Tạp chí Sông Hương - Số 119 (tháng 1)
Xem tranh "Cản nhận Huế"
16:08 | 11/03/2008
Nhân dịp kỷ niệm 5 năm UNESCO công nhận Huế là "Di sản Văn hóa Nhân loại" (1993 - 1998), Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và một nhóm họa sĩ đã cùng nhau tổ chức một chuyến đi về Huế để sáng tác tại chỗ.
Xem tranh
Họa sỹ Vĩnh Phối

Nhân dịp kỷ niệm 5 năm UNESCO công nhận Huế là "Di sản Văn hóa Nhân loại" (1993 - 1998), Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và một nhóm họa sĩ đã cùng nhau tổ chức một chuyến đi về Huế để sáng tác tại chỗ. Nhóm họa sĩ xuất phát từ thành phố gồm những cựu giáo sư trường Cao đẳng Mỹ thuật Saigon (nay là Đại học Mỹ thuật TP - HCM) như Nguyễn Văn Bảy, Hoàng Hương Trang. Những  hội viên Mỹ thuật thành phố như Quách Phong, Kim Quì, Nguyễn Phan, Lương Trường Thọ, Trần Đình Kha, Bích Nguyệt, Trịnh Trương Hưng. Về đến Huế có thêm 6 họa sĩ đang là hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên trường Đại học Nghệ thuật Huế tham dự như Trương Bé, Vĩnh Phối, Đỗ Kỳ Hoàng, Phạm Đại, Nguyễn Duy Linh, Nguyễn Thị Quang Vinh.
Trại sáng tác được bố trí tại nhà bà Tôn Nữ Liên Trì, một ngôi nhà vườn rộng lớn, ở số 176 A Tùng Thiện Vương, gần đường Nguyễn Sinh Cung, thôn Vĩ Dạ, đầy nét thơ mộng, cổ kính, đặc thù phong cách Huế.
Chi phí cho trại sáng tác do sự đóng góp của nhiều nhà tài trợ như Công ty nước giải khác quốc tế IBC, Công ty nước tinh khiết SAPUWA, UBND Thừa Thiên Huế, Hội Văn Nghệ Thừa Thiên Huế, bà Tôn Nữ Liên Trì, cùng một số thân hữu.
Trại vừa tham quan danh lam thắng cảnh, ghi chép tài liệu sáng tác và giao lưu với hầu hết văn nghệ sĩ, trí thức Huế. Đây là một việc làm đáng khen ngợi, có nhiều ý nghĩa, như lời phát biểu của ông Nguyễn Văn Mễ chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế đã đến cắt băng khai mạc phòng tranh tại Gallery Bội Trân (Khách sạn Morin Huế) chiều 15 - 9 - 1998 với đông đảo khách đến dự hầu hết là văn nghệ sĩ, trí thức, giáo viên, báo chí, đài truyền thanh truyền hình, sinh viên học sinh, cán bộ và nhân dân Huế vốn có truyền thống yêu thích nghệ thuật.
Một buổi khai mạc đầy ấn tượng với 46 tác phẩm sơn dầu, lụa, sơn mài, tạo một góc thành phố vốn cổ kính, trầm lặng, như được rực rỡ, sôi động hẳn lên bằng màu sắc đường nét, bằng hoa tươi, bằng tiếng nổ sâm-banh, lời chào câu hỏi, nét mặt vui mừng, khen ngợi, những cái xiết tay thân ái, chặt chẽ,những tiếng chạm ly giòn giã...
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, giảng viên đại học Bửu Ý, nhà nghiên cứu sử Bùi Ngọc Liên, nhà báo Ngô Tuệ, nhà thơ Trần Vàng Sao và nhiều bạn bè khác đã rất phấn khởi khen ngợi :"Một cuộc trại sáng tác... cực kỳ giữa Huế!"
Tuy nhiên, vì thời gian tổ chức trại quá ngắn hạn (10 ngày gồm cả đi và về) nên không tránh khỏi những va vấp, chưa đạt đỉnh cao như mong muốn của người thưởng ngoạn, những sáng tác không đồng đều trình độ, những vội vàng trở thành thô thiển... 
Có những bức tranh đầy nét thơ mộng và ấn tượng sâu sắc về Huế, một Huế vàng son cổ kính, một Huế tâm linh trầm tư, như tranh của các họa sĩ bậc thầy lão thành trong nghề Vĩnh Phối, Đỗ Kỳ Hoàng, Hoàng Hương Trang.
Có những bức tranh mang dấu ấn đột phá thú vị của các họa sĩ Trương Bé, Hồ Thị Kim Quì, Trần Đình Kha, Quách Phong.
Có những bức tranh đạt mức trung bình, vừa phải, hiền hòa của các họa sĩ Nguyễn Văn Bảy, Phạm Đại, Nguyễn Thị Quang Vinh, Nguyễn Duy Linh.
Thì bên cạnh đó, giới thưởng ngoạn cũng chưa bằng lòng lắm với những bức tranh còn mang dáng vẻ phác thảo, dở dang, hời hợt như các họa sĩ Nguyễn Phan, Lê Thánh Thư, Lương Trường Thọ, Trịnh Trương Hưng, Bích Nguyệt. Những bức tranh chưa hoàn chỉnh, tưởng chừng mới có thể gọi là "vẽ nền", cũng không mang nét đặc thù nào gọi  là "cảm nhận Huế", như những bức đầy màu trắng nhợt nhạt, chưa có đường nét nào định hình, màu trắng được sử dụng quá tùy tiện, dễ dãi, trét vội vã (Nguyễn Phan), có bức chỉ đáng gọi là mới phác thảo vội, chưa nói được gì (Mưa trên cầu Tràng Tiền của Lương Trường Thọ), những bức phơi bày sự... lười lao động sáng tạo, đã vẽ 2 bức giống y hệt nhau như bản in, chỉ khác gam màu, tưởng chừng như tác giả muốn đùa bỡn với người xem tranh (2 bức của Lê Thánh Thư), những bức còn quá non nớt, chưa đạt mức trung bình, chưa cảm nhận được những gì với Huế (Bích Nguyệt, Trịnh Trương Hưng).
Giới thưởng ngoạn Huế cũng dễ dàng thông cảm, bởi trong số trại viên, có người đã lão thành, điêu luyện, trình độ cao, bậc thầy, họ đã tốt nghiệp từ giai đoạn đầu tiên trường Mỹ thuật Huế, tốt nghiệp và nghiên cứu nhiều năm ở các trường Mỹ thuật nổi tiếng Châu Âu, Châu Á, họ trưởng thành từ cái nôi Huế, nên cảm nhận sâu sắc, sáng tác phong phú, vững vàng, đề tài và màu sắc như thơ, như nhạc. Nhưng cũng có không ít trại viên chưa có dịp sống với Huế, chưa thể bắt gặp Huế trong chiều sâu tâm linh, chưa thể cảm nhận Huế một vài ngày được, họ chỉ có lòng yêu mến Huế, nhưng chưa thấm nhuần nên tranh của họ còn lỏng lẻo, hời hợt, nhợt nhạt, chưa có chiều sâu, chưa gây ấn tượng. Sự vội vã về thời gian thật là đáng tiếc!
Dù sao, Huế cũng rất cảm kích và biết ơn những họa sĩ có lòng yêu Huế, đã làm đẹp cho Huế, đã đóng góp cho Huế những món ăn tinh thần, văn hóa dân tộc rất cần thiết. Ước mong những trại sáng tác về sau sẽ đạt đỉnh cao nghệ thuật và được nhân rộng hơn nữa, như lời phát biểu của ông Phó chủ tịch UBND Thừa  Thiên Huế, phụ trách khối văn xã, trong buổi tiệc thân mật chiêu đãi đoàn sáng tác tại nhà khách số 5 Lê Lợi Huế : "Văn Hóa Huế cần thu nhận tinh hoa và trí tuệ, và cũng rất cần phát tán rộng rãi tinh hoa trí tuệ xa hơn, rộng khắp hơn".
Sau ngày bế mạc ở Huế, toàn bộ tác phẩm được đưa về triển lãm lần thứ 2 tại cao ốc The Metropolitan số 235 đường Đồng Khởi - QI - TP Hồ Chí Minh. Từ 6 - 17-10-1998.
Lần triển lãm này đa số là tác phẩm đã vẽ và trưng bày ở Huế, một số ít là mới vẽ thêm ở thành phố. Về số tác giả có sự rút lui của Lê Thánh Thư, và thêm vào một tác giả là Nguyễn Thanh Châu. Nói chung không có gì mới là hơn những gì đã trưng bày ở Huế. Vẫn sự chênh lệch không đồng đều. Có những tác phẩm công phu, đậm đà, truyền cảm, đột phá;bên cạnh đó, vẫn nhiều tác phẩm quá dễ dãi, sơ sài như phác họa, bản nháp (Esquisse), nhợt nhạt một bảng màu trắng vô nghĩa không nói được gì, thậm chí có cả tác phẩm "Trường phái vẽ phóng tác theo carte postale ảnh chụp cảnh Huế" rất đáng tiếc và đáng phê phán loại tác phẩm này. Đáng tiếc hơn nữa là một số tác phẩm đã được đánh giá cao trong ý kiến bạn bè trước ngày khai mạc, thì lại không có trong phòng tranh (như Mất và Còn của Hoàng Hương Trang, Ngàn Thu Áo Tím của Hồ Thị Kim Qùi). Một vài tác giả đã rút lui những tác phẩm đã triển lãm ở Huế và thay vào những tác phẩm khác, tuy nhiên về giá trị vẫn không có gì ngoài diện tích tranh to lớn kềnh càng hơn (tranh của Bích Nguyệt).
Phòng tranh The Metropolitan ánh sáng không phải là lý tưởng để treo tranh, ánh sáng không đồng nhất ở phòng ngoài và phòng trong, nên những tác phẩm gần như phác thảo, một màu trắng nhợt, trưng bày ở phòng ngoài đã bị ánh sáng loãng nhạt làm cho càng nhợt nhạt trắng bệt hơn mặc dù tác giả đã cố ý chiếm lĩnh vị trí trang trọng nhất và cố ý treo tranh trên những sơ-va-lê đẹp nhất, nhưng vẫn bị ánh sáng loãng và chiều cao của căn phòng như một pháo đài, một hải đăng cao vòi vọi bằng kính bao bọc hình ống làm mất tác dụng thưởng thức. Chính phòng tranh hình tháp ống, kính trong suốt, bên ngoài, ngay mặt tiền, nên đã gây sự nhạt nhẽo, bơ thờ, lợt lạt cho người vừa bước chân vào phòng tranh, đó là một sự thu xếp vụng về không tính toán về sắc độ thu hút của màu sắc. Trong khi đó, những tác phẩm trưng bày ở phòng trong, tưởng chừng bị phòng ngoài chèn ép, nhưng ngược lại nhờ ánh sáng ấm áp, cô đọng, trần nhà thấp đã tạo ấn tượng cho người xem, màu sắc như được đậm đà hơn, nâng độ hút ánh sáng làm rực rỡ tranh hơn lên, sắc màu như đậm đà  hơn và giữ chân người xem đứng lâu hơn trước mỗi bức tranh. Tuy nhiên đó là loại ánh sáng có lợi cho những gam màu nóng, có đường nét đậm và dứt khoát, ngược lại có cũng làm hại, làm "chết màu" hai tác phẩm có diện tích lớn nhất thể hiện bằng gam "màu chết" đáng ra với màu sẩm tối như thế nên đặt ở ánh sáng loãng của phòng ngoài thì tranh đỡ u ám và chết màu! Đó là chưa nói đến tranh không có một chút gì phản ảnh được nội dung chủ đề "Cảm nhận Huế".
Dù sao, điều đáng ghi nhận là tình cảm của 16 tác giả với Huế, một Huế cổ kính, một Huế văn hóa và tâm linh, một Huế trẻ trung và sống động theo đà văn minh hiện đại, một Huế lãng mạn và dịu dàng, một Huế rất thơ rất nhạc đều được 16 tác giả trang trải lên tranh, dù thời gian rất bị hạn chế. 
Đến với phòng tranh "Cảm nhận Huế"  chính là những "cảm nhận" tuyệt vời với Huế. Một thành phố thơ mộng xinh đẹp, xứng đáng được chọn là "Di sản Văn hóa của nhân loại", một nỗi tự hào của mỗi người Huế nói riêng và của Việt nói chung. Xứng đáng sánh vai cùng một Saigon thành phố Hồ Chí Minh 300 năm trẻ trung năng động và một Hà Nội ngàn năm Thăng Long,  cái nôi văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam. Cùng hòa nhịp đập của trái tim có bề dày Bốn Ngàn Năm Văn Hiến. 
LONG BIÊN
(nguồn: TCSH, 1.1999) 

Các bài mới
Tảo mộ (14/01/2010)
Sợi dây (11/01/2010)
Các bài đã đăng