Tạp chí Sông Hương - Số 271 (tháng 9)
Những mảng rời về em và dòng sông
14:41 | 15/09/2011
LGT: Trại sáng tác văn học Hương Vân (thôn Lại Bằng, huyện Hương Trà) do Hội Nhà văn TT. Huế đứng ra tổ chức. Trong vòng 10 ngày của tháng 7 trăng vàng trong các mảnh vườn hoa trái, 10 trại viên đã để lại tình cảm sâu đậm với người dân xứ miệt vườn nơi đây bằng những trang văn đầy chất lãng tử. Bên cạnh đó, ở mặt chìm của tác phẩm, những “bụi bặm” từ xã hội công nghiệp cũng được phản ảnh một cách thâm trầm nhưng khẩn thiết...Sông Hương xin giới thiệu một số ít tác phẩm từ Trại viết này.
Những mảng rời về em và dòng sông
Đầu nguồn sông Bồ - Ảnh: Lê Vĩnh Thái
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4


NGUYÊN QUÂN


Những mảng rời về em và dòng sông


Buổi chiều vùng bán sơn địa thật lạ, từng vòm mây xám đậm ùn nhau  quần tụ trên những ngọn núi xa xa, những tia nắng cuối ngày vàng úa len qua từng khu vườn tạo nên sự mông quạnh đến nao lòng. Con đường đất ngoằn ngoèo chạy qua những khoảng vườn ra tận bờ sông. Đi giữa hàng cây Thanh Trà mùa đơm quả tươi non, mơn mởn như bầu ngực thiếu nữ, tôi liên tưởng rồi bật cười thích thú. Ngõ xóm làng quê thường lúc nào cũng vắng tanh, có cười kiểu gì cũng chẳng ngại.

Chừng mấy chục mét đi chân đất, tôi đã bước xuống từng bậc cấp xây bằng gạch loang lổ ngấn tích từng mùa lũ.

Cái bến thật đẹp, nhưng khá mỉa mai là bậc cấp cuối cùng lại cắm mình xuống lớp đất pha cát mốc thín vệt rêu khô, lổn nhổn từng mảng gạch ngói, vôi vữa. Đám phế tích ấy có một thời là những ngôi nhà, những tấm bình phong cổ xưa ghép hình tứ linh, hoa lá bằng sành sứ, một nghệ thuật tạo hình đặc biệt lan tỏa từ chốn cung đình.

Quá khứ vàng son của những ngôi nhà thờ họ tộc, của ngôi chùa làng bây giờ chỉ là một bãi đất cát, gạch đá hoang tàn. Một trận lũ khủng khiếp, được mệnh danh là cơn đại hồng thủy thế kỷ đã quét qua, xé lòng con nước vào tận giữa làng, cắt vùng đất phì nhiêu hoa trái của làng tôi thành từng mảnh rồi ném qua bờ bên kia, thành những vạt sắn, nương khoai tươi tốt.

Tôi đi dọc theo bờ sông một lúc, rồi ngồi xuống trên một tảng đá đen, khá lớn và bằng phẳng nằm sát bên mép nước. Dòng sông vốn xanh trong, sâu thẳm lúc này chỉ là một dòng nước cạn kiệt lờ nhờ vệt dầu loang. Cơn gió Nam Cuồng vẫn thổi thốc tháo qua những phế tích, đẩy về phía tôi những cọng lông tơ mang thứ cảm giác ngứa ngáy, khó chịu của loài Mai Dương mọc đầy hai bên bờ, loài cây được nhập khẩu như một thú chơi tao nhã của kẻ lắm tiền. Loại thực vật mới toanh, sống tạp và lây lan nhanh như một thứ thảm họa.

Con sông tuổi thơ của tôi từng ngụp lặn đang dần chết. Những cây Thanh Trà mang vị ngọt dịu từng là thứ sản vật tiến cung đang dần quắt khô. Ký ức về em và dòng sông cũng sẽ phai nhạt…

Nhà văn Nguyên Quân (bên phải) trong chuyến du khảo sông Bồ 
Ảnh: LVT


Mọi thứ quý giá đang mất dần. Tôi biết nguyên nhân cái chết của nó. Chính cái đập thủy điện xám xịt, đồ sộ nằm chắn ngang dòng. Chính những ngọn núi bị khai thác, bị bóc trơ ra từng mảng cằn kho đã lấy hết nguồn sống của con sông, của cây Thanh Trà và cả bầy cá thia lia đang mắc cạn trên bãi cát bạc thếch con nắng.        

Nơi tôi ngồi, trên tảng đá đen, ném từng viên sỏi nhỏ lên mặt nước, là mốc giới cuối của làng tôi. Ngôi làng có lịch sử lâu đời hàng trăm năm, với cái tên rất lạc quan “Bằng Lại”.

Ở chon von  nguồn con sông chở đầy phù sa, nhưng cũng không thiếu phần bất trắc. Hôm nay bồi, mai kia lở. Ừ thì đạo lý bể dâu, bồi rồi lại lở, lở rồi cũng sẽ bồi. Bao thế hệ người trong làng mặc nhiên chấp nhận điều ấy, vẫn vui vẻ sống chung với cố tật thích chơi trò đổi dòng của sông. Nên nhắc nhở, nhắn nhủ đời sau rồi cái gì cũng “lại bằng”. Nhưng đến bây giờ, cái đập thủy điện chắn ngang dòng chảy của con sông đã ngăn cản luôn mơ ước và lạc quan “Bằng Lại” của các cụ xưa. Con đập đó cũng làm tiêu tan thành mây khói cái viễn tưởng sông sẽ đền bồi lại diện tích gần nửa của làng trôi về phía bên kia.

Phía bên kia, bây giờ lại lời to, không còn sợ phải “trả lại cho bằng”. Có phải do chuyện bên này được thì bên kia mất, mới nảy sinh ra cái chuyện bất lập hôn nhân của hai bên. Dân quê, một đời gắn bó một nắng hai sương với cái nguồn sống duy nhất là đất, bị mất đất cũng chẳng khác gì mất máu thịt. Chắc chắn không phải cái mô típ chuyện tình Romeo-Juliet, cũng chẳng phải từng xung đột giao tranh sứt đầu mẻ trán mà ra cơ sự. Bây giờ có hỏi cũng chẳng có ai hiểu nổi, dù đã thuộc nằm lòng câu hò truyền miệng, ám chỉ việc ngăn cấm trai bên nầy lấy vợ phía bên kia. Chuyện thật lạc hậu cũ rích vậy mà vẫn tồn tại trên mối tình đầu của tôi. 

Sông thời ấy còn đầy nước, còn trong veo. Con gái, con trai hai bờ vẫn ra sông chòng ghẹo nhau. Vậy mà chẳng có một mối tình bên bồi bên lở nào có đoạn kết hoàn hảo.

Ngày đó tôi vẫn lén lút bơi qua sông. Bơi trong bóng tối, trực chỉ một ngọn đèn vàng bên kia. Cảm giác bì bõm ngợp nước trong bóng tối có lẽ với bất cứ ai cũng rất khủng khiếp. Vậy mà với tôi lại tràn đầy ngọt ngào, hạnh phúc. Qua sông chỉ để nhìn trộm em “ngồi trong song cửa” tập đánh đàn. Rồi lại lẳng lặng bơi về với nhiều giấc mộng đẹp…

Nhặt một viên sỏi nhỏ, tôi ném ra xa, một thứ âm thanh nhẹ tênh rơi vỡ, bắn tung những hạt nước li ti óng sáng. Sự óng sáng mong manh và chóng lụi tàn.

Bến quê bên dòng sông Bồ - Ảnh: LVT


Tôi chợt nhớ đến Tịnh Mỹ. Hôm qua, tôi đã nói với cô cán bộ văn hóa “Em chỉ là một bản sao của thứ đắm say thời trai trẻ”. “Em hiểu”. Người đàn bà có giọng ca, tiếng đàn mềm mại như sông, dửng dưng trả lời. “Vâng… anh rất cám ơn em”. Tôi cám ơn vì không muốn có sự lẫn lộn giữa quá khứ và hiện tại.

Người đàn bà đã đi qua một đời chồng, tất nhiên phải tự trang bị cho mình ý tưởng thật tỉnh táo, để có thể xem những gì tôi tán tụng em bằng bài thơ vừa được đăng tải  trên tờ nhật báo địa phương chỉ là thứ tình cảm lang bạt bất chợt.

Nhưng quả thật em đã bùa chài, hớp hồn tôi trong dáng ngồi ôm cây guita say sưa đàn hát ở phía mạn thuyền bên kia, phía bờ có nhiều đứa con trai, con gái ra sông hóng mát. Phía tôi vẫn từng đêm bơi qua mà không dám bỏ lại lời thề “sông cạn đá mòn”.


Mười ngày tôi về công tác ở vùng đất nóng của sự ô nhiễm môi trường. Mười buổi chiều ra ngồi bên dòng sông cạn nước. Mười buổi sáng ra ngồi uống cà phê, ở cái quán nằm ngay ngã ba đường làng đầy bụi. Bụi từ những chuyến xe siêu trọng chở đầy đất đá nườm nượp chạy suốt ngày đêm.

Bụi và khói là thứ gì đó thật thân thuộc ở đây, thân thuộc như từng chuỗi tiếng nổ rung chuyển nhà cửa, vườn tược, quăng quật những gì không có rễ bám xuống mặt đất. Loại bụi bặm, loại âm thanh quái dị của nhiều khu mỏ khai thác đất đá, của những ống khói to lớn như miệng con quái vật khổng lồ nhả khói đen đặc bầu trời. Dĩ nhiên những vườn cây, ruộng đồng, những hơi thở nhọc nhằn của người dân nơi đây sẽ là nơi đáp xuống cuối cùng của những vòm mây ủ đầy độc chất.

Em và con bé năm tuổi, xinh đẹp trong trẻo như thiên thần đang tập đánh vần từng chữ cái, phía bên trong ngôi nhà nhỏ xíu đặt trên nền móng của ngôi chùa đã bị nước cuốn trôi. Là những thứ có rễ bám rất sâu xuống mảnh đất làng. Nên vẫn có thể nói với nhau bằng thứ tiếng người. Dù nó thật nhỏ bé, khó nghe giữa những lời hứa suông, giữa tiếng động cơ xe siêu trọng, tiếng ầm ào của mìn bắn đá, tiếng gầm rú từ chiếc băng chuyền vận chuyển khoáng sản của nhà máy xi măng… Một âm vực cực kỳ hỗn độn. Vậy mà em cũng bóc tách ra được những cung bậc thật đẹp. Bằng chất giọng lúc cao vút, lúc trầm sâu. Em hát cho tôi nghe về đôi mắt trong sáng, hồn nhiên của trẻ thơ, về dòng sông trong giấc mơ hồi sinh, về cây Thanh Trà khát khao được tròn căng mật ngọt, về những con người dù phải đối đầu với bao bất trắc vẫn cố theo đến cùng cái tình người, nghĩa đất…

Không như tôi, kẻ yếu hèn chẳng dám làm tròn phận sự của một người con của làng, làm đúng trách nhiệm của một kẻ cầm bút. Phải tự bịt tai, bịt mắt trước bao thứ ô nhiễm ngay trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình.

07-2011
N.Q
(271/09-11)







Các bài mới
Sống chậm (30/09/2011)
Các bài đã đăng