Tạp chí Sông Hương - Số 270 (tháng 8)
Dòng sông máu
09:28 | 21/08/2011
PHẠM PHƯƠNG Thằng bé đứng bên sông. Nó thấy màu đỏ ửng phía chân trời, nơi có hàng thùy dương và con đường đất ẩm. Đứa con gái nhà ai, trong làn khói lam chiều rơm đốt giữa mùa, mặc một bộ đồ cỏ úa, đang tha thẩn nhặt cỏ gà.
Dòng sông máu
Minh họa: Thái Ngọc Thảo Nguyên
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Dòng sông lững lờ trôi. Nhiều chỗ hố cát ngầm có những dòng xoáy nhỏ. Những cái xoáy nước cứ lớn dần lên rồi tan ra. Bầu trời hoảng hốt xua mây đi mãi. Trên trời chỉ trơ ra vài con cò gầy, chân khẳng khiu thả xuống vì mệt mỏi. Chúng không lướt đi mà xoải cánh đập như những tên trọc phú cố gắng làm mấy câu Đường luật mà không làm nổi. Ôi! Tháng Sáu rơm vàng. Lưng chừng chơ vơ, lưng chừng cô đơn trải xuống dòng sông đỏ ngầu màu máu.

Thằng bé vạch quần đái tồ tồ xuống sông. Cơ mặt nó dãn ra đầy khoái cảm. Dòng nước vàng như hổ phách chảy ra từ người nó hòa với dòng nước đỏ ngầu phía dưới. Một lúc sau, nó rùng mình, kéo quần rồi nhìn ra xa. Nó tự nhủ, chắc đứa con gái không nhìn thấy mình đâu. Tẩn ngẩn một hồi, thằng bé đi về phía hàng rào cột bê-tông vài chục cái, to như những cây xoan ngăn bãi cát với những thửa ruộng trồng rau bên trong, đang lù lù thách thức nắng gió.

Trước đây, không có hàng cột này, đất bị xói lở nhiều.

Ngôi nhà của nó, một ngôi nhà gỗ được ghép lại bằng những tấm ván mốc thếch. Thân cây không gọt vỏ cong queo lại bởi nắng gió. Một căn nhà chỉ cần có mái và vách là đủ, bố nó vẫn bảo thế. Vách nhà hình như đã thủng. Trước đây, mấy lần mẹ nó bảo sửa mà bố còn lừng chừng. Đứng từ ngoài bãi cát nhìn vào nhà một lúc, thằng bé ngồi phịch xuống, khom khom giữa những cây cột bê-tông. Nó vun cát thành đống nhưng cát khô cứ chảy trượt ra.

Bãi giữa sông Hồng, mùa cạn, cả một vùng trời bao la, xanh rì lúa ngô khoai sắn. Bờ bên kia, những ngôi nhà to lớn mọc lên, chen chúc nhau, còn có một tòa cao ốc đồ sộ, kính xanh rọi xuống làm một khoảng nước sông nhợt nhạt.

Bãi phù sa giữa sông Hồng này có từ bao giờ không biết nữa. Mùa nước cạn mới trở thành trù phú, sau đó ngập ngụa bùn đỏ, nước đỏ. Tràn ngập màu máu trên những thớ đất cát bở tơi, yếu ớt. Những ngôi nhà sàn của dân ngoại tỉnh đến trồng rau bị bỏ hoang. Xác rau, xác chuột, quần rách, áo rách và rơm rác trôi nổi, thối rữa. Lục bình vẫn nở hoa, bơi từ phía thượng nguồn xuống nhưng bông hoa trắng nhớt. Có lẽ nước sông đã hút hết màu tươi mát, ngọt ngào của nó rồi.

Thằng bé vằn vò đống cát. Phía xa, cây cầu sắt rung lên bần bật dưới sức nặng của con tàu đang lừ lừ tiến đến phía nội thành. Con tàu xanh mốc như cánh cung dẻo dai đang uốn lượn - một con rắn già cỗi và thảm sầu. Vạt trời màu khói, ửng đỏ. Con tàu như muốn tiến tới mà lại như rụt rè. Phía trước nó, những căn nhà hình khối, vững chắc như một định kiến.

“Lộc, về đi con.”

Người đàn ông nhỏ thó, nước da đỏ tái, mái tóc cắt vội, nham nhở đưa bàn tay to xù về phía thằng bé. Đôi mắt buồn với hàng mi tơi tả như thể đã để giọt sương nào làm nó rũ xuống từ buổi sáng. Dòng suy nghĩ chảy trên mặt ông bật thành nước đổ xuống dòng sông im lìm. Thằng bé thấy thế thì chạy đến níu lấy tay ông.

“Bố ơi, tàu kia từ đâu về?”

Ông nhìn đứa con hồi lâu rồi nói:

“Xa lắm con ạ.”

“Xa lắm là ở đâu?”

“Thì ở xa lắm...”

Vẻ mặt ông khổ sở như van nài đứa con: “đừng hỏi nữa”.

“Ứ, bố chẳng biết thì có.”

“Ở bên Tàu về.”

Thằng bé thấy tiếng của bố nó kéo dài như khẽ rít từ kẽ răng ra thì im bặt. Mỗi khi như thế, mắt bố trông rất đáng sợ.


Sông Hồng đổ về từ Trung Quốc. Lịch sử cuồn cuộn trong lòng nó. Thời gian trôi qua, chỉ có cái chết là trở thành vĩnh hằng. Con sông vĩnh hằng này được tạo thành từ những cái chết vĩnh hằng. Trong sóng có khuôn mặt của Kinh Dương Vương, nhìn lại lần cuối đất mẹ phương Bắc để bước chân về phương Nam, có khuôn mặt dữ dội của Lạc Long Quân chiến đấu với thủy quái, có khuôn mặt của Ngô Quyền, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn... Và dòng máu của những người đã chết đỏ ngầu. Những cái chết ấy vẫn còn vương vấn đâu đây như những linh hồn ứa lại phía triền sông, bên bờ bụi, bãi bồi.

Người đàn ông nói với đứa con, “Ta vào nhà thôi.”

“Đợi con rửa tay đã.” Đứa trẻ hồn nhiên nói.

“Nước sông bẩn lắm, vào giếng rửa.”

“Chúng ta không đợi mẹ nữa à?”

“Mẹ mày không về nữa.” Mắt người đàn ông vằn lên tia máu đỏ lừ, quầng suốt một khoảng trời góc cạnh. Hạt sương nặng trĩu trên mi đã bay biến trong không gian khô khốc. Ông đẩy đứa trẻ ngã dúi xuống triền cát khô, rồi đi như chạy về phía căn nhà gỗ ọp ẹp đang run rẩy trong gió cuối ngày.

“Bố nói dối, bố nói dối con, mẹ sắp mua robot về cho con...”, đứa trẻ vừa khóc, vừa gào vừa giẫy giụa chân, bụi cát quanh nó bay mù mịt. Người bố đã đi xa, bóng đổ xuống những thửa rau nhũn nhẽo vì màu xanh nhức mắt.

Trời đất quay cuồng. Đám khói nhà ai phía dưới đuôi bãi quyện thành đặc quánh như bát cháo lúc giáp hạt. Hạt buồn vữa ra nhạt thếch. Tiếng gào của đứa trẻ the thé, hóa thành cánh nhạn bay về kí ức.

Lúc nào nước lên, toàn bộ bãi bồi trở thành nước, những gia đình ngụ cư lại lục tục kéo nhau về quê. Trước đó, có một vài dấu hiệu báo trước. Một đêm giao thời giữa thời điểm nước cạn và nước lên ấy, cô gái gục xuống bờ sông, máu khô cứng lại trên đôi vai mỏng manh. Cô cố gắng bò đến gần mép nước, vốc một ít vã vào vết thương và uống. Nhưng cô nhè ra ngay và ho lên khùng khục. “Tanh quá,” cô lẩm bẩm bằng một giọng hết hơi rồi gục xuống.

Người đàn ông đứng tuổi vội vã chạy đến nhặt cái xác mềm nhũn. Sau hôm đó, nước nổi lên ngập tràn.

“Sao cô lại làm cái nghề này?” Người đàn ông nhìn vào cô gái và hỏi với vẻ khinh miệt.

“Tại sao anh lại trồng rau?” Cô gái nhếch mép cười bất cần. Nụ cười rất lâu sau đó vẫn còn đọng lại trên khuôn mặt xanh nhớt của cô và cả không gian quanh cô nữa.

“Vì tôi là nông dân.” Người đàn ông lẩm bẩm trong miệng.

“Vì tôi là điếm.”

Từ lần đó, họ không hề nói chuyện với nhau. Một năm sau, thằng bé ra đời. Nó sinh ra giữa mùa nước nổi. Bố nó không về quê nữa, mỗi ngày đều cầm sào xua rác rưởi, chuột chết, rau thối ra xa ngôi nhà của họ.

Thằng Tàu đó, chính nó...

Một con tàu thủy với cột hoa tiêu có dải rèm tựa như lưới đánh cá rủ xuống vai một gã thủy thủ to lớn, mắt một mí, da mai mái rám nắng, tóc đen như mun. Gã nói tiếng Việt trọ trẹ một cách nực cười và luôn lắc lư khi ở trên bờ như thói quen của đám thủy thủ say đất liền khác.

Con tàu tấp vào gần bãi bồi đúng mùa nước cạn. Những người thủy thủ ùa lên bãi. Có người mang về tàu hàng đống nhu yếu phẩm. Có người đi luôn, mãi khuya mới mò về tàu trong dáng vẻ ngờ nghệch, phê rượu, phê thuốc hoặc phê gái.

Buổi sáng sau đó một ngày, Gã Tàu ngồi phía mạn tàu, nhìn chằm chằm vào người thiếu phụ mặc tấm áo rẻ tiền mỏng tanh, dẫn đứa con nhỏ lang thang ở bờ sông để mò hến. Đôi vai người thiếu phụ rũ xuống như cách những trễ nải đang dần ăn mòn hết xúc cảm trong tim nàng. Khuôn ngực đầy đặn căng lên, dòng sữa ngọt ngào sắp trào ra, ướt át. Gã cảm thấy phía dưới mình bắt đầu cương cứng. Những giác quan cào xé trong quần gã. Nàng Lolita của gã mò mẫm những con vật trắng ngà, nhỏ bé và mỗi lần bắt được một con, mắt nàng lại lóng lánh niềm vui, nhìn về phía đứa con. Gã dần mê đi, dường như quên hết thứ mùi tanh tưởi và màu ghê rợn của nước sông, quên đi cái nắng bỏng rát của xứ sở nhiệt đới buồn thảm này. Gã nhìn thấy bóng nàng thoát khỏi tấm áo rẻ rúng ấy, thoát ra chiếc chậu nhựa với những con hến ấy. Nàng hoàn toàn trần truồng, vùng vẫy trong lòng sông. Màu đỏ của nước và màu làn da phương Nam của nàng quyện lại như mật mía với bánh rán.

Gã nhảy từ boong tàu xuống. Người thiếu phụ giật nảy mình, ngước mắt sửng sốt. Gã trồi lên, như chừng muốn đến gần nàng hơn. Nàng bỏ lại chậu hến, hoảng hốt bế con chạy vào nhà. Trong nhà, tiếng đàn ông ồm ồm.

Đêm đó, gã Tàu nằm thườn thượt trên những tảng đá ở mép nước. Nước đỏ đặc phù sa. Ánh trăng xỉa vào cơ bắp cuồn cuộn của gã.

Trong nhà.

Người thiếu phụ nằm trên giường. Đứa con nhỏ đã ngủ, hơi thở nhè nhẹ, chiếc lưỡi nhỏ bé lấp đầy khuôn miệng còn hơi sữa của nó. Người đàn ông, chồng nàng, im lìm động chạm phía trên nàng. Nàng cảm thấy hai chân mỏi mệt, duỗi thẳng. Họ làm tình không một tiếng rên, im lặng như những con nhện giăng tơ trong ngôi nhà chẳng thể tạo thành kí ức. Nàng nhắm mắt, tưởng như có thể ngủ quên, chỉ để cảm nhận tiếng ánh trăng đang nhả lung linh xuống bờ sông. Bụi chuối đầy sương đêm nhỏ xuống đất như tiếng khóc rỉ rả.

Vài ngày sau, con tàu nhổ neo. Thằng bé thường ra bờ sông mò hến một mình. Người đàn ông ốm liệt giường hết mùa cạn năm ấy. Ruộng rau thối rữa không ai thu hoạch. Nếu có ai nói đến chuyện giúp đỡ, ông ta lập tức nổi điên. Vào một buổi sáng đẹp trời, ông cuốc hết mấy thửa rau, ruột rau trắng trộn lẫn đất, be bét.

Thằng bé khóc chán chê, rồi lại xuống dưới sông chơi trò gấp thuyền bằng lá chuối. Nó ấm ức với bố nó, những tiếng nấc cụt làm nó cảm thấy tủi thân đến nỗi mỗi cái thuyền thả xuống sông là một lần nó nghĩ: “mẹ ơi, về với con, con ghét ông ấy lắm.”

Thuyền lá chuối không bơi về phía “Tàu”, mà bơi về phía biển.

Nghe nói nước phía đó rất xanh. Biết đâu, mẹ đã ở ngoài biển chờ đợi có tiếng thì thầm của nó sẽ quay về.

Chảy nhanh đi sông ơi...

P.P
(270/08-11)








Các bài mới
Xóm Ngự Viên (01/09/2011)
Tiểu đầu đà (26/08/2011)
Các bài đã đăng