Tạp chí Sông Hương - Số 119 (tháng 1)
Huế - Di sản văn hoá nhân loại
09:53 | 13/01/2010
LIỄU THƯỢNG VĂNCố đô Huế, một trong những trung tâm văn hoá, lịch sử của Việt Nam. Không những thế, Huế còn là một tổng thể di tích quan trọng, sánh hàng kì quan trên thế giới. Cố đô thơ mộng mang đầy tính nghệ thuật lẫn với cái nét sâu thẳm, ẩn bóng của học thuật Đông phương và truyền thống dân tộc…
Huế - Di sản văn hoá nhân loại

Với một bố cục đô thị không lần về diện tích thế nhưng Huế, với cái độc đáo vĩ đại của riêng mình, như “bục đứng của một người nhạc trưởng” có chung quanh mình “một giàn giao hưởng không gian bất tận”. Nơi đây những biên giới thường hằng biện biệt giữa các khối không gian với nhau đã không còn tiếng nói riêng tư và cố định. Núi xuống tận bình nguyên, biển vào sâu thành đầm phá. Đồi thông xanh lặng lẽ đối diện với thị thành nhiệt náo, phồn hoa. Kiến trúc của phủ đệ thâm nghiêm trùm quanh nó bằng những mảnh vườn thôn trang, dân dã… Cung điện vàng son với uy nghi ngút trời tưởng như còn phảng phất đâu đây những sinh hoạt rộn ràng trong lịch sử. Qua bên kia, chỉ một dòng sông - con sông Hương muôn thuở, là vùng lăng mộ các đế vương yên giấc nghìn thu vĩnh biệt quyền uy trong vắng vẻ đìu hiu, sương giọt… Giữa hòa điệu lạ lùng ấy, giữa sự trở về của “muôn sắc không gian” ấy mà Huế tự nhiên thoát ra khỏi tầm hữu hạn thực tế gọn nhỏ về địa lý của bản thân… Huế kết hợp sâu thẳm với thiên nhiên mà trở thành to lớn, bao la, lan tỏa đến bạt ngàn. Chính sự kì diệu hi hữu kia khiến không gian ở đây thành độc đáo và, bên cạnh đó - như một kiểu “cầm chịch cho nhịp điệu được trọn vẹn hài hòa”: Phong thủy học Đông phương và nghệ thuật phối cảnh cố đô Huế đã trở thành bất tử…

Huế như “bục đứng của một người nhạc trưởng giữa một giàn giao hưởng không gian bất tận…”. Chưa bao giờ - có thể nói thế - truyền thống phát huy về cái đẹp của dân tộc, truyền thống mỹ học của Việt Nam lại kết hợp và hòa điệu nhịp nhàng, thâm sâu với một truyền thống khác, nổi tiếng của văn minh Đông Á như ở đây: Truyền thống Mỹ học Phong thủy. Cảnh quan ấy không thiếu nét học thuật tư tưởng của dấu ấn phương Đông theo nghĩa rộng, điều ấy là tất nhiên… Thế nhưng, để xứng đáng là kinh đô của một tổ quốc đã thống nhất và nền tự chủ đánh đổi qua hàng ngàn năm máu xương trong quật khởi… Huế trong hòa điệu Á Đông kia trước những luật tắc và định lệ kiên cố gần như bất khả hoán, mang tính trường cửu của tư tưởng, học thuật mấy ngàn năm vẫn thể hiện được, chở chuyên được nét “hào quang truyền thống của xứ sở, của Việt Nam”… Huế, vì thế còn là bản thông điệp để lại cho ngàn sau, cho lịch sử góp phần minh luận và khơi sáng thêm về tinh thần và truyền thống đáng tự hào của người dân nước Việt…

Kinh đô Phú Xuân hay Cố đô Huế ngày nay đã được khai sinh từ nguyên ủy của bản chất hòa điệu sâu xa ấy xét về mặt phối cảnh và phối trí cảnh quan chung quanh nó. Để đi đến kết quả này, thực ra phong thủy học Đông phương đã được vận dụng qua một quá trình dài và để lại những dấu ấn đậm nét kể từ thuở bình minh của triều Nguyễn giai đoạn cát cứ ở Đàng Trong, xét về cả hai mặt: chính sử và ngoại sử, không những thế Phong thủy còn đi sâu vào trong huyền thoại học xứ Huế, nắm giữ không ít “chìa khóa” để giải thích thỏa đáng cho một số vấn đề, cho đến nay đối với các sử gia chuyên nghiên cứu Nguyễn triều vẫn còn là những “ẩn số” nằm sâu trong bóng tối lịch sử…

Khởi đi từ Nguyễn Hoàng hay Chúa Tiên, người được coi như đứng trên vạch xuất phát của cả một quá trình Nam tiến về sau, cuộc chạy tiếp sức vĩ đại này trong lịch sử Nguyễn triều mặc nhiên nói lên một khát vọng khôn nguôi và vô cùng mãnh liệt: Khát vọng về Đất, về một nơi chốn lý tưởng để có thể định nghiệp và dừng chân theo nghĩa sâu xa, hoài bão nhất… nhất thống sơn hà, an bang định quốc. Từ nghiệp Vương đến nghiệp Đế, từ cát cứ Đàng Trong đến tập quyền về một mối, mặt khác với ước vọng về Đất, cũng có nghĩa là từ các thủ phủ lần lượt của Đàng Trong để cuối cùng đi đến hình ảnh một kinh đô nước Việt với những tiêu chí thỏa hợp cho một hiện tình riêng đối với cá nhân Nguyễn triều, lẫn sự phát triển đất nước thời bấy giờ trong viễn cảnh chung một tương lai đang mở ra trước mắt thời đại. Bởi thế song song với các quá trình chính trị, quân sự, kinh tế… của các chúa Nguyễn, nổi rõ trên bề mặt khoáng đạt của lịch sử - còn hiện hữu một quá trình khác, khi mờ khi tỏ nhưng không phải đã là không mãnh liệt và thiếu đi tầm chiến lược. Quá trình vận dụng phong thủy học trên nhiều bình diện khác nhau… thậm chí còn đi xa hơn, bí hiểm hơn… lợi dụng nó, như đại đa số các thế lực phong kiến vẫn thường làm khi chấp chính, nhằm tham dự vào một “cuộc chiến tranh phong thủy giữa các dòng họ tử thù”… hoặc ngược lại những quy luật thông thường của phong thủy học về bảo hành bí mật - một đôi khi vì muốn nhận được những lợi ích lớn về mặt tâm lý bình dân mà chính họ, nói chung các thế lực phong kiến hay trường hợp Nguyễn triều nói riêng, vẫn ít nhiều dựa vào đó, vào phong thủy học để vẽ vời nên những hư cấu hay huyền thoại hóa, huyền bí một sự thật nhưng vẫn thường được che bớt đi dấu vết: Quá trình vận dụng phong thủy học nằm ẩn sau bức bình phong về huyền thoại Linh Mụ nổi tiếng nơi đây…

Một cách khách quan để vượt ra ngoài những nhận định có tính cách cục bộ, một chiều… có thể nói rằng kinh đô Phú Xuân hay Cố đô Huế ngày nay là một thành tựu mang ý nghĩa đa chiều trong ít nhất các giá trị khả hữu sau đây:

1- Thành tựu mang ý nghĩa Dịch lý, những lý luận rút ra từ kinh Dịch. Hoặc nói cụ thể hơn là, mang ý nghĩa của một khoa ứng dụng Dịch của phương Đông - Phong thủy học hay thông tục vẫn gọi là Địa lý.

2- Thành tựu mang ý nghĩa đặc biệt được đánh giá cao trong kết hợp sáng tạo hài hào giữa học thuật và nghệ thuật của tri thức Việt Nam thời bấy giờ, một nghệ thuật vẫn nói lên được một tiếng nói sắc bén từ truyền thống và bản sắc dân tộc của chính mình khi song hành thể hiện bên cạnh sự sâu thẳm của triết học Á Đông rộng rãi và mang đầy chung nhất tính.

Tất nhiên, trong lịch sử, cố đô Huế còn in đậm bóng dáng của nhiều thành tựu khác nữa khi được ngắm nhìn ở những góc độ khác nhau. Riêng biệt trong tinh thần thảo luận này, sự dẫn nhập sẽ đi về hướng tập trung cho hai phần định mệnh ấy: Phong thủy học và nghệ thuật phối cảnh cố đô Huế. Để đi sâu vào đánh giá trong tương quan mật thiết, có tính cách biện chứng ấy của vấn đề, trước nhất, phải ít nhiều soi sáng lại một số vấn đề phong thủy học, nhằm minh định biên giới giá trị của một môn cổ học vẫn thường được coi là bí hiểm, bí truyền… thiếu hẳn những tài liệu chính tông, nguyên bản để có thể nắm vững được yếu lý và tôn chỉ, mục đích của môn học, trước khi phê phán công minh về những gì mà, qua quá nhiều thế kỷ, đã không ít bị hiểu lầm và lợi dụng… Mặt khác, bên cạnh đó với cái nhìn chủ quan mà không đi sâu vào sự thực ẩn kín bên trong?! Sự nhận định đúng đắn và đúng nghĩa cho bản chất thực sự của phong thủy học vẫn chưa từng xuất hiện. Ngày nay, với trào lưu tìm về khai thác, tìm cách vận dụng lại học thuật Đông phương do người Tây phương khởi xướng một cách tích cực và rầm rộ trên địa bàn thế giới, nhất là những giá trị độc đáo và phong phú từ những môn ứng dụng Dịch lý mà phong thủy là một cái nhìn mới hơn so với những gì chưa được chính xác và trọn vẹn là cần thiết. Gạn đục khơi trong cho một môn cổ học Đông phương trong tình trạng như thế… ngoài trực tiếp chứng minh cho giá trị độc đáo của Cố đô Huế nói riêng, còn ít nhiều góp phần nhỏ mọn vào công cuộc vận động chung cho một trong những cao trào lớn của thế giới hôm nay để hướng về thế kỷ mới, thế kỷ 21: Cao trào nghiên cứu, tìm hiểu, vận dụng những giá trị mới lạ và quý giá của học thuật cổ Đông phương đem vào trong nhu cầu phát triển khoa học của ngày mai… Riêng về phương diện này, cố đô Huế sẽ là một trong những đóng góp lớn và quan trọng, có nhiều ưu điểm đáng phải được quan tâm từ phía các học giả khảo cứu Đông phương học ứng dụng:

1- Cố đô Huế là cái “sa bàn” rất tốt, còn lại gần như nguyên tác vì mức độ hiện đại hóa chưa bao nhiêu, tránh được một mâu thuẫn thường hay xảy ra trong xã hội ngày nay, làm lệch lạc và mất mát dần những hình ảnh mang giá trị nói lên những học thuật xưa cổ còn lại. Đây là điều mà nhiều quốc gia trên thế giới phạm phải và đôi lúc sự chấn chỉnh cũng đã thành quá trễ nơi một số di tích quan trọng.

2- Cố đô Huế, đối với thế giới thuộc vào loại “đô thị bỏ túi” gọn nhỏ đến mức độ gần như lý tưởng, rất thích hợp và hoàn toàn tiện lợi cho những học giả đến khảo cứu ở đây: Họ có thể tìm hiểu rất nhiều vấn đề để thu thập minh chứng và các dữ kiện cần thiết mà không phải quá bất tiện do các phương tiện trói buộc như ở xứ khác như khi khảo cứu phong thủy học ở Trung Quốc chẳng hạn: địa bàn rộng lớn mênh mông và phân tán, sự lưu thông nhiêu khê vì khoảng cách không gian, cần đến nhiều phương tiện và thời gian khác nhau. Đó là chưa nói tới sự an sinh, tá túc còn đòi hỏi nhiều ưu tư cho một yêu cầu thực tế là: di chuyển ngắn mà đến được nhiều nơi quan trọng, có thể đi về trong ngày mà không cần thay đổi nơi trú ngụ nhiều lần…

3- Nhà nghiên cứu khá dễ dàng để có thể đạt được một cái nhìn toàn cảnh về Huế, cùng lúc với các thành tố phương thủy ở đây. Lẽ giản dị hiếm có mà thiên nhiên riêng tặng cho xứ sở này là, tất cả tựa như đã được thu gọn lại trong một tầm tỷ lệ đặc biệt: không quá nhỏ để tự đánh mất đi những tiêu chuẩn quan yếu mà phong thủy học và các quy tắc của nó đòi hỏi cho một cuộc đất lớn phải có hay còn gọi là đại địa cuộc. Ngược lại, cũng không quá độ lớn, mênh mông và dàn trải… làm trở ngại, khiến cho sự nghiên cứu khó được sự tối ưu trong kiểm chứng độ chính xác từ đo đạc, tính toán, suy diễn…

4- Nhưng quan trọng hơn cả cho nghệ thuật phối cảnh ở Huế, tạo một giá trị cao và tức thời khi được thưởng ngoạn nằm ở hiện thực này: ngay chính trong lòng đô thị này, với một vị trí tế nhị. Mọi quan sát viên vẫn có thể lập tức nắm bắt được cái bố cục đại thể và những gì nên thơ nhất trong tầm mắt bao quát… Nghệ thuật đó được chứng nhận qua mỗi bước chân của bất kỳ khách nhàn du nào đến Huế. Tầm nhìn của họ chưa bao giờ bị chia cắt vì cao ốc hoặc bị phân tán, không tập trung vì địa bàn cảnh quan quá lớn rộng như đa số các đô thị danh tiếng khác.

L.T.V.
(119/01-99)






 

Các bài mới
Tảo mộ (14/01/2010)
Các bài đã đăng
Sợi dây (11/01/2010)