Tạp chí Sông Hương - Số 270 (tháng 8)
Xóm Ngự Viên
08:27 | 01/09/2011

NGUYỄN VĂN UÔNG

Hôm nay có một người du khách
Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên         
 

(Xóm Ngự Viên - Nguyễn Bính)

Xóm Ngự Viên
Đường Ngự Viên - Ảnh: thuathienhue.gov.vn
Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Rời vùng quê khói lửa phía Bắc kinh thành Huế, không biết từ cơ duyên nào, nội tôi chọn xóm Ngự Viên làm nơi lánh nạn cho gia đình trong khi vùng Lý Thiện, Thượng Thiện, Xã Tắc, Nam Đài… phía Tây Nội thành có nhiều người đồng hương quen biết. Đó là vào những năm cuối thập niên bốn mươi của thế kỷ trước, chiến tranh ngày càng ác liệt ở các vùng quê ngoại thành, nội tôi mất chồng và người con trai trưởng. Mấy năm sau, khi tôi lên bảy, nội tôi đón tôi lên phố ở cùng chú và các cô tôi chờ chiến tranh kết thúc. Trong trí nhớ của tôi còn rất rõ hình ảnh căn nhà tranh tồi tàn, lụp xụp cuối con kiệt nhỏ xóm Ngự Viên, mùa nắng khai nồng mùi nước tiểu, mùa mưa lầy lội bùn đất nhầy nhụa không chọn được một chỗ tạm sạch để đặt bước chân.

Xóm Ngự Viên ở phía Đông thành phố Huế. Qua cầu Gia Hội, thẳng xuống con đường cùng tên, qua khỏi rạp chiếu bóng Gia Hội, cách mả ông Trạng chừng hai mươi thước rẽ sang trái là đường Ngự Viên. Đường có nhiều kiệt, tôi rẽ vào kiệt một, qua mấy khúc gấp cùi chỏ, nhà nội tôi sát bờ tre ẩm thấp, phía sau bờ rào vườn hoa của Hội Thánh Tin Lành mà tôi nghe nói trước kia đó là vườn Thượng Uyển. Theo giấy tờ hành chánh, chỗ tôi ở ngày đó thuộc phủ Thọ Xuân, phường Phú Cát, quận Tả Ngạn. Trong khu vực có một phủ vương uy nghi và nhiều con cháu hoàng phái gọi nhau là Mệ, là Mụ. Những nàng tôn nữ và các hoàng tôn quanh tôi cũng sống bình thường như chúng tôi, cùng chơi đùa, nghịch phá, tuy cuộc sống cơm áo không đồng đều như nhau. Chiến tranh kết thúc, gia đình tôi đã thích nghi với cuộc sống thành thị, vẫn lưu lại xóm Ngự Viên hơn mười năm trước khi chuyển đi nơi khác.

Xóm Ngự Viên để lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Bỏ đi những phần đau xót thì cũng có những điều còn đậm trong ký ức tôi.




Một chuyện tình

Phải! Một chuyện tình ngang trái nhưng rất đẹp của một hoàng tôn và một tôn nữ.

Nhà nàng trên đường Ngự Viên. Nhà chàng ở trong đất phủ. Tuổi thơ hai người chung trường tiểu học đi về có nhau. Hai người lớn lên bên nhau khắn khít, chơi đùa thân mật như anh em khi ở trường cũng như về nhà. Lên trung học, nàng nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình thì cậu hoàng tôn không còn tha thiết đến học hành, suốt ngày lêu lổng, lang thang.

Thời gian thấm thoát trôi qua, chàng hoàng tôn trở thành một thanh niên tuấn tú, thân hình cường tráng như một lực sĩ. Chàng mê say luyện tập thể hình hơn học tập và ý chí lập thân. Lớn lên, cô tôn nữ có khuôn mặt diễm kiều, không son phấn vẫn ửng hồng tự nhiên, đôi môi mọng đỏ luôn tươi cười. Mái tóc mượt mà buông xõa bờ vai, chấm ngang lưng dưới vành nón trắng. Bố mất sớm, cô sống với mẹ cùng ông bố dượng. Cô làm công nhân trong cơ sở sản xuất của gia đình cậu hoàng tôn. Cuộc sống có phần lam lũ không xóa hết dấu vết đài các, thanh tú vốn có của nàng tôn nữ tuổi tròn trăng. Hai người gần gũi nhau hơn. Mỗi sáng chàng đón nàng ngoài cổng xóm. Chiều tan tầm chàng đưa nàng ra kiệt về đường Ngự Viên. Hai người đi bên nhau, con đường xóm tồi tàn như sáng hẳn lên. Đôi lần, người ta còn thấy hai người nắm tay nhau trên đường Ngự Viên, đường Gia Hội mỗi chiều nắng nhạt hoặc mỗi tối trăng lên. Tóc nàng nghiêng mái xỏa kín vai chàng tình tứ. Người trong xóm Ngự Viên ai cũng nghĩ đó là cuộc tình đẹp, xứng đôi vừa lứa.

Nhiều lời đơm đặt của người trong xóm đến tai các bậc sinh thành của hai gia đình. Theo phả hệ phủ tộc, hai người vẫn biết không thể nào đến được với nhau. Hàng rào huyết thống không cho phép cuộc tình đi đến kết quả hôn nhân. Chưa có sự can thiệp của gia đình nhưng chàng và nàng đều ý thức được sự ngang trái nhưng không thể rời xa nhau được. Cuộc tình cứ kéo dài. Có những khi nàng gục đầu để nước mắt thấm ướt vai chàng trong những đêm hẹn hò. Có những đêm hai người dạo chơi thật khuya và bên nhau ngắm trăng trên cầu Gia Hội, nhìn dòng nước đen gầu màu đêm và những chiếc đò neo đậu dưới gầm cầu, suy nghĩ xa xôi. Thế rồi một quyết định thật khó khăn đã đến. Nàng tham gia vào một đoàn văn nghệ thông tin đi xa khỏi xóm Ngự Viên như trốn chạy cuộc tình oan nghiệt. Đêm họp mặt bạn bè tiễn đưa nàng ra đi, trong sân vắng của vương phủ rụng đầy lá bàng, tôi vẫn còn nhớ loáng thoáng tiếng hát ngọt ngào, run run từ đôi môi xinh xinh của nàng văn công sắp vào nghề gởi lại chàng: “Quê hương bây giờ buồn chim trắng thôi bay. Tiếng gió thôi đành ngừng hoa thắm không lay… Quê hương đâu nào còn tiếng hát năm xưa. Tiếng guốc thanh bình đùa mái tóc đung đưa. Da thơm đâu nào còn ửng nắng ban trưa. Tương tư bao mộng đời lòng khóc giữa đêm mưa… Rồi một chiều kia…”.

Nàng đi biền biệt không một lần trở lại xóm. Chàng thẩn thờ như người mất trí. Năm sau đến tuổi quân dịch, chàng đăng ký vào một đơn vị chiến đấu, xa nhà, xa bạn bè, xa xóm Ngự Viên. Mối tình ngang trái ấy lãng quên dần trong trí nhớ người dân trong xóm.

Cuộc đời quân ngũ kéo chàng đi đến nhiều nơi có chiến trận. Những đêm trên vọng gác tiền tiêu, nhìn ánh hỏa châu chàng nhớ ánh đèn đêm thành phố ngày nào cùng nàng sóng bước bên nhau. Quê hương xa mờ ở phương trời nào chàng cũng mất dần định hướng. Tuổi đời được tiếp nối với tuổi quân. Có những lần chàng chán chường, tuyệt vọng với những việc vô bổ hằng ngày nhưng không cách nào thoát ra được, chàng đã nghĩ đến giải pháp cuối cùng. Một lần chuyển quân qua vùng hậu cứ chàng gặp nàng tình cờ trong một buổi văn công trình diễn phục vụ chiến sĩ. Nhìn thấy chàng trong đám khán giả trân trân nhìn mình, cô văn công khựng người, giọng hát bối rối, lạc điệu. Xong tiết mục, lui về hậu trường, nàng báo mệt và không tham gia chương trình còn lại. Hai người gặp nhau nghẹn ngào tiếng cười rồi chia tay trong nước mắt. Cô ca sĩ văn công vẫn mái tóc thề trong bộ áo lính, vẫn hát nho nhỏ, thủ thỉ riêng với chàng “tiếng hát năm xưa”. Nước mắt đẫm vào giọng hát, thấm ướt mái tóc xỏa lạnh vai chàng. Trăng khuya ngoài sân doanh trại rải sương ướt đệm cỏ, mang hơi lạnh ôm ấp khối tình chết trong vòng tay. Rồi cũng tiễn đưa! Một người lên xe trong đêm khuya về theo đơn vị, một người ngồi lại nhìn trăng thầm nhớ theo.

Ra quân, chàng trở lại xóm Ngự Viên mang theo vết đạn trong người. Chàng cô độc sống lặng lẽ trong phủ một thời gian rồi bỏ hết cơ ngơi về sống ở vùng sơn địa phía tây thành phố, nơi làng mạc vắng vẻ có nhiều chùa chiền. Chàng xuống tóc, mặc áo chàm, sống đời cư sĩ đạo hạnh, hôm sớm theo tiếng kinh mỏ nhà chùa. Nàng thì sau lần đoạn tuyệt mối tình ngang trái ra đi, không lần trở lại xóm Ngự Viên, không ai biết nàng còn hay đã mất. Căn nhà ngoài đường Ngự Viên của nàng ngày xưa đã thay chủ. Những chủ nhân cũ ngày xưa nay ở nơi đâu?

Bún bò mụ Rớt

Bún bò Huế bây giờ là món ăn bình dân phổ biến không chỉ ở Huế mà có mặt ở nhiều vùng miền khắp cả nước. Vào các tiệm bún bò, dù ở trong Nam hay ngoài Bắc, tuy bảng hiệu xác định rõ ràng thương hiệu bún bò Huế, nhưng mỗi miền có một cách pha chế theo khẩu vị khác nhau. Chính tại Huế quê hương, những người già khó tính khi thưởng thức món ăn truyền thống này cũng có những hẫng hụt khi nhớ lại tô bún bò Huế ngày xưa.


Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Ảnh: internet (chỉ mang tính minh họa)

Ở xóm Ngự Viên, tuổi thiếu niên, lần đầu tiên tôi được ăn bún bò từ một gánh bán dạo bình dân của một người mà sau đó đã phát triển thành thương hiệu bún bò Huế lừng lẫy đất kinh kỳ và vươn xa tận Sài Gòn hoa lệ: Bún bò mụ Rớt.

Cứ sau bữa trưa, mặt trời nghiêng bóng nắng, một người phụ nữ mảnh mai trong chiếc áo dài nối vạt, với đòn gánh quằn vai, bước từng bước chậm chạp, bấm chân đi lên con dốc từ phía bờ sông. Qua khỏi sới gà có những chú gà đá đầu đỏ trụi lông, ngứa cựa hung hăng trong dãy bội lồng tre, như muốn xổ lồng xung trận, đôi quang gánh nặng nề ấy băng qua xưởng mộc chú Tiềm, vượt đường Gia Hội vào xóm Ngự Viên, chọn chỗ thích hợp đặt gánh bún chuẩn bị múc những tô bún đầu tiên cho khách ăn hàng.

Gánh bún mụ Rớt bên ngoài không có gì đặc biệt hơn những gánh bún dạo khác. Ở một đầu quang gióng, cái nồi thiết hình cầu tròn gò rộng miệng, đầy nước bún nổi lớp váng đỏ mỡ màng. Đầu quang gióng kia nào là bún, thịt, gia vị bày trên chiếc trẹt tre xếp chồng lên thúng bún cùng nhiều tô chén và phụ kiện dùng cho một gánh hàng ăn lưu động.

Đặt gánh bún xuống vừa kịp sắp dọn xong đã có người đến ăn hàng. Mụ phục vụ khách không ngơi tay, đôi khi có sự giúp đỡ của cô con gái nhỏ. Đôi tay thoăn thoắt của mụ lấy bún vào tô, xếp lên mặt bún những thăn thịt bò luộc dài dài. Bằng chiếc vá cán dài, mụ khuấy đảo nồi nước chọn vài lát thịt bò nấu. Khi đã vừa ý cho một tô bún phục vụ khách, cái vá ấy lại khuấy điệu nghệ lên màng váng mỡ để múc nước và sớt váng mỡ tưới vào tô bún. Vài cọng hành ngò xắt dút rải lên và rắc thêm ít tiêu là đủ qui trình chế biến một tô bún. Khách hàng chen chúc ngồi quanh gánh bún trên những cái đòn thấp thấp. Không có bàn để đặt tô bún xuống, khách bưng tô bún ăn cho đến hết rồi trả lại tô cho mụ, sau đó uống nước đứng dậy nhường chỗ cho khách mới. Khách ăn nơi này thưa dần, mụ quảy gánh đi nơi khác. Mỗi buổi chiều mụ thay đổi địa điểm nhiều lần. Những chiều ít khách ăn mụ gánh vào trong các kiệt rao bán từng nhà.

Khi bún mụ Rớt đã có khách quen, mụ ngồi hẳn một chỗ không còn bán dạo, có khi ngồi ở hiên ngôi nhà gạch bên phải đường Gia Hội, có khi ngồi ở căn nhà cổ bên phải đầu đường Ngự Viên, gần nhà một thầy giáo già nghiêm trang có những người con học hành tử tế. Khi khách quen đã nhiều, mụ thuê hẳn gian nhà để mở quán. Quán không có bản hiệu nhưng thực khách tấp nập vào ra. Khách hàng của mụ lúc này không còn là người quanh quẩn gần xóm Ngự Viên, Gia Hội mà là cả thành phố và sau này có cả những người từ nơi xa về Huế ghé lại thưởng thức hương vị bún mụ Rớt.

Khi quán bún mụ Rớt làm ăn phát đạt, tôi không còn ở xóm Ngự Viên. Là một học trò nghèo, ki cóp được năm ba đồng tôi ghé quán mụ. Những sợi bún săn chắc, những cọng hành ngò xắt dút xanh xanh bắt mắt, thêm hương vị thơm cay bốc lên từ tô bún, đưa muỗng nước bún lên miệng, nước miếng tôi cứ ứa ra, không ngăn lại được. Nhai những miếng thị bò luộc và thịt bò nấu bùi bùi thơm thơm không ngấy mùi mỡ, thêm vào vài sợi bún và một muỗng nước, muốn giữ lâu trong miệng để thưởng thức hương vị đặc trưng tô bún Huế cay nồng, đượm đà nhưng đành bất lực vì nó tuột xuống cổ lúc nào không cưỡng lại được. Sức trẻ đang lớn, tô bún hết nhanh quá. Mặt đỏ lên, nước mắt nước mũi cay xè miệng vẫn rạo rực húp từng ngụm nước cay nồng và nghe tiếng hít hà nho nhỏ, rất riêng của những người ăn tô bún bò mụ Rớt.

Vào thời đó, những đoàn cải lương và các chương trình đại nhạc hội của giới nghệ sĩ Sài Gòn thường tổ chức lưu diễn ở Huế. Quán bún mụ Rớt tấp nập khách hơn. Nghệ sĩ Sài Gòn vào thưởng thức món ngon nổi tiếng xứ Huế. Người Huế vào quán ăn để được nhìn tận mắt các nghệ sĩ. Người miền Nam không ăn cay được nhưng vẫn cố chịu cay để thưởng thức bún mụ Rớt. Cái cay không chỉ từ muỗng tương ớt gia vị thêm vào theo khẩu vị từng người mà cay sẵn trong nước bún. Cái ngon của bún bò mụ Rớt là ngon cả tiếng hít hà chảy nước mắt, nước mũi và tiếng húp loạt xoạt vội vàng từng ngụm nước cay để rồi cứ hít hà mãi.

Bún bò mụ Rớt trở thành món ẩm thực phổ biến của người Huế thời ấy như chè Ga, bánh bèo Ngự Bình, bánh khoái Thượng Tứ, bánh canh Nam Phổ. Nhiều quán bún bò khác mọc lên trong thành phố nhằm chia xẻ thị phần, tạo thành thương hiệu bún bò Huế. Cách chế biến của mỗi quán có khác nhau theo khẩu vị của từng chủ quán và yêu cầu của khách hàng. Để giảm bớt thịt, hạ giá thành cô chủ quán chêm vào ít măng khô hay miếng huyết luộc. Khách có khẩu vị ưa ngậy béo thì chủ quán chế biến thêm khoanh giò heo. Tô bún bò có tên kép là bún bò giò heo xuất phát từ đó. Có người cải biên triệt để hơn chỉ dùng giò heo nấu bún, tô bún chỉ còn là tô bún giò heo. Chưa kể những loại nguyên liệu khác để có những tô bún cũng rất Huế như bún khô, chỉ dùng thịt bò, thịt heo nướng và rau, bún cá chỉ dùng chả cá, bún gà nấu với thịt gà, bún chay nấu với thực phẩm chay. Cách ăn bún cũng thay đổi. Trước đây ăn bún bò không có rau sống chuyển dần sang ăn với rau sống nguyên lá rồi rau sống xắt dút có thêm mấy cọng bắp chuối xắt mỏng. Để phục vụ những người không ăn cay được, nồi nước bún cũng bớt cay. Người thích ăn cay đã có chén tương ớt đậm đỏ quánh dính mỡ màng, chỉ cần một muỗng nhỏ khuấy vào tô bún, váng ớt đỏ ngậy lên mùi cay trông bắt mắt muốn ăn. Từ khi bột ngọt phổ biến và thông dụng trong mỗi gia đình, nồi nước bún cũng bớt đi hương vị mùi xương hầm ngọt ngào ấm dậm. Tô bún chỉ còn ngai ngái vị ngọt ngọt, chua chua quánh lưỡi đến váng đầu. Từ đó, tô bún bò Huế chỉ còn là tên gọi như biết bao tô bún khác trên khắp vùng đất nước.

Khi tôi không còn ở Huế, bún bò mụ Rớt ngày càng nổi tiếng và có lúc đã mở rộng kinh doanh, xuất hiện đĩnh đạc trên một đường phố lớn ở Sài Gòn với bảng hiệu bún bò Huế lừng lẫy. Ăn theo thương hiệu nổi tiếng, ở khắp mọi nơi, dù tô bún được nấu bằng cách nào, hương vị thế nào, ở vùng quê xó xỉnh hay chốn phồn hoa không mảy may liên hệ gì đến Huế, trên bảng hiệu treo trước tiệm, chủ quán không quên ghi hàng chữ “bún bò Huế” chào mời khách hàng.

Những lần về Huế, tôi cố tìm những quán bún bò Huế nổi tiếng để thưởng thức món ăn quê hương. Những người bạn dẫn tôi vào những quán bún nổi tiếng nhất. Tô bún đầy ắp thịt bò giò heo được bưng ra. Tôi nhìn màu nước bún nhờ nhờ váng mỡ trên khoanh giò heo trắng bệch đã hình thành ngay cảm giác mất ngon. Tôi nhấp một muỗng nước bún thẩm định hương vị ban đầu. Thất vọng! Tôi ăn tô bún chỉ với cảm giác cho xong bữa ăn sáng mà không tìm lại được gì hương vị tô bún mụ Rớt ngày xưa. Ở Huế mà tôi nhớ tô bún bò giò heo tôi thường ăn ở Đà Lạt, không hoàn toàn là hương vị tô bún mụ Rớt ngày xưa nhưng còn chút gì đó để nhớ lại. Buổi sáng cuối đông lạnh hôm ấy, ngồi trong quán bún cùng bạn bè trong khi gió xác những hạt bụi phùn vào hàng cây long não ngoài kia, tôi mơ đến tô bún cay xé lưỡi ngày xưa để được nghe mồ hôi trán lấm tấm từng giọt và tiếng hít hà tan vào cái lạnh ẩm ướt cắt da của mùa đông xứ Huế.

Ngự Viên có bướm hoa vàng

Vâng! Đó là câu ca trong một bài hát của một con người từng ở Huế, xa Huế, nhớ về Huế.

Thời mới lớn, nghe chương trình ca nhạc hàng tuần trên đài phát thanh Huế, tôi rất thích tiếng hát của các ca sĩ Duy Khánh, Hoàng Cầm, Hồng Nhân, Hà Thanh. Thế rồi các ca sĩ này lần lược bỏ Huế ra đi tìm đất dụng võ mới nơi đô thành hoa lệ. Ở Sài Gòn, Duy Khánh ngày càng nổi tiếng với những ca khúc mang âm hưởng ca Huế gởi về miền đất thần kinh thương nhớ. Tôi nhớ một bài hát do anh sáng tác và trình diễn trên các chương trình phát thanh có nhắc đến kỷ niệm với một người con gái ở xóm Ngự Viên gởi qua câu hát “Ngự Viên có bướm hoa vàng”. Không biết có thật thế không nhưng bọn con nít mới lớn chúng tôi thời đó cứ nghĩ về một người con gái và hằng ngày chúng tôi nhìn người ấy đi về xóm Ngự Viên với nhiều tình cảm ngưỡng mộ.

Đó là nàng Huyền Tôn Nữ duyên dáng vừa đến tuổi tròn trăng. Dáng người nàng cân đối, đậm đà với những bước đi nhẹ nhàng, thanh tú, khuôn mặt trái xoan và nước da trắng mịn màng. Người nàng toát lên một vẻ đài các, quí phái của lá ngọc cành vàng. Mỗi lần ra phố, chiếc áo dài vàng hổ phách sáng bóng, bó sát những đường cong cơ thể mềm mại. Tà áo bay bay như bướm lượn theo gió chiều dọc đường Ngự Viên. Có một gã lãng tử mãi đeo đẳng nàng vào ra xóm Ngự Viên bất kể sáng, trưa, chiều, tối. Những lần chàng một mình đếm bước mòn gót giày trên đường Ngự Viên. Những lần chàng cùng nàng Huyền Tôn Nữ ra vào ngõ xóm rợp bóng cây xanh mát rượi. Chàng lãng tử trở thành khách hàng quen thuộc của quán bún bò mụ Rớt và tiệm bi da trên đường Gia Hội. Khi biết đó là ca sĩ Duy Khánh, bọn trẻ chúng tôi lân la đến quán bi da xem những đường bi điệu nghệ của chàng và tìm dịp gần gũi với thái độ ngưỡng mộ người tiếng tăm.

Bẵng đi một thời gian dài không thấy chàng lãng tử về xóm, cô Tôn Nữ cũng ít xuất hiện mỗi chiếu trên đường ra phố, chúng tôi quên dần câu chuyện trên. Thời kỳ thịnh hành những bài hát về miền Trung thương nhớ phát trên sóng phát thanh Sài Gòn, gia đình tôi đã chuyển chỗ ở đi nơi khác. Mỗi lần nghe Duy Khánh hát bài ca về Huế với những ca từ có tâm sự tôi nhớ lại câu chuyện cũ ở xóm Ngự Viên ngày nào:

“Hỏi em rằng, em ở ngoài ấy ra sao?/ Má xưa còn thắm, ơ…ơ… còn thắm hoa đào?/ Mắt xưa còn xanh màu biếc?/ Nụ cười còn đẹp trăng sao?/ Hỏi em rằng câu hò câu hát năm xưa/ Có vang rộn tiếng, ơ…ơ… rộn tiếng vui đùa?/ Hay là phòng không đêm vắng?/ Ai về mai nắng chiều mưa?/ Hương Giang thuyền không chỗ đậu./ Ngự Viên có bướm hoa vàng./ Hay là hài xưa in dấu/ Đưa người đẹp ấy sang ngang…/ Ở nơi này, bốn mùa nắng cháy em ơi./ Gió lên ngập bốn, ơ…ơ… ngập bốn phương trời./ Lối xưa về xa hun hút,/ Mây chiều gọi gió chơi vơi.” (Bao giờ em quên - Duy Khánh). Ca từ làm tôi liên tưởng đến cô Huyền Tôn Nữ và chàng lãng tử ra vào xóm Ngự Viên ngày xưa. Có phải đây là những lời gởi gắm, nhắn nhủ, hỏi thăm?

Những chiều nghỉ học rảnh rỗi, tôi thường đạp xe qua xóm Ngự Viên. Ngang ngôi nhà kín cổng cao tường của nàng Huyền Tôn Nữ, tôi dừng xe nhìn vào con ngõ sâu hun hút rợp bóng mát vòm xanh. Những ca từ trữ tình trong bài hát ngọt ngào ấy vẫn âm vang trong tâm thức tôi vừa quen thuộc vừa xa lạ như dáng dấp chàng lãng tử thuở nào ngày đêm đếm bước trên con ngõ này. Cô Huyền Tôn Nữ đã sang ngang mang theo cánh bướm hoa vàng xóm Ngự Viên về nơi nào để những nốt nhạc buồn cứ cất lên da diết mãi với thời gian.

N.V.U

(270/08-11)









 

 

Các bài đã đăng
Tiểu đầu đà (26/08/2011)
Zippo (23/08/2011)