Tạp chí Sông Hương - Số 119 (tháng 1)
Nguyễn Tuân với Huế
11:00 | 12/03/2008
Vậy là hôm nay Huế - một thành phố cố đô ở miền Trung đã làm một việc đầy ý nghĩa và đẹp đẽ đặt tên đường cho các danh nhân văn hóa : Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Thanh Tịnh, Hải Triều... trong đó có Nguyễn Tuân nhà văn lớn cho các phố phường và các làng thôn được đô thị hóa sau thời kỳ mở cửa của đất nước. 
Nguyễn Tuân với Huế
Nguyễn Tuân qua ký họa Lưu Công Nhân

Vậy là hôm nay Huế - một thành phố cố đô ở miền Trung đã làm một việc đầy ý nghĩa và đẹp đẽ đặt tên đường cho các danh nhân văn hóa : Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Thanh Tịnh, Hải Triều... trong đó có Nguyễn Tuân nhà văn lớn cho các phố phường và các làng thôn được đô thị hóa sau thời kỳ mở cửa của đất nước.
Được tin nầy, tôi và giáo sư Xuân Đào - con trai nhà văn Nguyễn Tuân - rất vui mừng gọi điện cho anh Luyện bí thư đảng ủy phường Xuân Phú ở Huế để biết thêm về con đường nầy. Riêng Xuân Phú một phường trước kia ở vùng ven đã có bảy tên tuổi các văn nhân : Lê Hữu Trác tức Lãn Ông, Nguyễn Lộ Trạch, Dương Văn An - tác giả Ô châu cận lục, nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Nguyễn Bính, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung với bác Nguyễn Tuân.
Và tháng 10-98 ngày thu mây đẹp, giáo sư Nguyễn Xuân Đào Viện trưởng Viện khoa học. Kỹ thuật Bộ Giao thông đi khảo sát cầu đường đã tự lái xe đưa tôi một chuyến xuyên Việt, ghé Huế đến tận con đường mang tên Nguyễn Tuân đã được tai nghe, mắt thấy về vùng đất anh hùng nầy.
Chúng tôi cùng các anh Lê Văn Mãn, Trương Đình Bản thường vụ đảng ủy phường và kỹ sư Lâm Hữu Đắc lững thững trên con đường mang tên Nguyễn Tuân. Con đường trải nhựa hẹp vào ngắn thôi, nhưng được cái xuyên qua một dãy phố với những nhà vườn và đặc điểm của xứ kinh kỳ xưa - nhà có vườn rộng, có bình phong, có non bộ, có hàng rào bằng ngâu xanh đầy hoa, và đầy cây ăn trái... Nguyễn Tuân bên cạnh Văn Cao, song song với Nguyễn Đỗ Cung và vuông góc với đường Nguyễn Bính... Xưa kia là một vùng vành đai cực kỳ lợi hại. Là nơi có vị trí đặc biệt trọng yếu về mặt chiến lược quân sự, cả Tỉnh ủy và Thành ủy Huế trong hai cuộc kháng chiến bám trụ cùng cán bộ địa phương để chỉ đạo phong trào đánh giặc, cứu nước. Phường còn là hành lang đi lại của thợ thuyền, binh sĩ yêu nước, dân quân, cán bộ đi về hoạt động. Nơi bàn đạp nối liền thành Huế và nông thôn Hương Thủy Phú Vang để lên các chiến khu kháng chiến.
Khi còn ở Hà Nội, trong bài tùy bút "Nhớ Huế" viết cho báo Thống Nhất, Nguyễn Tuân đã da diết : "kết nghĩa tử sinh với Huế, Hà Nội thật chí tình. Một con đường trục chính Hà Nội, con phố động mạch của thủ đô mang tên là phố Huế.
"Kim Luông, Nam Phổ nước đổ về Sình. Đôi đứa mình có làm răng chi đi nữa cũng không đành quên nhau".
Ở Hà Nội Nguyễn Tuân nhớ Huế, nhớ từ đôi dép râu Trị Thiên kháng chiến, đến nón bài thơ, nhớ 11 cô gái Vân Dương - thành Huế đánh tan tác cả tiểu đoàn quân Mỹ.
Nguyễn Tuân nhớ Huế lại đi quanh Hà Nội tìm các bạn Huế xưa đã hiểu thêm về Huế hôm nay. Nguyễn đến thăm bà Mừng - vợ Lưu Trong Lư. Chị Mừng nhắc đến cái tính hiếu sắc (màu) của Huế. Áo, khăn, quần rất là nhiều màu; từ màu lạnh đến màu ấm, từ màu gắt với bao nhiêu là tên màu nó gợi cảm tới cái mức sáng tạo ngôn từ. Màu trên phục sắc mà trên mâm ăn phải nhiều màu. Có cái vẻ như là người sông Hương, non Ngự - theo bác Nguyễn - thì ăn bằng mắt nhiều hơn là bằng miệng. Những cái đĩa nho nhỏ, những cái chén xinh bé, trên đó màu sắc của món ăn hài hòa giữa một tranh tỉnh vật... Nhớ Huế bác Nguyễn Tuân bao lần đã tha thẩn dọc sông tuyến, đi từ vùng đạo biển Di Loan lên đến phía đạo rừng Phước Sơn... bác nhìn ngắm cái ga xe lửa Tiên An vọng nghe tiếng còi thét mà xé ruột, xé lòng.
Năm 1975 mùa xuân, sau đại thắng tôi và Triệu Xuân có về Xuân Phú một làng ngoại ô nghèo, ba bề bốn bên xơ xác chỉ trơ trọi những nhà vườn vắng hoe, mấy ngàn dân tản mác đi khắp nơi. Đó là một vùng phần lớn dân buôn thúng, bán mẹt, dân nghèo thành thị với những nghề thủ công chèo thuyền và khuân vác - phố xá tiêu điều.Sau hơn 30 mùa xuân cả phường đi theo kháng chiến vườn không nhà trống, cất giấu nuôi dưỡng cán bộ, đào hầm, xẻ hào giam chân quân giặc. Và mùa xuân 1996, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Xuân Phú phường Anh hùng lực lượng vũ trang. Đồng chí Nguyễn Đắc Luyện bí thư phuờng đã phát biểu :
Trên mảnh đất Xuân Phú mãi mãi sáng ngời hình ảnh 11 cô gái sông Hương hiên ngang cầm súng đánh lui quân Mỹ có xe tăng và đại bác yểm trợ, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi :
                Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường
                Hiên ngang dàn trận khắp trong phường
                Bác khen các cháu dân quân gái
                Đánh giặc Huê Kỳ phải nát xương.
Xuân Phú biết bao huyền thoại đánh giặc, giữ làng; dân quân, du kích đã dồn địch vào từng góc phố, chân thành, chân cầu mà nổ súng. Trong tùy bút của Nguyễn Tuân bác có nhắc đến phóng viên báo "Tấm gương" Anh quốc hồi đó có viết : "Thành Huế - cái địa ngục đầm đìa máu viễn chinh Mỹ ở Việt Nam" và cũng trong tùy bút "Nhớ Huế"; phóng viên Mỹ Alvib Webd Junior ở bản tin UPI mà nhà văn Nguyễn Tuân có lưu giữ; đã nói về Huế những ngày tổng tiến công, nổi dậy, về lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng "Cờ vẫn tung bay trên cột cờ chính của cố đô này, lính Mỹ đang thề hạ nó xuống cho bằng được, hoặc bắn gục nó đi". Một phóng viên khác còn tả cột cờ Huế cao 197 Food (mỗi phút là o,m35) như vậy là cột cờ cao trên 60 mét, Mỹ  đã phân công bọn tiểu đoàn "cọp đen" ngụy đi phá cờ. Nhưng bọn tay sai ấy tụt lại, xin nhường cái vinh dự nầy cho quan thầy Mỹ. Hai bên đùn nhau không bên nào dám tiến lên dưới mũi súng của dân quân thành Huế.
Con đường Nguyễn Tuân ở Huế, ở phường Xuân Phú không lớn lắm, cũng không dài, vắng vẻ với khu nhà vườn, yên ả như đường thị trấn huyện ít xe cộ, ít cửa hàng. Nó là một khu phố vừa nhà, vừa vườn yên tĩnh và thoáng, ít chen chúc như phía chợ Đông Ba... xe đạp xuyên qua phố như thuyền nan đi trên giòng sông êm đềm. Chúng tôi dừng xe trước trụ sở ủy ban phường, cả thường trực đảng ủy và chủ tịch phường tiếp đón chúng tôi. Các đồng chí cho nghe bao đổi thay, và bao câu chuyện vui của thời kỳ đổi mới.Toàn phường có đến hơn 1000 hộ phần lớn là thợ thủ công, cuộc sống đã đổi đời tận gốc. Nhà nhà có ti vi, cát-xét, có xe gắn máy, điện nước về tận phường, tận hẻm xa. Ngoài ra những hộ làm nông có 74 hecta. Năng suất rất cao, đạt 11 tấn/hécta năm. Trường tiểu học 16 phòng học, con em đến tuổi đi học đều được đến trường. Năm 1999 sẽ có trường trung học cơ sở. Đã xóa được hộ đói, đẩy lùi hộ nghèo... Có bao giờ Xuân Phú được như hôm nay. Thật là nhờ ơn cách mạng, nhờ đổi mới mà có.
Hôm ở  Xuân Phú chúng tôi dừng lại một góc nhà đầu con lộ đưa vào đường Nguyễn Tuân. Tôi vờ hỏi một bé gái độ hơn 14 - 15 tuổi: Cháu có biết đường Nguyễn Tuân đâu không?
- Kia tề, thưa chú ! cháu chỉ tay về bên có bản chỉ đường.
- Thế Nguyễn Tuân là ai vậy cháu ?
-Cụ Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn viết rất hay, cụ có cuốn "Vang bóng một thời" nổi tiếng cả trong Nam ngoài Bắc và "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi".
Tôi theo tay cháu bé, sau khi cám ơn cháu, và nói với đồng chí Luyện : Trình độ văn hóa của thiếu niên vùng này rất khá! Các cháu rất lễ phép, văn  minh lịch sự của xứ kinh kỳ cũ. Tiên học lễ, hậu học văn. Các cháu vòng tay chào khách, sinh thời bác Nguyễn - nhà văn hóa lớn - bác rất quan tâm đến điều nầy. Và tin mới đây em Nguyễn Giang trên sông Vân Dương đã dũng cảm quên mình cứu sống bạn bị chết đuối. Mãnh đất hào hùng nầy sản sinh ra những người con hiếu nghĩa dũng cảm và có văn hóa...
Khi chia tay ra về đồng chí Luyện mời giáo sư Xuân Đào khi nào về Huế, nhớ ghé Xuân Phú, và nếu cần lúc nghỉ hưu phường sẽ giúp giáo sư viện trưởng hóa giá cho một căn hộ nhỏ ở đường Nguyễn Tuân để vào ra thăm viếng cho ấm cúng tình nghĩa Bắc ...
Huế 10 - 1998
ĐOÀN MINH TUẤN

Các bài mới
Tảo mộ (14/01/2010)
Sợi dây (11/01/2010)
Các bài đã đăng