Tạp chí Sông Hương - Số 18 (T.4-1986)
Lúm đồng tiền
09:50 | 04/11/2011
PHẠM THỊ BÍCH THỦY Lần ấy, tôi có dịp về quê Huy, vừa công tác, vừa nhân tiện ghé thăm Lý - vợ Huy, bạn chí thiết của tôi ngày còn ở trường đại học.
Lúm đồng tiền
Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

- Xin lỗi, nếu tôi không nhầm thì chị là chị Lý, có phải không ạ?

- Vâng... nhưng mà sao anh lại «không nhầm»... ơ, có phải anh là Tuyến... - Cái nhìn ngỡ ngàng ánh lên từ đôi mắt không thể nói là đẹp nhưng sâu thẳm, đầy ưu tư của chị.

- Thế là chị cũng chẳng nhầm đâu đấy.

Chúng tôi cười vui vẻ giữa cuộc tái ngộ của hai con người chưa hề gặp nhau.

***

Hồi cùng học Đại học, tôi và Huy rất thân với nhau. Ở quê. Huy có một người bạn gái dịu hiền, thùy mị. Năm lên mười tuổi, cô bé có vóc người mảnh dẻ, yếu ớt ấy đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Một quả bom rơi đúng căn hầm bố mẹ em đang trú, khi em đang ở trường. Từ đấy, em trở thành đứa con nuôi của người láng giềng thân thiết với gia đình em từ lâu. Người đó chính là bà cô ruột của Huy, góa chồng, không con. Lý kém Huy ba tuổi. Năm Huy nhận được giấy báo trúng tuyển đại học. Lý vào cấp ba. Ngày còn ở nhà, tình cảm mà Huy dành cho Lý là tình thương của người anh trai đối với em gái. Đi học xa, hai anh em thư từ cho nhau đều đặn. Những lá thư mang tính chất gia đình ấy ngày một len lỏi sự thay đổi tinh tế trong tình cảm mỗi người. Hai trái tim cùng rung lên những nhịp đập đồng điệu khác thường, mà chẳng cần lấy giờ phút thổ lộ làm vạch mốc.

Không bao giờ tôi nghĩ rằng mình quá lạm dụng khi được Huy cho xem tất cả những lá thư hai người gửi cho nhau, mà bao giờ cũng có vài dòng dành cho tôi; hoặc là chuyển lời hỏi thăm của tôi hoặc là gửi lời thăm tôi. Trái lại chính điều đó giúp tôi càng hiểu thấu đáo hơn bạn tôi, người yêu của bạn, người mà tôi chưa một lần gặp mặt, chỉ biết qua vài tấm ảnh chụp cỡ nhỏ. Chính những bức ảnh mà Lý gửi từ quê ra và những tấm hình tôi và Huy chụp chung ở trường là lý do của điều «không nhầm» lần ấy. Ra trường. Mỗi người nhận một nhiệm vụ khác nhau. Tôi về nhà máy cơ khí. Huy vào chiến trường. Bây giờ gặp Lý, tôi coi như gặp lại Huy sau tám, chín năm xa cách. Trưa hôm ấy, tôi ở lại dùng bữa trưa với chị. Lý làm cơm, tôi chơi với cháu bé, thằng nhỏ chưa đầy năm, thật kháu. Gương mặt bầu bĩnh nước da trắng hồng giống mẹ, cái miệng nhỏ xíu, chúm chím, trông đáng yêu quá. Không biết thừa hưởng của ai, cháu lại có đôi má lúm đồng tiền tròn xoe. Chỉ tội chẳng hề có một nét gì, dù là phảng phất, của bố.

- Chị Lý ạ, cháu bé chẳng công bằng tý nào cả. Nó ở với mẹ nên lấy lòng mẹ đấy! Giống hệt mẹ - Tôi đùa khi ngồi vào mâm.

Lý mỉm cười, nhưng tôi đã kịp nhận thấy một thoáng mây bất chợt thoảng qua màu mắt vốn đã buồn, rồi lại bất chợt tan biến. Tôi chuyện trò với Lý một cách sôi nổi. Lý ân cần hỏi han tôi về gia đình vợ con, nhưng lại rất ít nói về mình. Tôi kể cho Lý nghe những năm ở trường, nói về tình bạn đẹp đẽ của hai chúng tôi, Lý ôn lại kỷ niệm về những ngày hạnh phúc ngắn ngủi bên chồng. Tuy nhiên cho đến lúc phải tạm biệt Lý, tôi cũng chẳng biết gì thêm về Huy thời gian gần đây nhất. Ôi dào, thời buổi chiến tranh ngay cả những lá thư gửi đi cũng khó lòng đến được với người nhận! Tôi bằng lòng với ý nghĩ ấy. Nhưng sau đó, những lúc nghĩ về bạn bè, cái thoáng mây bất chợt lần ấy vẫn cứ trở lại trong tôi, mà tự mình, tôi không thể lý giải được.

Thời gian cứ trôi qua với biết bao sự kiện nóng bỏng trên đất nước này. Thế rồi năm 1975 lịch sử. Biết bao cuộc tái ngộ, đầy nước mắt và cũng không ít những nụ cười đau đớn. Miền Nam giải phóng rồi, chắc chắn ngày trở về của Huy là ngày hạnh phúc nhất của đôi vợ chồng ấy. Về phần mình, sau giải phóng, theo sự phân công của Đảng, tôi vào công tác ở miền Nam. Năm 1978, tôi mới có dịp gặp lại Huy, ngay tại quê anh. Giữa sân, Huy đang ngồi nấc lại vành rổ, thằng bé đã lớn, nó cứ ôm lấy cổ Huy.

- Ứ, bố phải cõng trả con đã, bố thua mà... - Chắc là hai bố con vừa đánh đố gì với nhau đây.

- Thì đợi bố tí nữa, bố buộc xong chỗ này, cún bông đáng yêu của bố ạ - Giọng Huy thật âu yếm.

- Huy! - Tôi bỗng thốt lên.

Anh ngơ ngác quay lại. Một phút ngỡ ngàng im lặng. Bất ngờ kỷ niệm ồ ạt xô về. Quá khứ hiện tại trộn lẫn vào nhau. Đôi mắt Huy có cả ánh vui gặp gỡ hiện hữu lẫn nét buồn mơ hồ xa xăm, một nét lạ ở anh mà bây giờ tôi mới thấy. Huy lao tới ôm chầm lấy thân hình đầy bụi đường của tôi…

Tôi hỏi thăm Lý và được biết chị đang theo học khóa đại học nông nghiệp tại chức ở tỉnh, mấy hôm nữa mới về. Còn Huy bây giờ về công tác ở ủy ban nhân dân huyện.

Đêm ấy hai đứa không ngủ. Trăng cuối tháng lên muộn nhưng càng về khuya càng sáng. Giọng Huy đều đều kể lại chuyện riêng của đời anh. Tôi thật sự ngạc nhiên trước câu chuyện, và còn ngạc nhiên hơn về thái độ bình thản pha chút thâm trầm trong giọng kể của Huy.

Cưới nhau chưa đầy tháng, Huy vào chiến trường để lại người vợ dịu hiền yếu ớt và một mẹ già đã ngoài sáu mươi. Bảy năm biền biệt. Đơn vị anh, ngày càng tiến sâu về phía Nam. Tin tức ở quê nhà thỉnh thoảng anh mới nhận được qua những lá thư hiếm hoi. Năm 1970, được tin mẹ mất, nỗi đau không thể nói hết bằng lời. Và thương lắm người vợ hiền sẽ phải sống cảnh đơn chiếc trong căn nhà vốn chẳng rộng lớn gì, nhưng đối với em từ nay sẽ thật trống trải. Nhưng, còn chiến tranh, biết làm sao được!

Năm 1972, Hải - liên lạc của đại đội Huy - được ra miền Bắc. Nhân tiện anh gửi cho vợ gói quà và một lá thư. Hải còn trẻ, mới 23 tuổi, nước da trắng mịn trên đôi má bầu bĩnh, tròn xoe đôi lúm đồng tiền. Trông Hải hiền và dễ thương như một cô gái, nhưng không vì thế mà cậu ta thiếu đi tác phong nhanh nhẹn rất cần cho một chiến sĩ liên lạc. Là đại đội trưởng. Huy có điều kiện gần gũi với liên lạc của đại đội mình. Anh nhận thấy ở Hải một tâm hồn đa cảm, pha chút yếu đuối, hay xúc động. Huy gần gũi Hải còn do sự đồng cảnh của Hải với vợ mình. Hải đi rồi, ở lại đơn vị, anh đếm từng ngày Hải trở lại để được biết tin về Lý. Một tháng sau. Hải về với gương mặt phờ phạc, có lẽ vì đi đường vất vả. Không kịp cho cậu ta tắm rửa, Huy chận Hải trước cửa, mở chiến dịch hỏi. Hải trả lời gần hết những câu hỏi đó, duy chỉ có điều cậu ta không thỏa mãn được cho anh: không có thư của Lý.

- Cậu vội đi lắm hay sao mà vợ mình không kịp viết cho mình mấy chữ?

- Dạ không, cơn bão số 6 kéo dài và, mạnh quá nên em phải ở lại chỗ chị hai ngày liền.

- Những hai ngày sao vợ mình lại không viết? - Huy ngạc nhiên - Tại sao? Tại sao?

Làm thế nào mà biết được qua ánh mắt thảng thốt như có điều gì khủng khiếp ám ảnh kia một lời giải đáp, mặc dù Hải đã ấp úng: «Chị vừa ốm dậy… nên vẫn còn mệt, thủ trưởng ạ».

Thế rồi, trận tấn công căn cứ Ninh Gian, liên lạc viên băng qua trảng cỏ trống, chuyển công văn hỏa tốc. Một viên đạn xuyên trúng ngực. Hải ngã xuống. Trái tim sung sức ấy đã không bao giờ còn đập nữa. Sau trận đánh, đơn vị đưa Hải về chôn cất ở cánh rừng tràm, bên cạnh một cây thông già đơn độc.

Ba tháng nữa qua đi sau ngày Hải hy sinh. Huy chưa nguôi bùi ngùi thương xót cậu liên lạc mà thật ra đã trở thành đứa em trai, thì bỗng nhiên, Huy nhận được thư vợ. Phong bì không đề tên người gửi nhưng nhìn nét chữ mềm mại không thể trộn lẫn kia, Huy biết ngay thơ Lý.

«Anh.

Gần 8 năm mình xa nhau. Trong khoảng thời gian dằng dặc ấy, em đã viết cho anh bao nhiêu lá thư, dù biết đến được tay anh chỉ là hãn hữu. Trong những lá thư ấy, em đã dành cho anh tất cả những lời yêu thương tha thiết nhất, những lời mà chỉ có yêu nhau người ta mới dành cho nhau. Vậy mà giờ đây, chỉ một lời yêu thương thôi, vâng, dù chỉ một lời với em cũng là điều đáng hổ thẹn. Em không dám hình dung sự bàng hoàng vì nỗi đau đớn không lường trước sẽ xảy ra trong anh, khi đọc hết lá thư này. Nhưng biết làm sao, xin anh hãy bình tĩnh nghe em nói. Năm tháng vừa qua, không đêm nào em ngủ trọn giấc không đêm nào giấc chiêm bao khủng khiếp không về ám ảnh em, khi nghĩ rằng ngày chào đời của đứa con mà em đang mang thai đang xích lại gần. Em biết anh không thể nào tin điều vừa đọc. Nhưng sự thể lại như sét đánh vậy đấy. Đứa con của em. Khi lớn lên nó có tha thứ cho lỗi lầm này của mẹ nó không? Và anh nữa xin anh hãy độ lượng với người lính của mình, Hải chính là bố của con em…

Tội lỗi này hoàn toàn thuộc về em, người vợ phản trắc bất hạnh của anh...

Khuất thị Hoa Lý»


Như bị một quả đấm vào mặt, tất cả hoa lên quay cuồng đảo lộn trước Huy. Hai ngày liền như lên cơn sốt, không thiết gì ăn uống, anh cất kỹ bức thư dưới đáy chiếc ba lô đã sờn cũ, không muốn một ai hay biết về nỗi bất hạnh của mình. Thế là hết! Giá như không có chuyến về phép, không có gói quà và bức thư: Phải rồi, đã không có lấy một dòng thư... không một lời nhắn gửi cho chồng. Hoa Lý! Huy im bặt khi thốt lên tên gọi vốn vô cùng trìu mến ấy. Thế nào, hãy nhìn thật sâu vào lòng mình đi, cái tên ấy đối với mình còn có nghĩa gì nữa không? Hoa Lý, bông hoa nhỏ thơm từng ngây ngất hồn anh bỗng nhiên như một vết cứa rạch đau xé. Đúng rồi, cái ánh mắt thảng thốt kỳ lạ của Hải năm tháng trước đây anh chưa kịp lý giải...

«Hải chính là bố của con em», Có cái gì nhói buốt trong lồng ngực thế này? Một người vợ sống bên chồng chưa trọn tháng và bảy năm đơn chiếc... Ừ, mình chưa kịp để lại cho cô ấy một đứa con, niềm an ủi thật lớn trong cảnh ngộ ấy. Một người lính mới 23 tuổi thì đã ba năm ở chiến trường, chưa một lần biết đến cái hôn nóng bỏng của tình yêu. Suy cho cùng thì họ cũng chỉ là những con người bình thường, cũng khao khát tình yêu và hạnh phúc...

Không thể thoát ra khỏi những ý nghĩ lẫn lộn dày vò, nếu như anh không cố sức bật dậy, xỏ dép vào chân bước ra ngoài. Bầu trời vẫn xanh đấy như tịnh không một thoáng gió. Mọi ý nghĩ đều ngưng đọng. Một điều gì rất mới vừa chợt đến, khiến bàn chân anh cứ bước về phía rừng tràm và cây thông già đơn độc kia. Cỏ đã kịp lên xanh, có phải là để nói với người đang sống về giấc bình yên của người đã nằm xuống? Huy đứng bất động trước nấm mồ người đồng đội, nước mắt Huy trào ra. Những giọt nước mắt vừa xót thương vừa trách móc.

Năm 1975, đất nước hòa bình. Huy có mặt trong quân đoàn làm nhiệm vụ quy tụ mộ liệt sỹ ở chiến trường về nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn. Sơ đồ ngôi mộ của Hải đã được ghi khắc trong lòng anh. Huy đã cùng đồng đội luồn rừng đến nơi Hải yên nghỉ. Bom đạn đã cày xới, san bằng ngôi mộ. Nhưng nhờ gốc thông đánh dấu tuy đã cụt ngọn, các anh đã cất được hài cốt của Hải đưa về nghĩa trang…

Khuya lắm rồi. Gió biển về đêm se lạnh. Trong hương vị mặn mà của biển mà gió đưa tới có chút gì nồng chát. Huy đã ngừng lời. Từ đầu câu chuyện đến giờ tôi im lặng. Và bây giờ cũng không muốn nói một câu gì thêm, sợ rằng một lời nào trong lúc này cũng làm cho tâm hồn anh thêm tê buốt. Tôi vẫn cầm trong tay bức thư của Lý. Màu mực lâu ngày có phai đi chút ít nhưng các mép giấy vẫn thẳng. Tôi là người thứ hai được đọc bức thư ấy và bức thư cũng mới chỉ được đọc hai lần. Có lẽ Huy không muốn phải nhìn lại lần nữa bằng chứng mà anh không muốn tin, dẫu biết rằng không thể trốn chạy sự thật.

Huy cố xoa dịu vết thương bằng cách dìm sâu chôn chặt nỗi đau khổ của mình xuống nơi sâu kín nhất của tiềm thức. Anh không bao giờ nhắc lại chuyện ấy để tránh khơi dậy nỗi dằn vặt. Anh luôn tự nhủ mình hãy bình tĩnh để xua đi sự dằn dỗi, bực bội thường xuất hiện trong lòng mỗi khi trong cuộc sống Lý có điều gì đó chưa thật vừa ý anh, trong hạnh phúc làm lại có điều gì chưa thật suôn sẽ và trọn vẹn.

Hai chúng tôi vẫn nằm yên lặng như đã ngủ. Tôi chìm mình trong một ý nghĩ, một cảm xúc gì rất giống với sự phẫn nộ trào lên. Muôn đời đáng nguyền rủa nỗi cô đơn trống trải của những người vợ mòn mỏi chờ chồng. Và muôn đời đáng nguyền rủa cái đêm mưa bão dữ dội, đêm mà hai cuộc đời đơn côi gặp nhau trong sự đồng cảnh và bất ngờ hòa tâm hồn vào nhau…

Huy ngồi dậy vặn to ngọn đèn dầu, tay với ống điếu lào mồi thuốc. Đôi mắt đen trũng sâu ánh lên vẻ đau khổ rắn rỏi. Tiếng rít thuốc ngắn và uể oải, nhưng cháu bé vẫn giật mình, trở dậy, gọi bố thảng thốt. «Ngủ đi con yêu của bố, ngủ đi rồi mai mẹ về sẽ mua quà cho con». Lời vỗ về âu yếm của anh lại khiến cháu tỉnh hẳn, và bất giác nhoẻn cười. Chao! nụ cười ngái ngủ mà tươi rói. Đôi lúm đồng tiền cứ chụm vào rồi lại giãn ra, đôi lúm đồng tiền vẫn xoáy sâu, tròn xoe, nhức nhối.

Huế, tháng 6-1985
P.T.B.T.
(18/4-86)







Các bài mới
Hy sinh (02/12/2011)
Các bài đã đăng
Bài thơ ban mai (10/10/2011)
Vào năm 1986 (07/10/2011)