Tạp chí Sông Hương - Số 270 (tháng 8)
Grand Canyon - lộng lẫy hoàng hôn
15:22 | 19/08/2011
NGUYỄN VĂN DŨNG Bút ký Trong hồi ký Living History, Hillary kể gia đình bà có lần đến Grand Canyon cắm trại. Tại đây, ông Bill Clinton nhận xét “Grand Canyon là nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới”.
Grand Canyon - lộng lẫy hoàng hôn
Grand Canyon hùng vĩ - Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Từng có may mắn thưởng thức hoàng hôn trên cổ thành Memphis, Parthenon, sông Nil, sông Hằng, Hoàng Hà, Danube, Lhasa, Red Center... nơi nào cũng trên cả tuyệt vời, nay có người (lại là một ông tổng thống hào hoa) cả quyết chỉ có Grand Canyon mới là nơi tuyệt vời nhất, hỏi không chấn động sao được. Tôi găm nhận xét ấy vào bộ nhớ.

Hai năm sau, tôi meo cho người học trò cũ đang định cư ở Cali, hỏi rằng thầy muốn sang Mỹ tham quan Grand Canyon, em có đưa thầy đi được không? Gần như tôi nhận được ngay câu trả lời ngắn gọn: Được. Mời thầy qua. Bấy giờ là tháng ba năm 2008. Mục đích đã rõ ràng nhưng trên đường đi đôi chút tơ vương không dễ gì cầm lòng cho được. Trước hết, đó là những cánh hoa anh đào mùa xuân Washington DC vẫy gọi. Anh Đinh Cường cho biết năm nay hoa anh đào nở từ 27 tháng 3 đến 12 tháng 4. Một tuần lang thang không chán dưới những cội hoa anh đào, bỗng có điện của anh bạn dưới Baton Rouge biểu răng rứa cũng về uống rượu chơi. Rượu ngon, bạn hiền, lại “tha phương ngộ cố tri”, hỏi sao không ham. Thế là lại vèo thêm một vòng nữa. Thật ra cũng vì: Một là, thành phố nhỏ nhắn Baton Rouge nằm bên bờ con sông Misissippi dài rộng nhất nước Mỹ; đã đi qua hầu hết con sông tăm tiếng trên thế giới, nay có dịp chiêm ngắm thêm một con sông huyền thoại nữa, kể cũng thú. Hai là, Baton Rouge không xa thành phố New Orleans lịch sử bao nhiêu. Cái anh chàng Rhett Butler thông minh và lì lợm đến vậy mà phải mất một “thế kỷ” mới chinh phục được trái tim cô nàng Scarlett O’Hara. Sau ngày cưới, cô cậu đèo nhau về New Orleans hưởng tuần trăng mật. Nay người ta vẫn còn giữ lại y nguyên căn phòng của đôi uyên ương thuở nào. Chuyện tình ấy đẹp đến mức cái kết thúc quá đỗi ngậm ngùi. Tôi mê “Cuốn theo chiều gió”, đặc biệt ảnh hưởng sâu đậm quan điểm và phong cách sống của Rhett. Ví dụ: Không bao giờ được thú nhận với người yêu dấu rằng mình yêu nàng đến chết đi được. Khi một người đàn ông nói với người phụ nữ “Anh yêu em vô cùng triệt để”, ấy là lúc anh ta giương cờ trắng, cuộc sống trở thành địa ngục với đủ thứ chuyện trời ơi đất hởi của vị nữ hoàng độc đoán, chuyên quyền.

Đón tôi ở phi trường Los Angeles, ngoài Khiêm - học trò cũ, còn thêm Hoàng Thi Thao, anh bạn hào hoa phong nhã một thời. Chuyến đi Grand Canyon lúc đầu có đến gần một tiểu đội, nhưng vào giờ G, Trần Kiêm Đoàn rút lui, chắc vì Lê phu nhân chưa thông. Hoàng Thi Thao cũng rút, vì sợ không chịu nổi sương gió bụi đời sau khi nghe tôi cả quyết như đinh đóng cột rằng lên đó, tôi muốn đóng trại ngủ ngoài trời, nghe cục đất mấy triệu năm tuổi thì thầm kể chuyện. Chốt lại, chỉ còn bốn - Lâm, Thọ và hai thầy trò tôi. Lâm từ San Jose, chúng tôi từ Santa Ana, hẹn hội quân nhà Thọ ở Phoenix. Thọ người Huế, con rể Đức Sinh. Trong meo, Đoàn giới thiệu vắn tắt: “Cái máy trợ tim siêu nhỏ tay phó tổng thống Mỹ Dick Cheney đang mang trong người là do Thọ chế tạo đấy”. Chao ơi, dân Huế mình ngon lành thế sao ở Huế chẳng đứa mô ngóc đầu lên nổi.

Đường từ Phoenix lên Grand Canyon đi qua hàng trăm km sa mạc, chỉ có cỏ gai và những cây xương rồng Saguao ngạo nghễ thách thức tuyết sương. Tôi dõi tìm quanh quất túp lều của những người da đỏ, đám cao bồi thực dân phi ngựa nổ súng đoàng đoàng, rồi cháy, giết, hiếp... Chợt tỉnh ra, đó chỉ là hiện thực của hơn hai trăm năm trước được tái hiện qua những bộ phim cao bồi nổi tiếng tôi từng được xem thời sinh viên. Đến xế chiều thì chúng tôi tới nơi.

Nhận phòng, chưa kịp tắm rửa nghỉ ngơi, tôi đã thúc giục mọi người ra mau bờ vực. Trước mắt tôi là một bức tranh độc đáo, đa sắc màu, và tuyệt mỹ. Tôi sửng sốt, nghẹn ngào. Đại vực Grand Canyon được xếp vào hàng đệ nhất kỳ quan thiên nhiên của nhân loại, được hình thành từ 2,5 triệu năm trước do nước sông Colorado xói mòn, tạo nên vô số hốc hẻm khổng lồ để lộ tầng tầng địa chất được hình thành qua lớp lớp thời gian. Gọi là đại vực vì Grand Canyon dài tới 446 km, rộng từ 0,4 đến 24 km, và sâu 1600 m. Là quê hương của người da đỏ Bắc Mỹ cổ, người Anasazi, sau này là trú xứ của các thổ dân Zuni, Navajo, Hopi, Hualapai...

Người ta nói Hopi point là nơi tổng thống Bill Clinton đã ngắm hoàng hôn để rồi phán một câu vang lừng. Tôi nhủ thầm, với vợ và đám cận vệ kè kè bên cạnh mà còn thấy hoàng hôn Grand Canyon đẹp nhất thế giới, để xem thong dong tự tại như ta hoàng hôn Grand Canyon còn đẹp đến chừng nào. Khi chúng tôi đến, Hopi point đã đông đặc người. Đó là một mỏm đá nhô ra phía bờ vực. Từ đây có thể nhìn toàn cảnh Grand Canyon. Dọc theo bờ vực hàng vạn du khách cùng náo nức chờ ngắm hoàng hôn. Về phía bên trái Hopi point, ông mặt trời đỏng đảnh núp sau tầng mây, từ từ bước ra khỏi tấm “bạch y”, rót xuống trần gian từng mảng vàng chói lọi. Sông Colorado uốn lượn qua các hẻm núi thường ngày không cách chi nhận ra, nay bỗng dậy lên, nơi này sáng láng như một thanh kiếm tuốt trần, nơi kia cong cong như nửa vầng trăng khuyết. Các vách đá, chỏm núi thi nhau phô hết vẻ kiều diễm độc đáo của mình, trong lúc các vực sâu lặng lẽ tối sầm lại. Bức tranh Grand Canyon trở nên sắc nét, sinh động, thăm thẳm khôn cùng. Và rồi, như bất cứ cái đẹp đích thực nào trong đời, giây phút chất ngất ấy chỉ tồn tại trong chốc lát rồi đột ngột tan biến, nhưng tôi thừa nhận rằng đó là hoàng hôn tuyệt trần, đẹp đến ngẩn ngơ.


Đã đành kỳ quan thì ở đâu cũng đẹp, nhưng Grand Canyon là cái đẹp không nơi nào có được. Đó là cái đẹp vừa hùng vĩ vừa sâu lắng, vừa hiện thực vừa mộng mơ, vừa rực rỡ vừa dịu dàng, vừa muốn bay lên vừa muốn chìm xuống, vừa thấy ta bé nhỏ vừa thấy mình bao la... Mà thôi, không nói nữa. Cách tốt nhất là bạn hãy đến đó mà chiêm ngắm, cảm nhận, giao hòa, và thổn thức.

Buổi tối, chúng tôi kéo nhau ra bờ vực ngắm Grand Canyon về đêm. Lạnh đến 30 âm. Gió từ vực thốc lên từng cơn rát mặt. Bốn bề lặng ngắt - lạnh quá du khách trốn hết trong phòng. Trăng mười sáu phủ lên đại vực một lớp màu sáng ngà, bức tranh Grand Canyon trở nên huyền bí và mộng mị. Dưới ánh trăng, Grand Canyon như vị thiền sư thinh lặng, tự tại, từ năm này sang năm khác, từ đời nay sang đời khác, ngầm khai ngộ cho những kẻ ít thông minh nhất cũng có thể nhận ra lẽ thường hằng của tạo vật - rằng chẳng có gì vĩnh hằng cả. Trăng Grand Canyon, không “thu lạnh” mà “nguyệt tỏ ngời”, không “đàn buồn” mà da diết “nhớ Tầm dương”.  Mới hay trăng ở đâu cũng tròn, còn như tròn méo tự nơi cái tâm của mình. Giản đơn thế mà phải mất bao nhiêu thời gian, tốn bao nhiêu xương máu con người ta mới nhận ra.

Sáng hôm sau chúng tôi thức dậy sớm, lại kéo nhau ra bờ vực ngắm bình minh. Chỉ cái bao lơn nhỏ Yavapai look out point thôi mà vô số du khách chen chúc hướng về phía đàng Đông. Tôi may mắn được một lần theo đoàn sinh viên Nhật chờ ngắm bình minh trên đỉnh Phú Sĩ. Nay tưởng chừng như đang gặp lại những khuôn mặt ấy - những khuôn mặt rạng ngời, lặng lẽ, và thành kính. Không biết đến bao giờ tuổi trẻ bên mình mới thấu được tầng văn hóa thích ngắm hoàng hôn và khát khao chờ đón bình minh.

Rồi cũng như khi kết thúc một ngày, bình minh xuất hiện với dáng vẻ dịu hiền và khoan thai của ông mặt trời. Bức tranh Grand Canyon bắt đầu dậy lên muôn sắc màu: trắng, xanh, vàng, tím, đỏ, hồng... lộng lẫy, kiêu sa. Rất dễ có cảm tưởng như Grand Canyon là một mâm đồ chơi của các thần, ở đó vị thần nào cũng muốn gắng gổ phù phép cho đồ chơi của mình đẹp hơn, lung linh hơn, độc đáo hơn - tầng tầng lớp lớp những đỉnh đồi, chóp núi, khe, vực... trong tay các vị thi nhau khoe sắc; đến cả cây tuyết tùng chơ vơ bên bờ vực cũng cố sáng lên điểm tô cho bức tranh thêm màu minh triết. Cho đến khi ông mặt trời hoàn toàn hòa thân vào cái vũ trụ sáng bao la kia thì cũng là lúc trò chơi kết thúc. Nếu tôi là giám khảo cuộc thi, tôi sẽ không ngần ngại chấm điểm cho tất cả các thần thí sinh đều đạt loại ưu. Chẳng biết ngày ấy ngài tổng thống Bill Clinton có thức dậy sớm đón bình minh hay không, sao không nghe ông tuyên bố Grand Canyon cũng là điểm ngắm bình minh đẹp nhất thế giới.


Còn một điểm nữa chiêm ngắm kỳ quan Grand Canyon vô cùng hấp dẫn du khách, đó là từ trên cao với trực thăng Helicopters. Mỗi tour 45 phút. Mỗi chuyến chỉ chở được bảy người. Chiếc Helicopters bay lượn trên đại vực cho du khách mặc sức chiêm ngắm, chụp ảnh, xuýt xoa. Lấy cớ ở Mỹ khi nào đi cũng được, các bạn nhường tôi bay một mình. Tôi may mắn được xếp ngồi trong buồng lái (chắc vì ngang cân với tay phi công). Phải từ góc độ này mới thấy hết vẻ kỳ vĩ của Grand Canyon. Con sông Colorado bé tí uốn lượn giữa thăm thẳm hai bờ đại vực. Không biết bằng cách gì mà con sông nhỏ bé thế kia lại có thể tạo nên đại vực ghê gớm này. Xưa nay, trong cuộc tương tranh giữa sông và núi, sông bao giờ cũng hơn; trong sự được mất giữa nhu và cương, nhu bao giờ cũng thắng. Hóa ra “nhu nhược thắng can trường” là vậy. Điều ấy thì tôi biết, nhưng phải đến hôm nay được tận mắt chứng kiến con sông Colorado bé nhỏ, khiêm nhường, nép mình dưới tít tắp hai bờ đại vực tôi mới thật sự ngộ ra.

Quay sang viên phi công, tôi hỏi liệu ông có thể chụp giùm tôi tấm ảnh được không. Anh ta vui vẻ ô kê, rồi đưa cả hai tay cầm máy ảnh, xoay qua xoay lại, ngắm nghía, và bấm. Tôi hoảng hồn. Tôi hình dung lái máy bay cũng như lái mô tô, làm thế không khéo máy bay đâm đầu xuống vực. John Dever, nhạc sĩ tài hoa, người con của quê hương Colorado đã chết trong một chuyến bay như thế này. Nhưng John Dever chết là chết trên dòng sông quê hương, còn mình, không may xẩy ra sự cố, chẳng lẽ mình phải chết trên dòng sông biệt xứ à! Liên tưởng ấy khiến tôi rùng mình... Xem lại mấy pô hình, tôi khen tác giả chụp đẹp như nhiếp ảnh gia. Anh vui sướng, cười híp mắt; đến nỗi sau khi máy bay đáp bãi trả khách, anh còn đòi chụp chung với tôi tấm ảnh làm kỷ niệm. Tôi thừa nhận rằng nụ cười cởi mở, thân thiện ấy là một trong những kỷ niệm đẹp của chuyến đi vẫn còn đọng mãi trong lòng tôi.

Ngày cuối cùng, chúng tôi dành để tham quan đáy vực. Buổi sáng khởi hành với đầy đủ tứ đại hảo hán, sau vài cây số rơi rụng chỉ còn hai. Bright Angel Trail gập ghềnh, khúc khuỷu, thoai thoải, uốn lượn giữa hai bờ vực. Bên kia lối mòn, dọc dài những vách đá dựng đứng; đó là loại đá sa thạch đỏ, nâu, vàng, tím, hồng... xen đá granit, lớp lớp chồng lên nhau, kỳ vĩ và đẹp mê hồn. Với các nhà địa chất, đó là cuốn biên niên sử của trái đất, với chúng ta, đó là kiệt tác của tạo vật cất dấu trong nó bao câu chuyện của thời gian. Gió từ các hẻm núi mang theo hơi lạnh cùng thứ âm thanh rất riêng của nó. Có lẽ đây là nơi duy nhất con người thấy được sự chuyển động của thời gian và nghe được âm thanh của vĩnh cữu.

Dọc theo lối mòn, điểm xuyết những mảng tuyết chưa kịp tan, và những khóm hoa dại trắng muốt như muốn trắng thi với tuyết, trong lúc cuống hoa mỏng manh ý chừng thách thức với cái cứng cỏi của núi đá và cái vô cùng của thời gian. Có phải thế không mà nó gây được xúc cảm lạ lùng khi tay ta vừa chạm tới. Người da đỏ bị đuổi ra khỏi quê hương của họ cùng với bản sắc văn hoá đặc thù, duy chỉ còn lại con đường mòn xuyên vách núi vực sâu. Con đường nhỏ nhắn, quanh co này hẳn được hình thành dọc theo chiều dài lịch sử của họ. Vậy mà ngày nay, mấy ai đi trên con đường này còn nghĩ đến họ; và ngay cả họ nữa, chắc gì họ còn nhớ lối cũ đường xưa. Ngày nay, hầu hết họ sống trong những căn nhà tiện nghi, vi vu trên những chiếc xe hơi hiện đại, không biết liệu họ có còn là họ nữa không.


Đường xuống vực, mỗi khúc quanh mở ra một cảnh giới mới, mỗi cung đường hứa hẹn điều ngạc nhiên. Tôi đặc biệt xúc động về những cây tuyết tùng chơ vơ trên bờ vực. Chắc nhờ đại vực mà nó sớm ngộ ra lẽ đời: đã không có gì tồn tại vĩnh hằng thì mắc mớ chi phải bận tâm về chuyện tồn tại hay không tồn tại, thì cứ an nhiên mà đùa giỡn với gió núi mây ngàn, mà lay lắt reo ca. Có lẽ nhờ thế, qua hàng triệu năm, trên các vách đá cheo leo loài tuyết tùng vẫn thay nhau mọc, mặc cho sự tàn phai. Và những cánh đại bàng kia nữa, loại đại bàng thân đen đầu trắng, nhởn nhơ bay lượn trên miệng đại vực. Loài đại bàng thường bay bổng chín tầng mây, mãi lông bông ngoài trần thế. Đại bàng Grand Canyon chỉ bay trong đời, bay lên khỏi vực sâu. Điều ấy không đủ làm ta cảm kích sao. Mà không biết nó bay tìm mồi hay đang cần mẫn đo chiều kích của đại vực và độ dài của thiên thu.

Trên mặt lối mòn lô nhô đá và lớp đất mịn đến mức chỉ cần bước mạnh chân bụi đã mịt mù. Bên mình, con đường gập ghềnh cát đá này thế nào cũng được bê tông hóa bằng những bậc cấp vừa sạch sẽ vừa tiện lợi. Trên lối mòn sạch trưng, tuyệt nhiên không hề có rác, dù chỉ một vỏ kẹo - Nghiệm cho cùng, rác rưởi nằm trong đầu mình. Khi cái đầu đầy rác thì nhìn đâu cũng thấy rác, và thế là người ta cứ việc thoải mái xả. Không ngạc nhiên khi bên mình, nhiều đôi trai gái ngồi trên ghế đá công viên, không xa mấy với thùng rác nhưng họ vẫn tự nhiên xả bừa ngay dưới chân, nơi biết đâu mai này sẽ trở thành kỷ niệm ngọt ngào còn đọng mãi trong tim mỗi người. Ở đây, trên các đỉnh núi, gò, đồi, điểm tụ khí, tích khí, chỉ lồng lộng trời xanh mây trắng. Bên mình thế nào cũng có vài ngôi chùa, miếu, cây thánh giá, hoặc tượng Phật bà Quan Thế âm. Ở đây, hai bên bờ vực và dọc theo lối mòn, ngoài các điểm dừng hoặc bao lơn chiêm ngắm cảnh quan, tuyệt nhiên không hề có quán xá ăn uống rộn rịp cùng với đủ thứ đồ lưu niệm xanh xanh đỏ đỏ, chướng tai gai mắt. Trên đường đi, đôi khi du khách phải men theo vách núi, bên trên vô số những viên đá nhỏ to trong tư thế sẵn sàng xuất trận. Có cảm tưởng như chỉ cần con hươu con nai động cỡn, hay anh chàng Tạ Tốn nổi cơn thịnh nộ rống lên một tiếng là đội hùng binh đất đá ấy dội xuống đầu du khách... Nhưng tuyệt nhiên họ không bạt núi xây kè bảo vệ lợi ích nọ kia. Thế đấy, dân Mỹ thích tiện nghi và quí trọng sinh mạng con người, nhưng đồng thời họ cũng muốn giữ y nguyên sự tồn tại của tự nhiên. Một tác phẩm tuyệt mĩ được thiên nhiên tạo dựng từ hàng triệu năm, nay vì tầng nhận thức thấp kém, thậm chí chỉ vì chút lợi nhuận cỏn con mà nỡ làm cho nó biến dạng đi thì thật chẳng còn gì dã man hơn. Nghe như văng vẳng đâu đây lời nhắn gửi của tổng thống Theodore Roosevelt “Grand Canyon, một kỳ quan thiên nhiên mà phần còn lại của thế giới không thể so sánh được. Đừng làm hỏng những gì mà năm tháng đã tạo nên, hãy giữ gìn nó cho con cháu chúng ta và thế hệ mai sau...”. Được biết ông là một trong những người đầu tiên tham quan Grand Canyon, cũng là một trong ít người có tình yêu đặc biệt đối với vùng đất này. Một ông tổng thống biết trân trọng cái đẹp đến thế quả xứng là tổng thống của một quốc gia có tên nước Mỹ.

Càng xuống gần đáy vực càng nhìn rõ sông Colorado, nhưng chẳng phải vì thế mà dòng sông to rộng hơn. Tôi cứ thắc mắc hoài, bằng cách gì mà con sông nhỏ bé thế kia lại có thể chuyên chở hàng tỉ tỉ khối đất đá của đại vực đổ ra biển. Bao nhiêu đất đá tuồn ra biển sao biển không đầy? Bao nhiêu nước sông đổ về biển sao biển không bớt mặn? Biển rộng thế ư?

Thèm được ngủ lại Phantom Ranch một đêm, nhưng không đủ thời gian nữa rồi, đành hẹn dịp sau. Mãi đến khi leo ngược lên, tôi mới chịu thừa nhận mình hết trẻ. Vác mặt nhìn lên đại vực, sao mà xa ngái mù khơi chẳng khác chi đường về Tây Trúc. Đến đoạn nghỉ chân, gặp một đoàn du khách từ trên đi xuống cũng vừa dừng bước; để tránh cái nắng thiêu đốt và bụi, vị mô vị nấy trùm kín đầu mặt, chẳng còn phân biệt nổi ai với ai. Bỗng giật mình vì... một đôi mắt. Một đôi mắt đen, sâu thẳm, thông minh và cực kỳ có hồn. Tôi có thói quen thẩm định người qua đôi mắt, và tôi thừa nhận rằng gần như chưa bao giờ sai. Thủ đắc một đôi mắt như thế quả là ơn phước. Đôi mắt ấy hẳn không chỉ được kết tinh từ nội lực bản thân, từ huyết thống dòng họ, mà còn từ khí sắc văn hóa của một dân tộc. Tôi không hiểu cô ta là người nước nào, nhưng dù là nước nào đi nữa thì cũng phải cám ơn thượng đế đã cho cái trần gian máu lửa này còn có những đôi mắt như thế. Nhớ hồi sang Ai Cập, lang thang trong khu chợ ở Louxor, tôi cũng đã gặp một đôi mắt - một đôi mắt cực đẹp. Nhớ câu thơ Nguyên Sa, tôi vừa lẩm bẩm vừa cười thầm: “Nếu còn làm vua ở một triều đình thịnh trị thuở xưa tôi sẽ không ngần ngại mặc áo mão cân đai ra đứng giữa cửa thành bắc loa gọi em về làm hoàng hậu”. Không biết đôi mắt ấy bây giờ ra sao... Mãi ngẩn ngơ với bao chuyện cũ, tôi giật mình, bởi từ đôi mắt kia, một thứ tiếng nói gần gũi như máu thịt, thân thiết như mẹ cha: “Chị ơi cho em chai nước”. Tôi sững sờ. Thì ra đó là đôi mắt Việt Nam. Chao ơi, một đất nước còn nghèo nàn cơ cực thế, sao lại có được đôi mắt đẹp và chất ngất đến vậy.

Xế chiều chúng tôi chia tay Grand Canyon và chia tay nhau. Lâm, Thọ thẳng đường Phoenix, thầy trò tôi rẽ phải về Cali. Lại băng qua dặm dài sa mạc, hết Arizona đến Nevada. Sa mạc châu Phi chỉ cát và cát, sa mạc châu Úc lúp xúp như cây cối vườn nhà ai, còn sa mạc Mỹ toàn núi đá cằn khô. Để thu ngắn đường về, Khiêm nhắc kỷ niệm thuở học trò... Hồi ấy thầy nói nhiều điều em còn nhớ mãi, trong đó có những điều trở thành kim chỉ nam của em. Tôi hơi hoảng, không biết tôi đã nói những gì. Tôi hỏi, ví dụ như thầy đã nói gì? Dạ, ví dụ, có lần thầy nói: Đầu tư cho vợ con là đầu tư có lời nhất. Chỉ những người đàn ông thông minh mới nhận ra điều đó. Tôi cười, thế thì thầy nói cũng hay đấy chứ. Khiêm: Dạ. Bây giờ thì tôi bắt đầu nhớ ra. Nhớ cả có lần tôi kể cho các em câu chuyện ngài Carnot, thủ tướng nước Anh. Dịp cùng đoàn tùy tùng kinh lý, thấy bên kia đường một cụ già, nhận ra đó là thầy cũ, thủ tướng cho xe dừng lại rồi chạy theo, cầm tay cụ già thưa: Thầy ơi, con là Carnot đây, con là học trò của thầy đây, thầy có nhận ra con không? Rồi tôi nói với các em về lòng biết ơn - Lòng biết ơn, đó là tài sản vô giá, là nét đẹp lung linh, là kỳ quan trong tâm hồn mỗi người. Tôi nay tuy không còn trẻ nhưng chưa đến mức để Khiêm phải nhắc “Con là Khiêm đây, là học trò của thầy đây, thầy có nhận ra con không”. Là bởi vì tôi còn tỉnh táo để biết rằng, trừ vòng máy bay khứ hồi Việt Nam - Mỹ (tôi được hưởng tiêu chuẩn của con gái làm ở Singapore Airlines), toàn bộ chi phí ăn, ở, đi lại, bay dọc bay ngang trên đất Mỹ, từ Mỹ xuống Brasil, từ Brasil về lại Mỹ, qua Canada, đều do từ tấm lòng sâu nặng của Khiêm.

Khi viết mấy dòng này để kết thúc thiên bút ký, tôi nhẩm tổng kết, thế là chuyến lãng du sang Mỹ năm 2008, tôi đã may mắn được đi qua nhiều nơi, được gặp gỡ nhiều người, được chiêm ngưỡng nhiều kỳ quan, trong đó có một kỳ quan tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại vô cùng lớn lao, ẩn khuất trong trái tim mỗi người.

N.V.D
(270/08-11)







Các bài mới
Xóm Ngự Viên (01/09/2011)
Tiểu đầu đà (26/08/2011)
Các bài đã đăng