Tạp chí Sông Hương - Số 119 (tháng 1)
Những đàn tế ở Bắc Kinh và đàn Nam Giao Huế
16:40 | 22/01/2010
PHAN THANH HẢIDưới thời quân chủ, hầu như ở tất cả các nước phương Đông đều có tục tế giao. Tế giao tức là tổ chức nghi lễ cúng để con người có thể giao tiếp được với trời, đất và các bậc thần linh.
Những đàn tế ở Bắc Kinh và đàn Nam Giao Huế
Đàn tế Nam Giao Huế - Ảnh: Internet

Ở 4 nước Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Triều Tiên, đó là các quốc gia "đồng văn" nên nghi thức tế giao có khá nhiều điểm tương đồng. Có lẽ chúng ta đều biết hiện nay ở Huế vẫn còn đàn Nam Giao xây dựng thời Nguyễn, ở Bắc Kinh- Trung Quốc có Thiên Đàn xây dựng thời Minh là những di tích tế giao rất nổi tiếng. Tuy nhiên vai trò của các đàn tế trên có hoàn toàn giống nhau hay không? Vấn đề này xưa nay dường như có rất ít người đề cập. Và có lẽ cũng không nhiều người biết rằng, ở Bắc Kinh hiện nay, ngoài Thiên Đàn còn có Đĩa Đàn, Nhật Đàn, Nguyệt Đàn đều là những di tích tế giao rất quan trọng. Trong bài viết này, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc thêm vài thông tin về các đàn tế nói trên. Hy vọng, các bạn sẽ có thêm những căn cứ để tìm ra những nét tương đồng dị biệt trong nghi thức tế giao của hai dân tộc, ta và Trung Quốc thời xưa.

Nghi thức tế giao đã có nguồn gốc từ xã hội nguyên thủy, khi con người quan niệm các yếu tố tự nhiên như trời, đất, mưa, gió, sấm, chớp đều là những bậc thánh thần và cần phải thờ cúng. Đến thời quân chủ, giai cấp thống trị đã tiếp thu tín ngưỡng này, cải biến và lợi dụng nó như một thứ công cụ đắc lực để cai trị nhân dân. Ở Trung Quốc, từ thời nhà Chu (trước Công nguyên thế kỷ XI- 256), việc cúng tế trời, đất và các vị thần thánh đã trở thành điển lễ. Bắt đầu từ thời Đông Hán (sau Công nguyên 25-220) trở đi, khi Nho giáo đã thắng thế, Dịch học đã phổ biến trong toàn xã hội thì cũng thành lệ, đàn tế trời luôn luôn được đặt ở phía Nam kinh đô và được gọi là Thiên Đàn. Bên cạnh Thiên Đàn, người ta còn đáp các loại đàn tế khác để tế Thần Đất, Thần Mặt Trời, Mặt Trăng, Sao... Tuy nhiên, việc tế giao của các triều đại không hoàn toàn giống nhau, có triều đại hợp tế chung cả trời, đất và các vị thần khác, cũng có triều đại tế riêng rẽ từng vị thần như đã nói ở trên. Đầu thời Minh, Thái Tổ Chu Nguyên Chương vẫn tổ chức tế Trời, Đất riêng rẽ, nhưng từ năm Hồng Vũ 11 (1378) trở đi, triều đại này lại tổ chức hợp tế trời đất. Bản thân Thiên Đàn được xây dựng thời Vĩnh Lạc ở Bắc Kinh năm 1420 nguyên thủy cũng là Thiên- Địa Đàn. Nhưng đến năm Minh Gia Tĩnh 9 (1520) nó mới trở thành Thiên Đàn cùng với việc triều Minh quay trở lại nghi thức phân tế (tế giao riêng rẽ).

Còn ở Việt Nam, do ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Nho giáo phương Bắc nên việc tế giao cũng đã từ khá sớm. Sử cũ cho biết, từ thời Lý Anh Tông (1138-1175), vua đã cho đắp đàn Viên Khâu ở phía Nam thành Thăng Long và cứ 3 năm lại tổ chức tế giao một lần. Từ đó trở về sau, dường như triều đại nào cũng có tổ chức việc tế giao và đắp đàn tế (riêng triều Trần không thấy sử sách nói tới tế giao). Tuy nhiên, mãi đến đầu thời Nguyễn thì tế đàn mới được xây dựng một cách công phu và đó chính là đàn Nam Giao hiện thấy. Về cách thức tế giao thì cũng giống như ở Trung Quốc, các triều đại có cách thức tế giao không hoàn toàn giống nhau. Riêng đến thời Nguyễn thì đàn Nam Giao là nơi tổ chức hợp tế cả trời, đất, mặt trời, mặt trăng và các vị thần linh khác. Như vậy, về hình thức, giữa các đàn tế ở Bắc Kinh và đàn Nam Giao ở Huế đã có sự khác biệt.

I. CÁC ĐÀN TẾ Ở BẮC KINH:

1. THIÊN ĐÀN:
Như trên đã nói, ở Bắc Kinh hiện nay có 4 đàn tế: Thiên Đàn, Địa Đàn, Nhật Đàn và Nguyệt Đàn. Trong 4 đàn tế nói trên, Thiên Đàn là đàn tế quan trọng nhất, nổi tiếng nhất và cũng là đàn tế có qui mô to lớn nhất trong lịch sử tế đàn của Trung Quốc. Thiên Đàn tọa lạc ở bên trong kinh thành ở Bắc Kinh, ở phía đông nam, ngay sau cửa chính Vĩnh Định Môn của Thành Ngoại. Toàn bộ khu vực Thiên Đàn có bình diện gần như hình chữ nhật, cạnh đông, tây dài 1725m, cạnh nam, bắc là 1650,3m, tổng diện tích hơn 273 ha. Thiên Đàn có hai vòng tường bao bọc, tạo nên một tổng thể kiến trúc có hình chữ "hồi". Vòng tường ngoài chu vi 6416m, vòng tường trong chu vi 3292m. Giới hạn của hai vòng tường này tạo cho Thiên Đàn có hai phần rõ ràng là Nội đàn và Ngoại đàn. Các công trình kiến trúc chủ yếu của Thiên Đàn đều tập trung ở Nội đàn và trải dài theo một trục tuyến có hướng Bắc- . Đây cũng là hướng chính của Thiên Đàn. Xét về bố trí kiến trúc, ta có thể chia Thiên Đàn thành 3 phần: điện Kỳ Niên, điện Hoàng Khung và đàn Viên Khâu.

ĐIỆN KỲ NIÊN: Trên trục tuyến bắc - nam của Thiên Đàn, điện Kỳ Niên là ngôi điện chính trong một tổ hợp kiến trúc khép kín có tường bao bọc. Khu vực này bao gồm điện Kỳ Niên, điện Hoàng Kiền, đông, tây phối điện, cửa Kỳ Niên... Tường bao bọc khu vực hình vuông còn ngôi điện chính lại có hình tròn với ba tầng mái cao vút. Chiều cao của điện Kỳ Cốc (tên gọi khác của điện Kỳ Niên) tếi 32m, đường kính mặt nền là 24.2m. Nền điện thực chất là một cái đàn tròn 3 tầng, cao đến 6m. Ba tầng đàn đều có lan can bằng đá trắng. Kiểu kiến trúc trên điện, dưới đàn này được gọi là kiểu "thượng ốc hạ đàn". Điện Kỳ Niên là nơi hàng năm vào dịp mạnh xuân, hoàng đế Minh, Thanh đến đây "kỳ cốc" (cúng thần ngũ cốc), để mong mùa màng được phong đăng. Chính vì vậy mà bố trí bên trong điện Kỳ Niên đều liên quan tới các con số biểu trưng của nông nghiệp. Ví dụ, chính giữa là 4 trụ lớn (mỗi cột cao gần 20m) tượng trưng cho 4 mùa xuân, hạ, thu, đông trong năm, 12 cột tiếp theo tượng trưng cho 12 tháng; cột ngoài cùng tượng trưng cho 12 tiết chính của nông lịch...

ĐIỆN HOÀNG KHUNG: Nằm ở gần như trung tâm của trục tuyến. Hoàng Khung có nghĩa là Vòm Trời. Đây là nơi đặt bài vị của " Ngô thiên thượng đế" (bài vị của Ngọc Hoàng thượng đế). Điện Hoàng Khung có hình dáng gần giống như Điện Kỳ Niên nhưng nhỏ hơn. Chiều cao của điện là 19,5m, đường kính mặt nền 15,6m. Nên điện cũng làm hình tròn và xây bằng đá trắng. Bên ngoài điện Hoàng Khung có một vòng tường rất đặc biệt bao bọc. Vòng tường này có tên gọi là " Hồi âm bích" (tường hồi âm), chu vi tường là 193,2m tường cao 3.7m. Hai người đứng ở cách xa nhau, nếu ghé sát vào bờ tường thì có thể trò chuyện với nhau nhờ sự truyền âm của vòng tường đặc biệt này! Từ điện Kỳ Niên đến điện Hoàng Khung có một con đường lớn xây hoàn toàn bằng đá trắng, nổi bật lên trên nền màu xanh ngắt của tùng, thông trồng ở hai bên. Con đường này có tên gọi là Đan Bệ Kiều, dài 360m, rộng 29.4m. So với mặt đất, đoạn phía nam cao khoảng 1m, đoạn phía Bắc cao đến 4m. Nghĩa là Đan Bệ Kiều cao dần từ phía nam lên phía bắc, tượng trưng cho con đường lên trời để hoàng đế gặp các vị thần linh. Con đường này phân ra làm ba lối đi. Lối chính giữa gọi là " Thần đạo" là lối đi của thượng đế và thần linh. Lối bên trái gọi là " Ngự đạo", dành cho vua đi. Lối bên phải gọi là "Vương đạo", dành cho vương công, đại thần đi.

ĐÀN VlÊN KHÂU: Sở dĩ gọi là Viên Khâu là bởi đàn làm hình tròn và đắp cao như cái gò (viên: tròn, khâu: gò, đôi...). Đàn Viên Khâu của Thiên Đàn nằm ở phía của trục tuyến. Đây là một cái đàn 5 tầng cao hơn 5m có qui mô rất lớn. Tầng dưới cùng hình vuông, 4 tầng trên hình tròn, trong đó 3 tầng trên cùng quan trọng hơn cả nên có lan can bằng đá trắng bao bọc. Bề mặt tầng trên cùng có đường kính 55m. Chính giữa mặt đầu là một viên đá hình tròn, mặt phẳng nhô cao lên như lưng rùa. Xung quanh viên đá này là chín viên đá khác hình rẽ quạt hướng về chín phía. Từ viên đá tròn ở giữa ra đến lan can người ta cũng lát chín viên đá, tổng số đá lát trên ba tầng đàn này là 3402 viên. Và tất cả chúng đều là đá cẩm thạch!

Viên Khâu chính là nơi tổ chức lễ tế trời của hoàng đế. Lễ tế giao được tổ chức vào ngày đông chí nhưng trước đó một ngày, hoàng đế đã lên trai cung để trai giới.

TRAI CUNG: Trai Cung là một tổng thể kiến trúc khép kín nằm ở góc Tây của Thiên Đàn. Trai Cung có hai vòng tường bao bọc (ngoài tường có hào sâu) tạo cho nó có hình dáng chữ " hồi". Được mệnh danh là " tiểu hoàng cung" của hoàng đế triều Minh, Thanh, Trai Cung có đủ các công trình kiến trúc quan trọng như: Chính điện, tẩm cung, lầu chuông, các công trình phụ cận, cổng lớn...

Với tổng số hơn 60 gian kiến trúc. Đáng chú ý nhất là gian Chính điện, một tòa kiến trúc bề thế" đặt trên một nền đài cao bằng đá cẩm thạch. Bên trong điện, ở gian giữa hiện còn đặt một bức tượng hoàng đế Càn Long được làm rất sinh động, ở gian bên trái có đầy đủ các loại biên khánh, nhạc chung và các đồ tế khí khác, là những thứ hoàng đế sử dụng trong tế giao...

Nhìn chung, tổng thể kiến trúc của Thiên Đàn rất to lớn bề thế. Thiên Đàn được xây dựng năm Minh Vĩnh Lạc 18 (1420) và đã được cải tạo lại dưới thời Thanh. Bước vào Thiên Đàn chúng tế sẽ có một cảm giác rất đặc biệt: " Bạch ngọc cao đàn tử thúy trùng, Bất thị thiên cung tựa thiên cung" (Ngọc trắng đàn cao, màu tía màu xanh trùng trùng điệp điệp, đây thực chẳng phải thiên cung mà cũng giống như thiên cung) (1)

2. ĐỊA ĐÀN:
Đối xứng với Thiên Đàn về phía Bắc là Địa Đàn. Địa Đàn ứng đối với Thiên Đàn cả về vị trí, hình thức lẫn ý nghĩa (Thiên Đàn tế trời, Địa Đàn tế đất, Thiên Đàn ở phía , Địa Đàn ở phía Bắc...). Tuy nhiên, Địa Đàn lại nằm ở bên ngoài kinh thành Bắc Kinh, gần cửa An Định. Địa Đàn hiện nay là đàn tế được xây dựng năm Minh Gia Tĩnh 9 (1530). Đây là một khu vực tế giao hoan chính bao gồm đàn tế, Trai Cung, nhà Hoàng Đế, Thần Khố, Thần Trù...

Đàn tế ở chính giữa, gồm hai tầng, hình vuông chống lên nhau, nền lát gạch lưu ly vàng. Kích thước của các tầng đàn đều liên quan tới con số 6, tựa như con số 9 đại biểu cho Trời ở Thiên Đàn. Bên ngoài của Địa Đàn có hai lần tường thấp bao bọc, tường thấp để đàn có vẻ cao hơn, ở giữa các vòng tường về 4 hướng, đều mở cửa linh tinh làm bằng đá trắng. Tổng thể kiến trúc của đàn là " tọa nam hướng bắc", vì thế cửa linh tinh ở phía bắc là cửa lớn nhất, có ba lối đi (các cửa còn lại chỉ có một lối đi). Địa Đàn còn có tên gọi khác là Phương Trạch Đàn (Phương: vuông, trạch: nước), bởi vì 4 phía xung quanh đàn đều có hào chứa nước. Dòng nước này tượng trưng cho ao, hồ, sông ngòi, biển cả 4 chầu về đại địa. Lễ tế " Hoàng Địa Kỳ" (thần đất) ở Địa Đàn được cử hành vào đúng ngày hạ chí hàng năm. Trước đó một ngày hoàng đế đã đến Trai Cung để trai giới, tắm gội, chuẩn bị cho việc tế tự.

3. NHẬT ĐÀN
Nhật Đàn có tên nữa là Triệu Nhật Đàn. Đàn tế thần mật trời (còn gọi là thần Thái Dương, thần Đại Minh...) này tọa lạc ở phía đông kinh thành Bắc Kinh, bên ngoài cửa Triêu Dương. Tổng thể Nhật Đàn cũng là một khu vực kiến trúc khép kín, gồm đàn tế, Trai Cung và các công trình phụ.

Đàn tế một tầng hình vuông, cao 1.88m, cạnh dài 16m. Bốn phía đi lên đàn đúng về bốn phương đông, tây, nam, bắc đều xây chín bậc cấp. Đàn tế có một vòng tường hình tròn bao bọc, chu vi 244.8m. Tổng thể kiến trúc của Nhật Đàn là " tọa tây hướng đông", đúng theo quan niệm truyền thống "nhật đông nguyệt tây" (mặt trời ở phía đông, mặt trăng ở phía tây). Khi tế thần mặt trời, hoàng đế sẽ đứng về phía tây hướng về phía đông. Bề mặt đàn tế và tường của Nhật Đàn trang trí bằng màu đỏ. Lễ tế được tổ chức vào dịp xuân phân, trước ngày tết, hoàng đế cũng phải lên ở Trai Cung để trai giới và chuẩn bị.

4. NGUYỆT ĐÀN:
Nguyệt Đàn có tên nữa là Tịch Nguyệt đàn, là nơi tế thần mặt trăng (còn gọi là thần Dạ Minh, thần Thái Âm...). Nguyệt Đàn tọa lạc ở phía tây thành Bắc Kinh, bên ngoài cửa Phụ thành. Cũng như 3 đàn tế trên, Nguyệt Đàn là một cụm kiến trúc hoàn chỉnh, gồm đàn tế, Cụ Phục điện, Thần Khố, Thần Trù, lầu chuông...

Về hình thức kiến trúc, Nguyệt Đàn cũng tương tự như Nhật Đàn, tức có đàn tế một tầng hình vuông, có vòng tường bao bọc hình tròn... Điểm khác nhau cơ bản là Nhật Đàn "tọa tây hướng đông", còn Nguyệt Đàn thì ngược lại " tọa đông hướng tây". Tại Nguyệt Đàn, người ta tế chung cả thần mặt trăng và các vị thần khác nữa như: Nhị thập bát tú, Ngũ hành và Chu thiên thần nông.

Lễ tế ở Nguyệt Đàn được tổ chức vào tiết thu phân.

II. ĐÀN NAM GIAO HUẾ:

Ở Huế hiện nay vẫn còn có hai di tích đàn tế Nam Giao, một di tích là núi Ba Tầng, vốn là đàn tế giao thời vua Quang Trung nhà Tây Sơn và một di tích khác là đàn Nam Giao thời Nguyễn. Ở đây, chúng tôi chỉ đề cập đến đàn Nam Giao thời Nguyễn, di tích đàn tế duy nhất được xây dựng một cách công phu dưới thời quân chủ.

Đàn Nam Giao được xây dựng vào năm Gia Long thứ năm (1806) tại đất làng Dương Xuân, ở phía nam kinh thành Huế. Trong lịch sử tế giao ở Việt , đây là đàn to lớn nhất.

Tổng diện tích của đàn Nam Giao khoảng hơn 10ha, bình điện gần như hình chữ nhật (265x390m). Các công trình kiến trúc chính trong khu vực đàn gồm: Đàn tế, Trai Cung và các công trình phụ. Đàn tế gồm ba tầng, cao gần 5m, cấu tạo và kích thước của các tầng rất hài hòa và cân đối.

Tầng trên cùng hình tròn, đường kính 40m, cao 2.9m chung quanh có lan can cao hơn 0.8m, dày 0,3m, quét sơn màu xanh. Mặt đàn lát gạch và đặt sẵn 28 viên đá tảng chân cột để mỗi khi tế sẽ dùng một tòa nhà che bằng vải màu xanh (Thành ốc) lên trên. Từ năm 1846 trở đi tòa nhà này được gọi là Hoàng Khung Vũ.

Tầng thứ hai hình vuông, cạnh dài 80m, cao1.1 m xung quanh cũng có lan can, cao 0.9m, dày 0.3m quét sơn màu vàng. Khi tế, dùng một tòa nhà che vải vàng (Hoàng ốc).

Tầng thứ ba cũng làm hình vuông, cạnh dài 160m, cao 0,9m. Lan can xung quanh cũng giống tầng trên cao 0,93m, dày 0,3m và quét sơn màu đỏ.      

Ở cả ba tầng về 4 phía: nam, bắc, đông, tây đều xây các bậc cấp để đi lên.

Bao bọc lấy toàn bộ khu đàn tế là một vòng tường xây bằng đá bazan, cao 1.6m. Từ chân tầng ba của đàn tế đến bờ tường này người ta trồng thông. Lúc còn nguyên vẹn, cả khu vực đàn Nam Giao là một rừng thông xanh ngắt và nổi bật lên ở chính giữa là tế đàn Nam Giao 3 tầng sừng sững giữa đất trời.

Ở phía tây nam của đàn tế, trong một khuôn viên hình chữ nhật (85mx65m) có tường thành vây bọc là Trai Cung. Trai Cung của đàn Nam Giao cũng là một khu vực kiến trúc hoàn chỉnh gồm chính điện, nhà Tả Túc, Hữu Túc, phòng Thượng Trà, sở Thượng Thiện... Tổng thể kiến trúc của Trai Cung được bố trí theo kiểu " tọa bắc hướng nam". Cổng chính của Trai Cung nằm ở phía nam là một chiếc cổng bề thế và rất đẹp.

Bên ngoài khu vực đàn tế, ở góc đông bắc còn có Thần Trù (nhà bếp), nơi người ta hạ, nấu, luộc các con vật dùng trong tế lễ; Thần Khố (nhà kho), nơi chứa các đồ tế khí dùng trong tế lễ. Ngoài ra, ở 4 phía đông, tây, nam, bắc bên ngoài khu vực đàn, còn có 4 chiếc bình phong khá lớn xây bằng gạch. Có thể xem đây là giới hạn về 4 phía của đàn Nam Giao.

Dưới thời Nguyễn, lễ tế giao luôn được tổ chức vào mùa xuân. Từ khi đàn tế được xây dựng xong đến năm Thành Thái 2 (1890) cứ mỗi năm triều Nguyễn tổ chức tế giao một lần. Còn từ năm 1890 trở đi cứ mỗi 3 năm lễ tế giao mới được tổ chức.

Về cách thức tế, đàn Nam Giao là nơi hợp tế cả trời đất và các vị thần linh. Tầng 1, tức Viên Đàn, hợp tổ cả trời và đất, đồng thời phối tế chúa Nguyễn Hoàng (Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế), và các vị vua triều Nguyễn.

Tầng 2, Phương Đàn, có 8 án thờ, thờ các vị thần khác, cụ thể như sau: " án đại minh (mặt trời-PTH) thứ 1 bên tả, các vì sao khắp bầu trời ở án thứ 2 bên tả, thần mây, mưa, gió, sấm ở án thứ 3 bên tả, thần thái tuế, thần nguyệt tương ở án thứ 4 bên tả, đều hướng tây;

Án dạ minh (mặt trăng-PTH) ở thứ 1 bên hữu, thần ngư biển, sông chằm ở án thứ 2 bên hữu..., thần gò đống cồn bãi ở án thứ 3 bên hữu, thần kỳ khắp trong nước ở án thứ 4 bên hữu, đều hướng tây"(1)

lll. VÀI NHẬN XÉT:

1. Qua cách thức xây dựng các đàn tế ở Bắc Kinh và ở Huế trên đây chúng ta có thể nhận ra ngay rằng, mặc dù quan niệm về tế giao đều tương tự như nhau nhưng phương thức tổ chức tế giao giữa ta và Trung Quốc lại có những khác biệt khá rõ. Điểm khác biệt lớn nhất là ở Trung Quốc, tế giao được tổ chức riêng rẽ, còn ở ta nghi thức tế giao được tiến hành theo kiểu hợp tế tại một đàn tế duy nhất.

2. Điều đáng chú ý nữa trong sự khác biệt giữa ta và Trung Quốc là sự xuất hiện của yếu tố CON NGƯỜI trong tế giao. Ở cả 4 đàn tế của Bắc Kinh như đã mô tả, yếu tố con người xuất hiện khá mờ nhạt. Trời đất và các vị thần linh luôn luôn đóng vai trò quan trọng và bao trùm lên tất cả. Nhưng ở đàn Nam Giao của Huế, yếu tố con người được thể hiện rất rõ ràng và khá bình đẳng với tất cả trời đất và các vị thần linh.

Ở tầng cao nhất, bên cạnh án thờ trời đất thì có án thờ của các vị tổ tiên nhà Nguyễn. Điều đó có nghĩa là con người đã được đặt ngang với các vị thần thánh cao nhất của vũ trụ. Đương nhiên là lễ phối thờ tổ tiên với thần linh đã có trong điển lễ từ thời nhà Chu, song trên thực tế ở Trung Quốc, giai cấp thống trị luôn luôn tìm cách đẩy xa khoảng cách giữa thần linh và con người. Khoảng cách ấy ngày càng tăng lên khiến cho vai trò của con người ngày càng trở nên nhỏ nhoi, mờ nhạt. Xem sơ đồ các đàn tế thời Minh (trích trong Đại Minh Hội Điển) chúng ta không tìm thấy " chỗ đứng" dành cho con người. Trái lại, yếu tố con người ở đàn Nam Giao - Huế được thể hiện nổi bật, không những qua cách bài trí án thờ như vừa nói mà còn qua cách thức xây dựng đàn tế. Đàn Nam Giao gồm 3 tầng thì 1 tầng tượng trưng cho trời, 1 tầng tượng trưng cho đất và một tầng tượng trưng cho người. Trời- Đất-Người (tức tam tài: thiên địa nhân) được thể hiện trong một mối quan hệ vừa có tính tách biệt tương đối vừa thống nhất trong một mối liên kết có tính tuyệt đối. Đây chính là đỉnh cao của tư tưởng THÁI HÒA của Việt Nam dưới thời Nguyễn.

Trên đây chỉ là vài suy nghĩ cạn hẹp của chúng tôi về một khía cạnh trong nghi thức tế giao. Hy vọng các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này.

Huế, tháng 8 - 1998
P.T.H
(119/01-99)

------------
(1) Nội Các Triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự lệ, bản dịch của Viện Sử Học, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tập 6, quyển 86, trang 358.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trung Quốc Đại Bách Khoa Toàn Thư, Mỹ Thuật, Trung Quốc Đại Bách Khoa Toàn Thư Xuất Bản Xã, Bắc Kinh- Thượng Hải, 1991, tập Il, bản tiếng Hoa, trang 817-818.
2. Trung Quốc Cổ Đại Kiến Trúc Từ Điển, Tề Tam chủ biên, Bắc Kinh Thị Văn Vật Nghiên Cứu Sở Xuất Bản, 5-1991, bản tiếng Hoa.
3. Bắc Kinh Danh Thắng, Trung Quốc Thế Giới Ngữ Xuất Bản Xã,1994, bản tiếng Anh và tiếng Hoa.
4. Trung Quốc Cổ Đại Kiến Trúc, La Triết Văn chủ biên, Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã, Thượng Hải,1990.
5. Nội Các Triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, bản dịch của Viện Sử Học, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tập 6, quyển 86, trang 358.
6. Lê Văn Phước, Sự Tích Đàn Nam Giao và Các Cuộc Lễ Tế Giao Tại Huế, Tiểu luận Cao học Sử, Viện Đại Học Sài Gòn, Trường Đại Học Văn Khoa, 1973.





 

 

Các bài đã đăng
Tảo mộ (14/01/2010)
Sợi dây (11/01/2010)