. Trước mắt, tôi vẫn trèo lên ngồi ở chiếc đòn tre đen đủi, được mạ bóng bởi bao lớp mồ hôi của cha mẹ tôi, không chừng cả ông bà, cụ cố nhà tôi nữa, và với vồ chóng dưới chân, phải nhấn cho thật mạnh. Những chiếc lá gỗ như hai tai cối xay lúa, chơi trò đuổi bắt không bao giờ thỏa nguyện. Ngồi tựa tay vào thanh ngáng, gió bốn bề rào rạt. Tiếng chóng đập soàn soạt, tiếng nước chảy lùi róc róc trong lòng xe, tiếng chốt gỗ nghiến lên cọc tre ken két… tất cả âm thanh ấy trộn lẫn nhau thành một điệu ru lắc lư, bồng bềnh vào giấc ngủ. Chị Mảnh ngồi vững chãi, hai tay mập mập của chị tì lên ngáng, khiến tôi có cảm giác giá xe nghiêng về phía ấy. Và chị đạp mạnh đến nỗi, nhiều lúc tôi co cả hai chân vờ gãi, chóng xe vẫn quay tít.
Tôi vừa cố không để chị chê nhác, vừa mơ mơ màng màng, chợt thấy bóng nội tôi lẫm đẫm bước đến, tay ôm chiếc rá có đậy nửa tàu lá chuối.
Chị Mảnh kêu lên:
- Ôi chao! Trời tối mịt thế này, nội mò mẫm ra đây làm gì cho khổ. Cháu định ráng một hơi nữa thì dỡ xe về nhà thôi. Nội đi rủi vấp ngã…
- Đường ở lòng tay nội chứ xa lạ gì mà bảo ngã với vấp - nội tụt xuống rửa chân ở chỗ cửa nước - Chị em bây khá đó, hấp xong nồi khoai, nội mang đi ngay, vậy mà nước đã lấp đầy đường nẻ. Thôi nghỉ ăn cho ấm bụng đã, cháu.
Ba bà cháu ngồi bệt xuống lòng đập, bóc vỏ khoai còn nóng nhai nhỏn nhẻn. Nước xấp xỉ chân lúa nên bóng tối ở mặt ruộng đặc hơn, những khóm lúa đang thì con gái trở nên tươi tốt, mỡ màng. Nội tôi ăn hết củ khoai, vén yếm móc miếng trầu têm sẵn, rồi chợt vỗ đùi tiếc ngẩn.
- Chui cha! Nội quên mất cái bi đông nước! Đã chiết sẵn để trên bàn mà cũng quên đành. Tại con mẹ thằng Thuyết cứ cản, phải đi lén nó mới ra nông nỗi!
Thấy nội cứ suýt xoa mãi, chị Mảnh đứng dậy:
- Cháu chỉ vù một tí là có nước ngay, việc gì phải than thở.
Chị Mảnh đi rồi, nội không nhắc đến chuyện bi đông nước nữa, đưa miếng trầu vào miệng nhai móm mém. Tôi nhìn nội ăn trầu, bỏ nửa củ khoai trên tay xuống rá vì nghẹn không nuốt được. Chừng như miếng trầu đã dập và mang lại cảm giác sảng khoái, nội giựt mạnh tay tôi:
- Leo lên đạp với nội, Thuyết.
Tôi trố mắt, ngạc nhiên. Chưa bao giờ tôi thấy nội làm việc này. Đành rằng so với những cụ già ở tuổi bảy mươi, thì nội tôi nổi tiếng khỏe mạnh. Nhiều lúc, nội còn đi giếng làng gánh nước hay mang cơm ra đồng, nhưng tuyệt không bao giờ bác gái và mẹ tôi chịu để nội nhúng tay vào những việc nặng nhọc. Thấy nội đã níu cột sào trèo lên trụ chống, tôi vội vã đến, rồi cũng đu tay lẹ làng ngồi cạnh. Đạp được ít vòng, đột nhiên, chân nội chận lên vồ chóng, những lá gỗ rên siết và chững lại, nước trong máng òa xuống mương ùng ục.
- Cháu nhìn kìa, trăng đã lên! - Nội tôi cất tiếng thảng thốt.
Tôi đã thấy vầng trăng hình bầu dục đang chấp chới cuối cánh đồng. Màu trăng đỏ au, tuôn những tia sáng dữ dội làm cả vùng phía dưới rực lên như đám cháy. Gió xáo mặt nước cuốn vòng lăn tăn lấp lóa ánh trăng làm tôi liên tưởng đến những nếp gấp chằng chịt trên gương mặt nội. Những nếp gấp ấy giờ đây đang run rẩy. Và với vòm trán dô nhăn dúm, cái mũi hếch phập phồng, quai hàm dưới trề ra chóp chép, nội tôi vừa gần gũi thân thiết, vừa xa lăng lắc, cơ hồ từ một câu chuyện cổ hiện về.
- Cách đây năm mươi năm - nội tôi nói, mắt không rời vầng trăng đỏ au trước mặt - lúc ấy nội vừa tròn hai mươi tuổi. Nhà nghèo, nội phải đi ở đợ từ nhỏ. Gần đến tuổi lấy chồng, cố ông mới đưa cố bà đến thế chân để xin nội về. Mái tranh xiêu vẹo như chiếc nón rách úp lên mặt đất, vậy mà hàng ngày nhiều người ngấp nghé vào ra. Hồi ấy, con gái làng có chút nhan sắc như nội kể cũng hiếm, nên nhiều người để mắt là phải lắm. Nhưng tất cả những đám ấy nội đều khinh ghét, dù chẳng dám nói ra. Không thích vẫn cứ ngồi vào chỗ cố ông định đoạt. Đó là đám con nhà Cự Đệ, tuy chẳng lúa nghìn lúa vạn, cũng ruộng sâu trâu nái, có mày có mặt với người ta. Cố ông bảo thế, và cho định ngày ăn hỏi. Lòng nội rối như tơ vò vì trót thương ông cháu, lúc ấy cũng đi ở với nhau, cùng một chủ. Mối tình của nội chỉ có gã Chiêu, con lão chủ biết và tìm cách ngăn trở. Gã muốn cưới vợ môn đăng hộ đối, nhưng thả một cô gái đẹp cho người khác cưới làm vợ cũng tiếc của trời! Nghe nội sắp lấy chồng, ông cháu buồn bã bỏ làng ra đi… Gần đến ngày ăn hỏi, thì…
Nội tôi ngừng kể, lấy chéo khăn quệt vệt trầu nhểu ở khóe môi, đôi mắt ẩn dưới hốc sâu hoắm nhíu lại như muốn ngủ.
Tôi nhìn quanh, bốn bề mông quạnh. Ếch nhái đã bớt lời than vãn, nhưng dưới lòng mương chốc chốc lại nổi lên tiếng lõm bõm như đất sụt. Bầu trời cao hơn, và những vì sao dày đặc lấp lánh. Cảm giác lo sợ bắt đầu lén vào người làm tôi thấy lành lạnh. Tôi đưa tay đập muỗi, rồi co rúm người thả ống quần đã xắn cẩn thận từ nhà phủ xuống chân, và thấy nội mở mắt thao láo nhìn vầng trăng như muốn thu cả cái đĩa trái xoài sáng rực ấy vào người. Chưa bao giờ tôi bắt gặp cái nhìn đầy bức xúc này của nội.
- Đúng vào cái đêm hai mươi tháng năm như đêm nay - giọng nói rành rọt của nội có phần bùi ngùi thương cảm, nhưng trong vòm mắt hun hút lại ánh lên tia lửa hờn oán - vào lúc bóng trăng đỏ tía ló lên chừng một cây sào, nội cùng đạp nước với một người bạn gái, thì gã Chiêu tới. Gã báo tin em của người bạn ấy bị bỏng nặng, khiến cô ta hoảng hốt chạy biến vào làng. Ít phút sau, biết bị lừa, và chuyện gì sẽ tới, nội cũng vùng bỏ chạy. Gã như con trâu cui sút dây mũi, hùng hục đuổi theo. Đường vắng, làng xa, tiếng kêu tuyệt vọng của nội chốc lát bị tay gã túm lại. Gã vật nội xuống mé đập…
Bất giác, nội vỗ tay lên vai tôi, hỏi một câu chẳng ăn nhập vào đâu:
- Cháu có tin con người ai cũng có lương tâm không?
- Có. Tôi trả lời không chút suy nghĩ.
- Đúng đấy cháu ạ. Phải tin như thế mới sống được. Ngay cả khi làm xong cái việc nhơ nhuốc ấy, gã chìa cả hai tay về phía nội. Chắc cháu khó hình dung gã cầm vật gì. Chính nội cũng sửng sốt khi trước mắt mình cùng lúc là một gói tiền lớn và một con dao quắm sáng ngời ánh thép. Gã đe: nếu giữ kín việc này sẽ lấy chồng ổn thỏa, bằng không, làm lớn chuyện, con dao nhọn hoắt đã vấy máu nhiều người, nay đến lượt cô!
Lúc gã bày bộ mặt gạ gẫm, phỉnh nịnh quen thuộc ra nội chợt nhớ cái dáng đi lủi thủi của ông trên đồi, với gánh cỏ lặc lè trên vai. Máu giận ứ lên mặt, nội chụp gói tiền ném xuống mương, vung mạnh tay nện lên mặt gã, rồi vắt chân lên cổ mà chạy. Được một đoạn, hết cơn hoảng mới phát hiện ra không có ai đuổi theo. Dừng lại, nhìn chỗ cũ thấy gã Chiêu vẫn đứng sững dưới trăng, tựa con nộm rơm ai đem cắm nổi giữa đồng. Gã không trả thù nội, dù gã thừa sức để làm việc ấy khi nội đi trình hết với các chức sắc trong làng, ngay chính đêm hôm đó. Chuyện vỡ ra, thôn trên xóm dưới đều biết. Gã Chiêu bị nhốt ở đình. Nhờ đồng tiền, gã được mở trói. Còn chuyện ăn hỏi của nội, gia đình ông Cự Đệ xin hoãn lại, để không bao giờ nhắc tới nữa. Sau đó gã Chiêu bị họ hàng buộc phải lấy vợ ngay, và người đàn bà ấy đã thắng cương con ngựa hoang dã trong người gã. Gã trở thành một người tử tế. Nhưng với nội, nội vẫn ghê tởm gã, vì vết thương do gã gây nên đã để lại trong bụng một giọt máu… mà trớ trêu là nội không muốn tẩy đi!
Nội tôi thở dài, tháo một đầu khăn đang chít ngang trán đưa lên chậm mắt, nói tiếp:
- Khi cái bụng đã nhô lên, theo lệ làng, hàng xóm buộc gã Chiêu cưới nội làm lẽ. Nội cương quyết không chịu. Rồi ông cháu trở về. Hiểu rõ sự tình, và vì thương nội, ông nhận cái thai trong bụng là con của mình.
- Mọi người cũng đồng tình hả nội? Tôi hỏi nhanh.
- Còn muốn tống nội đi cho khuất mắt nữa là khác! Nói có vầng trăng chứng giám, cái thai ấy sau này thành bác của cháu. Đến cha cháu ra đời cách đó ba năm mới thật là con đẻ của ông.
- Tôi hết sức ngạc nhiên trước tiết lộ này của nội. Lớn lên giữa xóm làng đồng ruộng, mọi hang cùng ngõ hẻm ở quê, tôi đều khăng khít, gần gũi, nhưng chưa hề nghe ai bảo bác và cha tôi là con một mẹ khác cha. Vì cả hai anh em đều mất sớm, nên chuyện cũ gác lại chăng? Theo lời mẹ tôi kể thì bác là một chiến sĩ du kích hy sinh trong chống Pháp, để lại người vợ trẻ và đứa con còn đỏ hỏn là chị Mảnh bây giờ. Sau đó, bác gái cũng đi lấy chồng nhưng gặp nơi chẳng ra gì, lại không có con nên bỏ về thủ phận làm ăn. Còn cha tôi chỉ giỏi việc đồng áng, lại chẳng may mắc bệnh mất khi tôi mới đi tập tễnh. Mẹ tôi không cải giá, cùng bác gái xúm lại quanh bà nội, chung lưng đấu cật mà sống. Ngay cả nhận ruộng khoán hiện nay, hai nhà cũng xin được chia chung một vạt.
- Ai như con Mảnh ra đó rồi kìa - nội tôi vội vã tụt xuống đập, lần tay vào túi yếm tìm miếng trầu khác.
Chị Mảnh đến nơi, mở bi đông rót nước vào ca, đưa nội:
- Cháu phải hâm lại nên có lâu một chút. Nội đợi lát rồi cùng về luôn thể.
- Thôi nội về ngay, chờ khuya lạnh chết. Uống xong ngụm nước, nội bỏ về. Biết tính nội một khi đã quyết chuyện gì, khó ai cản được, chị Mảnh giục tôi lên giá xe.
Khi ánh trăng chuyển sang màu vàng, và chùm sao Đại Hùng đã xoay ngang chiếc ghế trên đầu, tôi đem chuyện nội kể nói với chị Mảnh. Cũng như tôi, chị lặng đi hồi lâu vì kinh ngạc. Anh Chung, chồng chị làm thợ ở xa, chị phải bồng bế hai đứa con dại sang nương nhờ nhà mẹ. Tôi quý chị. Đi đâu hay làm việc gì bên cạnh chị, tôi rất yên tâm, vì được chị chăm sóc che chở không kém mẹ tôi. Giờ đây, giữa đêm khuya thanh vắng, nhìn khuôn mặt vuông vức sạm nắng của chị cau lại ra chiều tư lự, nỗi thương cảm dâng lên trong lòng, khiến tôi cũng buồn rười rượi.
- Ngày anh Chung và chị mới yêu nhau - chị Mảnh nói khẽ - người nhiệt tình vun quén tình yêu ấy cho đến hôm nay là nội. Thuyết biết đó, anh Chung là cháu nhà Cự Đệ. Nội muốn đáp chút nghĩa bẽ bàng của nhà ấy chăng? Còn con cháu ông Chiêu, nay là những người tử tế cả. Mới sau tết này, con bé ốm, nhà chú Dĩnh gọi chị lại cho mượn ba vuông lúa, bảo cứ lo thuốc thang cho cháu lành, bao giờ trả cũng được. Gặp buổi giáp hạt, lúa tháng giêng tiền tháng chạp mà, chú ấy cũng khó như mình, nhưng lại nhường phần để giúp mới quý.
Tôi nghĩ, hay chú Dĩnh - con ông Chiêu - cũng biết chị Mảnh là cháu mình, nhưng ngại nội, chẳng dám nói ra? Tôi ân hận đã đem chuyện nội kể nói với chị Mảnh, dù sao không có chuyện ấy vẫn hơn. Cung bậc tình cảm quen thuộc của con người thường không muốn ai xáo trộn, dù chỉ một nấc nhỏ. chị Mảnh hết nhìn xuống ruộng, lại ngước đôi mắt đầy nước lên vầng trăng. Im lặng một lát, chị quay sang tôi:
- Phải hỏi lại nội xem hư thực ra sao đã, Thuyết à.
Từ đó đến khi dỡ xe vác về, chị Mảnh lặng lẽ không nói gì thêm với tôi nữa.
***
Hai chị em do dự mãi không biết nên bắt đầu câu chuyện ra sao để hỏi, thì nội tôi lâm bệnh. Sau trận ốm đột ngột này, nội yếu đi rất nhanh và trở nên lú lẫn. Một đêm, bác gái và mẹ tôi bận đi họp, nội ra ngồi nhai trầu trên chiếc giường tre đặt ở mé hiên. Tôi cùng chị Mảnh qua vườn hái khế rồi đến ngồi cạnh nội. Lúc ấy bóng trăng hạ tuần cùng vừa ló ra rực rỡ sau lũy tre. Một dịp hiếm có để gợi chuyện cũ với nội. Tôi ghé miệng sát tai nội, nhắc lại rạch ròi những chi tiết trong chuyện riêng nội kể. Nói mấy lần, đều vô hiệu, nội lắc đầu quầy quậy, bảo không nhớ. Đến khi tôi cố gọi lớn những cái tên người trong chuyện, nội tôi tỏ vẻ xúc động, đưa bàn tay run rẩy ra ngăn lại, miệng mấp máy:
- Phải rồi! Nội đã nhớ ra những con người ấy, họ sống trong một câu chuyện ngày xưa, lâu lắm rồi, bây giờ không còn ai biết đến họ nữa. Ngay cả nội cũng không đồng thời với họ, vậy các cháu ích gì mà hỏi kia chứ?
Chị Mảnh thất vọng nhìn tôi, nhưng ngay sau đó đôi mắt chị lại ánh lên niềm vui của người vừa trút xong gánh nặng. Nội muốn xóa đi chuyện cũ mà trong một thời điểm gợi cảm, đã buột miệng kể ra. Khuôn mặt già nua của nội rực lên dưới trăng như chính từ ánh sáng huyền ảo ấy - Khuôn mặt hiện ra… Rồi ánh trăng sẽ mang câu chuyện của nội trả lại cho cỏ cây, đồng ruộng. Chị Mảnh và tôi ngồi nhìn những tia chớp cuối trời, ngầm đoán cơn mưa sẽ kéo về vỗ tươi đọt lúa. Bóng trăng đẽo lên cành tre, tạo nên những bông hoa xinh xắn xếp đầy trên chiếu, còn những vì sao thì rơi xuống đậu vào đĩa thành những lát khế ngọt ngào.
T.N.
(17/2-86)